Chim Việt Cành Nam     [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

HÀNH LANG JUBÉ NHÀ THỜ BOURGET-DU-LAC

Bài và ảnh Võ Quang Yến

Thành phố Aix-les-Bains, do tên La Mã Aquæ Gratianaæ mà ra,ở vùng núi Savoie nước Pháp có tiếng là một nơi điều trị nước khoáng nóng từ thuở đầu Công nguyên. Ngày nay, ở ngay trung tâm có hai nhà điều trị các bệnh thấp khớp, những hậu quả các chấn thương nhờ những nguồn nước lưu huỳnh và có phèn ; ở phía nam thị trấn, trong một khu rừng um tùm, mát mẻ có nhà điều trị những chứng bệnh kinh niên các đường ống hô hấp. Quanh những nhà điều trị nầy mở ra nhiều khách sạn, quán ăn, nhà hát, nhà chơi, hộp đêm, một công viên rộng lớn cây cao bóng mát, không xa còn có hồ Le Bourget với đủ thứ giải trí bơi lội, tàu bè, du ngoạn,...nên thành phố dần dần đã trở nên một trung tâm nghỉ hè miền núi rất được ưa chuộng. Aix-les-Bains còn dính liền với tên nhà đại văn hào Alphonse de Lamartine. Năm 1816, lúc mới vào tuổi 26, trong một dịp ghé chơi, chàng thanh niên nầy đã làm quen với Julie, phu nhân nhà vật lý học Jacques Charles, lại đây để chữa một bệnh phổi khá trầm trọng. Một hôm, nhân đi dạo thuyền trên hồ, một cơn bão suýt đẩy cô ta xuống nước, may nhờ Lamartine cứu khỏi và tận tình chăm sóc. Thế là hai tâm hồn lãng mạn bắt gặp nhau và trao đổi tình sâu mộng đẹp. Đôi trai trẻ đã may mắn cùng nhau sống những ngày say đắm đê mê. Nhưng một năm sau, cô gái rủi ro không vượt qua nổi chứng bệnh và mất đi trước cơn đau khổ của nhà thi sĩ. Lamartine đã gởi gắm tâm tình trong bài thơ Le lac (Cái hồ) bất hủ, một bài thơ mà cô không may mắn được nghe, nâng nàng Julie thành người tình bất tử Elvire.
..."Ô temps ! suspends ton vol, et vous, heureux propices !
Suspendez votre cours :
Laissez-nous savourer les rapides délices
Des plus beaux de nos jours..."

(..."Ôi, thời gian xin dừng cuốn bay,
Và giờ phút thuận lợi xin ngưng xuôi chảy,
Để chúng tôi tận hưởng những niềm vui chốc lát
Trong những ngày đẹp nhất của chúng tôi...")

Hình tượng Lamartine trong công viên Aix-les-Bains

Trong những buổi dạo chơi quanh vùng xem chim trên hồ hay ngắm mặt trời lặn, chắc chắn thế nào đôi uyên ương cũng đã lết chân vào thị trấn Bourget-du-Lac nằm yên tĩnh ở cực nam hồ, tuy từ thời đầu Công nguyên đã là nơi giao lưu thương mại nối liền với sông Rhône qua kênh đào Savières ở cực bắc hồ. Người La Mã đã dựng ở đây một miếu thờ Thủy thần Mercurius, người bảo hộ hành khách và thương nghiệp. Dần dần dân gian quy theo công giáo nhưng qua thế kỷ 11 mới thấy những tu sĩ dòng thánh Benoît (bénédictin) từ tu viện cấp cao Cluny vùng Bourgogne lại đây thành lập nhà thờ, tu viện, truyền bá Phúc âm đồng thời khai khẩn đất đai, phát triển kinh tế. Tục truyền lúc đầu có tu sĩ Odilon, thuộc trường phái Cluny, đi ngang qua đây, nằm mơ thấy thánh Maurice chữa lành bệnh bá tước Savoie, sau đấy được bá tước biếu tặng đất đai. Được phép xử tội, thâu thuế, đặc biệt thuế muối, lại được thu nhận lợi nhuận về đất đai,vườn nho, đánh cá,...nhà thờ tu viện trở nên phong phú vào thế kỷ 13. Trải qua nhiều biến chuyển, tu viện trở về tay các tu sĩ dòng Tên vào thế kỷ 16 và sau cách mạng thì bị bán ra ngoài. Cuối thế kỷ 19, trước có Jean Barut, một phú gia thành phố Chambéry say mê nghệ thuật, mua sửa và xin cho sắp vào các công trình kiến trúc lịch sử năm 1912, sau có bà công tước Choiseul, nguyên gốc Hoa Kỳ, lại đây định cư cho đến 1939. Là tình nhân của Auguste Rodin, bà được nhà điêu khắc nầy tạc cho hai bức tượng, hiện có một bản sao ở nhà thờ ngày nay được thị trấn bảo quản, trùng tu, chăm lo vườn tược. Nhà thờ Bourget-du-Lac không còn có bao lăm vết tích thời Trung cổ nếu không mang trong lòng một công trình nghệ thuật độc đáo thực hiện từ thế kỷ 13, trùng tu hai thế kỷ sau : đấy là những mảnh đá kể lại lịch sử công giáo nguyên nằm trên bức hành lang gọi là jubé trong nhà thờ.
 

Hồ Le Bourget : Cảng Lớn
Hồ Le Bourget : Cảng Nhỏ
Aix-les-Bains nhìn từ Tresserve
Hồ Le Bourget trước đỉnh Răng con Mèo

Trước kia, trong nhà thờ thường có một bức hành lang bằng gỗ hay bằng đá chắn ngang giữa điện thờ nghi lễ (choeur) dành cho các linh mục và gian giữa chính (nef) là chỗ của tín đồ, tương tự như bức ambon trong các nhà thờ Hy Lạp và La Tinh. Đây là một diễn đàn để đọc thánh kinh. Bắt đầu từ thế kỷ 17, hành lang nầy dần được phá đổ vì bị cho là che mất điện thờ và cũng để cho tín đồ kế cận với giới tăng lữ hơn. Ngày nay rất ít nhà thờ còn giữ hành lang nầy trừ những nhà thờ Nga và những nhà thờ chính giáo. Trong Paris còn thấy ở nhà thờ Saint-Etienne du Mont, quận 5, còn khắp nước Pháp chỉ còn vài cái ở các nhà thờ Albi, Faouet, Rodez, Troyes, Chartres,... Trước khi đọc thánh kinh, người trên hành lang thường nói mấy chữ La Tinh : Jube, Domine, benedicere (ra lệnh, đức Chúa, ban ơn) có thể hiểu là Lạy Chúa ban ơn cho con. Chính chữ Jube được dùng ngày nay để chỉ định cái hành lang kia. Ở Bourget-du-Lac, cái jubé ngăn chia điện thờ thánh Maurice và gian giữa tôn phong thánh Laurent thực hiện vào thế kỷ 13 khi nhà thờ được xây dựng, cũng bị phá đổ vào khoảng 1825-1840, những tu sĩ cũng hết còn ở nhà thờ. Đấy là những phiến đá vôi sơn nhiều màu, thể hiện nhiều hoạt cảnh trong đời sống đấng Giêsu, từ thời thơ ấu cho đến nỗi khổ hình. Không biết tác giả là ai, chỉ khi so sánh với các hình tượng cùng thời như ở Chartres, Vezzolano, Piémonti mới xác định được niên đại. Cũng nhờ vậy mới biết được nhiều phiến chỉ đuợc thực hiện vào thế kỷ 15. Khi trùng tu nhà thờ, jubé được phục chế trên tường phía sau điện thờ nhưng vì thiếu chỗ, nhiều hoạt cảnh đã bị loại ra ngoài. Cũng tùy theo bề rộng những ngăn tường và của phiến đá vôi, những hoat cảnh được sắp thành sáu khúc nhưng không phải theo thứ tự niên đại.
 

Nhà thờ Bourget-du-Lac ở cuối hồ
Vườn nho Billième trên đồi quanh hồ

Bắt đầu từ bên mặt, hoạt tượng thứ nhất là lễ Báo tin (L'Annonciation). Tổng thiên thần Gabriel báo tin cho Marie là nàng sẽ có mang : Con xin kính chào Mẹ Marie, thấm nhuần gia ân, đức Chúa luôn ở với Mẹ, Mẹ được ban phúc lành trong số các phụ nữ,...như mấy câu đầu bài kinh quen thuộc thường nghe trrong nhà thờ. Từ năm 4 tuổi đến năm 14 tuổi, Marie ở trong nhà thờ với những cô gái đồng trinh khác. Nhờ Chúa Trời tiết lộ, nàng biết được sẽ đính hôn với Joseph. Trong lúc Joseph về quê Bethléem để sửa soạn hôn lễ, nàng về nhà cha mẹ ở Nazareth. Chính ở đây mà thiên thần, người mang cánh, lại chào. Thấy nàng bối rối, thiên thần trấn an nàng rồi bảo nàng sẽ sinh một đứa con trai mang tên Giêsu, nghĩa là vị Cứu tinh, cứu thoát chúng sinh mọi tội lỗi. Khi nàng ngạc nhiên cho biết không có ăn nằm với một người đàn ông nào thì thiên thần bảo Đức thánh thần sẽ đến với nàng và làm nàng thụ thai. Thời Trung cổ, những nghệ sĩ thường chú trọng nhiều về tình cảm và tính biểu lộ nên ta thấy ở đây nỗi kinh hãi trên nét mặt Marie trước một thông tin bất ngờ như thế. Phiến đá nầy có thể được thực hiện chậm hơn những phiến khác vì nếp xếp các tà áo rất đặc biệt trong nghệ thuật chạm trổ cuối thời Trung cổ. Không hiểu thay đổi diễn ra trong thời kỳ trùng tu hay vào thế kỷ 13 chưa có lễ Báo tin ?

Hoạt cảnh tiếp theo là Thông báo cho mục đồng (L'Annonce aux bergers) : hai thiên thần báo cho một mục đồng tin vui Chúa giáng sinh. Hai thiên thần dễ nhận ra nhờ có cánh. Mục đồng mặc áo cụt, choàng một áo khoác có mũ trùm đầu, biểu hiện y phục của người dân nghèo. Theo thánh Luc, thiên thần lại báo tin cho nhiều mục đồng, ở đây không hiểu sao chỉ có một mục đồng. Tuy nhiên, có những mảnh vỡ hình dung một cánh tay và một bàn chân bên cạnh những con cừu, rất có thể một hay hai mục đồng đã bị gãy vỡ.
 

Báo tin
Thông cáo cho mục đồng

Cũng cùng trong một ngăn tường còn có hoạt cảnh Sự tôn thờ của các pháp sư (Adoration des mages) thực hiện ba người đàn ông dâng quà cho đức Mẹ và vị Chúa. Theo kinh thánh Matthieu, ba pháp sư nầy đã được một ngôi sao báo cho biết một tân vương giáng sinh và dẫn đường cho họ đến Judée. Họ là những đạo sĩ, tiếng La Tinh gọi magus, tiếng Hy Lạp magos, những nhà bác học uyên thâm về thiên văn, khoa học huyền bí. Lúc đầu không biết họ là bao nhiêu người, chỉ biết họ từ phương Đông lại. Truyền thống dân gian xếp họ giữa hai con số 2 và 12. Bức tranh ở nghĩa địa Saint-Pierre và Marcellin ở Roma chỉ vẽ hai người. Sau đó, những hình trang trí ghép mảnh ở Sainte-Marie-Majeure, Roma, cũng như ở Saint-Apollinaire Nuovo, Ravenne, trình bày ba vị mặc áo quần giáo sĩ Mithra, đội mũ Phrygie. Mãi đến thế kỷ 6 mới thấy phân biệt ba người mang biểu biệu nhà vua mang ba tên khác nhau : Gaspard thường hình dung là một chàng trẻ không râu, Balthazar một ông đứng tuổi và Melchior một cụ già sói tóc, râu xồm. Truyền thống còn gán ba vua pháp nầy biểu hiện cho ba lứa tuổi trong đời hay đại diện cho ba châu Âu, Phi, Á, dòng dõi con cháu Noé. Một vị quỳ, hai vị đứng trước đức Mẹ bồng chúa Giêsu, một vị dơ tay chỉ vì sao. Đứng bên tay trái đức Mẹ là Joseph, chống gậy, đội mũ Do thái. Trong bình bằng kim loại quý, họ dâng tặng nhựa hương tiêu biểu quyền lực tôn giáo, một dược quyền lực tiên tri và vàng quyền lực thế tục.
 

Sự tôn thờ của các pháp sư

Một hoạt cảnh choáng toàn ngăn tường thứ nhì là Nhập thành Jérusalem (L'entrée à Jésuralem) mở đầu giai đoạn khổ hình của chúa Giêsu. Dẫn đầu đoàn Tông đồ, thánh Pierre nắm chìa khóa, lần cuối cùng Giêsu trèo lên thành Jérusalem năm 29 vào dịp lễ Pâque. Khi đến gần núi Ô Liu, Ngài phái hai đệ tử lại xóm cạnh bên dắt về cho Ngài một con lừa mẹ đang đứng với con. Ngài chọn lừa thay vì ngựa vì nếu trong Thánh kinh ngựa tiêu biểu sức mạnh mẽ nhưng hung tợn, lừa là môt con vật quen thuộc, thân giao, biểu tượng cho hòa bình. Và cũng đúng như lời nhà tiên tri Zaccharie đã nói từ trước : Ngài sẽ đến với con, công minh và chiến thắng, khiêm nhường và cỡi trên một con lừa. Dân gian lại xem rất đông, mang theo cành cây cọ, có người trèo lên cây để thấy cho rõ, có kẻ cởi áo lấp lên lối đi,...Khi có tiếng hỏi trầm trồ : ai vậy ? đám đông trả lời : Ngài là Giêsu, vị tiên tri thành Nazareth ở Galilée. Khi Ngài sắp xuống núi Ô Liu, dân chúng hô lớn : Hoan hô Ngài Con David ! Chúc tụng Người đến nhân danh Chúa Trời ! Vào thành, Ngài lại thẳng nhà thờ, lật đổ bàn ghế, đuổi những người đang mua bán ở đấy : nhà của tôi là một nơi cầu nguyện, các ngươi đã biến nó thành sào huyệt của kẻ trộm cắp ! Nhiều người tàn tật, mù mắt lại gần, Ngài chữa cho lành bệnh. Sau đấy Ngài lên đường đi Béthanie. Vì nhiều người đã mang lại cành cọ, ngày lễ nầy còn được gọi Hội Cành (Rameaux).
 

Nhập thành Jérusalem

Ngăn tường thứ ba có hai hoạt cảnh : hoạt cảnh thứ nhất là Thiên tư ngôn ngữ (Le don des langues) hay ngày lễ Hạ trần (Pentecôte). Lễ nầy dánh dấu năm mươi ngày sau lễ Pâque (tiếng Hy Lạp Pentêkostê). Chính trong ngày nầy đức Giêsu đã truyền một nhiệm vụ cho những Tông đồ : dưới hình thức những lưỡi lửa, Đức thánh thần đã hạ xuống đầu đức Mẹ và những Tông đồ tụ họp ở phòng xen, thành quả là mọi người đều nói được đủ thứ tiếng và có thể hiểu nhau. Những người dân lại xem rất lấy làm lạ, có người bảo họ say rượu. Pierre liền giải thích tường tận sự kiện, nhắc lại những lời của vị tiên tri Joël : Chúa sẽ cho thấy những điều kỳ diệu trên trời, cho thực hiện những phép lạ dưới đất ; máu, lửa, cuộn khói xoáy khắp nơi ; mặt trời tối đi, mặt trăng thành máu, trước khi ngày của Chúa sẽ đến ; và ai cầu khấn Chúa sẽ được cứu vớt. Và ông giảng giải về đấng Giêsu, con của Chúa Trời. Sau đó, ba ngàn người xin rửa tội, chịu theo giáo huấn của các Tông đồ, trung thành với lòng từ thiện, sự bẻ bánh mì và các lời cầu nguyện. Trong hoạt cảnh, giữa 12 vị Tông đồ, hai thánh Pierre và Paul bàn luận với nhau trên cuốn sách biểu hiện nhiệm vụ của họ. Lúc ban đầu, lễ Hạ trần đặt ra để cám ơn Thượng đế cho được mùa. Bắt đầu từ thế kỷ 4, lễ trở nên long trọng hơn và thường người công giáo thực hiện lễ rửa tội cho con trẻ. Ở bên Ý, trong ngày nầy, được rải từ trần những hoa hồng biểu tượng cho Đức thánh thần hạ xuống nên lễ có tên Pascha rosatum (lễ Pâque hoa hồng).
 

Thiên tư ngôn ngữ

Trong ngăn tường thứ ba nầy hoạt cảnh thứ nhì là Tính hoài nghi của Thomas (L'incréduité de Thomas). Ở Pháp thường nghe nói : Tôi như thánh Thomas, tôi chỉ tin khi nào tôi thấy. Ngay trong ngày phục sinh và vài ngày sau, Giêsu xuất hiện mười lần : trước Marie-Madeleine, chứng tỏ Ngài mất đi để cứu vớt những kẻ phạm tội ; trước những bà đi thăm mộ về, buồn rầu không tìm ra thi hài Giêsu ; trước Simon, nhưng không biết vào giờ nào và ở đâu ; trước những đồ đệ trên đường đi Emmaüs (xem hoạt cảnh Bữa ăn Emmaüs) ; trước tất cả các đồ đệ hai lần thứ năm và thứ sáu ; trước những đồ đệ đang câu cá ; trên núi Thabor ; trong phòng xen để la mắng các đồ đệ tính cả tin và bất tâm ; trên núi Ô Liu vào dịp thăng thiên. Lúc Giêsu xuất hiện lần thứ năm, Thomas không có mặt. Qua lần thứ sáu, khi Thomas hoài nghi tỏ ý không tin, Giêsu liền vạch áo chỉ cho Thomas vết thương và bảo sờ vào. Thomas quỳ xuống, tự mình kiểm soát và nghe Giêsu khuyên răn : đừng có hoài nghi nữa và trở thành người có lòng tin. Với Thomas, còn có chuyện cái thắt lưng của đức Mẹ rơi vào tay ông, nguyên vẹn, còn nút, bắt buộc ông phải tin cơ thể đức Mẹ đã được toàn vẹn đưa lên Trời. Tuy nhiên sau nầy, có nhiều người như thánh Jérôme bảo nếu có những sự tích nên tin, có những sự tích khác nên xem như là tượng trưng thì cũng có nhiều sự tích như tính hoài nghi của Thomas nên quên đi.
 

Tính hoài nghi của Thomas
Sự hiện hình trước Marie-Madeleine

Trong ngăn tường thứ tư có ba hoạt cảnh. Hoạt cảnh thứ nhất là Bửa ăn Emmaüs (le repas d'Emmaüs). Ngày thứ ba sau khi Giêsu mất, Cléopas cùng với một đồ đệ mù mắt như ông lên đường đi Emmaüs. Theo thánh Luc, Emmaüs cách Jérusalem 60 stade phía bắc tức khoảng 10km, nhưng nhiều người cho nó nằm ở địa điểm ngày nay Amouas nghĩa là cách Jérusalem 30km. Dọc đường họ buồn rầu nói chuyện về Giêsu vừa mới bị đóng đinh trên giá chữ thập vì họ tin tưởng Giêsu sẽ là người chuộc lỗi cho Do Thái. Giêsu đi sau nghe nói, liền nhập bọn hỏi chuyện và bị trách là người đã đi ngang qua Jérusalem mà không hay biết chuyện Giêsu. Ngài liền giải thích ý nghĩa tinh thần của cái chết tuy vẫn không lộ diện. Đến Emmaüs, hai đồ đệ mời Giêsu chia sẻ bữa ăn. Giêsu nhận lời và cầm bánh, cầu phúc rồi mới bẻ ra đưa cho hai bạn đồng hành. Lập tức họ hết mù, biết là đã nhận bánh từ tay Giêsu, ngoảnh mặt nhìn lại thì Ngài không còn đó nữa. Ở Bourget-du-Lac, các nghệ nhân đã chọn trình bày bàn ăn, lúc hai bạn đồng hành đang chờ đợi Giêsu chia bánh.
 

Bữa ăn Emmaüs

Hoạt cảnh thứ hai trong ngăn tường thứ tư là Cuộc hạ thánh giá (La descente de croix). Joseph d'Arimathie, một đệ tử kín của Giêsu luôn ẩn náu vì sợ người Do thái sát hại, xin Ponce Pilate được phép khâm niệm thi hài đấng Christ, lại tháo đinh để hạ Ngài xuống thánh giá. Cơ thể Ngài gập cong trên vai Joseph d'Arimathie. Phụ tá có Nicodème, người đã lên tiếng bênh vực Giêsu trước tòa án Do thái sanhédrin trước khi trở thành đồ đệ, đã từng bị người Do thái làm khổ, đem lại nhựa trám hương và lô hội để tẩm vào tử thi, nay quỳ phía trước, chắp hai tay để giúp đở cơ thể khỏi té. Vào thế kỷ 4, người ta đã cho ông là tác giả một Kinh thánh ngụy tác bào chữa Ponce Pilate. Đàng sau có thánh Jean cũng dang tay thử cố giúp nâng đỡ cơ thể mềm yếu. Thánh Jean, mặc dầu sống lâu, thường được trình bày là một người rất trẻ, không râu ria. Là đồ đệ được Giêsu thương nhất, ông sẽ là tác giả một cuộc Thánh kinh. Bên trái có Marie hai tay cầm tay Giêsu, đưa lên miệng như để hôn. Tính đau đớn, tình tuyệt vọng của Marie được khai thác nhiều trong hình tượng công giáo, nhất là vào thời Trung cổ. Cũng dễ hiểu, đây là tính thương xót phát xuất từ tình yêu mẹ con phổ biến khắp mọi nơi, bất cứ vào thời gian nào. Các nghệ nhân đã khéo diễn tả bộ mặt của Marie trong hoạt cảnh nầy. Sau nầy, Marie thường được trình bày nằm trước thánh giá. Bộ mặt của Giêsu cũng rất thảm thương của kẻ bị hành hình. Các vị Joseph d'Arimathie, Nicodème, Jean, Marie, mặt mày đau khổ, và vài ba đồ đệ khác còn có mặt trong hoạt cảnh Hạ huyệt (Mise en tombeau) cũng thực hiện thời Trung cổ, thường được thấy trong các hầm nhà thờ, không có ở đây.
 

Cuộc hạ thánh giá

Hoạt cảnh thứ ba trong ngăn tường thứ tư trình bày các Các bà lên mộ (les Femmes au Tombeau). Sự tích ba nữ thánh nhân nầy lên mộ Giêsu là điểm quan trọng nhất trong truyện thánh vì từ đây tin chúa Giêsu phục sinh được báo ra. Ba bà nầy là ba bà Marie : Marie-Salomé, mẹ hai thánh Jacques le Majeur - để tên lại trong cuộc hành hương Saint-Jacques de Compostelle - và Jean ; Marie, mẹ của thánh Jacques le Mineur hay Jacques le Juste, bà con với Marie mẹ Giêsu ; và Marie-Madeleine, có tiếng là người nhún nhường nên được hân hạnh có mặt trong các thời buổi quan trọng đời sống Giêsu như lúc nầy lên mộ, đặc biệt là người đầu tiên được Giêsu báo tin vừa mới phục sinh. Ba bà mang ba bình hương lên mộ thời ấy là một lỗ hổng đào trong đá, bên ngoài có một phiến đá che miệng lỗ. Ở đây mộ được hình dung như một cái hòm có nắp. Khi họ đến thì thấy nắp đã được mở ra và thi hài đã biến mất. Bên trái, một thiên thần áo trắng có cánh chỉ hòm trống không và cho hay Giêsu đã sống lại. Trước hòm, hai người lính canh đang còn ngủ, họ bận áo giáp luới sắt quân binh thế kỷ 15.
 
 

Các bà thánh mẹ lên mộ

Hoạt cảnh Thăng thiên (L'Ascension) chiếm toàn ngăn tường thứ năm. Theo Luc, sau khi ban phúc lành cho các Tông đồ, Giêsu bay lên trời. Thường hoạt cảnh được trình bày trên hai tầng và ở tầng dưới thấy hai chân của Ngài. Ở đây không có chân, chỉ thấy các Tông đồ ngước mắt lên cao. Sách có chép dân gian lại xem, thấy mọi người ngẩn đầu thì có câu hỏi : vì sao các ngươi nhìn trời như vậy ? Marie đứng giữa, hai tay chập lại như đang cầu khấn. Trong số những người đứng quanh, các Tông đồ thì có râu, còn hai nhân vật đứng gần nhất hai bên Marie là những thiên thần : ở thế kỷ 13, các nghệ nhân theo đúng quy tắc gôthic nét đẹp trẻ trung của các thiên thần.
 

Thăng thiên

Trong một góc tường thú sáu cực trái là hoạt cảnh Sự hiện hình trước Marie-Madeleine (L'Apparition devant Marie-Madeleine). Thánh Luc thường kể chuyện về nhiều bà Marie với những tên khác nhau như Marie de Béthanie, Marie de Magdala hay một bà có tội, có lẽ chỉ là một người. Như đã thấy, nhờ có tính tình nhún nhường nên bà được sống nhiều thời buổi quan trọng của Giêsu như đi lên mộ và bây giờ được Giêsu trao cho nhiệm vụ đi báo tin Ngài đã phục sinh. Sách có viết sau khi khóc trên mộ trống Giêsu, bà nghe tiếng động sau lưng, ngoảnh lại tưởng là người giữ mộ nhưng nhận ra ngay Giêsu. Bà dơ tay muốn sờ vào áo thì Ngài khoát tay : Noli me tangere (Đừng đụng tôi). Trong hoạt cảnh, Marie-Madeleine quỳ trước Giêsu, hai tay chấp lại kính cẩn nghe sứ mạng. Sau ngày lễ Hạ trần, hết còn nghe nói đến Marie-Madeleine. Vào thế kỷ 12, có truyền thuyết kể bà với anh là Lazare (người được Giêsu cứu sống dậy) và em gái là Marthe lên ghe đi về phía Provence ở Pháp, định cư ở Sainte-Baume gần Marseille, nay là một nơi hành hương. Rất được thờ kính không những ở Pháp mà còn ở Anh, Ý, hiện có hai thị trấn Saint-Maxime và Vezelay đòi danh dự có mộ của bà.
 

Chim mòng đậu cọc trên hồ Le Bourget

Nói chung, hành lang jubé nhà thờ Bourget-du-Lac thật là một kiệt tác nghệ thuật công giáo. Những nghệ sĩ thời Trung cổ, với một kỹ thuật ngây thơ, đã biết diễn tả mọi tâm tình vui, buồn của đời sống hằng ngày, lắm khi có những chi tiết trong Thánh kinh thực hiện rất chính xác chứng minh nghệ nhân đã rất quen thuộc với môi trường, với văn bản. Nhà thờ cho biết cho chắp tất cả các hoạt cảnh với nhau thì jubé chiếm một độ dài 12,45m. Biết bề rộng của gian giữa chính là 8,45m, lại thêm nhiều hoạt cảnh như Giáng sinh (La Nativité) thiếu, jubé chắc trước kia đã được ghép trên hai tầng. Tuy biết nó nằm ở giữa điện thờ và gian giữa, hiện không có một văn bản gì để cho phép xác định vị trí của hành lang. Dù sao, quan trọng là những hoạt cảnh đã cống hiến hậu thế những trang sách lịch sử công giáo linh động, đẹp mắt. Riêng phần tôi, một kiệt tác loại nầy chiêm ngưỡng toàn bộ trong nhà thờ để lại nhiều ấn tượng hơn những mảnh rời rạc trong viện bảo tàng. Có điều nhà thờ mở cửa suốt ngày, không có người canh giữ, liệu có còn giữ được lâu không...
 

Chiều tàn mây cuộn trên dãy Núi con Mèo
Vui mùa Giáng Sinh 2010
Aix-les-Bains, sau những kỳ cure 2008-2010