Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Người trồng mầm nhiếp ảnh ở Việt Nam

Phanxipăng

Đặng Huy Trứ 鄧輝著 (1825 - 1874)  từng được Phan Bội Châu tôn vinh qua 
bộ sách Việt Nam quốc sử khảo biên soạn năm Mậu Thân 1908: 
đó là một trong những "người trồng mầm khai hóa" cho nước nhà. 
Mầm do Đặng Huy Trứ ươm gieo mang tên nhiếp ảnh.
Sơ lược hành trạng Đặng Huy Trứ
Suốt hơn một thế kỷ, từ khi vua Tự Đức nghi ngờ Đặng Huy Trứ "lập mưu khác", sau đó lại có một số người trong gia tộc ông - như Đặng Huy Cát và Đặng Hữu Phổ - bị "xử lý" vì tham gia cuộc khởi nghĩa của vua Hàm Nghi vào năm Ất Dậu 1885, danh tính cùng hành trạng lẫn trước tác của Đặng Huy Trứ ít được nhắc tới. Về sau, vài tài liệu chép tiểu sử ông thì quá vắn tắt mà lại tồn tại những chi tiết chưa tỏ tường. Chẳng hạn tập I Lược truyện các tác gia Việt Nam của nhiều soạn giả (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1971) viết về Đặng Huy Trứ: "Không rõ ông sinh và mất năm nào". Mãi đến thập niên 1990 trở đi, nhờ nhiều nhà nghiên cứu nỗ lực tìm tòi, con người và sự nghiệp một bậc sĩ phu đa tài thuộc thế kỷ XIX ngày càng được phục hiện đầy đủ, rỡ ràng.

Đặng Huy Trứ tự Hoàng Trung, hiệu Tĩnh Trai và Vọng Tân, là một danh nhân xuất thân từ Thừa Thiên - Huế. Tổ quán ông ở làng Hiền Sĩ (huyện Phong Điền), đoạn gia đình dời qua làng Bác Vọng (huyện Quảng Điền), rồi lại sang lập nghiệp nơi làng Thanh Lương (huyện Hương Trà). Chính tại ngôi làng Thanh Lương này, Đặng Huy Trứ chào đời ngày 16-5-1825 tức 19 tháng 3 Ất Dậu.

Dưới nếp nhà "thế gia nho nghiệp", Đặng Huy Trứ ngay thuở thiếu thời sớm nổi tiếng hiếu hạnh, thông minh, chăm học. Niên hiệu Thiệu Trị thứ III (Quý Mão 1843), mới 18 tuổi, Đặng Huy Trứ đã đỗ cử nhân. 22 tuổi, Đặng Huy Trứ thi tiến sĩ trúng cách, song xét lại bài thi thì thấy... phạm trường quy rất nặng: phạm húy. Thế là ông hỏng tuột, bị truất cả tiến sĩ lẫn cử nhân! Đặng Huy Trứ bèn về quê mở trường dạy học hơn chục năm ròng. Đó là giai đoạn Đặng Huy Trứ thể hiện tấm gương sáng của bậc lương sư đầy năng lực và giàu tâm huyết, mà hậu thế có thể nghiền ngẫm qua di cảo của ông. Ví như sách giáo khoa mang tiêu đề Học vấn tân do Đặng Huy Trứ soạn để dạy bao lứa môn đồ.

32 tuổi, Đặng Huy Trứ mới nhận mệnh triều đình ra tham chính. Khởi sự là phụ trách quân thứ tại tỉnh Quảng Nam vào năm Tự Đức thứ X (Đinh Tị 1857). Kế tiếp, ông được điều ra Thanh Hóa làm thông phán ở dinh Bố chánh, rồi nhiếp biện phủ Quảng Hóa và phủ Hà Trung, đến năm Kỷ Mùi 1859 được bổ nhiệm tri huyện Quảng Xương.

Bước vào hoạn lộ trong tình hình đất nước khó khăn mọi bề, Đặng Huy Trứ luôn hết sức chu toàn bổn phận, luôn tìm cách giúp dân "xóa đói, giảm nghèo". Viết bài trâm Tự răn khi làm quan, ông nêu cho bản thân mình nói riêng, cho hàng ngũ quan lại nói chung, phải triệt để tuân thủ 3 điều lớn: thanh liêm, cần cù, thận trọng. Sáng tác hàng loạt áng thơ, Đặng Huy Trứ cũng thường xuyên bộc bạch nỗi niềm yêu nước thương dân. Đây là đôi câu trích dịch từ bài Vũ thọ tiên của ông:

Lo dân, chỉ muốn dân đều sướng,
Thân nhỏ mà sao trí lự đầy!
Nhận thấy tài đức của Đặng Huy Trứ, triều đình Huế triệu ông về kinh đô làm Hàn lâm viện trước tác, rồi giao trọng trách Ngự sử lĩnh chương ấn khoa binh. Ông còn lần lượt trải qua những chức vụ đáng kể: bố chánh Quảng Nam, biện lý Bộ Hộ, thương biện tỉnh vụ Hà Nội, khâm phái thương biện quân vụ Sơn - Hưng - Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang), v.v. Năm Đinh Mão 1867, làm bình chuẩn sứ ở Hà Nội - một chức quan trông lo việc xuất nhập khẩu - thì Đặng Huy Trứ soạn Từ thụ yếu quy bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của giới "cha mẹ dân". Riêng nạn hối lộ, ông thẳng thắn vạch ra 104 kiểu. Văn bản này hiện vẫn còn ý nghĩa thời sự, do đó năm 1992, NXB Pháp Lý và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã ấn hành dịch phẩm.

Trước sự xâm lăng của thực dân Pháp, Đặng Huy Trứ sôi sục hờn căm, thể hiện bằng mấy vần:

Vận nước xiết buồn đau
Chí lớn càng giữ vững
Người định ắt thắng trời
Địch, ta chẳng chung sống!
Ngày 7-8-1874 tức 25 tháng 6 Giáp Tuất, tại mặt trận kháng Pháp ở Đồn Vàng thuộc tỉnh Phú Thọ, Đặng Huy Trứ mất, hưởng dương 49 tuổi. Ông di chúc: con cháu không được ra làm quan; hãy chôn ông ngay tại chiến địa để ông được nằm cạnh các nghĩa binh. Vua Tự Đức ngờ rằng Đặng Huy Trứ "lập mưu khác" nên buộc đưa thi hài ông về Huế để xét nghiệm, thấy vô tội nên cho mai táng tại làng quê Hiền Sĩ, nay là xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Mọi chuyện chẳng dễ chìm vào quên lãng. Năm 1990, nhóm Trà Lĩnh gồm một số nhà nghiên cứu đã sưu tầm và biên dịch 282 bài thơ lẫn 31 bài văn của Đặng Huy Trứ cùng nhiều chi tiết về nhân thân ông để ấn hành cuốn Đặng Huy Trứ - con người và tác phẩm. Tháng 5-1993, Đại học Sư phạm Huế phối hợp với Bảo tàng tổng hợp Thừa Thiên - Huế và Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Phong Điền tổ chức Hội thảo khoa học về Đặng Huy Trứ, bước đầu đánh giá thân thế và sự nghiệp của bậc sĩ phu yêu nước này. Cũng năm đó, mộ phần Đặng Huy Trứ nơi làng Hiền Sĩ cùng nhà thờ họ Đặng ở làng Thanh Lương được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Từ ấy đến nay, một số vấn đề liên quan Đặng Huy Trứ được khảo sát kỹ càng hơn. Hầu hết giới nghiên cứu đều thống nhất nhận định: Đặng Huy Trứ là bậc trí thức chân chính, là thầy giáo mẫu mực, là tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam thời cận đại. Không chỉ thế, ông còn được xem là nhà chính trị - quân sự - kinh tế - ngoại giao lỗi lạc và liêm khiết. Đặng Huy Trứ cũng là người khai sinh ngành nhiếp ảnh trên đất nước Việt Nam.

Tháng 6-1996, UBND TP. Huế quyết định đặt tên Đặng Huy Trứ cho con đường dài 1.050m chạy giữa hai phường Phước Vĩnh và Trường An, từ ngã ba Thánh Giá tới đường Ngự Bình. Đường nọ nguyên là lối mòn dẫn vào cồn mồ Trường Cởi, năm 1990 trở đi thì dần được mở rộng và rải nhựa.

Tháng 10-2005, Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế lạc quyên để đúc tượng đồng Đặng Huy Trứ nhằm dựng trong khuôn viên trường trung học phổ thông Đặng Huy Trứ ở huyện Hương Trà vào niên khóa 2006-2007. Theo lời nhiếp ảnh gia Phạm Văn Tý - chủ tịch Hội - phát biểu đêm chủ nhật 3-9-2006, pho tượng chân dung Đặng Huy Trứ do điêu khắc gia Mai Văn thể hiện, nghệ nhân Nguyễn Văn Tuệ đúc đồng, kinh phí 30 triệu đồng, dựng ngày 15-3-2007.

Cảm Hiếu Đường: hiệu ảnh đầu tiên của cả nước
Trong đời mình, Đặng Huy Trứ ra nước ngoài ít nhất cũng 2 lần. Lần đầu đi sứ Trung Hoa. Lần sau sang Quảng Châu, Hương Cảng (Hong Kong) và Áo Môn (Macao) nhằm xúc tiến việc ngoại thương vào năm Mậu Thìn 1868, lúc ông làm bình chuẩn sứ Hà Nội. Chính lần công du nước ngoài này, Đặng Huy Trứ rất thích thú tiếp xúc với nhiếp ảnh - bộ môn nghệ thuật mới xuất hiện ở phương Tây - nên đã bỏ công tìm hiểu, đoạn quyết định mua trang thiết bị nghề ảnh đưa về Tổ quốc. Có tài liệu ghi rằng Đặng Huy Trứ từng sắm toàn bộ máy móc, phim, giấy, hóa chất, cùng phụ kiện và phụ liệu cần thiết tại Quảng Đông, đồng thời thuê mướn luôn thợ ảnh lành nghề ở Trung Hoa bấy giờ sang Việt Nam nhằm thực hiện lẫn truyền thụ kỹ thuật. Chưa xác định được thợ ảnh đó bao nhiêu người và họ tên gì.

Ngày mùng 2 tháng 2 năm Kỷ Tị, tức 14-3-1869, thực sự là mốc xuất phát cho việc phổ biến nhiếp ảnh khắp cõi Việt: Đặng Huy Trứ khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà, Hà Nội. Đó là hiệu ảnh đầu tiên trên toàn quốc. Hiện nay, theo quyết định của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, ngày 14-3 hằng năm được chọn làm Ngày Nhiếp ảnh Việt Nam.

So với lịch sử nền nhiếp ảnh thế giới, nếu tính từ năm 1839 - năm mà Louis Daguerre được kết nạp vào Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Pháp nhờ phát minh quy trình xử lý ảnh mang tên "daguerretype" và cũng là năm Sir John Herschel tìm được cách cố định hình ảnh bằng sulfat natri - thì rõ ràng hồi ấy, nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam khởi hành chẳng chậm mấy: sau 3 thập niên. Đáng tiếc xiết bao, hiện chẳng bảo lưu được tấm hình nào chụp hiệu Cảm Hiếu Đường!

Sản phẩm của Cảm Hiếu Đường thuở nọ lập tức gây tiếng vang khắp gần xa. Thời gian sau, triều đình nhà Nguyễn cử ông Trương Văn Sán xuất dương học "tiểu phép chụp hình" và quy cố hương vào mùa hè năm Mậu Dần 1878. Vua Tự Đức hạ lệnh khiến Bộ Công lập một cơ sở gần cửa Thượng Tứ tại kinh đô Huế để ông Sán chụp ảnh - không chỉ chụp vua cùng hoàng thân quốc thích, mà còn phục vụ quan lại và cả thứ dân, miễn rằng họ thích và chịu trả tiền. Có thể xem tiệm Văn Sán là hiệu ảnh đầu tiên tại Huế và là hiệu ảnh thứ nhì ở Việt Nam.

Nhận thấy người Việt quá thích chụp ảnh, một gia đình người Hoa đến Hà Nội mở hiệu ảnh Dung Chương nơi phố Hàng Bồ vào năm Canh Dần 1890, dần phát triển thêm các cơ sở khác nữa như hiệu Dụ Chương nơi phố Hàng Điếu, hiệu Thiên Chân nơi phố Hàng Quạt. Nguyễn Đình Khánh - một người Việt quê làng Lai Xá (huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây) - xin học nghề trong hiệu Dụ Chương năm 1890, đến năm 1896 mở tiệm riêng nơi phố Hàng Da với biển hiệu Khánh Ký. Nhiều hiệu ảnh do người Việt làm chủ lần lượt xuất hiện tại các tỉnh thành, những gia đình thượng lưu bấy giờ còn "tậu" máy hình để "chơi" riêng, nhờ đó nghệ thuật nhiếp ảnh dần phổ cập từ Bắc chí Nam.

Đến nay, ở Việt Nam, ngành nhiếp ảnh phát triển mạnh cả chất lẫn lượng và giới cầm máy tự hào có "tổ nghề" là một nhà văn hóa nổi tiếng: Đặng Huy Trứ. Cuối tháng 5-1996, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam họp ban chấp hành, mở hội nghị Phát triển phong trào nhiếp ảnh, về làng Thanh Lương để long trọng tổ chức lễ dâng hương và đặt phù điêu Đặng Huy Trứ tại nhà thờ họ Đặng. Mọi năm, cứ đến ngày sinh nhật và húy nhật "tổ nghề", đông đảo nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc nhiều thế hệ từ khắp mọi miền lại về đây chiêm bái chân dung Đặng Huy Trứ với tấm lòng "ăn quả nhớ người trồng mầm".

Trong khu vực di tích quốc gia này, nên chăng thành lập một Viện Bảo tàng nhiếp ảnh Việt Nam?
 

Đã đăng trên Thế Giới Mới 453 (10-9-2001)
 
Tượng đồng Đặng Huy Trứ 
của điêu khắc gia Mai Văn 
được dựng giữa sân trường trung học phổ thông Đặng Huy Trứ 
ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. 
Ảnh: Phanxipăng