Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Cần phân biệt 
vân vân (v.v.) & chấm lửng (...) 

Phanxipăng

Trong văn bản tiếng Việt, 
vân vân (v.v.) và dấu chấm lửng còn gọi dấu ba chấm
                                                 (...) thay thế nhau được chăng? 
Xin đáp ngay: chẳng được.
Thực tế lâu nay, khá đông đồng bào Việt Nam – mà trong đó có nhiều người thuộc giới trí thức gồm nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, v.v. – chưa biết dùng dấu lửng / dấu chấm lửng / dấu ba chấm (...)vân vân (v.v.) một cách rành rẽ, thậm chí lắm trường hợp nhầm lẫn quá ư buồn / tức / mắc cười. Về vấn đề này, GS. ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo từng viết bài Vân vân (v.v.) và chấm lửng (...) đăng tạp chí Ngôn Ngữ & Đời Sống số 1 (51) ra đầu năm 2000, rồi in trong sách Tiếng Việt – văn Việt – người Việt (NXB Trẻ, 2001, trang 209-211). Dựa theo đó, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của vân vânchấm lửng, cùng cách dùng hai yếu tố ấy.

Vân vân (v.v.)

Trong tiếng Việt, vân vân (v.v.) có ý nghĩa và cách dùng y hệt các ký tự sau trong nhiều thứ tiếng:

* Anh, Ý, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha: etc. / etc / &c. / &c (et cetera)

* Tây Ban Nha: etc (etcétera)

* Pháp: etc. (et cætera)

* Nga: и т.д. (и так далее)

* Hoa: 等等 được bính âm phát "děng děng", âm Hán-Việt phát "đẳng đẳng".

Những ký tự / từ ngữ này đều mang nghĩa: và những thứ khác / và những việc khác / và những người khác / và những thứ tương tự / và những người tương tự / và những việc tương tự / và cứ thế mà tiếp.

GS. Cao Xuân Hạo nhận xét: "Những từ ngữ ngoại quốc nói trên, cũng như vân vân trong tiếng Việt, do chính ý nghĩa từ vựng và công dụng của nó, đều được dùng như một ngữ đoạn bình thường có quan hệ đẳng kết (kết hợp đẳng lập) với các ngữ đoạn đi trước, và sau đó có thể có bất cứ thứ dấu chấm câu gì (phẩy, chấm phẩy, chấm, hai chấm, chấm hỏi, chấm than, gạch ngang) hoặc tiếp tục câu không có chỗ ngưng nghỉ, nghĩa là không có dấu chấm câu gì hết. Trong tất cả các thứ tiếng nước ngoài mà ta biết rõ, tình hình đều như thế. Vậy thì tại sao chỉ riêng trong tiếng Việt có một cách xử lý khác như đã nói trên? Có 2 nguyên nhân chính: 1 là nghĩa của hai chữ vân vân không rõ lắm; 2 là khi viết tắt là v.v. mà sau đó lại có 1 dấu chấm hết câu (v.v..), nhiều người đếm nhầm 2 dấu chấm ấy thành 3, thành 1 dấu chấm lửng."

Trong thư tịch vừa dẫn, GS. Cao Xuân Hạo đưa 7 ví dụ dùng vân vân (v.v.) "đúng chuẩn", lưu ý dấu câu ngay sau đó.

a. Ai đã phát minh ra những khí cụ ghi âm như băng từ, thanh phổ ký, v.v.?

b. Mọi người: Thầy Nam, thầy Bình, cô Thi, v.v. đều tán thành.

c. Rất, hơi có thể kết hợp với những vị từ như yêu, thương, buồn, giận, v.v..

d. Phải gọi cả Minh, Định, Thành, v.v. đến dự nhé!

e. Không thể thiếu tổ 4 – Minh, Định, Thành, v.v.: họ phải làm chứng chứ!

f. Muốn thế cần gì phải học ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, ngữ nghĩa, vân vân và vân vân?

g. Nó đi chợ mua thịt bò, rau cần, v.v. về làm món xào.

Chúng tôi nêu đôi nhận xét:

  1. Các ví dụ b, d, g giống nhau về cách sử dụng v.v.. Vậy chỉ cần 5 ví dụ là đủ.
  2. Vân vân và vân vân (v.v. & v.v.) cố ý nhấn mạnh, là cách dùng khá thú vị, song tránh lạm dụng.
Chấm lửng (...)

Dấu lửng / chấm lửng (...) là ký hiệu được dùng để "đánh dấu một chỗ ngừng của người nói, cho biết rằng câu nói chưa hết (vì bị ngắt lời chẳng hạn), hoặc khi có sự phân vân hay ngần ngại khiến cho người nói thấy khó nói hết câu."

GS. Cao Xuân Hạo ghi nhận vậy trong bài Vân vân (v.v.) và chấm lửng (...), đoạn nêu đôi ví dụ:

a. - Này! Tôi cho anh biết một chuyện bí mật của cô...

- Thôi đi, tôi không nghe đâu.

b. Anh mà cũng thế thì thật là...

GS. Cao Xuân Hạo lưu ý: "Dấu chấm lửng không thể dùng sau v.v. nếu không muốn nói rằng câu chưa kết thúc, cũng không thể thay cho v.v. để nói rằng "còn những thứ / những việc / những người khác nữa"".

Vậy tránh viết vân vân...v.v...

Tập 1 Từ điển bách khoa Việt Nam (Hà Nội, 1995) còn cho hay: "Có khi dấu lửng chỉ thuần túy ghi lại chỗ kéo dài của âm thanh."

Bởi chẳng phân biệt vân vân (v.v.) với dấu chấm lửng (...) nên rất nhiều người thuộc nhiều thế hệ bị "hội chứng" lạm dụng dấu chấm lửng. Có tác phẩm chất chồng chấm lửng và chấm lửng, há lẽ tác giả phân vân hay ngần ngại thường xuyên liên tục?

Nên thêm rằng dấu chấm lửng đặt giữa 2 dấu ngoặc đơn (...) dùng ở những chỗ lược bớt khi trích dẫn trực tiếp. Chẳng hạn: "Thi sĩ thật là một người khác thường. (...) Vì thi sĩ đã chán biết ở trên cõi đời thực tế này, không có gì là công bằng, nhân đạo, không có gì là đáng ca tụng, yên vui! (...) Kìa! Thi sĩ đã run rẩy cả người rồi! Thi sĩ đã điên tiết lên rồi!" (Trích Chế Lan Viên – một thi sĩ "điên" của P.T. tức Phong Trần tức Hàn Mạc Tử đăng trên báo Công Luận số 7800 ra ngày 9-9-1938).

Cũng nên biết rằng dấu chấm lửng còn được khéo léo sử dụng, tạo nên biện pháp tu từ, thường chấm-chấm-chấm trước khi người viết đưa ra những gì bất ngờ, gây ấn tượng mạnh. Có thể dẫn nhan đề vài phóng sự của Phanxipăng đã đăng báo, in sách, để làm ví dụ:

* Em ơi! Hà Nội... quà
* Những cô giáo không chồng mà... đông con
* Sống & làm việc với... người đã khuất.

Bài đã đăng trên báo Giáo Dục Và Thời Đại số 5, 
ấn hành ngày thứ hai 6/1/2020