Lời giới thiệu

TÌNH NGHĨA SÔNG NƯỚC 

Võ Quang Yến

Tôi lớn lên trên bờ sông Ô Lâu, uống nước dòng sông, bơi lội trên sông, tắm rửa trên sông, giặt giũ trên sông, chèo xuồng trên sông, câu cá trên sông,… và cũng có lần bị Tây bắt chở lên đò xuôi sông…. Những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn, bây giờ cuối đời nghỉ lại, mặc sức tưởng nhớ. Và bất cứ đi đâu, ngang qua một con sông uốn lượn xuôi dòng hay truớc môt thửa vườn cây cối um tùm hoa quả là không dời bước đi được. Mà đi đây đi đó bắt gặp biết bao sông hồ, biển cả, vườn nhà nên thơ, kỷ niệm lưu trử tràn đầy đầu óc !
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tế Hanh
Ở Huế ít nghe nói đến sông Ô Lâu phổ thông ở miệt Quảng Trị, nhưng ai cũng biết con sông Hương ngàn năm vạn vật, êm đềm đổ vể phá Tam Giang trước khi nhập vào Biển Đông. Bên cạnh là con sông đào An Cựu hiền từ kín đáo (nhưng hết còn nắng đục mưa trong như thường truyền tụng, có cả khúc tắt nghẽn vì rác rưới) chảy ngang trước cung An Định một thời quý phái của bà Từ Cung rồi vể Cầu ngói Thanh Toàn thơ mộng trên mương làng Thanh Thủy ngoài nhưng ngày Festival náo nhiệt tưng bừng. Nhưng không sông nào sánh được với con sông Ô Lâu sống động tràn đầy kỷ niệm chảy quanh làng ngoại mẹ tôi. Tôi đã sống lên ở đấy suốt thời niên thiếu. Lớn lên, du học ngắn ngày ở miền Nam, tôi không có thì giờ thơ thẩn trên các dòng sông con nhuộm mùi cải lương buồn nhớ, về sau tôi chỉ được đem đi dạo quanh kênh lạch uốn lượn trong đồng bằng sông Cửu Long, nhìn cảnh xô bồ của một vùng mạng danh giàu có. Qua Âu châu, qua Pháp, đặc biệt ở Paris thì sông ngòi vô số, cầu bắc qua không sao đếm hêt. Ao hồ cũng không thiếu, thêm vào những công trình xây dựng vui mắt đi lại dễ dàng. Nhưng cùng với sông ngòi, đáng để ý là vừơn tược, phần lớn trước kia phụ thuộc những lâu đài quyền quý, sau Cách Mạng được sửa sang cỏ bón cây trồng thành những công viên tự do ra vào. Vườn thành Sceaux nơi tôi định cư là vùng xanh mát cây cỏ của miền nam Paris, nơi trẻ con mặc sức chạy nhảy, thanh niên vui đùa thể thao, thoải mái đạp xe, các cụ già thong dong dạo chơi trên những lối đi um tùm bóng mát, quanh những bể nước phủ tìm hoa súng, có khi có cả cá đỏ tung tăng phô mình làm mồi cho những chú diệt nhàn hạ. Đẹp một cách khác là có những nhà bác ái dựng lên một không gian ngoài thời đại và thả neo nơi hiện tại, một thôi thúc du lịch, nói như Albert Kahn chủ nhân thửa vườn mang tên ông, hay những nghệ sĩ thu tập cây hoa và sắp đặt theo sở thích của mình vào một ngôi vườn kiểu mẫu có nhiều ảnh hưởng như Nhật Bản theo họa sĩ phái ấn tượng (impresionnisme) Claude Monet, …. Có những họa sĩ như Paul Gauguin không có vườn tược gì nhưng để lại kỷ niệm sống trong một làng chài lưới Pont-Aven giữa những họa sĩ lắm khi phát kiến những lối vẽ khác thường như Emile Bernard (1868-1941) với kỹ thuật phân vách (cloisonnisme), kết đọng một thành phố nhỏ nên thơ có sông lạch róc rách, có hoa sắc muôn màu. Cũng như Vincent Van Gogh, sau những bức tranh lộng lầy huy hoàng, về vườn ở Auvers trên bờ sông Seine trong một trạng thái suy hóa, nhưng được cùng anh Théo chia sé một ngôi mộ trong làng…

Gần đất xa trời, tôi tự thấy mãn nguỵện còn đọc được sách, viết lách, xem hoa, đi dạo tuy chân thấp chân cao trên những lối đi yên tĩnh vườn Xô, mặc sức ôn lại những buổi trưa hè nóng cháy chạy bắn chim trên đường đê Mỹ Xuyên, những lúc chiều tàn êm dịu thơ thẩn trên bờ sông Ô Lâu, nhìn mấy hàng cau soi mình bóng nước, ngắm những đám mây vàng ướm đỏ nền trời xanh Phò Trạch, theo dỏi các ánh lửa ma trơi chập chờn trên cồn Hội Kỳ lúc khuya tối hay các buổi chiều mát mẻ mải mê đua nhau sục tìm những bụi sim tím ngọt bùi trên đồi hoang Phường Mè,…Bây giờ định cư trên phương trờ Tây nầy, tôi không hòng gì sống lại ngoài tưởng tượng những kỷ niệm vui tươi êm đẹp của thời niên thiếu tuy trong khói lửa điêu tàn. Các con cháu tôi sinh sống trên đất Pháp xa Viêt Nam hơn cả hằng ngàn dặm, chắc chúng cũng chẳng mấy có cơ hội tìm lại lối đi của người ông, ông cố hơn 70 năm về trước. Thôi thì tôi xin gởi gắm tâm tư vào cô chắc xinh xắn Maxyne mới lọt lòng, cô hậu duệ trẻ nhất, 1/8 dòng máu Việt, xem như là quà biếu thượng thọ của con cháu. Tôi hi vọng trong một tương lại xa xăm các cháu có dip bước lại những lối đi thời trẻ của người ông, ông cố đã ra đi, tỉm được nơi định cư ổn thỏa. Ra sức học hành, ông đã thành công vượt Biển Đông lại gởi gắm hạnh phúc trên đất Pháp lich sử xa xăm. Pháp vốn là một đất lành, rủi là chiến tranh đem lại đau khổ buồn phiền. Sau kỳ tuổi trẻ thiếu niên năng động truyền bá quốc ngữ, dân quân tự vệ, là thời quân đội viễn chinh càn quét rò tìm bắt bớ đưa lên đò sông Ô Lâu chở về đồn Mỹ Chánh. Khi tôi tỏ tình du học bên phương trời Tây, các bạn tôi khó hiểu lòng dạ của tôi. Mãi đến khi thanh bình trở lại nhiều chục năm sau, tôi mới có dịp trở về quê cũ gặp lại bạn xưa, kể cả những bạn áo Điện Biên chưa phai mùi chinh chiến, hàn huyên tâm tình, rạo rực trước dòng sông Ô Lâu muôn thuở, không quên thực hiện mọi động tác để nói lên tình yêu quê hương của mình. Cuốn sách Tình nghĩa sông nước này cũng như cuốn trước Gửi thương về Huế của tôi không nằm ngoài mục đích gởi gắm tình thương nổi nhớ về cây rau ngọn cỏ, mây trời thanh tịnh, đàn chìm ríu rít, dòng nước thanh bình nhưng bất khuất không bao giờ xa lánh tim tôi.

Anh đưa em về thăm thôn Mỹ,
Ngắm hàng cau soi bóng Ô Lâu.
Viếng Bến Đình gốc đa Nghĩa Trủng,
Lên Phường Trung nhẹ bước qua cầu…
Nhớ thôn Mỹ (1993)

    [ trang trước ]  /    [ trang sau]