Một
thời, tôi yêu nhạc, trong đó có nhạc Phạm Duy. Rất nhiều
bài hát của ông đã để lại trong tôi những kỷ niệm không
thể nào quên.
Tôi làm sao quên được khi
bài hát "Ngày Xưa Hoàng Thị...", thơ Phạm Thiên Thư, được
phát trên đài phát thanh Sài Gòn vào đầu những năm 1970 với
tiếng ca của Thanh Thúy, Thái Thanh. Bài hát hợp với lứa
tuổi học trò của thế hệ chúng tôi thời đó. Nghe lời
ca, tôi không thể không dấu được tiếng lòng của mình qua
ca từ ngọt lịm:
"Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay...".
Tôi tưởng tượng bước chân
của tôi theo em trên con đường Thống Nhất. Rồi tôi lại
mường tượng, ở góc phố Lê Lợi, tôi đứng, nhìn theo chiếc
xe Jeep có bóng dáng tinh khôi của em về cư xá Thanh Lịch giữa
nắng trưa nồng nàn hay buổi chiều mưa lành lạnh.
Giờ, tôi không còn là cậu
học trò ngây ngô. Thế nhưng, mỗi lần đi qua con đường
cũ, kể cả những lần đi ngang nhà em ở khi xưa, tôi thấy
mình như sống lại tuổi thư sinh. Vẫn những hàng cây che
bóng mát lứa tuổi học trò. Vẫn những tà áo trắng tinh
khôi khi tan trường trên phố. Vẫn những ánh mắt trong veo,
tinh nghịch. Vẫn những tiếng cười nói xôn xao... Tôi như
thấy bóng hình em, bóng hình tôi một thời. Lòng tôi vang lên
giai điệu nhớ thương da diết:
"Xưa theo Ngọ về
Mái tóc Ngọ dài
Hôm nay đường này
Cây cao hàng gầy
Đi quanh tìm hoài
Ai mang bụi đỏ đi rồi?
Ai mang bụi đỏ đi rồi?
Ai mang bụi đỏ đi rồi?".
Tôi thầm hát và tôi thầm
gọi "Chi ơi!"...
Nhiều khi có tâm trạng bâng
khuâng, tôi thường đàn và hát. Đàn và hát những bài quen,
xưa cũ - những điệu nhạc mà thuở học trò tôi thường
đàn và hát. Đàn và hát cho quên nỗi muộn phiền; đàn và
hát hồi tưởng lại ngày xưa; đàn và hát để tin vào cuộc
sống. Tôi đàn và hát "Tiếng Đàn Tôi" trong điệu Tango. Vừa
đàn, tôi vừa hát:
"Đời lạnh lùng trôi theo
giòng nước mắt
Với bao tiếng tơ xót thương
đời
Vì cuộc tình đã chết
một đêm nao
Lúc trăng hãy còn thơ ấu"...
Lời bài hát như mang nặng
tình tôi. Quả là cuộc đời này đã bao lần lạnh lùng trôi
theo nước mắt trong điệu buồn thiết tha thương đời, xót
đau cho cuộc tình chết trong một đêm lúc trăng vừa chớm
nụ. Tôi hát theo điệu đàn, theo tiếng nhặt khoan, theo thuyền
chở tình tới bến mơ, bến mộng đầy hương tình dặt dìu
trong tiếng đàn yêu thương:
"Buồm về dội nắng trên
khơi
Bao nhiêu hoàng hôn đến
cho êm vui người ơi
Có tiếng hát theo đàn tôi
Như ru như thương linh hồn
đắm đuối
Mênh mông lả ơi
Thuyền chờ mong gió lên
trời
Mang theo đàn tôi
Chảy về đậu bến ngày
mai".
Có lần tôi hát "Cây Đàn Bỏ
Quên". Tôi hát và tưởng mình một thuở ôm đàn làm tên nghệ
sĩ. Tôi tưởng tượng đến thăm em. Tôi đàn và hát cho em
nghe. Điệu Valse dặt dìu, bồng bềnh vang lên:
"Hôm xưa tôi đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên
cây đàn
Tình tang tính tính tình
tang
Đêm khuya thao thức mơ màng
Chờ mai tìm đến cô nàng
ngây thơ
Tình tang tính tính tình
tang".
Qua những câu hát ấy, tôi
tưởng mình đang tỏ tình cùng em. Không biết em có hiểu tình
tôi không? Chỉ biết rằng giờ gặp lại trong những lần
em về lại Đà Nẵng thăm bạn học thuở nào, em chỉ im lặng
không nói gì và tôi cũng thế, nhưng tôi biết là em hiểu
được có một thời tôi từng hát cùng cây đàn ghi ta:
"Đàn ơi! Thôi cứ lên tiếng
than
Hay cứ reo nỗi hoan
Trên đường lên viễn phương
Tang tình tang tính tang
Người ơi tôi thường hay
muốn biết
Với tình hoa thắm thiết
Yêu tôi hay yêu đàn?
Yêu tôi hay yêu đàn?"
Tôi cũng thường hát "Nha Trang
Ngày Về". Bởi Nha Trang là quê em, nơi một thời tuổi thơ
của em ở đó, sống với ba mợ trong ngôi nhà xinh xắn sát
biển Nha Trang. Qua trang Facebook của em, tôi biết nhiều lần
em về thăm chốn cũ, cùng bạn bè thuở thiếu thời hoặc
người thân dạo chơi trên bãi cát trắng, lượm những vỏ
ốc vỏ sò, đùa nghịch cùng con sóng yên bình. Tôi tưởng
mình ôm đàn ngồi trên bãi biển vào một đêm khuya, cất
lời ca tỏ tình cùng em – cô gái xứ Trầm Hương. Giai điệu
Slow Rock cùng với lời ca của bài hát như thể cuốn tôi vào
cơn mơ tình ái. Nhưng đó chỉ là giấc mộng của mối tình
câm như dã tràng xe cát, như con ốc bơ vơ, cô đơn:
"Nha Trang biển đầy
Tình yêu không có đây
Tôi như là con ốc
Bơ vơ nằm trên cát
Chui sâu vào thân xác lưu
đày
Dã tràng ơi! Sao lấp cho
vơi sầu này?"
Có lần các anh chị em văn
nghệ sĩ và thân hữu của Tạp chí Quán Văn tổ chức ra mắt
sách tại nhà sách Nhân Văn, đồng thời thăm thú Phan Rang
– Tháp Chàm và vịnh Vĩnh Hy cùng những địa danh khác của
tỉnh Ninh Thuận, tôi cũng tham gia. Những lần di chuyển địa
điểm, chúng tôi đã hát nhiều bài hát. Hôm đi thặm tháp
Po Klong Garai, chúng tôi đã cất lên tiếng hát:
"Nước non ngàn dặm (à a
a) ra đi
Nước non ngàn dặm (à a
a) ra đi
Dù đường thiên lý xa vời
Dù tình cô lý chơi vơi
Cũng không dài bằng lòng
thương mến người"...
(trích trường ca "Con Đường
Cái Quan")
Tôi cũng có dịp cùng văn hữu,
thân hữu Quán Văn gặp nhau ở Sài Gòn rồi đi miền Tây,
nhân dịp ra mắt Quán Văn số 59 với chủ đề Mùa Nước
Nổi. Ngồi trên xe, qua những con đường rợp bóng quê, chúng
tôi, hầu hết mọi người vỗ tay theo nhịp của tiếng đàn
và cất tiếng hát cho quên mệt:
"Hò lơ hó lơ
Lắng tai nghe tiếng ai đang
hò lờ
Hò lơ hó lơ
Đèn nào cao cho bằng đèn
Châu Đốc
Gió nào độc cho bằng gió
Gò Công
Vợ chồng son đã nuôi lòng
ước mong
Thuận vợ chồng sẽ cùng
tát Biển Đông
Hò lơ hó lơ
Lắng tai nghe tiếng ai đang
hò lờ
Hò lơ hó lơ"...
(trích trường ca "Con Đường
Cái Quan")
Khi đến tuổi xế chiều, người
ta thường tìm về những kỷ niệm đã qua. Tôi cũng không
ngoại lệ. Và những người bạn lớp Kinh Thương, Viện Đại
học Cộng đồng Quảng Đà của chúng tôi cũng vậy. Sau hơn
42 năm không tin tức gì - kể từ cuối tháng 03/ 1975 lớp chúng
tôi, trường chúng tôi không còn - và giờ chúng tôi lại tìm
về những kỷ niệm xưa trong những lần gặp gỡ. Chúng tôi
nhắc nhớ về lớp tập bài hát "Nương Chiều" để diễn
mừng Xuân Tân Mẹo, 1975 tại hội trường trường Phan Châu
Trinh. Và kể từ đó, mỗi lần gặp mặt, bọn chúng tôi luôn
cất lên tiếng lòng nhớ một thời hy vọng:
"Chiều ơi! Lúc chiều về
rợp bóng nương khoai
Trâu bò về rục mõ xa xôi,
ơi chiều
Chiều ơi! Áo chàm về quảy
lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi
vơi, ơi chiều"...
Những tiếng vỗ tay theo điệu
nhạc, những tiếng hát đủ tone, có chỗ nhớ, chỗ quên,
nhưng chúng tôi vẫn cất lên như thể tuổi trẻ hồi sinh
trên từng gương mặt. Chúng tôi hát như lứa tuổi đôi mươi
tràn trề mộng ước trong điệp khúc:
"Mai về, để lúa trên ngàn
Ta nuôi người gìn giữ
non nước
Lấy sức tôi chen với sức
anh
Lấy máu tô cho thắm núi
xanh
Đem mồ hôi tưới
đồng
lúa xanh".
Còn những khi lòng man mác,
có chút buồn buồn, tôi đem đàn ra gãy. Rồi tôi hát. Hát
để tìm sự an bình; hát mà mơ cùng em thoát chốn bụi trần.
Tôi mơ làm gã từ quan, lên non tìm giấc mộng hoa vàng bồng
bềnh nơi cõi tục:
"Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng
ngủ say
Thôi thì thôi để mặc
mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên
đồi dạ lan
Thôi thì thôi chỉ là phù
vân
Thôi thì thôi nhé có ngần
ấy thôi
Chim ơi chết dưới cội
hoa
Tiếng kêu rơi rụng giữa
giang hà
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào
thiên thu".
("Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng",
thơ Phạm Thiên Thư)
Những bài tôi thường hát
đều mang tâm trạng của tôi. Xin cảm ơn những lời ca của
Phạm Duy để lại cho đời, cho bạn và cho tôi. Thôi thì cứ
hát để mà nhớ về nhau, để mà mơ giấc mộng vô thường
cõi thế.
Tháng
09/ 2020
Phan Trang
Hy