Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Mùa xuân với Lễ hội Bắc Ninh vui ca Quan Họ

Trần Việt Hải (Hoàng Nam) và Trần Mạnh Chi.

Tập tục "Ăn Tết" theo người Việt chúng ta, là dịp những ngày Tết rơi vào thời điểm nông dân nghỉ ngơi nhàn hạ, mà nó được tính theo theo ngày âm lịch, và thi sĩ Nguyễn Bính trong bài thơ "Xuân Về", ông ghi nhận:
Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Ðầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng
Dòng đầu "Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng", theo như vậy là người ta chờ đón cái Tết cùng với mùa màng đang là dịp nông dân nhàn hạ. Và mỗi một năm khởi đầu từ Mùa Xuân, sau ngày Mùng Một Tết Nguyên Đán, nhiều làng bắt đầu mở hội, và những hội Xuân đó kéo dài suốt trong 3 tháng Tết ở khắp cả các nơi, ví dụ như ở Miền Bắc Việt Nam. Dịp trẩy hội mùa xuân trên quê hương quan họ. Du khách lữ thứ có thể thăm viếng những mái đình cổ kính, hay ngao du lênh đênh trên dòng sông Cầu, sông Đuống thơ mộng và để nghe những làn điệu dân ca mượt mà, hay đắm say lòng người mộ điệu trên vùng đất Bắc Ninh.

Viếng thăm Làng Lim Trẩy Hội Mùa Xuân:

Hội Lim là một sinh hoạt văn hoá nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc Ninh và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình thức dân ca trữ tình Bắc phần. Thơ rằng:

Về làng Lim trẩy hội xuân
Du xuân Bắc Ninh bao lần mãi nhớ.
Hội Lim là một sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.

Đôi nét về Hội Lim

Hội Lim được cho là lễ hội đáng chú ý nhất tại Bắc Ninh nhân dịp đầu năm, đây là niềm vui của người dân địa phương. Lễ hội chính thức được tổ chức vào ngày 13/1 Âm lịch tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim bao gồm những nghi lễ trang nghiêm, nhằm nhắc nhở lại những làn điệu dân ca độc đáo quan họ, cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh truyền thống. Nhiều trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi như đấu vật, đấu cờ, đánh đu, thi dệt cửi, ca thuyền,...

Hoạt động nổi bật nhất trong lễ hội vẫn là hát quan họ. Các liền anh, liền chị có dịp trình diễn những làn điệu quan họ trữ tình, âm vang trên chiếc thuyền hình rồng tại hồ nước sát bên cánh đồng làng Lim. Người tới trẩy hội thường là các nam thanh nữ tú, bởi đây được coi là dịp tìm bạn, tìm duyên.

Vào mỗi dịp đầu xuân, người dân chào đón những lễ hội diễn ra hàng năm tại nhiều nơi, cùng một trong số những lễ hội truyền thống nổi bật mà ai cũng biết chính là Hội Lim Bắc Ninh. Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, đấy là lễ hội lớn trong vùng, có thể nói sự sâu đậm nét văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Kinh Bắc.

Về nguồn gốc của Hội Lim, theo lịch sử Hội Lim được truyền khẩu qua rất nhiều phiên bản khác nhau. Có quan niệm cho rằng: Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương.

Hội Lim có truyền thống lâu đời, nó phát triển tới quy mô hội hàng tổng (tổng Nội Duệ). Trên căn bạn lễ hội truyền thống của các làng xã trong tổng Nội Duệ (bao gồm 6 xã phường: Nội Duệ (Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và phường hát cửa đình Tiên Du (sau là Duệ Đông) với nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian khá phong phú. Như hát trống quân, hát chèo, ca trù, hát tuồng và hát quan họ..., viên quận công Đỗ Nguyên Thụy – người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông đã quy định lễ nhập tịch cầu phúc vào dịp tháng Giêng hàng năm, theo truyền thống "xuân thu nhị kỳ". Như vậy, quận công Đỗ Nguyên Thụy là người có công phát triển từ lễ hội đình tế thần cầu phúc của các làng xã vùng Lim lên lễ hội hàng tổng Nội Duệ vào dịp mùa thu, tháng Tám, với những quy định chung, đồng thời ông cũng chính là người xây dựng bước đầu những lệ tục của lễ hội vào mùa xuân, tháng Giêng.

Sau đấy 40 năm, túc vào nửa sau thế kỷ XVIII, cũng chính người làng Đình Cả, tướng công Nguyễn Đình Diễn lại tiếp tục phát triển và đổi mới hội Lim. Ông đã cấp ruộng và tiền cho hàng tổng để chuyển hội hàng tổng từ mùa thu tháng Tám sang hẳn mùa xuân tháng Giêng. Ông cũng bỏ tiền mua nửa quả núi Hồng Vân (tức núi Lim) để xây lăng mộ của mình trên đỉnh núi. Hội Lim được duy trì trong suốt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Ngày nay, hội Lim được mở vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Do được mở rộng cả về diện tích lẫn quy mô không gian nên phải nói rằng hội Lim là một lễ hội lớn và được tổ chức công phu hằng năm.

Hội Lim Bắc Ninh thờ ai?

Không gian lễ hội lấy đồi Lim làm trung tâm, có chùa Lim – nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu – người sáng lập tục hát Quan họ và diễn ra tại 3 địa phương bao quanh là: xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim. Hội Lim thường được kéo dài trong khoảng 3 ngày (từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm), trong đó ngày 13 là chính hội với nhiều hoạt động tập trung. Bởi vậy mà du khách cũng tập trung du lịch Bắc Ninh vào ngày 13 để có mặt tại hội Lim trong ngày chính hội.

Lễ rước ở Hội Lim: Hội Lim bắt đầu bằng một lễ rước. Thành phần đoàn rước là những người dân được mặc bộ lễ phục thời xưa với màu sắc sặc sỡ. Trong ngày lễ chính (ngày 13 tháng Giêng) với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân. Ngoài phần lễ, hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm... và đặc sắc hơn cả là phần hát hội.

Đầu xuân về làng Quan họ hòa mình vào hội Lim xứ Kinh Bắc

Lễ hội này là nhằm vào sự tưởng nhớ nguồn cội, cầu chúc may mắn hay còn là nơi gặp gỡ giao duyên của bạn hữu gần xa. Và hội Lim chính là một hội xuân như thế. Người xưa có câu tháng Giêng là tháng ăn chơi, chắc vì thế cho nên mỗi độ tết đến xuân về cũng là lúc những lễ hội trên khắp cả nước diễn ra nhộn nhịp. Đi Hội xuân dường như là thú vui, là nét đẹp văn hóa còn được lưu truyền từ ngày xưa đến tận bây giờ. Nói về di sản quan họ trên quê hương Kinh Bắc được tiếp nối và trao truyền một cách liên tục là minh chứng rõ nét cho thấy tình yêu, sự trân quý dân ca quan họ của cộng đồng nơi đây. Mỗi vùng có cách làm khác nhau để gìn giữ vốn văn hóa cao quý, nếu bắc sông Cầu (Bắc Giang) có những lớp truyền dạy và liên hoan quan họ cho thiếu nhi, hỗ trợ trang phục cho liền anh, liền chị thì bờ nam sông Cầu (Bắc Ninh) có những cuộc thi hát quan họ trên truyền hình thu hút nhiều đối tượng tham gia. Hội Lim nay đã trở thành nổi tiếng, được người dân khắp các vùng ca ngợi, cũng như truyền tụng:

Ba năm hai cái hội chùa,
Nào ai có lỡ bỏ bùa cho ai.
Già già, trẻ trẻ, gái trai,
Đua nhau ăn mặc, hán hài đi xem.
Hội Lim ai thấy chẳng thèm,
Tổ tôm, bài điếm, giò nem thiếu gì.
Đồn sắp có dệt cửi thi,
Cao lâu trăm thức thiếu gì thức ngon.
Về với đất Kinh Bắc chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng chừng 30km, bạn có thể về bất kỳ mùa nào trong năm nhưng để vào mùa du lịch đẹp nhất thì đó chính là mùa xuân và vào dịp lễ hội thì bạn có thể được thưởng thức những làn điệu dân ca mượt mà và độc đáo của đất Bắc Ninh. Về với Lễ Hội Lim là về với một bầu trời âm thanh, một khung cảnh bao gồm thơ và nhạc náo nức không gian đến xao xuyến lòng người. với những lời ca, tiếng hát hay nghe điệu hò câu thơ, còn nhớ những câu thơ ngày còn đi học nói về ngày hội Lim đầy ngẫu hứng. Hội Lim chính là hội chùa làng lim và đôi bờ sông Tiêu Tương. Một lễ hội không những mang lại vẻ đẹp của vùng đất thơ ca, trù phú mà còn là điểm đến tâm linh cho dịp đầu năm này. Mọi người có thể cùng nhau cầu chúc cho một năm ăn lên làm ra, phát tài, phát lộc,...

Những lễ hội đầu xuân nhộn nhịp ở Bắc Ninh, vì Bắc Ninh vốn là trung tâm của vùng văn hóa Kinh Bắc trước kia, cái nôi của dân ca quan họ, đồng thời lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời, những lễ hội, phong tục truyền thống. Giữa xã hội ngày càng hiện đại và phát triển, Bắc Ninh vẫn giữ được nét cổ kính, giản dị, mang đậm màu sắc dân gian. Quê hương quan họ là điểm đến lý tưởng trong ngày tết cổ truyền để du khách có dịp ôn lại những nét văn hóa truyền thống.

Hát quan họ trên thuyền ở Hội Lim, người ta nghe những làn điệu được gìn giữ từ bao đời nay và đã trở nên quen thuộc với những người yêu quan họ, yêu vùng giàu truyền thống. Kinh Bắc xưa nổi tiếng là vùng đất của những câu truyện cổ, những sự tích văn hoá. Vì truyền thống này mà nơi đây sở hữu nhiều lễ hội dân gian, trong đó lễ hội được nhiều người quan tâm nhất là Hội Lim tại thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh. Những làn điệu Quan họ được truyền giữ từ bao đời, qua bao kỳ hội luôn làm say lòng người bởi vẻ mặn nồng, nghĩa tình, e ấp từ lời từ điệu và càng đằm thắm hơn qua chất giọng đặc trưng của liền anh, liền chị xứ này. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm... cũng là một nét đẹp của quan họ Kinh Bắc...

Về Kinh Bắc đón xuân cùng người quan họ

Mỗi độ Tết đến, xuân về, trên vùng quê Kinh Bắc – Bắc Ninh lại ngập tràn sắc màu của lễ hội dân gian, cùng những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm. Ai đã từng đến với vùng quê này vào những ngày xuân, sẽ cảm nhận rõ hơn sự đằm thắm, đậm đà của sắc xuân trên miền quan họ. Thời gian của quan họ là suốt bốn mùa xuân - hạ - thu - đông. Nhưng mùa xuân mới thực sự là mùa của quan họ. Mùa xuân, trên vùng quê Kinh Bắc mà như người xưa đã có câu "tháng giêng là tháng ăn chơi", thời điểm này các làng vào đám (hội), nam thanh nữ tú đua nhau trẩy hội tưng bừng. Những "hội hề, đình đám" kéo dài trong suốt 3 tháng xuân, từ làng này, qua làng khác:

"Mồng bốn là hội Kéo Co
Mùng năm hội Ó chẳng cho nhau về
Mồng sáu đi hội Bồ Ðề
Mùng bảy trở về đi hội Ðống Cao"
Người quan họ thường có câu nói cửa miệng rằng "Yêu nhau cái nết, trọng nhau cái tình và say nhau ở giọng hát câu ca". Quan họ không chỉ để nghe, mà quan họ có tinh mới tường - tức là có chơi thì mới hiểu được người quan họ. Mỗi câu hát đều cho thấy ý tứ của người hát, mỗi ánh mắt, nụ cười không chỉ là sự làm duyên mà còn ẩn ý bao điều muốn nói. Các liền anh ngồi một bên, liền chị ngồi một bên, qua lời hát và cử chỉ người ta hiểu được tấm lòng của nhau.

Khi Tết về hay Xuân sang khi nhắc đến những di sản truyền thống văn hóa Quan Họ Bắc Ninh lâu đời như Trẩy Hội Lim mùa xuân qua những bài hát câu thơ về quan họ, vào đầu xuân về làng Quan họ hòa mình vào hội Lim ở xứ Kinh Bắc, hãy nhớ bài thơ lãng mạn sau đây phổ biến trong dân trong dân gian. Hội Lim là lễ hội văn hoá nghệ thuật đặc sắc của những làng quê quan họ, hình thành từ xa xưa. Ngày hội đã thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi từ khắp nơi về trẩy hội vui xuân, trong đó phần đông là trai thanh gái lịch. Đến hẹn lại lên, họ đến với nhau để ca hát, với người lớn tuổi thì đến hội là dịp tìm về tuổi xuân, với nam thanh nữ tú thì hội là dịp tìm bạn, tìm duyên. Sự kiện văn hoá độc đáo này trở thành tài sản vô giá trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam. Với người Quan họ, ngày xưa khách đến phải là:

Mấy khi khách đến chơi nhà,
Lấy than, quạt nước tiễn trà người xơi.
Trà này ngon lắm người ơi,
Người xơi một chén cho tôi bằng lòng.
Và đến lúc phải về, cuộc chia tay thật khó dứt, vì lời ca bao giờ cũng như níu chân khách lại qua cân nhắn nhủ: "Người ơi, người ở đừng về..."

Bài dân ca Quan họ nổi tiếng này mà nhiều người biết đến qua tên là "Người ơi! Người ởi đừng về", đây là tên một bài hát dân ca Quan họ Bắc Ninh do Xuân Tứ cãi biên từ bài Quan họ cổ điển Chuông Vàng Gác Cửa Tam Quan và bài hát được viết xuất xứ từ một bài thơ dân gian. Bài hát thường được cất lên vào lúc lễ hội tàn cuộc, nhất là khi từ giã nhau. Trong ý thơ chan chứa chan lời hò hẹn, nhắn nhủ khi ta nghe câu ca "Người ơi người ở đừng về", xin dẫn lời trích toàn bài thơ Dân Ca Quan Họ Bắc Ninh này như sau.

Người ơi! Người ởi đừng về,
Người ơi! Người ởi đừng về,
Người về em vần (í i ì i), (Có mấy) khóc i thầm
Đôi bên (là bên song như) vạt áo
(Mà này cũng có a ướt đầm), Ướt đầm như mưa.
Người ơi! Người ởi đừng về,
Người về em vẫn (í i ì i có mấy) trông theo,
Trông (ư ư) nước (tình chung là như) nước chảy,
(Mà này cũng có trông a bèo.
Trông bèo (là) bèo trôi.
Người ơi! Người ởi đừng về.
Người về, em vẫn (í i ì i)
(Có mấy) tái (i) hồi yêu ă,
(Em là) em (mong anh)
Xin chớ (mà này cũng có a), đứng ngồi (đứng ngồi) với ai.
Người ơi! Người ởi đừng về.
Người ơi! Người ởi đừng về.

Bài hát quan họ trên đây cũng là phần kết luận của bài viết này. Chúng tôi xin kính chúc quý độc giả bốn phương được An Khanh và May Mắn nhân dịp đầu năm Xuân về.

Trần Trần Việt Hải(Hoàng Nam) và Trần Mạnh Chi.
Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian.

 

(Hình ảnh tham khảo internet).