Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập III : Huế từ phương xa 

Võ Quang Yến

***

22- KHÁCH HUẾ, TÌNH QUÊ TRÊN ĐỈNH NI SƠN

Phía nam Paris, vào khoảng 20km, nơi chia rẽ hai xa lộ đi Lyon Marseille và Nantes Bordeaux, khởi đầu một vùng yên tĩnh, không nhà máy ồn ào, ống khói bụi bặm, ít có thành phố-phòng ngủ với nhũng dãy nhà xếp hàng dài, cao, trơ trụi, vắng hồn như ở nhiều ngoại ô khác: thung lũng Chevreuse. Quanh Kinh thành Ánh sáng, trong miền mang tên Ile De France, đây có lẽ là vùng đẹp nhất, nơi lẫn lộn hài hòa những rặng đồi cây cao bóng mát với những bình nguyên đồng áng phì nhiêu. Đây cũng là nơi có tiếng nhất với những danh lam lịch sử như Dampierre, Breteuil, những tu viện như Vaux de Cernay, Port Royal des Champs,... và nhất là thành phố thời trung cổ đã hiến tên cho thung lũng, Chevreuse, từ một danh từ điền viên mà ra: capriosa nghĩa là " đồi dê ".

Từ thế kỷ XI, Chevreuse đã nổi tiếng với nhũng lãnh chúa gây rối, không chịu phục tùng vương triều và mãi đến thế kỷ XVI mới được vua François Đệ Nhất lập thành công tước cho bà ái phi Anne de Pisselieu. Sau khi lần lượt qua tay hồng y Charles de Lorraine rồi công tước De Guise, Chevreuse rơi vào tay bà Bá tước Marie de Rohan, một mỹ nhân đầy mánh khóe, rất gắn bó với Hoàng hậu Anne d'Autriche và lại chống đối các Hồng y Richelieu, Mazarin. Những ai thích Alexandre Dumas, đã từng đọc những truyện như Ba người ngự lâm pháo thủ thì có được một ý niệm đời sống lúc bấy giờ. Cháu bà Bá tước Chevreuse, Charles-Honoré de Luynes là một bạn thân học cùng trường với Jean Racine nên nhà văn viết hài kịch nầy, về sau cùng với Blaise Pascal trở thành những nhân vật nổi tiếng của Tu viện Port Royal des Champs, cũng đã có lại trú ở đây. Cũng vào thời kỳ ấy, một nhà văn khác, Hercule Savinier de Cyrano, lại sống ở Mesnil Saint Denis, cách xa không bao lăm. Bị thương trong lúc làm lính pháo thủ, ông rời binh mã đi học triết lý, toán học, viết nhiều tiểu luận độc đáo và được Edmond Rostand bất tử hóa thành Cyrano de Bergerac...

Một vùng hấp dẫn như vậy trong rất lâu được xem là quá xa xôi đối với những người phải đi làm việc ở Paris. Đường xe lửa Ligne des Sceaux, thành lập từ cuối thế kỷ XIX, dần dần kéo dài đến Orsay và Saint-Rémy-lès-Chevreuse, trở thành xe điện rồi nhập vào hệ thống tốc hành địa phương RER, cống hiến phương tiện đi lại dễ dàng, hợp lực với các xa lộ, biến miền nam xa xôi nầy thành vùng nhà ở, tiếp sức các ngoại ô gần Paris ngày càng quá đông đúc. Thật là chốn thiên đàng khi rời trung tâm Paris trong phòng giấy nóng nực, trên lề đường ồn ào, rồi giữa xa lộ với những dãy xe dài nối đuôi xếp hàng, phun tỏa khí độc..., trở về đây giữa rừng lá um tùm, cây sồi, cây dẻ, bu lô, tần bì phủ bóng sum sê. Những vùng đồi nầy nhấp nhô quanh một con sông nhỏ, có chỗ tưởng chừng như có thể lấy đà nhảy qua, lại mang tên một cô gái.

Con sông Yvette nhỏ xinh xinh
Em chảy ở đâu chẳng thấy mình?
Vì vậy chẳng ai thấy lạ khi đọc những tên Villebon-sur-Yvette, Bures-sur-Yvette, Gif-sur-Yvette... trong bản đồ hay trên các bảng chỉ đường. Bắt nguồn từ Les Layes ở xã Les Essarts-le-Roi, phía tây, nó được một con suối đẹp vượt qua nhiều ghềnh ở Vaux de Cernay lại hợp lực trước khi chạy dọc theo thung lũng về phía đông để đổ vào con sông Orge.

Villebon-sur-Yvette, thị xã đầu mút phía đông, có thể xem như là ngưỡng cửa thung lũng. Nơi đây, ở lưng chừng đồi, hướng mặt về phía đông bắc, đủ cao để có thể phóng tầm mắt ra xa, là nơi tọa lạc Trúc Lâm Thiền viện. Cố Hòa thượng Thích Thiện Châu cùng ni sư Thích Mạn Đà La và Thượng tọa Thích Phước Đường với sự góp sức của Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp và đông đúc Việt Kiều, đặc biệt kiến trúc sư Phạm Ngọc Tới, trong hơn mười năm đã chạy kiếm tiền của, tốn hao bao nhiêu công sức, đã thành công xây dựng một ngôi chùa Phật giáo độc đáo so với những chùa khác trong vùng thường là những nhà ở sửa sang lại thành nơi thừa tự. Trong khuôn khổ giáo phái Lâm Tế, chùa là nơi hỗn hợp hài hòa Bắc tông và Nam Tông. Thầy Thiện Châu quê gốc làng Chuồn, dòng dõi Hồ Đắc, đã đặt tên ngọn đồi nầy là Hoàng Vân Sơn, có lẽ sau những buổi chiều vàng ngồi trước Mai Am nhìn trời ngắm mây nhớ về cố quận.

Hoàng Vân Sơn nắng chiều vàng nhạt,
Hàng trúc lao xao chốn lặng trầm.
Ngày nay thầy đã thành người thiên cổ. Mấy năm trước, lúc thầy mới bị bệnh nằm ở nhà thương, tôi ghé lại thăm, nghe cô khán hộ cứ tấm tắc khen mãi: " Ông bệnh nhân nầy rèn luyện hồi phục giỏi quá, chỉ có mấy ngày mà tiến bộ quá chừng! ". Cô không hay một nhà tu hành quen phép thiền định, biết kiểm tra cơ thể, tập trung tư tưỏng thì có thể đạt kết quả quá mức người thường. Biết tôi sắp về hưu, thầy bảo tôi lại giúp thầy một tay. Khi nghe tôi thưa không biết gì về Phật giáo, thầy nhìn tôi gật đầu: " Anh là phật tử mà anh không biết đấy ". Lời thầy dạy không biết thiệt hay giỡn đã làm tôi thao thức nhiều đêm. Thầy nhắm mắt vừa khi ngắm được vườn chùa mở rộng, cây hoa trồng đầy, Đức Quan Âm đưa vào trong động, nhờ công lao và tài năng của các tăng sĩ trẻ bên nhà mới qua. Những lủng củng nội bộ hiện nay chứng minh đức tính của thầy và chuyến về cõi Phật của vị sáng lập trù trì chùa là một mất mát lớn không những cho chùa mà còn cho các phật tử.

Cuối năm học qua, vừa mới chớm nở một cuộc trao đổi giữa hai lớp mẫu giáo ở Huế và Villebon. Thư từ, phim ảnh, hình vẽ học sinh đã có qua lại. Trong chương trình giới thiệu đất nước Việt Nam với các em, nhiều buổi nói chuyện, chiếu hình đã được tổ chức tại lớp và trước khi trường đóng cửa nghỉ hè, các em đã được các cô gíáo dẫn lên viếng chùa Trúc Lâm, được các thầy đón tiếp ân cần. Đây là một dịp để các em và các cô giáo lãnh hội vài kiến thức về văn hóa, đạo giáo nước ta.

Tiếp liền với Villebon là thị xã Orsay. Chính ở bệnh viện thành phố nầy mà bác Hoàng Xuân Hãn đã ra đi cách đây ba năm. Orsay có viện Đại học Paris XI, rất nổi tiếng về vật lý học, xây cất trong một cánh đồi mà các kiến trúc sư đẵ khéo biết giữ các cây cao rợp bóng cùng những tảng đá khổng lồ để biến thành một công viên đẹp đẽ, mát mẻ quanh các phòng giấy, thư viện, các phòng thí nghiệm, cư xá sinh viên. Viện Đại học nầy từ lâu đã kết nghĩa với hai trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ nên thực tập sinh một dạo đã qua đây khá nhiều. Người Việt thường tự hào nền móng máy vi tính nhỏ đầu tiên Micral N, đã được một nhà tin học Việt Nam, anh Trương Trọng Thi, xây dựng ở gần đây (Châtenay-Malabry rồi Les Ulis), trong Công ty Thực hiện Khảo cứu Điện tử R2E, năm 1972-73, trước cả Microsoft (1975) và Apple (1976). Năm 1994, thị xã tổ chức một tuần lễ Việt Nam với sự tham dự của giáo sư Trần Văn Khê, một cuộc triển lãm tranh hai của họa sĩ trẻ Sơn Lâm, Vũ Hòa, những đêm nhạc với nữ nghệ sĩ Quỳnh Hạnh và ban Phượng ca Dân ca Quốc nhạc của chị Phương Oanh, kịch với vở Việt Nam của tôi của tác giả Meryn Hack, những bàn tròn về huyền thoại do Vincent Tonvan và Sean James Rose điều khiển, về kinh tế qua lời trình bày của chị Ngô Thị Cúc. Ngoài ra còn có biểu diễn Việt võ đạo và Thái cực quyền, nhóm dân tộc Thần Phong, múa lân, ăn cơm Việt, kể chuyện cổ tích,...

Orsay hình thành với Jouy-en-Josas và Gif-sur-Yvette một khu tam giác vô cùng trí thức, thường được gọi đùa là Silicon Valley của Pháp. Ngoài Orsay với viện Đại học, Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Nông học INRA, Trung tâm Khảo cứu Thomson, Jouy-en-Josas có Trường Cao học Thương mãi HEC, Trung tâm khảo cứu Matras, Gif có Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học CNRS. Ở giữa ba thị xã nầy, trên bình nguyên Saclay có Trường Bách Khoa (Ecole Polytechnique, thường được gọi tắc là X), Trường Cao đẳng Điện học (Ecole Supérieure d'Electricité hay Sup.Elect.), Trung tâm Nguyên tử lực CEA, Trung tâm Khảo cứu Nguyên tử CEA-CEN. Dưới mép bờ sông, trong khu vườn Bois Marie, có Viện Cao cấp Khoa học IHES, đặc biệt không nhận sinh viên mà là dành cho những thiên tài toán học và vật lý học đã hay sắp được thưởng huy chương Field coi như là giải Nobel toán học. Mấy năm sau nầy, Trường Bách Khoa có chương trình hợp tác với các trường đại học Việt Nam nên có nhiều sinh viên Việt Nam qua đây hoặc vào học trong trường hoặc dự thảo luận án tiến sĩ trong các phòng thí nghiệm, lúc đầu với sự hỗ trợ của Hội Cam Tuyền do bác Hoàng Xuân Hãn, cựu sinh viên, sáng lập. Ở trung tâm CNRS, đặc biệt ở Viện Hóa học các Chất thiên nhiên ICSN, những chương trình hợp tác đã vận dụng từ lâu và cuộc trao đổi giáo sư, sinh viên giữa Việt Nam với Pháp rất phong phú. Những Giáo sư, Viện trưởng Guy Ourisson, Pierre Potier đã nhiều lần đi công tác ở Sài Gòn, Hà Nội. Cũng cần nhắc là lúc sinh thời, Giáo sư Bửu Hội đã công tác những năm cuối đời ở đây cùng như Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tâm, người đã bảo vệ luận án về dầu cà cuống, một đề tài sau nầy được Tiến sĩ Nguyễn Đạt Xường tiếp tục khảo cứu. Gif còn là một ký ức của lịch sử nước ta. Chính ở thị xã nầy, trong ngôi nhà cũ của họa sĩ Fernand Léger, được chi bộ đảng Cộng sản Pháp cho mượn, hai chính khách Lê Đức Thọ và Henri Kissinger khoảng 1972 đã nhiều lần bí mật gặp nhau để chuẩn bị hội đàm Kléber, chấm dứt cuộc chiến tranh Việt - Mỹ. Gần cái nhà nầy là trụ sở Hội Cứu trợ Con trẻ Aide à l'Enfance du Vietnam mà hai anh chị Trần Thanh Vân đã là những người tích cực thành lập và hoạt động từ mấy chục năm nay với những làng trẻ mồ côi xây dựng ở nhiều nơi bên ta.

Thị xã Bures-sur-Yvette nằm trên trục xuyên qua thung lũng Chevreuse, thu mình giữa Orsay, Gif và Les Ulis. Đây là nơi gặp gỡ thung lũng ấy và một thung lũng nằm dọc theo con đường cũ chạy về Chartres. Trên đỉnh ngọn đồi vươn cao trên hai thung lũng, thấp thoáng giữa rừng cây cao là Hắc Ký Ni Sơn, nơi chúng tôi ở. Anh bạn Tạ Trọng Hiệp, chuyên gia Hán Nôm nay đã quá cố, hôm lại nhà thăm, hỏi sao đặt tên dài vậy. Tôi giải thích người bản xứ gọi Plateau de la Hacquinière thì tôi phải phiên cho sát âm, chỉ đằng sau cuối từ Sơn thay vần ière vừa để Việt hóa vừa đưa thêm ý niệm núi, đồi. Vả lại thế giới có Hy Mã Lạp Sơn, có ai cho dài đâu. Thật ra, tôi cũng có gan lắm mới dám so sánh hai tên nầy, nhưng nghĩ kỹ, chúng là hai đối tượng: một bên quá 8000 thước là dãy núi cực kỳ cao, bên kia xấp xỉ 150m là đỉnh đồi cực kỳ thấp. Đồi nầy chỉ có thể đối chiếu với các núi Huế.

Dù không cao lắm, mùa đông tuyết rơi, xe cộ cũng khó leo lên. Có những năm tuyết nhiều, có thể trượt việt dã trong vùng đến vài chục cây số. Về mùa nầy, cây cành trụi lá, đêm tối như mực, từ trên nhìn xuống thấy đèn nhà nhấp nháy tưởng như mình đang ngắm đèn đánh cá ngoài biển khơi xa hay trông trời đầy sao sáng.

Tối đến nhìn quanh trông giống biển,
Đèn nhô nhấp tỏ tựa trời sao.
Khi đông qua, xuân lại, thường có chim chóc véo von suốt ngày, nhất là vào mùa tình ái, chúng ríu rắt mải miết tìm nhau. Thỉnh thoảng, mấy chú sóc tung tăng nhảy vọt kiếm ăn từ cành nầy qua cây nọ. Mấy năm đầu vừa mới lại đây, về đêm khuya vắng, trong ánh đèn pha xe hơi, chúng tôi mục kích được cả một bầy thỏ rừng lũ lượt kéo nhau qua đường. Nhưng đấy là chuyện xưa. Mấy chục năm đã qua, láng diềng lục đục lại đốn cây xây nhà, chim chóc, sóc, thỏ hết còn chỗ nương tựa, dần dần rủ nhau bỏ đi nơi khác.

Như Hoàng Vân Sơn, cách đây mấy chục năm, lúc chúng tôi về đây mua đất, đồi nầy còn hoang dại, cây cối um tùm, chưa có tiện nghi cần thiết, tôi và hai đứa con trai luôn mấy tuần ra tay đào bới, xây đắp một con đường đất nhỏ đủ cho xe hơi chạy vào. Có bạn hỏi sao lại đi tìm nơi khỉ ho cò gáy như vậy. Xin thưa : dễ hiểu quá, không hưởng gia tài cha mẹ, không trúng số độc đắc, với đồng lương nhà nước, vay mượn nhà băng, chúng tôi chỉ có thể đạt được các mảnh đất tương đối rẻ tiền nầy. Điện nước bắt xong là phải hì hục xây cất. Thì giờ hiếm hoi, kỹ thuật thiếu kém, phải có gan lắm mới dám xông vào một công việc lớn lao như việc xây nhà. Người Pháp có câu : qui ne risque rien n'a rien, có thể hiểu là không có gan làm thì chẳng được gì! Hồi đó ở Pháp có Hội Castor (Hải ly), theo nguyên tắc, có nhiệm vụ giúp đỡ, dìu dắt kẻ nghiệp dư, tài chánh ít, kỹ thuật kém nhưng có tính tháo vát, nhiều thiện chí, không thiếu can đảm, muốn tự xây nhà. Lúc đầu, Hội đã giúp chúng tôi kêu thợ đặt móng, dựng tường, lắp rường, lợp ngói, rồi....họ bỏ quên mình! Nhưng đã bắt đầu thì phải tiếp tục. Không phải trong nghề, chúng tôi tự làm thầu khoán, phải vất vả chạy tìm thợ phết vôi, lắp cửa, ráp ống nước, lát sàn gạch, rồi sơn trong sơn ngoài,... thực hiện những công việc cần thiết nhất để có thể vào ở. Sau đó, tùy tài chánh, thì giờ, dần dần bổ túc cho hoàn hảo. Tôi còn nhớ có anh sinh viên trong phòng thí nghiệm lại giúp dạy tôi cưa gỗ, dán giấy,... Nhà tôi, một nội trợ đảm đương, bắt tay lo liệu mọi trang hoàng, sắp đặt bên trong. Cái sân hiên quanh nhà, chúng tôi mới làm xong năm ngoái, mấy chục năm sau!

Nhà tự xây có cái lợi là mình tự vẽ bản đồ, tất nhiên tự do quyết định diện tích, số phòng,... sắp đặt làm sao cho vừa ý mà không quá đắt. Một bất ngờ lý thú là giá cả vật liệu mua số lớn được tính theo giá thầu khoán, bớt được nhiều phần trăm. Ngoài con cháu, chúng tôi xây nhà tương đối lớn khi nghĩ đến bà con, bạn bè từ xa lại có chỗ ghé chân. Vì vậy, những năm còn sung sức, chúng tôi thường hay có khách đông đúc. Chẳng hạn, khi nhà tôi theo học lớp Việt học ở viện Đại học Paris VII, chúng tôi tổ chức hằng năm bữa cơm trước hè, tụ họp thầy trò trong bầu không khí vui tươi, thân mật dù không có ve sầu, phượng đỏ. Trong một dịp nầy, chúng tôi đã được tiếp đón ca sĩ Lệ Thu với giọng hát nồng ấm, rồi cô sinh viên Michiko Yoshii với cây đàn ghi ta, tha thướt trong chiếc áo kimono xứ Phù Tang, năm cô trình bày luận văn về nhạc Trịnh Công Sơn. Cũng nhớ hồi cưới nhau, chúng tôi là những sinh viên quá nghèo để làm tiệc chiêu đãi, qua kỷ niệm 25 năm, chúng tôi mới tổ chức liên hoan đánh dấu một bước tiến trên đường đời. Nhiều bạn đang chờ đợi lễ kỷ niệm 50 năm sắp tới. Tấp nập nhất là những năm tôi làm hội trưởng Hội Người Yêu Huế. Từ nhà nầy qua nhà khác, ban trị sự Hội thuờng nhóm trước hay sau bửa ăn. Nhà chúng tôi nhiều lần được tiếp đón Hội. Trước ngày Quốc học 100 năm, nhân chuyến qua Pháp của Giáo sư Hoàng Nhân, một cuộc gặp mặt thân mật những cựu học sinh đã được tổ chức tại nhà chúng tôi. Mười mấy anh chị em quây quần vui vẻ, để lại một tấm hình đăng trong tập Người Sông Hương, chỉ tiếc vì nhiều lý do, không cùng nhau kết hợp về dự hội trường được.

Nếu bên nhà thường nhắn nhủ mỗi người Việt ra đi nước ngoài là một vị đại sứ, có bạn đùa bảo nhà chúng tôi là sứ quán Huế ở Paris. Thật vậy, ngoại trừ các vị trong các ủy ban, hội đồng quá bận công việc, không có vài phút kêu giây nói hỏi thăm sức khoẻ nửa là lại thăm, rất nhiều công chức, giáo sư đi công tác, bác sĩ, kỹ sư qua tu nghiệp, họa sĩ được mời triển lãm, sinh viên trên đường đi thực tập, bổ túc, không những từ Huế mà còn cả từ Hà Nội, Sài Gòn, đều có ghé qua, kẻ mau, người lâu. Trong buổi đầu tiếp xúc với đời sống hằng ngày, đây là dịp sử dụng dao nĩa, thử nếm mùi ly rượu nồng hay miếng phó mát cay, một dịp để làm quen với tục lệ gia đình trên đất Pháp. Thường mấy họa sĩ có nhã ý để lại biếu tặng tranh vẽ góp phần tô điểm không khí quê hương dưới mái nhà chúng tôi. Đặc biệt hôm họa sĩ Bửu Chỉ lại nhà ăn cơm, anh cao hứng vẽ cho con gái tôi sáu bức chân dung. Thật ra hôm ấy anh uống nhiều hơn ăn. Thiếu dụng cụ, anh lấy rượu trắng hòa với bút bi để thực hiện. Đường vẽ biến chuyển rõ ràng với thời gian, từ bức tranh nầy qua bức tranh sau. Qua bức thứ sáu, nét mặt người trong tranh trở nên già dặn, khác hẳn với cô mẫu ở tuổi đôi mươi. Anh bạn Đào Hùng, có mặt hôm ấy, thả một câu bông lơn: " Nó nhìn con anh mà vẽ người khác rồi đó! " May mắn thay người phụ nữ trong tranh. Về Huế chúng tôi được các anh chị ở trường Đại học Y khoa cũng như các anh bên trường Đại học Nghệ thuật ân cần tiếp đón, tổ chức cho đi xem lăng, nghe hát đò. Rất tiếc không gặp được tất cả những bạn đã từng quen ở Pháp, có khi chỉ gặp bất ngờ hay có anh ghé qua nhà khách thăm vài phút, trên đường đi chơi thể thao về. Nhà tôi không khỏi đặt câu hỏi những bạn quen đã lại nhà mình có còn ở Huế không?

Trong số các bác sĩ qua thực tập có một anh nhạc sĩ trẻ tuổi. Anh yêu cầu tôi trao cho anh vài bài thơ để anh phổ nhạc. Thật tôi thỉnh thoảng có thả vài vần nhưng mục đích để gởi gắm lòng mình, chỉ giữ riêng cho tôi và gia đình, ít đưa phổ biến. Cách đây mấy năm, có người cháu ở Sài Gòn, trong tinh thần gia đình, phổ nhạc bài thơ Nhớ thôn Mỹ của tôi và sau đó, để nâng cao điệu nhạc, cậy một ca sĩ trình diễn trong một đêm văn nghệ bạn bè ở Huế.

Sông Ô Lâu cuộn sóng xuôi dòng,
Sau rặng tre dòng nước uốn quanh.
Bản nhạc được ưa thích làm tôi được thơm lây và khuyến khích tôi bạo dạn trao cho anh bài Về làm dâu Huế, kỷ niệm chuyến về thăm quê chồng lần đầu tiên của nhà tôi. Vài hôm sau, qua giây nói, anh ngâm nga cho tôi nghe những làn điệu đầu tiên. Điệu nhạc tình quê, nghe thấu tâm can, tôi mừng thầm gặp người tri kỷ và hẹn ngày trình diễn trong một cuộc gặp mặt thân mật trước khi các anh về nước.
Em theo anh về thăm thôn Mỹ
Làng Hói quê giăng lưới thả câu.
Nhưng đùng một cái, bặt tin luôn, không một lời giải thích, không một tiếng chia tay. Có lẽ ngày nay thơ tôi nằm trong sọt rác nào hay được ngâm nga đâu đây mà tôi không biết. Đến bây giờ tôi vẫn luôn không hiểu, thắc mắc mình đã làm gì sai và lại có phần hổ thẹn, tóc bạc đầu người chưa biết xem mặt gởi lòng.

Nhưng sau con mưa thì trời hửng nắng. Vui nhộn nhất là hôm đoàn trường Đại học Nghệ thuật Huế qua Pháp trình diễn ở UNESCO. Hơn 20 nhạc sĩ, nhạc công, cả thầy lẫn trò cùng các bạn Pháp trong tổ chức CODEV tháp tùng, lại nhà ăn cơm tối sau một ngày tham quan Paris. Chiếc xe ca quá lớn, không vào được con đường nhỏ nhà tôi, phải đậu xa. Thế là cả đoàn, người mang đàn, kẻ khiêng trống, lục tục kéo bộ đến nhà. Trời hè nóng ấm, nhà cửa mở tung. Những bạn Huế trong vùng, người món ăn, kẻ chai rượu, rủ nhau lại chia vui. Ca sĩ Quỳnh Tư, nhạc sĩ Thanh Hoài cũng đem tiếng đàn, giọng hát lại phụ họa. ăn chỉ là vào đề, đàn hát mới là nhập cuộc. Đặc biệt mấy thầy cũng tự động cho nghe những bài ca ngoài chương trình chính thức, gây lên những trận cười náo nhiệt, những tràng vổ tay vang dậy trong đêm thâu. May mà vườn nhà rộng rãi, chẳng có phiền ai. Không khí thật vui vẻ, hồn nhiên, mãi mãi khó quên. Tôi còn xúc động mỗi khi nghe lại băng cát xét thu thanh hôm đó.

Thỉnh thoảng cũng có một vài vụ khách hụt. Thứ nhất là một nhạc sĩ. Anh bạn nầy có tiếng thích uống hơn ăn. Nhà tôi hoảng sợ vì không những không sành nấu các món Việt Nam lại càng ít biết soạn thức nhắm rượu kiểu Á Đông. Thế là phải chạy hỏi lung tung. Hôm trước ngày tiếp khách, tôi gọi giây nói lại nhắc thì được biết anh đi chơi về tỉnh mất rồi. Không có sổ tay như nhiều người Việt qua đây, anh đã quên lửng ngày hẹn. Thứ nhì là một nhà văn. Anh đến Paris vào hôm chúng tôi phải đi vắng, nhưng sẽ trở về một tuần trước khi anh rời Pháp. Anh hứa sẽ để dành trọn một ngày cho chúng tôi để mặc sức hàn huyên. Đi về, tôi gọi giây nói khắp nơi mới bắt được anh: anh đã có chương trình tất cả những ngày còn lại. Chắc anh cũng chẳng có sổ tay. Anh hẹn lần sau trở lại Paris. Với tình hình sức khỏe hiện nay, tôi không hy vọng anh lại có dịp lên đường Tây du. Thứ ba là một nhà báo. Anh bạn nầy đã có người dẫn lại nhà một lần. Lần nầy giao hẹn là anh lấy tàu điện lại ga rồi gọi giây nói tôi lấy xe hơi ra đón. Trưa hôm chủ nhật ấy, cơm nước dọn xong, chúng tôi ngồi đợi suốt chiều. Sau nầy mới biết anh có lại đúng ga, có gọi giây nói, có để lại thông điệp anh đang đứng đợi ngoài ga, nhưng anh không biết số điện thoại sai. Tội nghiệp, trưa hôm ấy, anh ăn ổ bánh mì, uống ly cà phê bên quán cạnh ga và lủi thủi ra về. Chắc anh cũng tự hỏi tại sao người mời không có mặt ở nhà. Hẹn lần sau vậy.

Đáng tiếc hơn nữa là chuyện một anh bạn học cùng lớp hơn một nửa thế kỷ trước, nay còn ở Huế. Hồi ấy anh ta cùng tôi và ba người bạn nữa đáp tàu lửa vô Sài Gòn nhập học Trường Vô tuyến điện. Lần đầu tiên cả bọn xa gia đình, rời thành phố thân yêu. Trong lòng nặng một mối u sầu, chúng tôi quây quần trên hành lang toa cuối tàu. Anh bạn giỏi thổi sáo, đã réo rắt cho nghe những khúc nhạc não nùng làm ai nấy đều ràn rụa nước mắt. Sau nầy mới biết nỗi buồn tạm biệt anh gởi về người bạn gái để lại quê nhà. Thế rồi mỗi người một ngả, gần 40 năm sau chúng tôi mới lại gặp nhau ở Huế, vui mừng khôn xiết. Vậy mà trong chuyến về Huế vừa qua, chúng tôi hết còn dịp chia sẻ chén trà xanh, ly nước ngọt như mọi lần trước. Và khi biết vợ chồng anh lên đường qua Pháp, chúng tôi đợi mãi một cuôc viếng thăm đất Hắc Ký Ni Sơn. Thời buổi làm ăn khó khăn chắc đã chiếm đoạt thì giờ và ít nhiều cũng đã thay đổi lòng người. Nhớ lại Lưu Bình, Dương Lễ chỉ là một chuyện đời xưa, lãng mạn như một sự tích, luân lý như một bài học cho con trẻ.

Nhưng đừng tưởng các bạn Huế là những người thờ ơ, vô tình. Vừa rồi, chúng tôi vui mừng nhận được hai bài báo nhắc đến chúng tôi: bài Nàng dâu Tây của Huế do nhà báo Trần Công Tấn viết đăng ở các báo Phụ nữ, Sông Hương, bài Gặp gỡ ở Pháp của nhà giáo Thân Trọng Ninh gởi tờ Đại Đoàn Kết. Hai bạn đã không quên những giây phút thoải mái dưới mái nhà chúng tôi và quá lời khen ngợi. Xin đa tạ. Có chủ nhà nào mà không vui thích, hân hoan khi được khách tỏ ý bằng lòng sau khi ra về. Và đó là món quà tinh thần vô cùng quý báu cho kẻ hiếu khách.

Tôi xa Huế lâu năm nhưng thấy như mối tình tha thiết, sâu đậm với quê hương vẫn không hao mòn. Tôi không phải là người độc nhất tình cảm như vậy. Có người bảo đó là tính cách Huế. Thái độ của người Huế tha hương là như vậy, còn cư xử của người Huế thì ra sao? Người Huế bên nhà qua ghé thăm đối với chúng tôi là sợi dây liên lạc với đất nước nhưng vui thích hơn là tự mình được về đạp đất quê nhà. Trước kia, chúng tôi dự định nghỉ hưu thì về Huế nhiều hơn, lâu hơn. Bây giờ sao thấy khó thực hiện quá. Cũng may cái nhà ở Ni Sơn là một mảnh đất Huế, đất Việt Nam, tuy nhỏ nhưng đậm đà tình quê hương đất mẹ.

Nhà tôi ở mút ngọn đồi cao
Cây cối sum sê bóng dạt dào...
Hắc Ký Ni Sơn những ngày cuối thế kỷ XX
Huế Xưa và Nay 36-37 2000

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]