Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Rằng xưa có gã từ quan

Bất tiếu Nguyễn quốc Bảo

Sáng hôm nay ngày Chúa Nhật. Chứ không phải Chủ Nhật sao? Nhưng có thể là Tinh Kỳ Nhật 星期日 theo Hán việt giản thể. Ngày đợi Cứu tinh. Nghe mỹ miều lại có vẻ hân hoan vì chờ đợi.

Không biết hôm nay có thể là Chủ Nhật buồn (theo nhạc sĩ phản chiến Tịnh Công Sơn) không? Có thể không, vì trời dở dở ương ương.  Nắng chưa lên hoàn toàn tuy đã chín mười giờ. Mây không biết mây chi, cũng ương ương giữa xanh và xám. Nhưng chắc lúc ngọ nắng đem 80F đến, thật là nóng cho miệt biển. Những nơi núi non sa mạc ở Cali thì nhiệt độ lên 100F-120F hay nhiều hơn, dễ như chơi. Bên Tây Âu bây giờ ai cũng tự xưng là Sinh thái học, ra ứng cử là có phiếu ngay, những lúc trời "nổi nóng" như hôm nay, thì tha hồ mà la mà hét. Ba Lê và các tỉnh khác nước Pháp nhiệt độ đang nổi nóng, dân chúng phần thì Cô vít phải bịt mặt, phần thì công sở nhà cửa bé không có máy điều hoà không khí, nên các ông các bà Sinh thái học tha hồ mà vận động quần chúng.
 

Cho nên lòng người không thể phơn phớn được ngay buổi sáng hôm nay. Ông phải gió họ Trịnh có Chiều Chủ Nhật buồn lấy cớ làm nhạc phản chiến, Hán việt nhiêu khê viết, bi thương tinh kì thiên 悲伤星期天, có chữ thiên, tức trời Chủ Nhật buồn, chứ Chủ Nhật không buồn.

Tôi lại đang u ám nghĩ đến một ông bạn nối khố cách đây ít lâu có imeo cho ông anh tôi.

"Sau khi Bảo đi Tây (1964), không biết tại sao tôi gặp Anh Chị H. và anh chị H. rủ và cho tôi đi ăn "cua rang muối", đi vào nhà hàng thứ 1 anh H. chê dở, ăn không được nên anh H. bỏ để đi qua nhà hàng thứ 2, qua nhà hàng thứ 2 anh H. bảo ăn cũng được nhưng không được lắm. Khi đứng dậy định đi về thì anh Hoàng quyết định đi nhà hàng thứ 3. Đi nhà hàng thứ 3 thì anh Hoàng mới tuyên bố thực sự "đã quá"! 

Xin nhắc lại anh H. cho vui và để chứng minh phần nào là cái ăn cũng là một trong những cái khoái lạc trên Thiên Đàng Trần Gian này. "

Đấy đấy, ông bạn của tôi tuy có bệnh kếch xù, mà lạc quan, vẫn xem đời là "cái mõm chó". Ông ta khi quen nhau từ thuở Thiên hữu học đường, đã có chí khí của kẻ Hưởng lạc chủ nghĩa, Épicurien, đồ đệ trung thành của cụ Épicure.

Vậy thì tuổi già cũng đừng heo hắt, cứ theo chủ nghĩa hưởng lạc mà thấy đời vẫn đẹp như hoa soan của thuở nào. Cứ thế trời Chủ Nhật không buồn. Cái hưởng lạc nơi Lượng là trong chí khí của y. Đương thời mua vui, lúc tra nghĩ chuyện xưa mà còn vui lây. Thật là một hảo hán có khí phách vậy. Tôi thương y, nên có lúc xa cách, buồn mà rướm mắt. Tình bằng hữu mà.

Chuyện vui buồn sáng chủ nhật đến đây chấm dứt thì không đặng. Đâu có thể ngắn dài suông như thế được. Nên nghĩ đến những chuyện vui mà tờ mờ sáng đã được hưởng. Hưởng lạc như ông bạn của tôi.

Số là tôi sáng tinh mơ hôm nay, bỗng dưng đọc bài "Phạm thiên Thư, có ngần ấy thôi". Bài phê bình của Nguyễn Đức Tùng trên Nét Sông Hương.

Thú thật lâu lâu tôi cũng hay đọc những bài viết tham khảo về thi ca viết về Phạm thiên Thư. Tôi chưa đọc toàn bộ thi phẩm của ông. Tôi phục và nể ông cũng vì các bài thơ của ông đều là những lời ca. Thơ có âm thanh. Lúc Phạm Duy phổ nhạc cũng chỉ là tiếp nối của những bài thơ.

Tôi nghĩ người ta biết nhiều về Phạm thiên Thư qua những bài hát Phạm Duy.

Bài của Nguyễn đình Tùng hiện đại, đăng hôm 03/07/2020. Lý luận Phê bình của ông cũng có dấu hiệu hiện đại. Nguyễn đình Tùng cũng như Người nhà Trời Đặng Tiến, phê bình gia thi văn mà cũng là cố tri, thương tiếc câu thơ "Rằng xưa có gã từ quan". Câu thơ, mà cũng là câu hát quen thuộc nơi quần chúng trong bài phổ nhạc Phạm Duy.

Ông Tùng có kể " Tác phẩm thành công là do trời cho, không phải cố là được" để nói về Phạm thiên Thư và Bùi Giáng. Cho nên đã lâu tôi vẫn ca ông Đặng Tiến là người nhà trời. Ganh tị thì cũng không bằng được ông ta. Thế mà có lúc sảng khoái y lại nói: cho tớ đổi một đời của tớ lấy một ngày của ông. Phải chi tôi ừ một cái, thì ôi thôi chúng ta không có người nhà trời hôm nay.

Đến đây xin nhắc đến một cố tri nối khố khác. Ông ta không đánh giá cao thơ của Phạm thiên Thư. Ổng imeo tôi:

"… Tớ thấy nếu không nhờ nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc vào thơ Phạm thiên Thư với 2 bài: "Ngày xưa Hoàng Thị" và "Đưa em tìm động hoa vàng" thì chắc cũng không có nhiều người biết đến thơ của Phạm Thiên Thư.

Đọc nguyên bản 2 bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc, với đôi tai không "thẩm âm" của tớ, tớ chẳng nghe được chi là du dương là êm ái, nói tóm lại là êm tai nhờ vào âm bằng, âm trắc sắp xếp theo một quy luật hợp lý của từng thể thơ như Lục bát, Song thất lục bát vv...

Tớ đọc đi đọc lại nguyên bản bài "Em tan trường về", nghe trúc trắc, không "thơ" chi mô hết, ngoài một vài từ ngữ "siêu" đối với độc giả "bình dân học vụ". Nếu không biết tác giả là Phạm Thiên Thư thì chắc không mấy ai đánh giá cao loại thơ này. 

Thơ tự do không cần luật lệ, nhưng cũng có nhiều bài đọc lên êm tai như có nhạc trong đó, chẳng hạn thơ Nguyên Sa, dù không phải bài thơ nào của Nguyên Sa cũng hay, cũng êm tai.

Theo tớ, Thơ thì phải là "thơ", nghĩa là êm ái, nhẹ nhàng, du dương, chứ trúc trắc, dùi đục chắm mắm nêm thì không phải là thơ. Loạn bàn cho vui chút thôi,  trong mùa Đại dịch Corona Virus."

Ông bạn này rất sính thơ. Ông ta thường xuất khẩu làm thơ hay. Tôi nghĩ lão này nói đúng trên phương diện "thổ âm". Tôi có viết, thơ ông Thiên Thư rất Bắc kỳ, rất Hải phòng. Đọc thơ ông thấy cộng hưởng, phù hợp, hoà âm cho những lỗ tai "Bắc kỳ Hải phòng". Cái nhẹ nhàng êm ái du dương ở một thi phẩm có lúc chủ quan. Nói ngay, thơ họ Phạm chỉ là một gặp gỡ tình cờ thích thú ở cái cá tính thi sĩ đi tu tạm bợ đem ít nhiều Phật lý vào thơ, và ở caí thổ âm nơi sinh quán của ông ta. Tôi nghĩ Phạm Duy cũng gặp Phạm thiên Thư ở hai điểm này để mà tri âm tri kỷ.

Nói thêm thơ ông Thư không siêu, có thể chỉ là tầm thường, hào hoa một thời thì có, hợp thời lúc đó thì có. Cái phù du do đó cũng có. Đọc thơ họ Phạm thấy vui mà không thấy thấm thía. Cho nên phục ông chỉ là chốc lát. Miệng thế gian khó đo được, nói năng khi mẫn cán khi thô tục hoặc hay, lại có khi siêu. Thơ cũng thế mà thôi. Và không thể ví thơ Phạm thiên Thư với Bùi Giáng được. Đặng Tiến viết đúng … "Thời đại cho phép một ngôn ngữ mới, ngông nghênh, phóng túng hơn. Nhưng đại thể vẫn vậy."

Nguyễn Đức Tùng đưa ra nhận xét cấu trúc hư từ trong thơ Phạm thiên Thư. Tỷ như:

Em tan trường về ... Thôi thì thôi nhé ... Có ngần ấy thôi ...

Và kể Kiều: Ái ân ta có ngần này mà thôi...

Tôi không hiểu rõ ẩn ý của Nguyễn đình Tùng khi nói những câu thơ trên là cấu trúc "hư từ, chẳng có nghĩa gì nhiều lắm."

Tôi không thấy hư từ. Chỉ là những điệp vận, láy … viết thơ cũng như ca dao, reo lên những nốt nhạc.

Bởi vì: Leo lên cành bưởi rưng rưng. Đó là hứng thơ, cũng có thể trong tiềm thức có câu ca dao Trèo lên cành bưởi ... không hái hoa mà rưng rưng, nó anh ách nằm ở đó. 

Nhóm "rưng rưng" là điệp vận, nhưng không phải hư từ. Hình ảnh và thanh âm không đủ, vì cụm từ tượng nghĩa, tượng hình và tượng âm. Tất nhiên "rưng rưng" đứng yên hay trong các văn từ khác có thể là hay, nhưng tài Trời cho thi gia Thư viết, trèo lên cành bưởi để mà ... rưng rưng. Hiểu ngắn ngọn ở đây, rưng rưng là rướm nước mắt, khi buồn xốn xang. 

Chuyện ngang trái hoặc oan uổng là tại sao phải leo lên cành bưởi để mà rưng rưng? Những người ngoại quốc không thông hiểu nhiều Ca dao VN sẻ nói, leo lên cành bưởi chỉ là giới thiệu để cất cánh ca ... rưng rưng. Thơ Phạm thiên Thư có các bài khác cũng rưng rưng.

Ông Tùng gọi cấu trúc điệp vận này là "tu từ". Tôi không rõ nghĩa hai chữ này.

Nhiều điệp vận hay cụm điệp vận, tự nó đã là Thơ, tuỳ người hiểu và hàm thụ được ẩn ý.

Nguyễn đình Tùng nói Phạm thiên Thư là người đầu tiên đưa những từ Phật giáo vào thơ. Tôi không chắc như thế. Những cụm vô lượng, vô thường, giả tưởng, vv ... có thể đã hiện diện trong thi ca trước ông Thư. Tôi nghĩ thơ siêu thoát đã có từ đời Nguyễn Trãi.

Bài phê bình của Nguyễn đình Tùng khá dài, có viết về Đạo ca, đưa ra những suy nghĩ, nhiều khi không thuyết phục, đối với tôi. Ông có viết về các tuyển tập mới của Phạm thiên Thư sau 75, Trại hoa đỉnh đồi (1975), Những lời thược dược (2007) và Hát ru Việt sử thi (2009).

Đặc biệt tập Việt sử thi dựa trên những biến cố lịch sử của sách Việt Nam Sử Lược của cụ Trần trong Kim, chứ không theo những sách giáo khoa của Xã hội chủ nghĩa, theo đó Lê Duẫn nói không có Điện biên phủ và Võ nguyên Giáp trong lịch sử VN cận đại.

Trong Những lời thược dược:

Ai biết đất nói chi
Trong những lời thược dược
Đóa hoa như giọt nước
Lóng lánh hồn thiên thâu

ông cũng kín đáo "cách mạng" trong bài Ngày mai. Nhưng thơ cách mạng tuyên truyền thì ít khi hay.

Em đem bình minh
Về từng mắt trẻ
Anh tưởng tượng thôi
Đã rưng nghẹn lệ
Yêu em vô kể
Cô giáo ngày mai
Con đường tương lai

Phạm gia có thể không phải nằm vùng, sau tú tài 1, ông đi học Vạn Hạnh và đi tu để trốn quân dịch. Khoảng 1973-1974 ông cởi áo hoàn tục. Sau 1975, Xã Hội Chủ Nghĩa không biết đến ông, không đánh không hận ông. Sau 75 ông đi làm việc tàm nham kiếm sống, kể cả nghề mở tiệm Cà phê Hoa Vàng.

Mở ngoặc, kể thêm chuyện Cô Ngọ trong bài thơ Ngày xưa Hoàng thị, mới nghe tưởng như chuyện xửa xưa vú em ca ru ngủ. Không đâu, cô Ngọ thật là Hoàng thị Ngọ.

Du tử Lê viết:

Như bài "Ngày Xưa Hoàng Thị" với linh hồn là nhân vật Hoàng Thị Ngọ, theo xác nhận của tác giả thì cũng chỉ là một nhân vật xuất hiện thoáng qua trong những ngày còn cắp sách đến trường, được nhà thơ nhớ lại…

Ông đi học tại trường Trung Học Văn Lang, cách nơi ở chừng non một cây số. Và, đó là nơi ông để ý tới một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, quê gốc Hải Dương, ở gần nhà ông. Nhưng chỉ để ý thôi, không dám ngỏ lời. Hằng ngày, khi xếp hàng vào lớp, Hoàng Thị Ngọ đứng đầu hàng nữ, nổi bật với, mái tóc dài xõa vai mảnh dẻ, Phạm Thiên Thư ngồi cuối hàng nam, chỉ im lặng ngắm nhìn. Rồi khi tan trường, ông lẽo đẽo theo sau…

Rõ hơn, họ Phạm tâm sự: "Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết".

Phải chăng chính vì tính mơ hồ của linh hồn bài thơ, đã khiến nhiều người đề quyết đó là người này. Hoặc là người kia, như một thứ huyền thoại

Phạm Thiên Thư và  Du Tử Lê cùng được trao giải thưởng văn chương toàn quốc VNCH năm 1973, về bộ môn thơ (chính xác là Du Tử Lê về thơ, Phạm Thiên Thư về trường thi). Hình như, đây là giải thưởng toàn quốc cuối cùng. Như điềm báo hiệu:

Cuối xuân ta lại tìm qua
Tiểu thư chi mộ thềm hoa dại tàn
Sớm thu ta đánh đò sang
Bên đường cỏ mộ lại vàng cúc hoa 

Đóng ngoặc. Nhà thơ Thư cũng là nhà tu cắc cớ, ở chùa mà vẫn viết, để mở đầu của tập Động hoa vàng:

Mười con nhạn trắng về tha
Như lai thường tụ trên tà áo xuân
Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm

Hay:

Tiếng em hát giữa giáo đường
Chúa về trong những thánh chương bàng hoàng

Thi ngữ của Phạm thiên Thư rất bắc kỳ, có khi rất Hải phòng, sinh quán của ông. Thơ ông không ngọng và không lai, không gò bó, đọc suôi như nước chảy.

Nền phía sau thơ Phạm thiên Thư phần nhiều là Hoa, nhất là Hoa vàng. Với ông Đặng Tiến, ông chỉ phê bình tập thơ Thiên Thư qua tập Động hoa Vàng mà thôi. Về Động Hoa Vàng của Phạm thiên Thư, bài viết năm 2011-2014 vào dịp Giáng sinh, có đăng trên Nét Sông Hương.

Đọc phê bình của Đặng Tiến là hồ hởi. Y viết nghĩa rõ ràng, chấm câu chính xác.

Đặng Tiến: "Nhà thơ Phạm Thiên Thư là một tác giả dồi dào, đã in ra hằng vài ba trăm ngàn câu thơ, có lẽ kỷ lục về số lượng trong nền văn chương tiếng Việt, vượt xa Bùi Giáng.
Nhưng câu thơ được biết nhất, trước sau vẫn là :
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

… Bình thường không ai gọi ông quan bằng " gã ". Và " gã " đây là ai? Suốt tập thơ Động hoa vàng, bốn trăm câu, ta không biết. Muốn biết, ta phải đọc Đoạn trường vô thanh, phổ biến năm sau, nhưng có lẽ sáng tác cùng lúc. Câu 621:

Học đòi theo gã Từ quan
Bên chùa cởi áo chuộc nàng dưới hoa
Mái chèo lãng đãng yên ba
Thần Phù xõa tóc la đà rong chơi

Rõ là chuyện Từ Thức trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, học trò giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thời Mạc"

Thấy chưa Đặng Tiến viết chính xác. Không tai vách mạch rừng. Y viết như thoi như đấm vào tim vào gan vào cật. Không phải phê bình khơi khơi. Đọc thơ ông Thư mà không biết gã từ quan là ai!

Đặng Tiến:

"Trong tùy bút Ngã pháp mây nổi, 1969, Phạm Thiên Thư đã ca ngợi : " Giấc ngủ say, giấc ngủ mệt thiếp, giấc ngủ chết lịm, giấc ngủ của đạo gia. Giấc ngủ của kẻ đau nhừ thất bại và hoan hỷ trong sự thành công mỹ mãn nhất (…) ; một giấc ngủ không tham vọng, không chấp chặt vì tất cả đều thất bại (…). Một giấc ngủ không tịch, gối đầu, duỗi chân trên hai đỉnh tuyệt vô cùng ".
Dĩ nhiên, giá trị của giấc ngủ chỉ hiển hiện sau khi chúng ta đã tỉnh dậy và nhận thức, như trong thơ vua Trần Nhân Tông, vị tổ sư của phái Thiền Việt Nam :

Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi

Dịch :
Thức giấc mở song mây
Xuân về, lòng chưa hay
Song song đôi bướm trắng
Phất phới cạnh hoa bay

Tôi không hiểu tâm phách của Đặng Tiến khi dài dòng về chuyện ngủ của Phạm thiên Thư, không giây mơ rễ má gì đến Động hoa vàng, nếu không phải để miên man con cà con kê đến bài thơ Xuân hiểu của Trần Nhân Tông, thơ bằng Hán tự, mà nhà họ Đặng có chuyển âm Việt ngữ. Xin đồng hành với y đôi chút.

春曉                      Xuân hiểu 

睡起啟窗扉,    Thụy khởi khải song phi,
不知春已歸。    Bất tri xuân dĩ quy
一雙白蝴蝶,    Nhất song bạch hồ điệp
拍拍趁花飛。    Phách phách sấn hoa phi.

Sáng sớm mùa xuân. Ngủ dậy mở hai cánh cửa sổ, đâu biết mùa xuân đã về. Một đôi bướm trắng, vỗ vỗ đuổi theo hoa bay. Viết theo kiểu cắt ngang:

Ngủ dậy mở hai cánh cửa sổ,
đâu biết mùa xuân đã về.
Một đôi bướm trắng,
vỗ vỗ đuổi theo hoa bay

Trong thơ Vua dùng hai chữ phách phách, tượng nghĩa tượng âm. Nguyễn Trãi:Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên  春雨添來水拍天 (Trại đầu xuân độ), nghĩa: Lại thêm mưa xuân, nước vỗ vào nền trời.

Tiếc là khi chuyển ngữ, Đặng Tiến không diễn được hai chữ phách phách. Tôi có có đọc những bản chuyển ngữ khác, cũng chỉ vậy thôi.

Và ông thêm hai chữ song song ở câu 3 là ngoại ý của nguyên bản. Song đây nói đôi chim, lượng từ song có nghĩa đôi hay cặp. Diễn Việt ngữ song song đôi bướm là không chuẩn. Ngoài ra ta ít thấy đôi bướm bay song song. Thêm nữa ông viết song song đôi bướm cạnh hoa bay thật không đúng hẳn. Sấn 趁 trong nguyên bản là động từ, nghĩa đi, đi theo, đuổi theo hay tìm kiếm. Thôi nói Đặng Tiến phỏng dịch vậy.

Vua cũng dẫn Hàn Dực: Xuân thành vô xứ bất phi hoa 春城無處不飛花, thành xuân không nơi nào là không có hoa bay.

Ngày xưa trên giậu vàng hoa
Chiều chiều kê chõng nằm ra ngó trời

(…)

Gây giàn thiên lý vàng hoa
Lên non cắt cỏ lợp nhà tụ mây
Xuống đầm tát cá xâu cây
Bới khoai vùi lửa nằm dài nghe chim.
Khách xa nhớ đến nhau tìm
Lên đồi trẩy một giỏ sim làm quà
Hứng nước suối thết bình trà
Hái bầu nấu bát canh hoa cười khàn
(khúc 89-97-98)

Đặng Tiến: Đây chỉ là cảnh tưởng tượng mà thôi. Thực tế chưa bao giờ thi vị, nhất là lý tưởng như thế. Người xưa có thể kê chõng, gây giàn thiên lý, cắt cỏ, tát cá, bới khoai vùi lửa… nhưng khó bề nằm dài nghe chim…

Ở đây xin bất đồng ý với Người nhà Trời. Tại sao Đặng Tiến lại muốn Thơ về với thực tế? Viết thơ là mơ là mộng. Viết thơ lãng mạn không phải là sự giải phóng khỏi những ràng buộc của câu thơ mà thôi, mà còn là mong muốn khám phá những khả năng của nó để làm giàu sức biểu cảm của thơ Phạm thiên Thư không viết thơ cho người xưa đọc.

Cú pháp của ông thông qua việc sử dụng các phép cắt ngang những câu thơ lục bát, để khi đọc thơ ông cứ như là ca một bài hát.

Đặng Tiến có lúc viết: Thì không ai biết cô nàng mặc áo màu gì. Thậm chí nàng có thực hay không, hoặc nàng chỉ là ảo ảnh của thiên nhiên, thường xuyên thay áo.

… Người đọc, nhất là người nghe nhạc, chú ý đến những câu thơ tình. Ái tình ở đây chỉ làm đề tài cho thơ hồi tưởng. Những cô áo hồng, áo xanh phơ phất, cho dù có mang một ít sắc màu ký ức, cũng chỉ là đề tài thi ca, kết hợp nhuần nhuyễn với toàn bộ tập thơ. Tình yêu ở đây là mơ mộng, trắc trở, xa cách, nhớ nhung.

Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa

… …
Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất áo hồng em mang

Đấy đấy, Thơ là rứa đó sao Đặng Tiến lại hà tiện không cho Phạm thiên Thư nằm dài nghe chim?

Về những điệp vận, Đặng Tiến không sáng sủa:

"Phạm Thiên Thư vẫn có thể làm được câu thơ hay:

Thôi thì em chẳng yêu tôi,
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng

Có lúc chữ nghĩa gây nên tình cảm thê thiết :

Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi

Ý thơ dàn trải, không có gì cao siêu. Nhưng lời thơ da diết chỉ vì những thì thôi, thế thôi, luyến láy, dằn vặt."

Thứ nhất thơ PT Thư không có kinh điển, "cổ điển", Người Việt ta Ca dao cũng là ngôn ngữ dân gian mà thành, nên nghĩ hay kể và làm thơ kiểu ca dao cũng là thông thường không phải là điển cố.

Thứ hai thơ không bắt buộc phải cao siêu mới hay, thứ ba những điệp vận da diết thì những người đi trước đã xử dụng, Truyện Kiều, Cung oán Ngâm khúc là những thí dụ. Đó là đặc điểm của ngôn ngữ Viêt. Cái hay ở đây, tiếng Việt dùng chữ viết la tinh, vẫn dễ dàng với những điệp vận, nháy (luyến láy) hay trùng vận.

Đây lại nói Đặng Tiến viết: Có lúc chữ nghĩa gây nên tình cảm "thê thiết".

Ta thường nghe tha thiết, không hiểu ông muốn viết thê thiết hay nhầm chính tả tha thiết chăng. Tự Nôm thê thiết ít gặp, nhưng cũng có nghĩa của nó.

Một đằng, tha thiết hay thiết tha 切磋 là tỉ dụ đau thương cùng cực. Vương Dật: tâm nội thiết tha 心內切磋, trong lòng đau thương biết bao.

Thiết là cắt, bổ hoặc thái, ta có cụm như thiết như tha, như khắc như mài, ý nói học vấn cũng phải nghiến ngấu kỹ, như thợ làm sừng khắc lại mài cho bóng. Tự kép thiết tha là hai tự nổi, có thể theo ẩn ý hay dụng ý của người viết.

Bên kia, thê thiết có nhữ thê 淒, lạnh lẽo như thê lương 淒涼, thê nhiên thê thảm. Trần Nhân Tông: Cổ tự thê lương thu ái ngoại, chùa cổ lạnh lẽo trong khí mây mùa thu. Tự kép thê thiết mạnh hơn tha thiết một ít (!) có nghĩa đau đớn lạnh lẽo.

Thế nhưng qua Việt ngữ, không nhất thiết, thiết tha hay thê thiết là đau thương cùng cực hay đau đớn lạnh lẽo. Chàng có khi nói với nàng, anh thiết tha yêu em. Như thế không hẳn là anh đau đớn yêu em. Thiết tha đây là 2 tự hình, kèm theo tự âm, để tải một ý nghĩ … thiết tha! Thật đúng là ăn tục nói phét.

Giáo sư Đặng Tiến phê: "Khi tình yêu chỉ là điển cố văn chương, như mượn ý ca dao, Phạm Thiên Thư vẫn có thể làm được câu thơ hay"

Này nhé, sao tôi cảm phục Người nhà Trời:

… "Thời đại cho phép một ngôn ngữ mới, ngông nghênh, phóng túng hơn. Nhưng đại thể vẫn vậy.
Đánh giá một tác phẩm, cần đặt nó vào thời điểm xuất phát. Khoảng 1970, chiến tranh lan tràn khốc liệt, xã hội đảo điên.Thịnh hành là lối thơ thân phận, nói lên tâm trạng, hoàn cảnh tang tóc, bi thương. Không ai làm thơ chơi chơi, khơi khơi, như Phạm Thiên Thư :

Có con cá mại cờ xanh
Bơi lên nguồn cội tắm nhành suối xuân
Nửa giòng cá gặp phù vân
Hỏi sao mây bỏ non thần xuống chơi.

Dĩ nhiên người ta có thể thích hay không thích, chấp nhận hay không chấp nhận một lối sáng tác "vô lập trường" như thế.Ngày nay ta thường dùng từ phản ánh theo nghĩa thông thường : quy chiếu lại hình ảnh của thực tại, theo phép hiện thực hay cách điệu. Nhưng ta có thể dùng ngược lại : phản ánh là quy chiếu những cảm nghĩ trái chiều với thực tế, như bề mặt, bề trái, của một đồng tiền. Như giấc mơ thanh bình đối lập với thực tại bom đạn.

Một đêm nằm ngủ trong mây
Nhớ đâu tiền kiếp có cây hương trời
Cây bưởi trắng ngát hương đời
Nụ là tay Phật chỉ người qua sông.

Và Đặng Tiến khe khắt tuyên án.

"Tác giả Phạm Thiên Thư còn sáng tác nhiều thi phẩm khác, nhưng không thành công bằng tập Động hoa vàng. Có lẽ tác giả đã vơi nguồn thi hứng đích thực, bớt khả năng cô đúc tình cảm, tập trung tư duy sáng tạo, cho nên những thi phẩm về sau – rất dồi dào – phải nép vào ngôn ngữ tài hoa. Mà tài hoa thì không đảm bảo được một hành trình sáng tạo lâu dài. Nhưng chỉ một thi tập Động hoa vàng cũng đánh dấu một thời đại trong thi ca, đồng thời thăng hoa khả năng thẩm mỹ và diễn đạt diệu vợi của thể thơ lục bát cổ truyền."

Phê bình như thế là tuyệt. Ngữ phạm của Đặng Tiến viết văn xuôi cũng như làm thơ hay vẽ một bức tranh. Ông khẳng định Mà tài hoa thì không đảm bảo được một hành trình sáng tạo lâu dài. Mozart đã có hành trình sáng tạo nhanh và đẹp trong thời gian tương đối dài vì ông khởi đầu từ lúc năm sáu tuổi, công trình của ông đều là những thiên tác, rồi chết yểu. Nhe Đặng Tiến, lại nêu ra nghi vấn, liệu Mozart sống lâu hơn có thể viết những tác phẩm hay hơn? Nếu tài hoa là phù du, thì nó không hưởng được cái trường tồn. Ngoài Mozart cùng các thiên tài thật.

Bất Tiếu Nguyễn Quốc Bảo
Ngày tân mão tháng quý mùi năm canh tý
16 tháng 8 năm 2020


Chú thích

1) "Phạm thiên Thư, có ngần ấy thôi". Bài phê bình của Nguyễn Đức Tùng trên Nét Sông Hương.
http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n29140/
Pham-Thien-Thu-co-ngan-ay-thoi.html.
2) Du tử Lê Phạm Thiên Thư và Hoàng Thị Ngọ, nguyên ủy nhiều ồn ào!
https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/
pham-thien-thu-va-hoang-thi-ngo-nguyen-uy-nhieu-ao/
3) Đặng Tiến Về Động Hoa Vàng của Phạm thiên Thư
http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c300/n14236/
Ngay-xuan-tim-Dong-hoa-vang.html

Phụ chú: Nguyên bản bài Ngày xưa Hoàng thị.

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng

Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài

Anh đi theo hoài
Gót giầy thầm lặng
Đường chiều úa nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng

Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh tìm theo Ngọ
Dáng lau lách buồn

Tay nụ hoa thuôn
Vương bờ tóc suối
Tìm lời mở nói
Lòng sao ngập ngừng

Lòng sao rưng rưng
Như trời mây ngợp
Hôm sau vào lớp
Nhìn em ngại ngần

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở

Thương ơi vạn thuở
Biết nói chi nguôi
Em mỉm môi cười
Anh mang nỗi nhớ

Hè sang phượng nở
Rồi chẳng gặp nhau
Ôi mối tình đầu
Như đi trên cát

Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng nhoà mau
Tưởng đã phai màu
Đường chiều hoa cỏ

Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng ráng đỏ

Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu?
Chân tìm theo nhau
Còn là vang vọng

Đời như biển động
Xoá dấu ngày qua
Tay ngắt chùm hoa
Mà thương mà nhớ

Phố ơi muôn thuở
Giữ vết chân tình
Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ

Dáng em nho nhỏ
Trong cõi xa vời

Tình ơi tình ơi!

Phạm thiên Thư