Chim Việt Cành Nam
 Trở về
Trang chủ
Tác giả
Bàn tay

Truyện ngắn của 
Guy De Maupassant (1850-1893)
Thân Trọng Thủy dịch

Họ xúm quanh ông dự thẩm Bermutier.Ông ta đang cho ý kiến về vụ án bí ẩn ở Saint-Cloud. Cả tháng nay vụ ám sát không được làm sáng tỏ khiến cả thành phố Paris xôn xao.Chẳng ai hiểu được chút gì cả.

Ông Bermutier đứng nói, lưng dựa vào lò sưởi. Ông nêu bằng chứng , trình bày các giả thuyết khác nhau, nhưng không kết luận.

Vài bà đứng dậy lại gần ông rồi đứng yên dán mắt vào cái miệng nhẵn nhụi của vị thẩm phán đang thốt ra những lời quan trọng.Họ rùng mình, run rẩy, co rúm lại vì sợ nhưng lại tò mò, muốn nếm trải nỗi sợ đang ám ảnh họ, hành hạ họ như một cơn đói.

Trong khi mọi người im lặng, một bà xanh xao hơn cả lên tiếng:

-"Khủng khiếp quá! Như siêu nhiên! Ta chẳng bao giờ biết được sự thật".

Ông thẩm phán quay nhìn bà ta :

-"Vâng, thưa bà, có thể ta sẽ chẳng bao giờ biết được sự thật. Còn về chữ "siêu nhiên" mà bà vừa nói thì tôi nghĩ không đúng với vụ nầy đâu. Chúng ta đang đúng trước một vụ giết người đã được vạch kế hoạch rất tinh vi, thực hiện rất khôn khéo, bí mật được giữ kỹ đến nỗi chúng ta không tài nào tháo gỡ được những vướng mắc bao quanh. Bản thân tôi trước đây đã có dịp theo dõi môt vụ đượm vẻ thần bí. Vụ đó đã bị bỏ nửa chừng vì không làm sáng tỏ được.

Nhiều bà kêu lên cùng một lúc, nhanh đến nỗi tất cả tiếng kêu của họ hợp lại thành một tiếng mà thôi:

-"Ồ! Ông kể cho chúng tôi nghe đi!

Ông Bermutier mỉm cười một cách trịnh trọng, làm như dự thẩm thì phải cười thế.

-"Ít nhất xin quí bà đừng tưởng là tôi đã nghĩ rằng - dù chỉ là nghĩ thoáng qua - trong vụ nầy có điều gì đó siêu phàm. Tôi chỉ tin vào những sự việc bình thường mà thôi. Tuy nhiên thay vì dùng từ "siêu nhiên" để nói đến những gì ta không hiểu, ta nên nói là "không thể giải thích được" thì đúng hơn. Dù sao đi nữa, trong vụ án tôi sắp kể, điều gây ấn tượng cho tôi nhất chính là những tình tiết chung quanh và trước khi xẩy ra vụ án. Chuyện xẩy ra như thế nầy:

Thời gian đó tôi là dự thẩm ở Ajaccio (1), một thành phố trắng nhỏ bé nằm bên bờ một cái vịnh tuyệt đẹp, chung quanh có núi cao bao bọc. Ở đó tôi phải tiếp nhận và giải quyết nhiều vụ án giết người vì thù hằn Có nhiều vụ rất ly kỳ, nhiều vụ hết sức thảm thương, tàn bạo, quả cảm.Chúng tôi đã tìm thấy trong các vụ đó những lý do báo thù kỳ lạ nhất mà người ta có thể nghĩ ra, những hận thù từ lâu đời tuy đã nguội lạnh nhưng chưa tắt hẳn, những mưu mô quỷ quyệt, những vụ ám sát trở thành tàn sát mà coi như là những chiến công vẻ vang. Trong vòng hai năm tôi chẳng nghe nói gì ngoài cái giá của máu, cái thành kiến khủng khiếp của đảo Corse (2) buộc người bị sỉ nhục phải giết kẻ sỉ nhục mình cùng con cháu và thân thuộc của kẻ ấy để trả thù. Tôi đã nhìn thấy người ta cắt cổ những người già, những đứa trẻ, những anh chị em họ hang của chúng. Đầu óc tôi chứa đầy ắp những chuyện đó.

Một ngày nọ tôi được biết có một ông người Anh vừa thuê một biệt thự nhỏ cuối vịnh để ở trong nhiều năm.Ông ta có đem theo một gia nhân người Pháp mà ông mướn ở Marseille khi đi ngang qua đó. Cư dân ở đây nhanh chóng chú ý đến nhân vật đặc biệt nầy.

Ông ta sống một mình trong nhà, chỉ ra ngoài để săn bắn và câu cá. Ông chẳng nói chuyện với ai cả, chẳng hề xuống phố và mỗi buổi sáng ông bỏ ra một hai giờ để tập bắn với cây súng ngắn và cây súng trường.

Những huyền thoại bắt đầu được thêu dệt chung quanh ông. Có người khẳng định đó là một nhân vật cao cấp bỏ trốn khỏi tổ quốc của mình vì lý do chính trị. Có người lại xác định rằng ông ta đang lẫn trốn sau khi phạm một tội ác tày trời. Thậm chí người ta còn dựng đứng những tình tiết rất khủng khiếp.

Với tư cách là dự thẩm, tôi muốn thu thập thông tin về người nầy nhưng không thể biết được gì. Chỉ biết người ta gọi ông là Ngài John Rowell. Tôi chỉ còn cách theo dõi sát ông ta, nhưng thực tế tôi chẳng thấy ông ta có gì khả nghi cả.

Nhưng bởi vì tiếng đồn về ông ta cứ mỗi ngày một nhiều thêm và lan xa nên tôi quyết định tự mình đến gặp ông ta, và tôi bắt đầu săn bắn một cách đều đặn ở quanh nhà ông.

Tôi chờ cơ hội khá lâu. Cuối cùng cơ hội đã đến với tôi trong hình dạng một con gà gô mà tôi đã bắn và giết chết ngay trước mũi ông người Anh. Con chó mang con gà lại nhưng tôi lập tức cầm nó đến xin lỗi ngài John Rowell về điều không phải phép của tôi và đề nghị ông thu nhận con mồi bị bắn chết.

Đó là một người đàn ông nổi tiếng, tóc đỏ, râu đỏ, rất cao to, như một đại lực sĩ, điềm đạm và lễ phép. Ông ta chẳng có vẻ gì là cứng nhắc như tính cách của người Anh cả. Bằng một thứ tiếng Pháp giọng Anh, ông ta rối rít cám ơn sự tế nhị của tôi.

Trong vòng một tháng, chúng tôi đã trò chuyện với nhau năm sáu lần.

Cuối cùng một tối nọ khi đi ngang qua trước cửa nhà ông, tôi thấy ông trong vườn đang ngồi như cỡi ngựa trên một chiếc ghế, phì phèo ống điếu.Tôi chào ông và ông mời tôi vào nhà uống một ly bia. Tôi không để ông phải lập lại lời mời.

Ông ta tiếp tôi bằng phép lịch sự tỉ mỉ của người Anh, ông ca tụng nước Pháp, ca tụng đảo Corse, nói rằng ông rất yêu quí xứ sở nầy, bờ biển nầy.

Rất thận trọng và làm ra vẻ rất quan tâm, tôi hỏi ông ta mấy câu về cuộc sống và dự định của ông. Ông trả lời không chút bối rối rằng ông đã đi du lịch nhiều nơi ở châu Phi, ở Ấn độ, ở châu Mỹ. Ông cười, nói tiếp:

-" Tôi đã phiêu lưu khá nhiều".

Tôi chuyển qua đề tài săn bắn và ông ta kể những chi tiết kỳ thú nhất khi săn hà mã, cọp, voi và cả khỉ đột nữa.

Tôi nói :" Tất cả mấy con thú đó đều nguy hiểm."

Ông ta cười: "Ồ, không đâu, con người mới nguy hiểm nhất!"

Ông phá lên cười lớn, cái cười của một người Anh tự mãn:

-"Tôi cũng đã nhiều lần săn người rồi

Rồi ông ta nói về vũ khí. Ông mời tôi vào trong để cho xem nhiều loại súng khác nhau.

Phòng khách của ông ta phủ toàn màu đen, lụa đen thêu vàng. Những đóa hoa vàng lớn nổi bật trên phông vải đen, sáng rực như lửa.

Ông ta nói : " Vải Nhật bản đấy!"

Tôi chú ý đến một vật lạ ở giữa tấm vải rộng nhất. Một vật đen thui nổi bật trên một khung vuông bằng nhung đỏ. Tôi tiến lại gần. Đó là một bàn tay. Một bàn tay đàn ông. Không phải là một bàn tay bằng xương trắng hếu và sạch sẽ mà là một bàn tay đen thui đã khô với những móng vàng khè, để lộ những thớ thịt cùng những vết máu khô trông giống như cáu ghét dính vào xương, ở giữa cẳng tay có vết cắt sắc lịm như bị rìu chặt.

Một sợi xích sắt được buộc quanh cái cổ tay bẩn thỉu, gắn chặt vào tường bằng một cái vòng đủ mạnh để giữ một con voi bị trói.

Tôi hỏi: -"Cái gì thế ?"

Ông ta bình thản trả lời:

-"Đó là kẻ thù lớn nhất của tôi. Nó từ châu Mỹ đến. Bàn tay ấy đã bị chặt bằng kiếm và bị lột da bằng một hòn đá nhọn rồi phơi nắng tám ngày. Nó rất tốt cho tôi.

Tôi sờ vào phần cơ thể còn lại ấy mà tôi đoán có lẽ là của một gã khổng lồ. Mấy ngón tay dài quá mức được giữ bởi những sợi gân to mà nhiều chỗ còn dính những mảnh da. Bàn tay nầy trông rất dễ sợ, do bị lột da nên nó khiến người ta dễ nghĩ đến sự trả thù dã man nào đó.

Tôi nói : -"Người nầy chắc khỏe lắm"

Ông ta trả lời nhẹ nhàng :" Vâng, nhưng tôi còn khỏe hơn nó. Tôi đã dùng sợi xích đó để giữ nó lại.

Tôi cứ ngỡ ông ta nói đùa. Tôi nói:"Bây giờ thì sợi xích nầy không còn có ích nữa rồi. Cái bàn tay kia đâu có thể trốn được."

Sir John Rowell nghiêm nghị trả lời:" Nó vẫn luôn muốn đi khỏi đây, sợi xích vẫn còn cần thiết."

Tôi liếc nhanh để dò xét nét mặt ông ta, tự hỏi;" Đây là một người điên hay là một kẻ thích đùa vô lối?"

Nhưng ông vẫn giữ vẻ bí hiểm, lặng lẽ và thân thiện.

Tôi nói qua chuyện khác và ngắm nghía những khẩu súng.

Tuy vậy tôi có chú ý đến ba khẩu súng lục đã nạp đạn để trên các bàn ghế trong phòng, có vẻ như người nầy luôn sống trong lo sợ bị tấn công.

Tôi còn lui tới nhà ông ta nhiều lần, rồi không tới nữa. Mọi người ở đây đã quen với sự có mặt của ông nên không còn quan tâm đến ông nữa.

Một năm tròn trôi qua. Một buổi sáng cuối tháng mười một, người giúp việc của tôi đánh thức tôi báo tin Sir John Rowell đã bị ám sát đêm qua.

Nửa tiếng sau tôi cùng ông cảnh sát trưởng và viên đại úy cảnh sát bước vào nhà người Anh. Người hầu hoảng loạn và tuyệt vọng đang đứng khóc trước cửa. Thoạt tiên tôi nghi ngờ người nầy nhưng anh ta vô tội.

Có thể người ta chẳng bao giờ tìm ra thủ phạm.

Khi bước vào phòng khách của ông John, tôi thấy ngay xác chết nằm ngửa chính giữa phòng.Áo gi-lê bị rách, một cái tay áo bị kéo rời ra, chứng tỏ đã xẩy ra một cuộc vật lộn dữ dội.

Ông người Anh đã chết vì bị bóp cổ. Mặt ông ta đen và sưng phồng gớm ghiếc, chắc là do quá khiếp sợ. Răng ông ta đang cắn chặt một vật gì đó và cái cổ -với năm lỗ thủng giống như bị những vật nhọn bằng sắt đâm vào - loang đầy máu.

Một bác sĩ đến tham gia cùng chúng tôi. Ông ta xem xét thật lâu các dấu ngón tay trong thịt rồi tuyên bố rất lạ :

-"Có vẻ như nạn nhân bị một bộ xương bóp cổ."

Tôi thấy lạnh sống lưng và tôi nhìn lên tường, chỗ lúc trước tôi thấy có bàn tay ghê tởm bị lột da. Bàn tay không còn ở đó nữa! Sợi xích đã bị đứt, lủng lẳng.

Tôi cúi xuống gần cái xác và tôi thấy trong cái miệng co rúm của ông ta có một ngón của bàn tay đã biến mất, bị cắt hay đúng hơn là bị răng cứa đứt ngay đốt thứ hai.

Thế rồi người ta tiến hành điều tra mà chẳng khám phá được gì cả. Không có cửa lớn nào bị phá, cửa sổ cũng không, đồ đạc cũng không.Hai con chó giữ nhà không hề bị đánh thức.

Sau đây là tóm tắt lời khai của người giúp việc:

Từ môt tháng nay ông chủ có vẻ rất lo lắng bồn chồn. Ông nhận rất nhiều thư và lần lượt đốt hết. Có khi trong một cơn giận dữ điên rồ, ông cầm cây roi ngựa đánh như trút cơn thịnh nộ lên cái bàn tay khô gắn trên tường - bàn tay nầy chẳng biết bằng cách nào đã biến mất ngay trong hôm xẩy ra án mạng. Ông chủ thường đi ngủ rất trễ và không quên cẩn thận đóng kín cửa. Ông luôn luôn để sẵn vũ khí trong tầm tay. Ban đêm ông hay nói lớn tiếng như đang gây gỗ với ai.

Đêm hôm ấy chẳng hiểu sao ông ta không làm ồn và chỉ đến khi mở các cửa sổ thì người hầu mới thấy ông John bị ám sát. Anh ta không nghi ngờ ai cả.

Tôi báo cho các thẩm phán và các nhân viên công lực những gì tôi biết về người chết và người ta đã mở một cuộc điều tra rất tỉ mỉ trên khắp đảo. Họ chẳng khám phá được gì cả.

Ba tháng sau vụ án mạng, một buổi tối tôi gặp một ác mộng rất khủng khiếp. Hình như tôi trông thấy bàn tay, cái bàn tay ghê tởm kia đang bò như một con bò cạp hay một con nhện dọc theo màn cửa và các bức tường. Ba lần tôi thức giấc, ba lần tôi ngủ lại, ba lần tôi cứ thấy vật thể gớm ghiếc ấy chạy quanh phòng và cử động mấy ngón tay như những bước chân.

Ngày hôm sau người ta mang đến cho tôi cái bàn tay họ tìm thấy trong nghĩa trang, trên mộ của Sir John Rowell - Ông được chôn ở đấy vì người ta không tìm được gia đình ông - Bàn tay thiếu mất ngón trỏ.

Thưa các bà, câu chuyện của tôi là vậy. Tôi không biết gì hơn nữa.

Các bà cuống cuồng, mặt mày xanh lét, run rẩy. Một bà kêu lên :

-"Nhưng đó đâu phải là kết cục, cũng không phải là một lời giải thích. Chúng tôi sẽ không ngủ được nếu ông không cho chúng tôi biết theo ông thì chuyện gì đã xẩy ra."

Ông thẩm phán mỉm cười nghiêm nghị:

-"Ồ, thưa các bà, chắc chắn là tôi sẽ làm hỏng những giấc mộng khủng khiếp của các bà.Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng chủ hợp pháp của bàn tay kia chưa chết, hắn cùng bàn tay còn lại đi tìm bàn tay kia. Nhưng tôi không biết hắn đã làm cách nào. Đó là một kiểu trả thù máu đấy.

Một bà nói thầm :" Không, không thể như thế được!"

Và ông dự thẩm vẫn mỉm cười, kết luận:

-" Chẳng phải tôi đã nói trước với các bà là cách giải thích của tôi sẽ không làm các bà thỏa mãn hay sao?"

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(1) Ajaccio là thủ phủ của đảo Corse, một hòn đảo của Pháp ở Địa trung hải, nằm ở phía tây nước Ý, phía đông nam nước Pháp.Đây là nơi sinh của hoàng đế Napoléon Bonaparte.

(2) Tại đảo Corse, hận thù là một điều lệ của xã hội, theo đó người Corse được yêu cầu phải giết bất kỳ ai hủy hoại danh giá gia đình. Từ năm 1821 đến năm 1852 không dưới 4.300 vụ án mạng đã xẩy ra tại Corse.
 

THÂN TRỌNG THỦY dịch
Từ nguyên bản La Main của
GUY DE MAUPASSANT ( 23 /12/ 1883 )