VIẾNG THÁP CHĂM 
TRONG TẦM TAY

Phần 4: Những phong cách Mỹ Sơn 
và Bình Định

Bài và ảnh (*)Võ Quang Yến

Ôi! Cham Pa sao buồn không tiếng hát
Ai là người góp nhạc kết lời ca,
Để Cham Pa trổi lại khúc quan hà,
Người thiếu phụ vẫn chờ tin chiến mã...
Vân Trang (Nỗi buồn Cham Pa)
XVIII- Thánh Địa Mỹ Sơn

Thánh địa Mỹ Sơn là một tổ hợp nhiều đền đài nằm trong một thung lũng dài 2km thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, không xa thành phố cũ Trà Kiệu. Năm 1896, Camille Paris là người đầu tiên khám phá di tích và rập hình một số văn bia. Ba năm sau, đến lượt Louis Finot và Lunet de Lajonquière tiếp tục công việc và vẽ bản đồ. Sau một chuyến thăm dò năm 1901, có Charles Carpeaux phụ tá, Henri Parmentier điều khiển một cuộc khai quật 11 tháng hai năm 1902-1903. Kết quả phong phú được trình bày trong một bản kiểm kê mang tên ông ngày nay là tài liệu quí báu cho những nhà khảo cổ. Trải qua đoạn đầu thế kỷ XX chẳng có khám phá quan trong nào khác ngoài các công trình sắp xếp của Philippe Stern và Jean Boisselier, cho đến những năm thập niên 80 mới thấy có các cuộc trùng tu, đặc biệt những năm 1983-1985. Ngày nay, sau khi thánh địa Mỹ Sơn được cơ quan UNESCO xếp hạng di tích nhân loại năm 1999, một nhóm chuyên gia người Ý được cậy thiết lập đồ án chỉ đạo và công cuộc trùng tu tiếp tục.

Nằm cách xa phía đông-nam Đà Nẵng 33 km, thánh địa chiếm một đài vòng 1500m chiều ngang, 1800m chiều dọc. Núp bóng Hòn Đền tức Đại Sơn Thần Mahapavarta, hòa mình trong lòng một nhánh nhỏ sông Thu Bồn, lăng mộ các vị vua Chăm, nơi thờ cúng thần Shiva, cụm tháp là một trong những trung tâm đền đài chính Ấn Độ giáo ở Đông Nam Á. Tuy không phải là một kinh đô, Mỹ Sơn thường được so sánh với các thánh địa Borobodur (Java), Angkor Vat (Campuchia), Pagan (Myanma), Ayutthaya (Thái Lan). Thường được tin tưởng tuy không có một bằng chứng khảo cổ cụ thể, bắt đầu từ thế kỷ IV, đền thờ đầu tiên làm bằng gỗ, dần dần nhiều tháp lớn nhỏ, đền đài, lăng mộ được xây dựng bằng gạch, giữa hai thế kỷ VIII và XIV, biến hóa một nơi hành lễ thành một trung tâm văn hóa và tín ngưỡng các triều đại Cham Pa lớn nhất Việt Nam. Tổng số công trình kiến trúc là trên 70 cái, có mặt trong hầu hết các phong cách nghệ thuật theo quá trình tiến triển, trong đó có 2 xuất hiện từ Mỹ Sơn.

Các nhà khảo cổ Pháp Louis de Finot, Lunet de Lajonquiere, Henri Parmentier, Olrpeaus đầu tiên khai quật đã dùng chữ cái và số (theo thứ tự lớn nhỏ) tùy tiện đặt tên cho 10 nhóm chính A, A’ (tháp Chùa), B, C, D (tháp Chợ), E, F (tháp Hố Khế), G, H (tháp Bàn Cờ), K có niên đại và phong cách khác nhau : Mỹ Sơn E1 và F1  thế kỷ VII-VIII, phong cách Mỹ Sơn E1; Mỹ Sơn A2, C7, F3, cuối thể VIII đầu thế kỷ IX, phong cách Hòa Lai; Mỹ Sơn A10, A11-13, B4, B12, cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X, phong cách Đồng Dương ; Mỹ Sơn B5, B6, B7, B9, C1, C2, C5, D1, D2, D4, thế kỷ X, phong cách Mỹ Sơn A1; Mỹ Sơn A4, F2, K, đầu thế kỷ XI giữa thế kỷ XII, phong cách chuyển tiếp Mỹ Sơn A1 - Bình Định; Mỹ Sơn B1, G, H, cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XIV, phong cách Bình Định. Nghệ thuật và kiến trúc qua bố cục đền tháp mang ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ. Bao phía ngoài là các tháp phụ A8-A12 phân bố trên một mặt bằng vuông. Đối diện với cụm nầy là cụm tháp B, trung tâm thánh địa.

Đến nay, 32 tấm bia đã được khai thác. Thần Bhadresvara đã được chứng nhận tôn thờ từ thế kỷ V, mặc dầu đền đài chỉ được xây dựng đầu thế kỷ VII. Nhóm A gồm có 6 ngôi đền nhỏ A2-A7 đối xứng nhau thờ các vị thần phương hướng. Đền A1 độc nhất bằng đá, cao 28m, thuộc phong cách Mỹ Sơn A1, tuy không phải là tháp xưa nhất trong cụm, được xem là kiệt tác kiến trúc di tích Chăm, bị bom phá đổ năm 1969 trong thời kỳ chiến tranh. Nhóm A’ có những nét tương tự trang trí với nhóm A. Một tượng Shiva mất đầu, mất tay, cao 1,27m, thế kỷ VIII, cũng là một kiệt tác chạm trổ Chăm, được khám phá trong đền A’4 chôn vùi dướí đất. Nhóm B gồm có ít nhất 14 đền phần lớn đổ vở. Một tượng Ganesha ngồi hai tay, một tượng Skanda ngồi trên con công, không xác định niên đại, được tìm ra trong điện B1. Gồm có 7 đền, nhóm C có kiến trúc tuơng tự Mỹ Sơn A1. Trán tường đền C1 hình dung thần Shiva có những nét trán tường Mỹ Sơn A’1.

Không được xây cùng lúc, 10 điện đài trong nhóm E có lẽ là nơi dùng gạch trước nhất. Điện E1, xưa nhất, qua cột tháp, bệ tượng, nhất là trán tường, được xác định niên đại thế kỷ VII. Trán tường, ngày nay trưng bày ở viện Bảo tàng Đà Nẵng, khai trương thời kỳ hoa sen: từ lỗ rốn Vishnu nằm trên con rắn bất tử chín đầu trong thủy quyển ban sơ, Brahma phóng ra trong Hoa sen Thế giới, hai bên có thần điểu Garuda chân chim nắm rắn. Tượng Vishnu hai tay nầy là xưa nhất trong nghệ thuật Chăm. Cũng ở trong nhóm E nầy đã được tìm ra một bệ tượng, hiện nay cũng ở viện Bảo tàng Đà Nẵng: hình dung núi Kailasa, ở trên có Shiva dưới hình thức một linga, kiệt tác được trang trí với những nhà khổ hạnh hoạt động khác nhau. Điện E5 cống hiến một Ganesa cao 80 cm, mặc áo da cọp, đứng, bốn tay, hai tay trên nắm tràng hạt và một cái rìu, hai tay dưới nắm bát kẹo và một nhánh cải gia vị mulakakanda. Tượng nầy, rất quan trọng trong nền mỹ thuật và tín ngưỡng Đông Nam Á, đã nêu lên nhiều câu hỏi vi là tượng xưa trong vùng độc nhất mang áo da cọp và cầm cải gia vị.

Sau E1, những điện F1 và F3 trong số ba đền đài F là xưa nhất. Điện F1 quan trọng nhất, mất cái chỏm, được dựng trên một nền gạch rất cao, trang trí sư tử, người cầu kinh, hình người nâng đở mũ cột, có thể có niên đại thế kỷ VIII. Ở đây đã có tìm ra đuợc một jatalinga ba phần tiêu biểu nghệ thuật Cham Pa ấn hóa và một trán tường hình dung Ravananugrahamurti rung lắc núi Kailasa. Điện F3 là một trong những điện xưa còn đúng vững cùng với A’2 trước thế chiến, phía trước có bia văn ký. Điện F2 xây sau, chưa xong, chứng minh nhiều tháp được thêm vào sau. Những điện đài nhóm G cũng như hai nhóm H và K được xây trên đồi cao, xa những nhóm khác. Khá điêu tàn, những di tích nầy được xác định xây giữa 1147 và 1162 theo văn ký trên bia, có thể để thờ Harivarmesvara. Trang trí gồm có đầu Kala tương tự Kala Nam Dương, Gajasimha có lỗ tai voi và chuỗi nhạc của vật cưỡi. Nhóm H với 4 đền đài cũng hư hại không kém. Còn lại, ngoài một con bò Nandi, một trán tường với Siva tám tay, mí mắt nhìn xuống, đồ trang trí mũ miện, hoa tai tuy có vẻ chăm, toát ra một ảnh hưởng sâu đậm Khơ me. Từ tháp K chỉ còn lại một trán tường…

Thời Pháp nhiều tháp còn đang vững nhưng đã bị trúng bom sụp đổ trong thời kỳ kháng chiến. Phần lớn những đền đài khác đều bị hư hại với thời gian. Nói chung, tuy chứa đựng nhiều biểu tuợng Phật giáo, cụm tháp Mỹ Sơn đuợc xem là quan trọng nhất trong thể loại kiến trúc Ấn Độ giáo ở Việt Nam.









Thánh địa Mỹ Sơn

Thành Xô thu đông 2015

Hết




(*)Ảnh chụp những năm 1986-2007, cốt yếu hai năm 1998-1999, sao từ dương bản. 160 dương bản nẩy đã được ông Pierre Baptiste, Quản đốc ở viện Bảo tàng Á Đông Guimet Paris "mượn" để minh họa những bài giảng của ông tại điện Louvre. Ông có chính thức cảm ơn trong cuốn Trésors d’art du Vietnam - la sculpture du Champa.

Vài sách về nghệ thuật Cham Pa

- Tran Ky Phuong, Les ruines cham, The gioi, 1993

- Jean-François Hubert, L’Art du Champa, 2005

- Trésors d’art du Vietnam – la sculpture du Champa, Musée national des arts asiatiques Guimet, 2005

- Nguyễn Văn Kự, Ngô Văn Doanh, Andrew Hardy, Du khảo Văn hóa Chăm, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, 2005

- Emmanuel Guillon, Art et archéologie du Champa, Piccard, 2011

PHỤ BẢN


Hương Quế 
Quảng Nam
Viện Bảo tàng lịch sử TP HCM
Tara 
Đồng Dương
Viện Bảo tàng điêu khắc Cham Pa Đà Nẵng
 


[ trang trước ]  /    [ Hết]