Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả

Một số chuyện khóc cười trong giáo dục
(Tâm sự của một người trong nghề)

 Đào Tiến Thi

 Cách đây 38 năm, khi ấy mới ra trường, tôi viết bài bào đầu tiên về giáo dục. Đó chỉ một "mẩu" độ vài trăm chữ nói về hiện tượng học sinh bỏ học và kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội. Bài báo được một ông quan chức quan tâm, nhưng không phải đến vấn đề được nêu mà quan tâm đến cái người viết bài. Rắc rối đầu tiên là cho ông hiệu trưởng của tôi. Sau đó là tất nhiên là tôi. Theo yêu cầu của ông hiệu trưởng, tôi phải gặp ông quan chức kia để "xin lỗi" hoặc pbải viết một bản "kiểm điểm" gửi ông ấy. Tôi thấy chẳng có gì phải "xin lỗi", hay "kiểm điểm" nhưng cũng chẳng dám không. Cuối cùng tôi viết một bức thư mang tính chất giải trình, giãi bày.

Nhiều người cho rằng giáo dục bây giờ "loạn", không được "lành mạnh" như trước kia. Kể câu chuyện trên tôi chỉ muốn nói rằng: lúc nào thì giáo dục cũng đầy chuyện, vấn đề là có nhìn thấy và nhìn kiểu nào thôi.

Giáo dục khoảng 20 năm trở lại đây là lĩnh vực mà hầu hết mọi người, hễ nói đến đều một giọng chê bai. Những dịp về quê, những dịp gặp bạn bè, tôi cũng là đối tượng để họ giải tỏa bức xúc. Hình như khi xã hội có quá nhiều chuyện bế tắc, người ta cần phải đổ lỗi cho ai đó, cho một cái gì đó. Sự trút giận của xã hội thế là cứ nhằm vào hai ngành là giáo dục và y tế, vì có lẽ đó là chỗ dễ đổ tội nhất. Khổ thân cho hai hạng thầy trong xã hội hiện nay.

Những chuyện yếu kém của giáo dục thì nói cả ngày cả hết, tôi có khi còn biết nhiều hơn những chuyện đó nhưng để khi khác tôi sẽ quay lại, lúc này tôi muốn bày tỏ nỗi cảm thông với các thầy cô nói riêng, với ngành giáo dục nói chung, bởi họ dù có cố gắng nhưng dường như là bất khả thi.

1. Không phải ông thầy cứ muốn là được

Ba mươi năm qua, kinh tế thị trường đã mở ra khá nhiều điều kiện giúp cho con người mưu sinh và làm giàu. Nhưng xã hội đã đến lúc thực sự cần thiết những con người độc lập, tự chủ, sáng tạo chưa, thì tôi thấy rằng chưa. Cho nên "cầu" chưa kích "cung". Học để thành tài hay học để có nhiều thành tích đưa vào hồ sơ làm điều kiện kiếm việc, để tiến thân, thì xu hướng vẫn nghiêng hẳn về cái thứ hai.

Tôi nghiệm ra không phải thầy dạy gì trò sẽ học nấy. Người đi học có mục đích thực dụng. Khi tôi chuyển về dạy ở một trường THPT chuyên, tôi thấy học sinh ở đây nhận thức rất nhanh, cho nên tôi không dạy kiểu "bài bản" khuôn phép như lẽ thường, mà tập trung "thắp lên ngọn lửa" trí tuệ và nhiệt tình ở các em. Thế nhưng khoảng hai tháng sau, ông hiệu phó phụ trách chuyên môn gọi tôi lên, bảo: "Ông xem lại cách dạy của mình, học sinh và phụ huynh kêu lắm". Và ông đưa liền mấy dẫn chứng, trong đó có trường hợp một ông phụ huynh đã phản ảnh rằng, khi cô X dạy, con ông mỗi tiết ghi được ba trang, còn ông T (tức là tôi), mỗi tiết ghi được có nửa trang, thế thì học thế nào, đi thi thế nào". Ông phụ huynh này lại là trưởng phòng phổ thông của sở giáo dục, tôi đâu dám xem thường. Hôm sau lên lớp, tôi dành ít phút "trưng cầu ý kiến". Học sinh ào lên kêu tôi thật, chúng bảo "phương pháp của thầy dạy lạ quá, chưa học thầy nào như thế". Tôi bảo: "Thầy có dạy sai chỗ nào không?" Đáp: "Không". "Có khó hiểu không?" Đáp: "Không. Dễ hiểu và hay lắm". Vậy thì sao lại kêu?". "Vì sợ không đi thi được". Hóa ra tất cả vì cái chuyện thi. Ôi, giá chỉ học mà không phải thi. Tôi đành ngán ngẩm mà đọc hai câu thơ của Nguyễn Bính:

Cứ tưởng rằng yêu thì khó chứ
Không yêu thì thực dễ như không.

Nhưng rồi tôi hiểu lý do chính đáng của học trò, của phụ huynh. Đầu tiên là phải vượt qua các kỳ thi. Không vượt qua các kỳ thi thì tài thánh cũng vứt. Từ xưa bao nhiêu bậc tài danh của nước Nam này muốn làm nên công nghiệp đều phải vượt qua các kỳ thi – những kỳ thi rất là nhiêu khê và rắc rối. Có tài mà không đỗ đạt thì chỉ có mà thành... nhà thơ. Như các ông Tú Xương, Tản Đà. Tất nhiên làm nhà thơ được như các ông ấy thì cuối cùng cũng có công nghiệp nhưng theo nghĩa khác, và đấy là chuyện về sau, khi họ đã chết. Còn trong cái đời của họ thì cơ cực mọi đường. Từ đó tôi thường chia bài dạy làm hai phần: cái này học để làm người, cái này học để đi thi. Đối với con tôi, tôi cũng đành giáo dục theo cách ấy.

Năm 2006, có một hội thảo quy mô về dạy – học Ngữ văn THPT được tổ chức ở Cửa Lò (Nghệ An). Ba vị giáo sư đầu ngành về dạy Ngữ văn chủ trì hội thảo là GS. Nguyễn Đăng Mạnh, GS. Hoàng Ngọc Hiến và GS. Trần Đình Sử. Có một nội dung rất được chú trọng là chống "đọc – chép". Tôi có kể lại câu chuyện trên và kết luận: các thầy không thể nào chống nổi "phương pháp đọc – chép" đâu. Cho đến nay tôi thấy việc dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông vẫn thế. Khác chăng là học trò phô tô thay vì chép.

Về phép thi cử, mấy chục năm qua, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD – ĐT) cũng đã loay hoay đủ đường, cải tiến rồi lại "cải lùi". Thực ra thì vấn đề này chủ yếu không nằm ở Bộ GD – ĐT. Tôi ngắm ở những nơi tuyển dụng (gồm tuyểndụng) con người, người ta vẫn chưa cần người có năng lực thực sự mà cần cái khác! Cho nên người học cũng không cần học thực sự. Một thực tế dễ thấy là càng lên cao, việc học càng nhàn. Vì càng đến đích người học càng nhìn thấy rõ cái đích hơn. Cái đích ấy chẳng cần năng lực hoặc năng lực chỉ là phần trăm không đáng kể. Lối học của ta hiện nay về cơ bản vẫn là lối học "chi, hồ, giả, dã" của ngàn năm phong kiến, một lối học mà cụ Ngô Đức Kế đã kết tội làm cho "người ngu nước yếu".

2. "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài"

Trên diễn đàn chính thống, người ta vẫn đề cao các giá trị truyền thống cũng như những giá trị hiện đại mới du nhập, thế nhưng trên thực tế không phải như vậy. Mọi giá trị đã bị đảo lộn nghiêm trọng. Cuộc sống đầy bất an, nhất là khi anh không có tiền. Cho nên các giá trị trở thành giá trị suông, ở đâu cũng thấy hiện tượng nói một đằng làm một nẻo. Tại hội thảo Thực trạng văn hóa học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học, GS. Trần Ngọc Thêm đưa ra một kết quả khảo sát (năm 2008) giật mình: tỷ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80% [1]. Vẫn GS. Trần Ngọc Thêm, trong một bài báo khác, ông công bố một kết quả khảo sát đối với người lớn: bệnh giả dối 81%, bệnh thành tích 75,1%, bệnh thiếu ý thức pháp luật 68,2%. Và ông còn nói: "Có thể nói ngay rằng gần như 100% người Việt hiện nay đều phải nói dối hoặc làm giả một cái gì đó, vào một lúc nào đó. Vì rằng trong thời buổi bây giờ, hoàn toàn trung thực thì khó mà sống được, khó mà hoàn tất công việc được, kể cả trong nghiên cứu khoa học[2].

Trong cuộc tranh cãi ngoài hành lang tại cuộc hội thảo nọ mà tôi có tham dự, có người đưa ra câu hỏi: nhà trường dạy dỗ thế nào mà bây giờ học sinh nói dối nhiều thế? Một vị PGS.TS học ở Mỹ về lý giải: "Đừng hy vọng nhiều rằng văn hóa có thể dạy được; văn hóa hình thành chủ yếu do tập nhiễm từ đời sống".

3. Giáo dục không đổi mới không được, mà đổi mới thì không xong

Trong những kỳ trả lời chất vấn của Quốc hội, nhìn sang "người ta", nhiều bộ trưởng cứ bình chân như vại, trả lời thế nào cũng xong, thậm chí có khi được chủ tịch Quốc hội miễn trả lời, như Bộ Công an chẳng hạn. Còn bộ trưởng của "ta" thì cứ như phạm nhân phải ra vành móng ngựa. Mà thường ông bộ trưởng GD – ĐT cũng coi mình là thủ phạm thật. Có lần một đại biểu Quốc hội hỏi: Bộ trưởng nghĩ thế nào với con số 200.000 sinh viên thất nghiệp hiện nay? Điều này theo tôi chẳng phải là trách nhiệm của Bộ GD – ĐT, nhưng ông Bộ trưởng GD – ĐT cũng nhận là tội của giáo dục. Phiên chất vấn Bộ trưởng giáo dục bao giờ cũng nhiều đại biểu đăng ký nhất. Có lần (6/6/2018), 80 đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận, đến nỗi bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải kêu lên "hệ thống máy chịu không nổi, bị treo!"[3]. Tất nhiên ngành giáo dục lúc nào cũng có hàng tá yếu kém, sai lầm. Nhưng xét ra ngành nào chẳng thế, sao chỉ giáo dục hứng đòn nhiều nhất? Thực tình 20 năm qua, qua 4 đời bộ trưởng tôi thấy không vị nào có đủ năng lực nhưng nhiều khi cũng thấy họ thật đáng thương.

Có lần tôi đến thăm một ông giáo về hưu trước dạy cùng trường, chưa kịp hàn huyên gì thì ông đã bức xúc: "Này, sao các ông lại bỏ cho điểm tiểu học?". "Dạ, học sinh còn bé, cho điểm gây ra nhiều áp lực, bỏ cho điểm, thay bằng nhận xét cho nó nhẹ đi". "Tiên tiến quái gì tao chả biết, chỉ thấy từ ngày bỏ cho điểm, tao đ... dạy được cháu tao nữa". "Dạ, ở nhiều nước là như thế, còn nước mình có khi chưa quen. Nền giáo dục quyền uy ngự trị hàng ngàn năm rồi mà...".

Đó, thực tế giáo dục nước ta vẫn là giáo dục quyền uy. Không thay đổi thì bị chửi, mà thay đổi càng bị chửi. Thông tư 30 (bỏ đánh giá bằng điểm với học sinh tiểu học) vừa ban hành 2014 thì 2016 đã phải bổ sung bằng Thông tư 22, cho phép GV "được cho điểm" kiểm tra định kỳ.

Trong mọi vấn đề của ngành giáo dục thì chương trình và sách giáo khoa (SGK) luôn là điểm nóng nhất.

Mỗi lần thay chương trình và sách giáo khoa (không đồng nhất với cải cách giáo dục) ít nhất là một lần thay đổi phương pháp dạy học, có khi thay đổi cả tư tưởng (triết lý) giáo dục. Tất nhiên là cũng tạo được những sự thay đổi nhất định, nhưng chủ yếu là trong nhận thức, chứ thực tế kết quả còn khá xa sự mong đợi. Tiếp thu ở định hướng, ở nguyên lý thì ai cũng nói hay, nhưng đi vào cụ thể thì người làm chương trình và SGK đều vừa làm vừa lo sợ. Có khi thấy cái nọ cái kia ở nước người là hay đấy, nhưng ở ta chỉ sợ xã hội phản ứng nên lại thôi.

4. Mấy "trận chiến" tiêu biểu về chương trình và sách giáo khoa

a) Vụ phải thay bài về tác gia Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh

Bài viết về tác gia Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong sách Văn 12 được biên soạn từ đầu thập niên chín mươi (GS. Nguyễn Đăng Mạnh viết) là một bài hay, bỗng nhiên đến năm 1995, có một nhà thơ khới ra để phê phán, thực chất là cố tình bẻ cong đi, thế là bỗng nhiên thành bài "có vấn đề", cả học thuật lẫn chính trị, Bộ GD – ĐT phải cấp tốc thay. Người viết thay (GS. Hà Minh Đức) trong tình thế ấy thì ngay cả có tài chăng nữa cũng chẳng còn tâm thế để viết. Hậu quả là một bài nhạt phèo. Giáo viên dạy bài này phát chán, nhiều người dùng bài cũ của thầy Nguyễn Đăng Mạnh. Mười bốn năm sau (2009), bài của GS. Nguyễn Đăng Mạnh lại được lấy lại.

b) Vụ Tiếng Việt lớp 1 (2002)

Trong cuộc thay SGK hồi 2002 (nay vẫn đang dùng), sách Tiếng Việt 1 vừa ra đã hứng đòn dữ dội. Phải nói đó là trận đòn "hội chợ" chưa từng thấy. Người ra đòn chủ yếu là các nhà văn, nhà báo và cả một số nhà giáo, nhưng dữ đòn nhất là các nhà văn. Đòn đánh chỉ tập trung vào mỗi chuyện học chữ E trước. Họ cho rằng như thế là "đảo trật tự chữ cái". Vị chủ biên lên cả truyền hình để giải thích cũng không ăn thua gì, trái lại, càng bị đánh tiếp. Báo Văn nghệ, đặc biệt là tờ Văn nghệ Trẻ, không mấy số không có bài về "sách chữ E". Một nhà văn nọ còn bảo nay mai các cháu tôi đi học về, thay vì chào ông bà, bố mẹ, nó chỉ "kêu lên be be như con dê". Sự kết tội trùm lấp của báo chí mạnh đến nỗi làm cho nhiều người (đều đã từng qua lớp 1) tin rằng rằng "ngày xưa" học theo trật tự chữ cái A, B, C. Miền Nam trước 1975 thế nào tôi không rõ chứ ở miền Bắc suốt những năm sáu mươi trở đi chưa bao giờ học chữ A trước. Những năm sáu mươi, bảy mươi, sách Học vần cho lớp Vỡ lòng học bắt đầu chữ I và T (cho nên cũng gọi là sách "I-tờ", lớp "I-tờ". Bắt đầu từ 1981, sách Tiếng Việt lớp 1 CCGD của tác giả Nguyễn Thị Nhất học bắt đầu chữ O. Tiếng nói của báo chí mạnh đến nỗi người ta cũng tưởng trật tự A, B, C là một trật tự khoa học, nhưng thực ra đó chỉ là một trật hoàn toàn quy ước, không ai giải thích được lý do của nó. Và cho dù có lý do đi nữa thì trật tự A, B, C của bảng chữ cái chẳng liên quan gì đến việc học chữ nào trước chữ nào sau của chữ Quốc ngữ. Việc học chữ nào trước chữ nào sau là do sự lựa chọn của nhà sư phạm theo một quan điểm nào đó. Rút cuộc, sau mấy năm ồn ào, "sách chữ E" vẫn được dùng và dùng cho đến hôm nay.

c) Vụ môn Lịch sử trong chương trình dự thảo

Hồi 2015, Bộ GD – ĐT đưa một Dự thảo Chương trình tổng thể lên mạng để lấy ý kiến rộng rãi. Chương trình này có cấu trúc mới cho môn Lịch sử. Cụ thể, lớp 4, 5 thì kiến thức lịch sử cùng với địa lý hợp thành môn Tìm hiểu xã hội; đến THCS thì kiến thức lịch sử và địa lý nằm trong môn Khoa học xã hội; đến THPT thì môn Khoa học xã hội hoặc tách thành hai môn Lịch sử Địa lý nếu học sinh theo định hướng KHXH, hoặc vẫn là môn Khoa học xã hội nếu học sinh theo định hướng KHTN. Cấu trúc này hợp lý ở chỗ: ở các lớp dưới, các môn học mang tính tổng hợp, lên các lớp trên thì một nhóm môn học được chuyên sâu, những môn còn lại tiếp tục mang tính tổng hợp. Như thế vừa giải quyết bề rộng, vừa giải quyết bề sâu, tránh dàn hàng ngang như bấy lâu nay.

Suốt 3 tháng đưa lên mạng bản Dự thảo không có nhiều ý kiến góp ý, nhưng rồi bỗng Hội Sử học khới lên chuyện "sao lại bỏ mất môn Lịch sử", thế là ào lên một làn sóng dữ dội, cả "lề phải" lẫn "lề trái" tập trung lên án Bộ GD – ĐT "bỏ môn Lịch sử". Có những ngôn từ cực sốc như khai tử môn sử, môn sử biến mất, phá nát môn lịch sử, môn Lịch sử đang đứng trước nguy cơ xóa sổ,... Bộ GD – ĐT tổ chức một cuộc hội thảo mang tên "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" nhưng báo chí lại tường thuật thành hội thảo "Tích hợp giáo dục lịch sử, Giáo dục quốc phòng an ninh và Giáo dục công dân hợp thành môn Công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới". Thực ra thì môn Công dân với Tổ quốc nằm hẳn trong một hệ thống khác: hệ thống môn học cốt lõi của lĩnh vực Giáo dục đạo đức – công dân, trong khi môn KHXH hoặc Lịch sử, Địa lý nằm ở hệ thống các môn học cốt lõi của lĩnh vực Giáo dục khoa học.

Chiều 27/11/2015, Quốc hội thông qua nghị quyết yêu cầu "tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình, sách giáo khoa mới". Thật nực cười vì có ai bỏ đâu mà phải giữ? Cuối cùng, như ta thấy trong Chương trình chính thức (ban hành 12/2018), không tích hợp kiến thức lịch sử và địa lý thành môn KHXH nữa mà chỉ có môn Lịch sử và Địa lý (thực chất vẫn là hai môn nhưng nằm chung trong một quyển sách).

Trên đây chỉ là vài câu chuyện mà người viết bài chứng kiến. Người tâm huyết trong ngành giáo dục hiện nay thật lúc nào cũng dở khóc dở cười. Những cái khóc phải cười và những cái cười như mếu.

ÐTT (tháng 7/2020)
[1] -https://tuoitre.vn/ti-le-noi-doi-gia-tang-theo-cap-hoc-570840.htm

[2] -https://tuoitre.vn/benh-gia-doi-thoi-xau-dau-tien-can-loai-bo-717701.htm

[3] -https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/db-chat-van-bo-truong-phung
-xuan-nha-khien-may-tinh-cua-quoc-hoi-bi-treo-455201.html