
Sài Gòn,
Việt Nam
... Ra khỏi phi trường Tân sơn
nhất, Thủy đón xe chạy thẳng về khách sạn Thăng Long
ở đường Lê Thánh Tôn. Sau khi tắm rửa và nghỉ
mệt, Thủy tản bộ dọc theo đường Lê Thánh Tôn đến trung
tâm Sài Gòn. Sài gòn bây giờ thay đổi nhiều quá! Nhiều
tòa nhà cao mọc lên. Xe cộ và người nhộn nhịp hơn xưa.
Sài Gòn bây giờ hình như không còn hiền hòa, thanh lịch như
trước. Thủy có cảm tưởng như mình đang trở về căn nhà
xưa, nhưng nay đầy những đồ vật ngổn ngang. Cảnh cũ nhưng
người xưa đâu? Trong một thoáng, Thủy chợt thấy cô đơn
và lạc lõng ngay giữa lòng Sài Gòn, nơi mà trước đây Thủy
đã cùng sánh vai người yêu dạo phố hoặc cùng bè bạn đi
mua sắm.
Sáng hôm sau, Thủy thuê xe đến
nghĩa trang để thắp nhang cho song thân và sau đó đến thăm
ngôi trường Trưng Vương thân yêu, nơi đã ghi bao nhiêu kỷ
niệm đẹp thuở học học trò. Hai hàng cây phượng bên đường
vẫn rợp bóng. Những cánh phượng vờn trong gió sớm như
vẫy tay chào mừng người xưa trở về. Thủy đứng trước
cổng trường nhìn vào bên trong sân, bồi hồi nhớ lại thời
áo trắng. Hình ảnh các bạn học vui đùa dưới hàng me xanh
như hiện ra trước mắt. Thủy chợt thấy lòng mình chùng
xuống và không gian như lắng đọng...
Ngày tiếp theo, Thủy khởi
đầu chuyến du lịch "Nam-Trung-Bắc", một ước mơ đã nung
nấu và thôi thúc Thủy trong suốt bao năm xa xứ. Cuộc sống
tại Mỹ tuy đầy đủ nhưng trong tim Thủy vẫn luôn luôn cảm
thấy nhớ nhung và mất mát một điều gì đó...
Khi xe vừa tiến vào con đường
chính Nha Trang, Thủy say mê ngắm nhìn những cấu trúc lạ
mắt của Hòn Chồng, với những tảng đá xếp chồng lên
nhau tạo nên nhiều hình dạng ngộ nghĩnh, sừng sững trước
sóng biển. Con đường dẫn đến bãi trước thật đẹp!
Hình ảnh những chiếc thuyền đánh cá đang ra khơi phản chiếu
dưới ánh nắng ban mai tựa như một đàn chim ngũ sắc.
Thủy đi bộ dọc theo bờ biển, dưới hàng dừa nước
để tận hưởng những cơn gió biển dịu mát. Nàng vùi
hai chân dưới những hạt cát trắng như thủy tinh nổi
bật dưới mầu xanh tươi mát của biển.
Hôm sau, mọi người lên đường
đi Huế, một nơi cổ kính, tôn nghiêm mà Thủy chỉ được
biết qua sách vở hiện ra trước mắt. Nào là Chùa Tràng
Tiền, Chùa Thiên Mụ đến các lăng tẩm của các vị Vua
Chúa ngày xưa với những kiến trúc tuyệt mỹ.
Tất cả làm cho Thủy say mê và tưởng như mình đang sống
ở một thế giới xa xăm huyền bí. Ngắm cảnh xong, bác
tài chở mọi người đi chợ Đông Ba để thưởng thức
món hai món đặc sản của Huế là cơm hến và kẹo mè
xửng. Buổi tối, Thủy thuê xích lô đạp đi ngắm
các dẫy Phố Cổ về đêm. Phố Cổ Hội An, thành phố
thầm lặng và cổ kính như cái tên của nó. Anh xích
lô đạp vốn là một giáo sư sử địa trước năm 1975
nên anh đã kể cho Thủy nghe về những di tích lịch sử,
mỗi khi đi qua một địa danh nổi tiếng của Huế.
Thủy thả bộ đi thăm ngôi nhà cổ đã xây trước
dây cả trăm năm, sau đó đi dạo phố và thưởng thức món
mì Quảng đặc biệt của Hội An. Ghé Hội An mà không đi
thuyền trên sông Hoài thì quả là đáng tiếc! Những chiếc
thuyền ở đây đều chèo bằng tay, lướt nhẹ trên dòng
nước lặng lẽ, sầu muộn như một cô gái Huế đa
tình và lãng mạng. Bên trong thuyền được thắp sáng bằng
những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc. Trên cao, bầu trời
trong suốt với những vì sao đêm bên ánh trăng tròn lẳn,
chiếu lung linh trên mặt nước tạo nên một bức tranh
thủy mạc tuyệt vời. Có lẽ đây là một trong những hình
ảnh khó quên nhất trong chuyến du lịch.
Đường từ Quảng Nam ra Bắc
vừa nhỏ hẹp lại thêm đá lởm chởm khiến xe bị chao
đảo không ngừng. Bác tài xế bảo Thủy "Ngoài
này không được an ninh như trong Nam nên chúng ta phải cẩn
thận, nhất là những con đường đèo như thế này
thường hay bị cướp chặn đường nên khi trời chập
choạng tối, chúng ta phải mướn "Phòng Khách" để tạm
trú, cô Thảo ạ". Thời gian ấy, từ vĩ tuyến
17 trở ra Bắc chưa có khách sạn. Phòng khách gồm những
dẫy nhà dài, gồm nhiều khu riêng biệt do nhà nước
quản trị. Mỗi khu là một phòng rộng và có nhiều
giường nhỏ. Ngoài cửa của mỗi dẫy nhà được
canh gác. Hình ảnh anh cán bộ đầu đội nón cối, đi
qua lại dưới ánh đèn dầu mờ
mờ khiến Thủy cảm thấy rờn rợn.
Sáng hôm sau, mọi người đều
phải thức sớm để lên đường. Đến chiều, khi đến Cầu
Hiền Lương, bác tài cho xe dừng lại để mọi người
xuống xe chụp hình. Thảo bước xuống xe và đi ra giữa
lòng cầu. Từng cơn gió thổi mạnh đem theo hơi lạnh
từ dòng sông khiến Thủy rùng
mình. Thủy ngậm ngùi nhìn xuống dòng sông lịch sử,
nơi đã âm thầm ghi dấu sự phân chia lãnh thổ Bắc-Nam
và đưa đến một chiến tranh tàn khốc hơn hai mươi
năm.
Con đường về Bắc thật
thật an bình. Bác tài cho xe chạy chậm lại nên Thủy
có thể ngắm những cánh đồng lúa phì nhiêu bên đường.
Từng nhóm nông dân đang làm việc, người gieo lúa kẻ
trồng mạ. Xa xa, vài con trâu đang ì ạch kéo bừa gỗ
và bác nông phu hướng lưỡi cầy xới mảnh ruộng.
Giữa cánh đồng, vài con đường mòn dẫn đến những
mái nhà tranh vách đất. Dưới bụi tre già, hai con
trâu đen được cột vào gốc tre đang nằm thiu thiu ngủ
bên cạnh mấy chú nghé đang đùa giỡn. Thấp thoáng
thật xa, những dẫy núi trùng điệp. Thủy bỗng
nghe lòng dấy lên một nỗi buồn và xót xa vì đời sống
của người dân miền Bắc vẫn không thay đổi sau mấy chục
năm miền Nam được "giải phóng".
Khi xe đến Ninh Bình, Thủy
thuê một chiếc thuyền nhỏ đến Tam Cốc Bích Động.
Con thuyê`n lướt nhịp nhàng trên dòng nước xanh biếc
mầu ve chai giữa hai cánh đồng lúa vàng óng dẫn đến
Tam Cốc Động, hùng vĩ, đứng sừng sững giữa dòng
sông. Bao quanh là những ngọn núi cao chót vót và
dài như bất tận. Phong cảnh đẹp như tranh vẽ! Những
câu hò tiếng hát trên sông của các thôn nữ và anh nông
dân hòa lẫn những tiếng cười, tiếng vỗ tay của
khách thưởng ngoạn tạo thành một bản nhạc dân ca thật
vui tai.
Hà Nội là quê ngoại của
Thủy. 36 phố phường không xa hoa hào nhoáng như Thủy nghĩ
nhưng chả cá Lãng Vọng quả ngon như lời đồn. Sáng
sớm, Thủy thả bộ vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Giữa hồ
một cái miếu nhỏ ẩn khuất sau những cành liễu rũ
đong đưa theo gió giữa những làn sương mỏng mờ ảo như
một bức tranh tuyệt đẹp phản chiếu trên mặt hồ.
Từ Hà Nội đến Chùa
Hương rất xa nên Thủy phải ngủ đêm ở nhà khách để
sáng hôm sau lên đường vào Chùa. Con đường vào
Chùa mất khoảng nửa tiếng đường bộ và thêm nửa
tiếng bằng đường thủy. Trên con đường bộ,
Thủy có dịp nhìn ngắm những cánh đồng lúa xanh bát
ngát phì nhiêu và đàn cò trắng đang bay lượn, nổi
bật trên nền trời xanh. "Đến bến tầu rồi,
cô bác ơi!" Tiếng bác tài xế vọng lại kéo Thủy
về hiện tại, mọi người chuẩn bị lên thuyền.
Những con thuyền ở đây
chèo bằng tay để giữ yên tĩnh chung quanh. Đoạn
đường đi vào Chùa thật thơ mộng! Tiếng lá rừng
chạm vào nhau, tiếng gió rít nhẹ qua khe đá, hòa với
tiếng hót thánh thót của nhiều loại chim tạo thành
một điệu nhạc mê hồn. Chiếc thuyền lướt nhẹ
nhàng giữa hai dòng nước xanh mầu ngọc thạch. Anh lái
đò là một thanh niên trẻ và vui tính. Hai tay anh kéo
thoăn thoắt hai mái chèo, miệng hát nho nhỏ bài Đi Chùa
Hương với giọng trầm ấm và khá hay "Hôm
nay em đi Chùa Hương, hoa cỏ mờ hơi sương...".
Hai bên bờ sông là những
hàng cây chen giữa những tảng đá khổng lồ và những
ngọn núi cao vút. Thỉnh thoảng có một vài ngôi
đền nhỏ dọc theo dòng sông, lẩn sau cụm mây trắng mờ
mờ ảo ảo trong làn sương khiến cho phong cảnh thật thanh
thoát.
Thuyền cập bến. Hai bác
tài lên trước và đi mua gậy để chống vì nó rất
cần thiết để leo lên 2.000 bậc thang đá chồng lên nhau
để đi lên Chùa. Bên phải của bực thang đá là
núi với những túp lều tranh dựng rải rác dọc theo
bậc thang để khách dừng chân, uống trà và nghỉ mệt.
Bên trái là vực đá sâu thăm thẳm nên rất nguy hiểm.
Khi gần đến cửa chùa Hương, mùi nhang khói bay lên mù
mịt che mờ cả lối đi phía trước. Những quầy
bán nhang, đèn, hoa bầy hai bên cửa chùa che cả lối
đi. Thủy chen qua đoàn người vào phía bên trong. Nàng
thắp một nén nhang, rồi đứng trước bàn thờ Phật
khấn nguyện.
*
Sau chuyến tour Nam-Trung-Bắc,
Thủy trở lại thành phố sương mù Đà Lạt, nơi của
những tháng năm đong đầy kỷ niệm cuộc tình giữa Thủy
và Đức... Thủy đi bộ qua con đường dốc quen thuộc từ
Café Thủy Tạ Hồ Xuân Hương, băng qua thảm cỏ xanh Đồi
Cù rồi dừng lại dưới hàng thông. Vài cơn gió nhè
nhẹ mát rượi thổi ngang qua mang theo mùi thơm của lá
thông khiến Thủy cảm thấy khoan khoái dễ chịu.
Vừa đến cửa quán Café Thủy Tạ, Thủy vội nhìn vào bên
trong, dáo dác tìm chiếc bàn cạnh cửa sổ mà ngày xưa nàng
và người yêu vẫn ngồi bên nhau. May quá, bàn chưa có người
ngồi. Thủy bước vội đến bàn, ngồi xuống và nhìn qua
cửa sổ. Trong thoáng chốc, dĩ vãng chợt ùa về trong trí
óc.
...Ngày ấy, Thủy ra đi trong
vội vã, bỏ lại mẹ cha, rời xa bạn bè, con đường ngập
lá me bay và hàng cây phượng vĩ nở rộ những cánh
hoa mầu đỏ thẫm trước cổng trường. Năm 1972, khi Thủy
vừa tốt nghiệp trung học, cha mẹ Thủy cho Thủy lên Đà
Lạt thăm và nhân tiện ở dó chăm sóc ông bà ngoại một
thời gian. Trong thời gian này, Thủy đã quen với Đức, đang
học năm thứ Nhất tại Chính trị Kinh doanh Đà Lạt. Café
Thủy Tạ là nơi hai người thường đến và ngồi tại một
bàn kê cạnh cửa sổ, nhìn xuống những rặng cây thông ẩn
hiện trong làn sương mù trên sườn đồi thoai thoải. Thời
gian Thủy ở Đà Lạt thật ngắn nhưng đủ để ghi lại những
kỷ niệm khó quên của mối tình đầu.
Sau khi trở về Sài Gòn, mỗi
tháng, Thủy viện cớ đi thăm ông bà ngoại để gặp Đức.
Đôi khi, Đức bất ngờ về Sài Gòn để làm Thủy bất ngờ.
Đầu năm 1974, tình hình chiến
tranh càng ngày càng căng thẳng. Những trận chiến ác liệt
diễn ra hàng ngày khắp nơi. Thủy không thể quên được một
buổi chiều mưa tầm tã, Đức về Sài Gòn và báo cho nàng
biết sẽ bỏ học để gia nhập quân đội. Đức cho biết
anh không thể yên tâm ngồi học trong khi bạn bè anh đang chiến
đấu gian khổ nơi chiến tuyến. Thủy đã nức nở khóc vì
buồn và lo cho Đức. Mỗi khi, nhận được thư tràn đầy
yêu thương và nhung nhớ của Đức, Thủy đã đọc đi đọc
lại trong nước mắt dàn dụa.
Ngày 15 tháng 4-1975, Bố của
Thủy về nhà bất ngờ, gọi Thủy và Mẹ nàng ra phòng khách
để nói chuyện với vẻ nghiêm trọng. Ông cho biết Thủy
và mẹ nàng phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 2 ngày. Riêng
ông, ông phải ở lại vì với cương vị của một sĩ quan
cao cấp, ông không thể bỏ rơi đồng đội trong khi mọi người
đang cần ông. Mẹ nàng cương quyết ở lại với ông và bắt
Thủy phải đi trước. Để trấn an, ba Thủy nói sẽ cố gắng
thu xếp và đi sau với mẹ nàng. Ngày hôm sau, ba Thủy cho tài
xế vế nhà chở Thủy đế phi trường Tân Sơn Nhất để
rời khỏi Việt Nam...
- Thưa cô dùng chi? Tiếng
người hầu bàn làm Thủy giật mình trở về thực tại.
- Xin lỗi đã làm cô giật
mình. Hình như cô có vẻ thích khung cảnh bên ngoài lắm?
- Xin lỗi ông. Vâng, thật
là một khung cảnh thơ mộng.
Giọng nói người hầu bàn
chợt như xa vắng và trầm xuống:
- Đây là khung cửa mù
sương, một chỗ ngồi tuyệt vời nhất trong quán.
Tim Thủy như thót lại! "Khung
cửa mù sương" là một biệt danh mà chì có nàng và Đức
biết. Nàng vội ngửng lên nhìn thẳng vào mặt người hầu
bàn và trong một thoáng, nàng nhận ngay ra Đức. Nàng đứng
bật dậy và run run nói:
- Anh Đức! Thủy đây.
Phải anh Đức không?
Người hầu bàn sững lại
nhìn Thủy. Không gian như tối lại và lung linh trước mặt
là khuôn mặt hồn nhiên ngày nào của Thủy hiện ra. Anh bàng
hoàng định giơ tay tay nắm lấy tay Thủy nhưng rồi rụt lại.
- Đức đây. Không ngờ còn
được gặp lại Thủy.
Đức ngồi xuống chiếc nghế
đối diện Thủy. Hình như có một cái gì đó vô hình chắn
ngang hai người khiến hai người ngồi yên lặng thật lâu.
Ngày hôm sau, Thủy và Đức
hẹn gặp lại nhau tại một sườn đồi bên cạnh Café Thủy
Tạ. Đức cho biết, sau ngày miền Nam thất thủ, anh bị đi
tù cải tạo 5 năm. Khi ra tù, anh có đến nhà Thủy nhưng căn
nhà đã có người khác ở và họ không biết gì về gia đình
Thủy. Anh đoán có lẽ cả gia đình Thủy đã di tản sang Mỹ.
Tuy nhiên, anh vẫn nuôi hy vọng nên đã nấn ná sống ở Sài
Gòn và làm đủ nghề để sinh sống. Vài năm sau đó, Đức
cảm thấy không còn hy vọng nữa nên trở về Đà Lạt sống
với người chị. Đức chọn làm việc tại quán Café Thủy
Tạ được nhìn khung cửa kỷ niệm và hy vọng một ngày nào
đó sẽ gặp lại Thủy nơi đây.
Nghe Đức kể, Thủy vô cùng
xúc động và không cầm được nước mắt. Nàng kể lại
cho Đức biết là sau ngày 30/4/1975, bố của Thủy bị tù cải
tạo. Ông đã chết vì bị hành hạ và vì ăn uống thiếu
thốn trong 3 năm tù đày. Mẹ nàng vì đau buồn nên cũng qua
đời một năm sau đó. Thủy đã tìm đủ mọi cách để tìm
Đức trong suốt 10 năm nhưng vô vọng. Nàng đã lập gia đình
năm 1986 và có 1 đứa con gái.
Trời đã bắt đầu chiều
và sương mù đang từ từ bao phủ những ngọn thông. 20 năm
trước, Đức và Thủy đã từng ngồi tại chỗ này dệt biết
bao mộng đẹp; nhưng hôm nay, tất cả chỉ còn như những
chuyện cổ tích. Đức ngập ngừng nắm tay Thủy và nói "Suốt
20 năm qua, anh vẫn thầm mơ ước một ngày nào đó sẽ được
gặp lại Thủy. Bây giờ, anh đã mãn nguyện vì biết Thủy
vẫn bình an. Có lẽ còn lâu lắm chúng ta sẽ gặp lại nhau.
Những kỷ niệm xưa anh sẽ giữ mãi trong tim và anh luôn cầu
chúc cho Thủy được hạnh phúc." Thủy xúc động nhìn Đức.
Hơi ấm quen thuộc khiến cho tình yêu thủa ban đầu như đang
bừng sống lại. Trong làn sương mờ ảo, khuôn mặt thư sinh
ngày nào của Đức như đang mỉm cười với Thủy.
Khánh
Lan, California September 2020