Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Cái Tôi của Phạm Duy 
trong Trường Ca 
'Con Đường Cái Quan'

Phan Trang Hy

Nghe nhạc Phạm Duy, điều đầu tiên tôi cảm nhận đó là tình yêu quê hương đất nước Việt Nam. Nhiều nhạc phẩm của ông đã đi vào lòng người dân Việt qua nhiều thế hệ, trong đó có tôi.

Phải là Cái Tôi hòa vào hồn quê, hòa vào đất Mẹ Việt Nam, hòa vào tiếng lòng đồng bào mới có Trường Ca "Con Đường Cái Quan". Khi học trung học, nhiều lần tôi nghe Trường Ca này trên Đài phát thanh Sài Gòn, lòng tôi thấy sao có ông nhạc sĩ tuyệt vời đến vậy. Từ đó tôi mê nhạc của ông và tôi dành dụm tiền mua những bàn nhạc ông viết, trong đó có tập Trường Ca này để về tập đàn, tập hát. Và càng ngày tôi càng nhận ra một Phạm Duy quá diệu kỳ, chỉ với âm thanh, ngôn ngữ mà như đưa người nghe, người yêu nhạc đến với những cung bậc tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam này.

Trong phần giới thiệu về trường ca này, Phạm Duy bày tỏ: "Trường Ca ‘Con Đường Cái Quan’ đưa ra một lữ khách trên con đường xuyên Việt, đi từ Ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau, đi từ ngày mới lập quốc cho tới khi hoàn thành xứ sở, đi trong lịch sử và lòng dân, đi tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối liền lòng người và đất nước".

Nghe phần thứ nhất (Từ Miền Bắc) của Trường Ca này, tôi như được chứng kiến hành trình của lữ khách. Tôi như thấy hình ảnh của cô thôn nữ miền Bắc hát làm duyên với lữ khách:

"Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại
Dừng chân đứng lại
Cho em đây than đôi lời
Đi đâu vội mấy anh ơi...".
Đáp lại lời cô gái là lời lữ khách:
"Tôi đi từ Ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ
Chia đôi một họ trăm con đã lên đường...".
Tôi cũng thấy bước chân lữ khách từ Ải Nam Quan vội đi trong lời ca của nàng Tô Thị. Và cả trong lời ca của đồng bào miền núi, để rồi tạm biệt:
"Đường ngược đường suôi
Nhớ nhau vì chuyện đầu môi
Tạm biệt một nơi
Thấy nhau ở cuối chân trời...".
Tôi còn nghe lời ca của cô gái lái đò và lữ khách sang sông. Rồi tôi chứng kiến bước chân lữ khách về tới Thủ Đô trong nỗi niềm xúc động vô bờ, để rồi bước tiếp trên đường cái quan:
"Ra đi từ lúc trăng tơ, trăng một miền hoa cỏ
Trăng lên đầu cửa ô xa vẫn chưa mờ
Im nghe lời Thủ Đô chào, ôi lời mừng đông đảo
Đi trong lịch sử dân ta luống nghẹn ngào".
Trong phần thứ hai (Qua Miền Trung), qua ca từ âm nhạc, tôi mường tượng trước mắt tôi là lũ trẻ chạy ra hát mừng chào đón lữ khách: "Ai đi trong gió trong sương". Tôi cũng được nghe lời ru của người mẹ ngọt ngào: "Ai vô xứ Huế thì vô". Và tôi thấy dân làng hát tiễn lữ khách "đi trên dặm đường trường":
"Hò hô hò hò ơi hò
Anh đi trên đường là gập ghềnh
Mau mau đi kẻo lỡ a truyện tình nước non
Hô hô hò khoan
Hò hô hò hò ơi hò
Mau mau đi kẻo là kẻo lỡ
Câu chuyện tình năm xưa là tình à năm xưa
Hô hô hò khoan".
Cũng trong phần thứ II này, trên dải đất miền Trung nước Việt Nam, trên những tháp Chăm dọc theo chiều dài đất nước, tôi như nghe tiếng hát của Công chúa Huyền Trân thời nhà Trần, nuốt lệ vào lòng, tâm sự cùng hậu thế với nỗi đoạn trường "Nước non ngàn dặm ra đi":
"Bước đi vào lòng (ừ ư ư) muôn dân
Bước đi vào lòng (ừ ư ư) muôn dân
Bằng hồn trinh nữ mơ màng
Bằng tình say đắm ơi chàng
Ước nuôi dân hòa bình trong ái ân".
Rồi tôi được nghe cô gái Huế với "Gió đưa cành trúc la đà". Tôi cũng được nghe tiếng hát của lữ khách hòa cùng dân chúng trong lời ca: "Tôi xa quê nghèo ruộng nghèo" để vào miền Nam:
"Hò hô hò hò ơi hò
Lênh đênh ven bờ là biển sâu
Hương thơm là thoang thoảng à đất mầu miền Nam
Hô hô hò khoan
Hò hô hò hò ơi hò
Lênh đênh ven bờ là biển giàu
Nghe nhịp cầu đã nối tình là à xưa
Hô hô hò khoan".
Phần thứ ba (Vào Miền Nam) được mở đầu bằng giọng hò của cô gái mời gọi: "Anh đi đường vắng đường xa". Đáp lại tình cảm của cô gái, lữ khách mừng rỡ hát khúc hành ca "Nhờ gió đi về" như lời tỏ tình. Còn gì đẹp bằng cô gái miền Nam cất lời ca "Đi đâu cho thiếp theo cùng" bằng lòng "theo lữ khách trên con đường và trong cuộc đời"; còn gì đáng yêu bằng lữ khách cất tiếng đáp lại:
"Ví dầu tình bén duyên thề
Thì xin kết bạn đền nghì trúc mai".
Phạm Duy từng giới thiệu: "Lữ khách tìm được lương duyên ở cảnh và ở người. Lữ khách kết duyên cùng cô gái. Dân chúng miền Nam hát hò mừng đôi vợ chồng mới". Bằng điệu hò lơ "Đèn cao Châu Đốc, gió độc Gò Công", mọi người chúc đôi vợ chồng:
"Vợ chồng son đã nuôi lòng ước mong
Thuận vợ chồng sẽ cùng tát biển Đông".
Trước mắt tôi là hình ảnh đôi vợ chồng trẻ hân hoan cất tiếng ca ngợi "Cửu Long Giang" cũng như hát ca "Giã ơn cái cối cái chày" và cùng dân chúng hát "Về Miền Nam" trong niềm vui bất tận:
"Về miền Nam đem theo sương gió xưa
Về đồng khô đem cơn mưa rét về
Người về đây thương nhớ lắm con đường xa
Về miền Trung, ra xứ Bắc yêu mẹ cha
Đường từ xa đem ta đã tới đây
Chùa chiều nay rung chuông trên luống cày
Người gửi ơn ra bốn phía chân trời mây
Ngẩng đầu lên dâng vút đóa linh hồn say
Đường về đây... Đường về đây
Trời về Tây nghe gió cuồng bay...".
Kết thúc Trường Ca "Con Đường Cái Quan" là "Đường Đi Đã Tới", tôi như thấy lời ca được cất lên từ lồng ngực đầy nhiệt huyết của toàn dân:
"Đường đi đã tới...
Lòng dân đã nối
Người tạm dừng bước chân vui người ơi
Người mơ ước tới...
Đường tan ranh giới
Để người được mãi
Đi trong một duyên tình dài
Con đường thế giới xa xôi
Trong lòng dân chúng nơi nơi..."
Nghe cả Trường Ca "Con Đường Cái Quan", tôi không thể không nói lời biết ơn có một nhạc sĩ đã nói hộ bao người dân Việt về một nước Việt Nam thống nhất. Thống nhất trong lịch sử từ thuở chia đôi trăm con, từ thuở mở rộng cõi bờ đến hoàn thành xứ sở; thống nhất từ điệu hò, điệu lý đến truyền thuyết, cổ tích, ca dao...

Nghe Trường Ca "Con Đường Cái Quan", tôi như thấy hình ảnh đất nước, con người Việt Nam qua bao thăng trầm của lịch sử. Nào là hình ảnh Ải Nam Quan, Chi Lăng ngăn dòng giặc Hán; nào là Đồng Đăng, Kỳ Lừa, sông Thương, Thăng Long, Tháp Rùa in hình đất Bắc. Nào là Truông Nhà Hồ, Phá Tam Giang không ngăn được bước chân đi; nào là Sông Hương, Núi Ngự, Tháp Chàm, Cù Mông man mác tình quê. Nào là Đồng Nai, Châu Đốc, Tiền Giang, Hậu Giang, Gò Công, Cần Thơ, Hà Tiên, Cà Mau đất mới đãi người. Tôi cũng thấy bao người: từ nàng Tô Thị đến Huyền Trân, từ cô cắt cỏ đến cô lái đò, từ dân thượng du đến cô gái Huế, từ em bé, bà mẹ đến dân chúng, ... Biết bao con người Việt Nam hiện lên. Qua âm nhạc với những giai điệu và lời ca trong Trường Ca này, Phạm Duy đã làm được một điều là khơi dậy lòng yêu đất nước con người Việt Nam cho tôi, và tôi nghĩ, cho cả nhiều người nữa.

Theo tôi, Cái Tôi của Phạm Duy trong Trường Ca "Con Đường Cái Quan" chất chứa tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Đó cũng là điều đáng trân trọng nơi ông.

Tháng 03/2020
Phan Trang Hy