Chim Việt Cành Nam  Trở về
Trang chủ
Tác giả
Trả lời 
Phó chủ tịch UBND TP Ðà Lạt
về việc "Di Rời Dinh Tỉnh Trưởng"
Trần Thị Vĩnh Tường
30/08/2020, California
 
Tháng 8/2020 Dinh Tỉnh Trưởng Ðà Lạt nổi lên giữa dòng thời sự. Tính từ ngày 6/1/1916 toàn quyền Ernest Nestor Roume ký nghị định thành lập tỉnh Lâm Viên và ngày 20/4/1916 Hội Đồng Nhiếp Chính triều đình Huế thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt, thì Đà Lạt 104 tuổi non trẻ hai vai mang văn minh Tây phương giữa văn minh Ðông phương Hoàng Triều Cương Thổ làm nên chất "Tri Thức - Khiêm Cung" Đà Lạt.

Vì vậy cư dân Đà Lạt xưa như tôi bối rối trước phát biểu ngày 20/8/2020 của ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, lo di rời Dinh Tỉnh Trưởng mà quên Đà Lạt của ai? Của cư dân hay du khách, của dân hay của quan? Ông nói:

"Ðến thời điểm này, chưa có tài liệu nào được Chính phủ hoặc tỉnh Lâm Ðồng (từ chế độ cũ đến nay) xác định khu Hòa Bình và Dinh tỉnh trưởng là di sản kiến trúc.

Tôi ở Đà Lạt suốt 45 năm qua, từ khi học tiểu học cho đến nay đang làm quản lý chính quyền địa phương. Với tôi, 2 công trình này thấm sâu vào tâm tư tôi là ký ức, là hoài niệm, chúng ta có thể tôn thờ quá khứ. Thế nhưng, chúng ta không thể giữ mãi ký ức, hoài niệm, cần phải vượt qua để phát triển".
https://thanhnien.vn/van-hoa/lanh-dao-thanh-pho-da-lat-noi-gi-

Trong bài xin được viết tắt Ðà Lạt là ĐL, và vì thị xã Đà Lạt có từ 1901 ông Campoudry thị trưởng đầu tiên nên xây cất sau đó gọi là Dinh Thị Trưởng, viết tắt là DTT.

BA LÝ DO "TRƯỚC 1975 KHÔNG XÁC ÐỊNH DTT LÀ DI SẢN KIẾN TRÚC"
Thứ nhất: tuy không rõ chính xác DTT xây năm nào (cần tìm tài liệu ở Nha Địa Dư) nhưng sớm nhất có thể ngay sau 1914 con đường xe hơi hoàn thành chuyên chở vật liệu gạch ngói đến ÐL. 1975, DTT 60 tuổi quá trẻ làm di sản so với Hội An hay Luang Prabang.


DTT- Ảnh kiến trúc sư Nguyễn Quốc Dũng, 8/2020

Thứ hai: nhiệm vụ duy nhất của bất cứ chức vụ hành chánh (quận trưởng thị trưởng tỉnh trưởng) là lo cho dân đủ điện/nước/lương thực/y tế/trường học/đường xá/qui hoạch... không tự ban qui chế, in hệt không cô gái nào tự phong là hoa hậu.

Thứ ba: Từ 1955 số người Việt người Hoa lên ĐL tăng nhanh: dân số 1956 là 23.744, 1957 là 60.996. Cư dân là mạch máu rừng là lá phổi DTT là thần kinh, vô cùng bận rộn không ai nghĩ đến di sản.

TẠI SAO "TÔN THỜ QUÁ KHỨ" NHƯNG "KHÔNG THỂ GIỮ MÃI KÝ ỨC"
Rất mâu thuẫn, "đã thấm sâu vào ký ức" rồi lại hô hào "không giữ mãi ký ức". Ký ức cũng như màu da muốn tẩy rửa cũng không được mà theo suốt một đời. Khi ông Võ Ngọc Trình lựa chọn "tôn thờ quá khứ nhưng không giữ mãi ký ức" thì ký ức tôi vẫn đầy ắp kỷ niệm về DTT. Năm 1955-1956 nhà tôi ở đường Phan Ðình Phùng, mở cửa sổ thấy Dinh, xuống chợ đi ngang Dinh, đến lớp mẫu giáo qua Dinh, theo ba lên Dinh họp, rước đèn trung thu bánh nướng bánh dẻo các o Huế Phan Rang Nha Trang bầy cỗ chung vui. Photo dưới, một góc đường Phan Ðình Phùng, nhờ ký ức một bạn mới biết "Ngôi nhà màu ngói có phong cách kiến trúc Normandie (Pháp) là nhà của bác sỹ Phán"


Ảnh flickr manhhai
https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/8491458398

CÓ NHẤT THIẾT PHẢI QUÊN KÝ ỨC MỚI PHÁT TRIỂN?
Không! Trái lại, như hai đường rầy song song phải giữ ký ức mới phát triển được. Trong cuốn Zero to One, tác giả Peter Thiel, tỷ phú lập ra Paypal và vô số quĩ đầu tư, chỉ ra cách rất dễ để tạo ra phát minh mới bằng "quan sát thế giới như lúc sơ khai tổ tiên ta nhìn thấy lần đầu, từ đó mới có thể vừa tái tạo vừa gìn giữ cho tương lai".

Tháng 8/2020, tại DTT đang triển lãm: một cử chỉ đẹp từ cả lãnh đạo lẫn cư dân. Nếu theo Peter Thiel nhìn đồ vật biết quá khứ sẽ tìm ra cách làm thêm của cải, nếu biết nhìn.


Triển lãm tại DTT ĐL -Ảnh kts Phan Minh Tiến- 8/2020

BÀI HỌC "ZERO TO ONE-KHÔNG THÀNH MỘT"
Sau bác sĩ Yersin, ÐL nhập thêm nhiều rau trái mới. Giờ đây ÐL có thể tập trung trồng dược thảo thành trung tâm làm hoạt chất thế giới đang cần, kể cả ung thư tôi thử nghiệm thành công suốt 5 năm cho người thân. UBND ÐL nên ra nhiều giải thưởng "Zero to One" hơn là theo đuổi dự án "địa ốc trên đồi Dinh".

Một thí dụ ngoạn mục Zero to One: năm 1930, người Pháp mua đầu máy xe lửa Thụy Sĩ chạy tuyến răng cưa Krong Pha- Ðà Lạt. Năm 1955-1961: ba tôi làm việc ở Ty Công Chánh ĐL phụ trách bảo trì đầu máy, tôi ưa theo ba leo trèo, lượm rác.


Năm 1960s. Ðầu máy SLM HG 4/4 số 40-30. Ảnh swissinfo.ch
https://www.echo-trails.com/swiss-train-stories/furka-steam-train/

Sau 1975, bảy đầu máy rỉ sét bỏ ở ga Ðà Lạt, Tháp Chàm, Krongpha. Năm 1988, hãng Furka của Thụy Sĩ sang Việt Nam mua lại bốn cái còn tốt, 650.000USD, mang về phục hồi. Người Thụy Sĩ khắp thế giới hết lòng hỗ trợ gửi tiền về, nhất là ở Mỹ lòng hoài hương cao hơn núi Alps.

1993, Furka vui mừng khánh thành mời khách danh dự đi lại tuyến răng cưa Glacier Express nối hai làng Gletsch và Realp, đóng suốt 30 năm vì không có đầu máy răng cưa. Ðầu máy cũ cài hoa kết lá xình xịch chuyển mình giữa tiếng hò reo khói trắng núi xanh hân hoan phục hồi sự sống đã chết. Từ California tôi gọi về Saigon, ba vui lắm "Ba chết an lòng rồi"


Ảnh swissinfo.ch
https://www.swissinfo.ch/eng/furka-steam-railway-line-reopens-to-fanfare/22768818

PHIẾU Ý KIẾN MÂU THUẪN
Phiếu ý kiến (của UBBND tỉnh Lâm Ðồng, Sở Xây Dựng) mà kiến trúc sư trẻ Phan Minh Tiến gửi ra xin bà con giúp đánh giá BA PHƯƠNG ÁN "về giải pháp bảo tồn" DTT và khu Hoà Bình.

Bảo tồn sao được khi chưa là di sản? Cố ý bỏ hoang rồi đòi bảo tồn? Nếu chưa phải di sản thì việc gì phải nhắc đến bảo tồn? Tại sao chưa công nhận DTT là di sản lại bàn tới bảo tồn. Công nhận-chưa công nhận là việc nhà nước làm chưa nên thân sao bắt người khác xóa ký ức?

MÂU THUẪN LỚN NHẤT: "XÂY DỰNG THÀNH PHỐ DI SẢN " NHƯNG XOÁ DI SẢN
Sau chót hết, quy hoạch bằng "Ba Phương Án San Ðồi, Rời Dinh lên cao 28m" trái ngược với việc chính quyền đang muốn xây dựng ÐL thành một "thành phố di sản" đầu tiên ở Việt Nam nhưng lại xóa... di sản, chưa học bài học bán rẻ viên ngọc quí cho Furka?

https://nhadat.tuoitre.vn/se-xay-dung-khach-san-cao-10-tang-o- ÐL hôm nay là di sản từ người Pháp người Thượng người Việt thuở bình minh. Những năm 1900, người Thượng ở Ðồng Nai Thượng bị bắt làm "xâu" (làm đường) gùi 50kg các vật liệu sắt, thép, gạch, ngói... trên lưng đi bộ xuyên rừng núi.

10 km giữa Krông Pha và đèo Eo Gió (Bellevue) khó khăn nhất. Tuyến đường sắt vượt đèo Ngoạn Mục hiểm trở hoàn thành năm 1928. Ga Eo Gió cách Ðà Lạt 30km, nhà ga "ma ám". Mỗi tháng chín ba tôi tới Ga Eo Gió dự lễ cúng cô hồn.

THÁNG CHÍN CÔ HỒN
2020, UBND ÐL quyết định "Di rời Dinh Tỉnh Trưởng" có hỏi ai vui ai chết không an lòng? Theo từ điển Khai Trí Tiến Ðức chữ "di" trong di tích, di thể, di sản, di cốt, di hài, di chúc, di cảo ... đều hàm ý "để lại sau khi chết". Vậy muốn ÐL thành "thành phố di sản" thì phải có ai xung phong... chết trước cái đã. Tháng chín cô hồn, "chữ ký- dự án- san đồi- rời Dinh"...cực kỳ cẩn thận. Cô hồn các đẳng Thượng Tây Ta đủ mặt lảng vảng mặt hồ ngọn thông đồi thấp lũng cao, rủ rỉ rù rì nhìn xuống.

Từ xa, bái vọng linh xưa.
Chúc quí viên chức UBND Ðà Lạt đặng bình an.

Trần thị Vĩnh-Tường
California 30/8/2020
Tham khảo:
Khái Lược về Sinh Hoạt Nhân Văn và Kinh Tế của Đà Lạt.
Phạm Văn Lưu (Tập San Sử Ðịa 1971)