Trước
tiên khi nói về nghệ thuật ca trù thì ca trù có nhiều tên
gọi, tùy từng địa phương, từng thời điểm mà hát ca trù
còn gọi là hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát
cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò và hát ca công. Đây là
một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và
có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn
liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm
nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt.

Ca trù là một hình thức "ca nhạc
thính phòng", thịnh hành từ thế kỷ 15, vốn là một loại
ca nhạc trong cung đình, được sử dụng cho các buổi hát
chúc thọ vua chúa và các buổi lễ trong triều đình, qua thời
gian, ca trù dần dần phát triển rộng ra dân gian qua giới
quan lại, đại gia, một số tầng lớp sĩ phu nho học giàu
sang... và trở nên thông dụng. Tuy vậy ca trù khác với các
loại hình dân ca khác ở chỗ nó có yêu cầu rất nghiêm ngặt
quy định về số câu, số chữ, lời văn, quy định về đối
ngẫu ... có lẽ vì vậy mà ca trù vẫn được thưởng thức
tập trung phần lớn ở tầng lớp có học thức cao rộng trong
xã hội xưa.
Chữ trù có nghĩa là thẻ tre.
Những người đào hát thường dùng các thanh tre làm phách
khi hát và người nghe dùng "trù" (cái thẻ tre) để thưởng
cho những chỗ hát hay, cuối cùng đếm thẻ để bình giá
và thưởng tiền, vì thế mà có tên gọi là Ca trù. Tư liệu
sớm nhất có nói đến những chữ Ca Trù và Ả Đào là vào
thế kỷ XV, căn cứ vào bài thơ Nghĩ hộ tám giáp bài văn
thưởng cho cô đào được giải sáng tác trước năm 1500 của
Tiến sĩ Lê Đức Mao, người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm,
Hà Nội. Bài thơ này chép trong Lê tộc gia phả (A.1855) có
hai lần nhắc đến 2 chữ ca trù, cho biết: hát cửa đình
là hát để thờ thần trong dịp đầu xuân và việc hát ca
trù đã có dùng thẻ để thưởng cho đào nương (ả đào).
Như vậy, đình Đông Ngạc, Hà Nội là nơi diễn ra lệ hát
Cửa đình từ rất sớm. Và đây cũng là nơi gìn giữ được
tục lệ thưởng đào rất đặc sắc.
Nghệ thuật ca trù được quốc
tế công nhận:
Ca trù đã được Hội đồng
thẩm định di sản của UNESCO đánh giá như sau:
Ca trù đã trải qua một quá
trình phát triển ít nhất từ thế kỷ 15 đến nay, được
biểu diễn trong không gian văn hóa đa dạng gắn liền, ở
nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Ca trù thể hiện một
ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu
diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này
sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường. Những
giáo phường này đã duy trì các cộng đồng có quan hệ mật
thiết, tạo nên nét đặc trưng cho ca trù. Mặc dù trải qua
nhiều biến động lịch sử, xã hội nhưng ca trù vẫn có
một sức sống riêng bởi giá trị nghệ thuật của nó đối
với văn hóa Việt Nam.
Ca trù độc đáo ở không
gian nghệ thuật riêng, nhạc cụ và thể thơ riêng biệt.
Theo các nghệ nhân dân gian, ca trù có 56 thể thức hoặc giai
điệu khác nhau, mỗi loại này được gọi là thể cách. Kỹ
thuật hát rất tinh tế, công phu như thể ca sĩ nắn nót, trau
chuốt từng chữ. Nhạc cụ được tinh giản với sự tương
phản âm sắc đã làm tôn vẻ đẹp của từng thành phần
tham gia hoà tấu.
Tham gia biểu diễn ca trù có
ít nhất 3 người:
Một ca sĩ luôn là nữ (gọi
là "đào" hay "ca nương") hát theo lối nói và gõ phách
lấy nhịp (phách là một nhạc cụ làm bằng gỗ hoặc tre,
được gõ bằng 2 que).
Một nhạc công nam giới (gọi
là "kép") đệm đàn đáy cho người hát. Đán đáy là một
loại đàn cổ, dài, với 3 sợi dây tơ và 10 phím đàn.
Ngoài ra, còn có một người
chơi trống hoặc đánh trống chầu (gọi là "quan viên", thường
là tác giả bài hát). Sự tán thưởng mà "quan viên" dành cho
người hát, hoặc bài hát được biểu lộ qua cách đánh trống.
"Quan viên" đánh vào thành trống nhiều lần biểu lộ chỗ
đắc ý. Nếu không hài lòng với người hát, "quan viên" đánh
hai nhịp trống.
Đào hát ngồi trên chiếu ở
giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Không gian trình
diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ và sự tham gia từ
phía khán giả là rất cần thiết. Hát ca trù là nghệ thuật
hát thơ, có một hệ bài bản phong phú quy định cho từng
lối hát thờ, hát chơi và hát thi. Lời lẽ, ca từ của
ca trù mang tính uyên bác, ít lời mà nhiều nghĩa, giàu
chất thơ, mang nhiều cảm xúc, trầm ngâm, sâu l(a)́ng.
Ca trù có đủ các thể loại từ trữ tình lãng mạn
đến sử thi anh hùng, triết lý giáo huấn... đã thu
hút sự tham gia sáng tác, thể nghiệm tài năng của nhiều
văn sĩ và trí thức. Có hiểu thấu nội dung và nghệ thuật
ngôn từ trong các bài ca cùng sự biểu hiện tinh tế của
các ca nữ trong sự phối hợp nhịp nhàng với ngón đàn, khổ
phách... mới thấy hết vẻ đẹp và giá trị của loại hình
nghệ thuật này.
Theo thống kê của các nhà
nghiên cứu, đến giữa năm 2009 có 63 câu lạc bộ với khoảng
769 người (bao gồm 513 đào nương và 256 kép đàn và người
đánh trống chầu) ở 14 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Phú Thọ,
Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái
Bình, Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, TP.
Sài Gòn) trên cả nước có hoạt động thường xuyên và có
kế hoạch luyện tập truyền nghề ca trù. Tuy nhiên, số nghệ
nhân có thể hát được từ 10 làn điệu trở lên là rất
hiếm. Tại Viện Âm nhạc hiện đã lưu trữ được 7 điệu
múa ca trù và 42 bài bản ca trù. Các văn bản Hán Nôm về
ca trù là 26 bản và khoảng 25 cuốn sách về ca trù.
Ca trù được công nhận là
đã có đóng góp lớn vào văn hóa Việt Nam. Từ ca trù, một
thể thơ độc đáo ra đời và trở nên có vị trí sáng giá
trong dòng văn học chữ Nôm của dân tộc. Đó là thể thơ
hát nói, được ưa chuộng qua nhiều thế kỷ. Ngoài ra, đàn
Đáy và Phách đã trở thành những nhạc khí đặc trưng của
ca trù, góp phần đưa ca trù trở nên một thể loại thanh
nhạc kinh điển của Việt Nam. Với chiều dài về lịch sử,
chiều sâu của nghệ thuật và mang bản sắc dân tộc rõ rệt
ca trù đã khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ
ở Việt Nam mà trên cả thế giới.
Lối hát Ca Trù được công
nhận là Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể: (L'opéra de Ca Tru est
un patrimoine culturel immatériel):
Ca trù là một loại hình nghệ
thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt
trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong
tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết
lý sống của người Việt. Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ,
lịch sử, mỹ thuật, âm nhạc, vào thế kỷ XV, Ca trù đã
có mặt trong văn hóa Việt Nam. Trải qua quá trình phát triển
lâu dài, Ca trù đã ngày càng thẩm nhập vào hầu hết các
cuộc diện của đời sống từ quá khứ và hẳn đã khẳng
định tư cách độc lập và độc đáo của nó trong bức tranh
chung của văn hóa dân tộc. Nghệ thuật Ca trù diễn ra trong
các không gian ở đình làng, đền thờ thần, nhà thờ tổ
nghề, dinh thự và ca quán thính phòng. Cùng với đó là các
hình thức hát thờ, hát thi, hát cúng tế lễ lạc, hát ca
tài tử, không những đóng góp vào sinh hoạt của cộng đồng
làng xã, của giới trí thức mà còn góp phần vào các hoạt
động lễ tiết của quốc gia trong khuôn khổ của văn nghệ
đón tiếp ngoại giao.
Ca trù được UNESCO ghi danh
vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể (intangible cultural
heritage) cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2009. Phú
Thọ nằm trong 17 tỉnh, thành vùng lan tỏa của Ca trù. Phú
Thọ là một trong những vùng sớm được tiếp nhận và sử
dụng lối hát Ca Trù trong các dịp lễ hội, đình đám, vui
chơi giải trí và nó cũng là một sản phẩm tinh thần trong
đời sống sinh hoạt văn nghệ dân gian của công chúng, tồn
tại song hành với các làn điệu Hát Xoan, Hát Ghẹo ở vùng
trung du đất Tổ. Trong 2 năm (năm 2013 - 2015), địa bàn tỉnh
Phú Thọ thực hiện việc kiểm tra di sản văn hóa trong phạm
vi tỉnh, trong đó có sự kiểm nhận đối với di sản Ca trù.
Kết quả kiểm tra này cho thấy di sản văn hóa phi vật thể
Ca trù đang được lưu giữ, thực hành ở thôn Trinh Nữ, xã
Bình Bộ, huyện Phù Ninh và một số Câu lạc bộ hát dân
ca địa phương.
Về Lịch Sử Và Nghệ Thuật
Ca Trù...
Lịch sử và Nghệ thuật ca
trù là công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Xuân Diện,
ca trù được trình bày khá rõ nét, nhiều chi tiết quan trọng
cần biết về ca trù, được ghi nhận trong luận án tiến
sĩ của ông, in lần đầu năm 2007. Quyển sách này đã được
tái bản ra mắt bạn đọc toàn quốc nhân kỷ niệm tròn 1
năm ngày nghệ thuật ca trù được UNESCO công nhận là di sản
văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại
(vào 01/10/2009). Thư tác này của nhà biên khảo Nguyễn Xuân
Diện đã cho biết thêm rất nhiều chi tiết về loại hát
Ca trù trong thư mục mà tác giả đã cho biết thêm bảy quyển
sách khác có nội dung về nghệ thuật ca trù theo những thể
thức khác, và lại còn liệt kê ra trên bảy chục văn bia
viết bằng chữ Nôm đang được tàng trữ tại Viện Hán Nôm.
Nhờ đó, có nhiều khám phá
mới mà từ trước đến nay chúng ta chưa được biết. Có
những nghi vấn về Ông Tổ của Ca trù, về lúc nào danh từ
"Ca trù" được dùng lần đầu tiên thì luận án văn hóa âm
nhạc này đã đưa ra những bằng chứng đáng tin cậy. Mặc
dầu đề tài luận án đặt trọng tâm vào nguồn tư liệu
Hán Nôm về việc nghiên cứu ca trù, có lẽ tác giả sách
nên ghi thêm một phụ lục vào những bài viết đáng kể về
ca trù của các tác giả ngoại quốc như Samuel Baron vốn am
tường về nghệ thuật ca trù, và cũng nên có một bảng ngữ
vựng về những thuật ngữ chuyên môn trong nghệ thuật ca
trù.
Ca trù chỉ một lối hát cổ
truyền của người Việt. Tên gọi ca trù cũng đã được
tài liệu cổ ghi nhận. Trên các tài liệu Hán Nôm chữ "trù"
trong "ca trù" 歌 籌đều dùng chữ "trù" 籌. Theo đó Trù籌là
thẻ làm bằng tre, trên thẻ có ghi số tiền (hoặc quy định
ngầm với nhau là mỗi thẻ tương ứng với một khoản tiền),
dùng để thưởng cho đào và kép ngay trong khi biểu diễn thay
cho việc thưởng bằng tiền mặt; cuối chầu hát sẽ căn
cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho đào và kép hoặc giáo
phường. Người quyết định việc thưởng này chính là vị
quan viên (khách nghe hát), sử dụng trống chầu (gọi là cầm
chầu). Đó là nguồn gốc của tên gọi ca trù; cũng là thuật
ngữ sử dụng trong chuyên khảo này. Tuy nhiên ca trù, với
ý nghĩa là một lối hát có dùng thẻ để thưởng như đã
nói ở trên thì chỉ có ở hát ca trù ở đình đền, tức
là hát thờ.
Ca trù sử dụng ba nhạc khí
đặc biệt (không chỉ về cấu tạo mà còn về cách thức
diễn tấu) là đàn đáy, phách và trống chầu. Về mặt văn
học ca trù làm nảy sinh một thể loại văn học độc đáo
là hát nói. Đây là một bộ môn nghệ thuật ca nhạc "thính
phòng" được hình thành trên nền tảng âm nhạc dân gian Bắc
phần, người nghe cũng tham gia vào cuộc hát bằng việc cầm
chầu. Ca trù còn có những cái tên khác như: hát cửa đình,
hát nhà trò (hát ở đình, đền, miếu), hát cửa quyền (trong
cung phủ), hát nhà tơ (hát ở dinh quan, tư gia các gia đình
quyền quý), hát ả đào, hát cô đầu (hát ở các ca quán)...
Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng
định ca trù là một bộ môn nghệ thuật lâu đời, độc
đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng ca nhạc của người
Việt Nam. Ca trù gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng,
văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người
Việt. Do vậy nghiên cứu ca trù cũng là góp phần vào việc
nghiên cứu các giá trị truyền thống trong văn hóa Việt Nam.
Thật vậy, nghệ thuật ca trù là một di sản văn hóa đặc
trưng của Việt Nam. Đặc sắc ở sự phong phú làn điệu,
thể cách, cả không gian, thời gian biểu diễn và phương thức
thưởng thức; đặc sắc còn vì từ cội nguồn nó gắn bó
mật thiết với lễ nghi, phong tục, với những sinh hoạt dân
gian, với công chúng. Ca trù làm người ta nhớ tới những
tao nhân mặc khách với lối chơi ngông, chơi sang, rất tinh
tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như Nguyễn
Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Dương
Khuê, Tản Đà...Và cùng với đó là mối quan hệ giữa văn
nhân (nhà thơ, nhà báo, họa sĩ) với Ả đào - mối quan hệ
quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù. Bởi quá trình
tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể
nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình.
Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Diện
trong tác phẩm khảo cứu Vị Trí Của Hát Nói (hay Ca Trù)
Trong Dòng Văn Học Chữ Nôm, do Viện Nghiên cứu Hán-Nôm/ Hội
thảo Quốc tế về chữ Nôm, Huế, 2006, các chi tiết quan trọng
vê ca trù được ghi nhận như sau...

Nguồn gốc Hát nói:
Hát nói là một thể thi ca
dân tộc được sinh ra từ nhu cầu của bộ môn nghệ thuật
ca trù và trở nên một thể thơ độc đáo trong nền văn học
Việt Nam nói chung, văn học chữ Nôm nói riêng. Trước nay
cũng đã có một số công trình bài viết nghiên cứu về thơ
hát nói ca trù và cũng đã có nhiều vấn đề của hát nói
được làm sáng tỏ và khẳng định. Tuy nhiên vị trí và
tầm vóc của hát nói trong văn học sử nói chung và trong dòng
văn học chữ Nôm nói riêng thì vẫn chưa được khẳng định
một cách mạnh mẽ.
Tên gọi, gốc gác, đặc điểm
của thể hát nói
Trước đây, học giả Nguyễn
Văn Ngọc trong Ðào nương ca nhắc rằng có người cho là hát
nói là lối nói sử. Trương Tửu trong Văn nghệ bình dân Việt
Nam cũng viết rằng điệu hát nói là những điệu nói sử.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ðức Mậu cho biết năm 1900 đã có
tài liệu nói về ca trù và gọi hát nói là nói Nôm. Tuy nhiên,
về vấn đề này, các tài liệu Hán Nôm cũng vẫn còn cho
những thông tin đáng chú ý, góp phần làm sáng tỏ hơn nữa
về tên gọi, gốc gác, đặc điểm của thể loại này. Sách
Ca trù thể cách viết về hát nói như sau:
"Tiếng đàn của hát nói thuộc
cung Nam. Nếu nữ hát thì gọi là hát nói, nam hát thì gọi
là Hà nam. Lối văn này, xưa và nay đều có. Lối văn
này, mối bài chỉ có 11 câu
mà thôi. Câu 1 và 2 gọi là tổng mạo. Câu 3 và 4 gọi là
Thừa đề. Câu 5 và 6 thì dùng lối thất ngôn, hoặc cổ thi,
hoặc quốc âm; như là treo
cái ý của toàn bài vào giữa bài thơ, để nói hết cái đại
ý của toàn bài. Các câu 7, 8, 9 đều nối theo cái ý của
câu 5
và 6 mà phô diễn thêm ra, để
làm rõ ý nghĩa. Câu 11 là tổng kết ý nghĩa trong cả bài,
mà cũng là một câu kết thúc. Cũng có khi đến đây,
lại thêm hai câu hoặc 4 câu
nữa, liền sau đó nói dông dài thêm cái dư ý của bài thơ,
ấy là muốn dẫn cho dài thêm. Người trong làng ca gọi là
Hát nối." (trang 12b)..."
Theo sách trên thì thể thơ
lục bát là một thể thơ được sử dụng phổ biến trong
ca trù. Và thể thơ này lại được sử dụng chủ yếu trong
làn điệu hát của ca trù. Các điệu hát được các nhà nghiên
cứu ghi nhận là các điệu ca trù cổ đều có ca từ là thơ
lục bát. Ðó là các làn điệu: Bắc phản, Chừ khi, Cung bắc,
Dịp ba cung bắc, Ðại thạch, Hãm, Hồng hạnh, Non mai, Thư
phòng, Mưỡu, Ngâm vọng và Thổng.
Trong các lối hát truyền thống
như chèo, quan họ cũng sử dụng thơ lục bát trong nhiều làn
điệu. Ðiều này càng cho thấy sự gần gũi của ca trù với
các lối hát chèo và quan họ, nếu xét dưới góc độ thanh
điệu ca từ. Tuy vậy cùng sử dụng thể thơ lục bát, nhưng
các lối hát truyền thống này cũng đã tạo nên những vẻ
đẹp khác nhau trong nhạc điệu làm phong phú cho vốn âm nhạc
cổ truyền Việt Nam, và càng khẳng định sức sống của
thơ lục bát trong văn học và văn hóa Việt Nam. Trong số các
thể thơ được dùng trong ca trù, thể hát nói để lại số
lượng tác phẩm lớn nhất, được ưa chuộng nhất. Hát nói
đã gắn với những tên tuổi lớn trong lịch sử văn học
Việt Nam như: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh,
Tản Ðà, Phan Bội Châu, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, ...
Nói thêm về thi nhân Dương Khuê
là người văn hay, chữ tốt. Năm 1864, ông đỗ Cử nhân (cùng
khoa này có Nguyễn Khuyến đỗ Giải nguyên). Năm Mậu Thìn
(1868), thời vua Tự Đức, ông dự thi Đình đỗ Tiến sĩ.
Đường hoạn lộ, thuở ban đầu, Dương Khuê được bổ làm
Tri phủ Bình Giang (Hải Dương), rồi thăng làm Bố chính. Vào
đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ 19, tay lái buôn Jean
Dupuis uy hiếp các quan chức người Việt ở Bắc Kỳ để
tự do sử dụng sông Hồng, ông ở trong nhóm những sĩ phu
cương quyết chống lại. Ông dâng sớ về triều xin có thái
độ quyết liệt với người Pháp, bị vua Tự Đức phê là
"bất thức thời vụ" (không biết thời cuộc), rồi bị giáng
xuống chức Chính sứ sơn phòng lo việc khai hoang. Năm 1873,
quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất. Sau khi thương thuyết,
họ chịu trả lại bốn thành cho triều đình Huế, thì Dương
Khuê được điều động làm Án sát Hải Phòng. Năm 1878, nhân
lễ "ngũ tuần khánh thọ " của mình, vua Tự Đức xuống chỉ
cho ông làm Đốc học Nam Định. Sau đó, ông lần lượt trải
các chức vụ quan hành chính như: Bố chính, Tham tá Nha kinh
lược Bắc Kỳ, Tổng đốc Nam Định-Ninh Bình. Năm 1897, Toàn
quyền Paul Doumer xóa bỏ điều 7 của Hòa ước Giáp Thân 1884,
đặt cơ sở cho guồng máy cai trị của Chính phủ bảo hộ,
thì Dương Khuê xin cáo quan, lúc 58 tuổi, được tặng hàm
Thượng thư bộ Binh.
Khi ông mất (ngày 6 tháng 3
năm Nhâm Dần, 1902), nghe tin buồn bạn thân ra đi, Tam nguyên
Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ bất hủ Khóc Bạn
(Khóc Dương Khuê) khi tang viếng. Bài thơ được vào văn học
sử. Bài thơ có thể xem đây cũng là một bài văn tế được
viết bằng thể thơ song thất lục bát, giọng thơ réo rắt
thấm đầy lệ lòng, gồm có 38 câu thơ. Mở đầu bài thơ
là một tiếng than thở xót xa bùi ngùi:
Bác Dương thôi đã thôi
rồi,
Nước mây man mác ngậm
ngùi lòng ta.
Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) khóc
bạn cũng là tự khóc mình, giọng thơ u uẩn thiết tha. Ông
trách bạn "vội đi xa" để mình lẻ loi, cô đơn. Cuộc sống
trở nên chán chường, vô nghĩa:, nhất là 2 câu sau rất phổ
thông ở các bàn tiệc sau này:
Ai chẳng biết chán đời
là phải,
Sao vội vàng đã mải lên
tiên;
Rượu ngon không có bạn
hiền,
Không mua không phải không
tiền không mua.
Khóc Dương Khuê (1839-1902) cho
thấy một tình bạn đẹp và cảm động của giới nho gia
thuở trước. Sau hơn một thế kỷ, chúng ta vẫn thấy nỗi
bùi ngùi xúc động khi đọc bài thơ này. Nguyễn Khuyến khóc
bạn cũng là khóc cho một thế hệ nhà nho và cũng là tự
khóc cho minh: "Ai chẳng biết chán đời là phải"...
Tác phẩm của Dương Khuê để
lại có một số bài ca trù, bài văn, câu đối, trướng...
Có lẽ nên đề cập bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết,... bài ca
trù nghe thanh thoát, bông đùa, dí dỏm và hóm hỉnh. Giới
thiệu một bài ca trù dưới đây là bài ca trù tiêu biểu
và nổi tiếng của nhà thơ Dương Khuê:
Gặp Lại Cô Đầu Cũ
Hồng Hồng Tuyết Tuyết,
Mới ngày nào chửa biết
cái chi chi.
Mười lăm năm thấm thoắt
có xa gì!
Ngoảnh mặt lại, đã tới
kỳ tơ liễu.
Ngã lãng du thời, quân thượng
thiếu,
Kim quân hứa giá, ngã thành
ông
Cười cười nói nói thẹn
thùng,
Mà bạch phát với hồng
nhan chừng ái ngại.
Riêng một thú Thanh Sơn
đi lại,
Khéo ngây ngây dại dại
với tình.
Đàn ai một tiếng dương
tranh...
Hà Nội tức cảnh
Phất phơ ngọn trúc trăng
tà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh
gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Tiếng chày An Thái, mặt
gương Tây Hồ.
(bài thơ này nằm trong cuốn
Vân Trì thi thảo).
Tham khảo một số sách báo
và tiếp xúc với các nghệ nhân ca trù chúng ta được biết,
trên thực tế ngoài hát nói đủ khổ (11 câu thơ) thì thể
hát nói còn có một số biến thể khác như: Hát nói thiếu
khổ (bài hát chỉ có 6 câu thơ); Hát nói dôi khổ tức là
dôi thêm một hoặc nhiều khổ (mỗi khổ 4 câu thơ), Hát nói
gối hạc (một vài câu thơ kéo dài ra, số chữ trong một
câu thơ có thể lên tới 12, 18 hoặc thậm chí 24 chữ). Và
hát nói thường hay đi kèm với hát mưỡu. Hát mưỡu ít khi
được hát riêng rẽ với tư cách một bài hát trọn vẹn,
mà thường được hát mở đầu hoặc kết thúc cho một bài
hát nói. Do vậy khi hát mưỡu kết hợp với hát nói lại
có các dạng Hát nói mưỡu tiền (hát mưỡu mở đầu rồi
vào hát nói), Hát nói mưỡu hậu (hát mưỡu kết thúc sau
khi hát nói); Hát nói mưỡu đơn (hát mưỡu bằng một câu
thơ lục bát), Hát nói mưỡu kép (hát mưỡu bằng hai câu
thơ lục bát).
Thể hát nói trong thơ ca trù
Trong nghệ thuật ca trù, thơ
là một thành tố quan trọng. Ca trù có nhiều làn điệu, nhiều
thể ca trù sử dụng các thể thơ quen thuộc và thuần Việt
như lục bát, song thất lục bát. Trong số 34 thể ca trù mà
thư tịch Hán Nôm có ghi nhận về lời thơ, thì các thể thơ
được dùng là:
- Thể lục bát: dùng trong 17
thể ca trù
- Thể song thất lục bát: dùng
trong 1 thể ca trù
- Thể hát nói là thể riêng
của ca trù
- Thể thơ 7 chữ và một câu
lục cuối bài: dùng trong 3 thể ca trù
- Thể thơ 7 chữ và một câu
lục bát cuối bài: dùng trong 1 thể ca trù
- Thể thơ Ðường luật (thất
ngôn, tứ tuyệt): dùng trong 8 thể ca trù
- Thể phú: dùng trong 1 thể
ca trù
- Thơ Ðường luật trường
thiên: dùng trong 2 thể ca trù (trong đó có bài Tỳ
bà hành của Bạch Cư Dị).
Nhắc lại, về thành phần
trình diễn ca trù, với một chầu hát cần có ba thành phần
chính:
Một nữ ca sĩ (gọi là "đào"
hay "ca nương") sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp,
Một nhạc công nam giới (gọi
là "kép") chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát
Người thưởng ngoạn (gọi
là "quan viên", thường là tác giả bài hát) đánh trống chầu
chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống. Vì
là nghệ thuật âm nhạc thính phòng, không gian trình diễn
ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào hát ngồi trên chiếu
ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài
hát được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi
là "tức tịch," nghĩa là "ngay ở chiếu."
Âm nhạc ca trù hay hát nói
thì ca trù vừa là loại thanh nhạc (vocal music), vừa là loại
khí nhạc (instrumental music). Có một ngôn ngữ âm nhạc tế
nhị, khá độc đáo và tinh vi. Vì là yếu tố thanh nhạc nên
ca nương phải có giọng ca thanh thoắt, cao vút và âm vực
rộng để ngân vang xa, khi hát phải biết ém hơi, nhả chữ
và hát tròn vành rõ chữ, biết nảy hạt (đổ hột), đổ
con kiến. Ca nương vừa hát, vừa gõ phách. Phải biết rành
5 khổ phách cơ bản, đánh lưu không, tiếng phách phải chắc
và giòn, lời ca và tiếng phách phải ăn khớp với nhau.
Và vì sử dụng âm khí nhạc
nên kép đàn dùng đàn đáy phụ họa. Bản đàn không nhất
thiết phải đi theo bài hát, vì phải theo khổ đàn, nhưng
khổ đàn – khổ phách – tiếng ca hợp nhau, hài hòa nhuần
nhuyễn. Có những cách đàn ca chân phương- theo lề lối hay
hàng hoa- sáng tạo và bay bướm. Quan viên là người cầm chầu,
tiếng trống chầu vừa chấm câu khi tham gia vào cuộc diễn
tấu, nhưng có tính chất phê phán, khen chê đúng chỗ, để
khích lệ ca nương – kép đàn, giúp cho thính giả biết được
đoạn nào hay - thật hay và như thế được giáo dục âm nhạc
trong cách nghe.
Xét về một số tác phẩm
nổi tiếng như sau...
Bài bản ca trù có nhiều loại.
Phổ thông nhất là hát nói, một thể văn vần có tính cách
văn học cao. Những bài hát nói nổi tiếng phải kể đến:
- Cao Bá Quát với "Tự tình",
"Hơn nhau một chữ thì", "Phận hồng nhan có mong manh", "Nhân
sinh thấm thoắt"...
- Nguyễn Công Trứ với "Ngày
tháng thanh nhàn", "Kiếp nhân sinh", "Chơi xuân kẻo hết xuân
đi", "Trần ai ai dễ biết ai"...
- Dương Khuê với "Hồng hồng,
tuyết tuyết" tức "Gặp đào Hồng đào Tuyết".
- Chu Mạnh Trinh với Hương
Sơn phong cảnh.
- Tản Đà với "Gặp xuân","Xuân
tình", "Chưa say"
- Nguyễn Khuyến với "Hỏi
phỗng đá", "Duyên nợ"
- Nguyễn Thượng Hiền với
"Chơi chùa Thầy";
- Trần Tế Xương với "Hát
cô đầu".
Ngoài ra còn có những làn điệu
cổ điển khác như "Tỳ bà hành" (bản diễn Nôm của Phan
Huy Vịnh theo cổ bản của Bạch Cư Dị). Những điệu huê
tình, gửi thư, bắc phản, hát giai... cũng thuộc thể ca trù.
Theo như đã trình bày trên,
thể thơ lục bát là một thể thơ được sử dụng phổ biến
trong ca trù. Và thể thơ này lại được sử dụng chủ yếu
trong làn điệu hát của ca trù. Các điệu hát được các
nhà nghiên cứu ghi nhận là các điệu ca trù cổ đều có
ca từ là thơ lục bát. Ðó là các làn điệu: Bắc phản,
Chừ khi, Cung bắc, Dịp ba cung bắc, Ðại thạch, Hãm, Hồng
hạnh, Non mai, Thư phòng, Mưỡu, Ngâm vọng, Thổng.
Trong các lối hát truyền thống
như chèo, quan họ cũng sử dụng thơ lục bát trong nhiều làn
điệu. Ðiều này càng cho thấy sự gần gũi của ca trù với
các lối hát... Xét tiếp về lối hát Ca trù - Hát dân ca Bắc
Ninh. Ca trù hay Hát nói là biến thể của song thất lục bát.
Các nhà viết sách thời xưa cho rằng Hát nói là một hình
thức biến đổi của thể ngâm Song thất lục bát: Trong hát
nói có Mưỡu là những câu thơ lục bát, nhiều câu 7 chữ
có vần bằng, vần trắc, có cước vận, yêu vận. Nhưng khi
đã phát triển, Hát nói là một thể tài hỗn hợp gồm: thơ,
phú, lục bát, song thất, tứ tự, nói lối,... Trong lối Hát
ca trù có nhiều loại như: Dâng hương, Giáo trống, Gửi thư,
Thét nhạc thì Hát nói là lối thông dụng và có tính văn
chương lý thú nhất.
Hát kể trong ca trù thường
được mô tả là hát kể chuyện về một chuyện tình cảm
trong thi ca văn học dân gian Việt Nam. Nói đến hát kể chuyện
trong ca trù ví dụ như là bài Bèo Dạt Mây Trôi. Cốt truyện
được kể lại bằng lối hát của ca trù trong bài Dân Ca
Quan Họ tiêu biểu này như sau:
Bèo dạt mây trôi, chốn
xa xôi,
Anh ơi, em vẫn đợi... í
i ì... bèo dạt
Mây í i ì... trôi,
chim sa, tang tính tình...
í i ì..., cao vời
Ngậm một tin trông, hai
tin đợi, ba bốn tin chờ
sao chẳng thấy anh...
Một mảnh trăng treo, suốt
năm canh,
Anh ơi, trăng đã ngã...
a á à... ngang đầu
Thương nhớ... ờ ơ... ai,
sao rơi... đêm sắp tàn... í i ì...
trăng tà,
Người ra đi có nhớ, (hay
người xa có nhớ)
là nhớ ai ngồi trông cánh
chim trời,
sao chẳng thấy anh...
Mòn mỏi thâu đêm, suốt
năm canh
Anh ơi, em vẫn đợi... í
i ì... mỏi mòn
Thương nhớ... ờ ơ... ai
Sao rơi, trăng sắp tàn ..
í i ì... trăng tà
Cành tre đu trước ngõ
Là gió la đà em vẫn mong
chờ, sao chẳng thấy anh...
Thương nhớ.. ờ ơ... ai
Sao rơi, trăng sắp tàn ..
í i ì... trăng tà
Cành tre đu trước ngõ
Là gió la đà em vẫn mong
chờ, sao chẳng thấy anh.

Hát dân ca Quan Họ vốn thịnh
hành trong những ngày lễ Tết, vì cứ vào dịp trung tuần
tháng giêng, khoảng từ 12 đến 14, ngay sau Tết Nguyên Đán,
người dân vùng đất Quan Họ Bắc Ninh lại tổ chức lễ
hội vui xuân đầu năm, là dịp để các liền anh, liền chị
gặp mặt chúc tụng, hội hè và cũng là lúc để tiếng hát
Quan Họ ở vùng đất kinh Bắc được ca vang khi du khách từ
khắp nơi thưởng ngoạn văn nghệ qua âm thanh Quan Họ vào
mùa Xuân về, mùa Xuân cũng bao hàm ý nghĩa là mùa lễ hội
Quan Họ, là không gian vui tươi của Quan Họ; môi trường trẩy
hội tưng bừng Quan Họ là vào mùa Xuân. Nhân dịp Xuân 2020,
Tết Nguyên đán Canh Tý, bài viết này chúng tôi xin kính gửi
Hội Bắc Ninh tại Nam California, Hoa Kỳ. Việt Hải và Khánh
Lan đại diện Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời
Gian xin kính chúc quý đồng hương Một Năm Mới nhiều hạnh
phúc, an lành và thịnh vượng.
Việt
Hải và Khánh Lan.
* Nguồn:
- Việt Nam thi văn hợp tuyển,
Dương Quảng Hàm.
- Dương Khuê, GS. Nguyễn Duy
Diễn, NXB Nguồn Sống.
- Vai trò ca nương trong nghệ
thuật ca trù, Science and Technology.
- Ca Trù – Nơi Gặp Gỡ Giai
Nhân, Tài Tử- Đỗ Ngọc Thạch.
- Hát nói, thời điểm hình
thành và quá trình phát triển, Nguyễn Đức Mậu.
- Giới thiệu chung về nghệ
thuật ca trù, Hoàng Anh Đức.
- Ca Trù Một Thời Vang Bóng,
Trần Nhật Kim.
- Đại Học Paris đón nhận
Ca Trù, Võ Quang Yến.
- Lịch sử nghệ thuật ca trù
Việt Nam, Nguyễn Xuân Diện.
(Hình ảnh tham khảo internet).
|