Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]         Tác giả   ]

Dì Năm Văn Nghệ

Cát Hoàng

Dì Năm
Văn Nghệ
Nghệ sĩ Lệ Thủy
Cuối tháng hai, chiều nín gió níu mây xuống thấp, trời chẳng thể mưa như nổi buồn đông cứng. Tôi đứng góc lặng nhìn cây dâu xỏa bóng, cây chuối trĩu quày, cây dừa non nép mình bên cội dừa lão. Khi đôi đòn cau rút đi, cổ quan tài hạ xuống cùng những nắm đất chia biệt, người tiển đông sao cảm giác cứ vắng vẻ...

Đêm rồi lại đêm. Nhớ. Liên tưởng - Dì như cây cau trụ mãi ở đất Thuận Điền nầy, sống biểu hiện nhơn nghĩa quê nhà, đối cùng vĩnh biệt làm cầu bắt, đòn khiêng, đòn đỡ.

Đã nhiều lần tiễn biệt người thân yêu về cõi vĩnh hằng, vẫn mãi nỗi niềm man mác khôn phai. Sao hôm nay lòng lại xuyến xao? (Trời đất ơi! xuyến xao nỗi gì với một Cụ bà 85 tuổi vừa ra đi mãi mãi không về?)

Không xuyến xao mới lạ! Không xuyến xao mới kỳ! Có ai đời một bà già quê mần chuyện...quê thiệt đã!

Bà già có thằng con trai có cái chức cũng oai: Đội trưởng xe cộ của UBND tỉnh. Nó hứa lần hứa lựa hoài chuyện dắt Dì Năm đi thăm nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy. Dì giận nó, nó không đưa Dì đi thì Dì tự đi. Bà già gom góp tiền bán dừa, chuối với thêm 5 giạ lúa rồi đi Sài Gòn thiệt. Hỏi rồi làm sao Dì thăm được Lệ Thủy? Dì bảo nhờ mấy người chạy xe mướn biết chỗ nào có Lệ Thủy hát thì đưa Dì tới, rốt cuộc tới rạp Quốc Thanh Dì nhờ mấy chú bảo vệ cho vô hậu trường ngồi chờ Lệ Thủy hát xong để gặp. Vậy rồi gặp thiệt, Dì mừng, Lệ Thủy cũng mừng, rồi Lệ Thủy mời Dì về nhà mình ở chơi cả tuần. Cháu biết không "nó" còn nhận Dì làm Má nuôi nữa lận!

Về quê kể lại chuyện trên, bà con còn bán tín bán nghi. Song, sau đó đôi lần Lệ Thủy về Bến Tre hát đều mời "Má nuôi" lên nghe và ở chơi, mọi người mới thật sự thán phục rồi bắt đầu gọi riết thành biệt danh "Bà Năm Văn Nghệ"; "Dì Năm Văn Nghệ" - Ai hổng tin, cứ về thẳng xã Thuận Điền (Giồng Trôm, Bến Tre) hỏi thăm thử rồi biết.

Tôi khâm phục và đồng cảm với Dì Năm ngoài ý nghĩa biểu hiện thương ghét rạch ròi thẳng thắng của Người nhà quê Nam bộ (Ở trong vùng chiến tranh, Dì ghét phía giặc bao nhiêu thì càng thương đằng mình bấy nhiêu. Hòa bình Dì mừng; con cháu mạnh giỏi thành đạt Dì mừng; được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Dì mừng;...Song, ai suy đoán được so với nỗi mừng "Đoàn viên" với nghệ sĩ Lệ Thủy thì nỗi mừng nào lớn hơn? - Tôi đã thử hỏi mà Dì chỉ cười mĩm chẳng nói), còn ẩn chứa "Tấm lòng Nhân dân" đối với văn nghệ. Bởi lẽ, ngay lần đầu tiên chúng tôi về Thuận Điền chơi (Khi đó, từ trung tâm Thành phố Bến Tre đi bằng ghe cả buổi, chớ không như bây giờ đường bộ liền chạy xe 30-40 phút là tới), đêm trở về trong cơn chuyến choáng say, anh bạn Hồ Hiền "ra lịnh" bắt tôi sáng mai phải có bài thơ nộp cho ảnh. Chỉ tưởng nói chơi, ai ngờ trúng giờ linh hay sao mà có thiệt, tôi viết lúc nào cũng không nhớ mà sáng hôm sao lại có nộp thiệt và cơ duyên thế nào cũng không rõ, sau đó báo Đồng Khởi lại tải đăng bài thơ đó. Vậy là, ngay lần chạm mặt đầu tiên tôi đã có kỷ niệm sâu sắc với Thuận Điền:

Gởi Thuận Điền
Tặng những bạn thân mến của tôi
Xưa Thuận Điền gạo trắng nước trong
Ăn rau Nhút cua Đồng Mẹ nấu
Sao ngọt tình anh em!

Cũng mùa nầy những chiều nước rong
Xuồng hành quân xuôi dọc ven sông
Nhặt vội bông Bần hường vừa rụng
Hồn nhiên trong trắng chẳng bâng khuâng
Biết đâu chút nữa băm đồn giặc
Có đứa chết đi còn trai tân

Thuận Điền nay vui quá nghĩa ân
Bất chợt chúng con về thăm Mẹ
Vẫn chiều con nước rong
Bông Bần nở hường thêm nỗi nhớ
Nồi canh Chua rau Nhút cua Đồng
Vẫn dáng em chèo thướt tha ánh hồng
Chỉ thiếu vắng đôi câu hát ghẹo:
Về dòng sông nông sâu
Về lòng người quanh co khúc khuỷu
Thước nào đo cho cùng?

Tình thủy chung...
Ta muốn hát lời ca năm cũ
Thuận Điền con nước trong
Gạo Thuận Điền rất trắng
Thương chiều quê căng mắt cua Đồng
Cọng rau Nhút gởi lòng ta vị Nhẩn.
                  Mùa nước rong, 3-1-1995

Hôm nay, (2 giờ, ngày 5/4/2010, tức 21/2 Canh Dần) Cụ Bà Võ Thị Thơi - Bà Năm Văn Nghệ - Dì Năm Văn Nghệ (Sinh năm 1926, Thọ 85 tuổi) đã vĩnh viễn đi về cõi vĩnh hằng an nhiên, để lại cho chúng ta lòng tiếc thương vô hạn đối với Người Mẹ - Người Bà - Người Dì - Người hàng xóm - Người Công dân đã sống trọn vẹn MỘT KIẾP NGƯỜI!

Con thành kính dâng "ném tâm hương" nầy thay lời vĩnh biệt Dì Năm Văm Nghệ!!!