Trở về
Giếng Nước 

https://www.youtube.com/watch?v=nQHOEVY0tmA&feature=emb_logo

Miền Tây đồng bằng sông Cửu Long, không nơi nào thiếu vắng hình ảnh cái giếng. Giếng nước miệt vườn được người dân trân quí như một phần gia tài thiên nhiên mà trời cao ban tặng cho làng xóm miền quê thôn dã. Vào những năm tháng xa xửa xa xưa, khi đời sống còn thô sơ, nghèo nàn, nền văn minh chưa xuất hiện. Con người chân chất chỉ biết cặm cụi, cong lưng, bỏ công ra đào sâu địa điểm cho dấu hiệu có thủy mạch. Phía dưới bề mặt của lớp vỏ đá sỏi bao quanh quả địa cầu, thường xuất hiện làn nước ngầm đang âm thầm miệt mài luân lưu. Dòng nước ẩn kín sâu thẳm liên tục di động, xuyên suốt không gian xa lạ trong lòng trái đất.

Nơi nào có ruộng lúa thì mực nước luôn dâng trào lên miệng giếng. Đó là luồng nước ngọt ngào từ các sông ngòi dài, rộng thênh thang, làm xương sườn gầy dựng nên miền đồng bằng phì nhiêu màu mỡ. Nước sông có đặc tánh là đi hoang, loang tràn khắp nơi theo từng khe kẽ ruộng đồng. Cũng như, mạch nước nho nhỏ âm thầm len lén vun đầy cái ao. Hoặc là, khi gặp bất cứ cái giếng nào trên hành trình mình phiêu bồng. Giếng lúc nào cũng êm thắm như cô nàng nhu mì, e thẹn mong chờ anh Nước lãng tử từ miền xa xăm. Chàng trai yêu thiên nhiên. ưa thích lang thang khắp bốn phương trời theo ước nguyện, tang bồng hồ thỉ. Mỗi khi đi ngang qua vùng trời nào đều ghé thăm cái bến đậu êm đềm. Cô nàng Giếng ngoan hiền chờ đợi sẵn với nhiều gióng gánh treo móc đôi thùng thiếc ở hai đầu. Người đứng bên trên vui cười, thả từng xô trống rỗng từ trên bờ đất cao.

Nước trong giếng sâu là lượng nước ngọt ngào. Có nơi trong veo, có nơi pha chút phèn đục do sình sệt hòa tan. Dân làng khi kéo xô nước lên, hai vai oằn đôi gióng gánh, liền tất tả đi thoăn thoắt về đến nhà. Vội vàng đổ ra, chứa trong thùng cao lớn, hoặc lu, hũ, ảng bằng đất sét nung. Việc nấu nướng, tắm rửa, rất cần lượng nước sạch trong. Họ thường dùng phèn chua, chà sát vào vách ảng chứa để lóng phần sình ngầu đục này. Lớp phèn vàng nâu từ từ lắng đọng dưới đáy, cho ta phần nước sạch bên trên.

***

Dòng đời gẫy khúc bất chợt, hàng trăm ngàn người trôi giạt xa quê, tưởng chừng xa luôn cái giếng nước bình dị thân quen. Hình ảnh giếng nước in sâu trong tâm khảm của những mảnh đời trốn chạy, rời xa quê mẹ vào những đêm khuya thanh vắng mà không ai dám nói lời từ giã. Cũng như  không ai dám hẹn ngày trở về. Nhưng may thay, khi đặt chân lên vòm trời tự do, tôi tìm thấy‎ cái giếng trên hòn đảo huyền thoại. Khúc quanh xa xứ đi tìm vầng sáng cho tương lai, vài cái giếng nhân ái được mọc lên trên đảo do thời cuộc. Giếng Bidong đã cho thuyền nhân những xô nước ân tình trong thời gian quốc gia Mã Lai mở cửa, dung chứa mấy trăm ngàn người rời xa quê hương của mình. Họ chấp nhận mọi gian nguy, không ai biết được ngày mai sống chết ra sao. Tấm thân tơi tả rã rời đến xin tạm trú trên hòn đảo bao dung.

Những căn nhà sàn bằng cây thô sơ, được dàn dựng sơ sài trong dáng vẻ xiêu vẹo. Tuy ọp ẹp nhưng tình thâm luôn dành cho những con người được trời cao cứu mạng, cho họ sống sót trong đường tơ kẽ tóc, sau lần lặn hụp cưỡi sóng đại dương. Họ đã liều mình trải qua một lần sinh tử, lênh đênh trên những cuộn sóng bạc đầu. Chập chùng sóng vỗ ngày đêm, hung bạo gào thét và luôn hăm he hù dọa nhấn chìm chiếc lá gỗ đầy thương tích, tàn tạ tật nguyền. Quá thảm thương và tội nghiệp!

***

Chiều chiều trên đảo xa xăm, nhiều người túm năm tụm ba chung quanh miệng giếng. Người thì xách nước lên xối tắm sau một ngày lặn lội bắt cá, bán cho người quen loanh quanh, kiếm chút tiền mua tem thơ gởi về gia đình. Nhiều chị gái ngồi giặt quần áo, không ngừng xí xô và kể lể cho nhau nghe những chuyến ghe vừa cập bến với những câu chuyện đầy thương tâm. Cũng như tình trạng định cư của mình…

Nhắc đến hình ảnh chiều tà trên Bidong, tôi chưa quên mẩu chuyện nho nhỏ về một anh ở Nha Trang. Nhờ cách phát âm, tôi có thể đoán, vì anh không có chất giọng Sài Gòn. Anh xăng xái kéo nước và mang vào căn lều của anh đang trú ngụ. Thấy tôi đứng loay hoay, chờ anh xong để tới phiên mình mượn cái thùng. Hơn nữa, có lẽ anh nhìn thấy‎ bộ dạng lá cỏ của tôi, chắc không kham nổi thùng nước nặng trình trịch này đâu, khi phải cần sức kéo lên. Anh lẹ làng cười giòn tan, và nói:

-       Chị cần nước không? Tôi xách cho chị vài thùng.

Tôi đang lơ ngơ nhìn bâng quơ, bỗng nghe anh nói mà mừng trong bụng. Vì từ ngày lên đảo tới giờ, tôi may mắn được các em trẻ ở chung chòi, xách nước đầy lu cho tôi xài hoài. Hôm nay là lần đầu tiên, tôi lui cui xách thử, xem sao.

-       Thiệt hả anh?  Cám ơn anh nhiều nghe. Tôi chưa bao giờ xách nước giếng lần nào trong đời hết.

Tôi ngồi gần cái bàn lụp xụp trước căn lều, chăm chú coi anh kéo thùng nước lên. Khi đổ đầy cái thùng lớn trong chòi của tôi xong, anh đứng loanh quanh gần cái bàn. Trên gương mặt tươi vui in hằn nét rạng rỡ, anh tía lia kể chuyện, anh bắt cá ra sao. Anh hâm hở khoe:

-       Hôm nay tôi bắt nhiều cá lắm, kiếm được chút đỉnh dằn túi. Tôi giữ lại hai con, chị đem một con về nấu ăn đi.

-       Anh biết bắt cá. Sao giỏi vậy?  Nhưng tôi không biết làm cá anh ơi!

-       Chị đừng lo, tôi làm sạch hết rồi. Tôi ở miền biển mà chị. Ngày nào cũng tắm biển và bắt cá nên quen rồi.

Cũng nhờ tào lao chuyện trời mây nước nên tôi mới biết anh ở Nha Trang. Cám ơn đời cho tôi gặp những con người hiền lành, tánh tình cởi mở vui vẻ với trái tim hiền hòa. Những ngày hít thở không khí tự do trên hòn đảo nhân ái, hình như mọi người đã từng trải qua cơn sinh tử với trùng khơi, đều có góc nhìn nhân sinh quan quãng đại. Họ luôn trân quí bầu trời tự do, toại nguyện mơ ước là mình khoác vào kiếp nhân sinh mới. Nhất là, được uống từng giọt mật tình người chân thật.

Bề trên, trời cao linh thiêng ban phước lành đã dang tay cứu mạng cho những con người tay không tấc sắt, dám liều lĩnh cưỡi sóng đại dương đi tìm tương lai. Biết bao quốc gia nhân ái cho chiếc ghe cây bé nhỏ, có cơ hội hồi sinh, đổi đời. Thật là vô giá và muôn vàn tri ân.

Cuộc đời không phải là một cuộc đua.
Nó là một hành trình để chúng ta từng bước chiêm nghiệm ý nghĩa cuộc sống.
Điều quan trọng không phải là phần thưởng khi chúng ta đến đích mà chính là những gì chúng ta cảm nhận được trên từng chặng đường đi qua.

Xin chân thành cám ơn lời nói ý ‎‎nghĩa, quá tuyệt vời này !