Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]           [ Tác giả ]

Mồ mả Francis Garnier
Nguyễn Dư
Francis Garnier là người chỉ huy đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất, ngày 20/11/1873. Một tháng sau thì xảy ra sự cố:
Tháng chạp năm Quý Dậu,
Sáng ngày mồng tám ta.
Ngạc Nhi thằng tướng giặc
Thừa thắng phía Tây ra.
Giong ngựa qua Cầu-giấy
Tiếng súng nổ khói loà...
(Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ 19, Văn Học, 1970, tr. 403)
Ngày 21/12/1873, được tin báo thành Hà Nội đang bị quân Cờ Đen bao vây. Garnier và Balny dẫn một đoàn quân gồm 28 lính Pháp và thêm một số lính Việt, đi bộ ra giải vây. Garnier dẫn 9 người lính chạy băng qua một cánh đồng. Lúc leo lên một con đê gần Cầu Giấy thì Garnier bị vấp ngã. Quân Cờ Đen nấp gần đấy liền xúm lại đâm chết, chặt đầu, moi tim Garnier.

Garnier bị giết. Xác Garnier được chôn ở đâu ? Hỏi gì mà vớ vẩn thế. Các cụ vẫn nói " chết là hết chuyện " cơ mà. Xin lỗi các cụ. Garnier chết, chuyện mới bắt đầu...

" Gác Nhe (Garnier) hầm hè đánh ra ngoại thành thì bị ta chém chết ngay ở làng Giảng Võ. Nay mả nó vẫn còn đó ". (Hoàng Đạo Thuý, Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, Hội Văn Nghệ Hà Nội, 1971, tr. 68).

Du khách tò mò đến thăm viếng vùng Giảng Võ, Cầu Giấy. Hỏi thăm bên phải, bên trái. Chả ai thấy mả nó nằm đâu. Ối dào, lại cái thói chửi đổng cho hả giận đấy mà!

" Chỗ (Cầu Giấy) đó sau này Tây thực dân dựng bia kỷ niệm Gác-ni-ê mà nhân dân quanh vùng vẫn gọi là mả Ba Hoanh ". (Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Văn Lê, Hà Nội, con đường, dòng sông và lịch sử, Giao Thông Vận Tải, 1984, tr. 76).

Hoàng Đạo Thuý nhìn cái bia tưởng là cái mả chăng?

Garnier còn nhiều lận đận, chưa được nằm yên như Hoàng Đạo Thuý nghĩ đâu.

" Chiếc xác mất đầu của Francis Garnier được trung sĩ Champion mang về thành cùng với xác của hai lính thuỷ cùng bị giết. (...) Sau buổi lễ cầu hồn do đức cha Puginier thực hiện vào lúc 8 giờ sáng ngày 23/12 (năm 1873) trước sự có mặt của các cha Sohier và Colomer, các thi thể được đóng trong các áo quan bằng gỗ rất dày và được chôn gần Hoàng cung ở chân hai gốc đa lớn ". ( André Masson, Hà Nội giai đoạn 1873-1888, Bản dịch của Lưu Đình Tuân, Hải Phòng, 2003, tr. 58).

Theo thoả thuận được kí kết, mấy cái xác chỉ được chôn tạm gần Hoàng cung. Bao giờ tìm được đất khác thì phải rời đi.

Ngày 31/8/1875, triều đình nhà Nguyễn kí thoả ước nhường đất (nhượng địa) cho Pháp. Khu Nhượng địa nằm phía bờ đê sông Hồng, quanh nhà thương Đồn Thuỷ (Bệnh Viện Hữu Nghị ngày nay).

Có đất, Pháp xây nghĩa địa. Garnier được cải táng.

7 giờ 30 sáng ngày 3/11/1875 bác sĩ Jardon cho khai quật tử thi Garnier để khám nghiệm, viết báo cáo pháp y. Công việc kéo dài đến 4 giờ chiều mới xong. Đám tang được cử hành đưa về một nhà thờ nhỏ của Hà Nội. 7 giờ sáng hôm sau (4/11/1875) đức cha Puginier làm lễ cầu hồn. Sau đó, đám tang được đưa về nghĩa địa mới trong khu Nhượng địa (sđd, tr. 59).

Masson không kể tiếp " hậu vận " của Garnier.

Nằm trong khu Nhượng địa nhưng Garnier vẫn chưa được mồ yên mả đẹp. Gia đình Garnier đòi chôn Garnier trên " đất Pháp ", tại Sài Gòn. Lại cải táng. Ngày 16/12/1875, chiếc áo quan đựng hài cốt Garnier cập bến Sài Gòn. Garnier được đem về chôn tại nghĩa địa Tây (cimetière européen) (địa điểm công viên Lê Văn Tám ngày nay). (Albert de Pouvourville, Francis Garnier, Plon, 1931, tr. 234). Ngôi mộ của Garnier tại Sài Gòn (Tombeau de Francis Garnier à Saigon) được vẽ lại trong sách của de Pouvourville (tr. 192-193). Nhưng tiếc rằng mộ vẽ lại không phải là ngôi mộ được đại uý Charles Peyrin chụp ảnh, năm 1928. Mộ Garnier nằm cạnh mộ de Lagrée ! Lí do của sự gần gũi này như sau :

Trước khi được phái ra Hà Nội năm 1873, Francis Garnier sống tại Sài Gòn và đã từng là phụ tá đắc lực của Doudart de Lagrée trong đoàn thám hiểm sông Cửu Long (từ 5/6/1866 đến 29/6/1868). De Lagrée hơn Garnier 16 tuổi. Hai người tin cậy lẫn nhau. Đặc biệt, Garnier rất mến phục vị trưởng đoàn. Sang đến Trung quốc thì de Lagrée bị bịnh gan, chết tại Vân Nam, ngày 12/3/1868. (De Pouvourville chép là ngày 26/3/1868) (sđd, tr. 120). Garnier quyết định mang thi hài của de Lagrée đi tiếp đến Thượng Hải, lấy tàu trở về chôn ông trên " đất Pháp ", tại Sài Gòn. (Francis Garnier, Voyage d'exploration en Indochine, Jean-Pierre Gomane giới thiệu và chú giải, La Découverte, 1985, tr. 224-226).

Tình cảm sâu đậm của Garnier đối với de Lagrée được mọi người trân trọng. Năm 1875, hài cốt Garnier được mang từ Hà Nội vào Sài Gòn. Người Pháp chôn Garnier cạnh de Lagrée. Cho " thầy trò " gặp lại nhau. Tấm ảnh của Peyrin cũng cho thấy tác giả sách Francis Garnier đã chép sai ngày chết của de Lagrée.

Tháng 7/1976 Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Vài năm sau, nghĩa địa Tây bị giải toả. Nước Pháp cho Bá Đa Lộc, Doudart de Lagrée, Francis Garnier... " hồi hương ". Lại cải táng. Hài cốt các ông đáp máy bay sang Singapour, rồi được chuyển lên tàu Jeanne d'Arc, đưa về Pháp. Tàu cập bến Brest ngày 26/4/1983. De Lagrée được an nghỉ tại quê nhà vùng Dauphiné. Garnier được táng tại đài kỉ niệm dựng tại ngã tư Saint Michel - Observatoire, quận 5, Paris. (J.P. Gomane, sđd, tr. 17).

Francis Garnier (1839-1873) lập được thành tích... ba lần cải táng. Một kỉ lục !

Nguyễn Dư
(Lyon, 3/2010)


 
1- Hình vẽ trong sách của Albert de Pouvourville
    (Mộ F.G. tại Sài Gòn, 1931)
*************
2- Toàn cảnh Mộ F.Garnier và D. de Lagrée, 
ảnh của Peyrin, 1928
*************
3- Mộ F. G. và D. de Lagrée
4- Mộ F. G. và D. de Lagrée