Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Góp ý về Nhân Vật Truyện Kiều
Thiếu Khanh
LTG: Trong một email giới thiệu một bài viết rất hay về Nhân Vật Truyện Kiều,Tác giả, ông Tạ Quang Khôi, nói người ta "tôn thờ Truyện Kiều một cách mù quáng."

Tôi mạo muội góp một chút ý kiến thô thiển về chỗ này.

*
Từ trước đến nay Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du không chỉ được ca tụng không thôi (thực ra không phải hoàn toàn là mù quáng đâu) mà cũng bị không ít người chê. Người khen và người chê Truyện Kiều không cùng đứng trên một mặt phẳng mà họ thuộc hai phạm trù riêng biệt, có lẽ không liên quan gì với nhau: Văn chương và luân lý. Người khen cho Truyện Kiều là một viên ngọc về văn chương, người chê cho Truyện Kiều là dâm thư, có hại cho tinh thần đạo đức của... phái nữ! ("Đàn ông chớ đọc Phan Trần / Đàn bà chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều"). Nhưng cũng có thể với quan niệm "Văn dĩ tải đạo" - Văn chương để chuyên chở đạo lý - mà người ta kết án cả mặt văn chương của Truyện Kiều.

Việc chê Truyện Kiều về mặt luân lý để ghép tác phẩm vào hàng dâm thư thì cần được xem xét lại. Ngày nay cuộc sống đã thay đổi, các khái niệm đạo đức luân lý đã không còn như trước, nên lời chê đó có lẽ không còn hiệu lực nữa.  Thế thì ta bàn về chuyện khen ngợi.

Sự ca tụng Truyện Kiều về mặt văn chương, nếu xét từ thời điểm tác phẩm của thi hào Nguyễn Du ra đời có lẽ ta sẽ thấy dễ hiểu, và không có gì là quá đáng. Cách đây gần hai trăm năm,  ngôn ngữ văn học tiếng Việt đang ở mức độ mà, nói theo "phong cách" bây giờ,  "sự phát triển hoàn hảo còn ở phía trước," mặc dù từ lâu trước đó đã có những tác phẩm thơ nôm của Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm....  Đọc thơ của các cụ ấy dường như chúng ta có cảm giác mình đọc... tư liệu văn học,  chớ ít thấy cảm xúc; ngay cả thơ nôm của cụ Trạng Trình giàu tính dân dã  mộc mạc cũng thế.  Mặt khác, và sở dĩ như thế, vì tác phẩm của các cụ chủ yếu là thuật sự, thuật hoài, kể lại các cảm nghĩ, cảm xúc của cá nhân mình trải nghiệm với cuộc sống, cũng của cá nhân tác giả, và... tải đạo, tức nhằm dạy đời với các quy ước luân lý đạo đức Nho giáo.  Trong tác phẩm của các cụ, ngay hiønh ảnh của chính tác giả đã khá lờ mờ; dù các cụ có mô tả một đối tượng nào khác thì cũng chỉ với vài nét chung chung, mơ hồ, được nhìn từ xa qua ống kính khuôn mẫu ước lệ. Không một con người nào, không một khuôn mặt nào được vẽ rõ ràng, nói chi đến có một cuộc đời nào được kể ra cho rành mạch. Đó là một trong những tính chất đặc trưng của thể loại văn học phổ biến trong giới nhà nho ngày trước, sản xuất những tác phẩm lụn vụn ngắn ngủn, với bốn câu, tám câu, từ hai mươi chữ (ngũ ngôn tứ tuyệt), 28 chữ (thất ngôn tứ tuyệt) 40 chữ (ngũ ngôn bát cú) và 56 chữ (thất ngôn bát cú). Một truyện ngắn trăm chữ ngày nay chỉ vẽ được vài nét bút sắt nhỏ ri ri, thì với 56 chữ người ta phải "nén" mọi thứ cần diễn tả, và độ nén ấy phải đậm đặc hơn cả các "file" nén .rar hay .zip trên máy tính bây giờ! Cho nên khi một tác phẩm "dài hơi" như Truyện Kiều ra đời đã làm cho người ta... choáng.

Truyện Kiều với 3.254 câu thơ  gồm 22.778 chữ đủ là  một kỷ lục ghê gớm rồi, lại mô tả rất nhiều con người thuộc nhiều thành phần trong xã hội thời đó là một chuyện rất mới. Nhưng điều đặc biệt và đặc sắc hơn hết là ngôn ngữ của thơ rất trau chuốc, bóng bẩy, khiến thể thơ lục bát đằm thắm của ca dao trở nên càng lộng lẫy sang trọng trong lâu đài văn học. Dù người ta có thể kể ra một số câu thơ  khá "vè" kiểu như  "Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân," hoặc  "Thanh minh trong tiết tháng ba /  Lệ là tảo mộ hội là đạp thanh" vân vân, nhưng so với nhiều truyện thơ dân gian khác ra đời sau, vào khoảng thế kỷ 19, như "Phạm Công Cúc Hoa," "Lâm Sanh Xuân Nương," "Thạch Sanh Lý Thông," "Trần Minh Khố Chuối", v.v.. thì Truyện Kiều quả là một viên ngọc mà quãng cách giá trị đối với các tác phẩm kia là quá xa.

Với ba cái nhất từ lúc bấy giờ: tác phẩm dài nhất, nội dung mô tả mới nhất, ngôn ngữ hay nhất, (chưa nói đến sự thành tựu rực rỡ của thể thơ Lục Bát của dân tộc trong tác phẩm) khiến người ta khen ngợi không tiếc lời là phải. Không mù quáng gì đâu.

Trước khi Truyện Kiều ra đời đã có bản dịch Chinh Phụ Ngâm rất hay của bà Đoàn Thị Điểm (dài 483 câu, có thuyết nói do Phan Huy Ích dịch) từ tác phẩm bằng Hán văn của Đặng Trần Côn; truyện thơ nôm Phan Trần (dài 954 câu, có chỗ nói Bà Đoàn Thị Điểm là tác giả), và có lẽ trễ một chút hoặc đồng thời với Truyện Kiều là truyện thơ Hoa Tiên (1.532 câu) của Nguyễn Huy Tự. (Cả Hoa Tiên và Phan Trần cũng đều "cải biên" từ những tác phẩm văn học Trung Quốc, như Truyện Kiều). Trong số ba tác phẩm đó, Chinh Phụ Ngâm được nói đến nhiều hơn cả. Thế nhưng lời khen ngợi về văn chương có vẻ chỉ tập trung nhiều nhất vào Truyện Kiều. Ngay cả điều này cũng không phải vô cớ. Suốt tác phẩm Chinh Phụ Ngâm người ta chỉ  nghe thấy một tiếng than dài não nuột và bất tuyệt của một người vợ lính, trong khi Truyện Kiều vẽ ra gần như cả một xã hội với nhiều tầng lớp người, với nhiều hoàn cảnh và tâm trạng phức tạp của người trong cuộc. Cụ Hoa Đường Phạm Quí Thích không quá lời khi nói rằng tác giả của nó, cụ Nguyễn Du có cái tâm và con mắt nhìn thấu suốt ngàn đời.

Trong Chinh Phụ Ngâm, theo cách mô tả ước lệ truyền thống, dung nhan người chinh phụ thế nào ta không rõ; ngoài việc nhớ chồng đi chinh chiến, sinh hoạt hàng ngày của nàng thế nào ta cũng không biết. Trong khi đó, mỗi nhân vật truyện Kiều được khắc họa rất rõ chân dung, đến nỗi không những danh tính của họ đã đi vào ngôn ngữ của chúng ta như những nhân vật điển hiønh, mà cả trong cuộc sống của xã hội hiện đại, tưởng chừng ta có thể nhìn thấy một số họ đang nhởn nhơ trước mắt: những Mã Giám Sinh "mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao," những tú bà "ăn gì to lớn đẫy đà làm sao,"vân vân.

Tôi không phải là nhà nghiên cứu văn học, thành ra đây là những cảm nhận cá nhân có thể là không đầy đủ và không sâu sắc,  nhưng tôi thấy người ta không "tôn thờ Truyện Kiều một cách mù quáng". Ông Tạ Quang Khôi nói người ta "tôn thờ Truyện Kiều một cách mù quáng" theo tôi là không đúng. Tuy nhiên những nhận xét của ông về các nhân vật Truyện Kiều (1) thì quả là không sai. Đây không phải là chuyện "ba phải," mà thuộc hai phạm trù khác nhau (cũng như có người khen ngợi văn chương Truyện Kiều trong khi người khác chê Truyện Kiều là dâm thư). Điều ông Tạ Quang Khôi nói là thuộc về lãnh vực xây dựng tâm lý nhân vật.

Các nhà văn xưa của ta có vẻ hoàn toàn không quan tâm đến khía cạnh này. Một phần là do nền văn học của ta lúc đó chưa phát triển, chưa có "nhà văn", và (cho nên) chưa có nhu cầu khắc họa tính cách nhân vật. (Trong khi trong văn học Tàu có những hình tượng điển hình nổi bật như Tôn Ngộ Không, Bát Giới... [Tây Du Ký], Tào Tháo, Trương Phi... [Tam Quốc Chí], Lỗ Trí Thâm, Lý Quì... [Thủy Hử] v.v...). Phần khác, có thể nào những cái bất cập trong tính cách các nhân vật truyện Kiều mà ông Tạ Quang Khôi nêu ra vốn đã có sẵn từ trong tác phẩm gốc của nó là bộ Phong Tình Lục của Tàu (2) mà khi mượn cốt truyện để "cải biên" thành Đoạn Trường Tân Thanh cụ Nguyễn Tiên Điền, tuy có con mắt thấu suốt nghìn đời nhưng vốn chưa quan tâm đầy đủ đến tâm lý nhân vật, đã không nhận ra sự thiếu nhất quán của các tính cách ấy chăng?

Nói Nguyễn Du chưa quan tâm đầy đủ, vì nên biết rằng Phong Tình Lục không phải là một tác phẩm nổi tiếng trong văn học cổ Trung Quốc, và cô Kiều trong đó khá "phô" đã được cụ Tiên Điền "tút" lại mới đẹp đẽ thanh lịch tài hoa như thế đấy. Nhưng khi gọt dũa lại nhân vật, Nguyễn Du đã để sót những điều biểu lộ sự không nhất quán trong tính cách của họ như ông Tạ Quang Khôi đã vạch ra chính xác. Nhưng đó là sự thiếu sót của một tác giả cách đây hai trăm năm, thời văn học tiếng Việt chưa phát triển. Sau Nguyễn Du gần hai trăm năm, nhà văn Lê Văn Trương đã từng bị coi là người bất chấp tâm lý nhân vật trong các tiểu thuyết "người hùng" của ông đó thôi.

Thiếu Khanh.
(1) - Có thể đọc bài này của tác giả Tạ Quang Khôi ở đây:
http://truyenkimvankieu.blogspot.com/2009/12/16-nhan-vat-truyen-kieu-ta-quang-khoi.html

(2) - Từ trước đến nay, nhiều người đinh ninh Truyện Kiều được Nguyễn Du mô phỏng từ tiểu thuyết Thanh Tâm Tài Nhân của Tàu (trước năm 1975 đã được dịch giả Tô Nam Nguyễn Điønh Diệm dịch ra tiếng Việt và được Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa VNCH xuất bản với tựa "Kim Vân Kiều Thanh Tâm Tài Tử" ). Gần đây có người phát hiện Thanh Tâm Tài Nhân là tác phẩm do một người Tàu dịch từ Truyện Kiều của Nguyễn Du sang chữ Hán. Trong số các nhà nghiên cứu đưa ra nhận định mới này, cụ Hương Ngạn Đào Tử Đàm Duy Tạo (thân phụ của hai Gs Đàm Trung Pháp và Đàm Trung Phán) trong tác phẩm "Truyện Kim Vân Kiều Giảo Đính Tường Giải" (tác phẩm còn dạng bản thảo chưa xuất bản), đã nêu bằng chứng khẳng định rằng Nguyễn Du dựa vào một cốt truyện trong bộ "Phong Tình Lục" của Tàu để sáng tác Đoạn Trường Tân Thanh, và rằng "cuốn tiểu thuyết Thanh Tâm Tài Nhân đích xác là dịch ở truyện Kim Vân Kiều ra". Có thể đọc "Truyện Kim Vân Kiều Giảo Đính Tường Giải" tại đây: http://kimvankieu.wordpress.com/ . Và vẫn còn có thể download bản thảo tác phẩm này tại đây: http://www.megaupload.com/?d=9QYH4NW8