Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
Thư tòa soạn
Đã gần ba năm , Chim Việt Cành Nam ( * ) mở ra với ý nguyện làm một nhịp cầu nho nhỏ giữa bạn đọc và những người sáng tác mười phương...

Có hạn về nhân lực, chúng tôi không có tham vọng làm "nghệ thuật", chỉ xin được làm người mở cổng. Mời bạn vào vườn, dạo bước, có hoa lá, có bướm chim, có nắng mưa nhưng hẳn cũng có gai góc sỏi đá. Mệt à ? cứ tự tại ngồi nghỉ, thõng chân duỗi tay. Thoải mái, bạn ở chơi lâu; nếu bận việc hay có hẹn cứ tự tiện ra về, ngày mai, tuần tới, năm tới ta lại gặp nhau mà !

Mong sao Chim Việt Cành Nam sẽ là không gian của mọi người, người xưa, người nay, có những đóng góp xây dựng cho vừa lòng nhau. Những tấm lòng giàu Chân-Thiện-Mỹ.

Trong số này, số 11,

Nguyễn Dư sẽ đón chào năm mới dương lịch 2003, và chuẩn bị qua năm Quý Mùi với bài "Bịt mắt bắt dê" , truy nguyên một trò chơi phổ biến.

Mời bạn tiếp tục xem "bộ ảnh Peyrin: VN 1920-1930", với thêm 40 ảnh mới

liền sau đó, xin thưởng thức món "rươi" qua ngòi bút Vũ Bằng.

Nguyễn Kỳ Nam, qua các ảnh chụp , nói lên cuộc sống của người dân An Giang trong "mùa lũ " cuối năm qua (2002), cũng như tập tục "đua bò ở Châu Đốc".

Lê Văn Hảo giới thiệu "Động Phong Nha giữa những kỳ quan hang động của Việt Nam".

*

Một vài mẩu sống năm nào chợt trở về trong ký ức Nguyễn Nam Trân qua bài thơ "Hẻm nhỏ ngày xưa. Ký Họa" , cũng như hình ảnh một người bạn, nhà hán nôm Tạ Trọng Hiệp, đã hiện lên khi tác giả đi ngang "Qua nhà bạn cũ ở Gentilly".

Năm 1983, "cái "hồ hởi" của ngày hòa bình" đã qua, "chỉ còn lại tiếng thở dài về thân phận mình, nỗi đớn đau, dằn vặt nhỏ nhoi nhất, mù mịt nhất về những tiêu cực lâu dài của cách mạng Việt Nam trên nhiều mặt"; "nhưng không chấp nhận, không chối bỏ, không muốn bị tước đoạt, vẫn tiếp tục sống để thấy cái mảnh đất xa xôi kia, dù sao đi nữa, vẫn là quê hương của chúng mình", Nguyễn Hồi Thủ gói ghém tâm tình của thời điểm đó trong bài thơ "Chuỗi hạt", bài mở đầu tập thơ "Vũng nước bùn lầy" (1986).

Đan Tâm giới thiệu Federico Garcia Lorca qua bài thơ dịch: "Tình ca trăng, trăng" , Hoàng Phủ Ngọc Tường ghi lại những ngày Tây du bằng "Trang thơ lãng du"; tình yêu của Tân Văn vượt muôn trùng, thâu ngắn không gian, đưa đến người nơi xa một "Nụ hôn tốc hành".

*

Mời bạn đọc lại Nguyễn Tuân với trích đoạn "Tóc Chị Hoài", hay thưởng thức tập truyện "Quái đàm" Nhật bản qua "Truyện chàng Hôichi cụt tai" được Nguyễn Nam Trân dịch từ tiếng Nhật, nguyên tác do Lafcadio Hearn viết bằng tiếng Anh.

Qua "Một chùm nho", dịch từ tiếng Nhật, Đinh văn Phước gửi đến ta những tâm tình trong sáng nên thơ mà ngày nay không biết còn tìm lại được tại nơi nào nữa không?

Võ Hồng , qua " Tình yêu Đất " diễn tả tâm trạng của người dân quê , bám đất mà sống, bám đất mà chết.

Hãy đọc truyện "Đôi bạn" của Lê Vĩnh Hòa, để nhớ lại những giấc mơ năm xưa, với những câu hát văng vẳng "Đất nước ta đang còn nghèo..."

Họa sĩ Phan Nguyên gửi đến ta truyện ngắn "Ngấn đêm".

Nguyễn Hữu Thái trao một vài cảm nghĩ về : " Góc tâm linh Việt ở xứ người ".

Chúng ta tiếp tục lên đường, theo Nguyễn Tường Bách du hành qua Ấn Độ, Trung Quốc... "Dọc đường phương Bắc " (Mùi Hương Trầm, tiếp theo)

*

Mời bạn cùng Đặng Tiến "Đọc Tuyển Tập Hoàng Phủ Ngọc Tường" , hay nhìn lại văn học "tiền chiến" qua bài trích đoạn " Đặc tính chung thế hệ 1932 (Phê bình văn học thế hệ 1932) " của Giáo sư Thanh Lãng, rồi trò chuyện với Gs Ng Huệ Chi qua bài "Hà Nội trong mắt người trí thức" ( Đào Tuấn thực hiện)

Lê Văn Hảo tiếp tục ngược dòng thời gian, đưa ta trở về thời đại Hùng Vương dựng nước để "Thăm lại làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm".

Hồ Đắc Duy ghi lại những đoạn chót của "Đại Việt Sử Thi", kết thúc với cảnh Nguyễn Thái Học lên đoạn đầu đài.

Họa sĩ Bửu Chỉ đã qua đời, một vài văn nghệ sĩ ghi lại cảm nghĩ tưởng niệm người quá cố
. Nguyễn Thế Thinh : Vĩnh biệt Họa sĩ Bửu Chỉ
. Đinh Cường : Bửu Chỉ , từ những dấu tay lấm màu
. Đặng Tiến : Tranh Bửu Chỉ và Ván cờ Huề
. Trần Hoàng Phố : Một tài năng đứt gánh nửa chừng...(Thế giới tranh và phong cách Bửu Chỉ)
. Lê Minh Hà : Bửu Chỉ, người mới trăm năm

*

Cuối cùng, Nguyễn Dư đưa thêm nhiều tư liệu mới về một vấn đề đã đước tranh cãi từ vài năm nay trên nhiều diễn đàn trong cũng như ngoài nước : " Lê Lợi và Lê Lai"

-------------------
(*)1 - Chim Việt cành Nam, lấy từ chuyện Chim Trĩ , do vua Việt ở phương Nam tân cống cho vua nhà Chu (Chu Thành Vương). Chim chọn cành phía Nam để làm ổ . "Việt điểu sào nam chi" (Sào là làm tổ chim)  , ý nói nhớ quê hương phía Nam. 
2 - Ngựa Hồ hí gió Bấc , là chuyện ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế , khi gió Bấc thổi, thì hí lên "Hồ mã tê bắc phong", ý nói nhớ quê, phương bắc.

Trở Về  ]