Chùa Bảo Quốc 
trên đồi Hàm Long

Bài và ảnh (*) Võ Quang Yến

Chùa Hàm Long thơm trong giếng cấm,
Diêm tiêu nào ngăn được nước trong
Ca dao

Thiền sư Giác Phong
Huế, có tiềng nhất và luôn được khách du lịch lại viếng là Thiên Mụ tự tức chùa Thiên Mụ (**) chính thức khởi lập năm Tân Sửu 1621. Nếu chùa nầy tọa lạc trên đồi Hà Khê thì một ngôi chùa khác ở Huế cũng được khai sơn cuối thê kỷ XVII trên đồi Hàm Long, lúc trước thuộc làng Thụy Lôi, gần xóm Lịch Đợi, ít được biết hơn: chùa Bảo Quốc. Chùa được xây dựng ngay trong thành phố, cạnh sông An Cựu và đường Điện Biên Phủ dẫn lên đàn Nam Giao, không xa nhà ga Huế bao lăm. Không tọa lạc ngay sát đường nên ít bị xe cộ ồn ào, chùa thụt lùi về đàng sau đường nhường chỗ cho một thang cấp hơn 20 bậc đưa lên cổng Tam Quan như để ngăn chận bụi trần của chốn đô thị. Tôi đã lên chùa hồi nhỏ nhưng đến sau nầy, cách đây ba mươi năm, nhân về thăm quê, mới được một anh bạn giáo sư dẫn vào viếng lại chùa. Thích thú là có năm chú tiểu (ở Huế gọi là điệu) vui vẻ chuyện trò thân thích trên cao bậc thang, trước cửa Tam Quan. Các chú làm tôi liển tưởng đế các tiểu nắm tay nhau thong dong dạo chơi buổi trưa trên các nẻo đường vườn chùa Vat Xieng Thong ở Luang Prabang hay các chùa Songwangsa ở Nam Hàn năng nổ nhưng lễ phép nhỏ nhẹ mới khách ra về lúc cuối chiều để khỏi phá rầy các thầy đã bắt đầu nhập thiền. Các chú điệu thỏai mái tiếp đón chúng tôi như người trong chùa, cả hai chúng tôi đều sử dụng giọng Huế đặc sệt quen thuộc. Ba mươi năm qua, nay chắc các chú đã trở thành những thiền sư kiên tín ở một thiền viện nào…


Cổng Tam Quan

Người sáng lập chùa được biết là Thiền sư Giác Phong quê Quảng Đông, Trung Quốc, nhưng còn thiếu tiểu sử cùng địa lý nơi dựng chùa. Hồi ấy đây là những dảy núi hoang vu, rừng rậm cây ngàn, có gặp chăng là vài tiều phu của những người bản dịa : Tà Ôi, Vân Kiều hay Cô Tu, Chăm Pa. Các chúa Nguyễn là những người Kinh vào đây khai phá, cái gì cũng mới nên phải đặt tên : đèo núi, hói đồi, sông ngỏi, thôn làng. Dãy núi nơi đặt chân Thiền sư có thân hay đầu tựa một con rồng nên được đặt tên Hoàng Long Sơn. Tương tự, sau nầy, đồi chùa Trúc Lâm ở Villebon (Pháp) cũng được thầy Thiên Châu đặt tên Hoàng Vân Sơn tự. Năm 1747, chùa được gọi Bảo Quốc khi nhà sư Hữu Phi làm trù trì. Trong thời kỳ Tây Sơn (1778-1802), như chùa Thiên Mụ, chùa bị chiếm làm kho vũ khí hay chuồng nuôi ngựa nên thất sủng. Năm 1808 để báo hiếu mẹ là Hiếu Khương Hoàng Thái Hậu, vua Gia Long (1762-1820) trùng tu chùa, xây Tam Quan và đúc Đại Hồng Chung (836 cân). Vua thay tên chùa là Thiên Thọ Tự, cử nhà sư Bảo Ninh làm trù trì, nhưng về sau vì lăng Gia Long gọi là Thiên Thọ Lăng nên vua Minh Mạng đổi lại tên Bảo Quốc như cũ. Vua Minh Mạng (1820-1840) trùng tu chùa vào năm 1824 và vua Tự Đức (1848-1883) góp phần tôn tạo năm 1858. Tên Hàm Long Sơn không chỉ vì thân mà, còn đầu núi đều có hình rồng. Tuy nhiên, theo Đại Nam nhất thống chí, tên nầy xuất xứ từ cái giếng cổ ở phía bắc chùa gọi là giếng Hàm Long. Hiện chùa còn giữ một tác phẩm của Phó Bảng Trần Văn Thọ tức Điềm Tịnh cư sĩ mang tên Hàm Long Sơn chí bằng chữ Hán ghi lại lịch sử không phải dãy núi mà là cuộc phát triển Phật giáo Thuận Hóa. Nước giếng ngọt thơm và dân gian tin dưới đáy giếng có phiến đá hình miệng rồng và nước trong mát được phun ra từ cái miệng rồng đó. Nước rất tinh khiết chỉ dành cho vua được dùng nên còn có tên gọi Giếng Cấm. Ngày nay nước giếng không biết cỏn trong mát tinh khiết như xưa và bất cứ ai trong dân gian cũng lại múc uống được, dù sao nước đã được truyền tụng

Nước Hàm Long đã trong lại ngọt
Em thương anh rày có bụt chứng tri.

Khu tháp

Hiện nay niên đại khai sơn thảo am Bảo Quốc chưa được xác định. Con số 1680 có thể đưa ra để giới hạn năm thảo am xuất hiện. Đây là năm Tổ sư Liễu Quán (1667-1742) từ Phú Yên theo thuyền buôn ra Huế xin thụ giáo Thiền sư Giác Phong. Còn một tài liệu do chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1675 -1725) phê duyệt, đề niên hiệu Chính Hòa năm thứ 15 tức năm 1694, phát đất cho hai thiền sư Nguyên Thiều và Giác Phong để xây tháp Phồ Đồng tại chùa Quốc Ân. Tài liệu nầy hiện giữ tại chùa Quốc Ân, chứng minh hoạt động Phật sự của Thiền sư Giác Phong tại Thuận Hóa. Không biết được ngày tháng chính xác, thảo am được suy đoán xây dựng trong khoảng thời gian các năm 1680-1694. Trái lại, niên đại được biết rõ ràng là Thiền sư viên tịch một ngày mùa đông năm Vĩnh Thịnh thứ 10 tức năm 1714, theo bia tháp trong vườn chùa Bảo Quốc, lúc Minh Vương đang bận bịu trùng tu mở rộng chừa Thiên Mụ. Tháp Ngài cất từ 1714, cao 3m30, với những tầng xây gần sát nhau tương tự các tháp Trung Quốc. Trên bia tháp ghi Tào Động nguyên lưu khai sơn Hàm Long Thiên Thọ Tự, húy Pháp Hàm, hiệu Giác Phong, Tổ sư bảo tháp. Tuy nhiên, Theo cha Cadière viết trong báo BAVH 1928 thì một bia khác không ghi cùng ngày tháng Vĩnh Thịnh thập niên, thập nhị nguyệt, nhị thập nhị nhật lập. Viên thọ Tì kheo giới, húy Pháp Hàm Giác công Thiền sư chi tháp. Phụng tự Pháp trí đệ tử chúng đẳng. Ngày 22 tháng chạp năm Vĩnh Thịnh thứ 19 ứng với ngày 27.01.1715. Sau nầy, năm 1962, Giáo hội Tăng già Trung Việt muốn đưa xá lợi Ngài vào nhập ở Đại tháp Niết Bàn, nhưng vì gặp được cả một bình tro xá lợi, nên không đem nhập tháp nữa, mà lại tôn trí thờ ở tầng trên cao chính giữa bàn thờ Tổ phía hậu điện. Bình tro xá lợi thâu được sau khi làm lễ trà tỳ, là một biểu lộ kính cẩn đối với vị Đạo sư đắc đạo, cũng là một di sản quí báu của Phật giáo Huế.


Phật học đường

Ba mươi năm sau Minh Vương, vào năm Đinh Mão (1747), Hiếu Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) đã cho mở rộng ngôi chùa Tổ và long trọng ban tên chùa với tấm biển khắc mấy chữ do chính tay chúa viết Sắc tứ Bảo Quốc Tự; bên mặt có dòng chữ Quốc vương Từ Tế Đạo nhân ngự đề, bên trái có dòng lạc khoản Cảnh Hưng bát niên hạ ngũ nguyệt cát nhật. Suốt thời Nguyễn chùa được trùng tu nhiều lần. Năm 1808, Hoàng hậu Hiếu Khương cho tái thiết ngôi chùa, xây Tam Quan, đúc Đại Hồng Chung, Bảo Khánh,… và đổi tên thành chùa Thiên Thọ, cử Thiền sư Phổ Tịnh làm trù trì. Năm 1824, vua Minh Mạng ngự viếng chùa và lấy lại tên Bảo Quốc Tự. Nhân lễ tứ tuần khánh thọ năm 1830, tăng ni khắp mọi miền trong vương quốc tụ hội về chùa Bảo Quốc làm giới đàn để chọn tăng ni có phẩm hạnh. Những năm sau đó, không được trùng tu, chùa bị hư hỏng nhiều. Năm 1858, vua Tự Đức và Hoàng Thái Hậu Từ Dũ ban tiền sửa sang lại chùa, đặt biệt chính điện. Tương tự như đời Tự Ðức, thời Thành Thái tổ chức nhiều đại lễ ở chùa, vào những dịp này tăng ni từ các nơi hội về nghe các danh tăng giảng pháp, trong số đó có sư Diệu Giác. Năm 1895 sư nữ thọ 90 tuổi, triệu vời môn đồ lại giảng pháp lần cuối rồi hóa (chuyển qua kiếp sống khác). Hoà thượng Tâm Truyền, rồi sau đó Hoà thượng Tâm Khoan nối pháp trụ trì. Năm1897 (Thành Thái IX) chùa nhận 5 bảo tháp chứa di cốt chư Tổ từ chùa Từ Đàm dởi qua. Vào những năm 1930, trong phong trào chấn hưng Phật Giáo, chùa đóng góp nhiều về mặt tăng tài cho Phật Giáo. Năm 1935 chùa mở Trường sơ đẳng Phật học. năm 1940 Trường Cao đẳng Phật học. Ngày nay, chùa trở thành một Trung tâm đào tạo Tăng Ni cho Huế, cho miền Trung. Năm 1957, Giáo hội Tăng già Thừa Thiên và ban quản trị chùa tổ chức đại trùng tu chùa. Hòa thượng Thích Trí Thủ, trù trì chùa, cũng là Giám đốc Phật học đường, đã đóng góp to lớn về việc tái thiết tổ đình trang nghiêm đậm nét kiến trúc cổ kính, đồng thời về việc tổ chức Phật giáo nói chung. Nay trù trì chùa là Hòa thượng Thích Đức Thanh.



Trang trí chùa

Để vào chùa, sau các thang đá nhiều bậc là cổng Tam Quan, xây dựng năm 1873. Mặt ngoài, ngoài những chữ Phạn, có biển đề Sắc Từ Bảo Quốc Tự, bia lớn cỡ 1m. Săp đặt không cân đối, các tháp ở mặt phía đông có các dòng chữ ghi pháp danh và phẩm vị. Khoảng sân trước chùa có tường thấp bao quanh, bình phong thanh nhã, đắp nổi hoa sen và ba chữ Phúc, Lộc, Thọ, khảm mảnh sứ men lam.. Cuối gian bên mặt trên Đại Hồng Chung có minh ghi chuông được đúc theo lệnh của Hoàng Thái Hậu. Ở giữa chính điện là một bàn thờ lớn, trên cùng là bộ tượng Tam Thế Phật kiểu Ấn Độ, có mái tóc xoắn. Bên cạnh có tượng nhỏ Phật Đản Sinh thếp vàng trong tư thế thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Trên tầng thờ này còn an vị bức tượng Di Lặc quen thuộc với cái bụng to, tượng Quán Thế Âm cứu khổ, lo cứu độ người quá vãng, tượng Địa Tạng che chở cho những vong linh đang cận tử và tương Phật Thị Kính bảo vệ trẻ nhỏ. Tầng thứ hai an vị tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, vị vua trời của Ðạo giáo, đội mão Bình Thiên, xung quanh có các vị thần hộ pháp xua đuổi tà ma và thần hộ phật cứu độ các cô hồn, Nam Tào và Bắc Đẩu. Còn có các vị thần quen thuộc như Thổ Công (thần đất), Ông Táo (thần bếp), Thành Hoàng (thần làng), Thần Nông lo việc nông tang, Tỉnh Tuyền Long Vương (vua rồng suối giếng). Tầng bên dưới nữa, an trang trọng một thần vị sơn son, phủ vải vàng, cung hiến cho vị vua đương triều. Cũng trong gian thờ này tựa hai bên tường kê phụ thêm những bàn thờ nhỏ, từ phải qua trái thấy có Thập Bát La Hán, Thập Ðiện Diêm Vương, Bà Thiên Mẫu, Quan Công, Bà Chuẩn Đề.


Sách vở vườn chùa

Phía sau chính điện có một bàn thờ dành cho Hoàng Thái Hậu Hiếu Khương, mẹ của vua Gia Long, đại ân nhân của chùa. Có nhiều bàn thờ dành cho các vị sư, có những bài vị màu đỏ khảm các họa tiết vàng, ghi tên các vị hòa thượng và trụ trì nhiều công đức nhất mà chùa rất làm vinh hạnh. Ngoài 5 món tự khí, bình hoa, bát nhang và chân đèn; người ta nhận thấy còn treo bên bàn thờ những vật dụng của các vị sư quá cố : gậy tích trượng ở đầu có gắn 12 vòng khoen móc vào nhau, nghi trượng của các chủ sám khi hành lễ, phù phất phủi sạch mọi thứ bụi trần ố, chuỗi hạt kim cang để không còn lưu luyến đến sự việc nơi trần thế, túi lụa đựng bằng khoán của ngôi chùa, danh sách truyền thừa của các vị sư. Ngoài ra, chùa còn có hai gian phòng rộng dùng làm tăng phòng, một gian khác có đầy đỉ bàn ghế dùng làm nhà khách; bên phải có nhà thọ trai, nhà trù (nhà bếp) và các công trình phụ khác. Trong nhà hội (phòng học cho tăng sinh), người ta an một bàn thờ nhỏ dành cho những phật tử không con nối dõi; các bài vị riêng của từng vong được an thờ ở đây ba năm, sau thời gian này đem đi thiêu hóa và tên của vong được ghi vào bài vị chung an thờ ở một phòng khác. Trong gian phòng này cũng có tên những vị sư quá cố nhưng không có danh phẩm cao. Hiện nay tăng viện chùa Bảo Quốc gồm một trụ trì, sáu sư và chú tiểu. Chúng tôi được hân hạnh được đem vào viếng Trường một buổi sáng. Các tăng ni màu áo khác nhau, ngồi nghiêm nghị sau những bàn nhỏ không khác gì những học trò trường cũ năm xưa, cảnh tượng làm tôi nhớ lại cả một thời kỳ thơ ấu. Đến giờ giải trí, không thấy chạy ồn ào ra ngoài, đá banh rộn rịp trong sân trường nhưng đứng chụm ba chụm bảy chuyện trò huyên náo. Các sư nữ tươi cười đàm đạo như những nữ sinh Đồng Khánh, không xen lẫn với các sư nam, thật ra họ cũng là các cô gái Huế, khác chăng là màu sắc các bộ áo, tâm tư không nổi bật ra ngoài. Khắp vườn, ở khu các lăng mộ, yên tĩnh là thường, không một lời hát, không một trận cười. Các cô, bất tất phải là nhà tu hành, tìm chỗ mát mẻ ngồi đọc sách hay học bài. Âu cũng là một mục đích bất ngờ, không tính trước của các thiền sư và các vị kiến trúc sư.

Chùa này nghe có vết xe tiên
Cảnh sắc như xưa tợ ảo huyền...
Thành Xô xuân 2019

(*) Ảnh chụp những năm 1998, 1999 sao từ dương bản

(**) Võ Quang Yến, Ngôi chùa Thiên Mụ quê tôi , Chim Việt Cành Nam, chimviet.free.fr 43 01.06.2011

Ðọc thêm

-J.A.Laborde, Chùa Bảo Quốc, Bulletin des Amis du Vieux Húe, 4ème Année, 3 7-9 1917 Việt dịch Ðức Chính

-Hà Xuân Liêm, Những ngôi chùa Huế, nxb Thuận Hóa, 2000

-Nguyên Nguyên, Chùa Bảo Quốc, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán lieuquanhue.vn 16.05.2009

-Thích Hoằng Trí, Bước đầu khảo cứu tác phẩm Hàm Long sơn chí, Tạp chí Hán Nôm (117) 2013, hannom.org.vn 27.12.2014

- An Nhiên, Chùa Bảo Quốc Huế, taman.tv 12.05.2015