Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Chủ báo của Hàn Mạc Tử : 
dị nam, kỳ nữ Bút Trà

Phanxipăng

Đây là 1 trong 28 chương sách Bí mật Hàn Mạc Tử của Phanxipăng 
sắp xuất bản, nay xin giới thiệu trước trên Chim Việt Cành Nam 
nhân dịp kỷ niệm tròn 80 năm Hàn Mạc Tử ly trần (1940-2020).
Hàn Mạc Tử rất quý chuộng báo chí, đến phút ly trần vẫn là nhà báo yêu nghề. Tuy nhiên, Hàn hoạt động báo chí gọi là "chuyên nghiệp" với thời gian ngắn: vào Sài Gòn từ tháng 7/1935, đến tháng 10/1936 thì trở về Quy Nhơn, ngay sau chuyến làm phóng viên theo phái đoàn báo chí đi tàu lửa dịp khánh thành đường sắt xuyên Việt vào đầu tháng ấy. Giai đoạn đó, chỉ một năm rưỡi, Hàn chủ yếu làm thầy cò / correcteur mà việc chính là sửa chữa lỗi ấn công / morasse, đồng thời phụ trách trang văn chương trên số thứ bảy hằng tuần cho nhật báo Saigon do ông bà Nguyễn Đức Nhuận làm chủ.

Hàn Mạc Tử thuở làm báo chuyên nghiệp ở Sài Gòn. 
Tranh bột than: Hiền Minh

Đề cập thời gian Hàn làm báo ở Sài Gòn, một số người nhầm lẫn tờ nọ tờ kia vì nguyên nhân cực kỳ hy hữu: thuở nọ, tại "Hòn ngọc Viễn Đông" có 3 chủ báo cùng họ, cùng tên, cùng chữ lót, tuổi tác lại xấp xỉ nhau:

1. Nguyễn Đức Nhuận (1901-1970), gốc Bình Hòa, Gia Định; bút danh Phú Đức, nhà giáo, sau khi kết hôn với Nguyễn Thị Khanh thì nghỉ dạy từ năm 1926, tập trung làm báo và viết truyện nhiều kỳ / feuilleton thiên về trinh thám võ hiệp, chủ bút Công Luận báo, chủ nhiệm nhật báo Dân Thanh, chủ nhiệm kiêm chủ bút [1] bán tuần san Bình Dân (chuyên đăng tiểu thuyết, ra ngày thứ năm và chúa nhật hằng tuần). Phú Đức sáng tác hơn 70 tiểu thuyết, nhiều cuốn đã in thành sách, chẳng hạn Châu về Hiệp Phố (1926), Lửa lòng (1929).

2. Nguyễn Đức Nhuận (1900-1968), gốc Trà Vinh, kinh doanh tơ lụa, cùng vợ là Cao Thị Khanh (1900-1962), gốc Gò Công, điều hành tuần báo Phụ Nữ Tân Văn.

3. Nguyễn Đức Nhuận (1900-1982), sinh quán Quảng Ngãi; nguyên quán Quảng Nam; bút danh Bút Trà; cùng vợ là Tô Thị Thân (1902-1978) gốc Tân An[2], sáng lập và kinh doanh nhiều tờ báo mà chủ yếu là nhật báo Sài Thành / Saigon / Saigon Mới cùng nhà in Nguyễn Đức. Hàn Mạc Tử làm tại báo này.

Từng có thời gian, tờ Công Luận báo - ấn bản Việt ngữ của tờ Opinion tiếng Pháp - do Phú Đức / Nguyễn Đức Nhuận làm chủ bút, Bút Trà / Nguyễn Đức Nhuận làm thư ký tòa soạn. Bởi vậy, ngày 4/3/1970, Phú Đức mất, Bút Trà ai điếu bằng bài thất ngôn bát cú:

Cùng họ, cùng tên, lại một nghề,
Cùng trong tòa soạn thuở nào hê?
Bốn mươi năm trước còn ghi dấu.
Bảy chục xuân nay đã vội về.
Vắng bạn, văn đàn trông thấy thiếu,
Có mình, thế giới tưởng như nê.
Lửa lòng, Hiệp Phố, lần tay giở,
Sách đó, người đâu? Luống não nề!

SƠ NGỘ & SƠ NỊ

Nguyễn Đức Nhuận chọn bút danh Bút Trà do ghép sơn danh với thủy danh nổi bật của tỉnh Quảng Ngãi: núi Thiên Bút cùng sông Trà Khúc. Chào đời năm Canh Tý 1900 tại làng Phổ An, xã Nghĩa An[3] ở tỉnh Quảng Ngãi, Nguyễn Đức Nhuận là con của ông Nguyễn Đức Thang và bà Trần Thị Bao. Quê nội lẫn quê ngoại của Nguyễn Đức Nhuận là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Thuở bé, ở miền Trung, Nguyễn Đức Nhuận học chữ Pháp và chữ quốc ngữ trong trường, lại còn được các tiến sĩ Phạm Liệu (một trong "ngũ phụng tề phi"[4] Quảng Nam) và Đinh Văn Chấp (gốc Hà Tĩnh, làm đốc học Quảng Nam) rèn luyện chữ Hán.

Năm 1923, Nguyễn Đức Nhuận vào Sài Gòn, làm biên tập viên tờ Lục Tỉnh tân văn[5] rồi Le Courrier Indochinois / Đông Pháp thời báo. Tháng 11/1925, liên can vụ "truyền đơn chống Nam triều, chống chính phủ An Nam", nhưng Nguyễn Đức Nhuận được miễn tố. Với bút danh Bút Trà, Nguyễn Đức Nhuận không chỉ làm báo, mà còn sáng tác văn chương, chủ yếu là câu đối và thơ. Đây là cặp câu đối của Bút Trà:

Nước non cố diễn tuồng ưu liệt,
Mưa gió đâu lay chí Hộc Hồng.

Năm 1926, tờ Công Luận báo tung "đòn" nhằm gia tăng số lượng phát hành. Đề tài thuở nọ gọi là sensationelle / giật gân được Công Luận báo khai thác dài hơi: "Các tiệm cầm đồ hút máu dân, cần rút giấy phép kinh doanh." Từng tiệm cầm đồ ở Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn lần lượt bị "lột mặt nạ và lên án". Theo hồi ký 10 năm làng báo Sài Gòn 1927-1937 của nhà báo Ngọc Long tức Nguyễn Kim Lượng (con trai của Nguyễn Kim Đính từng chủ nhiệm Đông Pháp thời báo rồi Công Luận báo một thời) đăng nhiều kỳ trên nhật báo Đuốc Nhà Nam năm 1969 và 1970 thì thuở nọ, Công Luận báo "đã gãi nhằm chỗ ngứa của đồng bào nên được độc giả hoan nghênh vô cùng". Nhiều tờ báo khác cũng ào ạt triển khai theo đề tài ăn khách này, tạo cơn cuồng phong thông tấn. Các chủ tiệm cầm đồ gốc Hoa liền cử thím Xồi - một phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hoa kiều làm chủ 20 tiệm cầm đồ - đến tòa soạn Công Luận báo nhằm gặp lãnh đạo cơ quan ngôn luận này để tìm biện pháp hóa giải ổn thỏa.

Như đã nêu trên, tòa soạn Công Luận báo bấy giờ có 2 người cùng họ, cùng tên, cùng chữ lót, cách nhau 1 tuổi, chỉ khác bút danh. Ngay trước thời điểm hẹn gặp thím Xồi, chủ bút Phú Đức / Nguyễn Đức Nhuận bàn với thư ký tòa soạn Bút Trà / Nguyễn Đức Nhuận:

- Đã nhận giấy mời của dinh Thượng thơ, giờ tôi phải tới đó dự tiệc. Lát nữa, có thím Xồi từ Chợ Lớn tới, hỏi chủ bút Nguyễn Đức Nhuận, ông cứ gật đầu, thoải mái tiếp bả nha. Ông cũng Nguyễn Đức Nhuận mà.

Dinh Thượng thơ là cách nói quen thuộc thuở nọ nhằm chỉ Nha Nội vụ, cơ quan giúp việc cho Thống đốc Nam Kỳ. Bút Trà hỏi:

- Nhỡ bả hổng tin thì sao?

- Sao lại hổng tin? Tìm đến tòa soạn của mình, chứng tỏ bả tin. Nếu bả nghi ngờ, ông đưa danh thiếp, cần nữa thì ông rút thẻ thuế thân đưa bả coi có phải Nguyễn Đức Nhuận không.

- Thực ra, họ tên quá dễ, nhưng lỡ bả yêu cầu gì, thư ký tòa soạn đâu đủ thẩm quyền giải quyết?

- Bả là thím Xồi, chủ hai chục tiệm cầm đồ, đến tòa soạn làm gì? Đề nghị mình ngưng loạt bài nóng sốt.

- Ối! Việc tày đình! Làm sao tớ dám múa lưỡi?

Phú Đức cười:

- Đại tá Sée vừa lịnh tôi chấm dứt loạt bài đánh đấm các tiệm cầm đồ. Vậy tôi giao ông trọn quyền phát biểu và hành động để thỏa lòng thím Xồi, với điều kiện nào cũng được.

Đại tá Sée, người Pháp, chủ nhiệm Công Luận báo, ra lệnh vậy thì Bút Trà ứng xử "thoải con gà mái".

Thím Xồi xuất hiện với chiếc áo dài tha thướt quá ư "đậm đà tính dân tộc Việt Nam", thân hình to khỏe, mắt miệng cười tươi, nói năng hoạt bát:

- Dạ... Em xin được gặp ngài chủ bút Nguyễn Đức Nhuận đúng hẹn ạ.

Bút Trà mời thím Xồi ngồi, pha nước:

- Tôi, Nguyễn Đức Nhuận. Bận việc lắm, nên tôi chỉ có thể tiếp bà 5~10 phút thôi. Có chuyện gì vậy hở bà?

Hai người tỉ tê đâu chỉ "5~10 phút thôi", mà cả tiếng đồng hồ. Kết quả khả quan quá nhanh chóng và đồng bộ y hệt chuyện lạ có thật: ngay ngày mai, không chỉ Công Luận báo, mọi báo khác đều ngưng loạt bài phê phán các tiệm cầm đồ. Lực lượng chủ nhân gốc Hoa của loạt cơ sở kinh doanh này hết lời khen thím Xồi, và tổ chức đại tiệc cảm tạ báo giới ở nhà hàng Soái Kình Lâm. Tòa soạn Công Luận báo có 2 ông Nguyễn Đức Nhuận đến dự, nhưng Phú Đức chỉ làu thông tiếng Việt cùng tiếng Pháp, Bút Trà còn giỏi chữ Hán nên thoải mái bút đàm với vị chủ tọa gốc Hoa chỉ biết tiếng Hoa. Hôm sau, Công Luận báo đăng bài thơ Sơ ngộ của Bút Trà:

Giai nhân tài tử đâu xa nhỉ?
Gặp gỡ bàn chi chuyện lạ quen.
Hương lửa đừng so hơn với thiệt,
Văn chương mang lấy nợ là duyên.
Cho hay hậu kiếp do tiền kiếp,
Ai biết thiên nhiên ấy ngẫu nhiên.
Thịnh khí miễn sao ngày siết chặt,
Lo chi sớm muộn chẳng như nguyền.

Báo giới cùng văn nghệ sĩ hồi ấy vui vẻ cải biên nhan đề bài thơ thành Sơ nị. Ngộ, âm Hán-Việt, nghĩa gặp gỡ, nhưng âm Quảng Đông lại là đại từ ngôi thứ nhất. Còn nị, cũng tiếng Quảng Đông, là đại từ ngôi thứ hai. Kết quả của bài thơ ấy: ngộ ái nị, nị ái ngộ. Thím Xồi chủ động gặp Bút Trà thường xuyên. Rồi một hôm, thím Xồi huỵch toẹt với chú Xồi:

- Tôi không phản bội ba nó, nhưng tôi phải nói thiệt rằng tôi hết thương ba nó, mà tôi thương nhà thơ làm nhựt trình, định kết hôn với ổng.

Chú Xồi tái tím mặt, toát mồ hôi lạnh, không phải do vợ ngoại tình, mà vì 20 tiệm cầm đồ đều do bà xã đứng tên. Tuy nhiên, thím Xồi ngay thẳng và sòng phẳng:

- Tài sản của vợ chồng ta, do tôi đứng tên hết. Vậy của chồng công vợ, thôi thì chia hai vậy.

Tô Thị Thân hết là thím Xồi, mà "trẻ hóa" thành chị Tư Bồn Binh, phu nhân của nhà thơ - nhà báo Bút Trà / Nguyễn Đức Nhuận tức anh Bìm Bịp.

DẪU NON LÉP CHỮ NGHĨA, VẪN GIỎI LÀM... CHỦ BÁO


 Ông bà Bút Trà ở Sài Gòn năm 1950

Ngay trong "tuần trăng mật", chàng rể Nguyễn Đức Nhuận ngỡ ù màng nhĩ khi nghe nàng dâu Tô Thị Thân thủ thỉ:

- Lấy anh, em không cầm đồ cầm điếc nữa, mà chuyển nghề.

- Em định làm gì?

- Em làm... chủ báo.

Ông Bút Trà phát hoảng, bởi biết tỏng vợ mình quá non lép chữ nghĩa, khả năng đâu mà điều hành cơ quan truyền thông đại chúng. Nhưng nàng quá quyết tâm, quyết chí, một cách vô cùng quyết liệt, nên họ bàn tính sang nhượng tờ nào phù hợp. Số mệnh an bài: đó là tờ Sài Thành. Tờ báo này do Mạnh Tự / Trương Duy Toản (1885-1957) xin giấy phép thực hiện, tòa soạn đặt tại đường Filippini[6], hoạt động vất vả, khiến tác giả của 10 bài Khuê phụ tán là Thượng Tân Thị tức Phan Quốc Quang (1988-1966) trào lộng trong bài thơ Xuân điểm báo thế này:

Ông Trương Duy Toản báo Sài Thành,
Vùng vẫy theo đòi buổi cạnh tranh.
Bút mực đã khô, gan lại héo,
Tình người nghĩ lại bắt buồn tanh.

Theo hồi ký 10 năm làng báo Sài Gòn 1927-1937 đã dẫn của Ngọc Long, ông Trương Duy Toản nhượng giấy phép làm báo Sài Thành cho ông bà Bút Trà vào năm 1930. Về nhật báo Sài Thành, theo tôi tra cứu tư liệu của Thư viện Quốc gia Việt Nam, thì năm 1931 ông Trương Duy Toản vẫn chủ nhiệm; năm 1932, ông Bút Trà làm chủ nhiệm, còn bà Bút Trà làm quản lý, dời tòa soạn về địa chỉ 39 rue Colonel Grimaud.

Con đường ấy, thời thuộc Pháp mang tên rue Latérale du Sud de la Gare (đường phía nam ga xe lửa); từ ngày 29/5/1917, chính quyền đổi thành rue Colonel Grimaud (đường đại tá Grimaud); từ ngày 22/3/1955, đổi thành đường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Đường dài 1.077m, từ bồn binh Sài Gòn, tức công viên Quách Thị Trang, đến ngã năm Cống Quỳnh - Nguyễn Trãi. Đầu đường có dãy nhà 2 tầng của gia đình chú Hỏa cho thuê, ông bà Bút Trà mướn nguyên căn số 39, đặt tòa soạn báo Sài Thành ở tầng lầu, còn tầng trệt làm nhà in Nguyễn Đình.

Ông Bút Trà liên tục ngạc nhiên đầy... sung sướng: bà Bút Trà dẫu trình độ xấp xỉ "xóa nạn mù chữ", viết tiếng Việt sai chính tả be bét, nhưng khôn khéo điều hành nhà in Nguyễn Đình và tòa soạn Sài Thành ngày càng phát triển. Xét tirage / số lượng phát hành, nhật báo này nhiều lúc dẫn đầu hệ thống báo chí miền Nam nói riêng, Việt Nam nói chung. Bà Bút Trà phân công, phân nhiệm cho chồng:

- Mỗi năm, anh chỉ làm vài bài thơ, ký tên em. Vậy thôi. Còn anh cứ ăn chơi mệt nghỉ, em chu cấp tiền thoải mái. Riêng khoản phụ nữ, anh tìm những ả đàng hoàng, thấy được thì em cưới về làm hầu cho anh.

Bởi khoe với bằng hữu rằng "đại trượng phu" muốn bền sức cần thường xuyên uống rượu bìm bịp để được "tráng dương, bổ thận", do đó ông Bút Trà - từng một thời làm lương y du phương - có xước danh anh Bìm Bịp. Rít thuốc lào, nhả khói trắng lốp, đoạn anh Bìm Bịp gật gù:

- Việc tòa báo và nhà in, bả giỏi đảm đương, quá yên tâm. Tớ thoải mái tiền bạc và thời gian, tha hồ làm thơ, xuất bản các tập thơ, đi đó đi đây, nhậu nhẹt đã đời. Tớ quan hệ nhiều kiều nữ, nhưng thú thiệt, chăn gối tuyệt vời chưa ai qua nổi bả.

Phải chăng vì thế mà gặp anh Bìm Bịp, chị Bồn Binh dập dồn đẻ thêm 8 con gồm 3 nữ, 5 nam, theo thứ tự:

1. Nguyễn Thị Kim Hoa
2. Nguyễn Đức Liêm
3. Nguyễn Đức Khiết
4. Nguyễn Đức Thanh
5. Nguyễn Đức Thành
6. Nguyễn Thị Kim Tuyết
7. Nguyễn Thị Kim Châu
8. Nguyễn Đức Tín

Bầu bì, sinh nở, bận bịu chăm sóc con mọn nhiều năm liền, vậy mà bà Bút Trà vẫn xông xáo nghề báo, nghiệp in. Về sau, trên trang nhất "nhựt báo thông tin và nghị luận" này, mọi người thấy rõ ràng giấy trắng mực đen "chủ nhiệm kiêm chủ bút: bà Nguyễn Đức Nhuận tự Bút Trà" rồi "chủ nhiệm kiêm chủ bút: bà Tô Thị Thân".

Bà Bút Trà còn mở tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn cho Trần Kim Anh (con trai của bà với chú Xìn) làm chủ, tuần báo Phụ Nữ Ngày MaiPhụ Nữ Tân Tiến cho Nguyễn Đức Khiết (con trai của bà với ông Bút Trà) làm chủ, tất nhiên bà quản lý.

Ngoài ra, bà Bút Trà sáng lập và đảm chức Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam, thêm Hội Bình dân học vụ Việt Nam nữa. Bà mua đất mặt tiền gần chợ Thái Bình, quận 1, xây rạp chiếu bóng Kim Châu biếu con gái cùng tên; cơ sở giải trí ấy hiện là nhà hát Bông Sen.

Vì lắm lý do, tờ Sài Thành nhiều lần thay đổi manchette / tên báo. Thư tịch báo chí Việt Nam do Tô Huy Rứa chủ biên (NXB Chính Trị Quốc Gia, 1998) ghi nhận:
A -Sài Thành do Nguyễn Đức Nhuận giám đốc, in ở nhà in Nguyễn Đức, tòa soạn số 39 phố Colonel Grimaud, số 1 năm thứ nhất ngày 2/3/1932, số cuối cùng 340 ngày 30/4/1933, sau đổi tên là Sài Gòn.
B - Sài Gòn do Nguyễn Đức Nhuận giám đốc, in ở nhà in Nguyễn Đức, tòa soạn số 39 phố Colonel Grimaud, số 1 ngày 3/5/1933.
C - Sài Gòn Mới do bà Nguyễn Đức Nhuận chủ nhiệm, số 1 ngày 15/7/1946, đầu năm 1963 ra bộ mới tên là Sài Gòn.
D - Sài Gòn do bà Đỗ Thị Thân (tức bà Nguyễn Đức Nhuận tự Bút Trà) chủ nhiệm, số 1 bộ mới năm thứ nhất ngày 16/11/1963, số 53 cuối cùng ngày 16/11/1964.

Thống kê thế cần hiệu đính, bổ sung:
* Nên ghi đúng manchette: SaigonSaigon Mới.
* Đỗ Thị Thân ư? Chưa chính xác, bởi trên báo in Tô Thị Thân.
* Trong sách Ba nhà báo Sài Gòn (NXB Trẻ, 2015), Trần Nhật Vy nhận xét: "Thư tịch này ghi thiếu là sau ngày 16/11/1964 thì báo Sài Gòn lại đổi tên thành Sài Gòn Mới và tồn tại tới năm 1972 mới đóng cửa vì sắc luật 007."
* Nên cân nhắc chi tiết "đầu năm 1963 ra bộ mới tên là Sài Gòn", bởi phim tư liệu liên quan cuộc đảo chính 1/11/1963 cho thấy bảng hiệu tòa soạn Saigon Mới ở số 39 đường Phạm Ngũ Lão, còn nhật báo ấn hành tháng 12/1963 lại mang manchette Saigon.

Dương Kiều Linh soạn sách Báo chí Sài Gòn 1954-1963 (NXB Văn Hóa - Văn Nghệ TP.HCM, 2017, trang 139) có đoạn "Sài Gòn mới - nhật báo thương mại tiêu biểu" thế này: "Sài Gòn mới xuất bản từ năm 1946 đến năm 1963 mới kết thúc, gồm 4 trang, khổ rộng, là "Cơ quan thông tin nghị luận", chủ yếu thông tin những vấn đề thời sự, chính trị, kinh tế. Chủ nhiệm kiêm chủ bút là bà Bút Trà Tô Thị Thân và Nguyễn Đức Nhuận là một [sic!] trong những người làm báo có kinh nghiệm ở Sài Gòn thời kỳ này. Sài Gòn mới là một trong những nhật báo tiêu biểu cho xu hướng báo thương mại. Từ 1/1/1955 cho đến 16/11/1963 Sài Gòn mới đã cải tiến, thay đổi (ra bộ mới 4 lần vào các năm 1957, 1959, 1960, 1962) cả về hình thức và nội dung. Từ 4 trang đã tăng lên 6 trang và cho đến 1960 đã in kèm rất nhiều phụ trương (hình diễn viên điện ảnh, ca sĩ, lịch tử vi...) phục vụ nhu cầu của giới bình dân nên bán rất chạy, là đối tượng cạnh tranh của nhiều tờ báo khác."

Nội dung đoạn vừa trích bộc lộ những sai sót, cần chỉnh sửa:

* Nên ghi đúng manchette: Saigon Mới.

* Manchette thay đổi Sài Thành / Saigon / Saigon Mới, có những cải tiến này nọ, thực chất vẫn là một nhật báo do hai người là ông bà Bút Trà / Nguyễn Đức Nhuận cùng làm chủ từ năm 1932 đến năm 1972, chứ đâu chỉ "xuất bản từ năm 1946 đến năm 1963 mới kết thúc".

Bình Nguyên Lộc viết trong Hồi ký văn nghệ: "Bà nhà giàu này, về sau, khi lấy chồng Việt Nam, đã xây cất biệt thự lớn ở Phú Nhuận, nhưng bà ấy nhứt định tiếp tục sống trong căn nhà liên kế, tòa soạn của tờ nhựt báo Saigon Mới, chớ không chịu dọn về ngôi biệt thự đẹp, vốn bỏ không, chớ không phải là cho Hoa Kỳ thuê đâu. Ấy, đó là một điểm nhiễm Tàu nữa. Người Tàu họ rất ngại đổi chỗ cư ngụ, hoặc dời cơ sở làm ăn của họ đến một địa điểm khác. Bà mang tục danh là bà chị Bồn Binh, chỉ vì bà bám mãi vào căn nhà thuê trước cái bồn cỏ tròn, nằm giữa tòa soạn của bà và chợ Bến Thành."

Hồi ký vừa nêu có những thông tin thiếu chính xác. Chẳng hạn biệt thự ở quận Phú Nhuận, địa chỉ 94 đường Nguyễn Huệ (ngày 14/8/1975 đổi tên thành đường Thích Quảng Đức), chẳng bỏ không, mà bà Bút Trà biến thành bảo sanh viện Nguyễn Huệ để kinh doanh, từng quảng cáo trên nhật báo Saigon Mới.

Bởi nhắc tục danh, xước danh chị Bồn Binh, nên lướt qua đôi chữ bồn binh / bùng binh. Từ bồn binh Sài Gòn trước cửa chính chợ Bến Thành, theo đường Lê Lợi đến giao lộ Nguyễn Huệ, một thuở là ngã tư boulevard Bonard - boulevard Charner, có bồn binh khác, nơi dàn quân nhạc Pháp trước kia thường biểu diễn cuối tuần và các dịp lễ. Người Việt gọi đó là bồn kèn, sau chuyển thành bồn binh - tức cái bồn mà binh lính hay đến thổi kèn, gõ trống. Còn bùng binh, theo Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của (Tome I - Saigon, 1895), có nghĩa: "Khúc sông rộng lớn mà tròn." Vậy bồn binh trên cạn, bùng binh dưới nước. Lâu nay, từ bùng binh đã thay thế từ bồn binh, nên Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, 1992) giải thích cả hai từ: "Quảng trường, nơi có nhiều ngả đường tỏa đi các hướng."

Nhà in Nguyễn Đức chủ yếu của ông bà Bút Trà / Nguyễn Đức Nhuận, có phần vốn của Hồng Tiêu / Nguyễn Đức Huy (1902-1985). Năm 1935, cưới Lê Thị Bạch Vân (1915-2006), Nguyễn Đức Huy được anh ruột là Nguyễn Đức Nhuận chủ hôn; chị dâu là bà Bút Trà giải quyết chu đáo hỷ sự, nào bàn bạc với nhà gái, nào sắp xếp từ nghi lễ đến tiệc mừng. Không chỉ thế, bà Bút Trà còn nhận nuôi 3 con ngoại hôn (trước cưới hỏi) của Nguyễn Đức Huy với Trần Thị Lan.

Lê Thị Bạch Vân viết văn, làm báo, trở thành một trong những cây bút chủ lực của bà Bút Trà. Từ năm 1953, mô phỏng các mục "Cœur à cœur / Từ trái tim đến trái tim" trên tờ Marie Claire, "Question du cœur / Câu hỏi của con tim" trên tờ Elle, Bạch Vân đề xuất mở mục "Gỡ rối tơ lòng" trên tờ Saigon Mới, được bà Bút Trà đồng ý ngay. Dựa theo Kinh Dịch "vân tùng long, phong tùng hổ", Bạch Vân ký bút danh Tùng Long, sau chuyển thành Bà Tùng Long, liên tục "gỡ rối tơ lòng" trên nhật báo Saigon Mới suốt 20 năm ròng, ngoài ra còn đảm mục tương tự trên các tuần báo Phụ Nữ do 2 con trai của bà Bút Trà làm chủ: Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Tân Tiến.

Bài viết này sẽ điểm qua những mảng miếng nghiệp vụ báo chí mà nhật báo Sài Thành / Saigon / Saigon Mới khai phá. Đây chỉ nhắc một chiêu "kích cầu / khuyến mãi" mà lâu nay được nhiều tờ noi theo: thỉnh thoảng nhật báo của ông bà Bút Trà kèm thêm phụ bản in màu, biếu không. Hoàng Hải Thủy hồi tưởng: "Tờ nhật báo Saigon ra đời từ những năm 1925, 1926, sau năm 1945 đổi tên là báo Saigon Mới. Báo sống được nhưng không huy hoàng, không phải là báo bán chạy, mãi đến năm 1957 nhờ sáng kiến tặng phụ bản bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới, rồi phụ bản màu đủ thứ chim cò, ngao sò ốc hến của anh con thứ năm là Năm Thành, báo Saigon Mới tăng vọt số báo bán."

Sáng kiến tặng phụ bản in màu thì Saigon Mới thử nghiệm đầu tiên từ năm 1957 theo ý Nguyễn Đức Thành - một trong những "công tử Sài Gòn" mê đắm "nữ hoàng sân khấu" & "cải lương chi bảo" Thanh Nga.

KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT

Nhà văn Bình Nguyên Lộc, họ tên Tô Văn Tuấn (1914-1987), viết trong Hồi ký văn nghệ: "Bà Tô Thị Thân là người đàn bà Việt Nam thuộc vào hạng phụ nữ Việt Nam cao lớn nhứt nước. Bà có đẹp hay không vào thuở đó? Tôi bảo đảm là bà ấy rất đẹp. Nhưng tình trạng giàu có của bà với lại sắc đẹp của bà thật ra chẳng có gì đáng kể đối với tài tháo vác [sic!] của bà mà tôi sẽ kể ra dưới đây. Bà ấy kết hôn với một ông nhà giàu người Tàu. Ông ấy làm chủ đến hai mươi cơ sở doanh thương ở Sài Gòn - Chợ Lớn, cả hai mươi cơ sở đều do bà ấy đứng tên làm chủ chánh thức, ông Tàu kia không thích chường mặt ra, theo thói quen của người Hoa kiều ở miền Nam nước ta. Vì lấy chồng Tàu, nên bà ấy tiêm nhiễm Tàu, mà một điểm là xem bất kỳ người nào mang họ Tô, xem kẻ ấy như là bà con cật ruột. Người anh họ tôi được bà ấy rất tin cậy, chỉ vì anh ấy họ Tô, chớ thật ra thì anh ấy chẳng có tài cán gì đặc biệt, mà đạo đức thì cũng chỉ lè phè vậy thôi. Ðạo đức ở đây là đạo đức về mặt phụ nữ, chớ về mặt tiền bạc thì anh ấy rất tốt, đó cũng là một điều khiến bà Tô Thị Thân mến anh ấy thêm."

Bình Nguyên Lộc tiếp tục bị nhầm lẫn về họ tộc của bà Bút Trà. Kỳ nữ này có giấy tờ hành chính ghi Tô Thị Thân, nhưng chính xác lại là Tôn Thị Thân, chào đời năm Nhâm Dần 1902 tại làng Lợi Bình Nhơn, tổng Hưng Long, quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An; nay là phường Lợi Bình Nhơn, TP Tân An, tỉnh Long An. Tại đó, nhà nho Tôn Văn Thi cùng vợ Lâm Thị Chợ lần lượt sinh các con:

1. Tôn Thị Kỳ
2. Tôn Văn Khuê
3. Tôn Thị Thân
4. Tôn Thị Sáu
5. Tôn Văn Lâm

Anh kế của Tôn Thị Thân là Tôn Văn Khuê (1897-1972) nhưng giấy tờ hành chính lại ghi Nguyễn Văn Miết, lấy vợ Lâm Thị Hộ (1895-1953) vào năm 1917 tuy nhiên không thể sinh nở. Bởi thế, bà Bút Trà đưa con gái Nguyễn Thị Kim Tuyết đến làm con nuôi của anh mình. Ghi thêm: Kim Tuyết là vợ của trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, nguyên tư lệnh tiền phương quân đoàn 3 và quân khu III; vợ chồng họ cùng các con sang Hoa Kỳ định cư từ năm 1992 theo diện H.O.

Là 1 trong 12 người sáng lập đạo Minh Lý tại Sài Gòn năm 1924, Tôn Văn Khuê / Nguyễn Văn Miết có thánh danh Minh Thiện. Đạo Minh Lý nêu mục đích „hiệp nhứt tinh hoa của 3 tôn giáo lớn ở phương Đông là Thích - Đạo - Nho hầu tìm lại cội gốc là Đạo", nên thánh sở có hiệu danh Tam Tông Miếu ven đường Cao Thắng ở quận 3. Đạo này lập hội Tam Tông Miếu, thì Minh Thiện giữ chức phó hội trưởng từ năm 1926, chánh hội trưởng từ năm 1951.

Theo Minh Lý giáo, Tôn Thị Thân có pháp danh Toàn Lạc, tích cực hỗ trợ anh Minh Thiện phát huy đạo nghiệp. Chẳng hạn đại trùng tu Tam Tông Miếu năm 1957, có tiệm cơm chay Hiệp Ích và nhà sách Đức Môn Thư Xã. Sẵn nhà in Nguyễn Đức nên bà Bút Trà thoải mái hỗ trợ các môn sinh đạo Minh Lý ấn hành kinh sách, nhất là sách do Minh Thiện trứ tác và biên dịch. Giai đoạn 1947-1975, cứ năm gần hết, Tết dương lịch sắp sang, nhà in Nguyễn Đức dốc sức sản xuất lịch Tam Tông Miếu do Minh Thiện biên soạn thuở sinh tiền, phát hành rộng rãi từ Quảng Trị vào Cà Mau, gồm 2 loại: lịch sách và lịch block. Lịch thay đổi từng năm nhưng bìa sách và tấm carton luôn in ảnh màu chụp thánh sở Tam Tông Miếu từ sau khi công trình kiến trúc này được thi công hoàn chỉnh.

Trong sách Ngài Minh Thiện cuộc đời và đạo nghiệp (NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, trang 39), Đại Cơ Huờn tức Nguyễn Thị Thu Cúc - ái nữ của Nguyễn Đức Khiết, tức cháu nội của ông bà Bút Trà - viết: "Ngài đem hết sức lực, tâm trí, ngày đêm nghiên cứu, học hỏi các kinh sách như bói toán, bốc dịch, tướng số, thiên văn, địa lý, y học, môn nào cũng nhờ thầy chuyên môn chỉ dẫn tận tường, chớ không đọc sách qua loa. Do đó lịch Tam Tông Miếu được nghiên cứu tinh vi, nên được khắp nước Việt Nam tin tưởng và ưa chuộng."

Và nhật báo Saigon của bà Bút Trà có thêm cây bút người nhà: ông Minh Thiện phụ trách mục "Vận số trong tuần". Trên nhật báo này, kỳ nữ giao luật sư riêng Diệp Văn Kỳ đảm mục "Giải đáp pháp luật", giao bác sĩ quen biết giữ mục "Giải đáp y tế". Những mục nọ "ăn khách", chưa hề xuất hiện trước đó trên báo chí Việt Nam, sau được nhiều tờ bắt chước.

Trần Quảng Á viết bài Bút Trà trong làng báo miền Nam đưa lên website Núi Ấn Sông Trà ngày 23/8/2006, có đoạn: "Báo Sài Thành sau đó đổi tên thành Saigon và khoảng năm 1940 lại đổi tên thành Saigon Mới để rồi suốt 30 năm không ngừng phát triển như một trong những nhật báo có nhiều độc giả nhất với số ấn bản có lúc lên đến 100.000. Qua các thời kỳ khác nhau, Saigon Mới được sự cộng tác của nhiều nhà văn, nhà báo tên tuổi như Thiếu Lăng Quân, Phi Long (Ngọc Sơn), Thanh Phong, Hoa Đường, Hoài Việt Bằng, Mạc Tử, Hoàng Hải Thủy, Jean Baptiste Đồng, Diệp Văn Cương, Trọng Nguyên, Vũ Bình Thư, Dương Hà... kể cả một số ký giả gốc Quảng Ngãi như Mộng Đài, Điền Võ và Nguyễn Vỹ."

Lưu ý rằng ký giả Mạc Tử đã đi lính, chết trận, không phải là nhà thơ - nhà báo Hàn Mạc Tử cũng từng làm báo Saigon.

Tưởng nên kể thêm một số người đã công tác hoặc cộng tác với tờ báo mà ông bà Bút Trà làm chủ: Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Đông Hồ, Bàng Bá Lân, Lê Tất Điều, Hoài Khâm, Cung Mạnh Đạt, cùng các họa sĩ Lê Trung, Lê Minh, Phan Phan / Lê Phan / Leifa, Hòa Thanh, Hưng Hội, Bình Thành.

Trong hồi ký 41 năm làm báo (NXB Trí Đăng, Sài Gòn, 1970; NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2017), nhà văn, nhà báo Hồ Hữu Tường (1910-1980) kể cách mời và dùng người của kỳ nữ: "Cũng trong khoảng thời gian 1948-1949 này, mà tôi hợp tác với bà Bút Trà viết trong báo Saigon Mới. Gia đình của bà Bút Trà, tôi đã quen từ nhiều năm trước. Song tôi có tật là không mấy khi đi tìm xin viết cho báo nào, mặc dầu đói le lưỡi. Một hôm, bà đến nhà, nhờ tôi viết bài. Chín hấu mà còn mại hơi, tôi buộc điều kiện là bài không được ký tên thiệt, và tự ý tôi viết gì là tôi viết. Bà bằng lòng. Tôi lại buộc một điều kiện khó hơn, để chờ bà từ chối. Ấy là tôi chỉ viết lời thiệt ngắn, rồi tìm họa sĩ lấy tứ mà vẽ, xong làm bản mà in tiểu thuyết có hình. Bây giờ kỹ thuật này tràn đồng. Nhưng đối với năm 1948, ấy là một việc rất mới đối với xứ Giao Chỉ. Bà cũng chịu nốt. Thế là tôi kẹt phải viết cho Saigon Mới. Tiểu thuyết hình lúc ấy là câu chuyện thằng Quỳnh và thằng Thơm đi vòng quanh thế giới, với hai bàn tay trắng. Họa sĩ Tú Duyên được nhà báo đặc phái hợp tác với tôi mà viết vẽ tiểu thuyết trẻ con này. Té ra người lớn lại là độc giả đông đảo hơn hết."

Đó là tiểu thuyết Phi Lạc sang Tàu của Ý Dư. Dẫu tác giả cùng bà Bút Trà dấu, song ai quan tâm cũng biết Ý Dư là Hồ Hữu Tường. Bởi vậy, năm 1949, NXB Sống Chung in Phi Lạc sang Tàu thành sách thì ngay trang bìa nổi bật họ tên Hồ Hữu Tường. Hồi ký nọ cho biết tiếp: "Có thể nói rằng tôi có chút danh trong làng văn là nhờ quyển Phi Lạc sang Tàu. (...) Quyển thứ hai, Phi Lạc náo Hoa Kỳ. Quyển này đã được đăng từng đoạn trong Saigon Mới, sau cũng trích đăng từng đoạn trong Phương Đông năm 1953. Rồi năm 1955, in thành sách. (...) Cũng trong thời gian hợp tác với Saigon Mới này mà tôi cũng viết hai tiểu thuyết Thu HươngChị Tập."

Hoàng Hải Thủy tường thuật: "Hai lần làm trong tòa báo của bà, tổng số 9 năm trời, tôi không một lần thấy bà Bút Trà sẵng giọng, to tiếng với nhân viên, bà không rầy la nhân viên có lỗi trước mặt đồng nghiệp của anh ta, bà cũng chẳng bao giờ than phiền một nhân viên nào làm việc bê bối với người trong tòa soạn, cần nói gì bà mời riêng nhân viên đó vào nói chuyện với bà. Tôi nhớ bà người to lớn, đẫy đà, da trắng, mắt sáng, tóc búi, vai như vai hùm, giọng nói dễ nghe, bà như cây cổ thụ tàn lá xum xuê che chở, không chỉ che chở chồng con bà, mà che chở luôn cả những người làm công cho bà. Năm nào đến rằm tháng bảy, bà cũng cho làm một bữa ăn đãi tất cả nhân viên, nhân công tòa báo: bánh hỏi, thịt quay, cà ri ăn với bún, bánh mì, ăn thả dàn theo kiểu All-You-Can-Eat[7]. Tết đến, nhân viên tòa soạn được hưởng lương 15 ngày lao động - ký giả nhà báo làm việc quanh năm, không nghỉ hằng năm 15 ngày theo Luật Lao động nên mỗi năm được lãnh 15 ngày lương - và nửa tháng lương thưởng Tết, coi như trọn một tháng lương gọi là lương tháng 13. Cho đến ngày báo bị đóng cửa, nhật báo Saigon Mới áp dụng chế độ nhân viên tòa soạn lãnh lương trước, làm việc sau; và Tết đến, nhân viên có tiền 15 ngày lao động cùng nửa tháng lương tiền thưởng Tết. Lãnh lương trước, làm việc sau, là Luật của các nhật báo Pháp ở Sài Gòn xưa."

Chị Bồn Binh tâm sự khiến Hoàng Hải Thủy nhớ mãi:

- Làm báo mê lắm, anh ạ. Dù mình phải bán cái áo cuối cùng để ra thêm được một số báo, rồi báo chết, mình cũng bán.

Hoàng Hải Thủy viết: "Trọn một đời làm báo của tôi, tôi đã làm với khoảng trên dưới mười ông bà chủ báo, chỉ có một bà Bút Trà được tôi coi là chủ nhân của tôi."

Sách Ba nhà báo Sài Gòn dựng chân dung 2 nam là Dương Tử Giang và Trần Tấn Quốc, 1 nữ là bà Bút Trà. Trần Nhật Vy đúc kết phần Bà Bút Trà (1903-1978) kỳ nhân của làng báo Sài Gòn: "Làm chủ báo thì phải có tiền và thường có hai mục đích hoặc là làm báo để kiếm tiền hoặc để tham gia vào hoạt động truyền thông xã hội, góp phần phản ánh quan điểm chính trị của mình. Nhưng nhiều tiền chưa chắc có thể làm cho tờ báo sống lâu nếu quản trị kém, tờ báo không có độc giả. Bởi vậy, có nhiều tờ báo ra đời rồi sống được vài số hoặc năm ba năm. Riêng bà Bút Trà, một chủ báo đã vững tay chèo gần nửa thế kỷ dù thăng trầm có đủ, khiến người người khâm phục. Năm 1945, ở Sài Gòn, báo chí bị đóng cửa hết, chỉ còn có 3 tờ, trong số đó có tờ Saigon của bà Bút Trà. Và với nghề báo, bà đã tạo ra một gia sản lớn cộng với tiếng tăm khó phai nhòa. Làm được như vậy, ngoài tiền bạc mà còn phải có tài, biết sử dụng con người. Có thể nói, tài quản lý báo để tờ báo đẻ ra tiền của bà Bút Trà xưa nay có mấy người làm được!"

Bài Báo chí Sài Gòn xưa của Sơn Nam in trong sách Sài Gòn xưa & nay (NXB Trẻ, 2007, trang 237), có đoạn: "Báo chí cũng góp phần giới thiệu vài [sic!] nhà văn, nhà thơ. Hàn Mạc Tử sớm nổi danh, thêm hứng thú sáng tác là nhờ được báo Saigon của ông Bút Trà tạo cho mảnh đất riêng để tha hồ đăng tải, ở mục văn chương."

ĐÔI SỰ CỐ CỦA SAIGON MỚI

Làm báo, nhất là chủ báo, tất nhiên thường xuyên va chạm hàng loạt lớp người trong bao tình huống chính trị - xã hội cụ thể, lắm phen cực kỳ gay cấn, bà Bút Trà càng chứng tỏ chẳng phải tay vừa. Đây chỉ nêu đôi sự cố chấn động dư luận mà Saigon Mới gặp phải.

Vụ đầu tiên mang tên khỉ Cà Mâu (tức Cà Mau) qua lời kể của nhà báo - nhà văn Hoàng Hải Thủy: "Năm 1961, hay 1962, báo Saigon Mới phạm một vụ bê bối nặng là vụ khỉ Cà Mâu. Báo đăng một phóng sự, đúng hơn là một tiểu thuyết, một chuyện có nhiều bịa đặt hơn là sự thật, về một cô gái ở một vùng hoang vắng trong tỉnh Cà Mâu, cô bị khỉ rừng hiếp, rồi cô thương con khỉ đó, cô lén đi lại với nó, cô có con với nó! Nếu một nhật báo nào khác của Sài Gòn đăng cái phóng sự ấy, các báo khác kệ xác, chẳng báo nào thèm nói đến, nhưng tờ báo đăng chuyện "khỉ lấy người, người lấy khỉ" lại là báo Saigon Mới, tờ báo có nhiều độc giả nhất. Gần như tất cả các nhật báo ngày ấy đả kích báo Saigon Mới đăng chuyện bịa đặt, khiêu dâm, đánh lừa độc giả, chuyện phản khoa học, khai thác chuyện phạm "thuần phong, mỹ tục", làm mất phẩm giá phụ nữ Việt Nam, v.v.. Năm ấy lại là năm giới Công giáo toàn cầu cử hành đại lễ vinh danh Ðức Bà Maria - tôi [Hoàng Hải Thủy] không nhớ đúng tên đại lễ này - mà đăng chuyện "người lấy khỉ có con", thì báo Saigon Mới còn bị tròng cho cái tội "chống Thiên Chúa giáo". Thay vì chấm dứt ngay phóng sự "người lấy khỉ", vì tự ái, Năm Thành, Sáu Khiết - hai anh con bà Bút Trà, hai anh có quyền định đoạt một số bài vở đăng báo - cứ cho tiếp tục đăng. Sáu Khiết đi xuống tận Cà Mâu gặp tác giả phóng sự "người lấy khỉ" để điều tra tại chỗ. Tôi không biết Sáu Khiết có xuống Cà Mâu thật hay anh ta bịa chuyện đi Cà Mâu vì công việc nhà báo để đưa vợ bé đi chơi Ðà Lạt, Nha Trang một tuần ngon lành, chỉ biết báo Saigon Mới cứ đăng mãi phóng sự "khỉ lấy người", bất chấp việc bị các báo khác đả kích, cho đến khi phong trào tố cáo lên cao, Bộ Thông tin xen vào vụ, báo Saigon Mới bị đòi trưng bằng cớ: cô gái bị khỉ hiếp rồi đi lại với khỉ, tức lấy khỉ, có con, tên là gì, đích xác ở xã nào, quận nào, giấy xác nhận chuyện có thật của chính quyền địa phương, v.v.. Từ năm 1958, Việt Cộng đã nổi lên đánh phá quốc gia Việt Nam Cộng Hoà, đến những năm 1961, 1962, những nơi xa như Cà Mâu, Ðồng Tháp đã trở thành những vùng gọi là vùng xôi đậu, tình hình an ninh ở những nơi đó không được bảo đảm, rất khó cho người Sài Gòn nào muốn về những nơi đó để điều tra, xác nhận hay phủ nhận một chuyện gì, báo Saigon Mới không thể có văn bản pháp lý chứng minh lý lịch của nữ nhân vật bị khỉ hiếp rồi lấy khỉ, không chứng minh được chuyện khỉ hiếp người có con là chuyện có thật. Các nhật báo Sài Gòn xúm lại đánh báo Saigon Mới với mục đích "cao đẹp" là đánh cho báo Saigon Mới chết, số độc giả mua báo Saigon Mới sẽ phải mua các báo khác. Nhưng bị đánh hội đồng, đánh tới tấp, báo Saigon Mới vẫn không chết, báo vẫn bán chạy nhất."

Ký giả Hiếu Chân, người phụ trách mục "Nói hay đừng" trên nhật báo Tự Do, bộc bạch với nhà thơ Vũ Hoàng Chương:

- Cả bọn chúng tôi xúm vào đánh bà Bút Trà mà bả chẳng hề hấn gì cả. Cứ như là châu chấu đá voi ấy!

Vũ Hoàng Chương bèn ngẫu tác tại chỗ bài Vịnh cảnh làng báo đánh hội đồng bà Bút Trà theo thi đề "châu chấu đá voi":

Hai chân tanh tách làm luôn mãi,
Một đống lù lù cứ thế thôi!

Về sau, trong cộng đồng Việt kiều ở Hoa Kỳ truyền tụng bài thơ Người lấy khỉ Saigon Mới 1960 từng đăng báo, trích đoạn:

Nhớ thuở Bút Trà người lấy khỉ,
Đẻ Hoàng Hải Thủy miệng thật to.

Vụ thứ nhì liên quan quốc sự, ghê gớm hơn rất nhiều, lại éo le tréo cẳng ngỗng. 5 giờ sáng 11/11/1960, đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông cầm đầu lực lượng lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm. Tuyên cáo ủng hộ phe đảo chính do một số nhân sĩ ký tên, có nhà văn và nhà báo Nhất Linh, được chuyển đến tòa soạn Saigon Mới. Đối với sự việc kinh thiên động địa kia, người quyết định lại là ông Bút Trà.

Hoàng Hải Thủy nhớ: "Báo đăng tuyên cáo này hay không? Người quyết định đăng hay không là ông Bút Trà. Ông nói nhà báo không ủng hộ phe nào cả, có tin là nhà báo đăng. Và nhật báo Saigon Mới đã đăng bản tuyên cáo ấy. Hình như cả làng báo Sài Gòn hôm ấy chỉ có báo Saigon Mới đăng tuyên cáo ủng hộ phe quân nhân làm đảo chính... hụt. Những người ký tên trong tuyên cáo ủng hộ phe đảo chính, không phải nhật báo Saigon Mới ủng hộ, nhưng vì đăng bản tuyên cáo đó, báo Saigon Mới "có tội" với chính phủ. Báo không bị đóng cửa nhưng bị một phen xính vính. Sau đó, bà Bút Trà bảo vệ tờ báo bằng cách đề nghị với Phủ Tổng thống, Bộ Thông tin "giúp cho" toà báo một, hai "chuyên viên coi sóc đường lối chính trị" của tờ báo. Báo Saigon Mới trả lương tháng cho những chuyên viên ấy nhưng mấy ổng chẳng có quyền hành mẹ gì mà cũng chẳng có việc mẹ gì làm trong toà soạn. Bọn ký giả nhà nghề chúng tôi, làm việc và sống bằng tài năng và công sức của mình, coi thường những người được chính quyền đưa vào ăn không ở toà báo."

Ứng phó sự cố kinh hoàng nọ, bà Bút Trà khéo nhờ Trần Kim Tuyến (Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị và xã hội trực thuộc Phủ Tổng thống), Trần Chánh Thành (Bộ trưởng Bộ Thông tin), cả Trần Lệ Xuân tức bà Ngô Đình Nhu, dàn xếp mọi sự êm thấm. Tiếp đó, tờ Saigon Mới còn tìm nhiều cách lấy lòng chế độ, mà nổi trội là in offset phụ bản ảnh màu chân dung tổng thống Ngô Đình Diệm để biếu không, kèm theo báo. Muốn in ảnh Ngô tổng thống, phải được Phủ Tổng thống cùng Bộ Thông tin cho phép. Điều đó chẳng khó, nhưng chú thích ảnh thế nào? Nguyễn Đức Thành, "một trong hai thiếu chủ của tôi [Hoàng Hải Thủy], phụ trách việc tuyển lựa và in những phụ bản tặng không trong báo", sau cả buổi tìm chữ chọn nghĩa bốc thơm, đã in: Tổng thống Ngô Đình Diệm, vị lãnh tụ tối cao và duy nhất của dân tộc Việt Nam. Báo Saigon Mới số đặc biệt Tết Nhâm Dần 1962 tiếp tục được "đặc ân của chính quyền" là in phụ bản ảnh màu chụp toàn gia tổng thống Ngô Đình Diệm tại Huế: "cụ cố" Phạm Thị Thân với các con cháu gồm hồng y tổng giám mục Ngô Đình Thục, Ngô tổng thống, cố vấn Ngô Đình Nhu và vợ Trần Lệ Xuân cùng các con, cố vấn Ngô Đình Cẩn, đại sứ Ngô Đình Luyện và vợ cùng các con, v.v..

Mấy phụ bản gây ấn tượng kia, cùng những tin, bài ca ngợi chế độ đệ nhất Cộng Hòa gọi là "đoái công chuộc tội" của tờ Saigon Mới biến thành nguyên nhân tai họa. Ngày 1/11/1963, cuộc đảo chính lần thứ nhì thành công. Ngày 2/11/1963, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị bắn chết trong thiết vận xa M-113. Ngay sau đó, quần chúng xuống đường, quật đổ tượng Hai Bà Trưng (do điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế và kiến trúc sư Ngô Viết Thụ phối hợp thực hiện) bởi người ta cho rằng giống mẹ con Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Lệ Thủy tại công trường Mê Linh bên bến Bạch Đằng, đập phá rạp chiếu bóng Kim Châu, nhà in Nguyễn Đức và tòa soạn nhật báo Saigon Mới, v.v..


Ngày 2/11/1963, quần chúng đập phá nhà in Nguyễn Đình 
và tòa soạn báo Saigon Mới
Nhà báo, nhà văn Vũ Bằng viết trong sách 40 năm nói láo (ấn hành lần đầu tại Sài Gòn năm 1969 - tái bản bởi NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1993): "dân chúng, trong đó có sinh viên, phụ nữ, công nhân kéo nhau rầm rầm rộ rộ đến phá những tờ báo mà họ cho là bợ đỡ nhà Ngô, như những tờ Saigon Mới của bà Bút Trà / Nguyễn Đức Nhuận, Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai, Chuông Mai của Huỳnh Hoài Lạc, Dân Nguyện của Hà Thành Thọ, Việt Nam Pờ Rét [sic!], báo của nhà nước, lúc đó do Tôn Thất Thiện làm giám đốc (sau này nổi tiếng vì đã đóng cửa nhiều tờ báo)".

Hoàng Hải Thủy hồi tưởng: "Khi bọn đập phá kéo vào, chị hầu của bà Bút Trà đưa cho bà cái nón lá, bà đội nón theo chị đi ra khỏi toà soạn. Những người đi phá phách chắc cũng không hãnh diện chi lắm với việc làm của họ, nên họ chỉ đập phá qua loa rồi rút êm. Chính phủ của thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ không đóng cửa nhật báo Saigon Mới. Bốn tháng sau, khoảng tháng 2, tháng 3 năm 1964, Nguyễn Khánh làm cuộc binh biến gọi là chỉnh lý. Trong cuộc họp báo thứ nhất của nhóm chỉnh lý, ủy viên của nhóm là Đỗ Mậu - hình như lúc đó còn là đại tá - đọc lệnh đóng cửa ba nhật báo Saigon Mới, Ngôn Luận, Đồng Nai vì "tội cấu kết với độc tài nhà Ngô"."

Với tài xoay xở khi "trong tay đã sẵn đồng tiền" (Truyện Kiều) cùng nhiều mối quan hệ hữu hảo, tất nhiên bà Bút Trà tìm cách để nhật báo Saigon Mới tục bản.

DỊ NAM LÀM BÁO, LÀM THƠ

Nhiều tài liệu ghi rằng chị Bồn Binh giỏi giang khôn khéo điều hành tòa soạn báo chí cùng nhà in, lại còn thừa sức đảm trách bao việc khác, nên anh Bìm Bịp thoải mái rong chơi, mỗi năm chỉ làm 1 đến 2 bài thơ ký tên vợ, trong đó có bài thơ xuân đăng trang nhất số đặc biệt mừng Tết Nguyên đán. Năm 1961, tuần báo Văn Đàn số 30 ghi nhận: "Báo Saigon Mới xuất bản với tên bà Bút Trà làm chủ nhiệm và giấy phép cũng được cấp cho bà. Theo dư luận trong làng thì ông Bút Trà không tham gia cụ thể công việc của tờ báo, ông chỉ thỉnh thoảng đăng vài bài thi [sic!] mà ông sáng tác trong lúc trà dư, tửu hậu. Vì vậy chúng tôi hỏi bà chủ nhiệm Saigon Mới về điểm ấy. "Nếu có thể được, xin bà cho biết ông Bút Trà tham gia công việc của quý báo trong phạm vi nào?" Bà Bút Trà suy nghĩ một lúc rồi chậm rãi đáp: "Công việc của Saigon Mới ngoài nhân viên tòa soạn, còn được nhiều bạn đọc ủng hộ và tham gia, huống nữa là nhà tôi, ông Bút Trà. Có một điều, chắc ông cũng biết là nghề làm báo là nghề của nhà tôi mà sự nghiệp là sự nghiệp chung của chúng tôi. Không thể trả lời rằng nhà tôi tham gia hay không tham gia trong phạm vi nào." Đúng là câu trả lời của một chủ báo vừa giải quyết được vấn đề mà không cần phải trả lời thẳng. Chính vì có một bà vợ như thế mà ông Bút Trà nổi tiếng là "nhà báo" nhưng cũng... không làm báo bao nhiêu!"

Kỳ thực, mọi sự chẳng đơn giản. Ở trên vừa ghi nhận rằng đích thân ông Bút Trà mạnh dạn cho đăng tuyên cáo ủng hộ phe đảo chính vào tháng 11/1960 trên Saigon Mới. Dị nam còn cùng Thanh Phong, tổng thư ký tòa soạn nhật báo Saigon Mới, thay nhau "khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu" (Truyện Kiều) nơi phụ bản màu biếu bạn đọc. Đây, lục bát Đề Vạn Lý trường thành của ông Bút Trà in vào phụ bản tương ứng:

Xây lên Vạn Lý trường thành,
Tần Hoàng đâu biết tội mình muôn năm!
Trường thành sức mạnh bao lăm?
Sao không biết lấy dân tâm làm thành?

Bà Tùng Long viết Hồi ký (NXB Trẻ, 2003; NXB Hội Nhà Văn, 2014), có đoạn: "Rồi nhân trong một cuộc họp do Bộ Thông tin tổ chức, lúc ấy bác sĩ Thọ làm giám đốc, bà Bút Trà có một bài thơ mừng sự nhận chức của bác sĩ, nhưng bà lại không dám đọc vì bà nghĩ rằng ai cũng biết bài thơ ấy là của ông Bút Trà làm cho. Bà giỏi về quản lý và điều khiển tờ báo, chớ làm thơ viết văn thì còn ai không biết bà học lực ra sao và thơ thẩn gì! Bà liền nhờ tôi đọc giùm. Trong một buổi tiệc như vậy, có đông đảo mọi người, tôi làm sao từ chối được, vả lại bà là chị dâu mà cũng là chủ nhiệm của tôi. Thế là tôi đứng lên và trước khi đọc, tôi tuyên bố rõ ràng là của chị tôi. Khi tôi đọc xong, tiếng vỗ tay không ngớt, có lẽ họ nghĩ do tôi viết, còn bác sĩ Thọ thì rất vui vì những lời ca ngợi ấy."

Cũng theo bà Tùng Long, trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong số xuân, Tử Vi Lang (họ tên Đỗ Văn Đỉnh) đăng đôi vần lục bát biến thể:

Năm nay mưa thuận gió hòa,
Ông Đinh Văn Khai ra sách, bà Bút Trà làm thơ!

Đinh Văn Khai, chủ báo Tiếng Chuông, học lực xêm xêm bà Bút Trà, tất nhiên cậy nhờ người khác chấp bút thì kẻ ra sách, người làm thơ. Tuy nhiên, theo Hoàng Hải Thủy, đôi dòng trêu ghẹo nọ của Nguyễn Duy Hinh, bút danh Cồ Việt Tử, đăng trên tờ Thời Cuộc.

Dẫu "lãng đãng mơ màng" nhưng ông Bút Trà thiết tha yêu báo chí và văn chương. Có thể biết điều này sau khi đọc bài Phỏng vấn nhà báo kỳ cựu Bút Trà chủ trương báo Saigon Mới do Nguiễn Ngu Í thực hiện, đăng trên tạp chí Bách Khoa 122, số đặc biệt xuân Nhâm Dần 1/2/1962. Nhan đề thế, nhưng chỉ hỏi đáp đôi câu về báo, các câu khác đều xoáy vào thơ, đây là đoạn đầu:

- Bốn mươi năm lăn lộn trong nghề, anh đã chán cái nghiệp báo chưa?

- Anh đã nói đến cái nghiệp, thì có chán cũng phải làm sao cho đừng chán.

- Nhưng có khi nào anh chán thơ không?

- Người ta có thể chán giàu sang, người ta có thể chán đàn bà; nhưng người ta không thể chán thơ được.

- Tại sao thế anh?

- Vì nàng thơ là nhân tình trẻ mãi, không bao giờ già; một nhân tình không bao giờ phụ ta; và lúc nào cũng sẵn sàng để an ủi, vỗ về ta.

Nội dung lời đáp thiếu "bình đẳng giới" (!). Qua bài phỏng vấn đó, ông Bút Trà bày tỏ quan niệm sáng tác:

- Thơ phải dễ hiểu. Chữ phải dễ, đừng dùng điển tích; hoặc có, thì càng ít càng hay. Mình đừng quên rằng mình nói với người đồng thời. Như ở đất Sài Gòn này, đôi tình nhân xa nhau, người ở lại, kẻ bay qua mấy vạn trùng dương; thì không nên nhắc đến sông Tương, đến bến Tầm Dương ở tận bên Tàu, vào thời xa lơ xa lắc nào; mà phải nói đến con sông Bến Nghé, bến đò Thủ Thiêm.

Nguiễn Ngu Í hỏi tiếp:

- Anh làm thơ hẳn dễ dàng như làm báo?

Ông Bút Trả trả lời:

- Ai bảo với anh làm báo dễ? Nghề nào, nghệ thuật nào cũng có cái khó của nó. Với tôi, làm thơ, cực, cực; thật là cực.

- Cực như gì, anh? 

- Cực như đàn bà đẻ. Mà còn đau hơn đàn bà đẻ nữa kìa. Nhưng làm xong thì sướng ghê...

- Sướng như gì, anh?

- Không có cái sướng nào sánh bằng. Tiền bạc, nữ sắc, danh vọng đều không làm ta sướng bằng khi làm xong một bài thơ đắc ý mình ôm ấp từ lâu.  Còn nhớ có lần tôi làm xong một bài thơ, thích quá, tôi quên hẳn mình nằm bên cạnh một người đàn bà...

Ông Bút Trà đã ấn hành các tập thơ Tiếng bom Sa Diện (1961), Tâm sự ngàn thu (1962), Hương tình / Nét son (1969). Hướng về đề tài lịch sử, tình quê hương, tình bạn, tình yêu nam nữ, song đáng tiếc xiết bao, thi pháp của Bút Trà quá cũ kỹ. Trong hoàn cảnh Thơ Mới cùng các trào lưu nghệ thuật kế tiếp phả những luồng sáng tạo cách tân tràn trề hứng khởi trên thi đàn đất nước, mà báo Saigon từng đăng nhiều bài thơ, có của Hàn Mạc Tử, dẫu tài năng "mùa cổ điển" cỡ Quách Tấn (1910-1992) cũng khó thu hút đông đảo bạn viết lẫn bạn đọc hiện đại chú ý, huống hồ Bút Trà vẫn dùng từ, dụng tứ cực kỳ bó gò bởi niêm luật thơ Đường, lắm trường hợp càng khổ công, càng... hài hước, mà bài ngũ ngôn bát cú vần trắc Vịnh Lê Thái Tổ trong tập Tâm sự ngàn thu là ví dụ:

Non Lam cờ nghĩa dựng,
Cứu nước cơn điêu đứng.
Một trận Vương Thông hàng,
Mười năm đế nghiệp xứng.
Ngọn cờ độc lập trồng,
Gốc họa xâm lăng bứng.
Áo vải bậc anh hùng,
Sơn hà muôn thuở vững.

Ngay cả thể lục bát, chẳng rõ cớ sao Bút Trà lắm khi lỡ làng thất vận, chẳng hạn:

Nắng mưa trời có bốn mùa,
Riêng tôi cảm thấy một màu xám đen.

BẢY NỔI, BA CHÌM

Luật Báo chí Việt Nam Cộng Hòa gọi là luật 019/69 do tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành ngày 30/12/1969, sau đó thay thế và bổ sung bằng sắc luật 007/72 cũng do tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký ngày 5/8/1972. Sự kiện nọ, thời điểm nọ buộc nhiều nhà báo thôi làm báo, trong đó có ông bà Bút Trà.

Hồi ký không tên của Chánh Trinh / Lý Quí Chung (NXB Trẻ, 2004, trang 241) ghi nhận: "Sắc luật 007/72 bắt buộc mỗi tờ nhật báo phải đóng ký quỹ 20 triệu đồng (lúc ấy tương đương 47.000 USD), còn báo định kỳ thì 10 triệu. Nếu không nạp đủ số tiền đó, thì tờ báo bị rút giấy phép." Sách đó (trang 245) phản ánh: "Sắc luật 007 được ông Thiệu ký ngày 5/8/1972 khiến cho 16 tờ báo ngày và 15 tờ báo định kỳ phải đóng cửa".

Dẫu chẳng đối lập chính quyền đương thời, nhật báo Saigon Mới vẫn chấp nhận đóng cửa tòa soạn vì chủ nhiệm kiêm chủ bút là bà Bút Trà không chịu ký quỹ. Đến lúc ấy, dường bà đà thấm mệt, chẳng phải vì công việc, mà vì chuyện "để quên con tim". Sau hơn 4 thập niên chủ báo, kỳ nữ không hoạt động ngành truyền thông đại chúng nữa. Chỉ điều hành nhà in Nguyễn Đình, nhà hộ sinh Nguyễn Huệ cùng trường tiểu học Bình Dân Học Hội, chị Bồn Binh có thì giờ ngẫm nghĩ sự đời.

Sự kiện lịch sử 30/4/1975 đưa đẩy bao người vào những hoàn cảnh thăng giáng khôn lường. Trong sách Chuyện nghề báo, nhà báo Sài Gòn thuở ban đầu (NXB Văn Hóa - Văn Nghệ TP.HCM, 2016, trang 102), Trần Nhật Vy viết về ông bà Bút Trà: "Sau năm 1975, thời cuộc thay đổi, nhà cửa bị sung công, tiền bạc trong ngân hàng bị tịch biên và ông bà trở thành người nghèo."

Ngày 10/8/1978, bà Bút Trà trút hơi thở cuối. Ngày 23/4/1982, ông Bút Trà lâm chung. Kỳ nữ và dị nam được hỏa táng, tro cốt lâu nay an vị tại Báo Ân Từ - một cơ sở của đạo Minh Lý, hiện tọa lạc ven đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, TP.HCM.

Mặc dù ông bà Bút Trà, nhất là bà, có "tiếng tăm khó phai nhòa", nhưng ngày nay chẳng dễ tìm hiểu tiểu sử và sự nghiệp của họ. Nhật báo Sài Thành / Saigon / Saigon Mới cùng các tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Tân Tiến đều đã thất tán quá nhiều, ngay cả Thư viện Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM hiện chẳng sưu tập được bao lăm. Trần Nhật Vy bộc bạch trong sách Chuyện nghề báo, nhà báo Sài Gòn thuở ban đầu (trang 97): "Ngày nay, cũng không biết kiếm tờ báo này ở đâu để coi nó ra làm sao."

Riêng ảnh chụp kỳ nữ và dị nam, hỡi ôi, cực kỳ khó tìm. Hoàng Hải Thủy than: "Internet có ảnh các bà Ngô Bá Thành, Nguyễn Phước Ðại, Dương Quỳnh Hoa, nhưng không có ảnh bà Bút Trà / Nguyễn Ðức Nhuận, chủ nhật báo Saigon Mới. Từ ngày sang Kỳ Hoa, năm 1995, trong nhiều năm tôi khổ công tìm ảnh bà Bút Trà. Nhưng tôi không tìm được một tấm ảnh nào của bà, ảnh ông Bút Trà cũng vậy. Nhiều lần tôi đăng trên Internet lời kêu gọi quý bạn nào có ảnh ông bà Bút Trà làm ơn cho tôi xin. Ðến năm nay - 2012 - tôi được bạn SS gửi cho mấy tấm ảnh tôi mong đợi. Tôi đăng ảnh ông bà Bút Trà / Nguyễn Ðức Nhuận cùng bài viết này." Sách Ngài Minh Thiện cuộc đời và đạo nghiệp của Đại Cơ Huờn in một ảnh bà Bút Trà nơi cổng tam quan Tam Tông Miếu năm 1957. Sách Ba nhà báo Sài Gòn của Trần Nhật Vy in ảnh bà Bút Trà dự lễ trao giải thưởng Thanh Tâm.

Để thực hiện bài này, tôi may mắn được nhiều quý nhân nhiệt tình giúp đỡ. Đặc biệt là nhà giáo Lâm Lý Hùng, thánh danh Đại Bác, nguyên giảng viên ban Toán trường Đại học Khoa học Sài Gòn, hiện chủ trì Tam Tông Miếu kiêm hiệp lý Viện Hành đạo Minh Lý, đã cung cấp "sổ bộ" bà Tôn Thị Thân cùng mấy tấm ảnh chụp kỳ nữ với các đồng đạo và các tài liệu liên quan. Tôi cũng chân thành cảm ơn bạn đọc Trần Thị Song Hà ở Hà Nội đã cất công sưu tập giúp đôi tờ nhật báo Saigon thứ bảy 16 và 23/11/1935 lần lượt đăng hai bài thơ Uống trăng...Chưa biết yêu... của Hàn Mạc Tử ký bút danh Mlle Mộng Cầm.


Bài thơ Uống trăng... của Hàn Mạc Tử 
ký bút danh Mlle Mộng Cầm 
đăng trên nhật báo Saigon ra ngày thứ bảy 16/11/1935
_________________

[1] - Chủ nhiệm kiêm chủ bút tương đương tổng biên tập hiện nay.
[2] - Tỉnh Tân An do thực dân Pháp thành lập ngày 1/1/1900, gồm 3 quận Châu Thành, Thủ Thừa, Mộc Hóa; đến ngày 20/11/1952 thêm quận Tân Trụ. Ngày 17/2/1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tách toàn quận Mộc Hóa và một phần quận Thủ Thừa ra, hợp tỉnh Tân An với tỉnh Mỹ Tho cùng một phần đất của tỉnh Sa Đéc, lập tỉnh mới Mộc Hóa. Ngày 22/10/1956, tỉnh Mộc Hóa đổi thành tỉnh Kiến Tường; phần đất còn lại của tỉnh Tân An hợp với phần lớn địa bàn tỉnh Chợ Lớn trở thành tỉnh Long An có tỉnh lị là thị xã Tân An.
[3] - Tại tỉnh Quảng Ngãi, xã Nghĩa An một thời thuộc huyện Tư Nghĩa; từ ngày 12/12/2013, xã Nghĩa An sáp nhập vào TP Quảng Ngãi.
[4] - Ngũ phụng tề phi, nghĩa gốc là 5 con chim phượng cùng bay, nhằm khen ngợi tỉnh Quảng Nam có 5 vị cũng đỗ cao (gồm 3 tiến sĩ và 2 phó bảng) vào khoa thi năm Mậu Tuất 1898, niên hiệu Thành Thái thứ X. Quý bạn đọc có thể tham khảo bài Ngũ phụng tề phi: Những ai? Nơi đâu? của Phanxipăng đã đăng trên tạp chí Thế Giới Mới 510 (28/10/2002) và 511 (4/11/2002).
[5] - Tân văn / 新聞: từ này do người Nhật sáng tạo, đọc shinbun, nghĩa là tin tức, cách dùng y hệt thời báo.
[6] - Đây vốn là đường số 28. Ngày 2/6/1875, chính quyền đặt tên đường là rue Cap de Saint Jacques. Ngày 24/2/1897, đổi thành rue Filippini. Ngày 22/3/1955, đổi thành đường Nguyễn Trung Trực.
[7] - All-You-Can-Eat (AYCE): Ăn thỏa thích.
 

____________________


Hàn Mạc Tử thuở làm báo chuyên nghiệp ở Sài Gòn. Tranh bột than: Hiền Minh


 Ông bà Bút Trà ở Sài Gòn năm 1950


Hí họa chân dung Bà Bút Trà trên đặc san Xuân Nhâm Thìn 1952


Bà Bút Trà trong lễ lạc thành Tam Tông Miếu ở Sài Gòn năm 1957

Quảng cáo nhà bảo sanh Nguyễn Huệ của bà Tô Thị Thân tự Bút Trà

Tập thơ Tâm sự ngàn thu của Bút Trà (Phụ Nữ Ngày Mai xuất bản, Sài Gòn, 1962)


Ông Minh Thiện với dưỡng nữ Nguyễn Thị Kim Tuyết - con ruột của ông bà Bút Trà, phu nhân của tướng Nguyễn Vĩnh Nghi

Ngày 2/11/1963, quần chúng đập phá nhà in Nguyễn Đình 
và tòa soạn báo Saigon Mới

Di cốt bà Bút Trà. 
Ảnh: Phanxipăng

Bài thơ Uống trăng... của Hàn Mạc Tử ký bút danh Mlle Mộng Cầm đăng trên nhật báo Saigon ra ngày thứ bảy 16/11/1935