Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Cô láng giềng

Bùi Kim Chi

Thầy giáo. Độc thân. Chưa có người yêu nên sinh hoạt hàng ngày của anh khá đơn giản. Có điều, đàn ông nhưng anh lãng mạn lắm, mà cũng phải vì anh là thầy giáo dạy văn và là "con trai Huế".

Tốt nghiệp Tú Tài anh thi đỗ vào trường Đại Học Sư Phạm. Anh mê văn chương từ thời học phổ thông. Tuổi thơ, anh say Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của Tô Hoài, lớn hơn một tí nữa anh mê nhà văn Nguyễn Thái Hải với Chiếc Lá Thuộc Bài rồi sau đó là Tôi Nhìn Tôi Trên Vách, Thở Dài của cô giáo nhà văn Túy Hồng, Bay Đêm, Hoàng Tử Bé của Antoine De Saint - Exupéry, La Dame De Monsoreau của Alexandre Dumas... Ôi, nhiều lắm! Thời sinh viên, anh vừa mê văn vừa yêu thơ để rồi tập tễnh làm thơ, viết văn từ đó. Anh vẫn nhớ bài thơ đầu tiên anh làm vào một dip xuân về tặng cô bạn láng giềng dễ thương, có chiếc răng khểnh rất duyên. Viết rồi bỏ, rồi viết, cứ thế anh đã làm mất một xấp giấy để rồi cuối cùng mới mỉm cười thỏa mãn; nắn nót từng chữ với ngòi bút tre, mực được pha bằng coulleur nước màu trắng, viết chữ trên giấy tím rất điệu. Đó là bài thơ Dưới Cội Mai Vàng. Nhận bài thơ của anh gửi tặng, cô gái tròn mắt, đôi mắt đen tròn long lanh đầy vẻ thán phục; còn anh thì vô vàn sung sướng. Thơ của anh làm? Ôi, thích nhỉ. Rồi, nàng tiếp. Làm thơ có khó không anh. Anh chưa kịp trả lời và cũng chưa kịp nghĩ ra là phải trả lời ra sao, không lẽ nói thật ra , anh đã làm mất cả một xấp giấy, mới làm được mấy câu thơ ngắn tặng nàng. May mắn thay, bóng nàng mất hút bên hàng chè tàu xanh sau câu nói thẹn thùng: "Một kỷ niệm đẹp. Em sẽ giữ mãi bài thơ này". Cứ thế tình và thơ xôn xao bên hàng chè tàu xanh.

Nắng phương nam trải dài thả màu vàng hoàng yến. Đẹp. Quyến rũ. Nhìn trời, anh vui khi nhớ về những tháng ngày lãng đãng cùng văn thơ thời sinh viên ở Huế.

Cạnh nhà anh đang ở là một ngôi nhà rất xinh, thơ mộng. Vườn đẹp, trồng nhiều hoa, nhiều nhất là Tường Vi. Tường Vi thơm, mùi dễ chịu, buổi mai uống trà, nếu bỏ vào bình trà vài cánh Tường Vi thì uống rất thơm, ngon và có mùi vị là lạ, hấp dẫn. Hồi còn ở Huế nhà cha mẹ anh cũng có trồng Tường Vi trong vườn nhưng ít thôi chỉ để lấy hoa uống trà buổi sáng. Nhìn ông bà vừa uống trà vừa đọc thơ anh rất thích, trông nhàn nhã, phong lưu, đầm ấm, hạnh phúc. Người đời uống rượu, ngâm thơ còn cha anh thì uống trà, đọc thơ vào lúc trời mờ sáng và người thưởng thức giọng đọc thơ của cha bao giờ cũng là mẹ. Mẹ anh là một phụ nữ Huế đẹp, dịu dàng , trang nhã và hình như lúc nào bà cũng cảm thấy vui trong vai trò phục tùng chồng của người đàn bà Huế. Bà rất mê giọng đọc thơ của ông vì thế mà hai ông bà hợp nhau và có cuộc sống hạnh phúc cho đến cuối đời. Anh thích hoa Tường Vi từ rất lâu và ý thích đó đã đeo đẳng anh cho đến ngày nay. Lúc ấy anh chỉ là một chàng sinh viên mười chín tuổi, được một cô láng giềng nho nhỏ, xinh xinh để ý. Tên là Tường Vi. Bây giờ được ở cạnh một vườn hoa đẹp lại trồng nhiều Tường Vi nên anh cảm thấy vui và hạnh phúc . Anh đã từng đứng hàng giờ trong sân nhà mình nhìn trộm sang ngôi vườn bên cạnh để chiêm ngưỡng những đóa Tường Vi phơi phới trong nắng mai và những đêm trăng sáng, bên cửa sổ anh như bị thôi miên trước vẻ đẹp của ngôi vườn. Vẻ đẹp huyền hoặc, kỳ bí thế nào ấy! Từ con đường nhà anh nhìn ra, cũng là một trong những con đường đẹp, nên thơ của Biên Hòa; xa xa thấp thoáng chiếc cầu Ghềnh khoác màu áo bạc mà theo anh là rất giống cầu Trường Tiền của Huế. Cầu có tuổi thọ trên một trăm năm (ở Đồng Nai, người Biên Hòa chính thống thường gọi tên là cầu Gành). Sau tai nạn do một chiếc xà lan chở cát tắt máy, trôi tự do trên sông đã đâm vào trụ giữa của cầu khiến cầu Ghềnh bị đổ vài, sập hai nhịp. Một thoáng xúc cảm anh nghĩ về Huế, nơi ấy cũng có chiếc cầu màu áo bạc, do biến cố lịch sử Mậu Thân 1968 cũng đổ vài, sập nhịp như cầu Ghềnh ở Đồng Nai. Cầu phủ bạc, nhịp nhàng tung bay những tà áo trắng học sinh qua về hai bờ, trông cũng thơ mộng như Huế. Ở đây, khu trung tâm thành phố nhiều nhà cao tầng, đường sạch đẹp, phố đông vui, buôn bán sinh hoạt nhộn nhịp. Cảnh và người như hòa vào nhau. Anh vui với cuộc sống hiện tại, hít thở bầu không khí trong lành với tâm trạng hết sức thoải mái.

Một buổi chiều tan trường, từ giã đám học trò thân thương, anh thong thả đạp xe về nhà... đường về nhà anh hôm nay dường như rộng hơn, vui hơn, nhộn nhịp hơn và có vẻ như là đẹp hơn. Có lẽ hôm nay anh vui sau bài giảng về thơ Kiều của Nguyễn Du. Một ý nghĩ độc đáo rất tâm đắc anh đã ngộ ra được từ truyện Kiều. Anh cũng rất thích cách lấy chữ của Nguyễn Du mà chiều nay anh đã dạy cho học sinh. "Một hai nghiêng nước nghiêng thành" (Truyện Kiều) đã lấy trong hai câu thơ cổ của Lý Diên Niên: "Nhân cố khuynh nhân quốc, tái cố khuynh nhân thành" (một cái liếc mắt làm nghiêng nước, hai cái liếc mắt làm nghiêng thành) ý muốn tả sắc đẹp tuyệt vời của người phụ nữ, có thể làm cho người ta say mê đến mất nước, mất thành. Anh vẫn nhớ lời giảng của thầy anh để bây giờ truyền đạt lại cho học sinh của mình. Người thầy có phong thái đĩnh đạc, giảng văn rất hay.

"Trong văn thơ cổ ngoài việc dùng điển cố, các thi văn xưa thường thích mượn một vài chữ trong câu thơ hoặc câu văn cổ để diễn đạt ý. Muốn hiểu rõ tình ý của tác giả, người đọc chỉ cần nhớ đến câu thơ hoặc câu văn cổ". Nhớ lại những đôi mắt sáng đầy thích thú chăm chú nghe giảng của học sinh mà anh vui trong lòng. Vào nhà, bên trong cửa sổ, trên bàn làm việc của anh, một đóa Tường Vi được cắm sẵn trong một chiếc lọ nho nhỏ xinh xinh. Bất giác anh chạy nhanh đến cầm lọ hoa đưa lên mũi. Một mùi thơm nhẹ tỏa ra. Anh ngây ngất thưởng thức. Một người nào đó đứng bên ngoài cửa sổ đã cắm hoa Tường Vi tặng anh ?. Kín đáo anh đưa mắt nhìn sang nhà bên cạnh. Ngôi vườn vẫn yên tĩnh. Kể từ đó trở đi, cứ ba hôm là một đóa Tường Vi mới được thay vào bình. Và, cũng kể từ đó tâm hồn anh bị dao động. Anh ít rời nhà so với trước đây và ánh mắt anh luôn hướng về ngôi vườn bên cạnh, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của ai trừ ông lão giữ vườn ra vào chăm sóc hoa. Đúng ngày thay hoa, anh cảm thấy bồn chồn, hồi hộp rồi vui vui trong lòng - niềm vui khó tả. Anh chờ đợi, chờ đợi giây phút hạnh phúc nhất, dễ thương nhất mà ai đó đã dành riêng cho anh. Nhưng không. Một buổi tối, bên cửa sổ, ngồi chấm bài cho học sinh, anh say sưa, thích thú bởi một ý văn là lạ có phần phù hợp với tâm trạng mình ; bồi hồi, xúc động anh ngước mắt nhìn trời... Trăng thượng tuần sáng lắm. Ánh trăng phản chiếu lấp lánh trên những khóm Tường Vi của ngôi vườn bên cạnh tạo thành những vệt sáng dài có đuôi lấp lóa, nối tiếp nhau lúc ẩn lúc hiện rất đẹp tựa như mái tóc dài của một thiếu nữ đang tắm trăng. Thình lình, mờ mờ sau khóm Tường Vi xuất hiện gương mặt của một cô gái. Giật mình. Anh đứng phắt dậy. Hai tay bám vào song cửa, anh cố đưa người về phía trước nhìn cho rõ nhưng nhanh thật nhanh cô gái biến mất. Sững sờ giây lát, anh uể oải ngồi xuống ghế. Anh xếp bài làm của học sinh, không chấm nữa. Đó là thói quen rất nghiêm túc của anh. Không chấm bài cho học sinh khi tâm hồn không được thoải mái. Đêm đó anh không vào giấc ngủ được. Trở dậy, anh lấy cọ và giá vẽ. Thầy giáo nhưng anh còn có hoa tay về hội họa. Sau mấy giờ đồng hồ thăng hoa trên giá vẽ, tác phẩm tương đối hoàn thành vào lúc trời gần sáng. Đó là chân dung mờ mờ, ảo ảo của cô gái đêm qua trong ngôi vườn bên cạnh. Anh mãn nguyện nhìn bức tranh với tâm trạng buồn, vui đan xen. Bức tranh được treo cạnh bàn làm việc của anh, sát cửa sổ đối diện với ngôi vườn.

Sáng nay anh đến trường sớm hơn thường lệ, nhìn những tà áo trắng thấp thoáng trong sân trường anh vui và nhớ về ngày ấy. Hình ảnh của anh và cô láng giềng bên hàng chè tàu xanh. Anh có thích Tường Vi không ?. Lỡ lời, Tường Vi e thẹn, mặt đỏ hồng lên bối rối. Không, Tường Vi muốn hỏi anh Huân có thích hoa Tường Vi không để em tặng. Ừ, thích. Thích chứ, khi nào tặng, khi nào ?. Rồi như cảm thấy mình hơi vồn vã quá đáng, anh từ tốn. Anh Huân rất vui nếu được Tường Vi tặng hoa. Tình cảm nhẹ nhàng thoáng qua rất hồn nhiên với cô láng giềng thời sinh viên đã làm anh lưu luyến không nguôi. Tường Vi là một cô gái đẹp, duyên dáng, thùy mị. Những sáng , những trưa và lúc chiều về, anh thường đứng ngây người bên ni hàng chè tàu say sưa ngắm trộm nàng. Giây phút đó anh hạnh phúc vô cùng. Nhưng rồi tình cảm của anh cũng chỉ dừng ở đó. Rất ngại vì anh trai của Tường Vi là bạn học cùng lớp với anh và mẹ nàng thì xem anh như con... Tường Vi vẫn nở tươi trên bàn làm việc của anh. Mùi thơm vẫn nhẹ, tinh khiết. Anh rất mong được gặp chủ nhân của những đóa Tường Vi nhưng tuyệt nhiên không. Đã nhiều đêm liên tiếp, bên bàn làm việc, anh vẫn có ý chờ đợi sự xuất hiện trở lại của cô gái trong vườn hoa nhưng may mắn lần thứ hai không đến với anh. Buôn buồn anh hát thầm bài hát Cô láng giềng của Hoàng Quý, bản nhạc mà anh thích nhất thời sinh viên: " Tôi vui trời xuân đôi môi thắm. Đôi mắt trong đen màu hạt huyền. Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng. Xao xuyến nỗi niềm yêu. Cô láng giềng ơi ! Không biết cô còn nhớ đến tôi. Giây phút êm đềm ngày xưa kia khi còn ngây thơ... Năm xưa khi tôi bước chân ra đi. Đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi. Cô láng giềng ơi ! Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi. Chân bước xa xa dần miền quê... Cô láng giềng ơi !" . Anh mơ màng thả hồn theo khói thuốc bay trong đêm huyền, mắt dán chặt vào bức tranh Thiếu nữ dưới trăng. Gương mặt trái soan với đôi mắt đen, đẹp, buồn man mác như gửi gắm vào đó nỗi niềm riêng. Không hiểu vì sao anh lại vẽ đôi mắt cô gái buồn, buồn nhưng đẹp, đẹp lắm. Mái tóc dài tung trong gió rồi bất ngờ tỏa xuống khóm Tường Vi... Một hôm vào đúng ngày Tri ân thầy cô giáo, sau buổi lễ kỷ niệm ở trường về, ở bàn làm việc của anh sát cửa sổ có một bó hoa Tường Vi bọc trong giấy kiếng màu tím, không có tên người tặng. Hoa đẹp, trắng hồng, nõn nà, dịu dàng, trang nhã đầy kiêu hãnh. Kiêu hãnh như sự lánh mặt của chủ nhân. Anh ôm bó hoa , lòng bâng khuâng, đưa mắt hết nhìn hoa lại nhìn sững sờ vào bức tranh thiếu nữ. Em là ai sao lẫn tránh anh. Anh lịm dần trong thế giới tưởng tượng vô cùng phong phú của tâm hồn. Anh đàn, anh hát, huýt gió, dáng dấp điệu nghệ như một nghệ sĩ tài hoa. Anh đang rất hạnh phúc - hạnh phúc không có thật.

Mấy ngày nay anh bị bệnh. Lý do bệnh, đơn giản. Những đóa Tường Vi không còn đến với anh nữa. Anh buồn, rất buồn. Nỗi đau tâm hồn đang dằn vặt anh. Tâm bệnh. Mắt anh luôn để ở cửa sổ với niềm hy vọng mong manh. Anh phát hiện bức tranh thiếu nữ cũng không còn. Anh đoán chắc được thủ phạm rồi đưa mắt nhìn khoảng cách giữa những song cửa với tâm trạng vừa thương vừa giận, tiếc nhiều vì sẽ không bao giờ có được bức tranh thiếu nữ thứ hai xuất thần như vậy. Anh đau khổ mỉm cười. Nụ cười héo hắt.

Một buổi sáng. Trời Biên Hòa trong và mát. Bên ngoài cửa sổ nắng reo vui nhảy múa trên vườn xanh, mây trắng vươn nhẹ giữa trời. Tường Vi óng ánh trong sương mai. Anh mơ màng thả hồn theo tiếng gọi nhẹ , rất dễ thương cùa ai đó. Huân ơi, anh phải đứng đậy, học sinh đang chờ anh... Giật mình. Bóng ai đó lấp ló ở cửa sổ. Mừng rỡ, anh ngồi bật dậy chạy đến. Lại là ông lão giữ vườn của ngôi nhà bên cạnh. Ông rụt rè đến gần cửa sổ. "Thầy ơi, cô chủ tôi gởi". Ông lão ngừng nói, đưa tay lần túi áo rút ra một mảnh giấy xanh nho nhỏ trao cho anh. Tay run run, anh mở vội. Nét chữ nhỏ, dễ thương. "Tạm biệt anh. Xin anh tấm tranh" Tường Vi. Mắt anh hoa lên, mơ màng nhìn về khoảng trống chỗ treo bức tranh. Vội vàng anh đưa tay qua khung cửa nắm chặt cánh tay ông lão như sợ ông biến mất. Giọng anh lạt đi trong hơi thở dồn dập. Cô chủ của bác bao nhiêu tuổi?. Dạ, khoảng 30 nhưng cô còn trẻ lắm. Anh lẩm nhẩm , đôi mắt thất thần, ngờ nghệch , hồn thì ngu ngơ đáng yêu như thời sinh viên 19 tuổi. Ngậm ngùi, anh buộc miệng. Lẽ nào Tường Vi năm xưa???...

Một mùa xuân nữa lại về. Tiếng chim vẫn ríu ra ríu rít trong ngôi vườn bên cạnh. Hoa lá được trang điểm bằng những giọt sương mai óng a óng ánh gọi hồn. Anh thả hồn say sưa tình tự. Tường Vi vẫn nở tươi trong vườn. Lặng lẽ, kín đáo, e ấp thoảng hương nhẹ lãng du trong nắng sớm. Còn anh, anh đang trong một khoảng trời riêng êm đếm say sưa dẫn hồn mình lang thang về chốn cũ; nơi ấy có hàng chè tàu xanh um, một thời anh lãng đãng trong mơ. Cô láng giềng ơi! Cô láng giềng ơi! Bao giờ em trở lại?...

Bùi Kim Chi