Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Tháp Đồng Hồ Conciergerie

Sóng Việt Ðàm Giang biên soạn

Đồng hồ Conciergerie mạ vàng tuyệt đẹp gắn trên Tháp Đồng hồ của tòa nhà Conciergerie phần còn lại cũ nhất của Palais de la Cité, nằm ở giao lộ của Quai de l'Horloge và Boulevard du Palais ở quận 1 của Paris. Đồng hồ Conciergerie là đồng hồ công cộng lâu đời nhất của Pháp.
Hoàng cung của thành phố là nơi cung điện Hoàng gia đầu tiên được xây dựng tại thủ đô vào thế kỷ 14, nó gồm có tòa Conciergerie, Palais de Justice và Sainte-Chapelle.Tòa Conciergerie trước đây gần như toàn bộ tầng dưới của cung điện đã được chuyển thành nhà tù vào thế kỷ XV. Chính nơi đây, Marie-Antoinette đã bị giam giữ trước khi hành quyết. Hiện nay, phòng giam này vẫn cho phép thăm viếng và hầu hết các tòa nhà lân cận là toà nhà thuộc pháp luật.

Cầu cảng Quai d'Horloge được khởi công vào năm 1580 và hoàn thành vào năm 1611. Hồi xưa nó mang tên Quai des Spectacles do các bác sĩ nhãn khoa có cửa hàng ở đó.

Tháp đồng hồ Conciergerie từ đỉnh cao 47m, ở bờ phía bắc của Ile de la Cité nhìn ra dòng nước chảy dưới chân Pont-au-Change qua nhiều thế kỷ. Tòa tháp được xây dựng bởi Jean Le Bon từ năm 1350 đến năm 1353 tại góc của khu vực bây giờ là Quai de l'Horloge và rue du Palais, Tòa tháp thế kỷ mười bốn XIV đã chứng kiến ​​nhiều cuộc Chiến, Cách mạng Pháp, Triều đại của Khủng bố..., khiến tòa tháp trở thành điểm quan sát đặc quyền của phương châm Paris "Fluctuat nec mergitur"/ "Paris bị sóng đánh tung nhưng không chìm".

Nguyên thủy tháp được xây dựng như một tòa tháp canh gác để trông coi Cung điện Hoàng gia (sau này được gọi là Conciergerie), nó trở thành Tháp Đồng hồ "L'Horloge de la Conciergerie" công cộng đầu tiên trong thành phố vào năm 1371, qua sự ban phát của Vua Charles V (1338-1380). Được chế tạo bởi thợ đồng hồ Henri de Vic của Lorrain, đồng hồ duy trì như thế hơn 200 năm. Cho đến năm 1585, Vua Henri III (1551-1589) ra lệnh tu bổ cho đẹp hơn với một mặt số hình vuông nhiều màu có đường kính 1.5 m, chung quanh là khung mạ vàng với các thiên thần và những biểu tượng được điêu khắc bởi Germain Pilon cùng nền màu xanh và biểu hiệu Hoàng gia màu vàng. Ngoài ra chung quanh mặt đồng hồ có nhiều chi tiết liên quan đến vua Henri III và cả vua Henri II.

Trong cuộc Cách mạng Pháp, chiếc đồng hồ này bị hư hại nghiêm trọng và được Pierre-Michel Lepaute, một thành viên của gia đình làm đồng hồ Pháp nổi tiếng thế kỷ 18 và 19 đã chế tạo đồng hồ tháp truyền động bằng cơ cấu nằm ngang, phục hồi vào năm 1849.

Lần trùng tu cuối cùng dựa trên các tài liệu cổ nhất được lưu trữ trong Thư viện Quốc gia hoàn thành vào năm 2012 đã làm cho đồng hồ hiện nay nhìn rất đẹp và lộng lẫy.

Chi tiết trên mặt đồng hồ.

Đồng hồ vẫn điểm mỗi giờ, trên mặt đồng hồ là hai cây kim với các chữ số La Mã bằng đồng, kim ngắn có hình fleur-de-lys ở đầu mũi cho giờ và kim dài hình mũi tên cho phút.

Phía đỉnh cao trên cùng là vương miện vua, ngay trên hình tam giác có hai thiên thần mang cánh cầm một tấm khiên lớn có khắc hình hai huy hiệu vương miện cho Pháp (Fleur-de-Lys) và Ba-lan (Eagle). Dưới hai huy hiệu này là chữ H.

Ngay phía dưới hình tam giác và ngay phía trên đồng hồ, một dòng chữ đề cập đến Vua Henri III (1551-1589), là Vua của Ba Lan và sau đó trở thành Vua của Pháp: "QUI DEDIT ANTE DUAS TRIPLICEM DABIT ILLE CORONAM" / "Người đã được trao hai vương miện sẽ được nhận một cái thứ ba".

Hai bên khung mang chữ nói trên là hai bản khắc với hai chữ D và một chữ H lồng vào nhau.

Dưới đó, tại hai bên của mặt đồng hồ là hai người biểu tượng mạ vàng trang phục áo xanh; biểu tượng bên trái cho Pháp Luật (Law) cầm một quyền trượng và bảng chứa vài hàng chữ, biểu tượng bên phải tượng trưng cho Công Lý (Justice) cầm cái cân trong tay trái và một thanh kiếm ở tay phải.

Mặt đồng hồ mang chữ Latin từ I đến XII với số 4 viết theo lối La Mã IIII.

Bên dưới đồng hồ có một dòng chữ Latin: "MACHINA QUAE BIS SEX TAM JUSTE DIVIDIT HORAS, JUSTITIAM SERVARE MONET LEGESQUE TUERI" / "Cơ chế này chia thời gian thành mười hai giờ hoàn toàn bằng nhau giúp bạn bảo vệ công lý và bảo vệ pháp luật".

Một điểm đặc biệt đángchú ý là biểu tượng mang hai chữ khắc lồng vào nhau (chữ H và 2 chữ D).

H và D có nghĩa trong lịch sử ra sao? Điều này nếu ai đã đọc sử về vua Henri II thì có lẽ đều đã rõ mối tình của vua Henri II (1519-1559) với bà Diane de Poitiers.

Trong suốt mối quan hệ lâu dài và tình yêu bền vững, Henri và Diane đã tạo ra một biểu tượng tình yêu được khắc trên khắp Paris (ngay cả trên khẩu đại bác của Henri). Biểu tượng tình yêu này chứa hai chữ D đan xen với một đường thẳng ở giữa, tạo thành chữ H. Và đó chính là biểu tượng được Henri III, người con thứ tư của Henri II (1551-1589) đã cho đặt vào đồng hồ của toà tháp.

Tưởng cũng nên nhắc ngày nay, biểu tượng này có thể được nhìn thấy trên trần của Bảo tàng Louvre, Đài phun nước, Chenonceaux và Bảo tàng Quân sự Paris... Vua Henri II cũng đã cho thiết kế áo giáp của riêng mình với biểu tượng H-D như một dấu hiệu cho nước Pháp rằng tình yêu đích thực của ông không phải là vợ (Catherine de Medici), mà là Diane. Mặc dù họ không bao giờ có thể kết hôn, nhưng ông đã xác định rất rõ rằng Diane là người phụ nữ duy nhất của ông. Thêm một sự thật khác về mối quan hệ này là Henri rất yêu quý Diane, và coi Diane là người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời mình, ngay cả các công văn và văn bản đều được Henri cho ký với tên "HenriDiane".

Trở lại với đồng hồ tháp cổ Conciergerie.

Sau hơn 500 năm và nhiều biến cố, cơ chế đồng hồ vẫn vận hành tốt, hai kim vẫn chuyển động đều, giờ vẫn đánh đúng, và Paris vẫn sừng sững với những danh tích lịch sử của mình "Fluctuat nec mergitur."/ Sóng có đánh tung nhưng không hề chìm.

Phương tiện giao thông. Muốn ngắm đồng hồ tháp Conciergerie, có thể dùng ga tàu điện ngầm gần nhất là trạm Cité (tuyến 4) và Pont-Neuf (tuyến 7) để đi đến Conciergerie ở quận 1 của Paris. Hoặc tìm xe bus công cộng có lộ trình chạy qua khu vực này.

Sóng Việt Đàm Giang.
September 12, 2020.