Văn Cao:
nghệ sĩ đa tài

Phanxipăng

Chiều 15-7-2016, tại Hà Nội, Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nước Việt Nam tiến hành lễ tiếp nhận Quốc ca là ca khúc Tiến quân ca do gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao (1923 - 1995) hiến tặng, đồng thời truy tặng huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước cho cố nhạc sĩ, và trao bằng khen của Thủ tướng cho bà Nghiêm Thúy Băng - phu nhân của nhạc sĩ Văn Cao.
Kỳ thực, gọi Văn Cao là nhạc sĩ e chưa đầy đủ, bởi ông còn là họa sĩ, thi sĩ, v.v., đã lưu những bức tranh, áng thơ đặc sắc với phong cách thể hiện rõ cá tính. Nhân dịp này, chúng ta hãy ôn lại cuộc đời và sự nghiệp nhân vật này bằng cách đọc bài Văn Cao: nghệ sĩ đa tài của Phanxipăng từng đăng trên tạp chí Thế Giới Mới số 40 (10-1992) nhằm mừng thọ 69 của nghệ sĩ đa tài và đa đoan, gốc Nam Định, chào đời tại Hải Phòng, thường trú ở Hà Nội. Trong bài, những chữ in nghiêng đều của Văn Cao.
Mặc dù tên tôi là Văn, nhưng lại ưa nghiệp võ! Văn Cao cười, nói hóm như thế khi hồi tưởng thời trai tráng của mình. Ấy là giai đoạn cả nước chạm phải những thử thách lịch sử nghiêm trọng. Văn Cao, thuở ấy, là một thành viên nòng cốt trong ban ám sát, hoạt động bí mật giữa "băm sáu phố phường" (1)  bị kiềm tỏa bởi quân đội phát xít Nhật.

Người nghệ sĩ tuổi đôi mươi, có vóc dáng nhỏ nhắn và đôi mắt lạnh lùng kia thoắt ẩn thoắt hiện qua nhiều giai thoại đậm đà chất tráng sĩ. Như chuyện chàng khử tay mật thám Đỗ Đức Phin trong một tiệm hút ở Hải Phòng.

Sát ngày tổng khởi nghĩa, Văn Cao vào khu vực chùa Hương làm nhiệm vụ trừ gian. Trở về, chàng ốm liệt giường. Thứ sáu 17-8-1945, Đảng Đại Việt tổ chức mít tinh công chức ở Hà thành. Văn Cao gượng dậy, trà trộn vào đám đông để quan sát tình hình. Giữa cuộc mít tinh, lực lượng Việt Minh bất ngờ chiếm diễn đàn, treo cờ đỏ sao vàng. Đồng thời, loa phóng thanh vang lên tiếng hát:

Đoàn quân Việt Minh đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa

Cùng lúc đó, bài hát nọ - đã in sẵn thành truyền đơn - được phát ngay cho quần chúng. Người ta cầm truyền đơn, hát theo. Đấy là lần đầu tiên Tiến quân ca được trình diễn công khai.

Không chỉ Tiến quân ca, những hành khúc khác của Văn Cao đã liên tục sôi sục, dồn vang theo bước bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường (2), theo bước trùng trùng quân đi như sóng(3) qua nhiều cung bậc thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Một trong những thành tựu xuất sắc nhất của dòng âm nhạc kháng Pháp, như nhiều nhà nghiên cứu nhận định, là tác phẩm thanh nhạc phức điệu Sông Lô, một sáng tác dài hơi của Văn Cao:

Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu
Sông Lô sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang
Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa.

So với những tác phẩm thể hiện cùng đề tài - chẳng hạn "Lô giang" của Lương Ngọc Trác, "Chiến sĩ sông Lô" của Nguyễn Đình Phúc, "Trên sông Lô" của Phan Huỳnh Điểu, "Tiếng hát trên sông Lô" của Phạm Duy - thì Sông Lô của Văn Cao vượt hẳn về cả hai phương diện nội dung và hình thức.

Bên cạnh tráng ca và âu ca, những tình ca của Văn Cao đã làm mê say muôn con tim. Không riêng dân Việt mà khán thính giả sành nhạc ở Âu Mỹ cũng ái mộ giai điệu trữ tình Văn Cao. Đặc biệt, tại Hoa Kỳ, trước khi phi thuyền Apollo 11 phóng vào không gian, các phi hành gia được nghe một ít nhạc phẩm chọn lọc, trong đó có Thiên thai của Văn Cao (4):

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kìa đường lên tiên
Kìa nguồn hương duyên

Và còn bao tình khúc Trương Chi, Suối mơ, Cung đàn xưa, Bến xuân / Đàn chim Việt, Thu cô liêu, Buồn tàn thu của Văn Cao bâng khuâng luyến nhớ, dạt dào kỷ niệm.

Tham gia phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm, nên Văn Cao gặp lắm rắc rối gian nan. Từ cuối thập niên 1950, Văn Cao ít sáng tác âm nhạc. Nói đúng hơn là chỉ "nghỉ khỏe" với ca khúc suốt nhiều năm, chứ Văn Cao thỉnh thoảng vẫn soạn nhạc phim. Sau khi đất nước thống nhất, Văn Cao bỗng bật bài hát Mùa xuân đầu tiên rộn ràng điệu valse, đăng báo Sài Gòn Giải Phóng số xuân Bính Thìn 1976, nhưng sau đó không thể diễn xướng ở Việt Nam, trong lúc ở Liên Xô lại thoải mái phổ biến. Năm 1981, rộ lên "cuộc vận động sáng tác quốc ca mới", song rốt cuộc chẳng bài nào thay nổi Tiến quân ca.

Tuy chỉ học trường Mỹ thuật Đông Dương / Ecole Supérieure des Beaux-Arts de l'Indochine một thời gian ngắn với tư cách dự thính viên tự do, nhưng Văn Cao vẽ khá sắc sảo. Phái lập thể / cubisme / cubism ảnh hưởng sâu đậm đến đường nét, sắc màu, mảng khối của Văn Cao.

Ba bức sơn dầu Cô gái dậy thì, Thái Hà ấp đêm mưa, Cuộc khiêu vũ của những người tự tử mà Văn Cao lần đầu tiên trưng bày tại salon Unique / phòng triển lãm Duy Nhất nơi nhà Khai Trí Tiến Đức bên hồ Gươm năm 1943 đã khiến giới mỹ thuật ngạc nhiên vì bút pháp mới lạ. Sau này, các họa phẩm của Văn Cao cũng tạo sự thú vị cho người thưởng lãm. Ví dụ bức Say. Nhưng chẳng phải ai ai cũng khoan khoái. Từng có kẻ phán: mấy họa phẩm này "có vấn đề" đấy!

Suốt nhiều năm, Văn Cao tập trung vào nghệ thuật tạo hình: minh họa cho thơ với truyện ngắn lẫn truyện dài, vẽ vignette cho báo chí, thiết kế nhãn hộp diêm, trình bày sách và chơi sơn dầu.

Một số tranh của Văn Cao đã được đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều hoạ phẩm của Văn Cao được giới thưởng ngoạn gần xa nhắc, chẳng hạn Cô gái và đàn dương cầm, Dân quân miền núi, Vợ chồng Mèo đi chợ, Nhà văn Đặng Thai Mai, Nguyễn Hữu Tiến, Lâm cà phê, Chân dung bà Băng (tức Nghiêm Thúy Băng - vợ của Văn Cao). Vẫn cách diễn hình, diễn khối biểu lộ sự tìm tòi giàu chất trí tuệ. Vẫn những đường, những mảng dựng theo lối lập thể. Điều này khiến đông người yêu thích, và dĩ nhiên, một số kẻ lại thấy… nghịch nhãn!

Văn Cao gia nhập làng văn bằng vài mẩu truyện và kịch ngắn đăng trên tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Các sáng tác này, lúc ấy bị chìm lỉm bởi những tên tuổi cỡ Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Thế Lữ trong Tự Lực Văn Đoàn, và Tô Hoài, Nam Cao, Bùi Hiển, Nguyễn Công Hoan trong nhóm Tân Dân. Mãi đến khi những tình khúc của Văn Cao ra đời, giành được cảm tình của đông đảo công chúng, thì người ta mới chú ý đến các loại hình nghệ thuật khác của người nghệ sĩ đa tài này.

Những ca khúc trữ tình của Văn Cao thành công không chỉ nhờ cấu trúc và hình tượng âm nhạc, mà còn nhờ ca từ. Ca từ đẹp. Đẹp như thơ. Xét kỹ, thấy lời ca của Văn Cao chính là thơ, loại thơ đã kết hôn cùng âm nhạc.

Còn những bài thơ do Văn Cao làm rải rác đó đây - trong sổ tay, bên lề sách, trên vỏ bao thuốc lá, v.v. - tuy ít đăng báo nhưng đã tạo lập được "một kênh thơ khác". Cổ nhân từng nhắc: thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc. Ưu thế ấy, với đôi tai âm nhạc và cặp mắt hội họa, Văn Cao phát huy rõ trong thơ. Như dăm dòng lục bát với thủ pháp điệp từ:

Vi vu… Rừng lại sang rừng
Xa xôi tiếng hát cũng ngừng xa xôi.

Nương nương qua tiếp đồi đồi
Áo chàm nàng thổ pha phôi sắc chàm.

Cầu mây treo giữa gió ngàn
Mây bông treo giữa trăng ngàn đêm sương.

Sương lưng chừng núi vấn vương
Tiếng chim lạ cất tiêu thương buồn trời.

Cái gì cũng thấy chơi vơi… (5)

Càng về sau, thơ Văn Cao càng cô đọng hơn, thâm trầm kín đáo hơn, như cây giấu bóng tối trong đá.

Văn Cao sẵn sàng phá vần để xây tứ một cách phóng khoáng. Ông từng cùng Nguyễn Đình Thi bênh vực thơ không vần. Không vần, nhưng Văn Cao vẫn đảm bảo tiết tấu thơ, và đặc biệt, chất tạo hình nổi lồ lộ:

Từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp Chàm
quanh Quy Nhơn
tôi như đứa nhỏ yêu huyền thoại (6)

Nhiều người đã ca ngợi chất suy tưởng lẫn độ tinh nhạy của cảm xúc trong thơ Văn Cao. Éo le thay! Khối kẻ khác đọc thơ Văn Cao thì bị "dị ứng"!

Sau cơn mưa, trời lại sáng dần. Nhạc trữ tình Văn Cao lại được công diễn. Tranh Văn Cao lại được trưng bày. Và cùng với những bài viết của Văn Cao tái xuất trên báo chí, những bài thơ Văn Cao sáng tác suốt mấy chục năm qua - tưởng đã như mùa thu chết rơi theo lá vàng (7) - được nhà xuất bản Tác Phẩm Mới tuyển thành tập và in ra với nhan đề: Lá.

Tập thơ gồm 28 bài, ấn hành tháng 6-1988, mở đầu bằng mấy dòng:

Ở rẻo cao lá sà mu gọi mưa
Ở rừng sâu lá thùy dương gọi suối
Ở biển xa
lá phi lao
gọi mặt trời…

Điểm lại lịch sử văn nghệ trong cũng như ngoài nước, hỏi có mấy nghệ sĩ thọ nhận vinh quang ngay khi đang tại thế như trường hợp Văn Cao?

Hiện nay, năm Nhâm Thân 1992, trên căn gác hai của ngôi nhà 108 Yết Kiêu, có một cụ già râu tóc bạc phơ ngày lại ngày cứ ngồi trầm ngâm nhắp rượu làng Vân và ngước qua ô cửa sổ để thấy bầu trời Hà Nội chuyển tông từng giờ từng phút, để nghe bao nhiêu tạp âm của phiên chợ chiều đang diễn ra ngay trước hiên nhà, để chiêm nghiệm về những màn những cảnh trong tấn-trò-đời mà mình từng đích thân nếm trải. Thi thoảng, cụ cười. Nụ cười ngây thơ làm sao! Nhà thơ Thanh Thảo so sánh: "Ngây thơ như đạo sĩ".

Văn Cao đó.

Trong căn gác mốc thếch, cây piano đã hỏng. Song, tứ thơ và nét vẽ của Văn Cao vẫn run run triển chuyển trên giấy, trên toan.

Mới đây, nhà thơ Trinh Đường đặt câu hỏi:

- Làm thế nào để có thơ hay?

Văn Cao đáp:

- Đó là hỏi đến sự bí mật của sáng tạo. Điều này chỉ tìm thấy ở Beethoven và người viết về ông ta là Romain Rolland và Stefan Zweig. Nhưng càng nói, càng bí mật thêm!

_________________

  • (1) - Ca dao xưa có câu: Hà Nội băm sáu phố phường. Nhiều tác phẩm văn nghệ lâu nay cũng ghi nhận không khác. Tập bút ký nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam được in lần đầu năm 1943 dùng nguyên dòng ca dao nọ làm nhan đề. Thế nhưng, Nguyễn Vinh Phúc (1926 - 2012), nhà giáo ưu tú, nhà Hà Nội học, 1 trong 11 công dân thủ đô ưu tú năm 2010, viết trong tập 1 Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (NXB Trẻ, 2000; trang 28 - 30) rồi in lại trong sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (NXB Trẻ, 2009; trang 79 - 82): "Thực ra, phố và phường là 2 phạm trù khác nhau. (…) Không làm gì có cái gọi là Hà Nội 36 phố phường. Chỉ có Thăng Long thời Lê có 36 phường hoặc là Hà Nội thời Minh Mạng có 239 phường, thôn, trại và Hà Nội thời Tự Đức với 153 phường, thôn, trại. (…) 36 phường thời Lê không thể là 36 phố + phường được".
  • (2) - Trích ca từ bài hát Chiến sĩ Việt Nam.
  • (3) - Trích ca từ bài hát Tiến về Hà Nội.
  • (4) - Chi tiết ấy đã được một số cây bút nêu, chẳng hạn Trường Giang viết trong bài Văn Cao - một tâm hồn, một tài năng, một nỗi ưu tư từng đăng báo Giáo Dục & Thời Đại, đã được giải thưởng Sugi Ryotari của Nhật Bản, rồi in vào sách Thời cuộc, con người & số phận (NXB Lao Động, Hà Nội, 1994; trang 15). Cần kiểm định tính xác thực của chi tiết ấy. Một số người khác - trong đó có Nguyễn Thanh Giang, Thanh Thảo, Nguyễn Thuỵ Kha - còn viết rằng bài Thiên Thai của Văn Cao được hoà tấu và "được chọn đưa vào băng nhạc để các phi hành gia Mỹ đem vào vũ trụ trên tầu Apollo". Thông tin này chẳng chính xác, bởi vào tháng 7-1969, với mục đích sử dụng riêng cá nhân, phi hành gia Neil Amstrong đã mang lên phi thuyền Apollo 11 - chuyến bay đầu tiên đưa con người lên bề mặt nguyệt cầu - băng cassette Music Out of the Moon (Nhạc từ mặt trăng) của Samuel Hoffman tự biên tự diễn những nhạc phẩm sáng tác năm 1947 trên nhạc cụ điện tử theremin, và băng cassette New World Symphony (Giao hưởng Thế Giới Mới) của Antonín Leopold Dvořák (1841 - 1904).
  • (5) - Bài thơ Đêm ngàn.
  • (6) - Khổ đầu bài thơ Quy Nhơn 3.
  • (7) - Trích ca từ bài hát Buồn tàn thu.

  •  

     
    Văn Cao. 
    Ảnh: David Alan Harvey đã đăng lần đầu trên tạp chí National Geographic tháng 11-1989
     Văn Cao tự hoạ
    Nhà văn Đặng Thai Mai. 
    Tranh sơn dầu: Văn Cao
    Nhà báo Phan Kim Thịnh. 
    Tranh sơn mài: Văn Cao
    Một số bìa sách do Văn Cao thiết kế.
    Ảnh: Phanxipăng
    Văn Cao minh hoạ ấn phẩm
    Văn Cao cùng vợ Nghiêm Thúy Băng trong tiệc vui con trai Nguyễn Nghiêm Bằng cưới Kim Bình tại Hà Nội năm 1979 
    Văn Cao với họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà văn Nguyễn Tuân: những nghệ sĩ Nhân Văn-Giai Phẩm
    Văn Cao vẽ á hậu Trần Vân Anh có sự hiện diện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Sài Gòn năm 1989
    Văn Cao cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương tại Sài Gòn năm 1993. Ảnh: Duy Anh
    Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo từ Paris, Pháp, về Việt Nam, đến bệnh viện Hữu Nghị tại Hà Nội thăm Văn Cao ngày 3-7-1995, tuần sau thì nghệ sĩ đa tài qua đời. 
    Ảnh: Nguyễn Đình Toán
    Mùa xuân Canh Thìn 2000, nhạc sĩ Phạm Duy viếng mộ bạn tri kỷ Văn Cao