Răng
đen ai nhớ cho mình
Để
duyên mình thắm, để tình ra say
Ca
dao
Bác
sĩ Hocquard kể chuyện vào cuối thế kỷ 19, một vị quan ta
được mời dự một dạ hội tại dinh Thống sứ Pháp ở
Sài Gòn. Thấy vị quan mãi ngắm quan khách khiêu vũ, một sĩ
quan Pháp lại thì thầm hỏi ý kiến ông ta về các phụ nữ
Pháp. Vị quan thành thật trả lời: "Các bà đẹp lắm, có
điều răng các bà giống như răng chó!" (1). Ý ông
muốn nói răng các bà quá trắng. Lẽ tất nhiên, viên sĩ quan
Pháp rất ngạc nhiên nhưng ông ta không hiểu đuợc một người
Việt hồi đó không thể hình dung một người đẹp mà không
có hàm răng đen lánh đã được hằng bao thế hệ văn, thi,
họa sĩ ca tụng.
Nhớ
hàng tre thẳng đọt măng
Nhớ
cô con gái hàm răng đen huyền
Phong
tục nhuộm răng, xâm mình khởi đầu từ thuở thượng cổ
xa xăm, truyền thuyết đặt vào thời đại Hùng Vương. Nếu
thói xăm mình về sau được bỏ, tục nhuộm răng thành công
tồn tại qua nhiều thời buổi, ngay cả lúc quân đô hộ Trung
Quốc bắt dân ta bãi bỏ. Nhưng tục nhuộm răng cũng như tục
búi tóc không chống cự lại đuợc ảnh hưởng Tây phương
và chỉ hơn một nữa thế kỷ là dần dần các cụ chịu
cắt tóc, các bà cạo răng trắng (3a). Nghe nói những
cô giáo là những người đầu tiên không muốn giữ răng đen
nữa nên phải sáng đi sớm, chiều về muộn, luôn phải tìm
cách lẫn tránh cha mẹ còn cho đàn bà con gái có răng trắng
là không đứng đắn. Khiếu thẩm mỹ của một nhà tân học
như Phạm Quỳnh cũng còn huớng về răng đen. Ông ghi trong
nhật ký trong chuyến sang Pháp năm 1909: "Người Tây bình phẩm
đàn bà An Nam có thói nhuộm răng đen thường nói rằng: Trông
miệng người đàn bà An Nam tối om như cái hố sâu. Người
Tây có lẽ lấy thế làm xấu thật, nhưng ta lại cho thế
là đẹp. Có cô con gái nào nhuộm răng khéo, đen nhánh như
hạt huyền, thì tựa hồ như có duyên thêm lên. Tôi xin thú
thật rằng, tôi không thể trông được một người đàn bà
An Nam để răng trắng, dẫu đẹp mười mươi mà xem bộ răng
đủ chán ngắt rồi. Vì người đẹp là người nào ? Là
một người hệt với hình ảnh một ý trung nhân của mình.
Kẻ ý trung nhân của người An Nam ta là một người đàn bà
da trắng, tóc dài, hình dáng yểu điệu… mà phải có bộ
răng đen nhay nháy mới được. Nếu răng trắng thì hỏng toẹt,
không hệt với người trong mộng nữa" (3b). May mà
các bác lính thợ tùng chinh sang Mẫu quốc còn giữ răng đen.
Nghe nói lính ta nhỏ con, thường bị quân Maroc, Sénégal cao
to hành hung, áp bức. Một sĩ quan Pháp, để tránh lôi thôi,
phiền nhiễu, bèn phao tin đồn mà ông bịa đặt: những người
có răng đen ăn thịt người! Từ đấy lính thợ ta được
yên thân…
Tôi
còn nhớ hồi nhỏ, mỗi khi mẹ tôi hay chị tôi nhuộm răng
là cả nhà rộn rịp vì các bà tự nhuộm lấy, không qua tay
các thầy nhuộm như ở các gia đình quan lại, ông hoàng bà
chúa, cung tần mỹ nữ,… Những người ngoại quốc, ngay cả
bây giờ, thường tin ăn trầu thì có răng đen. Họ không dè
muốn có hàm răng đen đẹp phải mất biết bao công phu, chịu
đựng, chuẩn bị kỹ càng, chế biến chất thuốc, kiên nhẫn
nhuộm răng rồi sau đó còn phải săn sóc, bảo dưỡng cho
lớp sơn luôn được láng bóng. Nhuộm răng cũng như sơn mài,
trước cần phải có một mặt nền sạch sẽ. Thường trong
luôn hai, ba ngày, các bà phải đánh răng, xỉa răng với vỏ
cau khô hay than bột trộn với muối sống hầm chín, nhai chanh
lát, rồi súc miệng với rượu trắng pha nước chanh. Các
bà không biết nhưng từng trải qua kinh nghiệm, đã tìm ra
trong chanh citric acid là một acid nhẹ có khả năng đánh gỉ,
chùi sạch men răng. Tuy nhẹ, acid cũng tác dụng ít nhiều lên
môi, lưỡi, nếu răng,…gây nhức đau tưởng như hai hàm răng
lung lay, rụng được. Trong giai đoạn chuẩn bị nầy cũng
như các giai đoạn sau, các bà không được nhai đồ ăn dai,
cứng như thịt mà phải nuốt trửng cho nên thường người
ta cho ăn bún trộn mỡ heo hay ăn cháo và trái chua, uống nước
nóng.
Kỹ
thuật nhuộm răng nhiều đợt
Nhuộm
răng có nhiều phương pháp, tùy theo từng vùng. Ở miền Trung,
nhất là ở Huế, nơi có nhiều vua chúa, quan lại, ăn chơi
lịch sự, liều thuốc rất nhiều, lắm khi gia truyền cần
giữ bí mật (2). Nói giản tiện, thường răng đuợc
nhuộm làm hai đợt. Đợt đầu xem như là lớp sơn lót, nhuộm
với một hỗn hợp cánh kiến, nước chanh vắt, rượu trắng,
cho nấu thành hồ, phết lên lá chuối hay lá dừa, lá cau,
có khi lên vải thô hay lụa, rồi cho áp vào răng, nhiều lần
trong một đêm, cho đến lúc răng nhuốm màu cánh gián, giữa
đỏ và nâu đậm như màu cánh con gián. Sáng hôm sau phải
cẩn thận lột lá hay vải ra, súc miệng với nước mắm hảo
hạng hay nước dưa chua để loại trừ mọi căn bả. Bây giờ
có thể qua đợt thứ nhì, nhuộm với một hỗn hợp hắc
phàn, thanh phàn, bầu bí, lựu bì, quế chỉ, đại hồi, đinh
hương được nấu nóng, trộn với gạo nếp và rượu trắng
rồi cũng cho áp lên răng nhiều lần, nhiều ngày cho đến
lúc răng trở thành đen huyền. Lần nầy cũng lại phải súc
miệng kỹ càng như sau đợt đầu để thải bỏ chất nhuộm
dư thừa. Và sau nhiều ngày phải tránh nhai nhiều, nhai mạnh
để khỏi làm tróc lớp sơn đang còn non, mềm.
Răng
nhuộm xong còn cần phải chiếc để củng cố lớp sơn.
Thường người ta dùng một lớp nhựa chảy ra từ một sọ
dừa đốt cháy đặt trên một cái rựa sắt, đem bôi thành
một lớp lên trên răng. Ở Huế, hai liều thuốc xỉa
có tiếng để chiếc là cố xỉ tán và cố
xỉ cao (2).
Cố xí tán gồm có thanh phàn,
hắc phàn, ngũ bội, cam thảo, bình lang, tế tân, bạch chỉ,
tam lăng, nhũ hương, nghiền thành bột rồi dùng que tăm đập
nát một đầu để tô lên răng. Cố xí cao gồm có những
chất vừa kể, thêm vào sinh địa, tật lê, cánh kiến, một
dược, đương qui nấu trong nước sôi, cô lại thành cao trước
khi dùng. Hắc phàn, thanh phàn là những sulfat sắt và đồng
có nhiệm vụ ổn định chất sơn. Bầu bí hay ngũ bội, (hay
ngũ bội tử, là túi con sâu Schlechtendalia sinensis Bell
trên cây muối hay diêm phu mộc Rhus semialata Murray), lựu
bì (tức là vỏ cây Punica granatum L. đem lại tannin có
tính chất làm xẩm màu lá hái như chè, thuốc lá, cà phê,
chống oxi nên bảo quản gỗ được lâu ngày và nhất là tác
dụng lên da, gây tê, cầm máu, giải độc, kháng sinh). Còn
những chất quế chi (cây Cinnamomum loureirii Nees hay C.
zeylanicum Nees, chữa cảm mạo, tê mỏi), đinh hương (cây
Syzygium aromaticum
(L.) Merr. et Perry., chữa cam răng, đau bụng),
cam thảo (thân rễ cây Glycyrrhiza uralensis Fish. hay G.
glabra L., chữa ho hen, loét dạ dày), bình lang (trái cây
cau Areca catechu L., chữa giun sán, viêm ruột lỵ), tế
tân (cây Asarum sieboldii
Miq., chữa đau răng, cảm lạnh),
bạch chỉ (rễ cây Angelica dahurica
Benth. et Hook., chữa
lở mồm, hôi miệng), nhũ hương (nhựa cây Pisticia lenticus
L., chữa đau sưng, tiêu nhọt), sinh địa (thân rễ cây
Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Lobosh, chữa đau răng, chóng
mặt, ho khan, bệnh lao), tật lê (trái cây Tribulus terrestris
L., chữa đau mắt, kinh nguyệt không đều), một dược
(nhựa cây Commiphora momol Engler, thuốc điều kinh, giảm
đau, tiêu thủy), đương qui (cây Angelica sinensis (Oliv.)
Diels, chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược), đại hồi (trái
cây Illicium verum Hook., thuốc trung tiện, giúp tiêu hóa),
ngoài tính chất dược liệu, là những chất thơm cống hiến
hương vị cho liều thuốc nhuộm. Được bảo vệ cẩn thận,
răng nhuộm có thể tồn tại mươi, hai mươi năm, màu đen
huyền luôn lóng lánh giữa hai đôi môi, không thì những lớp
sơn tróc ra, những vết vàng lạt hiện lên răng gọi là răng
cải mả, phải nhuộm lại. Trái lại, từ răng đen muốn
trở lại trắng cũng không phải dễ vì những phương pháp
dùng acid mạnh hay mài răng đều không thích hợp, có thể
làm hư răng.
Ngày
nay người trẻ tuổi khó lòng cảm xúc trước một nụ cười
với hai hàm răng đen. Nhưng nhuộm răng không phải chỉ là
một vấn đề mỹ quan mà còn có một lý do thực dụng :
từ lâu người ta đã nhận thấy răng nhuộm đen ít bị sâu
răng. Vì vậy có vài luận án nha y quan tâm đến đề tài
nhuộm răng. Ngoài công trình của bác sĩ Vũ Ngọc Huỳnh ở
Hà Nội (4), trong số những luận án tồn trữ ở
Trường Đại học Nha y Paris, phần lớn các tác giả cốt
yếu chú trọng đến phong cách, tập quán nhuộm răng (7).
Hai bác sĩ Phùng Thị Cúc (sau nầy trở thành nhà điêu khắc
có tiếng Điềm Phùng Thị) và phu quân Bửu Điềm (thầy cũ
Anh văn của tôi ở Trường Trung học Khải Định) (cả hai
đều đã mất) thì dựa lên công tác của nhóm Nguyễn Dương
Hồng ở Hà Nội để đề nghị dùng nhựa sơn trong việc
phòng ngừa bệnh sâu răng (5). Nhưng đi sâu vào khoa
học nhiều nhất có lẽ là luận án của bác sĩ Trần Văn
Phú, dùng nhựa sơn để lấp bít những khoảng trống tí hon
trong răng (6). Thì ra, ông cha ta xử lý rất khoa học.
Trước hết, như đã thấy, muốn thuốc dính chặt vào men
răng, cần phải gây một mặt răng sần sùi. Vì men răng không
xốp, một dung dịch acid yếu như citric acid trong chanh đủ
để mài mà không đào những lỗ quá sâu làm hư men răng.
Bên phần nhựa sơn cũng cần một trạng thái dễ trải với
những hột sơn kích thước hiển vi có thể lọt vào bất
cứ khoảng trống ở nào. Với một đường kính 17-20 angstrom,
hột sơn nhỏ hơn một con trùng như streptocoque đến 250-500
lần, dễ dàng trám hết mọi lỗ hết còn chỗ cho vi trùng.
Bọ
cái phát tiết sáp nhựa
Từ
lâu người ra đã biết cây sơn Rhus vernicifera sp. hay
R. succedana
L., thuộc họ Xoài Anacardiaceae, có nhựa
nhưng không dùng được trong miệng vì chất laccol rất độc.
Nhựa trong thuốc nhuộm răng được lấy ra từ một côn trùng
cánh nửa
hemiptere
tí hon (0,60-0,70mm) sống ký sinh từng
tập đoàn từ 80-100 con (ở Việt Nam trung bình 170 con) trên
thân, cành nhiều loại cây ở Đông Nam Á. Con sâu nầy tùy
tác giả được gọi Tachardia lacca R. Bld., Carteria lacca
Sign. hay Coccus laccae Kerr, trước khi mang tên thông
dụng ngày nay Laccifer lacca Kerr, thuộc họ Sâu cánh kiến
Lacciferidae Cockerell.
Tachardia, Carteria từ Tachard
(1709), Carter (1861) là tên những nhà khoa học đã khảo cứu
và miêu tả nhựa sâu như Kerr (1781), Roxbary (1796). Lacci nguồn
gốc từ tiếng Ấn Độ lakh hay Phạn tự laksha nghĩa
là trăm ngàn vì số lượng sâu trên cây nhiều vô kể, từ
đấy phát xuất những danh từ Âu Mỹ lak, lac, laque.
Sâu
chọn làm giống được buộc vào cây, có thể cho vào sọt
tre nhỏ hay túi lưới rồi mắc lên cành, ở chỗ phân nhánh
để sâu bò sang nhiều cành. Sâu hút nhựa cây mà sống, trưởng
thành lớn lên thành bọ mới phân hóa đực, cái. Cả hai loại
(hai phần ba là cái) cùng nhau làm tổ trong vỏ cành cây, tổ
loại đực hình thoi, mỏng và nhỏ, tổ loại cái hình tròn,
lớn hơn. Bọ đực thoát xác, mọc chân, mọc cánh, có thể
di động được để đến với bọ cái. Trong lúc đó bọ
cái nằm yên trong tổ, chỉ lòi bộ phận sinh dục ra ngoài
để giao cấu. Làm xong nhiệm vụ, bọ đực kiệt lức chết
đi, hy sinh cho giống nòi. Bọ cái có chửa, phồng lớn, cho
phát tiết sắc tố và và sáp, nhựa để nuôi nấng và bảo
vệ bầy con sắp đẻ. Mỗi bọ cái có thể mang đến một
ngàn trứng (ở Việt Nam, trung bình từ ba đến bốn trăm trứng)
hình bầu dục nhỏ, dài, chen lấn trong một túi dung dịch
nhuộm màu đỏ son rất đẹp. Ấu trùng từ trứng nở ra,
ăn sắc tố mà lớn lên làm dung dịch đặc lại, khô dần.
Oái ăm thay, sâu càng trưởng thành thì tổ mẹ càng chật
ra, bọ cái dần dần bị ngạt chết, cũng hy sinh cho giống
nòi như bọ đực, sâu con không chịu đựng được nữa, luồng
qua xác mẹ để thoát ra ngoài, bắt đầu một chu kỳ khác.
Mỗi năm có hai chu kỳ. Những bọ đực mùa đông nhờ có
cánh có thể bay qua thụ tinh những bọ cái ở các cành xa.
Theo nguyên tắc, mỗi năm có thể lấy nhựa hai lần, song ở
Việt Nam vì khí hậu ít ôn hoà nên chỉ thực hiện được
một lần. Ở Mộc Châu, thả 5kg giống trên cây vải, nhựa
thu hoạch được là 200 kg. Còn sắc tố cấu tạo trong tổ
cho sâu con có thể thu hoạch cùng lúc với nhựa, nhiều khi
trước khi trứng nở nhưng như vậy thì mất đi một lứa
sâu mới (ĐTL).
Bản
chất của các cây trú sâu có ảnh huởng rất lớn lên nhựa
sơn. Chúng phải mọc ở những vùng không quá nóng, không quá
lạnh, cần ẩm ướt nhưng đừng mưa quá nhiều. Ấn Độ
là nước sản xuất nhựa nhiều nhất trên thế giới, khoảng
50.000 tấn mỗi năm, xuất cảng qua Hoa Kỳ, Nam Dương, Gia Nã
Đại, Đức, Nhật, Pháp, Nga,… Bên nước ấy, nhựa sơn
hảo hạng được lấy từ những cây kusum Schleichera trijuga
Willd., dhak Butea frondosa Roxb., arhar Cajanus indicus
Sprengl hay C. cajan
(L.) Mills. Ở Việt Nam, cây trú sâu
mọc trong khoảng cao độ 400-700m. Ta cũng có cây kusum gọi
là dầu trường hay cọ phèn (lúc trước dầu dùng để gội
dầu, nhân hạnh thế đào lạc trong bánh trái), cây dhak gọi
là giêng giêng (vỏ cây tán với gừng để đắp lên vết
rắn hay bò cạp cắn), cây arhar gọi là cây đậu thiều hay
đậu săng (cây thường được dùng để chữa đau xương mỏi
chắc). Ngoài ra sâu nhựa cũng an bám trên các cây chưng bầu
Combretum quadrangulare
Kurz (trái và vỏ cây được dùng
làm thuốc trừ giun), dầu dầu Schleichera oleosa (Lour.)
Oken., bồ đề Ficus religiosa L., sen cát
Shorea cochinchinensis
Pierre, lá ngón
Pterocarya tonkinensis
Dode, ba chế Desmodium
cephalotes Wall., hay một số cây ăn quả như vải Litchi
sinensis Radk., táo Ziziphus mauritiana
Lamk., nhãn Euphoria
longan (Lour.) Steud.,… Nhựa sơn bên ta tùy theo địa phương
được gọi cánh kiến (hay cánh kiến đỏ), cành kiến, kiền
kiến,… nên có sự ngộ nhận : có người cho là cánh con
kiến, có người hiểu là cành cây kiến, có người lại tưởng
là thân con sâu kiền kiến hay kiến vương,....
Thành
phần cấu tạo nhựa sơn
Ngày
nay trên thị trường người ta phân biệt ba loại nhựa sơn:
nhựa thô lấy từ thân, cành cây ra còn chứa tạp chất như
vỏ cây, lá cây, sâu non, xác bọ, đậm màu, gọi là sticklac
tức là nhựa thỏi. Dùng nước chiết xuất để đào thải
sắc tố, đem phơi khô, giã nát rồi rửa lọc các tạp chất
thì được nhựa màu đỏ vàng, còn chứa chút ít sáp, gọi
là seedlac tức là nhựa hột. Lại tiếp tục rửa nước, làm
ròng, lọc sạch, có khi tẩy trắng với một dung dịch alcali
hypochlorit
(11) thì nhựa tinh khiết màu vàng lạt mang
tên shellac tức là nhựa vẩy. Làm lớp sơn lót trong giai đoạn
nhuộm thứ nhất, nhựa sơn đóng vai trò chủ chốt vì trực
tiếp kết dính men răng. Tuy được chú ý từ những thế kỷ
18, 19, nhựa sơn chỉ bắt đầu được khảo cứu tường tận
từ đầu thế kỷ 20 rồi bật tung vào những thập niên 70,
80. Chính vào những năm nầy mà nảy nở những luận án nha
y đề cập đến vấn đề dùng nhựa sơn để nhuộm răng
(4-7)
.
Khi
khảo sát seedlac của cây palas, nhóm Mhaskar-Sukh Dev (18)
dùng ethanol pha nước khử sáp rồi lấy ether làm kết tủa
"nhựa cứng" tách nó ra khỏi phần "nhựa mềm". Phần "nhựa
cứng" còn gọi "nhựa ròng", chiếm 70% tổng số nhựa cây,
được đem phân tích qua các phương pháp sắc ký lớp mỏng
và giấy (18de). 12 acid đã được xác định (18d)
: butolic (14b,18b,20) , aleuritic (12ab,13,18b),
jalaric (18ab), shellolic
(10,12a,24), epishellolic
(18ab,24a), laksholic (18b), epilaksholic
(18b),
laccijalaric (18c), laccishellolic
(18c), epilaccishellolic
(18c), laccilaksholic (18d) và epilaccilaksholic
(18d) acid cùng 18 amin acid (22). Nếu những
tên shellolic, lacksholic, laccishellolic, laccilaksholic acid dĩ nhiên
từ shellac, lakh mà ra, những tên butolic, jalaric acid lấy gốc
từ những tên cây trú sâu Butea monosperma Lamk., jalari
Shorea talura Roxb. Hai aleuric và butolic acid là những phân
tử dài, mở, những acid khác đều là những dẫn xuất của
một vòng terpen. Bên cạnh các acid nầy, nhóm Gardner (12)
còn chiết xuất ra được những kerrolic acid (12d),
laccolic lacton (12cd), periolic acid (12c).
Còn
hai hóa chất quan trọng trong nhựa sơn là hai sắc tố màu
vàng erythrolaccin
(23) và màu đỏ laccaic acid (8ab,15,23b).
Cấu tạo cả hai có đồng sườn anthraquinon mang ba hoặc bốn
nhóm hydroxy ; laccaic acid có thêm hai nhóm acid và một nhóm
keton. Sắc tố nầy được khai thác trong thực phẩm (15),
mỹ nghệ
(19). Vải bô nhuộm với sắc tố nhựa
sơn có khả năng khử trùng chống Escherichia coli, Bacillus
subtilis, Klebsiella pneumoniae, Proteus vulgaris, Pseudomonas aeruginosa
(21).Gần
đây cây đậu săng Cajanus cajan
(L.) Mills được khảo
cứu tường tận hơn. Lá cây chứa một số hóa chất như
vitexin, salicylic acid, henritriacontan, laccerol, longistylin, pinostrobin,
sitosterol, amyrin,… (9). Mục đích các nhà khảo cứu
là tìm một cây trú sâu cống hiến đủ điều kiện để
có nhựa sơn tốt (17). Theo đông y, nhựa sơn có tác
dụng làm thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, cầm máu,
đậu chẩn, tuy vậy ít được dùng làm thuốc. Sách xưa có
nói đến chống thổ tả, trừ nôn mửa, tiêu chảy. Shellac
phát triển nhiều hơn trong mặt kỹ nghệ. Được nói nhiều
nhất là nguyên liệu để làm dĩa hát, bắt đầu với những
dĩa 78 vòng mà phần lớn chúng ta đều biết cách đây một
nửa thế kỷ, ngày nay khó chóng chỏi với nhựa nhân tạo.
Nhựa sơn là một chất chịu acid, cách điện, chống tia cực
tím, còn được dùng để làm vec ni, mực in, thuốc xức tóc,
khuôn răng giả, bao chống ẩm, tô nón nỉ, đánh bóng sàn
nhà, đồ gỗ, tre, vải, da,… (ĐTL).
Ngày
nay, nha y dùng nhiều nhựa nhân tạo để lấp bít các lỗ
hổng trong răng. Những nha sĩ tôi gặp không có ai chịu hưóng
về nhựa sơn dù là một hóa chất thiên nhiên có nhiều tính
chất tốt về sức kết dính, độ thấm nước (rất cần
để xử lý trong miệng luôn có nước miếng), thêm vào một
kích thước khá nhỏ để dành chỗ các enzym, vi khuẩn có
thể làm hư răng. Ngành nha y ta có nên chăng tiếp tục khảo
cứu (4,5) để dùng trong công cuộc phòng ngừa bệnh
sâu răng? Nhựa sơn tẩy trằng có thể là một thuốc nhuộm
răng trắng, bảo vệ men răng.
Thông
tin Khoa học và Công nghệ 4 1997,
vietsciences
04.2006
Tham
khảo
1-
Dr Hocquard, Une campagne au Tonkin, Hachette, Paris (1882);
Arlea, Paris in lại (1999) 122
2-
A. Sallet, Les laquages des dents et les tinctures dentaires chez les
Annamites, Bull. Amis Vieux Hué (4) 15 (1928) 223
3a-
Nguyễn Văn Ký,
La société vietnamienne face à la modernité,
l'Harmattan,
Paris (1995) 231
3b-
Phạm Tôn, Phạm Quỳnh - Người nặng lòng với nhà,
Nghiên cứu và Phát triển, Huế 3 (56) (2006) 75
Vài
luận án nha y vế nhuộm răng
4-
Vũ Ngọc Quỳnh,
Le laquage des dents en Indochine, Hà Nội
1937
5-
Bửu Điềm, Phùng Thị Cúc, Le laquage des dents au Vietnam. Le
shellac en dentisterie préventive, Paris 1973
6-
Trần Văn Phú,
La résine gomme laque. Orientation des recherches
vers son emploi dans l'obturation des micro-espaces des dents, Paris
1975
7-
Tô Huệ Mỹ (bà Lê Văn Lý), Le laquage des dents. Contribution
à l'étude des mœurs et coutumes de l'ancien Viet Nam, Paris 1973;
Trân Thị Phùng Giao (bà Hồ Võ Tuân), Réflexions sur le laquage
des dents au Vietnam, Toulouse 1978; Claude Bosq, Noircissement
des dents en Asie orientale, Paris 1982; Cyril Bourgaux, Pratiques
traditionnelles, culturelles et rituelles intéressant les tissus durs
et mous de la cavité buccale en Asie et Océanie tropicales, Bordeaux
1989
Nhựa
sơn
8-
Nhóm Burwood: a) R. Burwood, G. Read, K. Schofiels, D.E. Wright, J.
Chem. Soc. (1965) 6067-73; b) id. (1967) 842-54
9-
D. Chen, H. Li, H. Lin, Zhongcaoyao (10) 16 (1985) 2-7
10-
Nhóm Cookson-Morisson: a) R.C. Cookson, N. Lewin, A. Morisson, Tetrahedron
18 (1962) 547-58 ; b) R.C. Cookson, A. Melera, A. Morisson, id.
1321-3
11-
M.O. Faruq, M.I.H. Khan, M.M. Alam, M.Z. Haque, M.A. Rahman, Bangladesh
J. Sci. Ind. Res.(3-4)
27
(1992) 134-40
12-
Nhóm Gardner: a) B.B. Schaeffer, Wm.H. Gardner, Ind. Eng. Chem. 30
(1938) 333-6 ; b) B.B. Schaeffer, H. Weingerger, Wm.H. Gardner, id. 451;
c) H. Weingerger, Wm.H. Gardner, id. 454-8 ; d) Wm.H. Gardner, Official
Digest Federation Paint and Varnish Production Clubs (1938) 473-8 ;
e) P.M. Kirk, P.E. Epoeri, Wm.H. Gardner, J. Amer. Chem. Soc. 63
(1941) 1243-6
13-
B.S. Gidvani, J. Chem. Soc. (1944) 306
14-
Nhóm Gunstone: a) W. Caruthers, J.W. Cook, N.A. Glen, F.D. Gunstone, J.
Chem. Soc.(1961) 5251-4; b) W.W. Chritie, F.D. Gunstone, H.G. Prentice,
id. (1963) 5768-71
15-
K. Harada, R. Higuchi, A. Ohwa, T. Ohtsubo, Japan 75 13,298 (1975)
3 tr.
16-
M.G. Hussain, M.H. Ali, M.M. Ali, F.K.N. Chowdhury, J. Acad.Sci. (2)
11 (1987) 231-2
17-
F. Liu, P. Yi, S.Li, Linye Kexue (1) 24 (1988) 106-12
18-
Nhóm Mhaskar-Sukh Dev: a) M.S. Wadia, V.V. Mhaskar, Sukh Dev, Tetr.
Letters (8) (1963) 513; b) M.S. Wadia, R.G. Khurana, V.V. Mhaskar,
Sukh Dev, Tetrahedron
25 (1969) 3841-54; c) A.N. Singh, A.B.
Upadhye, M.S. Wadia, V.V. Mhaskar, Sukh Dev, id. 3855-67; d) R.G. Khurana,
A.N. Singh, A.B. Upadhye, V.V. Mhaskar, Sukh Dev, id. 26 (1970)
4167-75; e) A.B. Upadhye, V.V. Mhaskar, Sukh Dev, id. 4177-87
19-
M. Matsumoto, Y. Yehara, Japan Kokai 78 29,965 (1978) 2 tr.
20-
Nhóm Sen Gupt: a) S.C. Sen Gupta, P.K. Bose, J. Sci. Ind. Res.11B
(1952) 458-61; b) S.C. Sen Gupta, id. 18B (1959) 210-2
21-
R. Singh, A. Jain, S. Panwar, D. Gupta, S.K. Deepti, Dyes and Pigments
(2) 66 (2005) 99-102
22-
P.N. Srivastava, R.K. Varshney, Entom.Exp. Appl.(2) 9 (1966)
209-12
23-
Nhóm Venkataraman: a) N.S. Bhide, A.V. Rama Rao, K. Venkataraman, Tetr.
Letters (1) (1965) 33-5; b) E.D. Pandhare, A.V. Rama Rao, R. Srinivasan,
K. Venkataraman,
Tetrahedron Suppl. (1) 8 (1966) 229-39
24-
Nhóm Yates: a) P. Yates, J. Amer. Chem. Soc. 82 (1960) 5764-5;
b) P. Yates, A.C. Mackay, L.M. Pande, M. Amin, Chem. Ind. (1964)
1991; c) P. Yates, G.F. Field, Tetrahedron 26 (1970) 3135-58 ;
d) P. Yat'es, P.M. Burke, G.F. Field, id. 3159-70 |