Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Tượng Phật và phong cách bài trí điện thờ
tại Trúc Lâm Thiền Viện vùng Paris
***
Lại Như Bằng
(Nguyên Đạo)
Tưởng nhớ các cư sĩ Hoàng Sĩ Cầu, Lương Thế Vĩnh, nữ cư sĩ Khérian
Trúc Lâm Thiền Viện là một ngôi chùa Việt Nam tại Villebon-Sur-Yvette, ngoại ô Nam Paris, do Thầy Thiện Châu khởi công quyên góp xây năm 1977.
Thời bấy giờ, tại Pháp cũng đã có nhiều chùa. Nhưng hầu hết chỉ là những căn nhà được sửa sang lại thành nơi thờ Phật, và các tượng cũng khá hiếm, lại kém vẻ bề thế. Chùa Trúc Lâm như vậy sẽ là một ngôi chùa , được vẽ kiểu, xây cất theo yêu cầu kiến trúc được định rõ.

Thầy muốn xây một ngôi chùa vừa mang phong cách truyền thống Việt Nam, vừa là phương tiện để thể hiện một đường lối tu học, đặt trọng tâm trên Thiền định và Trí tuệ  hơn là Tín ngưỡng, mà thầy đã gầy dựng và hành trì nhiều năm qua, từ khi đặt chân lên đất Pháp.

Hai đồ án kiến trúc được đề nghị, một của kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa, với quan niệm hoành tráng, hiện đại, một của kiến trúc sư Phạm Ngọc Tới, với đường nét truyền thống. Đồ án của kiến trúc sư Phạm Ngọc Tới được chấp nhận.

Và năm 1980, chùa khởi công xây.

Song song, với công cuộc xây cất, một vấn đề quan trọng không kém dược đặt ra: Làm sao có được điện thờ, tượng thờ tương xứng với ngôi chùa ? Muốn có tượng đẹp, bề thế, chỉ còn cách tìm mua hay đặt làm tại Việt Nam.

Duyên may, Thầy thỉnh được từ chùa Quán sứ tại Hà nội 10 pho tượng khá lớn bằng gỗ , cùng hoành phi, câu đối.

Nguyên tại Phố Hàng Chuối có ngôi chùa Tràng Tín được xây cất từ năm 1824(?). Cuối thập niên 50, Thầy trụ trì viên tịch không người kế vị . Chùa dần dần đổ nát, hoang phế. Năm 1966, có 3 hộ đi kinh tế miền núi về đã ngụ cư tại chùa. Về sau, số người tới mỗi ngày mỗi đông , nhà tổ, điện mẫu lần lượt bị lấn chiếm, sau cùng tòa tiền đường 5 gian bị dỡ bỏ dùng làm nơi sản xuất cho một hợp tác xã nhựa. Tượng Phật đem gửi tại chùa Quán Sứ. Đến năm 1980, thì được thỉnh qua Pháp cho ngôi chùa đang xây.

10 pho tượng , bằng gỗ mít đặc , lớn, đẹp, có thể nói là quý hiếm, nhất là cho một ngôi chùa hải ngoại. Tượng, trước đây lại được đúc cho một ngôi chùa cổ , nơi hành trì một pháp môn tu học truyền thống không biết có phù hợp với đường lối Thầy gây dựng, hành trì tại Pháp không ?

Do đó, vấn đề được đặt ra là định danh vị các tượng, tượng nào chỉ Phật nào, Bồ tát nào, và cùng lúc định phương cách bài trí bàn thờ, tượng thờ: làm sao không đi ngược tôn chỉ của chùa Trúc Lâm, một ngôi chùa Thiền thờ Phật Thích Ca.

A - Định danh vị các tượng và bài trí bàn thờ

Do lịch sử truyền nhập, đạo Phật tại Việt Nam rất hỗn tạp. Không có một công thức chung cho tượng thờ cũng như cách bài trí tượng ở trong chùa . Phật và các vị Bồ tát quan trọng thường được thờ ở chánh điện. Trong nhiều chùa, nhất là chùa Bắc Tông, tại các bàn thờ phụ hay trong khuôn viên chùa, có thờ thêm thần, thánh, mẫu, danh nhân, danh tướng được thần thánh hóa. Có chùa lại còn thờ cả Quan Công của người Tàu nữa.

A-1 Tượng thờ

Trong thực tế, chưa ai thấy Phật, Bồ tát , hay có thấy thì cũng đã thuộc về quá khứ nhiều đời, đa số lại chỉ là các nhân vật biểu tượng, hình tướng được truyền tụng lại, không dấu tích lịch sử chứng minh. Vậy dựa vào đâu để phân định tượng này chỉ Phật Thích Ca hay Phật A Di Đà, tượng kia chỉ Bồ Tát Đại Thế Chí hay Bồ Tát Văn Thù ?

Xưa nay, để tạc tượng thờ, nghệ nhân có thể theo quy cách được ghi lại trong nhiều kinh sách bằng chữ Hán lưu hành trong Phật giáo với những quy định chính xác, về tỷ lệ chiều cao, chiều ngang ... cho đến tận ngón chân ngón tay, các thế tay bắt ấn quyết….

Nhưng có nhiều khi nghệ nhân tạc tượng theo lối dân gian , theo cảm nhận riêng tư của mình, theo yêu cầu của người đặt làm, là tăng ni hay cư sĩ, hay học mẫu từ các chùa nổi tiếng.

Dù thế nào đi nữa, các tượng là chân dung các nhân vật Phật giáo với những đặc tính, huyền thoại đã được ghi trong truyền thống, kinh điển. Do đó, khi tạc tượng nghệ nhân tìm cách diễn tả những đặc tính đó qua các vật dụng tùy thân , qua  các con thú đi kèm, qua sinh hoạt thông thường của nhân vật muốn diễn dịch. Phật có 32 tướng quý, Quan Âm thường có bầu nước Cam lồ, Văn Thù Bồ Tát có kinh sách, Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi 6 ngà...

Sinh hoạt như thuyết giảng, thiền định , tuyên ngôn... còn có thể được diễn dịch qua tư thế của bàn tay, ngón tay gọi là thủ ấn (mudra). Xem vị trí một hay hai bàn tay , tư thế co giãn các ngón tay , ta có thể hiểu Phật hay Bồ Tát đang vận dụng chuyển Pháp Luân hay đang thuyết giảng.

Tư cách của một nhân vật cũng có thể được định qua cách bài trí bàn thờ, vị trí tương hợp với các tượng khác chung quanh. Các đại đệ tử Ca Diếp và A Nan chỉ có thể chắp tay túc trực bên cạnh Phật Thích Ca, chứ đem sắp xếp bên cạnh Phật Di Đà hay Dược Sư là chuyện phi lý.

A-2 Bàn thờ

Về bài trí bàn thờ, tuy không có một quy luật nhất quán, nhưng trong nhiều chùa, các tượng thường được sắp xếp thành từng bộ.

Tại các chùa Bắc tông , tượng Di Ðà được thờ chung với tượng Quan Âm và tượng Thế Chí, gọi là bộ "Di Ðà tam tôn", tượng Thích Ca được ghép với tượng Văn Thù ( Ðại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát /Maṃjuśrī-bodhisatva) và tượng Phổ Hiền (Ðại Hạnh Phổ Hiền BồTát /Samanta-bhadra-bodhisatva) ) có người gọi là "Hoa Nghiêm Tam Thánh".

Ðạo Phật Việt Nam, ít nhất cũng từ vài ba trăm năm qua lệ thuộc nhiều vào đạo Phật Trung Quốc. Các tông phái, dù tự nhận thuộc Thiền tông, nhưng trong hành trì lại rất nặng yếu tố Tịnh Ðộ và Mật tông, trên điện thờ thì Phật A Di Ðà và Phật bà Quan Âm lấn át hoàn toàn Phật tổ Thích ca.

Do đó, trong nhiều chùa Bắc tông xứ ta, cách bài trí chánh điện mang công thức Tịnh độ Di Ðà, và có thể chia thành tầng như sau:

- Tầng thứ nhất, trong cùng, là bộ Tam thế Phật, tức là 3 vị Phật của quá khứ, hiện tại và tương lai.

- Tầng thứ 2 là bộ Di Ðà tam tôn, gồm Phật Di Ðà, Ðại Thế Chí Bồ Tát và Quan Thế Âm Bồ Tát.

- Tầng thứ 3 một vài chùa thờ Phật Thích Ca ngồi thuyết pháp, một bên là tượng A-Nan-Ðà, một bên là tượng Ca-Diếp, Có khi là Phật Thích ca ngồi giữa Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát.

- Tầng thứ 4 là Phật Cửu Long, tượng Phật sơ sinh, có 9 con rồng phun nước cho ngài tắm.

Ngoài ra còn có tượng Phật Tuyết sơn, minh họa thời kỳ Phật tu khổ hạnh...

B- Tượng Phật và phong cách bài trí điện thờ tại Trúc Lâm Thiền Viện

B-1 Những tượng đợt đầu lúc mới xây chùa

Ngày 31/5/1980 (HS 17)[*] lễ đặt đá và dựng cột xây ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Trúc Lâm được tồ chức và một năm rưỡi sau, ngày 23/1 – 24/1/1982 (30 Tết) là lễ An vị Phật (HS 22)

Lúc bấy giờ chỉ có tượng nơi Đại Hùng Bảo Điện được bài trí thành 3 bàn thờ. Ngoài chánh điện, trong khuôn viên chùa, tượng Phật Thích Ca lớn lộ thiên và tượng Phật Bà Quan Âm , chưa có, sẽ được dựng lên về sau này.

10 pho tượng được sắp xếp tạo dựng nên một điện thờ Phật Thích Ca với 2 yêu cầu:

1 - thể hiện phong cách Từ Bi, Trí Tuệ trong Thiền định

2 - Làm nổi bật hình tượng Thích Ca, vốn bị lu mờ tại nhiều chùa trong nước thuộc Bắc Tông.

Do đó trung tâm chánh điện là tượng Phật Thích Ca, tất cả các tượng khác, các Phật khác, bồ tát hay đệ tử , hoành phi, câu đối, sắp xếp chung quanh theo hướng tôn vinh Phật Thích Ca bản sư, và đáp ứng những mục tiêu trên.

Ngoài tượng Thích Ca, việc xác định danh vị của các tượng sẽ tùy thuộc vào cách thức bài trí, những vật dụng thân thuộc của các vị Phật hay bồ tát và các thủ ấn.

Nhưng cũng phải nhận định là tư thế Thủ ấn của các tượng tại đây, nhiều khi không rõ rệt, chính xác. Nghệ nhân tạc tượng hình như chú trọng nhiều đến mỹ thuật của tượng , sự cân đối phải trái của bài trí, ngón tay nhẹ nhàng co duỗi, hơn là tư thế chính xác cứng cáp của thủ ấn được quy định trong kinh sách.

B-1.1 Các tượng trong chánh điện

Chánh điện có 3 bàn thờ. Từ ngoài nhìn vào, bàn thờ giữa thờ Phật Thích Ca. 
Bàn thờ bên phải , trên thờ Bồ Tát Mục Kiền Liên và Tổ Đạt Ma, dưới thờ Linh vị Tổ . Bàn thờ bên trái, trên thờ Bồ Tát Địa Tạng, dưới thờ Linh.

Bàn thờ và các tượng được tạc và sắp sếp theo thế đối xứng, tượng bên phải giơ tay phải lên bắt ấn thì tượng bên trái giơ tay trái lên. 
Xét ra ngay tại nơi chùa gốc xuất phát, tượng và bàn thờ đã được an vị sẵn như vậy rồi.

B-1.1.1 Bàn thờ giữa

B-1.1.1.1 Tượng Phật Thích Ca

Pho tượng ở trung tâm chánh điện là Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen, hai bàn tay bắt ấn Thiền ( Dhyana-mudra hay Samadhi-mudra).

Ngài ngồi xếp bằng kiết già, hai tay đặt trước bụng, bàn tay trái đặt trên bàn tay phải, hai ngón cái chạm đầu nhau. Trong tư thế này Đức Phật đã nhập định, đi đến Giác Ngộ.

Trên ngực tượng Phật có chữ "Vạn".

Trong một số chùa Bắc tông ở VN, vốn nặng tín ngưỡng Tịnh Độ, thì chỉ tượng Phật A Di Đà mới có chữ này.

Chùa Trúc Lâm không thờ Phật A Di Đà (cũng không tụng kinh Di Đà), chỉ thờ Thích Ca. Do đó, khắc chữ Vạn trên ngực Phật Thích Ca không sai lạc ý nghĩa. Theo nhiều kinh điển như Trường A Hàm, Đại Tất Già Ni càn tử sở thuyết kinh, Thập địa kinh luận ... chữ Vạn nằm trước ngực là 1 trong những tướng tốt của Phật Thích Ca.


Thiền ấn (Dhyana-mudra hay Samadhi-mudra)

B-1.1.1.2 Ma ha Ca Diếp và A Nan Đà

Hai bên tượng Thích Ca có hai vị tôn giả một già một trẻ, đầu trần, không mũ ni như các tượng khác, đứng chắp tay, kính cẩn. Bài trí này, tương quan qua lại, xác định đây là các ngài Ma Ha Ca Diếp và A Nan Đà , cùng lúc tượng Phật đúng là tượng Thích Ca Mâu Ni chứ không thể là Phật nào khác.

B-1.1.1.2.a A Nan Đà (Ananda)
Bên tay phải Phật Thích Ca là tượng A Nan Đà, kính cẩn đứng chắp tay trước ngực theo thủ ấn Hiệp chưởng/ Anjali-mudra. (Ấn này thường được dùng để tán thán, ca ngợi, và cũng là cử chỉ chào hỏi thông thường của người Phật tử).
Ngài A Nan Đà là một trong mười vị A La Hán đại đệ tử của Đức Phật, có một trí nhớ phi thường, lại luôn luôn ở gần Đức Phật . Ngài là người đọc lại những lời Phật thuyết giảng trong lần kết tập thứ nhất, sau khi Phật nhập diệt.



Hiệp chưởng ấn/ Anjali-mudra

B-1.1.1.2.b Ma ha Ca Diếp (tiếng Phạn: Mahākāśyapa, Mahakassapa)

Ma Ha Ca Diếp đứng bên tay trái Phật, cung kính, hai bàn tay chắp lại, cuộn tròn như vầng trăng, thành hình tướng thủ ấn "ngoại phược quyền". Ngài là một trong mười vị A La Hán đại đệ tử của Đức Phật. 
Ngài có tên thật là Pipphali Kassapa (Thường Tịnh Ca Diếp), người đương thời gọi là Ma Ha Ca Diếp (Maha Kassapa) hay Đại Ca Diếp để phân biệt với những đệ tử khác trùng tên Ca Diếp.
Ngài sinh ra tại xứ Ma Kiệt Ðà (Magadha), gia đình thuộc đẳng cấp Bà-la-môn (Brahmin). 
Đức Phật không chỉ định người thay thế ngài hướng dẫn Tăng già sau khi ngài nhập diệt. Tuy nhiên trong thực tế Ma Ha Ca Diếp được chư Tăng thời đó xem như là chưởng môn và bầu làm chủ trì trong đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất tại thành Vương Xá (Ràjagaha).



Ngoại phược quyền

B-1.1.1.3 Văn Thù Sư Lợi (Maṃjuśrī) và Quán thế âm (Avalokitesvara)

Hai bên Phật, sau hai Đại đệ tử là tượng Quán Thế Âm (Avalokitesvara) và tượng Văn Thù Sư Lợi (Maṃjuśrī). tượng trưng cho Từ Bi và Trí Tuệ.
Thông thường tượng Văn Thù (bậc Đại Trí) được ghép chung với tượng Phổ Hiền (bậc Đại Hạnh) , tượng Thế Chí (bậc Đại Dũng) được ghép chung với tượng Quan Âm (bậc Đại Bi)
Tại Trúc Lâm, tượng Văn Thù (bậc Đại Trí) được ghép với tượng Quan Âm (bậc Đại Bi).

B-1.1.1.3.a Văn Thù Sư Lợi (Maṃjuśrī).

Bên tay phải tượng Thích Ca là tượng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

Theo truyền thuyết dân gian Văn Thù thường cưỡi con sư tử xanh, biểu tượng cho sức mạnh của trí tuệ. Có tượng tạc Văn Thù vung kiếm bát nhã chặt đứt dây vô minh ràng buộc con người và đưa đến trí tuệ.

Ở đây, Văn Thù ngồi thiền định, các ngón tay chụm lại, ngón trỏ duỗi ra theo tư thế ấn quyết Thuyết giảng ( Byākhyāna mudra),chỉ vào tập kinh sách cầm trong tay, biểu tượng của Trí Tuệ.



 Thuyết giảng ấn ( Byākhyāna mudra)
B-1.1.1.3.b Quán thế âm (Avalokitesvara)

Bên tay trái tượng Thích Ca là tượng Quán thế âm Bồ Tát, tay bắt ấn Thuyết giảng, cũng như Văn Thù sư lợi, nhưng chỉ vào bầu nước Cam Lồ.

Là bậc Ðại Bồ Tát có lòng từ bi, cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Tượng thờ tại các nơi có nhiều hình tướng khác nhau , ví dụ Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Chuẩn Đề Quan Âm, Phật Bà Quan Âm, Quan Âm Tống Tử (Quan Âm Thị Kính). Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn thường có nhiều đầu, mắt và tay, tượng Quan Âm Chuẩn Ðề thì có ba mắt, mười tám tay và mặc áo sắc trắng. Tượng Phật Bà Quan âm thường có hình tượng một người phụ nữ đẹp đứng hoặc ngồi trên toà sen, tay cầm bầu nước cam lồ và cành dương liễu, còn tượng Quan Âm Thị Kính thường ôm đứa trẻ trên tay. Nói chung , tượng Quan âm Việt Nam thường mang tướng nữ.

Tượng Quan Âm tại chánh điện chùa Trúc Lâm mang hình tướng Nam. Tuy nhiên trên tường chánh điện có một bức tranh thêu Quan Thế Âm mang tướng Nữ, tay phải cầm cành hoa sen, tay trái chỉ xuống, không rõ theo tư thế gì. Bức tranh thêu này do một nghệ nhân Thành Phố Hồ Chí Minh thực hiện cúng dường.

Ngoài vườn chùa Trúc Lâm, sau này , trong một động nhân tạo, có một tượng Quán Thế âm tướng Nữ.


Tượng Quan Âm nam

Quan Âm nữ
B-1.1.1.4 Tam Thế Phật

Đằng sau tượng Thích ca , ở trong cùng, là bộ "Tam thế Phật", tức là 3 vị Phật tượng trưng cho các vị Phật của 3 thời quá khứ, hiện tại và vị lai.

Có người diễn dịch thêm , tượng Phật thứ nhất là Phật A Di Đà tượng trưng cho các đức Phật trong quá khứ , tượng Phật giữa là Phật Thích Ca Mâu Ni , tượng trưng cho các vị Phật hiện tại, và vị thứ ba là Phật Di Lặc tượng trưng cho các vị Phật sẽ tới.

Nói rộng ra theo nghĩa này thì Tam Thế Phật là Phật của cả 3 thời: quá khứ, hiện tại và tương lai, tức là vô lượng vô biên vô số chư Phật mười phương.
Có lẽ bộ Tam Thế Phật tại Trúc Lâm mang ý nghĩa này.

Xét về hình tướng, tượng thứ nhất dơ tay phải, tượng thứ ba dơ tay trái, không biết giữ ấn quyết gì ? vì nếu là ấn quyết "Vô Úy" (Abhaya Mudra) thì các ngón tay duỗi ra nhiều hơn.

Tượng giữa giữ ấn thiền định (dhyana-mudra).

Cà ba đều cầm ngọc minh châu, tượng trưng cho ánh sáng của trí tuệ.



Vô Úy ấn (Abhaya Mudra)

B-1.1.1.5 Phật Thích Ca sơ sinh

Trước tượng Phật Thích Ca là tượng Phật sơ sinh.

Theo truyền thuyết khi mới sinh ra, Thái tử Tất Đạt Đa đi 7 bước, dưới chân nở ra 7 đóa hoa sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói rằng: "Thượng thiên hạ địa, duy ngã độc tôn" (trên trời dưới đất ta là tôn quý nhất). Cùng khi đó, có chín con rồng phun nước tắm cho Phật sơ sinh.



Năng lượng sống ấn ( Prana Mudra )

B-1.1.2 Bàn thờ trái : Linh và Bồ Tát Địa Tạng (Kṣitigarbha)

Góc điện trái ( bên trái đại chúng ) là bàn thờ Linh, với tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát và Linh vị những người đã khuất.

Theo tín ngưỡng dân gian, Bồ Tát Địa Tạng là một vị Tỳ kheo đã nguyện ở lại địa ngục để cứu độ chúng sanh tại đây và không chứng Phật quả khi địa ngục chưa trống rỗng. Thông thường , ngày nay tượng Địa Tạng được mô tả một tay cầm tích trượng để mở cửa địa ngục, tay kia cầm ngọc minh châu tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ xua tan bóng đêm. Theo truyền thống Nhật Bản ngài còn là vị Bồ tát hộ mệnh cho trẻ em nhất là bảo vệ vong linh các trẻ em chết yểu.

Tượng Địa Tạng tại Trúc Lâm ngồi xếp bằng trên tòa sen, không cầm tích trượng, tay trái cầm ngọc minh châu, trong tư thế Thiền định. Tay phải, cầm vòng lửa Tam Muội, tượng trưng cho Chánh Định, kết ấn "lìa xa ác nghiệp" (Karana mudra).

Lửa Tam Muội là lửa của chân tâm, lửa từ bi, lửa giải thoát, do tu tập thiền định mà có.

Ý nghĩa của tư thế và ấn quyết này là nhờ Chánh Định, chúng sinh lìa xa ác nghiệp thiêu hủy ma chướng trong thân mình đạt đến trí tuệ, phá màn vô minh.



Lìa xa ác nghiệp ấn (Karana mudra)

B-1.1.3 Bàn thờ phải: các Tổ và Bồ tát Mục Kiền Liên ( Moggallāna)

Góc điện phải ( bên phải đại chúng ) là bàn thờ Tổ với tượng Mục Kiền Liên , tượng Đạt Ma tổ sư Thiền và linh vị Hòa Thượng Thích Thiện Châu, Tổ khai sơn chùa Trúc Lâm, cùng chư Tăng Ni đã khuất có liên hệ nhiều với chùa Trúc Lâm, như Hòa Thượng Thích Giác Nguyên, thuộc tổ đình Tây Thiên ở Huế, HT Thích Minh Châu, HT Thích Trí Thủ, HT Thích Đổng Minh, HT Thích Phước Đường, Sư Bà Hải Triều Âm, Sư Bà Mạn Đà La v.v...

Bồ tát Mục Kiền Liên là biểu tượng của lòng hiếu thảo .

Tượng Mục Kiền Liên ngồi xếp bằng trên tòa sen, đối xứng với tượng Địa Tạng, không cầm tích trượng. Tay phải cầm ngọc minh châu, trong tư thế Thiền định, tay trái cầm phất trần, kết ấn "lìa xa ác nghiệp" (Karana mudra).

Thời Đức Phật, phất trần nguyên là một vật tùy thân của chư Tăng để xua đuổi muỗi mòng, bảo vệ sức khỏe trong đời sống du hành.

Sau này, cây phất trần là pháp khí biểu tượng cho sự đoạn trừ phiền não, chướng nạn và trở thành pháp khí của các cao tăng trong khi hành lễ,

Trước tượng Mục Kiền Liên là tượng Đạt Ma Tổ Sư . Đệ tử chùa Trúc Lâm là một chi của giòng thiền Liễu Quán , xem ngài Đạt Ma là đệ nhất tổ Thiền.


Mục Kiền Liên ( Moggallāna)

phất trần

Đạt Ma tổ sư
B-1.2 Các tượng ngoài chánh điện

Ngoài chánh điện, trong khuôn viên chùa còn 2 tượng lớn.

B-1.2.1 Tượng Phật Thích Ca

Tôn chỉ của Thầy Thiện Châu là tôn vinh Đức Phật Thích Ca. Hình tượng Thích Ca, như vậy, phải chiếm chỗ quan trọng nhất, nổi bật nhất trong chùa.

Thích Ca Phật Đài tọa lạc Trên khoảng đất cao nhất. Trên Đài là tượng Thích Ca ngồi thiền định trên tòa sen. Đi xe điện RER ligne B, từ xa ngang qua thung lũng Orsay có thể thấy tượng. Tượng bằng Xi măng, được đặt đắp tại Việt Nam, cắt làm nhiều mảnh, chở qua , tới chùa mới đem ráp lại. Thích Ca Phật Đài được khánh thành vào dịp lễ Vu Lan Báo Hiếu ngày 01-09-1997 (HS 67)


Thích Ca Phật Đài 

B-1.2.2 Tượng Quán thế âm (Avalokitesvara)

Công trình thứ hai là động Quan âm. Động xây bằng Xi măng, bên trong là hồ nước nhỏ. Giữa hồ dựng tượng Quan Âm đứng trên tòa sen, tay phải kết ấn "lìa xa ác nghiệp" (Karana mudra), tay trái cầm bầu nước Cam lồ.


Động Quan âm
Năm 1994, khi mới đem từ Việt Nam qua, tượng được dựng ngoài trời. Qua một thời gian mưa gió , tượng bám rong rêu nên Thầy Thiện Châu cho xây động để che chở. (HS 50, HS 54)

B-2 Những tượng thêm sau này

Trên đây là cấu trúc bài trí điện thờ và tượng thờ trong khuôn viên chùa Trúc Lâm lúc Thầy Thiện Châu còn tại thế.

Năm 1996, chùa có xuất bản một lập sách với hình ảnh miêu tả chi tiết cấu trúc này, cùng các hoành phi câu đối trong chánh điện (Sách do Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn và Cư Sĩ Phạm Hữu Dung soạn). Danh vị các tượng cũng được niêm yết trong sách và trên tường chánh điện.

Ngày nay, số tượng tại chùa cũng có thay đổi.

Dân ta có thói quen "cung tiến" tượng Phật và Bồ Tát vào chùa và thường thì chùa cũng khó lòng từ chối thiện tâm của Phật tử. Do đó tại xứ ta, có chùa có trùng hợp nhiều bộ tượng, có nơi 3 bộ tượng Cửu Long Thích Ca sơ sinh, có nơi 2 tượng A Di Ðà, 2 hoặc 3 tượng Quan Âm Thiên thủ.

Chùa Trúc Lâm cũng chịu quy luật trên. Từ khi Thầy Thiện Châu viên tịch, trên điện thờ xuất hiện nhiều tượng mới, kích thước nhỏ hơn các tượng đợt đầu, nhưng tư thế các ấn quyết rõ ràng hơn. Do xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau nên đường nét tinh xảo hay thô thiển của các tượng không đồng đều .
Các tượng được sắp xếp trên chánh điện, bên cạnh tượng Thích Ca sơ sinh; mỗi tượng giữ một ấn quyết diễn tả những nét giáo lý hoặc cơ bản của Phật giáo hoặc đặc thù của các bộ phái.
 

Tượng thứ nhất : Thí nguyện ấn Varada-mudra , cũng được gọi là Dữ nguyện ấn hay Thí dữ ấn. 
Thí nguyện là cho phép được toại nguyện, lòng tay phải hướng về phía trước, bàn tay chỉ xuống, tay trái đưa lên ngang tầm ngực. Biểu thị cho việc Phật dùng tâm Từ Bi độ khắp chúng sinh.
Giáo hóa ấn Vitarka-mudra. Ấn quyết cũng còn đuợc gọi Biện minh ấn vì đây là lúc đức Phật giải thích giáo pháp.
Quan Âm
 Quan Âm 
Thiên Thủ Thiên Nhãn 
Đồng tử bái Quan Âm

Quan Âm Chuẩn Đề/
Phật Mẫu Chuẩn Đề


Chuẩn Đề Thủ ấn (Maha cundi)

Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen, 
tay trái cầm ngọc như ý, tay phải cầm hoa sen
***
Năm 1998, Hòa Thượng Thích Thiện Châu viên tịch, Hòa Thượng Thích Phước Đường kế vị. Hiện nay (2020), chùa Trúc Lâm do Thượng Tọa Thích Tâm Huy trụ trì. Thầy Tâm Huy là đệ tử Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu, thuộc tổ đình Tường Vân ở Huế.
_____________________
[*]- HS : Báo Hương Sen