Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]              [   Tác giả  ]


 
Đường Cây Xanh ở Sydney

MURAKAMI HARUKI

Sydney Green Street

Phạm Vũ Thịnh dịch
 

Lời người dịch:
Truyện ngắn sau đây đã đăng trên tạp chí Umi số đặc biệt tháng 12 năm 1982, được dịch từ nguyên tác là truyện thứ 7 trong tuyển tập "Chugoku yuki no Slow Boat" (Slow Boat to China - Thuyền Hàng Đi Trung Quốc), do nhà Chuo Bunko tái bản lần thứ 7 tháng 1 năm 2003.
Khi Raymond Chandler (tiểu thuyết trinh thám hardboiled "ngầu" "thứ dữ") bắt tay Parnell Hall (tiểu thuyết trinh thám hài hước)......
1
Đường Cây Xanh ở Sydney thật ra không khoái thích đến như bạn tưởng tượng từ cái tên ấy đâu -tất nhiên là tôi tưởng tượng rằng có lẽ bạn sẽ tưởng tượng như thế-. Trước nhất, con đường này chẳng có lấy một cây cối gì ráo. Mà cả bồn cỏ, công viên hay vòi nước uống cũng chẳng có. Vậy thì vì cớ gì lại được đặt tên là Đường Cây Xanh -Green Street-, thì chỉ có Trời hiểu. Có khi cả Trời cũng chẳng hiểu nổi nữa kia. Nói cho thành thực hết cỡ thì đường Green Street này là con đường u ám nhất trong cả thành phố Sydney. Chật hẹp, đông đúc, chen chúc mà bẩn thỉu, nghèo nàn, hôi hám, cũ kỹ, kém an ninh, lại thêm khí hậu xấu tệ. Mùa hè thì lạnh ngắt, mùa đông lại nắng cháy da.

Mùa hè thì lạnh ngắt, mùa đông lại nắng cháy da, nói thế nghe chừng kỳ quái. Cho dù Nam Bán Cầu và Bắc Bán Cầu thời tiết có ngược hẳn nhau đi nữa, thực tế thì mùa nóng vẫn là hè, mùa lạnh vẫn là đông chứ. Nghĩa là, tháng 8 là mùa đông, tháng 2 là mùa hè. Dân Australia ai cũng nghĩ như thế cả.

Thế nhưng, tôi thì nghĩ chuyện trên đời này không thể nào quyết đoán một cách đơn giản như thế được. Bởi có vấn đề trọng đại rằng: "Thời tiết là cái gì?" bao hàm trong đó rồi. Nghĩa là, cứ tháng 12 thì là mùa đông, hay phải lạnh thì mới là mùa đông?

Có thể bạn bảo rằng: "Đơn giản quá mà, phải lạnh mới là mùa đông chứ gì nữa!". Nếu lạnh là mùa đông, thế thì cỡ nhiệt độ dưới bao nhiêu độ Celsius thì là mùa đông nào? Mà ngay trong mùa đông cũng có vài ngày liên tiếp thật ấm áp, lại nói "Ấm áp rồi, là đã sang Xuân" được sao?

Đấy, có đơn giản đâu?

Cả tôi cũng chẳng hiểu nữa là!

Tôi cho rằng lối suy nghĩ "Mùa đông thì không lạnh không được" ấy có vẻ phiến-diện quá. Vì thế, cũng để phá vỡ thành kiến của những người chung quanh đây, khoảng từ tháng 12 đến tháng 2, tôi gọi là mùa đông, còn từ tháng 6 đến tháng 8, tôi gọi là mùa hè. Từ quan điểm đó thì ở đây, mùa hè lạnh ngắt, mà mùa đông lại nắng cháy da.

Do vậy, người chung quanh đây cho rằng tôi là đứa dở-hơi.

Nhưng mà, chuyện đó thì sao cũng được. Hãy nói về chuyện Đường Cây Xanh ở Sydney.

2
Như đã nói, đường Green Street này là con đường u ám nhất trong cả thành phố Sydney. Không chừng còn là con đường u ám nhất trong toàn Nam Bán Cầu nữa kia. Chẳng hạn ngay bây giờ, giữa trưa đứng bóng tháng Mười, tôi đứng ở văn phòng trên tầng ba, nhìn qua cửa sổ xuống khoảng ngay giữa đường Green Street này.

Tôi thấy gì?

Thấy đủ thứ.

Một kẻ không nhà nghiện rượu da rám nắng đang xoạc một chân xuống rãnh nước mà ngủ trưa -hoặc là say quắt-cần-câu ra đấy-.

Một thằng nhóc du đãng bộ điệu nghênh ngang thọc dây xích vào túi áo khoác, vừa khua động rèn rẹt vừa đi vòng vòng khắp đường.

Một con mèo bệnh, trụi lông hết nửa, đang bươi thùng rác.

Bảy tám đứa con nít cầm dùi nhọn đi thọc thủng bánh xe hơi, từ chiếc này đến chiếc khác.

Tường nhà bằng gạch dính những vết nôn mửa khô đủ màu.

Hầu hết các tiệm buôn đóng cửa im ỉm. Ai cũng ớn mứa con đường này rồi, nên đã dẹp tiệm, cuốn gói đi đâu mất cả. Đến bây giờ mà còn mở cửa buôn bán thì chỉ có một tiệm cầm đồ, một tiệm bán rượu và quán bán pizza tên là "Charlie".

Một cô gái trẻ mang giày cao gót, ôm vào ngực cái xách tay tráng men màu đen, chạy toàn tốc lực trên đường, vang tiếng đế giày cộp cộp. Cứ như là đang bị người nào đuổi bắt, nhưng phía sau chẳng thấy có ai chạy theo cả.

Hai con chó hoang đi ngang mặt nhau giữa con đường. Một con bước từ đông sang tây, con kia bước từ tây sang đông. Cả hai con chó vừa bước đi vừa dò mặt đường suốt, đi ngang mặt nhau cũng chẳng thèm nhìn lên.

Đường Cây Xanh ở Sydney là con đường như thế. Tôi hay nghĩ là nếu đến lúc cần phải đào một cái hậu-môn vĩ đại cho quả đất này thì ngoài chỗ này ra, chẳng còn đâu khác cả. Nghĩa là Đường Cây Xanh ở Sydney đấy.

3
Tôi chọn Đường Cây Xanh ở Sydney để đặt văn phòng làm việc tất nhiên cũng phải có lý do thích đáng. Chẳng phải vì tôi nghèo đâu. Giá thuê nhà ở đường này quả thật rất hạ, nhưng tôi chẳng phải vì túng tiền mà đến đây. Ngược lại, tôi có nhiều tiền đến nỗi chẳng làm sao tiêu cho hết. Ngay cả chuyện mua luôn một lèo mười cái bin-đinh mười sáu tầng mới toanh ở ngay đại lộ nổi tiếng nhất Sydney, tôi cũng làm được, hoặc mua nguyên một chiếc hàng không mẫu hạm tối tân nhất có kèm theo cả năm chục chiếc phi cơ chiến đấu, cũng chẳng khó khăn gì. Nói ngắn gọn là tôi có nhiều tiền đến nỗi ớn mứa chẳng muốn nhìn đến nữa. Bởi cha tôi là vua vàng vụn, đã qua đời hai năm trước đây, để lại toàn bộ tài sản cho đứa con duy nhất là tôi đây.

Tiền của nhiều quá không dùng hết được nên giữ cả trong ngân hàng cứ sinh ra tiền lời nhiều quá không dùng hết được. Rồi tiền lời ấy cũng phải giữ cả trong ngân hàng lại sinh thêm tiền lời nhiều hơn nữa. Chỉ nghĩ đến chuỗi sinh lợi, lợi sinh ấy không thôi cũng đủ ớn mứa lên rồi.

Sở dĩ tôi chọn Đường Cây Xanh ở Sydney để đặt văn phòng làm việc là vì người quen biết tôi sẽ chẳng ai xớ rớ đến đây làm gì. Người đàng hoàng thì chẳng ai tìm đến Đường Cây Xanh ở Sydney này cả. Ai cũng sợ con đường này. Vì thế, họ hàng sẽ chẳng ai đến để nói này nói kia nhức óc, bạn bè tọc mạch sẽ chẳng ai mò đến quấy rầy, mà đám đàn bà con gái nhắm chuyện đào mỏ cũng chẳng ai tìm đến được đây. Bọn luật sư cố vấn sẽ chẳng đến để bàn thảo chuyện đầu tư tài sản; tụi giám đốc ngân hàng sẽ chẳng đến để tán tỉnh gửi tiền; mà nhóm con buôn xe Rolls Royce cũng chẳng ôm theo một núi những tờ quảng cáo xe hơi hạng sang mà đến gõ cửa.

Điện thoại chẳng có. Thư nào đến là xé bỏ. Quả thật là yên tĩnh.

4
Trên Đường Cây Xanh ở Sydney, tôi mở một văn phòng thám tử tư. Vị chi, tôi là một thám tử tư.

Bảng hiệu ghi rằng:

[Thám tử tư. Giá rẻ. Duy chỉ nhận vụ nào hay ho mà thôi]

Trên bảng hiệu chỉ ghi những chữ đơn giản như thế tất nhiên là có chủ ý. Bởi ở Đường Cây Xanh ở Sydney này chẳng có một người nào hiểu được những chữ gốc Hán khó khăn cả.

Văn phòng là một căn phòng cỡ sáu chiếu[1] bẩn thỉu vô cùng. Trên tường lẫn trần phòng đầy cả những vệt màu vàng hoen ố. Cửa ra vào thì gắn cẩu thả nên đóng mở khó khăn, đã đóng lại rồi thì mở được nó ra là cả một công trình lao lực. Trên kính cửa có hàng chữ "Thám tử tư". Ở tay nắm cửa có treo tấm bảng nhỏ hai mặt ghi "Có mặt" và "Đi vắng". Khi bảng này lật ra bề "Có mặt" thì có tôi trong phòng. Khi bảng lật sang bề "Đi vắng" thì tôi đi đâu đấy rồi.

Nếu không ở trong văn phòng thì tôi hoặc là đang ngủ trưa ở phòng bên cạnh, hoặc là đang ở quán pizza, vừa uống bia vừa tán chuyện thiên-hạ với cô hầu bàn tên là Charlie. Chỉ một trong hai chỗ đó thôi. Charlie kém tôi vài tuổi, rất xinh, lai Trung Quốc. Sydney tuy rộng lớn thật, nhưng con gái mang dòng máu lai Trung Quốc thì chỉ có mỗi Charlie.

Tôi rất thích Charlie. Và tôi nghĩ có lẽ Charlie cũng thích tôi. Nhưng không chắc. Người khác suy nghĩ thế nào thì tôi hoàn toàn không hiểu được.

-"Thám tử tư thì có làm ra tiền không?". Charlie hỏi tôi.

-"Có làm ra tiền đâu". Tôi nói. -"Chỉ là chuyện tiền có vào hay không mà thôi chứ".

-"Cái anh này thật là người kỳ quái". Charlie nói.

Charlie không biết tôi là người lắm tiền.

5
Khi tấm bảng ngoài cửa lật ra bề "Có mặt", thường thường tôi ngồi ở ghế sofa bọc nhựa trong văn phòng, vừa nhấm bia vừa nghe đĩa nhạc Glen Gould. Tôi rất thích Glen Gould đàn dương cầm. Chỉ Glen Gould thôi, tôi cũng đã có đến 38 đĩa nhạc rồi.

Sáng vừa thức dậy là tra sáu đĩa vào máy quay đĩa tự động thay đĩa, cứ thế mà nghe Glen Gould suốt. Vừa uống bia. Khi nghe chán Glen Gould thì thỉnh thoảng lại cho chạy đĩa Bing Crossby hát White Christmas.

Charlie thì thích ban nhạc AC/DC.

6
Gọi là văn phòng thám tử tư thế chứ hầu như chẳng có khách viếng. Bởi dân sống ở Đường Cây Xanh ở Sydney không hề nghĩ ra chuyện giải quyết vấn đề gì mà lại phải trả tiền. Vả lại, họ có quá nhiều vấn đề phải giải quyết nên thay vì giải quyết vấn đề, họ tìm cách này cách khác để chịu đựng cho qua. Dù gì đi nữa, Đường Cây Xanh ở Sydney không phải là chỗ dễ sống cho loại thám tử tư.

Thảng hoặc một đôi khi cũng có một hai người khách nào đấy bị lôi cuốn bởi chữ "Giá rẻ" mà mò vào. Nhưng phần lớn chuyện họ muốn -ấy là tôi cảm nhận thế- đều là những việc bá láp, vô cùng nhàm chán. Chẳng hạn "Nhà tôi có con gà mấy hôm nay chỉ đẻ được một trứng mỗi hai ngày là vì sao?" hoặc là "Sáng nào chai sữa tươi người ta giao trước cửa cũng bị lấy trộm, xin tìm cho ra kẻ cắp" hoặc là "Bạn tôi không chịu trả lại tiền đã mượn của tôi, có thể nào nói khéo để bạn ấy trả lại hộ tôi không?",......

Những yêu cầu nhạt nhẽo kiểu ấy tôi đều từ chối cả. Chứ không phải sao? Tôi thành thám tử tư thế này đâu phải để lo chuyện gà đẻ hay sữa trộm hay chút đỉnh tiền vay, cho thiên hạ! Việc tôi muốn làm là những vụ giật gân kia. Chẳng hạn, có một quản gia cao cỡ hai thước, mắt có một con ngươi giả, đi xe hòm dài ngoằng màu đen, đến yêu cầu "Ngài có thể nào ra sức bảo vệ viên hồng ngọc quý giá của công-nương con bá-tước được không?",... đại khái những vụ như thế.

Thế nhưng ở cái xứ Australia này làm gì có công-nương hay bá-tước. Chẳng những bá-tước đã không có, mà cả nam-tước hay tử-tước cũng chẳng có. Thật là kẹt. Vì thế mà tôi quá rảnh rỗi, ngày này qua ngày khác. Đành phải cắt móng tay hay nghe đĩa nhạc Glen Gould, hay lau chùi khẩu súng lục kiểu cổ, hay đến quán pizza nói chuyện tầm phào với Charlie cho qua thì giờ.

-"Anh dẹp chuyện thám tử tư điên khùng vớ vẩn đó đi mà làm ăn đàng hoàng có hơn không?". Charlie nói. -"Làm thợ nhà in hay gì đấy, chẳng hạn".

Thợ nhà in à? Tôi nghĩ. Cũng được đấy chứ. Cưới Charlie rồi suốt đời làm thợ nhà in cũng là chuyện nghe được quá.

Nhưng tạm thời thì hãy cứ làm thám tử tư đã.

7
Người đàn ông nhỏ con đội lốt cừu ấy bước vào văn phòng tôi buổi chiều thứ Sáu. Người đàn ông nhỏ con đội lốt cừu bước vội vào phòng, quay lại ló đầu ra ngoài cửa xem có ai theo dõi mình không, rồi đóng cửa. Cánh cửa khư khư không chịu đóng lại. Tôi phải phụ ông ta, hai người góp sức vào mới đóng lại được.

-"Chào ông". Người đàn ông thấp bé nói.

-"Chào ông... ừm..."

-"Xin gọi tôi là người cừu". Ông ta nói.

-"Hân hạnh được gặp ông người cừu". Tôi nói.

-"Hân hạnh". Người cừu nói. -"Ông đây là thám tử tư?"

-"Vâng, thám tử tư là tôi đây". Tôi nói, rồi tắt máy quay đĩa, cất đĩa nhạc Invention của Glen Gould vào kệ đựng đĩa nhạc, dẹp lon bia không, cho kéo cắt móng tay vào ngăn kéo, và đưa tay mời người cừu ngồi.

-"Tôi cần thám tử tư". Người cừu nói.

-"Thế ạ". Tôi nói.

-"Thế nhưng đến đâu thì gặp thám tử tư, tôi lại chẳng biết".

-"ƯØm, ừm".

-"Thế rồi, khi tôi nói chuyện ấy trong quán pizza ở góc đường, cô gái ở đấy mách là cứ đến đây thì gặp được".

Cô gái ấy là Charlie rồi.

-"Vậy thì ông người cừu ạ". Tôi nói. -"Tôi sẵn sàng nghe đây".

8
Người cừu đội lốt cừu. Không phải thứ lốt cừu sơ sài làm bằng vải, mà bằng da và lông cừu thật. Có đủ cả đuôi cừu và sừng nữa. Chỉ có phần tay, chân và mặt chừa trống. Ngang mắt có mặt nạ đen. Vì lý do gì mà người đàn ông này lại phải đội lốt cừu như thế, tôi chẳng hiểu. Đang là cuối thu mà đóng bộ kiểu ấy hẳn là nóng toát mồ hôi ra đấy. Vả lại, đóng bộ thế mà ra đường thế nào cũng bị tụi trẻ con trêu chọc nữa. Khó hiểu thật.

-"Nếu nóng quá xin cứ tự nhiên cởi... ừm... áo khoác ra". Tôi nói.

-"Ấy, xin ông đừng bận tâm". Người cừu nói. -"Tôi thế này đã quen rồi".

-"Vậy thì ông người cừu ạ". Tôi nói. -"Tôi sẵn sàng nghe đây".

9
-"Tình thật là tôi muốn ông giúp lấy lại cái tai của tôi". Người cừu nói.

-"Tai của ông?". Tôi hỏi lại.

-"Nghĩa là cái tai của bộ y phục tôi mặc đây. Chỗ này". Người cừu nói, ngón tay chỉ vào phía bên phải trên đầu. Đồng thời, con ngươi của ông ta cũng nhướng lên phía trên bên phải. -"Tai tôi phía này đã bị xé mất đi đấy".

Quả thật lốt cừu ông đang mặc, phía tai bên phải -nghĩa là phía bên trái từ chỗ tôi nhìn- đã bị xé rách, lấy mất đi. Tai bên trái thì còn nguyên. Từ trước đến nay có khi nào tôi suy nghĩ chuyện loài cừu có tai như thế nào đâu. Bây giờ mới để ý tai cừu phẳng lì, đâm ngang ra, ve vẩy.

-"Bởi thế nên mong ông giúp lấy lại tai cho tôi". Người cừu nói.

Tôi cầm lên cuốn sổ tay và cây bút bi trên bàn, rồi nhịp đầu bút bi lên mặt bàn kêu "cốc cốc".

-"Xin ông nói rõ thêm". Tôi nói. -"Bị lấy mất lúc nào? Ai lấy? Và ông là người như thế nào?"

-"Bị lấy mất ba hôm trước. Bác-học Cừu lấy đấy. Và tôi là người cừu đây".

-"Chao ôi!". Tôi nói.

-"Xin lỗi ông". Người cừu nói.

-"Xin ông cho biết rõ hơn". Tôi nói. -"Chứ Bác-học Cừu gì gì đấy thì tôi chẳng hiểu tí gì cả".

-"Vậy thì xin được nói rõ ra". Người cừu nói. -"Tôi nghĩ là ông không biết, chứ trên thế giới này, có đến khoảng ba ngàn người cừu đấy".

10
-"Tôi nghĩ là ông không biết, chứ trên thế giới này, có đến khoảng ba ngàn người cừu đấy". Người cừu nói. -"Ở Alaska, Bolivia, Tanzania, Iceland,... nơi nào cũng có người cừu cả đấy. Nhưng không phải là hội kín, hay tổ chức cách mệnh, hay đoàn thể tôn giáo gì gì đâu. Cơ bản là: chúng tôi chỉ là những người cừu, và chỉ muốn sống đời người cừu trong hoà bình mà thôi. Muốn suy nghĩ như người cừu, ăn uống như người cừu, lập gia đình như người cừu. Được thế, chúng tôi mới đúng là người cừu. Ông hiểu cho không?"

Tôi chẳng hiểu gì mấy nhưng cũng nói "Hừm hừm".

-"Thế nhưng con đường chúng tôi đi có nhiều người muốn cản trở. Nhân vật đại biểu của đám người này là Bác-học Cừu. Bác-học Cừu tên thật là gì, người nước nào, không ai biết rõ. Mà là một người hay nhiều người cũng chẳng ai biết. Duy chỉ rõ ràng là người già lắm rồi. Và lẽ sống của Bác-học Cừu là cắt tai người cừu chúng tôi mà làm sưu-tập đó thôi".

-"Vì sao chứ?". Tôi hỏi.

-"Bởi Bác-học Cừu không thích lối sống của người cừu chúng tôi. Nên quấy nhiễu bằng cách cắt tai đi. Lấy đó làm thú vui".

-"Nghe có vẻ hung bạo quá nhỉ". Tôi nói.

-"Nhưng mà, tôi nghĩ ông ấy cũng không phải là người xấu đến như thế đâu. Có lẽ chỉ vì đã bị ngược đãi đâu đó nên tâm tính thay đổi thành ngang ngược mất rồi. Cho nên, tôi thì chỉ cần lấy lại tai là đủ. Đối với Bác-học Cừu thì tôi không oán hận gì cả".

-"Được rồi, thưa ông người cừu". Tôi nói. -"Tôi sẽ giúp ông lấy lại cái tai ấy".

-"Xin cảm ơn ông". Người cừu nói.

-"Chi phí mỗi ngày một ngàn Yen[2] , lấy lại được tai thì thưởng năm ngàn Yen. Xin ông trả trước chi phí ba ngày".

-"Trả trước à?"

-"Vâng". Tôi nói.

Người cừu lấy từ trong túi trước ngực ra một cái ví lớn, kéo ra ba tờ giấy bạc xếp gấp cẩn thận, buồn bã đặt lên bàn.

11
Người cừu về rồi, tôi vuốt thẳng thớm mấy tờ giấy bạc và cho vào ví mình. Giấy bạc dính đầy những vết và mùi. Rồi tôi ra quán pizza, gọi pizza có cá mắm anchovy và bia bọt. Tôi ăn pizza ngày ba bữa.

-"Cuối cùng rồi cũng có khách đến đấy nhỉ". Charlie nói.

-"Chứ sao. Bận rộn rồi đây". Tôi vừa ăn pizza vừa nói. -"Phải tìm cho ra Bác-học Cừu đấy".

-"Ai chứ Bác-học Cừu thì chả cần phải tìm. Ông ấy ở gần đây thôi. Chứ thỉnh thoảng vẫn đến đây ăn pizza đấy mà". Charlie nói.

-"Thế nhà ông ấy ở đâu?" Tôi ngạc nhiên hỏi.

-"Chẳng biết. Anh dò trong niên-giám điện thoại xem sao. Chứ anh là thám tử tư cơ mà".

Tôi không tin lắm nhưng cũng tìm thử trong niên-giám điện thoại ở hàng chữ "C". Quả thật có số điện thoại của Bác-học Cừu rành rành ra đấy. Có cả số điện thoại của người cừu nữa. Thế gian này khó hiểu thật.

Cừu - người cừu (không có nghề nghiệp)... 363-9847

Cừu - quán Cừu (quán rượu)... 497-2001

Cừu - Bác-học Cừu (không có nghề nghiệp)... 202-6374

Tôi giở cuốn sổ tay ghi số điện thoại và địa chỉ của Bác-học Cừu. Xong uống bia và ăn nốt miếng pizza. Vụ này không ngờ có thể phăng ra manh mối sớm thế.

12
Nhà Bác-học Cừu ở đầu mút phía tây của đường Green Street. Nhà nhỏ bằng gạch, vuờn trước trồng hoa hồng đang nở. Trông tề chỉnh lạ lùng so với con đường Green Street này. Tất nhiên, nhà cũng đã cũ rích và lung lay rồi, nhưng ít nhất thì cũng trông ra vẻ một căn nhà.

Tôi soát lại cảm giác nằng-nặng của khẩu súng kẹp dưới nách, đeo kính râm vào, rồi vừa huýt sáo miệng đoạn khai-tấu-khúc Pariarch vừa đi kiểm một vòng chung quanh ngôi nhà. Chẳng có gì lạ cả. Phía trong nhà im lìm không một tiếng động. Cửa sổ treo màn đăng-tên màu trắng. Thật im vắng tĩnh lặng, không sao nghĩ được là chỗ ở của một nhân vật đã làm những chuyện như rứt đứt tai của người cừu.

Tôi vòng ra cửa trước xem xét. Tấm bảng gắn ở cửa có ghi "Bác-học Cừu". Đúng đây rồi. Hộp thư chẳng có gì bên trong cả. Chỉ có dán miếng giấy ghi "Không nhận báo chí hay sữa tươi".

Nhà ở của Bác-học Cừu thì tìm ra rồi, nhưng từ đây phải làm gì thì tôi chẳng nghĩ ra. Bởi đã tìm ra nhà ông ta quá dễ dàng như thế này! Đáng lẽ theo thói thường thì phải có khúc mắc khó khăn gì đấy, phải ôm đầu bóp trán mà suy nghĩ nát óc, cuối cùng mới suy ra được chỗ ở,..., chứ tìm ra đơn giản đến như thế này thì tôi không sao tỉnh trí suy nghĩ tiếp được. Thế này thì kẹt thật. Tôi huýt sáo bản "Lạy Chúa, xin ban phúc như lòng người cầu khẩn" của Bach, lúng túng không biết làm gì bây giờ.

Đơn giản nhất là cứ bấm chuông gọi cửa. Bác-học Cừu ra mở cửa thì nói: "Xin ông trả lại tai cho người cừu". Thế thôi.

Và tôi định làm như thế.

13
Tôi bấm chuông gọi cửa đến 12 lần. Và đợi trước cửa 5 phút. Chẳng có ai trả lời. Bên trong nhà vẫn im lìm như trước. Mấy con chim sẻ đi qua đi lại trên sân cỏ trước nhà. Tôi chán nản vừa định quay về thì đúng lúc ấy, đột nhiên cửa mở, và một ông già to bự đầu tóc bạc trắng thò mặt ra. Thật là một khứa lão đáng sợ quá. Tôi dợm quay đầu chạy trốn. Nhưng làm thế coi sao được.

-"Này, ồn quá thế". Ông lão quát. -"Người ta đang ngủ trưa yên tĩnh thế này mà tụi bây lại...".

-"Thưa, cụ là Bác-học Cừu đây ạ?". Tôi hỏi.

-"Kia có mảnh giấy ghi rõ ràng đấy. Cậu không biết đọc à? Nghe đây, báo chí sữa tươi thì..."

-"Thưa, tôi đọc được. Nhưng không phải là người bán báo chí, sữa tươi. Tôi là thám tử tư"

-"Thám tử tư? Gì đi nữa cũng thế thôi. Đây không cần đâu". Bác-học Cừu nói xong định đóng sầm cửa lại, nhưng tôi đã thọc chân vào ngáng lại. Cánh cửa dộng vào xương mắt cá chân đau điếng người, nhưng tôi gắng gượng không để lộ ra mặt.

-"Cụ không cần, nhưng tôi thì có chuyện cần đấy". Tôi nói.

-"Aên nhằm gì chứ?". Bác-học Cừu nói, vừa đá mũi giày vào mắt cá chân tôi. Đau đến tưởng chân mình đã bị nát nhừ ra, nhưng tôi cũng ráng chịu.

-"Xin bình tĩnh mà nói chuyện với nhau". Tôi bình tĩnh nói.

-"Còn chưa đi à!". Bác-học Cừu quát, rồi vớ lấy bình hoa gần đấy mà thẳng cánh đập lên đầu tôi. Tôi bất tỉnh nhân sự.

14
Tôi mộng thấy đang múc nước giếng. Thòng gàu múc nước lên xong đổ vào bồn nước. Nước đầy bồn thì có con cá sấu đến uống ừng ực một loáng hết nước. Lại đổ nước vào đầy, lại có con cá sấu khác đến uống ừng ực một loáng hết nước. Cứ thế lặp đi lặp lại. Tôi đếm được mười một con cá sấu. Rồi mở mắt tỉnh dậy.

Chung quanh tối om. Trên trời có sao. Trời sao đêm Sydney thật đẹp. Tôi thấy mình đang nằm lăn lóc trước cửa nhà Bác-học Cừu. Chung quanh im vắng. Ví và súng vẫn còn nguyên.

Tôi nhỏm dậy, phủi phành phạch những đất rác bám trên quần áo rồi cho kính râm vào túi áo. Định bấm chuông gọi cửa một lần nữa, nhưng đầu đau quá nên đành quay trở về. Đã làm được nhiều hơn phần việc của một ngày rồi. Nghe chuyện khách hàng, nhận tiền đặt cọc, tìm ra nhà của thủ phạm, bị đá vào mắt cá chân, bị đập vào đầu. Phần việc tiếp theo thì để ngày mai làm cũng được.

Tôi ghé quán pizza uống bia, và nhờ Charlie băng bó chỗ bị thương.

-"Sưng tấy lên một cục ghê quá". Charlie nói, vừa lấy khăn ướt lau đầu cho tôi. -"Làm sao mà đến nỗi này?".

-"Bác-học Cừu đánh đấy mà". Tôi nói.

-"Đời nào". Charlie nói.

-"Thật đấy". Tôi nói. -"Bấm chuông gọi cửa, tự giới thiệu xong là bị đập ngay bình hoa vào đầu đấy".

Charlie suy nghĩ lung lắm một hồi. Trong lúc ấy, tôi vừa xoa xoa trên đầu vừa uống bia.

-"Đi với em". Charlie nói.

-"Đi đâu?". Tôi hỏi.

-"Đến nhà Bác-học Cừu chứ còn đâu nữa." Charlie nói.

15
Charlie bấm chuông gọi cửa nhà Bác-học Cừu liên tiếp 26 lần.

-"Này, ồn quá thế". Bác-học Cừu ló mặt ra, quát. -"Báo chí, sữa tươi hay thám tử tư gì cũng không..."

-"Ồn cái gì, lão ôn dịch kia!". Charlie quát lớn.

-"Ủa, Charlie đấy à?". Bác-học Cừu nói, sửng sốt.

-"Có phải ông đã đập bình hoa lên đầu người này đấy không?". Charlie nói, chỉ về phía tôi.

-"ƯØm... à... thì... là...". Bác-học Cừu ấp úng.

-"Vì sao mà lại làm thế chứ? Đây là người yêu của tôi cơ mà!"

Bác-học Cừu tỏ vẻ sượng sùng khổ sở đưa tay lên gãi đầu sột sột. -"Thật bậy quá. Bởi có biết đâu. Nếu biết thì đâu có làm thế".

Chứ chính tôi cũng đâu có biết. Tôi mà là người yêu của Charlie à?

-"Thôi thì, xin mời vào nhà". Bác-học Cừu nói, vừa mở toang cánh cửa ra. Tôi cùng Charlie bước vào trong. Rồi đóng cửa lại lập cập thế nào, cánh cửa lại va vào mắt cá chân. Thật xui quá.

Bác-học Cừu đưa chúng tôi vào phòng khách, lấy nước nho ra mời. Ly nước có vẻ bẩn nên tôi chỉ nhấm một nửa. Charlie thì chẳng nề hà gì, uống cạn ly, còn gặm cả nước đá nữa.

-"Vậy thì, làm sao để xin lỗi cho phải phép đây". Bác-học Cừu nói với tôi. -"Đầu cậu có còn đau không nào?"

Tôi im lặng gật đầu. Đã đập bình hoa lên đầu người ta rồi còn hỏi "đau không nào" nữa chứ!

-"Vì sao mà đánh đập người ta thế chứ, cái ông này?". Charlie hỏi.

-"À... à... Dạo này đâm ra chán ghét người ta quá đấy". Bác-học Cừu nói. -"Cái bọn bán báo chí hay sữa tươi gì gì đấy, cứ quấy nhiễu mãi, nên ta hễ thấy người lạ là muốn đập thôi. Xin lỗi vậy. Nhưng mà cậu trẻ ạ, ta thì không đọc báo chí mà cũng không uống sữa tươi đâu nhé".

-"Tôi có bán báo chí hay sữa tươi gì đâu, thám tử tư đây chứ!". Tôi kháng nghị.

-"Ừ, ừ, phải rồi, thám tử tư đấy nhỉ. Lại quên khuấy đi mất". Bác-học Cừu nói.

16
-"Sự thật là tôi đến để xin cụ trả lại tai cho người cừu". Tôi nói. -"Ba hôm trước, ở chỗ quầy tính tiền của siêu thị, cụ đã rứt rách tai của người ta đấy chứ gì?"

-"Đúng đấy". Bác-học Cừu nói.

-"Thế thì xin trả lại". Tôi nói.

-"Không muốn". Bác-học Cừu nói.

-"Tai ấy là của người cừu cơ mà". Tôi nói.

-"Bây giờ là của ta rồi". Bác-học Cừu nói.

-"Không còn cách nào khác". Tôi nói, rút khẩu súng lục tự động đeo dưới nách ra. Tôi vốn là người thiếu kiên nhẫn. -"Tôi phải bắn chết cụ mà lấy cái tai ấy về thôi".

-"Khoan đã nào". Charlie can thiệp vào. -"Anh thật chẳng suy nghĩ cho thấu đáo". Nàng nói với tôi.

-"Đúng thế đấy". Bác-học Cừu nói.

Tôi nổi giận lên, suýt nữa là bóp cò súng rồi. Charlie hốt hoảng ngăn tôi lại, nàng thu hết sức đá vào mắt cá chân tôi rồi cướp lấy khẩu súng.

-"Còn ông cũng chẳng vừa gì". Charlie nói hướng về phía Bác-học Cừu. -"Tại sao lại không chịu trả tai cho người cừu chứ?".

-"Tai thì nhất định không trả đâu. Người cừu là kẻ địch của ta. Lần tới gặp hắn, ta sẽ rứt luôn cái tai bên kia". Bác-học Cừu nói,

-"Tại sao cụ lại ghét người cừu đến như thế chứ? Ông ta là người tốt mà". Tôi nói.

-"Chẳng tại sao cả. Chỉ ghét hắn, thế thôi. Hễ thấy hắn đội lối cừu khó coi ấy vào mà sống nhởn nhơ thế là ta thấy ghét không chịu được".

-"Ghét bỏ chỉ vì ao ước được như thế đấy thôi". Charlie nói.

-"Hả?". Bác-học Cừu nói.

-"Hử?". Tôi nói.

17
-"Thật ra, ông cũng muốn thành người cừu đấy chứ gì. Thế nhưng lại không muốn thú nhận như thế nên ghét ngược người cừu đấy".

-"Ra thế!". Bác-học Cừu nói, có vẻ khâm phục Charlie. -"Có để ý thế đâu".

-"Làm sao mà em hiểu ra được thế?". Tôi thử hỏi Charlie.

-"Hai người chưa từng đọc Freud hay Jung sao chứ?"

-"Chưa hề". Bác-học Cừu nói.

-"Rất tiếc là chưa". Tôi nói.

18
-"Hoá ra, ta chẳng ghét bỏ gì người cừu cả đấy nhỉ?". Bác-học Cừu nói.

-"Không thể hiểu khác được". Tôi nói.

-"Chứ còn gì nữa". Charlie nói.

-"Thế thì ta đã làm chuyện thật bậy đối với người cừu rồi nhỉ?". Bác-học Cừu nói.

-"Có vẻ thế". Tôi nói.

-"Đương nhiên là thế rồi". Charlie nói.

-"Thế thì, tai người cừu thì nên trả lại cho chủ nó chứ nhỉ?". Bác-học Cừu nói.

-"À, có lẽ thế". Tôi nói.

-"Trả lại ngay bây giờ đi". Charlie nói.

-"Nhưng mà không còn ở đây đâu". Bác-học Cừu nói. -"Ta đã vứt đi mất rồi".

-"Hả? Vứt đi? Vứt vào đâu thế?". Tôi nói.

-"Ờ... thì...". Bác-học Cừu nói.

-"Nói nhanh lên chứ!". Charlie quát lớn.

-Ừm, ta đã vứt nó vào trong tủ lạnh đằng quán pizza Charlie rồi. Lẫn vào trong đám xúc xích ấy. Chẳng phải vì có ác ý gì...".

Không đợi ông ta dứt lời, Charlie vớ lấy bình hoa gần đấy, thẳng tay choảng lên đỉnh đầu Bác-học Cừu. Tôi cảm thấy thật là hả hê trong bụng.

19
Kết cuộc, tôi và Charlie đã lấy lại được tai người cừu. Tuy lúc tìm thấy thì tai ấy đã cháy nám màu nâu, và dính đầy nước ớt Tabasco. Bởi đã có người khách gọi pizza xúc xích, đúng lúc ông ta đưa miếng tai ấy lên miệng thì chúng tôi kịp thời chận lại. Xém chút nữa là đi đời cái tai rồi. Tôi đã gắng rửa sạch, tẩy hết phó-mát đi rồi nhưng vết nước ớt thì tẩy bao nhiêu cũng không đi hết được.

Người cừu rất vui mừng chuyện lấy lại được cái tai, nhưng thấy nó đã cháy nám màu nâu, và dính nước ớt Tabasco thì tuy không nói ra nhưng đã thất vọng đôi chút. Thế nên tôi bớt tiền công cho ông ấy hai ngàn Yen. Charlie lấy kim chỉ ra khâu cái tai vào lại lốt cừu của ông ta. Người cừu đứng trước gương, nhảy thử lên 2, 3 lần. Cái tai ve vẩy. Người cừu thoả mãn lắm.

20
Cũng nên kể thêm rằng Bác-học Cừu đã trở thành người cừu được như sở nguyện. Ông lão mỗi ngày đội lốt người cừu đến quán Charlie ăn pizza. Bác-học Cừu kiêm người cừu có vẻ hạnh phúc tột cùng. Được thế hoàn toàn là nhờ ở Freud cả.
21
Vụ này xong xuôi, tôi hò hẹn đi chơi với Charlie. Chúng tôi ăn món Trung quốc xong đến rạp chiếu bóng xem phim Ludwig của Luchino Visconti[3]. Trong bóng tối, tôi đòi hôn nàng. Nàng giở gót giày cao đá thẳng cánh vào mắt cá chân tôi. Đau thấu trời xanh, đến nỗi cả mười phút sau vẫn chưa thốt ra được tiếng nào.

-"Chứ em đã bảo anh là người yêu của em rồi kia mà". Tôi nói, mười phút sau.

-"Lúc ấy là lúc ấy". Charlie nói.

Nói thế chứ tôi nghĩ là nàng yêu tôi. Có điều các cô thì đôi lúc nói ngược lại lòng mình. Tôi nghĩ thế thật đấy.

-"Xin lỗi em". Tôi nói, sau khi xong phim.

-"Anh bỏ chuyện thám tử tư điên khùng vớ vẩn đó đi mà làm nghề gì đàng hoàng, để dành tiền được rồi thì em sẽ suy nghĩ lại cho". Charlie nói.

Như đã nói, tôi có nhiều tiền đến ớn mứa ra. Nhưng Charlie không biết thế. Mà tôi cũng không định cho nàng biết. Tôi yêu Charlie hết lòng. Nên nghĩ mình trở thành thợ nhà in cũng được. Nhưng hiện giờ thì tôi vẫn còn là thám tử tư, có văn phòng trên Đường Cây Xanh ở Sydney, nằm dài trên ghế sofa mà chờ khách đến. Từ loa vẳng tiếng đàn dương cầm của Glen Gould. Đĩa Intermezzo của Brahms, là đĩa tôi thích nhất.

Nếu bạn đang ôm một vấn đề gì cần giải quyết, thì trước khi tôi trở thành thợ nhà in mất, hãy đến gõ cửa văn phòng thám tử tư của tôi trên Đường Cây Xanh ở Sydney. Tôi sẽ nhận làm với giá thật rẻ. Lại còn bớt thêm nữa. Duy phải là vụ gì hay ho mới được đấy.
 


Cước chú :

[1] Chiếu : tấm cói dày lót sàn phòng, cũng là đơn vị diện tích phòng và nhà ở, khoảng 180 cm x 90 cm.

[2] Giấy ngàn Yen khoảng 10 đô-la Mỹ

[3] Luchino Visconti (1906-1976): đạo diễn kịch, phim ảnh, và là văn sĩ, người Ý, nổi tiếng với các phim Obsessione (1943, dựa trên tiểu thuyết The Postman Always Rings Twice của James M. Cain, 1934), Boccacio 70 (1961), Death In Venice (1971, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Thomas Mann), Ludwig (1972), The Innocent (1976),...