Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ  ] 
NGƯỜI THẦY THUỐC TRƯỚC GIỜ LÂM CHUNG 
CỦA BỆNH NHÂN
BS. HỒ ĐẮC DUY
Nguyên trưởng Khoa Cấp Cứu
BV Trung Ương Huế và BV Chợ Quán
Ngày 10 tháng 4 năm 2001 , Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa luật CÁI CHẾT TỰ NGUYỆN , kế quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy 86% người dân Hà Lan ủng hộ giải pháp này

Theo luật mới , cái chết tự nguyện được tiến hành chỉ với những điều kiện đặt biệt như : Bệnh nhân mắc một căn bệnh hiễm nghèo không thể chữa khỏi và trải qua những cơn đau đớn không thể chịu nỗi , bệnh nhân vẫn còn sáng suốt về mặt tinh thần và đồng ý chết tự nguyện , chỉ với những điều kiện trên bác sĩ điều trị mới có quyền dùng những phương pháp y học thích hợp để chấm dứt cuộc sống của bệnh nhân

Ngươi thầy thuốc không có gì đau khổ hơn khi phải đối diện dần dần với cái chết bởi một căn bệnh không thể chữa được, nhất là khi cái chết ấy đến với một người còn trẻ, một người trưởng thành, một người chủ gia đình, một người mà bao hi vọng về kinh tế đều dựa vào họ. Tình trạng này xảy ra trong trường hợp bệnh dại lên cơn, vào giai đoạn cuối của bệnh ung thư, AIDS, giờ phút hấp hối kéo dài của bệnh tai biến mạch máu não hay một chấn thương trầm trọng vô phương cứu chữa Bệnh nhân hôn mê bớt khổ hơn là bệnh nhân tư duy còn tốt hay còn tỉnh táo . Trước nỗi đau của bệnh nhân và nỗi đau của những người thân, người thầy thuốc phải nói gì với người bệnh và gia đình họ phải dùng biện pháp gì để duy trì sự sống và cái chết sẽ được xác định ra sao ? 

Chết ở trong bệnh viện hay chết ở nhà, một phút trước lúc lâm chung bệnh nhân chỉ được nhìn thấy nhân viên y tế và các dụng cụ máy móc hồi sinh trong phòng cấp cứu mà thôi hay được nhìn thấy lần cuối những gương mặt thân yêu nhất của đời mình trước khi vĩnh viễn ra đi.

Vai trò và trách nhiện của người thầy thuốc thật nặng nề và tế nhị, lòng nhân hậu và y đức thể hiện rõ nét trong những tình huống đó.

Người thầy thuốc có nên nói cho người bệnh biết "tất cả mọi điều"- một sự thật như một bản án tử hình mà thời gian là chuyến xe đến pháp trường hay không ?

Chắc chắn nhu cầu của người bệnh là họ phải và muốn biết một cái gì đó liên quan đến bệnh tật của họ, người thầy thuốc có trách nhiệm phải thông báo và trao đổi với họ vì đó là một đòi hỏi chính đáng. 

Sự khôn ngoan của người thầy thuốc là phải đánh giá xem người bệnh cần biết đến mức nào, người bệnh có năng lực và khả năng chịu đựng tới mức nào, với những thông tin đôi lúc có thể làm suy sụp hoàn toàn, đưa đến tình trạng tuyệt vọng và làm cho bệnh nhân chết sớm hơn. Vì vậy chiến thuật vết dầu loang và việc dần dần tiết lộ thay vì đột ngột là một biện pháp tốt nhất.

Ngoài chính bệnh nhân ra còn có một số vấn đề rối rắm chung quanh như vợï con, tôn giáo, tài chính kinh doanh hoặc chức vụ quan trọng mà bệnh nhân đang nắm giữ trong chính quyền, vấn đề phân chia tài sản, làm di chúc, kể cả nguyện vọng của gia đình? tất cả cần phải được xem xét đến. Phải tạo những cơ hội cho bệnh nhân được nói chuyện với thầy thuốc và để họ tự đặt ra những câu hỏi. Dù sao thì người thầy thuốc cũng phải khách quan, bình tĩnh và ít xúc động hơn các thành viên trong gia đình, khi bệnh nhân cần đề cập hoặc trao đổi về ý nghĩa của cái chết cũng như dự định, sửa soạn, chọn lựa cái chết cho chính họ.

Để cho họ dần dần chết , để cho căn bệnh giết chết họ hay đợi cho ngọn đèn sinh lực của họ cạn dần , để cho họ tự xoay sở trong nỗi đau quằn quại của thể xác và tinh thần hay là giúp họ kết thúc cuộc sống không còn ý nghĩa mà họ yêu cầu được chết , đó là một vấn đề đang được tranh cải giữa tôn giáo và đơì thường

Sự cởi mở, lòng cảm thông, lương tâm nghề nghiệp và kiến thức của người thầy thuốc sẽ là chỗ dựa, thế nâng đỡ cho bệnh nhân về thể xác cũng như tinh thần và có thể làm giảm nhẹnhững đau đớn và cảm xúc.

Đối người bệnh, người thầy thuốc trở nên một nguồn an ủi, một người mà họ có thể nói tất cả những bí ẩn của cuộc đời. Sự hiện diện của người thầy thuốc làm họ yên tâm hơn, ăn ngủ ngon hơn, giúp họ kiềm chế các cơn đau của thể xác dễ dàng hơn, bớt lo sợ, bớt hoang mang và yêu đời hơn đôi chút.

Đối với người thầy thuốc thì sự đau đớn thể xác của người bệnh cần phải được chăm sóc, an ủi, điều trị và kiềm chế một cách thỏa đáng. "Khi mà mọi hi vọng nhằm cải thiện lâu dài tình trạng khách quan của người bệnh ung thư bị biến mất, khi mà người thầy thuốc với phương tiện và tri thức phải bó tay trước bệnh hoạn, khi mà người bệnh ở giai đoạn cuối của một bệnh vô phương cứu chữa thì việc chăm sóc phụ trợ và tâm lí rất cần thiết để đảm bảo phần nào bình an và làm giảm bớt đau đớn nhất cho cuộc sống trong giờ mệnh chung. Khi mà tình trạng tuyệt vọng, các dấu hiệu hô hấp, tuần hoàn ngừng hoạt động; khi mà các phản xạ đều mất và điện não đồ là đường đẳng điện và được chấm dứt bằng lệnh không hồi sức và ngừng điều trị, chất lượng của cuộc sống có lẽ được ưa chuộng hơn là kéo dài thời gian sống; bởi thế chế ngự cơn đau trong các bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối rất là cần thiết, vì đau đớn là một trong những triệu chứng chủ yếu của bệnh ung thư. Người thầy thuốc phải biết chủ động giảm đau trước khi cơn đau lấn chiếm cuộc sống của bệnh nhân, điều trị nhằm loại bỏ hồi ức và nỗi sợ về cơn đau và ngăn ngừa liên tục, người thầy thuốc cũng không được chậm tay trong việc sử dụng các thuốc giảm đau mạnh, kể cả tăng liều morphine nếu cần.

Nhân phẩm, tình cảm của bệnh nhân phải được tôn trọng và tránh cách ly bệnh nhân với gia đình.

Liệu các cơ sở y tế, các phòng cấp cứu, phòng săn sóc đặc biệt, phòng hồi sức hậu phẫu? có đủ năng lực thao tác chuyên môn, kể cả một đội ngũ hùng hậu để chăm sóc từng giờ từng phút trước sự theo dõi của thân nhân bệnh nhân mà những người này luôn luôn than phiền khiếu nại vì những sai sót nhỏ nhặt nhất trong công tác như chậm thay khăn khi người bệnh tiểu ra giường?v.v

Có phải tổ chức lại theo một cách nào đó ở những nơi này để bớt tình trạng cách ly bệnh nhân với gia đình họ, cần để tâm theo dõi toàn diện người bệnh hơn là chỉ để ý giải quyết về căn bệnh đang nguy kịch.

Người thầy thuốc cũng phải độ lượng và sẵn sàng làm vơi đi cảm giác tội lỗi về phía gia đình của bệnh nhân vì có một số người tự cho rằng tại vì họ mà bệnh nhân rơi vào tình trạng chậm trễ hoặc nặng hơn?v.v

Luật CÁI CHẾT TỰ NGUYỆN của Hà lan là giải pháp nhân đạo , đầy tính người , chứng tỏ sự hiểu biết sâu sắc nhất nỗi đau đớn của thân xác và tinh thần của KIẾP NGƯỜI , một điều đáng cho ta suy ngẫm

Người thầy thuốc cũng như những người khác, có thể vui, buồn, tự hào hay ân hận và nếu như việc điều trị, săn sóc bệnh nhân như đang điều trị cho cha mẹ, con cái, anh em, bằng hữu của mình thì cho dù có vấn đề gì đi nữa tôi nghĩ họ vẫn bình yên trong tâm hồn.

BS HỒ ĐẮC DUY


Trở Về  ]