Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập III : Huế từ phương xa 

Võ Quang Yến

***

21- HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA HUẾ GIỮA LÒNG PARIS

Mùa xuân năm nay về Huế, chúng tôi ngậm ngùi đi thăm hai nhân sĩ trong phòng bệnh: Chị Điềm Phùng Thị ngồi xe lăn và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nằm liệt giường. Chỉ gần đây thôi, cả hai người còn đang xông xáo, chị Cúc ở nhà triển lãm tác phẩm đường Phan Bội Châu, anh Tường bên phương trời Tây xa thẳm.

Ở Pháp ai mà không biết hình tượng sắp ghép và vật đeo dây chuyền của Điềm Phùng Thị. Tuổi gần 80, chị du học bên Pháp hơn nữa thế kỷ nay. Theo kiểu người Âu, chị đã chập lại với nhau tên chị, Phùng Thị Cúc, và tên chồng, anh Bửu Điềm, để ký những tác phẩm điêu khắc, chạm trổ, hội họa, cắt dán cũng những đồ nữ trang chị chế tạo. Ngoài những hình tượng trình bày ở các công trường, những sân trường mẫu giáo, những cuộc triển lãm lưu động, tập thể hay cá nhân, từ 1961, ở Việt Nam cũng như ở Âu Châu, thường khách được mời xem các tác phẩm ở nhà riêng tại Paris, quận 14, đường Montsouris, hay ở xưởng chạm tại Vallauris, trên bờ Địa Trung Hải. Sau nầy, anh chị dời nhà về Fontenay-au-Roses, ngoại ô nam Paris. Mặc dầu trái ngả đường, khách khứa luôn đông đúc. Người nào gặp chị, nhất là khách nước ngoài, không thể ngờ với một thân hình mảnh khảnh kia, chị dám tấn công những tảng đá khổng lồ, cứng rắn như kim loại, dũa gọt thành những bức tượng bất hủ. Nghe anh Điềm kể chuyện, có lần thương hại vợ, anh ra tay làm giúp nhưng chẳng chạm được bao lăm. Nếu biết thêm chị Cúc, như anh Điềm, xuất thân là một bác sĩ nha khoa thì ta không sao không khâm phục được một cuộc đổi hướng can đảm và thành công kia.

Chị giải thích: " Khi tôi chạm trổ hay khi tôi viết những dòng nầy, tôi chẳng làm gì khác hơn là đeo đuổi một nhu cầu, nhu cầu giải phóng cho tôi, hay hơn nữa, nhu cầu xin thứ lỗi cho tôi,... Hình ảnh bom đạn, làng cháy, cảnh trí tra tấn, chết chóc được tường thuật, trình bày trên báo chí, đài truyền hình thành như cơm bửa của chúng tôi. Làm sao không kích động được trước các tàn bạo kia khi ta là một con người, và hơn nữa khi là người Việt Nam, ta cảm thấy bị tổn thương đến thịt, đến máu. Hơn một lần, chúng tôi tự thấy xấu hổ vì chỉ là những khán giả bất lực và phạm tội ấy gây nên một thảm kịch cho nhiều người trong chúng tôi..." Thế rồi, cũng theo lời chị kể, một hôm tình cờ chị lọt vào một xưởng điêu khắc. Một đống đất sét, mặc sức tạo hình. Sau đất sét, còn có thạch cao, gỗ, đá, chị say sưa uốn nặn, chạm trổ, làm việc ngày càng nhiều, chỉ dừng khi hết còn sức. " Tự đày đọa như vậy, tôi cảm thấy gần những người thân thích tôi, xem như tôi đã dự vào đời sống của họ, chia sẻ dù chỉ phần nhỏ những khổ sở và khó khăn của họ..." Tuy phát xuất từ đau khổ, tác phẩm của chị " rực rỡ niềm vui. Các hình tượng của chị phun vọt ra như một cuồng nhiệt hoa, xuân, như những cuộc hành lễ đức tin và đời sống,... Điềm Phùng Thị cống hiến những phương trời hài hòa và những tín hiệu hạnh phúc. Đấy phải chăng là cao vọng thầm kín của mọi sáng tác?..." (Marc Gaillard, 1987) " Phương Đông và phương Tây, cổ điển và hiện tại, nghệ thuật Điềm Phùng Thị đã chứng tỏ khả năng siêu ngôn ngữ để truyền đạt những thông điệp của nhà nghệ sĩ đến mọi người và ở mọi nơi " (Hoàng Phủ Ngọc Tường, 1995). Luôn hướng mắt về quê hương, không ai ngạc nhiên khi chị muốn quay về lại nguồn cuội, cùng với hội Những người bạn của Điềm Phùng Thị xây dựng nhà triển lãm tác phẩm ngay tại thành phố thân yêu của mình sau khi được quốc tế nhìn nhận qua Từ điển Larousse, Nghệ thuật thế kỷ XX (1991) hay viện Hàn lâm Khoa học và Văn học Nghệ thuật Âu châu (1993). " Khi sáng tác tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ. Tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa. Tôi trao lại các bạn, hoặc đúng hơn nói theo cách của Bissière, tôi trao tôi cho các bạn".

Trong lúc ngôi sao Điềm Phùng Thị sáng tỏa bầu trời thì một nữ sĩ quê Huế khác cũng mọc lên trong văn đàn Paris: chị Thân Thị Ngọc Quế, tức Thanh Thanh, Huyền Chân Ảnh, pháp danh Tâm Mãn. Xấp xỉ tuổi chị Cúc, theo tôi biết, chị chỉ nhập làng thơ gần đây thôi, vào buổi nhàn hạ, cuộc sống đã sắp đặt ổn thỏa. Cách đây hơn mười năm, nhân tình cờ đọc bài Về thăm quê của tôi đăng trong tạp chí Sông Hương sau khi đi Huế dự Lễ hội 90 năm trường Quốc Học về, có lẽ nhận thấy tình cảm của tôi đối với Huế không mấy khác tâm tư của mình, chị Quế nhắn tin muốn gặp và làm quen với tôi. Sau đấy, tôi hân hạnh được chị trao tặng những bản thảo tập thơ đầu tiên của chị mà hiện nay tôi giữ như một bảo vật. Thi tập Giọt nước cành sen chuẩn bị từ 1988 ở Paris mãi hai năm sau mới ra đời ở Huế. Thơ chị nhẹ nhàng, êm dịu như cô gái sông Hương mà một thuở nào chị là người điển hình. Nghe nói hồi ấy, họa sĩ Mai Thứ từng bảo: " Ai muốn xem người đẹp cứ tìm lại gặp Ngọc Quế ". Bạn đọc có thể có một ý niệm khi xem hình cô gái dễ thương ấy trong trang sau cuốn Giọt nước cành sen. May mắn hơn, bạn có thể chiêm ngưỡng dung nhan trong một bức tranh màu lớn trưng bày tại nhà riêng ở Sài Gòn, đường Lê Thị Riêng. Ngày nay, giọng chị vẫn còn thanh trong như thơ chị. Chưa gặp mặt, qua dây nói, cứ tưởng mình đang trò chuyện với một cô nữ sinh Đồng Khánh, mái tóc thề nghiêng che sau chiếc nón bài thơ. Rồi hôm lên thăm nhà thờ Thân Trọng trên Nguyệt Biều, đi với chị trên con đường làng phủ tre bóng mát, tôi hình dung dễ dàng cô nữ sinh nhí nhảnh làm hoa mắt anh chàng sinh viên trường thuốc, thầy dạy học kèm trong kỳ nghỉ hè, hồn nhiên vui vẻ trong cánh đồng quê, chứa chan một mối tình ngây thơ, lãng mạn. Hồn thơ lai láng, tuổi trẻ mộng mơ, một ngày kia chắc thế nào cũng sẽ được phát giác những bài tâm can tình cảm, đánh dấu một thời tiền chiến đầy ước mơ, mộng tưởng.

Giờ đây, thơ chị phát xuất từ một " câu chuyện hội ngộ giữa một trái tim đa tình với một chữ Không tinh quái. Giọt nước cành sen không phải là một tập thơ đạo. Nhưng ý thiền đi vào thơ như hương sen thoảng mặt hồ " (Cao Huy Thuần, Tựa). Phần tôi thì cám ơn chị không những đã cho theo dõi từ khi tập thơ chưa thành hình mà còn dành cho tờ Thư liên lạc Hội người yêu Huế bài Mùa hoa phượng trước khi cả tập thơ ra đời:

Mái trường xưa xa quá
Mãi muôn trùng khói sương
Vần thơ nào lưu luyến
Gửi về một quê hương.
Như để thu gỡ thời gian, chị liên tục cho ra nhiều thi tập khác, cuốn nào cũng do đức phu quân bác sĩ Dương Cẩm Chương vẽ bìa hay minh họa với các phụ bản thực hiện ở Việt Nam hay ngay ở Huế: Thơ gửi muôn trùng (1990), Mây trắng đường về (1990), Trắng cả hoàng hôn (1990), Đường lên đỉnh biếc (1991), Về cỏi trăng khơi (1992), Ngọn cỏ mặt trời (1993), Tuyết mùa viễn xứ (1994), Tìm trong các bụi (1994), Còn vang trong gió (1995). Trong tập thơ cuối cùng tôi được anh Chương đề tặng dày đến 500 trang, gồm có, ngoài thơ của chị, những bài xướng họa, cảm tác, nối tiếp,... của thi hữu bốn phương, của chư vị tôn túc (những bản nhạc thì đã có đăng trong các tập trước), chị " xin được hân hạnh góp lại để kết thành những cánh hoa kỷ niệm vô cùng trang quý... Đây cũng là niềm vinh hạnh của chúng tôi, là nhánh trầm hương bát ngát, mênh mông trong những ngày tháng đã qua cũng như sắp đến...". Nỗi hoài hương của chị luôn vấn vương trong thơ chị, cho nên dù định cư ở nước ngoài, chị vẫn luôn sống ở quê hương.
Tìm chút đìu hiu chút nắng tàn,
Vương trên Thành biếc dấu rêu hoang.
Thông gầy Thái Miếu nghiêng bờ cỏ,
Lá úa Hoàng Cung nhạt sắc vàng.
Nếu chị Quế đã cho ra nhiều thi phẩm, một nữ sĩ khác, có phần lớn tuổi hơn, thì chỉ giới hạn trong ba tập thơ: Vần thơ dại, Cổ phong thi tập (1958, tái bản 1987), Đài tiềnhọa đáp tức Vần thơ dại II (1993) và Lá trầu cay (1998). Đó là thi sĩ Thái Thị Như Phiên, hiệu Kim Khuê, tự Ngộ Khê tức bà Nguyễn Văn Định mà trong vòng thân mật chúng tôi nôm na gọi chị Định. Phu quân của chị đi du học bên Pháp và đậu tiến sĩ luật học năm 1932. Về nước, anh được bổ tri phủ ở Quảng Trị và làm rể cụ thượng Thái Văn Toản. Với đầu óc bình đẳng, dân chủ học hỏi bên Pháp quốc, ông phủ Định có những hành vi không đi đúng với lề lối lúc bấy giờ. Ví dụ: ông cho cởi gông một anh tù chính trị và mời lên phủ đường ngồi uống nước trà với ông! Lẽ tất nhiên sau đó cả ông lẫn ông gia có vấn đề với các quan bảo hộ. Nhưng không ai dè cử chỉ đó, đối với ông tri phủ Tây học không có gì là đặc biệt, lại dẫn đến một thành quả vô cùng quan trọng sau nầy cho ông và gia đình ông: anh tù chính trị kia tên là Lê Duẩn! Năm 1945, ông phủ Định không những không bị lôi thôi với cách mạng mà còn được mời ngay ra Hà Nội làm việc, phụ trách trường Hành chánh. Chị Định cho hay ngày nay một số quan chức, bộ trưởng, đại sứ,... là học trò cũ của anh Định.

Chị Định theo chồng đi kháng chiến được ít lâu thì để anh và cháu trai ở lại trên khu, đưa mấy cháu gái về miền Nam và sau nầy qua Pháp. Mấy chục năm qua, trong lúc anh Định bận bịu việc nước, chị Định một mình tay chống tay chèo, tần tảo nuôi bầy con cho thành tựu. Biết bao công phu khó nhọc cho một thiếu phụ xuất thân từ gia đình quyền quý, đâu có được giáo dục để thành người chạy chọt làm ăn. Chị đã gặp nhiều khổ cực, đớn đau, nhưng chị khẳng định: " tiếng đau thưong chẳng phải là tiếng than riêng biệt mà chính là lời chung của những người không may trên đường đời... Trong quả địa cầu, nhờ thần giao cách cảm, những tâm hồn đau khổ, bất luận giàu nghèo, vẫn thường gần nhau và an ủi cho nhau ". Biệt ly, thương nhớ, buồn riêng, muộn phiền,... Biết bao " tình cảm mặn nồng nên lời thơ vang dội toàn tiếng đau thương... Thơ phẩm cũng là tiếng u tình của hiện tượng tâm lý một thiếu phụ phát hiện sau sự liên tưởng cả ngoại giới, nội tâm..." (Liên Hồ, Tựa).

Luôn nhớ gia đình, hướng về quê cũ, chị có những bài Nhớ mẹ, Nhớ cha đã mất, kính tặng A. Đ.,... bên cạnh những bài Thôn nữ, Hương cau, Giàn trầu, Giàn hoa thiên lý,... Trung thành với một lời nguyền trên đường gió bụi, chị ký thác tình sâu vào những bài Kính dâng chúa, Kính dâng Đức Mẹ Maria nhưng vẫn không quên chăm lo chùa Quy Thiện của gia đình. Gởi gắm nhiều nhất có lẽ là tâm tình về Huế, được bạn bè cảm thụ qua nhiều các bài xướng họa.

Non sông ai nhuộm vẻ cô liêu,
Nhắc đến càng thêm nhớ vạn điều.
Lăng tẩm hắt hiu luồng gió sớm,
Điện đài hoang lạnh bóng mây chiều.
Đây là nơi chị Định biết rõ vì đã trải qua một thời kỳ tuổi trẻ. Thật thích thú khi nghe chị hóm hỉnh kể chuyện chung sống của một cô gái ngây thơ với một ông chồng khoa cử tân học, thú vị ngay từ thuở ban đầu, tối tân hôn: vợ có phải lạy ông chồng không? Chị hy vọng ông chồng một mặt từ chối nhưng không, ông ta để mình quỳ xuống mới tức! Rồi sau đó cuộc đời của một bà phủ non trẻ với tất cả trách nhiệm của một bà mẹ dân. Nhưng cuộc đời là biến chuyển, dù muốn dù không chị đã phải sống một thời đại đầy biến cố, trong những hoàn cảnh lắm khi éo le. Chị có những kỷ niệm não nùng, xúc động như khi giữa rừng gặp anh quân nhân xin chỉ thêu chim gởi về tặng vợ, to lớn như khi đương đầu với các vị tướng tá miền Nam để ra Bắc thăm cho được ông chồng đau yếu,... Rút cuộc rồi anh Định khi đến tuổi về hưu cũng được phép qua Pháp đoàn tụ gia đình và nhất là sum họp với bà vợ yêu quý. Có điều những năm sau nầy anh Định sức khoẻ kém và theo lời yêu cầu, chị đem anh về Hà Nội để anh yên giấc ngàn thu nơi quê hương mến thương. Chị Định đến nay thấy vẫn chưa nguôi được nỗi buồn biệt ly vĩnh viễn nầy. Tôi chỉ tha thiết chị xuất bản cuốn Hồi ký cho con cháu được nhờ nhất là chị đã có cho tôi xem bản thảo dày cộm trong một đống vở học trò. Văn chị viết hấp dẫn như khi chị say sưa kể chuyện, mủi lòng như những câu thơ u sầu, ảm đạm thì bạn đọc phải liệu sắm sẵn khăn tay.
Núi nặng tình thương nên đứng trơ,
Mây về cho núi đỡ bơ vơ.
Bốn phương trời lặng, buồn thân núi,
Mây chẳng dừng chưn để núi chờ.
Nói đến nữ thi sĩ Huế giữa lòng Paris cũng cần nhắc tới Hương Bình vừa mới gởi tặng tôi một thi phẩm: Hương xa (1999). Tên thật Nguyễn Phước Cẩm Thường, chị là một tôn nữ. Tương đối trẻ hơn mấy nữ sĩ kia, chị thường chỉ cho đang lè tẻ mấy bài thơ của mình. Lần nầy, tuy mỏng, cả một thi tập đầu tay ra mắt làng thơ. " Sống và làm việc ở Paris, thủ đô nước Pháp, chị mãi nhớ về quê hương và dĩ vãng. Đã bao lần nhìn nắng sớm, sương chiều, bông tuyết rơi lặng lẽ, chị thầm xúc động trong khoảng khắc không gian quê hương yêu dấu tận cuối chân trời xa " (Hoàng Nhân, Đôi lời tâm sự). Thật vậy, chị thương mẹ, nhớ con, khóc nhiều, đau khổ ở mỗi buổi chia tay, giã biệt, chị sống với mơ mộng, lệ buồn.
Em mơ một cuộc đời
Êm đềm ngày tháng trôi
Không sầu vương tủi hận
Không lệ nhỏ đôi hồi ....
Tôi hỏi sao thơ chị buồn vậy, chị trả lời: " Có buồn thơ mới hay!". Chỉ mong hương xa lan tỏa.

Sau cùng, giữa các nữ thi sĩ nầy nổi lên một nam thi sĩ. Tôi xin nhắc lanh đến một anh bạn quen nhau đã lâu năm nhưng sau nầy ít gặp nhau: Hoài Việt. Tên thật Nguyễn Văn Hướng, anh xuất thân là một dược sư và làm việc ở Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học Pháp. Từ thuở sinh viên, anh đã làm thơ nhưng rất tiếc hiện tôi chỉ có trong tay hai thi phẩm: Tình em nho nhỏ (1962) và Quê người (1987). Giữa hai tác phẩm và sau nầy chắc còn có nhiều sách khác được xuất bản. Tình em nho nhỏ là một Tác phẩm Sinh viên (số 1), đánh máy, mang một hoài bão nho nhỏ như tên sách:

Tình em nho nhỏ
như gió chiều xuân
đem hương đi khắp xa gần
đem tình nồng hậu thấm nhuần đồng quê.
Anh luôn khắc khoải với tình hình đất nước. Vì vậy anh thật gần gũi với chúng ta , " gần gũi trong nỗi đau quốc phá gia vong, trong niềm hy vọng đất nước tự do thanh bình, trong nỗi thương cảm đồng bào lầm than tủi nhục,...trong tình thương nhớ quê hương, lòng chung thủy với dân tộc sâu đậm tình người " (Đoàn Đức Nhân, Vài lời giới thiệu).
Và ngày mai, ngày mai
khi tìm lại tự do
cạnh mẹ già, bên nồi cơm nóng hổi
ta sẽ cùng ngắm trăng lên
khi chuông chùa rộn rã reo vui...
Nếu các nữ sĩ gốc Huế làm thơ thì cũng có nữ sĩ viết văn, tuy ít. Trong vòng quen biết ở Paris, ngoài những Linh Bảo, Minh Đức Hoài Trinh rời bỏ Kinh thành Ánh sáng từ lâu, tôi chỉ gặp được có một nữ văn sĩ: chị Trần Thị Diệu Tâm. Sinh trưởng tại An Cựu, học xong các trường Đồng Khánh, Quốc Học, chị tốt nghiệp chính trị kinh doanh tại viện Đại học Đà Lạt. Định cư ở Pháp từ 1987 với gia đình, chị thường cho đăng truyện ngắn ở Pháp hay bên Hoa Kỳ. Gần đây thôi mới có hai tác phẩm: Người về (1992) và Rong biển (1997). Nếu cả hai cuốn cốt yếu là hai tập tryện ngắn, tập sau gồm thêm một truyện dài. Ngay ở cuốn đầu, Người về, chị đã giải thích: " Viết là bừng tỉnh ký ức, là hồi sinh quá khứ. Viết để giữ lại, hay làm cho mất đi. Viết là sáng tạo cho một cái nhìn mới trên mọi điều xảy ra... Chữ nghĩa có thể đè nặng lên niềm đau nỗi khổ, nhưng cũng ánh ngời lên nét hạnh phúc. Viết để vinh danh con người ". Văn chị không kiểu cách, truyện chị không cầu kỳ. " Giản dị, trực tiếp, bước thẳng vào đời sống hiện tại. Nhìn cái có thật trước mắt, nghe cái có thật bên tai, ngẫm cái có thật trong lòng. Vậy là thành truyện. Chẳng to tát ghê gớm gì, nhưng là chuyện sống thật về những con người sống thật, trong cuộc sống lưu vong trước mắt ". (Nhã Ca, Bạt).

Qua cuốn thứ nhì, " Rong biển là tiếp cận văn học khá độc đáo của một nhà văn nữ trước những biến động của đất nước... Trong Rong biển, nỗi truân chuyên không chỉ là nhiều, nhưng chập chùng. Chập chùng nổi trôi của loài rong trong định mệnh viễn xứ. Cuộc viễn hành đó được tác giả kết thành bảy chương truyện dài và bảy chương truyện ngắn... Những truyện của Trần Thị Diệu Tâm là nhánh rong đời chìm nổi trên thân phận người ". (Lê Đình Thông, Tựa). Ai cũng biết không có nhà văn nào sống được với cây viết của mình. Vì vậy chị Diệu Tâm thực hành kiến thức kinh doanh của mình qua một quán cơm tại Paris, quận 13, đại lộ Masséna. Nhưng đừng tưởng chị chỉ ngồi quản lý: chính chị thân hành nấu nướng trong bếp mà thức ăn lại rất ngon. Những hôm lại quán, nếu may ít khách hoặc sớm giờ, chị ra ngồi nói chuyện văn chương với bạn quen, trước mắt hiếu kỳ của những người không biết chị. Tên quán An Hiên nhắc tôi nhớ đến vườn bà Nguyễn Đình Chi ở Kim Long, nhưng chị Diệu Tâm cho hay không dính dấp gì. Sau nầy tôi mới gặp An Hiên trong truyện dài của chị, một nhân vật " như một nhánh rong biển, luôn chìm dưới lòng nước mặn, chưa bao giờ nhận đủ ánh sáng mặt trời để tô thắm cho mình một màu xanh của lá ". Nhánh rong biển có nên chăng đừng kiếm cách nhô lên mặt nước để giữ mãi màu xanh lạt đặc sắc của mình!

Bên lề các thi sĩ, văn sĩ, tưởng cũng phải nhắc đến nhà học giả Việt Điểu Thái Văn Kiểm mà những bài về Huế được thấy khắp các báo. Cuốn sách anh để lại cho con cháu là cuốn Cố đô Huế xuất bản lần đầu tiên ở Sài Gòn năm 1960! Tác giả đã công phu biên soạn lịch cổ tích, thắng cảnh Huế: " Nói đến Huế, ngưới ta nghĩ ngay tới những phong cảnh nên thơ, tưởng đến những kỷ niệm êm đềm, những vết tích của thời xưa để lại, cùng với những trang sử bi hùng mà ngày nay đám bình dân và giới nghệ sĩ còn ca tụng trong những câu hát điệu hò vô cùng ý nhị.... Huế thơ mộng đã trải qua bao lần hưng vong trong lịch sử. Huế ngày nay vẫn đượm một vẻ trầm lặng mơ màng như tràn ngập trên đôi mi người thiếu nữ yêu kiều..." Và bài dẫn đầu sách đã kết thúc:

Kìa nước nọ non hãy còn như cũ,
Giang sơn cẩm tú ai nhủ lo em?
Chừ đây tái tạo cơ đồ,
Đã có cây cho chim đậu, lại có đò cho em đi!
Nếu nấu ăn là một nghệ thuật ngày nay được công nhận trong lãnh vực văn hóa thì phải kể thêm quán Vỹ Dạ ở Paris, quân 13, đại lộ Port Royal. Từ ngày Quán Huế, cũng ở quận 13, đại lộ Choisy, đổi chủ, bà chủ nấu bếp trở về Việt Nam, thì thực đơn của chị Như Ninh có lẽ là nơi đưa khách liên tưởng về Huế nhiều nhất với các món bèo nậm lọc quen thuộc cạnh cung An Định. Chị không phải là nhà nấu bếp chuyên nghiệp. Nghe nói trước kia chị là chiêu đãi viên hàng không như chị Kha nhiều năm qua đã thành công câu khách với món bánh khoái độc đáo ở quán Quang Đảo, cũng ở quận 13, đường Caillaux. Nói cho đúng, hương vị những quán ăn ở Paris không đem lại cùng cảm giác như khi đi ăn ở những nhà hàng Ngự Viên, Phú Xuân ở Sài Gòn, Quán Huế ở Hà Nội hay Tịnh Gia Viên trong thành nội Huế.

Đi quanh một vòng các văn nghệ sĩ Huế ở Paris, còn thiếu nếu không quẹo vào một chút vào địa hạt âm nhạc. Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết có lẽ là một trong hai nhà soạn nhạc hiện đại Việt Nam có tiếng nhất ở nước ngoài với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo. Cháu nội cụ Thân thần Tôn Thất Hân, đi học và dạy nhạc ở trường Quốc Học, anh Tiết sống lên trong một môi trường âm nhạc truyền thống Việt Nam. Qua Pháp du học và tốt nghiệp Viện Quốc gia Âm nhạc Paris, khi soạn nhạc anh lấy cảm hứng từ nguồn gốc Đông phương mặc dầu những dàn nhạc biểu diễn đều là quốc tế. " Tuy nhạc cụ Tây phương không lột tả hết được sắc thái những điều ông muốn phát triển nhưng ông không bận tâm lắm. Bởi vì âm nhạc theo ông chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Cứu cánh là nhân sinh quan của ông: con người làm sao biết sống hài hòa trong định luật vô hình của vũ trụ " (Nguyễn Đắc Xuân, 1995). Anh cũng là tác giả phần nhạc trong hai cuốn phim Mùi đu đủ xanh Xích lô của nhà đạo diễn Trần Anh Hùng.

Cũng trong lãnh vực âm nhạc, một bộ mặt quen thuộc ở Pháp và Paris là ca sĩ Huyền Tôn Nữ Quỳnh Tư. Xuất thân là một kỹ sư tin học, hiện chị vẫn còn tiếp tục hành nghệ. Ca hát chỉ là ngành tay trái. Tuy vậy, trong rất nhiều năm, không có dạ hội Tết nào ở Nhà Tương tế mà không có tiếng hò giọng hát của chị. Là một tôn nữ đất Thần kinh, chị đặc biệt có tiếng trong những bản ca bài hát xứ Huế. Sau nầy,chị đi trình diễn ở nhiều nơi khác và cho phát hành nhiều băng nhạc cat-xet: Chants et poèmes de Hué ( Thơ ca Huế), La Voix de la Rivière des Parfums (Mười thương), Jardin Ancien, Fleurs Modernes (Vườn xưa, Hoa mới). Luôn muốn hoàn thiện, cải tiến, chị đi học hát thêm ở nhạc viện và người chăm chú theo dõi thấy ngay biến chuyển trong giọng hát, gây nhiều cảm tình trong số thính giả người Âu. Một băng nhạc CD ra đời sau đó với sự cộng tác của nhiều dàn nhạc, đội hợp xướng và nhạc công, nhạc cụ Âu Á đủ loại: Passions et Rêves (Anh với em, với núi với sông Vietnam). Gần đây, kết hợp ngành nghề và sở trường của mình, chị có cho lên mạng lưới Internet một chương trình Huế trong ấy tôi được mời góp phần với những hình ảnh Huế, đặc biệt về ca nhạc sĩ.

Một nhạc sĩ khác, ít được biết hơn là chị Lê Khắc Thanh Hoài. Chị ít biểu diễn, chuyên nhiều về soạn nhạc. Ngoài những bài thường đăng trong tờ Hương Sen (Trúc Lâm thiền viện), chị đã cho xuất bản hai tập nhạc Hát cho đời thêm hân hoan Tôi thương quê tôi. Chị cũng có thực hiện ba băng cat-xet: Hát cho đời thêm hân hoan (1991), Tình khúc qua tiếng hát Lê Dung (1992) và Một đời an vui (1998). Nhạc chị êm dịu, nhẹ nhàng, vui tươi. Cuốn băng sau cùng và một cuốn đang soạn hướng về nhạc Phật giáo

Đời người luôn phiền não
Mau mau tỉnh cơn mê
Giải thoát vòng tử sinh
Bến giác hãy quay về.
Thuộc ngành tay trái, anh Bửu Phôi cũng soạn nhạc. Tuy tìm cảm hứng trong thiên nhiên và trong những kỷ niệm sâu đậm từ chốn quê hương, Phôi diễn tả tâm tình qua lối nhạc hiện đại. Vốn là giáo sư ở viện Âm nhạc Sài Gòn, anh định cư ở Pháp chưa lâu và gần đây thôi mới có phương tiện sáng tác nên có thể xem như là một nhạc sĩ trẻ. Cái CD độc nhất Phôi tặng tôi gồm có sáu bài concerto với sáo, piano, mandolin, máy điện âm, giọng soprano của Hoàng Lan trong hai bản Nhớ nhung của Hàn Mặc Tử và Anniversaire của Aragon.
Từ ấy anh ra di
Em gầy hơn vóc liễu
Em buồn như đám mây
Những đêm vầng trăng thiếu.
Những tác giả trên đây đều đã định cư một thời gian nào đó ở Paris. Không hân hạnh thuộc thành phần nghệ nhân, thế nào cũng có những thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ khác mà tôi không biết. Chăm chú về hoạt động văn hóa Huế ở Pháp, dù không phải là sử gia, tôi cố gắng theo dõi những sự kiện diễn biến, nhất là từ lúc Hội Người Yêu Huế mới thành lập (1984), giới thiệu với các bạn ngoại quốc văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt nền văn hóa Huế - Phú Xuân là một trong những mục tiêu chính của Hội. Trong tinh thần đó, một Đêm hè Huế (1986) vui nhộn đã được tổ chức tại nhà khánh tiết Tòa Thị chính quận 13 Paris. Tất cả tập thể Hội đúng lên dựng một đám cưới cổ truyền, cô dâu mặc áo mạn lục, chú rể bận áo thụng xanh, ông gia bà gia khăn đen áo dài, có cúng lạy trước bàn thờ, có đám rước đủ cau trầu, heo quay, quạt lọng, tiên chỉ dẫn đầu... Tất cả các bạn xa gần trong Hội đều động viên con cháu cho đủ các vai trò. Cái khó là kiếm cho được diễn viên nói giọng Huế! Cảm động nhất là một bác gái, đầu tóc bạc phơ, trịnh trọng trong chiếc áo gấm đã từng mặc nhiều lần trên đất Huế, ngọt ngào thỏ thẻ với tôi: " Tôi chưa khi nào lên sân khấu, lần nầy lên đây chỉ vì yêu Huế!" Phòng hát vang dội rất lâu tiếng vỗ tay tán đồng khen ngợi.

Góp sức vào ý chí đó có những nghệ sĩ từ bên nhà qua. Trước chuyến qua Pháp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một Đêm Thanh Hải hát Trịnh Công Sơn đã được Hội người yêu Huế tổ chức tại cư xá sinh viên Đông Nam Á ở Paris, quận 14, đường Jourdan, hiện còn lại một băng cat-xet (1987). Thật ra chuyện mời Sơn qua Pháp đã được đặt trong chương trình của Hội từ lâu nhưng có vài trở ngại và phải đợi qua năm 1989 mới được Nhà Việt Nam tại Paris, quận 5, hồi ấy ở đường Cardinal Lemoine, thực hiện. Đằng khác, nếu Trịnh Công Sơn nổi tiếng ở Việt Nam từ những năm chiến tranh, bên Pháp anh cũng đã được biết nhiều, trước qua bài báo của anh bạn Jean Claude Pomonti trong tờ Le Monde mấy chục năm trước, phần lớn qua những băng nhạc Khánh Ly, Thanh Hải: Lời buồn thánh, Hạ trắng, ...Cảm động nhất là bài hát của anh được phổ biến qua các giọng ca sĩ ngoại quốc. Tôi may mắn được nghe các cô Helen Sava, một người Anh, Inga Pichner, một người Đức, Ỷ Lan Penelope Faulkner, một người Aí Nhĩ Lan nói đặc giọng Huế, ngâm nga Diễm xưa, Ca dao mẹ,...dễ thương quá vì các cô đã đưa nhạc Trịnh Công Sơn vượt quá biên thùy ngôn ngữ. Đặc biệt cô Michiko Yoshii, một sinh viên Nhật, không những đã đàn hát trên đài phát thanh nước cô ta mà còn dự thảo một luận văn cử nhân Việt học ở Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Viễn Đông tại Đại học Paris VII trên đề tài Những bài hát chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn. Hôm bảo vệ luận văn là một buổi biểu diễn ca nhạc lý thú, Michiko tự đàn, tự hát. Nhờ vậy, Sơn qua Paris như anh đến một nơi quen thuộc. Đêm hát dành cho anh, ngoài Michiko, Inga Pichner, còn có Thanh Hải từ Đức và cô em Vĩnh Trinh từ Canada qua giúp vui. Sau nầy, nhân có mặt ở Paris, anh còn trưng bày một số tranh v ẽ tại chỗ cùng vài bức của Trịnh Cung và nhiều họa sĩ khác trong một cuộc triển lãm ở Nhà Việt Nam. Để cám ơn Sơn, tôi có thực hiện tặng anh một cuốn sách hình mà bức đẹp nhất sau nầy được báo Điện Ảnh đưa ra làm trang bìa cũng như nhiều bức khác được dùng trong các báo ở Thành phố Hồ Chí Minh, có điều các tòa soạn quên ghi tên nhà nhiếp ảnh.

Vẫn ở trong lãnh vực ca nhạc và hội họa, Hội người yêu Huế kết hợp với Nhà Việt Nam tổ chức Hai tháng với Huế (1990), chia nhau lo liệu, một bên cho họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, bên kia cho ca sĩ Thúy Vân và nghệ sĩ đàn tranh Ngọc Diệp. Nếu hai cô nầy dễ dàng qua Pháp, chúng tôi đã xin được tổ chức Công giáo Phát triển và Chống đói CCFD biếu cho hai vé máy bay, nhưng rốt cuộc chỉ có họa sĩ lên đường... Hai tháng với Huế đã là một thành công mỹ mãn. Suốt ba đêm Hơi thở sông Hương, trong một thính phòng trang hoàng đầy hình ảnh màu sắc thắm đậm chất Huế của Marc Antoine Montclos và Võ Quang Yến, với giọng ca đầm ấm, chân tình, tiếng đàn thánh thót, vấn vương của hai nghệ sĩ Thúy Vân và Ngọc Diệp đã gây xúc động không ít trong đám khán giả chật ních căn phòng. Thêm vào đó, lời giới thiệu duyên dáng của anh Cao Huy Thuần góp phần đưa người nghe trầm lắng về chốn Hương Bình mộng mơ, yên tĩnh. Ngoài những băng nhạc thu thanh cá nhân, hai cô đã để lại một cat-xet tình cảm: Huế, tên của nỗi nhớ (1990), giúp kẻ tha hương từ chốn xa xôi dễ thả hồn về quê xưa bến cũ.

Những bông quý nầy một lần phát hiện giữa kinh thành hoa lệ tưởng cần phải được khai thác hơn. Tôi đưa hai cô lại thăm anh Trần Văn Khê, nhạc sư có một không hai trong làng nhạc Việt Nam và quốc tế. Anh Khê là một nghệ sĩ có quê Huế xa xăm, rất nhạy cảm lại hiểu biết sâu xa văn hóa nước ta, kể cả cá tính miền Trung, xứ Huế, nên một bên với lòng trìu mến hai cô gái đất Thần Kinh, bên kia với tất cả lòng ngưỡng mộ một bậc thầy hiếm có, cả ba ăn ý ngay: chiều hôm ấy, tôi may mắn được dự một buổi hòa nhạc, ngâm thơ thân mật, chân thành mà biết bao say mê, sôi nổi. Kết quả là hai buổi ca nhạc Huế được dự trù ngay tại trụ sở cơ quan văn hóa UNESCO qua Hội các nhân viên AIPU và tại Viện Bảo tàng Á Đông Guimet qua Hội Pháp các Người bạn Á Đông AFAO. Trong cả hai lần biểu diễn nầy, lời giới thiệu uyên bác của anh Khê, mặc dầu anh bảo cố thu nhỏ mình để nhường chỗ chính cho hai nghệ sĩ Huế, đã đóng góp không ít trong sự thành công. Hai tháng với Huế được tiếp tục ở Nhà Việt Nam với hai buổi nói chuyện của giáo sư Trần Văn Khê về nhạc cung đình Huế và hòa thượng Thích Thiện Châu về Phật giáo và chùa cổ ở Huế, đồng thời với một cuộc trưng bày tranh vẽ của Hoàng Đăng Nhuận. Anh Nhuận cũng còn được chị Kim Ba thương lượng với Hội AIPU để tổ chức trước đó một cuộc triển lãm ở trụ sở UNESCO.

Thật ra, anh Nhuận không phải là họa sĩ Huế đầu tiên hay cuối cùng có dịp triển lãm ở Paris. Năm trước, nhờ sự ủng hộ tài chánh của tổ chức Công giáo Phát triển và Chống đói CCFD, anh Bửu Chỉ đã mở đường (1989). Năm sau, đến lượt anh Dương Đình Sang, qua sự bảo trợ của anh chị Võ Bạt Tụy, cũng nối tiếp qua Paris (1991). Một con đuờng khác đã giúp bốn giáo sư, giảng viên họa sĩ trường Đại học Nghệ thuật Huế qua Pháp: các anh Trương Bé, Vĩnh Phối, Phạm Đại và Nguyễn Đức Huy (1994). Họ được Hội Saint Henri de Toulouse kết hợp với Hội Hợp tác và Phát triển Pháp Việt CODEV mời qua ba tháng sáng tác ở vùng Lauragais, miền nam nước Pháp, trước khi tham dự hai cuộc triển lãm: một cuộc tập thể tại chỗ cùng các bạn đồng nghiệp quốc tế khác và một cuộc dành cho bốn anh ở Trung tâm văn hóa Pháp Việt (nay không còn nữa) ở Paris, quận 5, dường Ecoles. Từ sơn dầu, sơn mài qua pastel, acrylic, ... từ phong cảnh, chân dung qua tĩnh vật, đời sống,...từ biểu hiện lập thể siêu thực qua phi hình thể trừu tượng, các anh đã trình bày cả một loạt rộng lớn những khả năng hình họa, đồng thời nói lên đường hướng phát triển của nền hội họa Việt Nam. Cần chăng nhắc thêm tuy sử dụng kỹ thuật mới, tư duy sáng tạo của các anh vẫn còn giữ tính Đông phương, và đấy là điểm quan trọng vào lúc giao thời. Sau nầy, anh Trịnh Cung cũng có qua Paris tự mình trưng bày tranh vẽ (1995), cô Tuyết Mai ở Nhà Việt Nam (1996) rồi ở Galeries d'Impressions, Paris, quận 11, đường Ternaux (1997). Còn anh Lê Thừa Tiến thì được một cuộc triển lãm tập thể ở Trung tâm Wallonie - Bruxelles, Paris, quận 4, đường Saint Martin (1997) mời dự.

Trường Đại học Nghệ thuật Huế còn đi xa hơn. Trước bốn họa sĩ, đã có các nhạc sĩ, ca sĩ lên đường qua Pháp, luôn trong chương trình hoạt động của Hội CODEV. Khoảng mười lăm giáo sư, giảng sư, nhạc sĩ, sinh viên với ông bầu giáo sư Hà Sâm mang đủ đàn, trống qua ở lại Morêt sur Loing, miền nam Paris, tập dượt, hiệu chính trước khi biểu diễn một tối ở trụ sở UNESCO (1993). Tuy ít chuyên nghiệp hơn các đoàn Bắc, Nam như Phong Lan, Hoa Mai, Phù Đổng, đoàn Đại học Nghệ thuật Huế cũng đã hấp dẫn khán giả và rất được hoan nghênh, một phần cũng nhờ hiếm có, lạ mắt. Cũng trong tinh thần dó, hai năm sau, Hội Pháp Việt Khuyến Nhạc với sự hỗ trợ của Hội CODEV, bộ Văn hóa Pháp và hãng Hàng không Việt Nam mời một đoàn nghệ sĩ qua biểu diễn sáu lần ở Nhà Văn hoá Thế giới, đi một vòng Âu châu trước khi trở lại Trappes (1995). Ba cụ Trần Kích, 82 tuổi, Nguyễn Kế, Nguyễn Mạnh Cầm, cả hai 76 tuổi, dẫn đầu một đoàn 20 nghệ nhân trong ấy có 15 nhạc công dàn nhạc cung đình Huế, kèm theo ca sĩ Phan Thị Thanh Tâm, hai nữ ca sĩ và hai nhạc công ca trù. Đây là lần đầu tiên một dàn nhạc cung đình Huế ra mắt khán giả thủ đô nước Pháp. Loại nhạc nầy lúc trước bị giữ trong cung cấm, dành cho vua chúa nên công chúng ít được biết đến. Tuy vậy, với những tiết tấu, thanh âm đặc sắc, phong phú, từ đại nhạc, tiểu nhạc qua những khúc nhạc múa, từ Tam luân cửu chuyển, Ngũ lôi,...Thập thủ liên hoàn, Long ngâm,...qua Mã vũ, Phụng vũ,... nhạc cung đình giữ một chân đứng quan trọng trong kho tàng âm nhạc truyền thống không những của Huế mà còn cả Việt Nam. Cần chăng nên nhấn mạnh cuộc Tây du thành công nầy một phần lớn là nhờ công lao của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, một nhà soạn nhạc hiện đại mà vẫn chăm lo bảo dưỡng nền tảng âm nhạc cổ truyền.

Một sự kiện cần nhắc đến tuy khó sắp vào lãnh vực văn nghệ: đó là chuyến đi qua Pháp dự liên hoan về Trí tưởng tượng cùng với đại biểu của 12 nước khác khắp thế giới của một đoàn tu sĩ Phật giáo Huế gồm có hai thượng tọa Thích Từ Phương, Thích Thanh Liên, ba đại đức Thích Giác Đạo, Thích Phước Minh và Thích Phước Chánh với ba nhạc công và một thông dịch viên (1998). Nhận lời mời của Nhà Văn hóa Thế giới, ngoài ba đêm ở Paris, đoàn đã trình diễn các nghi lễ Phật giáo ở Rouen và đặc biệt ở Trúc Lâm Thiền viện tại Villebon, ngoại ô nam Paris. Có đem theo đủ pháp khí như chuông, trống, mõ, tang, thủ xích, mặc y hậu màu vàng, riêng vị chủ sám mang thêm mũ tì lư, hai tay bắt ấn, mấy thầy đã tụng kinh, tán, thỉnh trong suốt một tiếng rưởi đồng hồ, làm mê hoặc khán giả chưa quen với nghi lễ và âm nhạc Phật giáo xa lạ. Ở đây, những lời giải thích rõ ràng, sâu sắc của giáo sư Trần Văn Khê đã tăng phần hấp dẫn. Nội dung cuộc trình diễn gồm có các lễ khai kinh, đề vị, bát độ, giải oan, chẩn tế cô hồn,... Mấy thầy đã để lại một băng CD Khai Kinh quý báu trong chuyến qua Pháp nầy. Thầy Từ Phưong giải thích: " Chơi nhạc ở thế giới bên ngoài cũng là một cách truyền bá Phật giáo ". Tuy các buổi trình diễn trên sân khấu chỉnh tề, trang nghiêm, chắc chắn là tâm hồn còn xúc động hơn khi dự lễ trong một chánh điện. Chính các thầy đã cho chúng tôi nghe và xem ở chùa Kim Tiên ở Huế khi các thầy hiệu chính trước khi lên đường qua Pháp. Nhiều giờ chiêm ngưỡng, trầm tư trong kinh kệ và hương trầm đã dẫn chúng tôi về lòng đất nước, từ đấy càng cảm thụ sâu đậm hơn tâm hồn Việt Nam.

Nói cho đúng, người Việt Nam nào đi xa xứ sở mà không mang theo một ít kỷ niệm của quê hương mình? Trong những năm xa cách, chưa có dịp trở về, những dĩa hát, băng nhạc, cùng phim truyện, sách, báo là những nhịp cầu nối liền kẻ tha hương với đất nước. Trước 1975, nhạc Huế chỉ được nghe qua các dĩa 78 vòng thời tiền chiến, có đủ cả nam ai, nam bằng cùng các điệu hò mái đẩy, mái nhì và những dĩa 33 vòng của Trần Văn Khê về cổ nhạc. Thời ấy chưa có thương phẩm về cat-xet. Những bản nhạc Trịnh Công Sơn hát với Khánh Ly hay bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử đuợc Tôn Nữ Hỷ Khương ngâm mà tôi may mắn có là do tòa soạn báo Bách Khoa tự thu và gởi tặng. Dần dần, khi dân di tản ồ ạt tràn qua châu Mỹ, châu Âu mới thấy có bán ở Paris những băng nhạc, lúc đấu chỉ có cat-xet đến sau mới có CD: Huế đẹp và thơ, Khúc tình ca xứ Huế, Huế mù sương, Vỹ Dạ đò trăng (Trung tâm Giáng Ngọc), Huế xưa, Huế bây giờ (Trung tâm Làng Văn), Thương về cố đô (Tú Quỳnh hải ngoại), Ai ra xứ Huế (Trung tâm Hoàng Oanh),... để chỉ kể những băng đầu tiên.

Ở Paris thỉnh thoảng cũng được xem phim truyện có cảnh Huế. Ít có phim nước ngoài quay tại Huế, ngoại trừ vài đoạn trong phim Indochine (Đông dương) của Régis Wargnier. Trong cuốn phim Full Metal Jacket (Chiếc áo kim loại) dựa lên truyện của đặc phái phóng viên Gustav Hasford, Stanley Kubrick dựng một màn chiến tranh Tết Mậu Thân ở Huế mà lại quay trên bờ sông Thames bên Anh! Trái lại có hai phim Việt Nam của hai nhà đạo diễn quê Huế kể chuyện xảy ra ở ngay Huế: Cô gái trên sông của Đặng Nhật Minh và Tuổi thơ dữ dội của Nguyễn Vinh Sơn dựa lên một truyện dài của Phùng Quán. Nếu cuốn thứ nhất, kết cấu chặt chẽ và rất hiện thực, nghe nới có vấn đề, cuốn thứ nhì đi quá sát sách thành ra rườm rà. Mặc dầu được tác giả giải thích vì cần thiết kỹ thuật, tôi vẫn thấy không ổn, khó nghe khi nhận ra mấy em nhỏ ở Huế nói giọng Sài Gòn!

Về sách truyện khảo cứu, Nhà Việt Nam có bán một loạt sách của Nhà xuất bản Thuận Hóa về văn hóa, lịch sử xứ Huế mà những tác giả thường gặp là Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An, Tôn Thất Bình, Mai Khắc Ứng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Vũ,... Đứng về các tác giả nước ngoài, chỉ xin giới thiệu bốn cuốn truyện: hai cuốn thứ nhất, Le rendez-vous de l'aube (Cuộc hẹn hò buổi rạng đông) và Le mandarin perdu (Ông quan tuyệt vọng) (1987) của Anne và Marie-Noelle Bergheaud, kể một chuyện xảy ra dưới triều vua Tự Đức, cuốn thứ ba, Le Sud tranquille (Miền Nam yên tĩnh) (1987) của Pierre Vieillard vào thời Hàm Nghi. Tuy không phải là sách sử, các tác giả đã sử dụng những tài liệu xưa để dựng truyện nên sách cống hiến bạn đọc một số chi tiết về đời sống hằng ngày của dân chúng cũng như của quan lại trong triều, những phong tục tập quán mà ngày nay lắm người đã quên. Cuốn sau cùng là truyện tình giữa hai người phái yếu, Mousson de femmes (Gió mùa đàn bà) (1985) mà bối cảnh ở Huế vào năm 1945 nhắc lại cho bạn đọc những biến động cả một thời. Tôi được ngồi gần và làm quen với tác giả Elula Perrin (tên thật Huguette Elule) trong một buổi tiệc của những người sống sót sau ngày biến cố lịch sử 9.3.1945: bà hân hoan báo cho tôi biết bà sắp về quê mà quê bà ta là... Huế! Bà ta trạc tuổi tôi, lúc trước học trường Khải Định đồng thời với tôi nhưng thời đó hòng gì chuyện trò với cô nữ sinh người Pháp ấy, đừng nói chi đến chuyện ngồi ăn cùng bàn! Vật đổi, sao dời, thế sự đã chuyển vần...

Biết gì nói nấy, khi viết bài nầy, tôi không có tham vọng kể đủ những hoạt động văn hoá Huế ở Paris, nhưng tôi muốn chứng minh một nửa thế kỷ định cư ở nước ngoài không làm quên đất nước cho những đứa con tha hương hằng hướng tâm trí về quê cha đất tổ, nhất là khi những hoạt động nầy rất đa dạng, dồi dào. Bên phần người Pháp, một dịp để tìm hiểu sâu rộng văn hóa một vùng, một xứ tuy xa mà gần, một trăm năm chung đụng đền bù một vạn cây số xa cách. Không phải tình cờ mà những năm gần đây người Pháp rất thích đi tham quan Việt Nam mà chuyến nào cũng dừng lại vài ba hôm ở Huế nếu không là nhiều hơn. Hoạt động văn hóa nghệ thuật Huế trên đất Pháp chắc chắn nhắc nhủ quê hương cho đứa con xa Huế và cũng góp phần trau dồi kiến thức người Pháp về cố đô ta.

Hắc Ký Ni Sơncuối xuân 1999
Huế Xưa và Nay 34 199

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]