Chim Việt Cành Nam
 Trở về
Trang chủ
Tác giả
Bé Thư 
Sao Khuê
Khi tới Canada, bé Thư hơn 3 tuổi, cái mặt tròn quay, tóc chẻ hai bên buộc ngỏng lên như hai cái đuôi ngựa, người cũng tròn quay, tay chân tròn trịa (cũng tròn quay), hai má phúng phính (cũng tròn quay) làm người ta chỉ muốn bẹo một cái, cái mông đầy thịt (cũng tròn quay) làm người ta chỉ muốn phát một cái... điều đó có nghiã là muốn vẽ bé Thư người ta chỉ cần vẽ những vòng tròn rồi đem gắn lại với nhau.

Còn nhìn thấy bé Thư thì sao? Thì người ta muốn hun một cái, bẹo má một cái và nếu không phát một cái vào mông thì cũng muốn véo một cái... nghiã là nhìn thấy bé Thư thì ngươì ta thích nựng vì bé dễ thương nhưng mà... nói chuyện với bé Thư thì còn vui hơn nữa. Người ta thích trêu, thích... cãi nhau với bé Thư vì bé Thư rất ư là lý sự cùn. Ba tuổi rưỡi, bé Thư ngọng líu ngọng lo nhưng mà đáo để lắm. Mỗi buổi sáng, bác Mai phải đưa mẹ đi làm và dẫn bé Thư đi nhà trẻ trước khi đến sở vì nhà trẻ của bé Thư gần nơi bác Mai làm việc.

Bé Thư coi việc đi nhà trẻ là việc trọng đại nên sáng nào cũng quần áo chỉnh tề, cặp vở đàng hoàng. Cái việc quần áo đàng hoàng không đơn giản tí nào vì bé Thư rất điệu, mỗi sáng đều băn khoăn bối rối lựa hết bộ nọ đến bộ kia mặc vào rồi cởi ra, thay tới rồi thay lui và sau cùng thì vẫn không bằng lòng và nhiều hôm còn lăn ra khóc. Bác Mai đã dặn là mỗi tối trước khi đi ngủ thì lựa sẵn quần áo, sáng hôm sau chỉ việc mặc vào mà đi học... ấy vậy mà vẫn chả xong vì những hôm trời lạnh cỡ âm 20 độ (-20) mà bé Thư lại đòi diện áo đầm, chưa kể có sáng bé Thư còn đổi ý, lại thay, lại lựa, trễ cả giờ người ta đi làm. Bề gì thì Thư cũng đẹp nhất thế giới ngay cả bác Mai cũng đồng ý, dù bác Mai nói là bác Mai đẹp nhất nhà, nhất nhà thì ăn nhằm gì, nhà chỉ có bé Thư, bác Mai, mẹ, chị Tú với bà ngoại; Thư đẹp nhất thế giới, hơn nhiều nên phải mặc quần áo đẹp đi học.

Cũng có những buổi sáng bé Thư mặc quần áo xong trước, vừa đi xuống cầu thang vừa vui vẻ ca hát:

"Bác Hùng khùng, ăn trái xung, ị ra con trùng, nó bò lung tung"

thì trong nhà, bác Hùng vừa mặc quần áo vừa hát:

"Bé Thư lùn, ăn trái xung, ị ra con trùng, nó bò lung tung"

- Sách của Thư viết là bác Hùng khùng ăn trái xung ị ra con trùng nó bò lung tung Bé Thư vừa la to vừa đọc thật nhanh... nhưng bác Mai đâu có chịu:

- Sách của bác Mai viết là con Thư lùn ăn trái xung ị ra con trùng nó bò lung tung... Vừa nói bác Mai vừa dở sách chỉ vào:
-
-

Bác Mai với bác Hùng mới có sách, Thư làm gì có sách, hứ, Thư chưa biết chữ cơ mà. Thư có sách, sách của Thư nói bác Hùng...

Sai, sách của bác Hùng nói là bé Thư lùn...

Cãi không được là bé Thư lăn ra ăn vạ:

- Hu hu... Sách của Thư nói là bác Hùng khùng...

Mẹ đi ra:

- Ô kê, sách của Thư, bác Mai với bác Hùng thiệt! Đi, đi, mau ra xe đi học, trễ giờ rồi!!!

Có một hôm vội vàng quá, bé Thư quên cặp, đi đến đầu đường thì mẹ Thư mới nhớ ra, không dám quay về vì muộn giờ mẹ đi làm, hy vọng bé Thư quên luôn; nhưng khổ thân bác Mai, sau khi mẹ vào sở, chỉ còn hai bác cháu trên xe thì Thư nhớ ra, đòi quay về lấy cặp:

- Bác Mai! Thư quên cặp ở nhà rồi, cô la đó!

- Không sao! Bác sẽ nói với cô.

- Không được, về nhà cho Thư lấy cặp.

Mặc cho bác Mai giải thích, Thư gào to, đập tay đập chân đòi quay xe về để lấy cặp:

- Hu hu, đi về lấy cặp... đi về lấy cặp...

Dỡn hoài Thư! bác Mai còn phải đi làm chứ bộ, trễ chút đỉnh không sao chứ trở về sẽ trễ cả nửa tiếng, vừa phải thôi bé Thư. Mặc cho bé Thư la, hét , xe bác bác cứ lái , đường bác bác cứ tới.

Đến nơi rồi. Con bé này cứng đầu lắm, khó mà bắt nó xuống xe được:

- Bây giờ bác vào làm, đến chiều mới ra , vậy Thư ngồi trong xe chờ bác nhé, nếu police có đi ngang thì bảo là Thư quên cặp không muốn vào lớp. Thôi Thư ngồi đây bác đi làm, bác khóa xe đây.

Bé Thư sợ quá, chui vội ra khỏi xe...
-
-
- Hay là Thư cứ đứng ở ngoài đường này mà khóc cũng được, bác đi làm đây! Bye bye... à ... hay là nếu Thư muốn vào lớp thì bác dẫn vào kẻo ở đây nhiều mẹ mìn bắt cóc trẻ em lắm! Có đi hay không?

Dĩ nhiên là bé Thư đi nhưng vừa đi vừa khóc vừa trì lại đòi về nhà lấy cặp:
-
-
Về nhà lấy cặp...về nhà lấy cặp...hu hu... Thì đến chiều bác đưa Thư về lấy cặp. Không! hu hu...lấy bây giờ cơ!

Còn lâu mới lấy được bây giờ! Cuối cùng thì cũng kéo được cô ả đến nhà trẻ và để mặc cho cô giáo giải quyết!

Mấy tháng sau bé Thư được nhập học lớp mẫu giáo gần nhà. Sau khi đi học được một tháng thì bé Thư tuyên bố:

- Thư học được một nửa tiếng Pháp rồi, từ nay đến Noel là học hết tiếng Pháp!

Ngầu dễ sợ.

Nhưng đừng tưởng người ta đi học là người ta lớn rồi nhé. Cái chị Tú, cứ là hay chọc Thư, không chịu đưa đồ chơi cho Thư. Thư là em, mẹ bảo phải nhường em chứ bộ, có đưa không... Dĩ nhiên là không, đồ chơi của chị sao Thư lại đòi, vậy là có màn cãi nhau ầm ĩ, khóc bù lu bù loa, rồi tức quá Thư bèn vũ sexy show, tự mình tụt quần ra:

- Lêu lêu mắc cở, có đứa ở truồng... Sẵn máy quay phim trong tay, anh Nguyên bèn ghi lại hình ảnh lịch sử ngày Thư 4 tuổi tụt quần, sau này đi lấy chồng sẽ chiếu cho bà con quan khách tham dự cùng coi!

Buổi tối, cả nhà thường quây quần dưới sous-sol để xem video, nghe nhạc, vậy mà bé Thư cứ la hét om sòm... Bác Mai gọi :

- Bé Thư!

- Dạ!

- Đến trước mặt bác coi! Thư có mấy cái tai...?

- Dạ hai

- Tai để làm gì?

- Dạ, tai để nghe

- Thư có mấy cái mệng?

- Dạ, một cái miệng

- Miệng để làm gì?

- Dạ để nói!

- Vậy Thư ăn bằng gì?

- Dạ, bằng... bằng... miệng, miệng để nói và để ăn.

- Tốt! hai cái tai chỉ để nghe, một cái miệng để ăn và còn để nói vậy thì nói nhiều hay nghe nhiều?

- Dạ... nghe nhiều

- Tại sao?

- Tại tới hai cái tai.

- Giỏi, vậy thì làm ơn khép miêng lại mà nghe cho nguời khác nghe nhạc nhớ chưa?

- Dạ...

Nhưng chỉ hai phút sau là bé Thư mon men đến:

- Bác Mai à...

- Chi?

- Người ta có hai cái môi!

Ái cha...con bé này, đáo để thật, bác Mai muốn phì cười mà phải làm mặt nghiêm:

- Đúng rồi, hai cái môi, nhưng hai cái môi mới làm thành một cái miệng, hiểu chưa? E rằng bé Thư chưa hiểu, bác Mai phải lấy thí dụ:

- Thư có mấy cái lỗ mũi?

- Dạ hai.

- Hai cái lỗ mũi mới làm thành một cái mũi cũng như hai cái môi mới làm thành một cái miệng, hiểu chưa?

- Dạ hiểu!

- Tóm lại, người ta có hai cái tai, hai con mắt, một cái mũi, một cái miệng có nghĩa là sao?

- Dạ, có nghĩa là phải nghe nhiều, nói ít, thở ít, nhìn nhiều...

- Bé Thư ngu! Hai mắt là để đọc sách nhiều cũng như hai tay là để làm việc nhiều, hai chân là để...

- Đi nhiều! Đi chơi nhiều...
 
 

Cả nhà phì cười...

- Tầm bậy, hai chân để đi giúp cho người ta đi học, đi làm được nhiều...

Bé Thư có ngoan không? Tùy lúc! Có những lúc bé Thư lỳ lợm kinh khủng, lăn ra đường ăn vạ, như hôm bác Hùng chở đến nhà bà mà Thư lại muốn đến chơi với chị Mơ, thế là Thư không chịu vào nhà, lăn ra đất bú lu bù loa:

- Thư muốn đến chị Mơ cơ! Hu hu... đến chị Mơ, không đến bà.

Hứ! Thư làm như Thư có quyền quyết định. Mặc cho Thư gào, việc bác phải làm là đưa qùa cho bà... Sao có vào không? Không...kết qủa là phải khênh bé Thư vào nhà vì sợ hàng xóm gọi police!

Hè năm đó cả nhà đi chơi ở Mont Tremblant, bé Thư được cưỡi ngựa, 2 đồng được 5 vòng nhưng mới được 2 vòng thì thay vì enjoy life, bé Thư lại lè nhè:

- Thư muốn cưỡi ngựa nữa.

Đúng là đồ ngu! Đang cưỡi ngựa mà cứ muốn cưỡi ngựa nữa! Mỗi lần ngựa đi ngang qua mặt bác Mai là:

- Thư muốn cưỡi ngựa!!

- Thì Thư đang cưỡi ngưạ đó!

- Thư muốn cưỡi ngựa nữa... Ô kê! Cưỡi nữa... Bé Thư chưa giác ngộ: phút giây này có bao giờ đến với ta hai lần trong đời đâu. Bé Thư chưa biết là hãy sống trong hiện tại, quá khứ thì đã qua mà tương lai thì chưa tới... nghiã là bé Thư chưa biết "An trú trong hiện tại "...

Năm sau, bố mẹ mua nhà, Thư không còn ở chung với bác Mai, mèn ơi, bác Mai buồn mất mấy tháng vì thỉnh thoảng mới được trêu Thư. Có dịp bác Mai chở Thư với chị Tú trên xe:

- Này Thư, nhìn này Thư, "cul de sac", sao ở Montreal có nhiều đường tên là "cul de sac" ghê Thư nhỉ.

- Cul de sac không phải là đường!

- Bảng tên gắn ở đầu đường thì là tên đường chứ còn là gì nữa, phải không Tú?

- Dạ phải (Con Tú nó về hùa với bác Mai để trêu con Thư đó)

- Chị Tú sai rồi cul de sac không phải là đường.

- Vậy là cái gì?

- Thư không biết, nhưng Thư biết "cul de sac" không phải là tên đường, tên đường phải có chữ "boulevard" hay "rue" cơ...

- Đó là đường lớn, còn cul de sac là đường nhỏ...

- Không phải...

Ít lâu sau trở lại vấn đề thì:

- Thư không biết cul de sac là gì, nhưng chỉ biết vào đó không có lối ra.

- À! bé Thư giỏi! "cul de sac" là đáy của cái túi nên không có lối ra, phải vòng lại ra miệng túi mới ra được, hiểu chưa?

- Dạ, hiểu, cám ơn bác Mai...

Tay Thư không ngừng bấm cho cửa kính xe lên xuống tự động. Bác Mai bèn khóa ở trên khiến Thư không điều khiển được nữa:

- Chết rồi! Cái Thư làm hư xe bác.

Thư có vẻ sợ... nhất là khi chị Tú thêm vào:

- Thư làm hư xe bác Mai là bố phải đền.

- Thư đâu có làm hư. Bác Mai khóa lại chứ bộ.

- Nói bậy, nãy giờ Thư nghịch ở đàng sau, làm sao bác với tay ra đàng sau mà khóa được?

- Bác Mai khóa ở bên cạnh bác đó, Thư nhìn thấy bác Mai khóa. Bác Mai mở ra đi...

- Ô kê! Vậy Thư thấy xe bác Mai tối tân không?

- Tối tân là gì?

- Là moderne đó. Xe bác Mai tối tân, hiện đại.

- Hiện đại là gì?

- Là hại điện, Thư mở cửa bằng điện nên hại điện, hiểu chưa?

- Dạ hiểu!

Một lúc sau thì:

- Thư cũng tối tân nữa!

Bác Mai với chị Tú cười rũ ra... - Ha! ha! Bé Thư tối tân!
 
 

Rồi bé Thư lên lớp 5, lúc này khó mà ăn hiếp Thư được...

- Thư làm gì đó?

- Làm publicité!

- Là cái gì?

- Cô giáo bảo làm publicité một món hàng trong ordinateur.

- Thế Thư định bán món gì?

- Thư chưa biết, bác Mai chỉ Thư đi.

- Ai mua trăng ta bán trăng cho, Thư bán trăng đi. Mình rao bán trăng, 3 đồng một ông trăng... nhưng mà như vậy mình chỉ bán được một lần vì chỉ có mỗi một ông trăng, phải không. Nếu nhiều người muốn mua thì sao bây giờ?

Thư suy nghĩ chưa ra. Bác Mai gợi ý:

- Ngu quá, mình ra dollarama mua 1 đồng một cái đĩa nhôm lớn, bán lại 3 đồng, bảo người mua đổ nước vào thì trăng hiện ra trong điã nước, đúng không?

- Thư đi mua gương bán cho người ta không cần phải đổ nước.

A! cái con nhỏ này, đúng là hậu sinh khả úy, trứng khôn hơn vịt, nó dám thông minh hơn bác Mai.

Bố bé Thư chỉ có hai đứa con gái và vì Thư thấy bà ngoại ở với bác Mai nên khi bác Mai đặt vấn đề:

- Khibốmẹgiàrồithì Thưlàmgìđểnuôibốmẹ?

- Thưđilàm,Thưmuanhà,Thưđểchobốmẹởmộtphòng

- Bác Mai với bác Hùng một phòng nữa. Bác Hùng xía vào đòi có phần.

- Bác Hùng với bác Mai ở nhà chị Diễm.

- Nhưng mà nhà Thư còn rộng, cho bác ở với!

- Thư còn có con, có chồng nưã!

- Ối giời ơi!...

Thế rồi một hôm cô giáo ra một bài luận và theo lời mẹ kể lại thì: "Tôi đang nằm trên ghế dài ở bên hồ tắm và đọc truyện. Có tiếng xe vào garage. Lũ trẻ con ùa vào, ríu rít chào mẹ. Chồng tôi đã đi làm về và trên đường về đã ghé đón con..."

- Úi trời ơi! Bé Thư làm biếng, không chịu đi làm, không chịu đi đón con!

- Tại chồng Thư đi làm nhiều tiền, lại yêu Thư, làm hết cho Thư.

Giấc mơ của Thư cũng là giấc mơ của tất cả đàn bà trên thế gian này phải không quí vị? Nhưng mơ vẫn chỉ là mơ thế thôi...

Bác Mai cưng Thư lắm nên hay mua áo đẹp cho Thư. Sinh nhật 10 tuổi Thư được mẹ cho phép tổ chức riêng với bạn bè và rồi bốn cô ả là Thư và ba con bạn thân trình diễn thời trang với đủ kiểu áo đầm trao đổi với nhau để chụp hình. Thỉnh thoảng bé Thư được đi học ở nhà bà ngoại vì Thư được nghỉ mà chị Tú vẫn phải đi học, bố mẹ vẫn phải đi làm. Bà ngoại và Thư rất tâm đắc vì cùng sở thích nên cùng nhau bàn luận nhiều chuyện. Có lần bác Mai hỏi Thư:

- Dạ thưa cô, hôm nay cô và mẹ tôi thảo luận về vấn đề gì đấy ạ?

- Thư với bà bàn về dầu hoả!

- A! Đề tài đúng lúc, dầu đang lên giá! Mà Thư nói về cái gì?

- Thư với bà bàn "Thế giới đi về đâu khi hết dầu hoả"

- Wào! Vậy thế giới đi về đâu?

- Đang bàn. Thư chưa biết!

- Vậy thì Thư phải học giỏi để tìm ra năng lượng mới cho thế giới nhé.

- Dạ.

Bé Thư thấy bác Mai làm thơ, thế là nó bắt chước mà nó lại làm thơ hay hơn mới chết bác Mai chứ. Đã vậy nó còn theo thơ đây nè:

Thấy vậy mà không phải vậy...
 
 

Bây giờ Thư không còn là bé Thư mà đã đủ lớn để thành "cái" Thư và khi bác Mai bảo sẽ viết chuyện "cái" Thư, Thư hỏi bố:

- Tại sao lại gọi là cái Thư?

- Tại Thư là con gái và bác Mai thích trêu Thư, cái Thư cũng như con Thư vậy.

Đúng vậy! Bác Mai vẫn thích trêu bé Thư chứ thật ra bé Thư mới chỉ có 12 tuổi mà thôi.

12 tuổi, bé Thư vào Trung học, học cùng với chị Tú ở Régina, phiền lắm vì Thư hay Tú thì thầy cô cũng gọi là "TU" hết. Phiền và buồn nữa, vì ba con bạn thân của Thư không thi được vào trường Régina phải học ở trường Saint Louis. Chị Tú thì lúc nào cũng trêu Thư mà mọi người lại cứ bảo là Thư bắt nạt chị Tú, ai cũng bênh chị Tú hết! Hai đứa ngủ chung phòng nên đến khuya bố mẹ đang ngủ thì giật mình nghe Thư la to: Chị Tú chọc Thư, thì lập tức bố hay mẹ la chị Tú: "đừng có chọc em". Ba tháng rồi Thư ngủ riêng một phòng mà đến đêm vẫn la: "chị Tú chọc Thư..." nên bố mẹ mới biết là Thư nằm mơ và Tú bị mắng oan. Bố mẹ vẫn tưởng là con Tú khờ bắt nạt em đâu có biết con em ăn hiếp con chị, cào chị đến có sẹo!!

Ba tháng đầu Thư chăm học nên được điểm cao, sau đó điểm cứ tụt dần. Mẹ hỏi:

- Sao vậy Thư, con không hiểu bài hay sao mà bị ít điểm?

- Tại Thư không chú ý! Mẹ gầm lên:

- Tại sao đi học lại không chú ý học?

- Tại con không thích!

- Tại sao không thích?

- Thư không có bạn!

Khổ thay cho những bậc cha mẹ có con ở tuổi "teen". Trời ơi, chúng nó đổ ương, hết thuốc chữa luôn. Khuyên lơn, hăm dọa rồi giải thích, chả ăn thua gì... Mẹ bèn câu giờ:

- Thôi Thư ráng đợi sang năm, hết năm học mới xin đổi trường chứ bây giờ giữa năm, ai người ta nhận?

- Lúc nào cũng đổi trường được!

- Ai nói với Thư vậy?

- Khi mình dọn nhà đến đâu thì trường mới bắt buộc phải nhận. Thư muốn đổi ngay bây giờ!

Thử lá bài mua chuộc xem sao: "Rồi, cho mẹ 1 tháng." Trong tháng đó mẹ phải mua món đồ mà Thư thích rồi tiếp tục tìm cách này cách kia kéo dài thời gian, hy vọng Thu quên.. Thực ra thì đổi trường cũng được nhưng mà mấy đứa bạn đó, gia đình phức tạp lắm, mẹ Thư sợ gần mực thì đen... Trẻ con và ngay cả người lớn cũng cần bạn, nên ngay từ đầu phải chọn bạn tốt cho con: bạn ở trường, bạn ở gần nhà, bạn ở môi trường sinh hoạt. Trong bất kỳ tình huống nào, nếu cần đổi trường thì phải đổi, tách trẻ con khỏi bạn xấu đồng thời tìm bạn tốt cho con (ngày xưa Mạnh Mẫu đã ba lần đổi trường cho thày Mạnh Tử cơ mà). Tốt hơn là gửi con đi sinh hoạt Hướng Đạo, đi sinh hoạt công cộng có tính cách giáo dục rất cần thiết và quan trọng hơn cả là luôn luôn theo dõi kín đáo để kịp thời sửa sai...

Cuộc chiến chưa chấm dứt... Thư vẫn bà chằng khi ở nhà và dịu dàng khép nép khi ra ngoài (khéo giả bộ giữ à ha!), mà độ này Thư ít khi đi đâu lắm, cứ ru rú ở nhà như dán ngày, lâu lâu cũng làm thơ nhưng hai bác cháu ít có dịp nói chuyện với nhau như trước; bố mẹ cũng bận làm ăn, bác Mai ít gặp nên ít có thông tin... Khi nào có tin gì mới mình lại nghe tiếp chuyện bé Thư...

Sao Khuê