Cùng với các tập thơ
đã xuất bản như Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Bài ca quần đảo,
Sa mạc trường ca, Rong rêu, Đêm ngắm trăng, v.v., Bùi Giáng
(1926 - 1998) còn được công chúng biết tới qua ngòi bút dịch
thuật, bình luận văn học và triết học. Tuy nhiên, ít người
biết Bùi thi sĩ khoái vẽ, lại vẽ nhiều. Do đó, khá đông
người - đặc biệt là những kẻ hâm mộ Bùi tiên sinh - tỏ
vẻ thích thú khi nhận được thông tin từ bài Một bức
tranh lở dở của
Hoàng Hoài Sơn đăng báo Tuổi Trẻ xuân Tân Tị 2001: "Bùi
Giáng vẽ nhiều. Tại Việt Nam hiện có khoảng 10 - 15 bức
tranh do ông vẽ bằng bút chì đen, bút sắt. Nhưng tranh màu
thì cho đến thời điểm này dường như Chân dung lở dở
là
bức duy nhất còn lại."
Bức tranh vừa nêu vốn được Bùi Giáng
sáng tác vào khoảng năm 1966 - 1967 bằng bột màu / gouache trên
giấy kích cỡ 105 x 63cm, mô tả một phụ nữ khả ái và đượm
buồn giữa nền xanh lục nhạt. Phía dưới bức tranh, người
vẽ ký tên bên góc trái, còn góc phải thì ghi luôn nhan đề:
Chân
dung lở dở.
Bài báo của Hoàng Hoài Sơn cho hay rằng
trước kia, bức tranh này treo trong nhà ông Bùi Hộ (anh ruột
của Bùi Giáng); đến năm 1975, ông Hộ ra nước ngoài thì
ông Bùi Văn Ký (em ruột của Bùi Giáng) đem tranh về Thủ
Đức (TP.HCM) rồi sau đấy lại chuyển xuống Long Đất (Bà
Rịa - Vũng Tàu) (1).
Khoảng năm 1992 - 1993, do uống rượu, thiếu tiền, ông Ký
đem tranh bán cho chủ quán được... chục nghìn đồng. Năm
1976, Phạm Bùi Nam Liên (cháu gọi Bùi Giáng bằng cậu ruột)
xin chuộc tranh ấy với giá 1 triệu đồng. Bài báo nọ khép
lại bằng đoạn: "Nam Liên cho biết thời gian qua, một vài
Việt kiều đánh tiếng muốn mua lại bức Chân dung lở
dở, có người trả đến 3.000 USD, nhưng anh đều từ chối.
Với anh, bức tranh này chưa thể định giá."
Đọc xong bài báo vừa dẫn, bản thân tôi
lấy làm phân vân. Phải chăng tại nước ta hiện có khoảng
10 - 15 tranh bút chì, bút sắt của người sáng tạo Lá hoa
cồn? Và tranh màu của Bùi Giáng thì chỉ còn Chân dung
lở dở là tác phẩm duy nhất ở Việt Nam ư?
Thắc mắc đó bật ra quá hợp lý, bởi
trước đó, ngay tại TP.HCM, tận mắt tôi đã được xem hàng
loạt tranh nguyên bản của Bùi Giáng, cả tranh đen trắng (bút
chì, bút bi, bút mực, v.v.) lẫn tranh màu. Và ngay trước khi
viết những dòng này vào dịp cận Tết Nhâm Ngọ 2002, đích
thân tôi thử kiểm tra lại, đủ để khẳng quyết: riêng
tính tranh màu của Bùi Giáng thì tại Việt Nam hiện còn không
chỉ một bức.
Bùi Giáng vẽ gì? Nhiều nhất ắt là bao
hồng nhan mà ông thường xuyên réo gọi từ thôn nữ nhu
mì đến cô em mọi nhỏ cho tới Thúy Kiều, Thúy
Vân, Marilyn Monroe, Brigitte Bardot, và cả... nữ hoàng Cléopâtre.
Bùi tiên sinh cũng ký họa những nhân vật mà ông gặp, ông
quen, và / hoặc ông thương, ông nhớ: nào ca sĩ Hà Thanh, nào
thiền sư Trí Hải, nào Kim Cương nương tử, v.v.
Ngộ nghĩnh và độc đáo là các bức tự
họa, chẳng hạn bức Tự họa mà chơi vẽ vời cho tốt
đẹp!!
Hàng chục bức vẽ như thế hiện vẫn được
nhiều người lưu giữ làm kỷ vật. Trong số đó có nữ nghệ
sĩ Kim Cương, nhà thơ Huy Tưởng, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ,
và kẻ viết bài này. Ấy là tranh đen trắng. Còn tranh màu?
Bộ sưu tập của gallery Tự Do ở trên đường
Hồ Tùng Mậu (Q.1, TP.HCM) có 2 bức tranh của Bùi Giáng vẽ
màu nước / aquarelle trên giấy.
Một
bức khổ 63 x 47,5cm, vẽ chân dung phụ nữ mở đôi mắt quá
to, mắt trái lớn hơn mắt phải, trên phông / fond lốm đốm
đa sắc kiểu trường phái ấn tượng / impressionisme. Non nửa
diện tích phía dưới của bức tranh, cũng trên nền đa sắc
lốm đốm, là câu thơ được viết bằng màu vàng: Chị
lùa bò vào Hy Lạp mù sương. Góc trái bên dưới, Bùi Giáng
ký tên bằng màu nâu thẫm. Có thể lấy nguyên dòng thơ ấy
làm nhan đề bức tranh này.
Còn bức kia khổ 26 x 40cm với gam màu xanh
dương, là một tác phẩm tạo hình theo phong cách abstrait -
hiểu nghĩa trừu tượng cũng được, mà lơ đễnh cũng được.
Bùi Giáng ký tên ở góc phải phía dưới và chưa đặt nhan
đề, nên tạm gọi Không đề. Xin thêm rằng Bùi tiên
sinh từng vẽ cả "xê-ry" tranh Không đề.
Trần Thị Thu Hà - chủ nhân gallery Tự Do
và là em ruột của Trần Thị Thu Vân tức nhà văn Nhã Ca -
cho tôi biết rằng bà đã "tậu" đôi bức tranh này từ nhà
báo Phạm Mạnh Hiên. Bức Chị lùa bò vào Hy Lạp mù sương,
bà mua vào năm 1995. Bức Không đề, bà mua ngày 11-4-1996.
Cả 2 bức tranh thuộc bộ sưu tập riêng của vợ chồng bà,
hoàn toàn không bán.
Tôi liền liên lạc với Phạm Mạnh Hiên,
nghe anh kể:
- Hồi 1973, tại Sài Gòn, sau khi thực hiện
tạp chí Văn số chuyên đề Bùi Giáng, mình mới gặp
và đi lại thường xuyên cùng trung niên thi sĩ. Hôm nọ,
Bùi Giáng đưa mình xuống Thủ Đức thăm nhà bào đệ Bùi
Văn Ký. Ổng lấy tặng mình cả bộ tranh gồm 7 - 8 bức. Sau,
thấy bạn bè thích, mình có cho mấy bức. Như cho Đặng Tấn
Tới và Nguyễn An Đình ngoài Bình Định. Bức tranh mà Đình
giữ thì nay đã hỏng, vì nhà bị bão. Bức Tới giữ vẫn
còn nguyên. Một bức, mình cho họa sĩ Đinh Cường hiện định
cư bên Hoa Kỳ. Một số bức khác, thú thật là do hoàn cảnh
khó khăn, mình đem bán, chỉ giữ 2 bức là Chị lùa bò
vào Hy Lạp mù sương và Không đề. Cuối cùng, mình
cũng chẳng giữ nổi 2 bức đó, vì... túng. Mình đành nhượng
cho gallery Tự Do với giá mỗi bức 200 USD.
Theo tìm hiểu của riêng tôi, vẫn còn một
tranh màu khác do Bùi Giáng vẽ đang nằm trong bộ sưu tập
của Cao Hải - một doanh nhân kiêm nhà chơi tranh hiện trú
tại TP.HCM.
Khác với thi sĩ Bùi
Giáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) từ lâu từng được
mọi người biết tiếng là ngoài việc soạn ca khúc, còn làm
thơ, viết tùy bút, và vẽ. Từ thời trẻ, sớm đam mê "tiếng
nói của hình và sắc", Trịnh Công Sơn đã kết thân với
nhiều họa sĩ tài năng như Trịnh Cung, Đinh Cường, Tôn Thất
Văn, Bửu Chỉ, v.v. Không khí làm việc trong các atelier / xưởng
vẽ của bạn bè mà Trịnh Công Sơn thường xuyên lui tới
thực sự kích thích chàng troubadour / kẻ hát rong (chữ dùng
của Văn Cao trỏ Trịnh Công Sơn) kiếm tìm và phát hiện khả
năng biểu đạt nội tâm cùng phản ánh ngoại giới thông
qua một ngôn ngữ nghệ thuật khác: tạo hình. Một số phác
thảo bằng chì hoặc than, tốc họa (2)
hay hồi họa(3)
bằng bút mực hoặc bút bi, cùng những bức màu nước hoặc
sơn dầu trên giấy khổ nhỏ mà Trịnh Công Sơn hoàn thành
vào thập niên 1960 và 1970 đã cho thấy chanter / người ca thơ
(cũng chữ dùng của Văn Cao trỏ Trịnh Công Sơn) vẽ cũng
dễ, tương tự viết bài hát, như nhận xét của nhạc sĩ
Nguyễn Xuân Khoát: "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ
từ trong túi ra".
Bức
sơn dầu trên giấy Diễm xưa - trùng nhan đề một ca
khúc quen thuộc - của Trịnh Công Sơn vẽ chân dung nàng Ngô
Vũ Bích Diễm vào năm 1963 là ví dụ.
Một ví dụ khác là tranh màu nước kết
hợp bút sắt chạy contour / đường viền năm 1972 mà Trịnh
Công Sơn đã in trong tập Tự tình khúc. Phong cách và
kỹ thuật thể hiện đôi bức tranh này còn cho thấy sự ảnh
hưởng của nhóm "hoạ sĩ trẻ" một thời, mà Đinh Cường
nổi bật.
Tuy nhiên, mãi tới năm 1989, tại Nhà hữu
nghị Tiệp Khắc ở TP.HCM, lần đầu tiên Trịnh Công Sơn
mới chính thức trưng bày tranh của mình trước công chúng.
Đó là cuộc triển lãm hội hoạ chung với Đinh Cường và
Đỗ Quang Em. Thật ra, trước đấy một năm, Trịnh Công Sơn
đã cùng Đinh Cường và Tôn Thất Văn mở một salon tranh tại
nhà riêng trong ngõ hẻm trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3,
TP.HCM. Cuối năm 1990, đầu năm 1991, cuộc triển lãm tranh chung
của Trịnh Cung, Đỗ Quang Em và Trịnh Công Sơn đuợc tổ
chức liên tiếp tại hai địa điểm, từ nội thành ra ngoại
ô. Đợt trước mở cửa từ ngày 15-12-1990 đến ngày 2-1-1991
tại khách sạn Ritz, Q.1. Đợt sau mở cửa từ ngày 5 đến
ngày 20-1-1991 trong trang viên Con Nai Vàng, Thủ Đức. Cuộc triển
lãm này đã xuất hiện một ngộ nhận vui vui. Số là banderole
/ biểu ngữ được ghi liền mạch, không phết phẩy: Trịnh
Cung Đỗ Quang Em Trịnh Công Sơn triển lãm tranh sơn dầu. Có
người liền nghĩ rằng đây là phòng tranh của cây cọ Trịnh
Cung Đỗ Quang, em ruột của Trịnh Công Sơn. Họ hỏi thẳng
điều đó với nhạc sĩ họ Trịnh, và ông đã thuật lại
qua đoản văn Nhật ký ghi chậm, tháng mười hai, tháng giêng
đăng
trên Kiến Thức Ngày Nay xuân Tân Mùi 1991: "Đời sống có
những nhầm lẫn trẻ thơ, không nên giận dỗi."
Hai đợt triển lãm liên tiếp vừa kể đã
bộc lộ một Trịnh Công Sơn qua lăng kính thẩm mỹ thị giác.
Đó là một nghệ sĩ thơ mộng và hồn nhiên "như trẻ nhỏ
ngồi bên hiên nhà" (4)
hoặc "như là người lạc trong đô thị" (4)
qua các tranh sơn dầu tĩnh vật
Hoa thạch thảo, Bóng ghế
và ly đỏ cùng các bức được tác giả đặt tên Phác
thảo chân dung song lại là tranh đã hoàn chỉnh - mà thu
hút sự chú ý của quan khách nhiều nhất hẳn là tác phẩm
vẽ một phụ nữ khoả thân có nhan đề Phác thảo chân
dung sinh nhật.
Trả lời phỏng vấn của báo giới ngay
tại triển lãm, Trịnh Công Sơn cũng nhận rằng:
- Tôi làm quen hội hoạ từ atelier của các
bạn tôi hồi còn rất trẻ, và sau đó qua sách vở, qua tranh
của những cây cọ bậc thầy trên thế giới. Những tranh
vẽ đầu tiên của tôi là vào năm 1963, nhưng vẽ dầu trên
toile (5)
để triển lãm chung với anh em hoạ sĩ thì sự thật là tôi
mới chơi mấy năm gần đây. Những gì tôi không nói được
bằng ngôn ngữ âm nhạc thì tôi nhờ ngôn ngữ màu sắc. Nếu
cả hai phương tiện này không chuyển tải hết tình cảm và
suy tưởng của tôi, thì tôi tìm đến ngôn ngữ văn chương.
Nếu thế, những Mưa hồng, Hạ trắng,
Nắng thuỷ tinh, Môi hồng đào, Vàng phai trước ngõ, Rừng
xanh xanh mãi, Hoa vàng mấy độ, Rồi như đá ngây ngô, v.v.,
được chính tác giả tự trình bày, không phải bằng giọng
hát và tiếng đàn, mà bằng đường nét và màu sắc đầy
sáng tạo thì vẫn Cho đời chút ơn như nhan đề một
ca khúc của Trịnh Công Sơn đấy chứ. Bao tĩnh vật và giai
nhân cứ Yêu dấu tan theo từng nhát pinceau / cọ theo
mạch cảm hứng ngỡ chừng bất tận.
Ngẫm
cho cùng, viết hoặc vẽ hoặc đàn hát về bất kỳ cái gì,
nghệ sĩ nào cũng cốt bộc lộ mình, cũng nhằm bày tỏ Tự
tình khúc. Do đó, người xem chẳng lấy làm lạ khi đến
dự cuộc triển lãm cuối đời của Trịnh Công Sơn. Cuộc
triển lãm ấy chung với Đinh Cường và Bửu Chỉ tại gallery
Tự Do, kéo dài tròn tháng, từ ngày 2-8 đến 3-9-2000. Trong
tổng số 10 tranh của Trịnh Công Sơn, gần nửa là tự hoạ.
Bức Chân dung tự hoạ với gam màu vàng-đỏ-đen vẫn
được nhiều sách báo sử dụng, như bìa cuốn Trịnh Công
Sơn - người hát rong qua nhiều thế hệ của nhiều tác
giả (NXB Trẻ, 2001).
Lại thêm bức Tự hoạ, Trịnh Công
Sơn vẽ chân dung mình với tông hồng ấm áp, dường như mãi
Ru
em từng ngón xuân nồng. Bức Vòng phấn trắng cũng
là chân dung Trịnh Công Sơn tự hoạ với tông đen. Rồi bức
Cõi
riêng tư của nhạc sĩ cũng là một hình thức self-portrait(6).
Bốn hoạ phẩm này nay thuộc quyền sở hữu của bốn tư
nhân.
Và trong toàn bộ di sản mỹ thuật mà Trịnh
Công Sơn lưu lại đó đây giữa cuộc đời này, quả thật
tôi chẳng nắm vững trị giá kinh tế những bức acrylic và
sơn dầu khổ lớn, song tôi "sướng" nhất lại là những tranh
khổ nhỏ do nhạc sĩ vẽ bằng phấn tiên / pastel, bút dạ,
bút sắt. Mấy chất liệu này, với kích cỡ vừa phải, rất
đặc trưng cho phong thái tài hoa, tài tình, tài tử của Trịnh
Công Sơn.
Bằng bút sắt hoặc bút dạ, đôi phen chỉ
dăm nét nhấn nhá, Trịnh Công Sơn đã khéo "lột tả được
nét tinh tế trên từng gương mặt" trong thể loại chân dung
như lời bình luận của hoạ sĩ Đinh Cường. Chẳng hạn các
chân dung ca sĩ Khánh Ly, hoạ sĩ Đinh Cường, tiến sĩ toán
lý Ngô Văn Quế, nhà thơ Dương Tường, nhà giáo Bửu Ý, v.v.,
mà tiêu biểu nhất phải kể đến loạt chân dung nhà văn
Nguyễn Tuân, chân dung nhạc sĩ Văn Cao và chân dung nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn tự hoạ.
Ví dụ khác khá sinh động: bức tranh phấn
tiên Thiếu nữ và hoa của Trịnh Công Sơn trao tặng
tôi năm 1993, dự định sẽ in bìa sách Album thơ 2 của
Phanxipăng.
Có ý kiến cho rằng
tranh không phải của hoạ sĩ, song của tác giả đã nổi tiếng
ở lĩnh vực khác, hiện được nhiều gallery lùng mua với
giá "cao đến chóng mặt" vì tên tuổi của người vẽ chứ
chưa hẳn vì chất lượng nghệ thuật mà bức tranh chất chứa.
Nhân đây, chúng ta thử xem xét lại danh xưng "hoạ sĩ" theo
nghĩa "tài tử" hoặc "nghiệp dư" trong mối tương quan với
"chuyên nghiệp".
Năm 1973, trong cuốn Tác giả tác phẩm
xuất
bản tại Sài Gòn, Trần Tuấn Kiệt nhắc đôi câu khi đề
cập Bùi thi sĩ: "Bùi Giáng cũng có vẽ rất nhiều tranh, nhưng
sau này ông dẹp đi đâu mất cả, không nói đến nữa. Những
bức tranh đó, hoạ sĩ Nghiêu Đề bảo là rất đẹp."
Một hoạ sĩ chuyên nghiệp và uy tín như
Nghiêu Đề (7)
khen ngợi tranh của Bùi Giáng như thế, song Bùi thi sĩ vẫn
cứ là... thi sĩ họ Bùi.
Hoạ sĩ Đinh Cường tỏ rõ lòng "kết" tranh
do Bùi Giáng lẫn Trịnh Công Sơn vẽ. Trong bộ sưu tập của
hoạ sĩ chuyên nghiệp họ Đinh, hiện có tranh của hai nhân
vật này. Đây là nhận định của Đinh Cuờng về tranh Trịnh
Công Sơn qua bài Tình bạn, hồi sinh cơn hôn mê (8)
: "Không gian tranh của Sơn bao giờ cũng dở dang nhưng lại
đầy tinh khiết, sáng tạo. (...) Tranh Sơn thanh thoát đến
hư tưởng. (...) Những hình thể mảng màu trong tranh xếp đặt
ngộ nghĩnh và đầy suy tính, lại rất đúng với nguyên lý
của nghệ thuật mới. Những họa sĩ chuyên nghiệp đôi lúc
cũng ngợ tay, khó bóp méo hình thể và sắp xếp không gian
được như vậy."
Ít nhất có một người gọi Trịnh Công
Sơn là hoạ sĩ thực thụ. Trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật
5-1-1989, hoạ sĩ Nguyễn Trung khẳng định: "Michel Ragon, nhà
lý thuyết, người bênh vực nghệ thuật mới, nghệ thuật
trừu tượng, có viết rằng trong thời đại chúng ta, không
còn những họa sĩ vẽ chơi (peinture du dimanche) nữa. Rất
đúng với Trịnh Công Sơn. Anh mới vẽ một vài năm và đã
trở thành họa sĩ thực thụ".
Còn Trịnh Công Sơn thì sao? Đích thân Trịnh
Công Sơn nhiều lần dí dỏm nhắc rằng trong hội hoạ và
ngay cả âm nhạc, bản thân mình thực thụ là... amateur / tài
tử / nghiệp dư. Đây, trích đoạn từ thủ bút của Trịnh
Công Sơn: "Không bao giờ muốn chạm đến bờ cõi của giới
chuyên nghiệp. Có hai bờ cõi: chuyên nghiệp và tài tử. Cái
tài tử thường cho phép đi xa, lạc lối, mà rất mênh mông.
Từ khước khuôn phép (convention) để trôi nổi trong thế giới
của mộng mị, hoang đường".
Vậy trong địa hạt nghệ thuật, sự khu
biệt "chuyên nghiệp" với "nghiệp dư" dường mơ hồ lắm!
Người nghệ sĩ đích thực chẳng nề hà danh xưng hư hão.
Rất tự nhiên, thoải mái, họ cứ say sưa phát hiện và thể
hiện cái Đẹp bằng bất kỳ phương tiện nào mà họ cảm
thấy thích hợp, đem lại hiệu quả thẩm mỹ như ý. Phần
còn lại, xin dành để công chúng tiếp nhận và định giá
cho Đoá hoa vô thường là... nghệ phẩm.
♥
_________________
(1)
- Theo nghị định 152/2003/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 9
tháng 12 năm 2003, huyện Long Đất được chia thành 2 huyện
Long Điền và Đất Đỏ.
(2)
- Vẽ nhanh.
(3)
- Vẽ theo trí nhớ.
(4)
- Trích lời bài hát
Tự tình khúc của Trịnh Công Sơn.
(5)
- Tiếng Pháp gọi toile hay canevas, tiếng Anh gọi canvas. Đó
là vải được dệt chủ yếu bằng cây gai dầu hoặc cây
lanh, mà họa giới xưa nay thích dùng làm bề mặt để vẽ
sơn dầu và acrylic.
(6)
- Tự hoạ.
(7)
- Nghiêu Đề có họ tên Nguyễn Tiếp (1939 - 1998), người Quảng
Ngãi, học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, đoạt Huy
chương bạc Hội hoạ mùa xuân 1961 với tác phẩm Chân dung,
là thành viên sáng lập Hội Hoạ sĩ trẻ Việt Nam năm 1966,
làm Tổng thư ký Hội này giai đoạn 1973 - 1975. Định cư ở
Hoa Kỳ năm 1985. Bên cạnh hội hoạ, Nghiêu Đề còn làm thơ,
viết văn. Đã xuất bản tập truyện ngắn Ngọn tóc trăm
năm (NXB Sông Mã, Sài Gòn, 1965).
(8)
- In trong sách Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) - cuộc đời, âm
nhạc, thơ, hội hoạ và suy tưởng (NXB Văn Nghệ TP.HCM,
2001).
Đã đăng tạp
chí Kiến Thức Ngày Nay 413 - số đặc biệt Xuân Nhâm
Ngọ 2002
|
|
Bùi Giáng le beau
gosse
/ Bùi Giáng bảnh trai
Tranh màu nước và phấn
tiên:
Trịnh Công Sơn
|
Chân dung lở dở.
Tranh bột màu: Bùi Giáng
|
|
|
Giai nhân.
Tranh bút sắt: Bùi Giáng
|
Tự hoạ mà chơi
vẽ vời cho tốt đẹp!!
Tranh bút sắt: Bùi Giáng
|
|
|
Chị lùa bò vào
Hy Lạp mù sương.
Tranh bột màu: Bùi Giáng
|
Trịnh Công Sơn.
Ký họa bút bi: Bùi Giáng
|
|
|
Chân dung Lệ Mai
tức Khánh Ly.
Tranh bút sắt: Trịnh
Công Sơn. Có thủ bút của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly
|
Tranh màu nước và
bút sắt Chân dung tự họa cùng thủ bút Trịnh Công
Sơn in trong tập bài hát Tự tình khúc của một tác
giả (NXB Nhân Bản, 1972)
|
|
|
Diễm xưa.
Tranh sơn dầu trên giấy:
Trịnh Công Sơn
|
Tranh sơn dầu trên
vải Chân dung tự họa của Trịnh Công Sơn in bìa sách
đầu tiên viết về Trịnh Công Sơn ngay sau khi nhạc sĩ qua
đời (NXB Trẻ, 2001)
|
|
Bùi Giáng với Trịnh
Công Sơn
|
|