Chim Việt Cành Nam
 Trở về
Trang chủ
Tác giả
Tôn giáo và môi sinh 
Cửu Long
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Qua diễn tiến phát huy niềm tin, tôn giáo nào muốn tồn tại thì cũng phải biết thích ứng với biến chuyển xã hội, chính trị và môi sinh mới. Thí dụ Đạo Tin Lành thích ứng với sự phát triển thương mại, làm giầu là một ân huệ không phải tội lỗi như con lạc đà không chui qua được lỗ kim khâu; Đạo Chúa Ki Tô qua đến Mỹ Châu đã giản dị hóa lễ nghi, kiến trúc tôn giáo để thích ứng với đời sống tín đồ đi chinh phục vùng đất mới bao la.

Nay, chúng ta thử trở về miền sông Cửu để nhìn lại Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo, Cao Đài đã phải thích ứng với môi sinh khắt khe như thế nào ?

Tìm hiểu môi trường địa lý thiên nhiên (phù sa cổ, đất phèn chua nước mặn…) và nhân văn (dân số, di dân, nông địa…) của vùng sông Cửu sẽ giúp chúng ta hiểu sự thích ứng của tín ngưỡng với môi trường địa lý tại đây.

Địa lý tín ngưỡng vùng sông Cửu có thể chia thành 2 khu vực lớn :

Miệt Trên (Phù sa cổ miền Đông và Miệt Vườn sông sâu nước chảy).

Miệt Dưới (Hậu Giang : vùng đất phèn chua, nước mặn tại Đồng Tháp; vùng đất hữu cơ của U Minh Cà Mau).

Tại Miệt Dưới, Tam giáo (Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo) phân lưu thành các tôn giáo bản địa nhỏ như Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài. Các tôn giáo này thoát thai từ Tam Giáo và biến thể để thích ứng tín ngưỡng với nếp sống của lưu dân lo chinh phục các vùng đất hoang vu, khắt khe.

Địa lý tín ngưỡng Miệt Dưới

Miệt Dưới là vùng Cà Mau, An Giang (Rạch Giá, Châu Đốc, Hà Tiên…) nổi tiếng với môi trường địa lý khắt khe nhất là trên vùng đất hữu cơ và đất phèn. Tìm hiểu hai vùng đất này sẽ giải thích tại sao dân số thưa thớt và tại sao địa lý thiên nhiên lại thúc đẩy tín ngưỡng phải thích ứng với môi trường thiên nhiên để phát triển.

Dân số thưa thớt

Dưới thời nhà Nguyễn, dân số Lục Tỉnh quá thưa thớt so với diện tích của đồng bằng [01] . Vào thời Tự Đức, tổng số dân đinh là 165 598 và cộng thêm 5 lần [02], số dân là 993 588 người. Dựa vào Đại Nam Nhất Thống Chí, số dân đinh tại Nam Kỳ Lục Tỉnh biến chuyển như sau [03].
 

Lục Tỉnh Gia Long Tự Đức
Biên Hòa

Gia Định

Định Tường

Vĩnh Long

An Giang

Hà Tiên

10600

28200

19800

37000
 
 

7500

16949

51788

26799

41336

22998

5714

Từ năm 1910, các vùng trũng đất phèn, đất hữu cơ úng thủy được tưới bón bởi một hệ thống kênh đào suôi, ngang dẫn nước ngọt sông Cửu vào rửa phèn chua nước mặn nên đã thu hút cư dân đổ xuống miền Hậu Giang. Diện tích ruộng và dân số từ 522 000 ha, 1 679 000 dân (1870) đã tăng lên 2 200 000Ha, 4 484 000 dân (1943) [04]. Đường nước ngọt chảy tới đâu là kéo theo dân tới đó mở mang xã ấp nông địa tạo nên nếp sống "văn minh kênh sáng" của "Miệt Dưới".

Môi trường địa lý khắt khe

Đất hữu cơ, đất phèn, rừng cây đồng cỏ hoang dã, ngập lụt… tạo nên một môi trường địa lý khắt khe của Miệt Dưới (Hậu Giang). Mô tả địa lý thiên nhiên và đời sống của lưu dân đi khai phá đất hoang dã để lập nghiệp sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao các tôn giáo nhỏ Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật giáo Hòa Hảo phải thích ứng với môi sinh địa lý để trở thành tôn giáo khu vực.

Đất hữu cơ (đất mật cật, đất cháy )

U Minh Cà Mau (Chương Thiện) gồm nhiều đất vừa acid vừa hữu cơ là vùng giao tiếp giữa đồng bằng phù sa nước ngọt phía bắc và đồng bằng phù sa nước mặn ở Cà Mau. Đất hữu cơ bao phủ khoảng 150 000 Ha, tạo nên "cảnh tối tối, sáng sáng", nổi tiếng với "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh bềnh như bánh canh". Loại đất này có thể dày tới 4m, được cấu tạo bởi sự tích tụ cây cỏ của rừng sát xưa, thường nằm trên lớp đất phèn hay hải vật sò hến. Các khu đất có tỷ lệ hữu cơ cao (than bùn) đều bỏ hoang.

Đến canh tác nơi đây, việc đầu tiên là chọn vùng đất đã cứng cát có lớp mùn mỏng và cây ráng mọc; đầu mùa nắng cắt cây ráng để khô héo trong nửa tháng, nổi lửa nương gió mạnh để tiêu diệt cây ráng lấy đất làm ruộng đầu mùa mưa. Lửa sẽ làm cháy lớp mùn xốp tỉch trữ nước mưa nhưng cho tro tốt cấy lúa [05]. Đồng thời thôn dân vào rừng tràm gác sào nuôi ong lấy mật, kiếm cây gỗ (cao từ 15 đến 20m) để làm nhà hoặc chở đi bán, cành làm củi, lá đem lọc làm dầu tràm (gomenol). Các địa điểm này đã mang lại cho dân một đời sống thoải mái như M. Gérard [06] mô tả : " Tại Cà Mau, đời sống thoải mái, dễ dàng, rừng ngay bên cạnh, những cây dừa nước cao lớn mọc hai bên bờ sông rạch; đào ao nuôi cá thật quá dễ. Nhiều rừng thưa rộng lớn, đất lại dễ cầy cấy. Lúc rảnh đồng áng, vào rừng săn ong lấy mật, sáp hay chặt cây lấy củi làm than đem bán, hoặc đến mùa thì chèo mướn…" .

Đất phèn [07]

Trên đồng bằng Cửu Long, đất phèn bao phủ khoảng một triệu Ha trong các vùng trũng ngập nước ở Cà Mau và Đồng Tháp. Loại đất quá phèn (nồng độ pH dưới 3) có sa cấu sét, bùn lày không thấm nước, bị úng thủy ngập nước mùa mưa, khô ráo nứt nẻ mùa nắng khiến chất pyrite bị oxyt hóa cho SO4H2 nên pH dưới 3. Nước phèn độc hại cho nước uống và cây lúa [08] gây nỗi lo sợ quanh năm: mùa mưa sợ nước dâng mau, mùa nắng sợ " phèn dậy " quá nhiều. độ phèn cao, sâu rầy, chim chuột đầy đồng cỏ.

Muốn chiếm canh một nông địa trồng lúa trên một " vạc " đất độ phèn thấp, nông dân phải tốn rất nhiều sức lao động. Thí dụ ở xã Thạnh Trung (quận Chợ Mới, An Giang), thôn dân đào mương rửa phèn, vớt lục bình bón vào đất trũng, trồng cây điên điển đầy rễ giữ phù sa làm cứng đất và giảm phèn. Sau vài năm đất thuần rồi mới được cấy lúa mà không sợ thất.

Theo kinh nghiệm, thôn dân khẩn những "vạc đất" mọc nhiều cỏ bông, lau sậy dấu hiệu đất đã cứng, cao ráo có thể cấy lúa được ngay. Từ đầu tháng giêng đến tháng ba, vào đốt đồng cỏ, chờ sa mưa dẫn trâu vào cày và dùng bừa chĩa bừa cho tróc gốc cỏ rồi sạ lúa. Thôn dân nghèo thì dùng dùi "tỉa lỗ" gieo lúa rồi lấy chà tre gai lấp các lỗ vừa gieo hạt để tránh chim, chuột phá hoại, trồng cây điên điển sau nhà để rễ hạ phèn, cành làm củi.

Trong thời gian cày bừa gặt hái, thôn dân cất căn chòi nhỏ (trại ruộng) tạm trú lúc làm việc đồng áng, hoặc cầm trâu lại nuôi, chăn một đàn vịt, bẫy chim cò cuốc, le le, dí chuột, đào đìa, dăng câu, thả ấu sen trong lung, láng… Sau mùa lúa chín, cảm thấy vững bụng sống được, thôn dân bắt đầu xẻ mương lên líp lập vườn, đắp nền dựng nhà cư trú thường xuyên chăm sóc ruộng đất, lung, đìa [09].

Đào mương thủy cấp và hạ phèn

Phân lưu tín ngưỡng vì sự thiếu thích ứng

Trên đồng bằng Cửu Long, Tam Giáo cổ truyền bị phân lưu thành Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hòa Hảo. Vậy đâu là lý do của sự phân lưu?

Trong thời Nam Kỳ Lục Tỉnh, Phật giáo suy vi, một số sư sãi lo việc phù thủy, mê tín dị đoan không canh cải để thích ứng với các điều kiện sau :

- Điều kiện nhân văn. Đa số nông dân mù chữ, ít học làm sao hiểu được triết học cao siêu của Phật, làm sao tu khổ, chay tịnh để hàng ngày phải vật lộn chinh phục vùng đất mới hoang dã;

- Điều kiện thiên nhiên " Muỗi vắt nhiều hơn cỏ, chướng khí mù như sương ", khai phá đất hoang với nỗi lo sợ mùa mưa nước nổi quá cao, mùa nắng phèn " dậy " quá nhiều làm mất mùa.

Trước cảnh đó, vì thiếu thích ứng với môi sinh mới nên đạo Phật cổ truyền đã biến thể thành những tôn giáo như Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hòa Hảo. Các tôn giáo mới này đã canh cải đạo Phật, bỏ lễ nghi phiền toái và đơn giản hình thức đến độ không cần tượng Phật nên rất thích ứng với đời sống người nông dân đi khai hoang lập ấp tại vùng sình lày phèn đọng, rừng hoang.

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương

Do ông Đoàn Văn Huyên khai sáng năm 1849, tín đồ tập trung ở An Giang, Châu Đốc. Tổ đình : chùa Thới Sơn (Tịnh Biên). Giáo lý : Học Phật tu nhân. Thực hành tứ ân : tổ tiên cha mẹ, đất nước, tam bảo, đồng bào nhân loại.

Đạo Bửu Son Kỳ Hương thích ứng với môi sinh khắt khe bằng :

- Tu theo đạo Phật, nhưng không cạo đầu, không áo cà sa, trừ mê tín, không đi chùa, tu ở đâu cũng được,

- Đơn giản hóa thờ cúng đạo Phật : trên ngôi thờ tam bảo chỉ cần một tấm Trần Điều màu đỏ treo trước tường chính điện thể hiện tứ ân, không ly gia cắt ái, không cần ăn chay, tụng kinh gõ mõ…không cần phẩm cúng bông hoa chỉ cần nước lã là đủ, nội dung giáo lý đơn giản phù hợp với hoàn cảnh và trình độ của nông dân,

- Lập nên những trại ruộng như ở Cần Lố (Đồng Tháp Mười) Láng Linh (Châu Phú), Thới Sơn (Tịnh Biên)...để giúp dân vừa tu vừa khẩn hoang miền đất hoang vu.

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có khoảng 100 000 tín đồ, do Bổn sư (Ngô Lợi) khai sáng tại núi Tượng (Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang) vào năm 1876, chùa Tam Bửu tại Ba Chúc là tổ đình. Bàn thờ tại tư gia: trên cùng thờ Quan Thánh, bên dưới Phật, Thánh, Tiên; dưới nữa : Thập Vương, Hộ Pháp Vi Đà, Cửu Phẩm, Tam giáo…

Trước cửa nhà : bàn thờ Thông Thiên hai tầng : tầng trên thờ Chánh Đức Thiên La Thần, tầng dưới thờ Thổ Trạch Long Thần.

Phẩm cúng. Cúng phật như tại chùa, cúng Thần có thêm món cá, cúng giỗ ông bà như cúng Thần.

Các bộ kinh được chuyển thành thể thơ dưới dạng sấm giảng với lời lẽ bình dị, mộc mạc dễ nhớ và dễ đi vào lòng người nông dân, với tôn chỉ " Tu Nhân-Học Phật ". Tứ Ân là : Tứ đại trọng ân (đất, nước, gió, lửa) và Tứ trọng ân (tổ tiên, đất nước, tam bảo, đồng bào nhơn loại).

Phật Giáo Hòa Hảo

Do Đức Huỳnh Phú Sổ khai lập năm 1939, lấy pháp môn Tịnh Độ tông là căn bản, chủ trương tu tại gia, có khoảng 1.500 000 tín đồ, tập trung ở miền Tây Nam Kỳ (An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp).

Phần Phật học dựa vào giáo lý đạo Phật và Bửu Sơn Kỳ Hương; phần "tu nhân " thì tu " Tứ ân hiếu nghĩa ".

Thờ phượng rất đơn giản, thờ cúng ba ngôi tại nhà :

Ngôi thờ Tam Bảo tương trưng bởi tấm " Trần Điều " (miếng vải mầu nâu) tức thờ Thập phương Phật, Pháp, Tăng.

Dưới bàn thờ Phật là bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ tức thờ cúng tổ tiên,

Trước nhà có bàn thờ lộ thiên (bàn Thông Thiên) để cảm thông với Trời Đất, mười phương Phật.

Đồ cúng, chỉ cúng nước lạnh trong sạch, bông hoa và nhang để cúng Phật còn bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ thì cúng chay, bánh trái thức ăn chay.

Còn về giáo lý, Đức Thầy đã viết Kinh mới dưới dạng thơ lục bát hay thất ngôn, với những danh từ đơn sơ đọc lên là hiểu ngay.

Đạo cao Đài

Khởi đầu truyền Đạo xuống miền Hậu Giang được đảm trách bởi quí ông Lê Văn Trung, Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Đạo Quang lo việc phổ độ trong các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ (nay là Hậu Giang), Sóc Trăng, Bạc Liêu (nay là Ba Xuyên), Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá (nay là Kiên Giang). Hiện nay, miền Hậu Giang có 04 tổ chức chính là:

- Hệ phái Minh Chơn Đạo tại Cà Mau

- Hệ phái Chiếu Minh Long Châu ở Hậu Giang:

- Hệ phái Bạch Y tại Rạch Giá:

- Cao Thượng Bửu Tòa ở Bạc Liêu:

Đạo Cao Đài không phát triển mạnh ở Hậu Giang vì gặp phải những khó khăn sau:

- Đã có những tín ngưỡng mới thu hút nông dân như Bửu Sơn Kỳ Hương, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa [10], Phật giáo Hòa Hảo;

- Điều kiện địa lý khắt khe: Đất hữu cơ, đất phèn, ngập lụt.

Trước một môi sinh khắt khe như vậy, Đạo Cao Đài cũng đã phải thích ứng tín ngưỡng với môi trường thiên nhiên. Lấy thí dụ sự phát triển của hệ phái Minh Chơn Đạo tại Cà Mau và hệ phái Bạch Y tại Kiên Giang (Rạch Giá). Theo Ban tôn Giáo Chính Phủ, năm 2009, Minh Chơn Đạo có 49 thánh thất (Cà mau 23, Bạc Liêu 11, Sóc Trang 4, Kiên Giang 11) và 33.499 tín đồ (19.672 nữ), 1157 chức sắc chức việc.

Để thích ứng với môi trường thiên nhiên khắt khe, Minh Chơn Đạo thành lập Đầu Phòng Nữ Phái để hướng dẫn Nữ Phái tu học và làm công tác từ thiện, nhân đạo bằng các hình thức như: cho mượn không lãi, bán chịu và hỗ trợ cây con, hạt giống, giúp đỡ ngày công; vận động giúp đỡ gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, thiên tai, hỏa hoạn bằng gạo, lúa, tiền, ngày công.

Tại Kiên Giang (Rạch Giá), năm 2014, Hội Thánh Bạch Y có 4561 tín đồ, 197 chức sắc chức việc, 14 thánh sở. Ngoài thánh thất Minh Tân Cao Tiên Đàn tại Sài Gòn, 13 thánh sở còn lại nằm trọn trong tỉnh Kiên Giang, trong đó có hai cái ở ngoài đảo thuộc huyện Kiên Hải.

Chánh Phối sư Trần Văn Huynh cho biết: " Tín đồ Cao đài Bạch y đa phần là nông dân, sinh sống bằng nghề làm nông nghiệp nên hơn ai hết đều hiểu rõ nỗi khổ của người nông dân cũng như người nghèo. Do vậy, với tinh thần "lá lành đùm lá rách", trong 5 năm qua, Hội thánh cũng như 14 họ đạo của Cao đài Bạch y đều tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội ".

Để thích ứng với môi sinh khắt khe của Rạch Giá, Hội Thánh xem hoạt động từ thiện, xã hội là một công tác trọng tâm để thể hiện tinh thần tu thân, hành thiện của người tín đồ Cao Đài Bạch Y, đồng thời xác định "việc cứu tế, chẩn bần là một tiêu chí trong công tác hành đạo" nên mỗi thánh thất, mỗi tín đồ đều xem đây là nghĩa vụ trên con đường tu tập. Hội thánh đã mở phòng thuốc Nam từ thiện, hốt thuốc miễn phí, khám bệnh và châm cứu, cứu trợ các hộ nghèo…


Nam Kỳ Lục Tỉnh

Lạp Chúc Nguyễn Huy

--------------------------------------

[01] - " Cái gì thiếu ở Cà Mau, đó là những cánh tay. Số dân đinh tổng cộng có 6 379 tức khoảng 31 900 dân trên một diện tích 580 000 Ha...làng xóm sống thưa thớt với nhiều phần đất bỏ hoang...các xóm thường ở trong ngọn rạch đôi khi cách xa các xóm gần nhất cả ngày thuyền " Baurac J.C. La Cochinchine et ses habitants, Imp. Com. Ray Curiol et Cie, Saigon 1894, tr.375, 376

[02] - Các tài liệu xưa chỉ cho biết số dân đinh (người có đóng thuế thân] nên nay phải cộng thêm 5 lần nữa để có tổng số vì theo quan niệm thời đó " suy theo cái số cố giả, một người cày ruộng phải nuôi năm người"

[03] - Nguyễn Thế Anh, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Lửa Thiêng, Sài Gòn 1971, tr 16

[04] - Nguyễn Thế Anh, Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ, Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1970, tr. 184

[05] - Một thí dụ mở nông địa theo lối cổ truyền tại làng Đông Thái, Rạch Giá. Một nhóm người từ long Xuyên xuống men theo bờ biển vào rạch, băng qua rừng cây mấm, vùng cỏ thấp mọc trên đất phù sa mặn đắng, rồi dến khu rừng tràm trầm thủy nằm gần U Minh. Đến rừng tràm, thôn dân đốn cây dựng nhà và lấy đất trồng lúa, đào mương dẫn nước, lấy đất đắp nền nhà. Mùa mưa, nước đổ từ U Minh ra biển nên đủ nước ngọt để dùng, nhưng đến mùa hạn phải đắp đập chận nước mặn (Sơn Nam, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Phù Sa, Sài Gòn 1959, tr.82-86)

[06] - M. Gérard, La région de Cà-Mau vers 1898, BSEI, 3e trimestre, tr.242.

[07] - Còn gọi là Đất cứt chuột (jarosite) khi đất phèn hoạt động (sulfaquepts) có màu vàng

[08] - Vì chứa sulfate d’alumine Al2(SO4)3 và sulfate sắt Fe2(SO4)3.

[09] - Đìa là những nơi trũng, kín đáo mà cá hay tới lui trú ẩn, tìm mồi.Có hai loại đìa chính :

- đìa bưng là những vũng nước sâu tự nhiên được dân đắp bờ, xẻ họng đìa đón cá.

- đìa đào có đìa lung nằm cạnh lung (một đoạn rạch sình lày, nước cạn vào mùa khô), đìa đồng đào ở một góc ruộng bao quanh bởi bờ mẫu cao giữ nước cho cá. Lòng đìa được cắm chà tre gai, me keo, châm bầu, lá dừa nước và thả rong, lục bình, cỏ ngựa cho cá được mát. Đìa đào có kích thước trung bình 6m/12m sâu 2,5m và một họng đìa quay ra mương ruộng hay phía trũng của đường cá vô đìa.

[10] - Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có nhiều điểm tương đồng với Đạo Cao Đài. Thí dụ tôn chỉ của Bửu Sơn Kỳ Hương là tu nhân để sau này dự Hội Long Hoa, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa thờ Đức Quan Thánh, Phật, Thánh, Tiên.