Chim Việt Cành Nam
 Trở về
Trang chủ
Tác giả
Ngư Tiều Canh Mục

Nguyễn Dư

Ngày xưa, dân ta được chia thành bốn giai cấp: Sĩ, nông, công, thương.
là những người có học, thi đỗ, ra làm quan. Sĩ được vinh dự làm... cha mẹ dân.
Nông là đám dân quê, có bổn phận nuôi sĩ.
Nếu không có kẻ quê mùa,
Lấy ai nuôi người quân tử?
Nếu không có người quân tử,
Lấy ai dạy kẻ quê mùa? (1)
Sau , NôngCông (thợ có tay nghề) và Thương (giới buôn bán).
Nông bao gồm bốn nghề: ngư (đánh cá, bắt cua...), tiều (kiếm củi, đốt than...), canh (làm ruộng, trồng trọt...) và mục (chăn trâu, nuôi gia súc...).
Dưới chế độ phong kiến, nông dân là những người thuộc thành phần nghèo khổ. Có lẽ chỉ có vua chúa và các quan ăn trên ngồi trốc mới không nghĩ như vậy. Thậm chí các bề trên còn cho rằng ngư, tiều, canh, mục là bốn thú vui (tứ thú) của bốn loại người sống ẩn dật (tứ ẩn)... bên Tàu.
Hai mươi tám ngôi sao sáng (nhị thập bát tú) của hội Tao Đàn đời Hồng Đức, gồm những ông được Khổng giáo giao cho trách nhiệm làm cha mẹ dân, thi nhau xướng hoạ, ca tụng ngư, tiều, canh, mục. Đúng hơn là ca tụng mấy nhân vật:
- Lã Vọng (Khương Tử Nha) ở ẩn câu cá tại Bàn Khê, được Văn Vương nhà Chu mời ra giúp đánh chúa Trụ nhà Thương.
- Nghiêm Tử Lăng là bạn thân của Lưu Tú. Khi Lưu Tú lên làm vua thì Tử Lăng giữ vững tiết tháo không chịu ra làm quan, lui về sống ẩn dật. Ngày ngày câu cá ở sông Đồng. (Có người nói Nghiêm Tử Lăng đi cày ruộng tại núi Phú Xuân).
- Lưu Thần và Nguyễn Triệu nhân ngày mồng năm tháng năm vào núi Thiên Thai hái thuốc gặp tiên.
- Chu Mãi Thần tính chăm học, nhà nghèo, phải làm nghề hái củi. Mãi Thần vừa hái củi vừa học. Vũ Đế nghe tiếng, cho triệu vào triều, phong chức Trung đại phu.
- Gia Cát Lượng cày ruộng ở Nam Dương. Lưu Bị ba lần đến lều tranh của Gia Cát Lượng mời ra giúp sức, để chống nhau với Tào Tháo và Tôn Quyền.
- Nịnh Thích vì nhà nghèo phải sang nước Tề ở chăn trâu cho người khác. Một hôm, đang gõ sừng trâu ca hát, gặp Tề Hoàn Công đi qua. Tề Hoàn Công nghe tiếng hát lấy làm cảm động, liền dùng Nịnh Thích làm thượng khanh.
- Lý Bá Hề làm quan ở nước Ngu, biết nước này sắp bị diệt vong, bèn bỏ sang nước Tần, đi ở chăn trâu. Mục Công nước Tần biết Hề là người giỏi, dùng làm tướng, làm nên nghiệp bá.
- Tô Vũ đi sứ sang nước Hung Nô, bị chúa Thuyền Vu bắt giam, rồi bị đày đến bể Bắc, chăn dê. Hẹn rằng bao giờ dê đực đẻ sẽ tha cho về. Mười chín năm sau Tô Vũ được tha, trở về với nhà Hán.
Thỉnh thoảng cũng có lúc các quan tạm quên tứ ẩn của Tàu, say sưa ngồi nghe Tứ thú (ăn nhậu của ta) cùng nhau nói chuyện:
Đêm rượu, ngày rồi họp bốn người,
Cùng bày sở thú bảo nhau chơi.
Con trâu tớ béo, cơm ngươi trắng,
Đon củi ngươi nhiều, cá tớ tươi.
Gặp thuở thái bình ngươi mến tớ,
Chứa lòng ưu ái tớ cùng ngươi.
Cắp cầm, con Tuyết tình cờ đến,
Bỏ nón, lùi chân khặc khặc cười. (2)
Ngày xưa, nghề làm ruộng của nước ta được vua làm lễ tịch điền để "tôn vinh", khuyến khích:
Mùa xuân năm 987, vua Lê Đại Hành bắt đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi, được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân. (Đại Việt sử ký toàn thư).
Đất vua cày là đất vàng, đất bạc. Tiếc rằng vua chỉ cày ở hai nơi.
Tháng 2 năm 1083, vua Lê Thái Tôn ngự ra Bố Hải khẩu cày ruộng tịch điền. Sai quan dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông xong, cầm cày muốn làm lễ tự cày, các quan tả hữu có người can rằng: "Đó là việc của nông dân, bệ hạ cần gì làm thế?". Vua nói: "Trẫm không tự cày thì lấy gì mà làm xôi cúng, lấy gì để xướng suất thiên hạ?". Thế rồi đẩy cày ba lần rồi thôi. (Đại Việt sử ký toàn thư).
Lễ tịch điền của nhà Nguyễn được tổ chức long trọng và... kín đáo hơn. Bửu Kế, Nhìn qua các nghi lễ triều đình Huế, kể rằng:
"Vua, hoàng thân, các quan đại thần cày mấy đường cày đầu năm tại sở Tịch điền trong Kinh thành, để làm gương, khiến các nhà nông noi theo đó mà siêng năng trong việc cày cấy. Trong khi vua cày, ngài mặc áo chẽn, bịt khăn đường cân, mang hia, tay cầm roi, tay cầm chiếc cày sơn vàng, do hai con bò cũng phủ lụa vàng kéo. Đi theo hầu vua, có quan Phủ thừa và một viên ấn quan bộ Hộ, người mang thúng giống, kẻ vãi giống. Lại có viên quan đi phòng ngừa để hứng phân bò phòng hai con vật có lỡ bất kính mà làm bậy.
Vua cày xong lên ngồi trên nhà Quan canh để xem hoàng thân và quan lại cày. Đây chỉ là một công việc tượng trưng, vì sau đó sở ruộng được giao lại cho một số chức sắc chuyên về nông nghiệp phụ trách. Lúa gạo gặt được ở sở tịch điền sẽ dùng để tế Giao, tế các thần và các lăng miếu". (3)
Tiều phu thỉnh thoảng mới được nhắc tới:
Một gánh càn khôn quảy tếch ngàn
Hỏi chi bán đó dạ rằng than
Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt
Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn...
(Bán than, tục truyền tác giả là Trần Khánh Dư)
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
(Bà huyện Thanh Quan)
Dân gian có cái nhìn thực tế hơn. Họ chỉ thấy tiều phu là hạng người khố rách áo ôm.
Cửa nhà nghĩ thảm trăm chiều
Gia tài có một búa rìu đốn cây
Sẵn nghề cha để lại đây
Đốt than, kiếm củi tháng ngày lân la.
...
Mình trần, khố có một manh
Giang sơn một gánh củi cành trên vai
(Truyện Thạch Sanh)
 
ngư
tiều
canh
mục

Ngư, tiều, canh, mục của văn học không có thay đổi gì đáng kể cho tới ngày lịch sử sang trang.
Ngày 6 tháng 6 năm 1884, triều đình nhà Nguyễn kí hoà ước, trao vận mệnh nước ta cho thực dân Pháp.
Cuối thế kỉ 19, Pháp đem chữ quốc ngữ vào giảng dạy tại nhà trường. Sách báo viết bằng chữ quốc ngữ được xuất bản. Đầu thế kỉ 20, chữ Hán, chữ nôm bị chữ quốc ngữ thay thế.
Văn học Việt Nam chuyển sang thời kì dùng chữ quốc ngữ.
Đời sống của nông dân được "thơ văn quốc ngữ" để ý nhiều hơn trước.
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
...
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
(Nguyễn Khuyến, Câu cá mùa thu)
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
...
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng (...)
(Tế Hanh, Quê hương)
Tản Đà ghi được những "lời qua tiếng lại" của một cặp vợ chồng làm nghề đốt than, sống trong rừng xanh. Vợ than thở trách chồng:
Chàng, chàng hỡi Tri âm từ thuở,
Nỗi sinh nhai rìu, búa, bếp, lò,
Nghĩ mình cũng đứng trượng phu,
Tây, nho chữ nghĩa không thua chi đời.
...
Làm cho phỉ chí nam nhi,
Trước là phu quý, sau thì phụ vinh.
Chồng "mắng yêu" vợ:
Dại đâu có dại lạ đời,
Ngu đâu mà lại có người quá ngu!
Người phải biết tự do là thú,
Mất tự do còn có ra chi.
Canh tàn, thôi liệu ngủ đi,
Ngủ cho đẫy giấc, mai thì bán than.
(Tản Đà, Vợ chồng người đốt than)
Tiều phu của Tản Đà thích đời sống nghèo nhưng được tự do hơn là giàu sang nhưng phải bon chen luồn cúi.
Khái Hưng nhìn thẳng vào hoàn cảnh của một cặp vợ chồng nghèo, đông con. Nước cùng phải đi vớt củi trên sông Hồng.
"Hai vợ chồng bắt đầu đưa thuyền ra giữa dòng, chồng lái, vợ bơi. Cố chống lại với sức nước, chồng cho mũi thuyền quay về phía thượng du, nhưng thuyền vẫn bị trôi phăng xuống phía dưới, khi nhô khi chìm, khi ẩn khi hiện trên làn nước phù sa, như chiếc lá tre khô nổi trong vũng máu, như con muỗi mắt trong nghiên son.
Nhưng nửa giờ sau, thuyền cũng tới được giữa dòng. Chồng giữ ghì lái, vợ vớt củi.
Chẳng bao lâu thuyền đã gần đầy, và vợ chồng sắp sửa quay trở vào bờ, thì trời đổ mưa... Rồi chớp nhoáng như xé mây đen, rồi sấm sét như trời long đất lở.
Chiếc thuyền nan nhỏ, đầy nước, nặng trĩu. Hai người cố bơi, nhưng vẫn bị sức nước kéo phăng đi...
Bỗng hai tiếng kêu cùng một lúc:
- Giời ôi!
Thuyền đã chìm. Những khúc củi vớt được đã nhập bọn cũ và lạnh lùng trôi đi, lôi theo cả chiếc thuyền nan lật sấp.
(...)
Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.
Đèn điện sáng rực suốt bờ sông. Gió đã im, sông đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa con gái nhỏ đứng bên cạnh. Đó là gia đình bác phó Thức ra bờ sông từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con.
Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng". (Khái Hưng, Anh phải sống)
Làm ruộng không nguy hiểm như vớt củi trên sông hay chặt cây trong rừng, nhưng cực nhọc, nghèo khổ thì tất cả đều ngang nhau.
Phan Kế Bính có nhận xét:
"Nước ta là một nước Nông quốc, nghĩa là lấy việc làm ruộng làm gốc sinh nhai.
Nhà làm ruộng rất là cần khổ (...), chẳng những người lớn vất vả, dẫu đến trẻ con cũng vất vả. Nào khi chăn trâu chăn bò, nào khi mò cua bắt ốc, khố rách áo ôm, coi hình thù rất nên tiều tụy. Thôi nói cái cảnh nhà làm ruộng của ta, thì chẳng còn nước nào khổ hơn. Song cũng lắm lúc vui thú mà vui thú thật...". (4)
Thuở nhỏ được học bài ca dao nói lên những khó nhọc của nhà nông:
Ra công xới lúa giữa trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa luống cày,
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần
Mãi sau này mới được biết bài ca dao là thơ của Lý Thân (780-846) đời Đường, được Tương Như dịch sang tiếng Việt. (5)
Các bài học khác thì nhẹ nhàng vui vẻ hơn.
- Hằng ngày tôi đi học, phải qua một cánh đồng rộng. Tôi thường thấy: đàn ông thì cày bừa, đàn bà thì đập đất, trẻ con thì chăn trâu, chăn bò. Lúc trời làm khô cạn, thì tôi thấy nào là người khai ngòi, đắp bờ, nào là người tưới cây, tát nước. Lúc nào ngoài đồng cũng có người làm, trông thật là vui vẻ. (Quốc văn giáo khoa thư).
Các cụ có câu Không ăn mẻ cũng chết. Nhưng muốn có miếng ăn thì bắt buộc phải trông nhờ vào người làm ra miếng ăn. Mấy ông bèn nhắc nhở, khuyến khích đám nhà nông
Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu
Nhưng đồng thời cũng nhắc khéo nông rằng: Muôn thửa ruộng nương tốt, Chẳng bằng một nghề mọn. Ngàn vàng để cho con, chẳng bằng một quyển sách. (6)
Dù sao thì đời sống của nông dân của thế kỉ 20 cũng được văn nghệ sĩ lột tả mạnh dạn, sâu sắc hơn ngày xưa:
Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cầy
(Phạm Duy, Quê nghèo)
(...) Người đàn ông cúi rạp bước lầm lì

Người vợ cố đẩy bừa theo sát gót
Họ là những nông phu nghèo bậc chót
Không có trâu nên phải làm... trâu
Họ bừa ngầm một thửa ruộng chiêm sâu
Nước đến bụng, ôi, rét càng thêm rét...
(Bàng Bá Lân, Người trâu)
Có người đi xa hơn, tôn vinh nông dân:
"Nhà nông chân lấm tay bùn, Bền lòng kiên chí nêu cao gương cần lao (...) Khôn xiết gian lao, bao lầm than, bao cơ cầu. Vì nước, vì nhà, mới vất vả mới dãi dầu". (Thẩm Oánh, Nhà nông)
Riêng nghề chăn nuôi thì từ xưa tới nay thời nào cũng bị giới hạn vì thiếu vốn, thiếu đất mở trang trại.
"Những giống vật người ta nuôi trong nhà là : mèo, chó, lợn, gà, trâu, bò và ngựa. Mèo thì bắt chuột, chó thì giữ nhà, lợn gà thì để ăn thịt, trâu bò thì để cày bừa ruộng đất, ngựa thì để cỡi hay kéo xe. Giống nào cũng có ích cho ta cả, cho nên khi ta đã nuôi nó thì phải cho nó ăn uống và chăm nom đến nó, đừng đánh đập mà tội nghiệp". (Quốc văn giáo khoa thư).

***
câu cá
hái củi
chăn trâu
ông quan hưu trí (?)

Tranh Oger có bộ Tứ ẩn vẽ người câu cá, hái củi, chăn trâu và ông quan hưu trí (?).
Sách Tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand có hai bộ Ngư, tiều, canh, độc(7)
Độc là nghề đọc sách của . Tranh vẽ một ông "áo quần bảnh bao" ngồi đọc sách, dạy học. Tranh Ngư, tiều, canh, độc (và cả tranh Tứ ẩn) tuy đẹp nhưng nếu để ý một chút thì thấy nội dung bị khập khiễng vì cho một ông quan sang trọng ngồi hưởng nhàn bên cạnh đám nông dân chân lấm tay bùn!
Ngày nay, bốn nghề ngư, tiều, canh, mục vẫn còn nhưng tên gọi đã được đổi mới.
Muốn biết đời sống mới của họ ra sao, xin chờ hạ hồi phân giải...

ngư, tiều
canh, độc
Nguyễn Dư
(Lyon, 11/2020)
(1)- Đoàn Trung Còn, Minh đạo gia huấn, Thanh Niên, 2000, tr. 45.

(2)- Hồng Đức quốc âm thi tập, Văn Hoá, 1962.

(3)- Phong tục Tết Việt Nam và các lân bang, Đông Nam Á, 1986, tr.15.

(4)- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Tổng Hợp Đồng Tháp, 1990, tr. 276.

(5)- Thơ Đường, tập 1, Văn Hoá, 1987, tr. 238.

(6)- Minh đạo gia huấn, sđd, tr. 87.

(7)- Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, 2011, tr. 40.