Đô
môn giải tổ chi niên,
Đạc ngựa bò
vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ
phau phau mây trắng
Tay kiếm cung
mà nên dạng từ bi.
Nguyễn Công Trứ
(sau 1848)
Cô
Aliénor Anisensel là một sinh viên ngành dân tộc nhạc học
ở viện Đại học Paris X-Nanterre, còn gọi Paris Tây. Cách
đây non mười năm, nhân tìm đề tài luận văn cao học, cô
nghe bà mẹ nói đến nước Việt Nam, nơi ông cố đã từng
làm việc hồi trẻ, đặc biệt thành phố Sài Gòn từ đầu
thế kỷ XX đã nổi tiếng là hòn ngọc Viễn Đông. Cô bắt
đầu hướng lòng mình về đất nước xa xôi nầy. Năm 2003,
như được định mệnh dẫn đường, một hôm tình cờ cô
thấy hai dĩa CD ca trù trong một nhà hàng ở Paris. Tuy không
biết gì về nhạc Việt Nam, cô mua về nghe và ngay từ ban
đầu cô như bị điệu nhạc êm dịu quyến rũ, những giọng
hát mượt mà làm mê say. Mặc dầu nghe diễn tấu trong một
ngôn ngữ xa lạ, cô bảo những khúc nhạc cổ truyền nầy
lập tức chinh phục tim cô và thúc dục cô tiếp xúc với
Giáo sư nhạc học Trần Văn Khê, một Việt kiều ở Paris.
Sau nầy, càng học, càng đi sâu vào lòng ca trù, cô càng đam
mê làn điệu nầy và nỗi hứng thú tưởng như không khi nào
vơi. Nhưng ngay bây giờ đây, khó khăn đã hiện ra : Thầy
Khê không mấy sốt sắng với nhiệt tình của cô ! Theo Thầy,
muốn học ca trù, trước phải nói thạo tiếng Việt, đằng
khác phải học từ thuở ấu thơ nếu không là từ trong nôi
ở một làng ca trù miền bắc Việt Nam. Thầy không dè sự
say đắm nồng nhiệt, tính năng động vô biên của cô sinh
viên châu Âu trẻ tuổi giúp cô vượt mọi cản trở. Cô bảo
phản kháng của ông Thầy đã là một sức mạnh thúc đẩy
cô. Ngay từ năm 2003, cô đi Việt Nam, thẳng tiến đến "đất
Tổ ca trù" thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội
là nơi đình làng có thờ Tổ đã được Nhà nước xếp hạng
"Di tích văn hóa" với ngày 12 tháng 11 giỗ Tổ hằng năm. Thật
ra, ở các làng Duyên Linh, làng Muội linh (huyện Phú Cừ, tỉnh
Hưng Yên), ấp Thái Hà (tỉnh Hà Đông) làng Giáo Phường (phủ
Xuân Trường, tỉnh Nam Định), cạnh chợ Hôm, phố Huế (Hà
Nội) trước kia cũng có đền thờ Tổ. Cô may mắn được
tiếp xúc cố nghệ sĩ ưu tú Phạm Thị Mùi. Tôi đã từng
có viết may mắn thường đến với những ai biết khích động
nó, sẵn sàng đón nhận cái mới lạ đã từng mong ước.
Ca sĩ thiện nghệ Phạm Thị Mùi đối với cô như ngọn gió
thổi vào mồi lữa đang nung nấu chỉ đợi có dịp là sùng
sục bùng cháy.
Thí
sinh Aliénor Anisensel
Thế là cô quyết
tâm học nói tiếng Việt để có thể hưởng thụ mọi kiến
thức không những của bà Mùi mà sau nầy còn có những nghệ
nhân khác như đào nương Nguyễn Thúy Hòa, hậu duệ cố ca
sĩ nổi tiếng Quách Thị Hồ từng đuợc phong Nghệ sĩ nhân
dân, đã dạy cho cô hát và sử dụng đàn đáy. Sau luận văn
cao học (*) bảo vệ xuất
sắc năm 2004, trong bốn tháng liền, từ tháng 11 năm 2005 đến
tháng 2 năm 2006, cô lặn lội giữa Hà Nội và Lỗ Khê, ngay
cả vào Tp Hồ Chí Minh, nơi tập hợp một số nghệ nhân ca
trù quê gốc miền bắc di cư. Ở đây cô đã thụ giáo nhà
nho học uyên thâm Nguyễn Quảng Tuân. Đặc biệt, cô được
về lại Lỗ Khê ba tuần, trong khuôn khổ một học bổng của
Trường Viễn đông Bác cổ EFEO. Cô kể đã trú lại ở nhà
nghệ nhân đánh trống Hoàng Đức Kỳ, 82 tuổi, nguyên đại
tá quân đội, và phu nhân nữ y tá. Mặc dầu cô đã được
mọi người trong làng chấp nhận, âu yếm gọi cô là Ali,
đời sống không hoàn toàn dễ dãi, nhất là trong công việc
tìm hiểu, điều tra. Mặc dầu cô đã được phép lưu trú
chính thức của Ủy ban xã, công an cấm cô ra khỏi nhà một
phần vì duyên cớ an ninh mà trong làng cũng còn xem "sự giam
giữ "nầy như là điều kiện nghi thức khai tâm và sáp nhập.
Mọi kiểm soát giao phó cho hai ông bà Hoàng Đức Kỳ. Nhưng
cũng chính ông Hoàng Đức Kỳ, tuy là một quân nhân, lại
là một nghệ sĩ uyên bác, ngoài những bài dạy hát, gõ phách,
đánh trống chầu, thực hành các loại cắc đánh dấu
câu hát (cắc chấm câu, cắc phẩy, cắc hỏi thêm vào
bắt đầu tiền tam, chấm hết hận tam), các loại
khổ
xác
định sự vận hành bài hát (khổ đầư, khổ giữa, khổ
xếp) thực hiện qua những tiếng đánh
tom trên màng
trống, chát trên thành trống, còn giảng giải cho cô
lịch sử ca trù ở Lỗ Khê, giải thích những chính văn nghi
lễ. Tuy bị "cấm cung", mỗi tối, sau giờ làm việc, những
nhạc sĩ trong làng lại thăm cô để trả lời những câu hỏi
của cô. Đặc biệt nữ ca sĩ Nguyễn Thị Thảo dạy thêm
cô học hát, gõ phách. Sau nầy, cô còn được thọ giáo những
nghệ nhân như cụ Nguyễn Phú Đẹ ở Hải Dương, 80 tuổi,
các vị Thục An, Thanh Hiên, Bích Ngọc.
Năm 2007, cô được
phép lặp lại thời gian học tập, nghiên cứu trong nhà nầy
trong luôn mười ngày. Có lẽ nhờ cuộc học hỏi của cô
rất tấn bộ nên năm 2008 cô được phép "xuất cung" trong
luôn một ngày mà không có công an kèm theo, chứng minh một
sự tự do tuy tương đối. Cô được phép dự, hơn nữa được
mời hát trong những ngày lễ hội, nói lên trình độ biểu
diễn của cô trong lãnh vực ca trù. Nói chung, để đạt đến
thành tích nầy, từ 2003 đến 2008, tổng cộng thời gian về
Việt Nam là mười bảy tháng, cô đã làm việc với một mức
học hỏi tối đa không ngừng ngày đêm, không quản ngại
công lao khó nhọc. Dự định lúc ban đầu thực hiện một
luận án tiến sĩ về lý thuyết ca trù, dần dần bị thu hút
vào lòng những nhịp điệu hấp dẫn, cô cố gắng học hát,
học sử dụng nhạc khí (riêng đánh trống là cả một phương
cách tác dụng sinh lực nêu cao vẻ linh hoạt, khí thế của
công trình nghệ thuật) để tìm hiểu hệ thống nhạc, hơn
nữa đi sâu vào tâm hồn người nghệ sĩ, một điều rất
cần thiết cho một nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học. Ca
trù cũng nhiều điệu hát dân gian ở Việt Nam như quan họ,
hò Huế, ru con,...đòi hỏi nơi ca sĩ nhiều tâm huyết và cô
đã biết đặt vào đây tất cả tâm hồn và trái tim của
mình. Cô bảo cô như được một quyền lực thần thánh khai
tâm để gắn bó với ca trù và cô vô cùng sung sướng khi
được chìm ngập trong không khí nền ca nhạc dân gian ấy.
Thật cảm động khi biết một tối tháng chín năm 2008 ở
Tp Hồ Chí Minh, tại nhà bác sĩ Nguyễn Nhã, cô Aliénor Anisensel
biểu diễn bài ca trù cổ
Hồng hồng tuyết tuyết
của Dương Khuê (1836-1898), "Hồng hồng tuyết tuyết....
Mới ngày nào còn chưa biết chi chi...Mười lăm năm thấm thoát
có ra gì...Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu... " cử
tọa gồm có nhiều nghệ sĩ và một số sinh viên ham mê ca
trù tỏ vẻ vô cùng khâm phục. Giáo sư Trần Văn Khê đã
"xúc động đến rơi lệ". Nghệ sĩ đàn đáy Nhị Hùng ngồi
cạnh bên thì thầm : "Thật là một kỳ tài" ! Người
kể chuyện bảo thành tích nầy càng đáng lưu ý khi biết
ngày nay ca trù ngày ít được ưa thích trong giới trẻ, làm
tôi nhớ đến điệu hát pansori huyền diệu xứ Hàn
Quốc đang ở trên đường mai một....
|
|
Ban
giám khảo (**)
|
Phòng
bảo vệ tiến sĩ
|
Ca trù là một bộ
môn nghệ thuật độc đáo có mặt từ lâu đời ở nước
ta. Giáo sư Trần Văn Khê từng khẳng định "Ca trù là
một truyền thống xuất phát từ nước Việt, chứ không du
nhập từ nưóc ngoài". Tuy vậy, nằm trong vùng văn hóa
Trung Quốc, liệu có chút ảnh hưởng làn điệu phương Bắc
nào không ? Ca sĩ lúc trước được gọi là ả đào
hay cô đầu. Theo tác giả Lê Minh Quốc thì sách Công
dư tiệp ký, cuối đời nhà Hồ, có ghi chuyện một ca
nhi họ Đào, quê làng Đào Đặng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng
Yên, có công đánh giặc nhà Minh, đuợc dân làng nhớ ơn lập
đền thờ và thôn nàng được gọi là Ả Đào, về sau những
người làm nghề như nàng đều được gọi là ả đào
; theo Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ thì dưới đời
vua Lê Thái Tổ, con hát là Đào Thị có tiếng tốt và giỏi
đàn nghệ, được mộ danh, vua thưởng, bắt đầu từ đấy
phàm con hát đều cũng được gọi đào nương. Khi vào
biễu diễn trong cung phủ thì gọi là hát cửa quyền.
Vào lúc các quan có yến tiệc trong dinh hay ty (tơ), ả đào
mời đến hát thì được gọi
hát nhà tơ. Còn ở cửa
đền, ả đào miệng hát tay múa làm điệu bộ nên được
gọi hát nhà trò. Thường danh ca dạy dỗ, truyền
nghề lại cho đệ tử, để tỏ lòng biết ơn, các đệ tử
nầy khi đi hát đình đám đều trích lại một số tiền để
phụng dưỡng thầy, gọi là tiền đầu, từ đấy ả
đào được gọi cô đầu. Nếu cô đầu thuộc họ
truyền thống hay nhà nòi thì được mang danh côđầu
nòi. Các ca sĩ ngoài họ muốn thành chuyên nghiệp phải
được một họ truyền thống nhận làm con nuôi, dù thiện
nghệ vẫn được đánh giá không thấm nhuẫn đủ tâm ca họ
nên chỉ được gọi
cô đầu ngoài. Các cô đầu chỉ
được công nhận chính thức sau một buổi lễ ở nhà tổ
gọi là lễ mở xiêm áo. Ở lễ nầy họ dược
nhận trang phục của một đào nương là chiếc áo dài màu
tía và chiếc khăn đen bao quanh mái tóc để lộ ra cái đuôi
gà lịch sự của phụ nữ miền Bắc. Cũng cần nói thêm bên
cạnh các cô đầu chuyên hát còn có những cô gọi là cô
đầu rượu không biết hát mà có phận sự tiếp rượu
cho khách trong những ca quán, lắm khi còn đáp ứng nhu
cầu thư giản đặc biệt những khách "ham chơi", dần dần
làm tha hóa lối hát, thú vui tao nhả. Dưới thời vua Lê Thánh
Tôn (1460-1497), Quốc triều hình luật quy định quan hệ
của các quan với con gái đàn bà làm nghề hát xướng, nếu
cưới về làm vợ thì bị phạt trượng và có thể bị lưu
đày. Theo Lịch triều hiến chương, con cái những ả
đào, hát tuồng, hát chèo không được đi thi...cho đến đời
vua Lê Dụ Tôn (1706-1709) luật lệ nầy mới được bãi bỏ.
Nhưng ca trù cũng là nơi thi sĩ chia sẻ tâm sự, những người
yêu tiếng hát, nhịp phách lại hòa minh với kẻ tri âm, không
tiếc tiền thưởng đào nương tài hoa có khi đến khuynh gia
bại sản, nên nhiều thi nhân đủ giới đua nhau lại mua vui
ở ca quán. Trước 1945, Hà Nội đếm đến khoảng 2000 cô
đầu và hơn 200 ca quán.
Ca trù là cách gọi
Hán-Việt một loaị hát xưa ở cửa đền mang tên Việt hát
thẻ, trù có nghĩa là thẻ. Những thẻ nầy làm bằng mảnh
tre, dài khoảng hai mươi phân, rộng hai phân rưởi, một bên
trên khắc ba chữ
phúc, lộc, thọ, dưới hai chữ ca
trù, bên kia trên khắc số tiền biểu tượng giá trị
của thẻ (ví dụ 10.000 đồng) và ba chữ phúc, lộc, thọ,
dưới tên làng và hai chữ thẻ tre. Thẻ nầy là tiền
công hay tiền thưởng tùy theo giá trị khắc trên thẻ quy
ra mà trả. Người chỉ định thẻ thường là viên quan được
mời đến đánh
trống chầu – nguyên gốc từ triều
đình - (hay
trống con). Ông nầy có thể là một người
giàu có trong làng, hay là tác giả những bài thơ trong thể
thức hát ca trù, lại đánh trống là đánh nhịp cùng
đào nương cho bài hát. Trong nhiều trường hợp lễ hội lớn,
còn có
trống cái đánh để thưởng khi hát hay đàn
hay, người cần châu có thể xem như là ông điều khiển buổi
biễu diễn. Cũng có khi cô đầu vừa hát vừa múa nhưng phần
lớn các cô ngồi yên bất động, đối thoại với người
nghe chỉ có âm thanh giọng hát, tiếng đàn và làn điệu bài
thơ. Vì vậy đi thưởng thức ca trù hồi ấy là đi nghe
hát chứ không phải xem hát. Thể lệ nầy tồn tại
cho đến thời kỳ Cách mạng 1945 thì bị hủy bỏ vì được
cho là nghệ thuật giai cấp, phong kiến, đồi trụy như cải
lương, vọng cổ chỉ hát những điệu buồn. Trước đó ca
sĩ và nhạc sĩ họp nhau lại thành họ có một ông
trùm làm đại diện, nhiều họ góp lại thành giáo phường
có ông quản giáp lo liệu mọi việc tổ chức
những buổi trình diễn, sắp đặt lịch trình, chỉ định
ca sĩ, nhạc sĩ, đào tạo, huấn luyện những người mới
vào nghề,...Ngoài những lễ hội địa phương, hát thờ
Tổ, hát cửa đình, hay những liên hoan tư gia, giáo
phường có khi được mời vào Triều chúc hỗ thường
để chúc thọ nhà vua mừng tin vui trong Triều. Năm 1924, nhân
dịp tứ tuần vua Khải Định, một cô đầu cũng đuợc tuyển
chọn để dự lễ đại khánh. Khi nhà Nguyễn tàn
lụi (1945), cũng là lúc chiến tranh bùng nổ, giáo phường
không còn hoạt động, mãi đến sau thời kỳ "đổi mới"
ca trù mới được hoàn nguyên, khoảng vào năm 1965 ở Lỗ
Khê. Sau đó, phải đợi đến 1991 mới thấy
câu lạc bộ
ca trù đầu tiên ra đời ở Hà Nội, tiếp theo hai chục
câu lạc bộ khác thành lập vài năm sau ở ngoài bắc, còn
ở Tp Hồ Chí Minh thì đến năm 2000 mới có.
Trình
bày và thảo luận
Tuy không phải là
cái nôi của ca trù, Huế đã tiếp xúc với nghệ thuật ca
trù từ thuở nhà Nguyễn. Trên đà sáng tác của những tao
nhân mặc khách trong nước như Nguyễn Công Trứ (1777-1849),
Cao Bá Quát (1809-1855), Chu Mạnh Trinh (1862-1905), Tản Đà (1889-1939),...trong
quan hệ giữa văn nhân và ả đào, trong cách thức thưởng
thức ca trù, các thi nhân đất Thần kinh, các thi sĩ trong hoàng
tộc cũng quen với lối hát nói đang thịnh hành trên miền
Bắc. Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961) có để lại tập
Bán
buồnmua vui với 42 bài hát nói ca trù bên cạnh những câu
hò, hát nam, kể lại những kỷ niệm riêng tư vui, buồn, thương,
giận với các cô đào Như Ý, Tuyết Ngọc. Trong một buổi
gặp mặt bạn bè, cụ có cho nghe bài ca trù sau đây, biểu
hiện phong cách một bài hát nói :
Xuân phong vô
dạng
Mình còn đây
mà liễn điếu bạn đi đây
Xanh xanh đỏ
đỏ chưng đầy
Hàng Nhựt có,
hàng Âu Tây cũng có
Ngâm luật, ngôn
ngôn giai cẩm tú
Ca trù tự tự
tẫng châu ky
Những câu ca
câu đối lại siêu kỳ
Thiệt chết
cũng e khi mừng sống lại!
Huống thử bạch
đầu xuân tự tại
Bảy mươi lăm
xuân hãy còn xuân.
Ngỏ lời tạ
đấng nhân văn.
Trong hai ngày 30
tháng 9 và 1 tháng 10 năm 2009, sau nhã nhạc cung đình Huế và
không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, sau nhiều năm chuẩn
bị, đồng thời với quan họ được Tổ chức Văn hóa Giáo
dục Liên Hiệp Quốc UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa
phi vật thể của nhân loại đại diện của nhân loại, ca
trù được ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của
nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Đầu năm 2010 lại
có tin Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long ra mắt thành Giáo
phường Thăng Long, nối lại với lịch sử lúc ban đầu.
Đây là một sự kiện được những người yêu thích ca trù
và các nhà chuyên môn chú ý. Tuy nhiên báo chí phản ảnh những
lo lắng không những cho giáo phường mà còn cả cho bộ môn
ca trù từ quy mô tổ chức giáo phường qua trình độ chuyên
môn của đào nương. Những cô trẻ có giọng không hợp, hát
không đạt, hát như nhạc mới, không có chất ca trù. Vậy
thì phải cải tân làm sao ? Tôi đã từng được nghe ý kiến
của anh Giáo sư Trần Văn Khê về lãnh vực nầy. Cảnh cáo
của anh rất rõ ràng : "Đi tìm cái mới là con đường
đầy chông gai và chưa chắc đã tìm thấy. Cho nên phải cẩn
thận với sáng tạo. Làm mới vốn cổ là con dao hai lưỡi.
Chúng ta không nệ cổ nhưng phải bảo tồn vốn cổ. Và cần
cẩn trọng đừng để mất bản sắc cổ. Vì vậy các em chỉ
nên xem đây là thể nghiệm, nên khiêm tốn lắng nghe đóng
góp từ khán giả và các nhà nghiên cứu". Vậy phải làm
thế nào để phổ biến rộng rãi và lanh chóng ca trù ? Sau
đây là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, người
đầu tiên ở Việt Nam làm luận án về ca trù và góp mặt
trong hồ sơ ca trù trình lên UNESCO : "Ngày xưa, thời
thịnh nhất của ca trù, nhu cầu về đào nương rất cao nhưng
các cụ vẫn chọn người học rất kỹ lưỡng, ngoài đức
hạnh phải xem giọng hát có đủ để học hát không. Để
thành một đào nương thực thụ phải có rất nhiều tố chất.
Ngay cả một người có chất giọng đẹp, lại được rèn
cặp kỹ lưỡng bởi một đào nương già, mà không có khả
năng cảm nhận văn chương, khả năng bắt được "nhãn tự"
(chữ mắt, con mắt thơ) của bài thơ thì cũng khó mà hát
cho hay được. Dù có cố khoe chất giọng vàng ngọc trời
phú thì cũng là một giọng ca vô duyên mà thôi. Ca trù là
một môn nghệ thuật bác học, hàn lâm. Cho nên không cần
phải phổ cập và không thể phổ cập. Ngay cả thời hoàng
kim của Ca trù, mỗi chầu hát cũng chỉ có 5 – 7 người nghe
thôi. Hát cửa đình thì có vài chục quan viên chức sắc có
chữ nghĩa trong làng thưởng thức. Ca trù không dành cho 5 –
7 chục, hoặc hàng trăm người. Cả nước chỉ cần có mươi
giáo phường cũng là đủ. Vì thế, báo chí và truyền thông
không nên tuyên truyền là cả nước phải học Ca trù, cả
nước phải thích Ca trù. Điều đó dễ dẫn đến thái độ
vội vàng, dung tục, dễ dãi cho những thứ chưa phải là chuẩn
mực".
 
Biểu
diễn nhạc khí
Tương lai ca trù
sẽ đầy chông gai nhưng không phải vì thể mà không vượt
qua được. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện có lời căn dặn : "Vì
thế, tôi mong giáo phường Ca trù Thăng Long hãy học cho thực
đầy đủ, chuẩn mực và nghiêm túc, hãy bình tâm và bền
lòng với di sản tổ tiên ! Hãy ráng học thật đầy đủ
và chuẩn mực rồi hãy mở xiêm áo cho các thành viên...Đặc
biệt, tuyệt đối không coi thường nghề tổ và làm sai lạc
truyền thống! ". Để thể
hiện một cuôc cải tân, đầu thu năm ngoái, ở Paris tôi được
xem và nghe Hoàng Thị Kiều Anh cùng Trịnh Thu Hương biểu diễn
ca trù qua tiếng đàn dương cầm, không quen nghe cũng lạ tai.
Bên phần nhà sáng tác nhạc Tôn Thất Tiết, anh bạn đồng
hương của tôi, thì cho hòa mình ca trù với nhạc hiện đại.
Vừa rồi anh mời đoàn Ca trù Thái Hòa qua Pháp cùng biểu
diễn với nhiều dàn nhạc, đặc biệt với đoàn Trio Antara
(sáo, hạt cầm, vĩ cầm trầm), một cuộc hợp lưu êm tai,
hấp dẫn. Đằng khác, cô Aliénor Anisensel, hôm 05 tháng 01 năm
2012, sau non mười năm khảo cứu, đã trình bày hành trình
của mình qua cuộc đào tạo một đào nương trong buổi bảo
vệ luận án tiến sĩ Văn chương và Khoa học nhân chủng (*)
trên đề tài "Le sens d’une tradition élitiste dans le Vietnam contemporain
– Pratiques, apprentissages et esthétiques du chant ca trù" (Ý nghĩa
một truyền thống ưu tú ở nước Việt Nam hiện đại - Thực
hành, học nghề, mỹ học của điệu hát ca trù). Đầu đề
luận án chỉ rõ mục lục ba phần : phần thứ nhất miêu
tả môn nhạc truyền thống về mặt thực tế ; phần thứ
hai trình bày cách học tập ; phần thứ ba bàn luận về mặt
thẩm mỹ để thử tìm hiểu ý nghĩa của cái tinh hoa ấy,
phát xuất từ môi trường văn giới, trong một nước Việt
Nam hiện đại dưới chính quyền cách mạng từ 1954. Cuộc
khảo cứu dựa lên hai giả thuyết. Thứ nhất, quan sát thủ
tục xã hội ca trù mở một cánh cửa để hiểu biết ý nghĩa
tinh tú của truyền thống ấy. Thứ nhì, nếu ca trù đang còn
mang tải một vốn tượng trưng tinh tú tất nhiên vốn ấy
chính đã thấm đượm chất liệu thơ nhạc có thể phân tích
ngay trong lòng quá trình truyền đạt và thành tích nhạc học.
Luận án được toàn thể ban giám khảo (**)
khen ngơi độc đáo, khảo cứu sâu xa, trình bày gọn ghẻ
tuy có vài sơ suất về mặt dân tộc học (thư tịch, danh
từ) và nhạc học (danh pháp), được chấm hạng Danh dự cao
nhất "Mention très honorable avec félicitations du jury". Lời khen
hết lòng nồng nhiệt được anh Trần Quang Hải, có mặt trong
ban giám khảo, phát biểu là luận án đầu tiên về ca trù
đầy đủ nhất (luận văn cao học của cô và những luận
văn bên Hoa Kỳ rất sơ sài), nhấn mạnh ở điếm cô tuy là
một nhà khảo cứu lại là một đào nương hiếm có biết
chơi cả ba dụng cụ phách, trống, đàn đáy ! Cụ Nguyễn
Quảng Tuân từ Việt Nam cũng có gởi ngay qua bài hát nói khen
tụng.
Aliénor Anisensel
thật đúng là một phụ nữ đầy năng khiếu và năng lực,
thông thạo kỹ thuật biểu diễn hát, đàn, cô đã và sẽ
là một nhà khảo cứu uyên thâm về môn dân tộc nhạc học,
đặc biệt môn nhạc Việt Nam, qua lối nhìn với đôi mắt
Tây phương vì tim cô đã thấm đượm ca trù rồi.
Xin
cám ơn đào nương Thúy Hòa
đã vui lòng
đọc bản thảo và góp ý kiến
Xô thành Tết
Nhâm Thìn 2012
Tài liệu
- Lê Minh Quốc,
Đinh
Lễ - Bạch Hoa, Tổ ca trù, trong Các vị tổ ngành nghề
Việt Nam, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh 1988
- Aliénor Anisensel,
"La perle Ca trù" Un patrimoine musical à présever, Carnets
du Vietnam 12 09.2006
- Aliénor Anisensel,
Tambour
et effet de vie dans la tradution du Ca trù, 3ème Congrès
du Réseau Asie IMASIE, Paris 26-28.09.2007
- Long Sơn, Une
jeune Française amoureuse du ca trù, Courrier du Vietnam 30.11.2008
- Aliénor Anisensel,
Chanter
le ca trù au village de Lỗ Khê (nord du Viet-Nam : une fête rituelle
au temple communal et à la maison des patrons du métier de ca trù,
Péninsule 59 2009
- Nguyễn Xuân Diện,
Quan
họ và ca trù – Hai di sản văn hóa nhân loại, Tạp chí
Sông Hương 252, 02.2010
-Võ Quang Yến, Hòa
mình ca trù vào nhạc hiện đại, DiễnĐànForum, 19.01.2012
Chú thích
(*)
Cô Aliénor Anisensel không bao giờ bảo vệ luận án tiến sĩ
ở Tp Hồ Chí Minh như có báo Việt Nam đã loan tin. Cô cũng
không có bảo vệ luận văn thạc sĩ mà là luận văn cao học.
Có sự lẫn lộn do từ lâu ở Pháp, bằng agrégation, ta dịch
là thạc sĩ, chỉ cuộc thi tuyển giáo sư trung học (sau bằng
cử nhân như Phạm Duy Khiêm), hoặc giáo sư đại học Luật
học (sau bằng tiến sĩ như Nguyễn Văn Bông) và giáo sư đại
học Y khoa (sau bằng bác sĩ như Phạm Biểu Tâm).
(**)
Ban giám khảo gồm có sáu vị (thứ tự từ trái qua mặt trong
ảnh) : Giám đốc thực nghiệm EPHE/EFEO sử gia Philippe Papin,
báo cáo viên thứ nhất, chủ tịch (4) ; Giáo sư dân tộc nhạc
học François Picard Paris-IV Sorbonne, báo cáo viên thứ nhì (2)
; Giám đốc nghiên cứu CNRS Gilles Tarabout, chủ nhiệm luận
án (6) ; Giảng viên Jean Lambert, nhân viên của Trường tiến
sĩ " Môi trường, Văn hóa và Xã hội Quá khứ và Hiện tạỉ
(5) " ; bà Đặc nhiệm nghiên cứu CNRS dân tộc nhạc học Dana
Rappoport, Trung tâm Đông Nam Á (3) và Nhà nghiên cứu dân tộc
nhạc học Trần Quang Hải CNRS hưu trí
DiễnĐànForum
diendan.org.
|