Chim Việt Cành Nam  Trở về
Trang chủ
Tác giả
Ma và  chuột 
và Sao Khuê 
Sao Khuê
Sao Khuê không sợ ma. Những cái mà quý bà sợ dường như Sao Khuê không sợ. Mới thấy con chuột nhỏ xíu nhất là to đùng như chuột cống, chuột chù là quý bà rú lên rồi co vội cẳng lên ghế. Sao Khuê nhớ hồi học đệ nhị Gia Long mà tức cười. Có con chuột xíu bò ngang, thế là cả lớp kêu la rầm trời, bao nhiêu cái cẳng thu hồi, con tim lại cũng rối bời như chân. Cả lớp la, thầy giáo lớp bên chạy sang, lắc đầu!

Di cư vào Nam từ một làng nhỏ nên gia đình Sao Khuê mất sạch sành sanh: nhà cửa, ruộng vườn, đất đai, mồ mả tổ tiên v..v... Vào Nam, ba mẹ Sao Khuê thuê nhà rồi mua luôn ở hóc bà Tó, tận ngã tư Cây Quéo (Sao Khuê tìm hoài không thấy cây nào quéo hết). Một tối, Sao Khuê đọc báo trên gác xép, tờ báo tuột tay, bay xuống. Sao Khuê cũng tuột cầu thang xuống lượm, việc chỉ trong chớp mắt thế mà có con chuột đã chạy ra giành đọc, liền cắn vào tay Sao Khuê. Chí một cái. Đau. Nhưng đau hơn là sau đó trong 14 ngày Sao Khuê phải trình diện ở viện Pasteur để chủng ngừa. Chủng ngừa dại được chích chung quanh bụng như chích insuline vậy đó (chích nhiều thuốc dại hèn chi Sao Khuê dại). Sao Khuê là khách thường xuyên của viện Pasteur vì sau đó, chả hiểu đại hạn tử vi có gì mà Sao Khuê còn bị chó quen cắn!

Khoảng 10 năm sau nhà Sao Khuê dọn về một hóc khác, thăm thẳm hơn là đường... Vạn Kiếp. Nhà nằm trong khu vườn rộng có tre, có trúc, có cây cao bóng mát và dĩ nhiên có chuột. Nhiều chuột, toàn chuột cống rất bự và ...

Sao Khuê thì học thi quanh năm nên thức khuya. Để ánh đèn không làm ba ngủ phòng kế bên chói mắt, Sao Khuê rút xuống bếp học bài. Đêm khuya tĩnh mịch, chỉ còn tiếng côn trùng rỉ rả, Sao Khuê yên tĩnh nhét bài vào cái đầu hay lang thang.... Kìa, hắn bò ra, to và mập ú nụ. Chuyện, thức ăn đầy ra trong cống nổi (nổi vì xóm nhà lá, chính phủ chưa đào cống tới, chưa có ống nước, chúng tôi dùng nước giếng). Hắn mập và đen. Hắn khựng lại. Hắn nhìn Sao Khuê. Hắn nghĩ Sao Khuê là đối thủ cạnh tranh của hắn. Hắn đen thù lù. Hắn xấu hoắc. Hắn dương mắt nghinh Sao Khuê. Từng bị chuột cắn nên Sao Khuê nghinh lại hắn. Hắn quay vào....Hừ, hắn lại bò ra. Sao Khuê bực mình, đứng dậy lấy cây chổi đuổi. Hắn trốn vào rồi hắn lại bò ra...

Hôm sau có con chuột nhắt, hắn định cắn chân Sao Khuê. Còn lâu Sao Khuê mới chịu thua. Sao Khuê kiếm chổi đập. Hắn chạy vào rồi lại chạy ra, tính cắn Sao Khuê. Tức mình, Sao Khuê rượt theo, đập lia lịa...Đêm đó và những đêm tiếp theo, hắn hay bà con dòng họ nhà hắn theo Sao Khuê vào tận giường. Hắn cắn mùng, chui vào giường tính cắn Sao Khuê. Lại đập, nhỏ em ngủ bên rúm người lại. Hắn không bị đập chết và tiếp tục quấy rầy thêm nhiều đêm đến khi thấy hắn Sao Khuê đành ngó lơ vì nghĩ hắn thành tinh rồi, còn lâu mình mới là đối thủ và rồi thì hắn để Sao Khuê yên. Lạ một điều là trong thời gian này ba Sao Khuê gặp rắc rối, những kẻ tiểu nhân muốn giành chức tìm cách đẩy ba Sao Khuê về dạy tại Saigon.Từ đó thấy chuột Sao Khuê cũng...âu yếm ngó lại và Sao Khuê lo học bài, rút cẳng lên divan để không bị hắn cắn. Hắn ra vào thong thả.... Dần dần một con, rồi lát sau một con. Chúng coi như nhà chúng, tự do ra vào.

Sang Canada thì Sao Khuê không nhường chuột nữa. Do bỏ vãi thức ăn vặt khi xem phim dưới basement, chuột theo ống cống bò vào, Sao Khuê phải mua bẫy mà giết. Một lần người thuê nhà bê bối, để thức ăn dư qua đêm khiến con chuột nhắt vào, khi hết thức ăn, nó ở lại gặm gần hết cuốn niên giám điện thoại to hơn quyển tự điển để tránh lạnh! Có một loại bẫy chuột, không làm chuột chết mà giữ nó dính cứng lại trên tấm bìa khi chuột bò vào ăn fromage dán trên bẫy khiến chuột không ra được. Chuột rất sợ hãi, rít lên tiếng báo động và sau đó họ hàng nhà chúng không dám héo lánh một thời gian dài. Tóm lại quý vị không muốn có chuột thì đừng để vương vãi thức ăn qua đêm trong nhà, cống cần đậy kín hay nuôi con meo meo là chuột chạy nhưng đừng cho mèo trèo cây cau, gặp mắm muối chuột giỗ cha chú mèo nhé.

Nhưng... năm nay, 2020 là năm con chuột. Từ đầu năm đến nay, mười tháng qua mà bà cô Vít vẫn hoành hành. Năm nay là năm con chuột chù, nhân loại khốn đốn, khốn khổ và chưa biết tương lai đi về đâu..

...Coi chừng! Có chuột !

Sao Khuê biết ngay mà, các mợ nhanh chóng tự động rút cẳng lên ngồi theo thế nước lụt như đang lũ lụt ở miền Trung. Có mợ đang xem phim cạnh chàng đã vội lợi dụng tình thế:

- Anh ơi! Em sợ ...

Nào, các mợ muốn sợ thì tắt phim nghe truyện ma. Không phải truyện bịa mà là truyện ma nhà Sao Khuê.

Khi dọn về cây Quéo, hàng xóm hù là nhà có một thiếu nữ từng treo cổ tự tử. Sao Khuê liếc nhìn, cái dóng thấp chủn, không chết nổi đâu nhưng qua khỏi dãy nhà 10 căn mà Sao Khuê ở, là một cái nghĩa địa cũ. Nghĩa địa này xưa lắm rồi, chưa hề có ai đến thăm mộ nên những bụi sả và hoa ti gôn mọc dại um sùm. Người ta dựng nhà chung quanh nghĩa địa. Người ta sống chung với ma nên chẳng có ai buồn sợ ma nữa. Tuy vậy ban đêm mà phải đi ngang nghĩa địa cũng lạnh xương sống, hai tay cũng phải bắt ấn để ma khỏi dấu vào bụi rậm.

Một tối, mẹ sai đi rót nước. Sao Khuê ghé mắt nhìn qua khe cửa nhà bếp và tay thì với contact bật đèn:

- Ah!

Sao Khuê hét to. Qua khe cửa, trước ông lò là một cụ tóc bạc đang khều than!

Mình hoa mắt? Sao Khuê nhìn lại thì thấy không còn ai. Lạ nhỉ? Hay ông ngoại về? ông ngoại mới mất trước khi di cư, chưa được hai năm. Nghĩ vậy nên Sao Khuê bình tĩnh mở đèn, rót nước cho mẹ nhưng tới giờ Sao Khuê vẫn nhớ rõ hình ảnh đêm đó và không hiểu là ông ngoại hay ông Táo ngồi đó...

Có lẽ vì cứng bóng vía nên từ đó Sao Khuê không còn thấy ...ma cho đến khi Sao Khuê lấy chồng. Mẹ chồng mua căn nhà lầu đúc dở dang gần trường đua Phú Thọ tính mở nhà thuốc. Nhà đúc, rộng và dài, có gác lửng béton, chỗ vợ chồng Sao Khuê và mẹ con bà người làm ngủ, có cầu thang lên sân thượng. Chủ cũ tính lên lầu nên còn để dở dang. Một hôm, khỏang 10 giờ sáng, Sao Khuê, sau khi đưa bình sữa cho con bú, quay lại lau bàn thì thoáng thấy sau lưng có bóng người đàn ông trẻ lên cầu thang để lên sân thượng. Nhà có hai nguời đàn ông đi làm hết mà sao lại có đàn ông vào nhà?

- Chết thật! dưới nhà lại quên kéo cửa sắt rồi.

Sao Khuê lao xuống dưới thấy cửa sắt vẫn đóng nên chạy vội ngược lại lên sân thượng. Trống trơn, không có một ai. Sao Khuê nghĩ mình hoa mắt. Tuần sau, dẫn con sang chơi với chị bạn ở xê xế đối diện thì được biết căn nhà này trước là tiệm cơm, khi có một vụ cãi vã xảy ra thì có một người lính đã bị bắn chết trong tiệm và ổng về hoài. À, Sao Khuê nghĩ, chắc là ông lính này hiện về nên chỉ lẳng lặng thắp nhang khấn cho ông siêu thoát...

...Năm 1974 Sao Khuê mua được căn nhà nhỏ ở đường Tự Đức, góc Nguyễn bỉnh Khiêm. Khi đến xem, Sao Khuê thấy nhà lạnh lẽo, có âm khí, trong nhà lại có trẻ tật nguyền, theo lẽ không nên mua nhưng do vị trí quá tốt của căn nhà nên Sao Khuê mua và mua hớ do ông xã không biết trả giá. Sao Khuê ở đó, gần nhà hai bà cô và nhà chú thím chồng, nhất là gần sở làm của ông xã, gần sở thú cho con chơi và từ đó về ngoại, bên Gia Định cũng gần xịt.

Hàng xóm kể lại là ông chủ nhà cũ từng chạy xe tải và chết trong nhà này. No problem! Sao Khuê đâu có sợ ma...Sau tháng 4 năm 1975, bà dược sĩ, sáng thì chế sữa đậu nành bán cùng cà phê với bà Giáo, bà ngoại lũ trẻ, ăn trưa xong thì đạp xe đi gõ đầu trẻ.

Cái cửa ra vào là cửa sắt, Sao Khuê không dám để kính sợ mau bể, để mica, ai dè tụi trẻ trong xóm cũng làm bể vài lỗ nhỏ. Sau 1975 "tiên khồng", nên đành để vậy khiến từ ngoài cửa nhìn vào trong nhà được và có thể thấy cả bếp qua một cửa sổ khác nhưng may là giường ngủ bị tường che khuất. Buổi trưa hôm đó, sau khi bán sữa và đi chợ về, Sao Khuê nhìn qua khe cửa bị bể thì hết hồn vì dưới bếp có một ông già, cỡ sáu mươi tuổi, mặc bộ bà ba mới, tươm tất, áo dài qua mông. Cụ đứng nghiêng nên không rõ mặt. Sao Khuê liếc nhìn khoá cửa. Còn khoá, chứng tỏ chưa có ai vào nhà. Thoáng cái, bóng cụ già cũng biến mất. Sao Khuê biết ngay tức khắc là ông chủ cũ của căn nhà, người ta thường gọi là ông tiền chủ. Tuy không bao giờ Sao Khuê thấy lại lần nữa nhưng linh tính cho biết là ông vẫn ở đó. Ông còn về ra mắt con gái Sao Khuê nhưng cũng như Sao Khuê, con gái chả biết sợ ma là gì, cháu cũng thấy y hệt như mẹ, một cụ già mặc áo trắng và ông bạn kế bên cũng thấy y chang. Ok, chúng mình sống chung, ông ở nhà coi nhà khi Sao Khuê đi bán hàng nhé. Sao Khuê đóng một cái kệ trên tường, để bát nhang và hàng ngày ăn gì cúng nấy.

Nhiều lần Sao Khuê thử vượt biên, tiền mất, tầu chưa xuống. Sao Khuê đóng tiền đi bán chính thức bằng tiền vay từ Canada và Mỹ gửi về, tổng cộng bẩy ngàn. Tiền đóng xong, lệnh cấm ra khơi vì quốc tế phản đối mạnh nên mất thêm một mớ chăn mền gửi trước trên tầu đậu ở Vĩnh Long.

Bên Canada gửi về cho Sao Khuê ba lần giấy bảo lãnh. Một lần ngay khi Mỹ đang cho di tản với lời dặn: "Chờ ở nhà, Canada sẽ giúp di tản như Mỹ". Lần thứ hai và lần ba khoảng 4, 5 năm sau. Sao Khuê nộp hồ sơ xin đi chính thức. Nằm trong diện "trí ngủ" nên Sao Khuê phải chạy chọt, mất khá mà nhích lên tới ngoại vụ thì nằm yên. "Chạy" tiếp vì hồ sơ đưa ra Bắc và nằm yên đó. Điên người lên vì lo, Sao Khuê chợt nhớ ra ông tiền chủ. Thôi chết rồi! ông ỉm hồ sơ vì muốn mình ở lại cúng ổng hàng ngày. Sắm sửa lễ hậu, Sao Khuê khấn ông:

- Ông ơi, ông giúp gia đình chúng tôi ra đi, cho hồ sơ được xét, được chấp thuận để chúng tôi qua được Canada. Tôi không bán nhà đâu. Tôi để lại cho em ở và họ sẽ cúng ông hàng ngày như tôi vậy.

Chẳng biết ông linh thiêng hay thiên mã động, Sao Khuê lên đường , tới Canada giữa mùa đông 1985, sau mười năm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội với mười hai ngàn tiền nợ bà con cùng năm ngàn nợ hãng máy bay ...

Ông tiền chủ ấy à? Ông không tiễn đưa và không có xuất-nhập cảnh nên không theo Sao Khuê đi Canada được.Viết thơ về Sao Khuê vẫn nhắc các em cúng....Sau này gặp lại, cô em dâu cho biết:

- Em không nhìn thấy ông nhưng em có cảm giác ông vẫn ở đó cho tới một ngày, không mưa, không gió, không ai làm gì mà bát nhang thờ tự nhiên lăn xuống đất, vỡ tan tành và em cảm thấy ông đã rời đi nên không cúng nữa ...

Thế là ông ấy đã hết vấn vương căn nhà cũ mà đi đầu thai ?..

- Hết chuyện ma rồi hả? Đâu có gì mà hù ?

Hết thì chưa hết đâu nhé .

Bây giờ mời quý bà theo Sao Khuê sang Thailand. Thailand có những hòn đảo, đảo gọi là ko hay koh, nổi tiếng là Koh Samui. Đây là nơi nghỉ mát lý thú. Chúng tôi đến Ko Samui sau khi du lịch Myanmar.

Khách sạn trên ngọn đồi thấp, kiến trúc đẹp, sang, hữu tình với các hồ nước, màn che trướng rũ. Phòng hai vợ chồng Sao Khuê rộng nhưng hai giường cách nhau bằng table de nuit trên có đèn đêm. Tắt đèn đi ngù. Sao Khuê đang ngủ thì đèn sáng, Sao Khuê bèn càu nhàu:

- Làm ơn tắt đèn cho người ta ngủ.

Thấy im lặng, Sao Khuê trộc dậy thì thấy ông xã đang ngáy phò phò. Sao Khuê thò tay tắt đèn. Mười lăm phút sau đèn lại bật sáng. Lại tắt, lại sáng.. lại tắt, lại sáng ...

- Bộ ma hả.

Tuy nói thế nhưng Sao Khuê nghĩ là chạm điện. Không cách nào tắt được Sao Khuê lấy bao rác đen trùm đèn lại và ngủ đến sáng. Đèn vẫn sáng...khi đó mới tắt luôn được.

Cu Út nhà Sao Khuê thích vào những hotel sang trọng bằng các tích lũy points nên sáng sau dời qua hotel khác. Resort này còn đẹp hơn nữa, rộng và có nhiều tầng, không phải lầu mà mỗi tầng dựa vào đồi, lối vào trồng trúc rất nên thơ và rải rác lại có tủ kem, muốn ăn cứ việc lấy thoải mái và kem rất ngon, tiếc là mình muốn uống nước dừa thì phải ra chợ hay chờ bữa cơm mới có. Vì resort rộng nên đi đâu ngay trong resort cũng phải điện thoại kêu shuttle nếu không muốn mỏi chân. Chính ở nơi đây Sao Khuê tập ăn sầu riêng để rồi mê luôn. Trái cây gì ở đây cũng ngon và nước dừa, chưa đâu ngon bằng koh Samui. Măng cụt đổ thành núi. Mận, xoài đầy chợ hay trên những xe ba bánh bán dạo. Sao Khuê thấy có vỉ sầu riêng chín cây vàng ươm nên mua cho ông xã. Khi mua sầu riêng quý vị nhớ gửi reception, không được tự ý mang về phòng. Trước khi ăn, điện thoại cho họ, họ sẽ mang đầy đủ dao muỗng ra một góc lồng lộng gió biển cho mình ăn. Ông xã không thể nào ăn hết nên Sao Khuê nhắm mắt bịt mũi cho vào miệng. Í..ẹ , sao nó ngon ngọt thế nhỉ, vậy là nàng ta tì tì làm hết ba múi bự.

Hotel quá đẹp nhưng bãi tắm quá dở, đầy sạn nên lại dọn về chỗ cũ:

- Tôi không lấy phòng hôm trước đâu nhé. Phòng này có ma đấy.

Họ cười và cho phòng khác.

Sao Khuê ở lại đây, được con chở moto chạy nước ngắm nửa vòng đảo từ ngoài biển.Tuyệt vời hơn nếu những trái măng cụt trên cây chín ăn được.

Sau này Sao Khuê nghe họ kể là ở một khách sạn nào đó, sau khi tắm biển về, người thuê thấy có một cháu trai nhẩy dỡn trên giường và cười khanh khách, nghe nói cháu bị chết đuối ở đấy và thường hiện về phòng cũ đùa dỡn.

Đèn tắt lại sáng, ma hay không, Sao Khuê không rõ, xin các vị biết điện giải thích dùm là đèn cứ tự động bật sáng nhiều lần sau khi đã tắt, có hay không?

- Hết ma chưa?

- Dạ chưa.

Mới đây, mùa dịch Covid năm 2020, trong một tuần Sao Khuê mất hai người bạn, ra đi vì Covid.

Đầu mùa dịch, chị bạn cùng khoá, cùng tên M là dược sĩ Huỳnh M ra đi. Xuân M gọi báo tin mà Sao Khuê (tên thật là Quỳnh M) cứ tưởng nghe nhầm, Sao Khuê lắp bắp hỏi đi hỏi lại hoài:

- Sao Khuê ơi, Huỳnh M mất rồi, mất hai bữa trước mà ai báo tin còn lộn, viết thành tên bồ nữa.

- Ủa? tại sao vậy? ai mất? mà tại sao mất? Huỳnh M à?

Có thiệt không bà? Bà ấy vừa nói chuyện với mình hai tuần trước xong, vui vẻ khoẻ mạnh mà. Bà ấy đâu có triệu chứng gì bệnh đâu? Lạ quá? Ah, hay là bị tim?
Sao Khuê hỏi một hồi làm chị bạn:

- Mình cũng không rõ, thôi bồ mở e- mail ra mà xem.

Quả thật là Huỳnh M đã qua đời!

Thế nào ba người bạn thân bên Mỹ của Huỳnh M cũng sẽ hỏi tin. Sao Khuê gọi cho chị dâu của Huỳnh M để xin số điện thoại người con gái ở cùng, Sao Khuê lại biết thêm là con rể ở cùng nhà (duplex), làm nhà thương bị lây Covid, hiện đang nằm nhà thương, cả nhà đang tùm lum nên chị R đưa Sao Khuê một số điện thoại của một người em.

Eo ôi, thật là kinh khủng, cả nhà bị nhiễm Covid, rể thì mê man, cháu ngoại trai được cho về cách ly và tự điều trị ở nhà, cháu ngoại gái đang nằm nhà thương nhi đồng mà con gái hàng ngày ra vào. Sao Khuê được biết là Huỳnh M, sau vài bữa bị tiêu chảy, đã bị té xuống rồi ra đi luôn khi múc cháo ăn, lúc này bên HM có một cháu ngoại khác trông nom.

Sở dĩ Sao Khuê phải kể dông dài vì ....

Sau khi báo cáo tình hình cho bạn thân của Huỳnh M bên Mỹ, gửi đi một bản phân ưu qua e- mail thì tối đó Huỳnh M ...về thăm.

Trước khi đi ngủ, Sao Khuê đã tắt máy computer lớn ( I – mac) nhưng không "turn off" như mọi lần mà chỉ để máy "sleep". Nửa đêm, đang say giấc, một tiếng kêu và đèn computer sáng lên. Lạ thật và bực mình do sợ sẽ không ngủ lại được, Sao Khuê mò cái nút sau computer để tắt điện cho tiện. Tha hồ nhấn nút, máy vẫn sáng!

Sao Khuê bèn rút đại dây cắm chỗ ổ điện để mau mau ngủ lại.

Sáng sau, đột nhiên Sao Khuê nghĩ rằng Huỳnh M muốn nhờ mình việc gì. Gia đình con gái đang bịnh. Sao Khuê gọi để biết thêm chi tiết. Cũng lại một trùng hợp lạ lùng là vài ngày trước một chị bạn dược sĩ cho biết có một gia đình bị nhiễm Covid cả nhà và họ chỉ dùng aspirin liều cao mà qua khỏi. Có lý lắm! vì khi dính Covid, máu bị đông gây biến chứng tùm lum. Sao Khuê gọi cho con gái thứ hai của Huỳnh M và nhắn cho cả nhà uống aspirin và cả ba mẹ con qua khỏi...

Cách đây chừng hai ba năm, nhị độ mai chúng tôi có tiếp một người bạn rất thân của Huỳnh M từ Mỹ qua. Nhân dịp gặp nhau này chúng tôi lại nói về một người bạn cũng tên M đã ra đi ngay từ khi mới học năm thứ hai dược khoa. Phương M, Mỹ L, Tố L , Huỳnh M là bốn người bạn rất thân từ thời trung học. Khi lên đại học họ cùng chọn dược khoa và lúc nào cũng học bài chung với nhau. Ngày hôm đó thư viện bị trưng dụng làm phòng thi mà Phương M không biết nên phải trở về. Khi vừa quẹo cua Cường Để- Thống Nhất thì Phương M bị một chiếc xe gắn máy mobylette tông vào té xuống đất mê man, được chở đến nhà thương Đô Thành và ra đi đêm đó do cục máu đông trong não. Mỹ L kể:

- Phương M hứa với mình là sẽ mang quần áo đến, học bài chung và ngủ lại. Phương M vẫn ngủ lại nhà và hay giả ma núp sau màn cửa sổ để nhát mình...

- Sau đám táng thì chị em về. Đêm tối em thấy lục đục, mở mắt ra thì thấy chị Phương M đang lục tủ quần áo. Em hỏi "chị làm gì thế" " tao kiếm mấy bộ đồ mang theo đến nhà Mỹ L ngủ. À, thế còn cái xe velo solex của chị thì sao?

Em của Phương M tiếp tục kể, em trả lời: "Má buồn quá không muốn giữ lại nên bán đi rồi" thì chỉ trả lời "uổng quá vậy sao không giữ lại cho mấy em xài. Thôi chị đi đây"...

Mỹ L kể tiếp:

- Sau khi mình có con thì Phương M có đến thăm mình một lần. Thằng nhỏ lúc đó được 2, 3 tuổi cứ chỉ vào cái màn cửa sổ chỗ Phương M hay núp và nói "má ơi, má đuổi cái cô đó đi, cô đó cứ nhìn con cười hoài à, má đuổi cổ đi, con sợ quá." Mình nhìn ra màn cửa và nói "Bồ ơi, bồ đi đi, bồ đừng có nhát con tui nữa", thì từ đó về sau không bao giờ Phương M về nữa

Tuần sau Sao Khuê lại mất một anh bạn lâu năm khác ... Anh bị Parkinson từ lâu, vào nhà già tư nhân cũng cả chục năm. Tuy bệnh hành nhưng anh tự lo sổ sách giấy tờ trợ cấp, trợ giúp, nhà cửa, họp bạn...Tới một ngày anh bị té. Anh thường xuyên bị té ngã nhưng lần này là do anh đã quá vội vàng đỡ một người già khác bị té từ trên xe lăn mà té theo. Anh Đào là người thích lo cho người khác. Anh ở trong nhà thương khá lâu và sau cùng bác sĩ không cho anh về lại nhà già cũ nên đành phải xin vào nhà già công để có chỗ săn sóc đầy đủ, nơi đây anh đã bị Covid chiếu cố và do cơ thể của anh đã quá suy yếu sau nhiều năm kháng cự với bệnh, anh ra đi sau vài ngày mê man có con trai duy nhất luôn túc trực trong phòng trong bộ quận áo bảo hộ như phi hành gia. Bạn bè xa gần ai cũng rất quý mến anh. Sao Khuê có làm một bài phúng điếu theo thể điếu văn gửi đăng báo và gửi đến các bạn. Các bạn đã rất thích bài điếu này. Một buổi tối Sao Khuê đang lướt trên máy thì đột nhiên thấy hình anh Đào hiện ra trên màn hình của iPad. Sao Khuê hoàn toàn không để ý, cứ nghĩ là mình đẩy nút nhầm nhưng hôm sau Sao Khuê ngờ ngợ:

- Lạ thật, ông này bị Parkinson, tay chân run rẩy làm sao vào facebook được ?

Sao Khuê vào facebook, tìm tên anh, dược sĩ Đào. Anh có tham gia nhưng rất ít bạn và đặc biệt không có tấm hình nào! Thế thì ở đâu ra trên màn I pad, anh Đào với nụ cười tươi rói?

- Thôi tôi hiểu rồi, anh về cảm ơn tôi đã làm bài văn điếu. Chúc anh sớm về xứ Phật, không còn bị bệnh hành hạ nữa nhe....

Mấy tháng rồi các bạn không còn về thăm Sao Khuê nữa, chắc người hiền về cõi Phật cả rồi ....

Thành thật, Sao Khuê ...thích thấy ma xem ra làm sao, nhưng quý ma ơi có đến thì đến ban ngày, chớ đến ban đêm. Quý vị le lưỡi đỏ lòm, Sao Khuê dám tưởng là kẻ xấu giả ma mà búa cho một cái đấy nhé. Đêm tối, quý ma đừng thò đầu ở cửa sổ mà hù Sao Khuê đấy nhé, Sao Khuê không sợ nhưng sẽ ớn lạnh, xỉu luôn à nghe, hơn nữa nhà Sao Khuê đầy tỏi, người ta nói quý ma sợ tỏi phải không?