Còn
nhớ lần nghe ông bạn kể chuyện đi chơi... Nào ăn uống,
nào thăm viếng...
-
Về thăm Hà Nội lần này bị một cú... hoảng hồn.
-
Chuyện gì vậy?
-
Buổi sáng, đi dạo phố Hàng Đào, đang mải ngắm mấy cô
bé cười đùa chẳng may vấp phải quang gánh của một bà
bán hàng rong. Suýt ngã. Mình chưa kịp mở miệng trách bà
ta ngồi chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ thì bà ta đã
oang oang:
-
Đi đâu mà ghếch mắt lên như thằng mù vậy. Chỗ rộng như
thế kia mà không thèm bước qua, lại đâm vào chỗ kiếm ăn
của người ta cho bằng được. Sáng ra ngõ gặp con vô duyên,
bây giờ lại đụng phải thằng hãm tài. Buôn với bán như
thế này thì làm sao mà khá được. Ngữ này thì chỉ còn
nước...
Vừa
nói bà ta vừa móc ra một mảnh giấy, quẹt diêm đốt. Vừa
đốt vừa lầm bầm. Chẳng biết có phải đang chửi mình
không? Rồi bà ta quăng mảnh giấy đang cháy về phía mình
đứng. May mà nhanh chân tránh kịp, cứu được cái quần.
Hú
hồn!
Bị
mụ bán hàng phóng hoả, tôi bực mình tung bửu bối ra đỡ:
-
Bà chờ tôi mời công an đến giải quyết.
Thế
là cái loa phóng thanh lập tức bị tắt tiếng. Mụ ta thu xếp
quang gánh, chuồn cho mau.
-
Ông có biết cái trò đốt giấy này là cái gì không
?
-
Bà ấy đốt vía ông đấy.
***
Nhân
chuyện ông bạn sợ hú hồn, bị đốt vía, mời
các bạn cùng ngồi bàn chơi về hồn và
vía của
tín ngưỡng dân gian.
Hồn,
vía
được
Từ
điển truyện Kiều của Đào Duy Anh định nghĩa ngắn gọn:
Theo
quan niệm của Đạo giáo thì phách hay vía là phần tinh
thần của người phải phụ vào xác mới tồn tại, khi người
chết thì tan đi, còn
hồn là phần tinh thần không có
xác vẫn tồn tại được. Theo quan niệm thông thường thì
có người vía xấu, có người vía tốt.
Từ
điển tiếng Việt của Hoàng Phê dùng ngôn ngữ thời thượng
hơn:
Hồn
là thực thể tinh thần mà tôn giáo và triết học duy tâm
cho là độc lập với thể xác, khi nhập vào thể xác thì
tạo ra sự sống và tâm lí của con người.
Vía
là yếu tố vô hình phụ vào thể xác mà tồn tại, được
coi là tạo nên phần tinh thần của mỗi người, khi người
chết thì cũng mất đi (khác với hồn, độc lập với thể
xác), theo quan niệm duy tâm của người xưa.
Nói
tóm lại, mọi người bình đẳng trước Hồn, vía.
Từ anh Hồng mao đến chú Bạch quỷ, từ bác dân đen đến
ông con trời, ai cũng có thể xác và hồn, vía. Lúc chết thì
thể xác bị tiêu diệt, vía mất đi, nhưng hồn thì vẫn tồn
tại ở đâu đó.
Tuy
nhiên, văn chương bình dân và cả văn chương bác học dường
như không hoàn toàn đồng ý với định nghĩa của hai bộ
từ điển...
 -
Thương thay thập loại chúng sinh
 Phách
đơn hồn chiếc lênh đênh quê người
 -
Gặp cơn mưa nắng giữa trời,
 Hồn
đường phách sá lạc loài nơi nao?
 -
Mỗi người một nghiệp khác nhau,
 Hồn
xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?
 -
Cho hay thành bại là cơ
 Mà
cô hồn biết bao giờ cho tan. (Tế thập loại
chúng sinh)
Bài
Tế
thập loại chúng sinh của Nguyễn Du cho biết hai điều
là khi người ta chết thì vía (hay phách) vẫn còn và hồn
có thể bị tan đi.
Nguyễn
Hữu Chỉnh, Nguyễn Văn Thành, Phan Bội Châu cũng đồng ý
là chết rồi phách (hay vía) vẫn còn:
-
Than ôi!
Dòng
nước chảy về đâu, biết có về Đông hải vậy chăng?
Hồn
phách chị ở đâu, biết có về Đông hải vậy chăng?
(Nguyễn Hữu Chỉnh, Văn tế chị)
-
Hồn
phách đâu đều ngày tháng Thuấn, Nghiêu;
Hài
cốt đó cũng nước non Thang, Vũ. (Nguyễn Văn Thành,
Tế
trận vong tướng sĩ)
-
Dân sở tại hồn xiêu
phách rụng, giọt khả bi
chưa ráo cạnh sông dài.
Khách
qua đường mắt rát gan mềm, thây bất hạnh còn phơi bên
núi dốc. (Phan Bội Châu,
Văn tế đồng bào bị nạn bão
lụt ở Bình-Phú)
Giang
sơn, đất nước Việt Nam cũng có hồn như người Việt Nam:
 Hồn
xưa dòng dõi Lạc Long,
 Con
nhà Nam Việt người trong giống vàng.
 (...)
Hỏi xem hồn ở gần xa,
 Gọi
ra cho tỉnh, tỉnh ra thì về.
 (...)
Than ôi hồn nước ta ơi!
 Tỉnh
nghe ta gọi mấy lời đồng tâm. (Chiêu hồn nước)
Hồn,
vía của các bà, các cô dường như có ảnh hưởng nhiều
đến đời sống... kinh tế:
 Hương
hoa hôm sớm phụng thờ
 Cô
nào xấu vía có thưa mối hàng. (Kiều)
Nơi
tiếp đón khách làng chơi, cô nào có vía xấu thì bị ế
khách, khó kiếm ăn.
 Nàng
thì bằn bặt giấc tiên
 Mụ
thì cầm cập mắt nhìn
hồn bay (Kiều)
Kiều
bị ngất xỉu, Tú Bà sợ... hồn vía bay lên mây. Tú
Bà lo sợ mất toi cái mỏ vàng vừa đăng kí, chưa kịp khai
thác.
 Hương
trời đắm nguyệt say hoa
 Tây
Thi mất vía, Hằng Nga giật mình (Cung oán ngâm khúc)
Cung
nữ của vua đẹp như ca sĩ, diễn viên mới đi sửa sắc đẹp.
Tây Thi, Hằng Nga ăn nhằm gì!
Truyện
Hồn
phách Trương Ba, xương da hàng thịt cũng cho thấy
cả hồn lẫn phách (hay vía) vẫn còn sau khi chết.
-
Trương Ba là một tay chơi cờ giỏi nổi tiếng. Lúc chết
được Đế Thích giáng trần "vận chuyển pháp thuật thần
thông, thu hồn phách Trương Ba nhập vào xác người hàng
thịt, một lúc thì sống lại". (1)
Người
xưa tin rằng khi bị hoảng sợ, kinh động mạnh, thì hồn
vía có thể lìa khỏi thân xác. Sợ như vậy được gọi là
sợ hoảng hồn, sợ mất vía, sợ hồn vía lên mây, sợ hết
hồn hết vía, hay sợ... hú hồn! hú vía!
Từ
điển Hoàng Phê giải thích Hú vía là sợ hoảng
hồn trước một nguy hiểm bất ngờ (nhưng nay đã thoát khỏi).
Hú
vía còn có nghĩa là may hết sức (đã thoát khỏi nguy hiểm
bất ngờ).
Hú
hồn! Hú vía! cần được bàn thêm để tránh hiểu lầm.
Người
bị hoảng sợ đến độ mất hồn, mất vía có thể bị mê
man, bất tỉnh. Phải có người hú hồn, hú vía để gọi
hồn vía về nhập vào thân xác thì mới tỉnh lại.
Sợ
hú vía nghĩa là sợ
mất vía và đã được
hú
vía cho tỉnh lại.
Tục hú hồn, hú vía
-
Khi (cha hay mẹ) tắt hơi thì phải lấy một cái khăn hay một
tờ giấy để phủ trên mặt, khiêng xác đặt xuống đất
rồi lại khiêng lên giường, có ý để cho người chết hấp
thụ sinh khí của đất may ra có sống lại được. Đoạn
một người cầm cái áo của người chết, tay tả cầm cổ,
tay hữu cầm lưng, do đường trước trèo lên mái nhà để
gọi tên và hú hồn người chết ba lần, rồi do đường
sau nhà mà xuống, đó là lễ
phục hồn. (2)
-
Khi cha hay mẹ chết thì gia đình làm lễ chiêu hô, tức
là hô to để gọi hồn vía người chết. Người con trai cầm
cái áo của người chết, tay trái cầm cổ áo, tay phải cầm
vạt lưng áo, leo lên mái nhà do đường trước, gọi lên ba
lần Ba hồn bảy vía cha đâu về với con hoặc
Ba
hồn chín vía mẹ đâu về với con. Gọi xong, leo xuống
bằng lối đằng sau, bước vào treo chiếc áo trên cửa.
Sau
chiêu
hô, con cháu cử hành lễ chiêu hồn để hồn phách
người chết về hưởng sự cúng bái, tế lễ của con cháu.
(3)
-
Người con cầm cái áo của người mất mới thay, trèo lên
mái nhà hú vía ba tiếng, có ý còn mong cho người sống
lại, rồi lấy áo ấy phủ lên thây. (4)(5)
Theo
Dumoutier thì hú hồn xong, người con leo xuống đặt chiếc
áo lên thây, hoặc treo lên ỷ thờ. (6)
Sơn
Nam cho biết (trong Nam):
Một
tục lệ chẳng còn thấy nữa là ở miền quê, có người
lấy cái áo của người quá cố cầm trong tay, trèo lên nóc
nhà mà kêu hú ba hồn chín vía (đàn bà) hoặc ba hồn
bảy vía (đàn ông). Việc làm chiếu lệ để may ra, hồn vía
người quá cố tạm thời "rong chơi" đâu đó có thể trở
vào xác, làm sống lại cái tử thi đã lạnh. (7)
Tranh
Oger có tấm Hú hồn nhập quan, vẽ chung hai nghi thức
Hú
hồn và Nhập quan. Chữ Hú của tên tranh được viết
bằng chữ Hán (Hú nghĩa là ấm áp).
Hú hồn
nhập quan
Tục đốt vía
Đào
Duy Anh cho biết có vía xấu, vía tốt. Dân gian gọi là vía
dữ, vía lành.
-
Người ta tin rằng gặp người có vía dữ, cũng như
gặp vía các thần linh hoặc ma quỷ có thể là nguồn gốc
của bệnh tật.
Trẻ
sơ sinh khi có người dữ vía tới thăm thì khóc không thôi,
có khi phát sốt, phát nóng.
Trong
trường hợp này, người nhà phải đốt vía, dùng lá
nón mê, chổi cũ đốt, vừa đốt vừa đọc câu chú đuổi
vía dữ. Đốt vía xong, đứa trẻ sẽ hết khóc hoặc nếu
có sốt nóng cũng sẽ khỏi. (8)
-
Ta tin rằng sinh ra có thể xác thì có hồn vía, đàn ông ba
hồn bảy vía, đàn bà ba hồn chín vía. Khi quá sợ hãi bất
thần như bị ngã, bị kinh động... đứa trẻ có thể mất
vía, hoá ra ngớ ngẩn, và lúc ngủ hay giật mình. Phải làm
lễ chuộc vía. Tuỳ theo trai hay gái, bổ một quả trứng
gà luộc ra làm 7 hay 9 miếng với 7 hay 9 lõn cơm đem đến
nơi đã xảy ra kinh hoảng, hú vía đứa bé, rồi cho
nó ăn trứng với cơm ấy, nếu nó còn bé mọn quá thì nhai
mớm cho nó. (9)
-
Trẻ con ngã bị kinh động, lấy một quả trứng gà luộc
chín cắt làm bảy miếng (nếu là bé gái thì cắt làm chín
miếng), nắm bảy nắm cơm (chín nắm cơm nếu là bé gái),
gọi tên đứa bé để chiêu hồn, rồi đem trứng và
cơm cho ăn thì khỏi. (10)
-
Theo Dumoutier thì khi một đứa bé bị ngã, người ta cho rằng
nó bị bà mụ bỏ rơi, không bảo vệ. Phải làm lễ cúng
(mụ) bằng 7 quả trứng và 7 nắm cơm nếu là con trai hay
9 quả trứng và 9 nắm cơm nếu là con gái, đặt xuống đất,
chỗ đứa bé bị ngã. (11)
-
Con trẻ mà đau thì hoặc vì gặp người xấu vía quở (như
khen đẹp, khen béo), hoặc vì ngã mà mất vía , thì cha
mẹ phải lễ bà mụ hay là hú vía cho nó. (12)
-
Những người đi buôn bán làm ăn, ra ngõ gặp người vía dữ
sẽ gặp những sự khó khăn và kém may mắn. Người vía dữ
mua mở hàng cho một người bán hàng, người này sẽ ế hàng
và cũng phải đốt vía.
Muốn
đốt
vía người ta thường dùng chổi cũ hoặc nắm lá gồi,
đốt lên soi chung quanh gánh hàng đang bán, vừa soi vừa nói:
Đốt
vía đốt van, vía lành thì ở, vía dữ thì bước!
Người
ta soi đi soi lại hai ba lần, nhắc lại câu nói trên cũng chừng
ấy lượt rồi đem vứt cây chổi hoặc nắm lá ra xa. Nếu
không có chổi hay lá gồi, có thể dùng một nắm giấy rách
hoặc giẻ cũ
đốt vía cũng được. (13)
-
Người buôn bán tin rằng nếu gặp khách hàng đầu tiên có
vía xấu, mặc cả nhưng không mua gì cả, thì các khách hàng
tiếp theo sẽ bắt chước không mua.
Phải
đốt
vía bằng cách lấy cái nón lá, cắt bảy miếng nhỏ nếu
khách là đàn ông, hoặc chín miếng nếu là đàn bà, đem đốt.
Vừa đốt vừa khấn: Đốt vía, đốt van, đốt thằng rắn
gan, đốt con rắn ruột, lành vía thì ở, dữ vía thì đi.
Kẻ
cướp mê tín dị đoan có thể giết người đầu tiên chúng
gặp trên đường đi "hành nghề". (14)
Hú vía
cho con
Tục gọi hồn
Gọi
hồn, một biến thể của đạo Lão, khác
hú hồn.
Những
nhà có người mới chết, thương xót nhớ tưởng muốn tìm
cách gặp hồn người thân để hỏi han về cuộc sống ở
cõi âm, hay mời cô hồn về nhà gọi hồn.
Cô
hồn cũng hơi tương tự như đồng cốt, ở chỗ một âm
hồn nhập vào cốt một người trần và mượn miệng người
trần này, tức là cô hồn, để nói lên ý muốn của
âm hồn.
Gọi
hồn phải đặt quẻ bằng một cơi trầu và mấy đồng tiền.
Món tiền này chính là tiền thù lao cho cô hồn.
Cô
hồn thắp hương đặt lên cơi trầu, đoạn bưng cơi trầu
trong có đặt tiền quẻ, nâng ngang trán khấn khứa ông Chiêu
bà Dí để hai vị linh thần này xuống âm phủ tìm âm hồn
người chết về.
Một
lát sau, âm hồn về nhập vào cô hồn kể lể, khóc lóc, tả
oán tình li biệt. Lúc ấy mọi người xúm vào hỏi han hồn.
Hồn sẽ tuỳ theo câu hỏi mà trả lời (...).
Có
nhiều người muốn thử thách cô hồn, thay vì gọi hồn người
chết, người ta đã gọi hồn người sống, những người
vắng mặt và có khi cả những người có mặt (...). (15)
Khoảng
năm 1621, Cristoforo Borri được chứng kiến một cuộc
gọi
hồn
tại Quy Nhơn.
Nguyên
do là một hôm quan trấn thủ Quy Nhơn cưỡi voi đi săn, bị
cảm nắng. Buổi chiều ông bắt đầu lên cơn sốt. Hôm sau
ông bị mê sảng. Bệnh tình kéo dài được một tuần thì
ông chết.
Gia
đình ông mời ông sãi (onsaij) làm lễ gọi hồn.
Ông sãi niệm chú, làm phép, gọi hồn quan trấn thủ về nhập
vào người thân. Mọi người mong chờ được hồn nhập nhưng
rốt cuộc hồn "chọn" cô em gái vốn được quan trấn thủ
yêu mến nhất để nhập.
Khi
hồn nhập thì có nhiều dấu hiệu làm mọi người ngạc nhiên
như:
"Cô
em đã già yếu, đi đứng phải chống gậy, bỗng nhún nhảy
nhanh nhẹn như một cô gái trẻ, chiếc gậy cô tung lên trên
không cứ lơ lửng trong suốt thời gian cô được hồn nhập.
Cô nói năng bằng một giọng hăng say, tức tối, kèm theo nhiều
cử chỉ khiếm nhã, cô nói nhiều điều bậy bạ về chỗ
ở và "đời sống" của hồn ông anh. Những lời nói lung tung
được
chấm dứt khi hồn ông anh thoát khỏi xác cô.
Cô
ngã bịch xuống đất trong tình trạng dở sống dở chết.
Cô bị kiệt sức, không đi lại được trong suốt tám ngày".
(16)
Đoạn
văn kể cuộc gọi hồn của Borri trước đây đã được Durand
trích dẫn và mới đây được Nguyễn Thị Hiệp dịch sang
tiếng Việt.
Nguyễn
Thị Hiệp dịch onsaij là thầy cúng. Lúc em gái quan trấn
thủ được hồn nhập thì "Dưới sự kinh ngạc của những
người có mặt, cô này bỗng nhiên nhảy nhót với nhiều tư
thế khác nhau giống như một cô gái trẻ,
vứt gậy,
nhảy
lên không trung trong suốt thời gian bị hồn nhập...
". (17)
Ông
sãi là từ cổ, sau này được gọi là thầy phù thuỷ,
pháp sư.
Truyện
Phạm
Công Cúc Hoa có đoạn :
 Phạm
Công nước mắt dòng dòng
 Khấn
trời thấm thía nguyện cùng cho cha
 Một
mình làm sãi trừ ma
 Vừa
thầy địa lí, chủ gia một mình
Phạm
Công làm ma cho cha, tự đứng ra đảm nhận công việc của
ông
sãi, thầy địa lí.
Tục
gọi hồn ngày nay vẫn còn. Cô hồn bây giờ được gọi là
nhà
ngoại cảm. Công việc chính của nhà ngoại cảm là tìm
mộ liệt sĩ. Họ "gọi hồn" liệt sĩ, được hồn mách bảo,
hướng dẫn đi đến địa điểm ngôi mộ.
Các
nhà ngoại cảm Việt Nam đã tìm được cả ngàn ngôi mộ
liệt sĩ. (18)
Gọi hồn
***
Mỗi
người chỉ có một hay có nhiều hồn, vía?
Ngày
xưa, dân gian nói rằng: Đàn ông, con trai có ba hồn, bảy vía.
Đàn bà, con gái có ba hồn chín vía. Ngoài ra, có khá nhiều
phương thuật dùng số bảy, số chín như:
-
Đẻ con được ba, bốn ngày, sản phụ dùng bảy chiếc
lá mít (nếu là con trai) hay
chín lá (con gái), lấy nước
luộc chín, dùng nước này lau và xoa bóp vú, rồi lấy lược
chải vú theo chiều từ trên xuống dưới. Làm như vậy sẽ
có nhiều sữa.
-
Sinh ra được bảy ngày (con trai) hay chín ngày (con
gái) thì làm lễ đầy cữ. Lễ cúng có bảy hay
chín
miếng thịt vú lợn.
-
Ăn xong, bị nấc cụt thì uống bảy hay chín ngụm
nước v.v...
Nhưng
câu hỏi tại sao lại nói ba hồn, bảy hay chín
vía thì vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục.
Mấy
con số ba, bảy, chín đã đẩy nhiều học giả Pháp vào ngõ
bí, lùng bùng không lối thoát.
Linh
mục Léopold Cadière sau khi phân tích tỉ mỉ, giải thích dài
dòng các khái niệm về hồn, phách, vóc, vía, vệ, hơi, khí,
đã đi đến kết luận rằng Ba hồn bảy phách là dịch
câu tam hồn thất phách, người ta có
ba hồn,
bảy
phách (hay bảy vía).
Ba
hồn là sinh hồn, giác hồn, và linh hồn (hay thần hồn).
Nói như vậy nhưng Cadière lại thừa nhận rằng đây chỉ
là giải thích của triết học, còn dân gian thì hoàn toàn
không biết gì và rất hiếm người am hiểu giải thích được
nguồn gốc của ba hồn.
Còn
bảy
phách? Cadière dẫn lời Eitel giải thích rằng Ba là số
linh hồn có dương tính, bảy là số linh hồn có âm tính.
Tam
hồn thất phách
là Ba hồn có lí trí (raisonnable) và bảy
hồn của các sinh vật (animal). Theo linh mục Rey thì
Tam hồn
thất phách
là Ba nguyên lí thượng tầng và bảy nguyên
lí hạ tầng của hồn.
Cadière
không trả lời được câu hỏi tại sao có người có bảy
vía, có người có
chín vía. Ông chỉ dựa vào một
điều chắc chắn là tín ngưỡng dân gian Việt Nam nói rằng
đàn
ông có bảy vía, đàn bà có chín vía. Cadière đưa
ra nhiều bằng chứng như:
-
Tại Quảng Bình, khi gia đình có người chết, người ta nhờ
một người ngoài gia đình leo lên mái nhà hô tên
và hú hồn người chết.
Hú ba hồn bảy vía (nếu
là đàn ông), chín vía (nếu là đàn bà) (gọi tên
người chết), ở mô về nhập xác.
-
Hú hồn người chết đuối thì người nhà đi dọc bờ sông
chỗ xảy ra tai nạn, hú như trên.
-
Lễ tang, lúc quan tài hạ huyệt, nhà sư đi vòng quanh huyệt
bảy lần (đàn ông) hay chín lần (đàn bà).
-
Baron cho biết: Người Bắc kì có tục chôn người chết thường
kèm theo bảy bộ quần áo đẹp nhất cho đàn ông, chín bộ
cho đàn bà.
Linh
mục Souvignet cho rằng phách,
vía cũng có nghĩa
tương tự như khiếu. Khiếu nghĩa là lỗ hổng. Người
ta có chín lỗ hổng (cửu khiếu).
Các
tự điển của ta, của Pháp chỉ nói cửu khiếu gồm
mắt, tai, miệng v.v.. Không rõ ràng. Không biết cửu gồm những
gì.
Souvignet
lại nói thất khiếu là bảy lỗ hổng trên đầu: 2
mắt, 2 tai, 2 lỗ mũi, 1 miệng. Đàn bà có thêm 2 lỗ phía
dưới... để đại tiện và sinh đẻ. Gồm tất cả lại thành
9 lỗ (cửu khiếu). Cadière bác bỏ lối giải thích của
Souvignet vì... đàn ông cũng có 2 lỗ phía dưới, sao không
kể?
Rốt
cuộc, Cadière cũng như Rey và De Groot đều tuyên bố không
giải thích thoả đáng được "bảy vía, chín vía" của người
An Nam. (19)
Cadière
chấp nhận rằng có ba hồn bảy vía hay chín vía vì... dân
gian nói như vậy!
Nếu
vậy thì tại sao lại không bàn về mấy con số của ngôn
ngữ dân gian?
Lục
tìm trong sách xưa, thấy một dấu vết...
Tục
truyền rằng Hưng Đạo vương đại thắng quân Nguyên, bắt
sống được tên phản bội tổ quốc Phạm Nhan.
Hưng
Đạo vương cho đem Phạm Nhan về làng An Bài hành hình rồi
vứt xác xuống sông.
Lúc
bấy giờ trên khúc sông ấy có hai người đánh cá kéo lưới
được cái đầu lâu, bèn khấn rằng:
-
Nếu có linh thiêng thì phù hộ cho chúng tôi được nhiều
cá, chúng tôi sẽ đem mai táng ngay.
Quả
nhiên hai người ấy bắt được nhiều cá gấp bội mọi ngày,
liền đem cái đầu lâu chôn ở trên bờ sông.
Về
sau, những khi hai người đánh cá đi chợ qua chỗ ấy, thường
hay rủ thần (Phạm Nhan) đi chơi, lâu ngày thành quen. Hai người
đánh cá cùng với thần thành ba, cho nên tục gọi là "ba
hồn". (20)
Sống
chết lẫn lộn. Ba hồn là hồn của hai người sống và một
người chết. Dù sống hay chết, mỗi người chỉ có một
hồn. Trương Ba chết rồi, hồn phách được Đế Thích cho
nhập vào xác người hàng thịt.
Dân
gian nói ba hồn bảy (hay chín) vía vì thích bắt chước văn
nhân, sĩ tử dùng số chăng?
Truyện
Kiều có câu:
 -
Quả mai ba bảy đương vừa
 Đào
non sớm liệu xe tơ kịp thì (Kiều)
 -
Trên tam đảo, dưới
cửu tuyền
 Tìm
đâu thì cũng biết tin rõ ràng (Kiều)
Tam
đảo là ba hòn đảo chỗ tiên ở. Cửu tuyền là chín con
suối dưới âm phủ.
 -
Bảy
phường chín xóm là đây
 Buồm
giăng ba cánh sóng rày lao xao
 (Trương
Vĩnh Ký, Nhật trình đường biển nước Nam)
 -
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
 Thất
bát khe cũng lội, tam thập lục đèo cũng qua
 -
Phiêu phiêu tử phủ đan đài
 Ba
nghìn chín vạn cõi ngoài tràng sinh (Chầu văn)
Văn
chương chữ nghĩa chải chuốt, vần điệu êm tai, nhưng xa
vời thực tế.
Dân
gian có rất nhiều thành ngữ có số:
Ba
vạn chín nghìn. Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh. Ba vuông
bảy tròn. Ba chân bốn cẳng. Năm cha ba mẹ. Năm thì mười
hoạ. Năm lần bảy lượt. Năm người mười làng. Chín phương
trời, mười phương đất. Ba đầu sáu tay. Ba đầu chín đuôi
(tam đầu cửu vĩ)...
Dân
gian đang chờ các nhà khoa học đi tìm cho ra con "ba đầu sáu
tay", chờ các triết gia giải thích tông tích thằng "năm cha
ba mẹ".
Đối
với dân gian thì hiểu được ý nghĩa thành ngữ là đủ rồi.
Mấy con số chỉ là "thêm mắm thêm muối", không bắt buộc
phải đúng.
***
Sau
khi nghe các học giả, triết gia phân tích ý nghĩa hồn, vía
(phách), loay hoay tìm cách giải thích mấy con số ba (hồn),
bảy (vía) hay chín (vía), có thể tạm rút ra kết luận:
Ai
cũng có một hồn, một vía. Lúc sống gọi là vía (ngày vía
là ngày sinh), khi chết gọi là hồn. "Ba hồn, bảy vía"
hay "ba hồn, chín vía" là cách nói ví von của dân gian.
Mấy con số không phải là số đếm chính xác của toán học.
Nguyễn
Dư
(Lyon, 8
/2020)
(1)- Vũ Phương Đề, Công dư
tiệp ký, Văn Học, 2001, tr. 135.
(2)- Đào Duy Anh, Việt Nam
văn hoá sử cương, Bốn Phương, 1961, tr. 194.
(3)- Toan Ánh, Phong tục Việt
Nam, Khai Trí, 1969, tr. 502.
(4)- Phan Kế Bính, Việt Nam
phong tục, Tổng hợp Đồng Tháp, 1990, tr. 29.
(5)- Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu,
Đất
lề quê thói, Đại Nam, tr. 405.
(6)- Gustave Dumoutier, Le rituel
funéraire des Annamites, Schneider, 1902, tr. 14.
(7)- Sơn Nam, Thuần phong mỹ
tục Việt Nam, Tổng Hợp Đồng Tháp, 1994, tr. 61.
(8)- Toan Ánh, Phong tục Việt
Nam, sđd, tr. 461.
(9)- Nhất Thanh, sđd, tr. 30.
(10)- Mai Viên Đoàn Triển, An
Nam phong tục sách, Hà Nội, 2008, tr. 102.
(11)- Gustave Dumoutier, Essai
sur les Tonkinois, Schneider, 1908, tr. 29.
(12)- Đào Duy Anh, sđd, tr. 192.
(13)- Toan Ánh, Tín ngưỡng
Việt Nam, quyển thượng, Xuân Thu, tr. 221.
(14)- Pierre Huard, Maurice Durand,
Connaissance
du Việt Nam, EFEO, 1954,tr. 144.
(15)- Toan Ánh, Tín ngưỡng
Việt Nam, sđd, tr. 221-223.
(16)- Cristoforo Borri, Relation
de la nouvelle mission au royaume de la Cochinchine, Bonifacy
dịch sang tiếng Pháp, BAVH số tháng 7-12 năm 1931, tr. 356-357.
(17)- Maurice Durand, Điện
thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam, Tổng hợp Tp Hồ
Chí Minh, 2019, tr. 34.
(18)- Lê Mai Dung, Bí ẩn của
các nhà ngoại cảm Việt Nam, Văn Hoá Thông Tin, 2007.
(19)- Léopold Cadière, Croyances
et pratiques religieuses des Viêtnamiens, tập 3, EFEO, tr. 180-195.
(20)- Vũ Phương Đề, sđd, tr.
279.
|