Theo
quyển Phủ Thừa Thiên trong bộ Đại Nam nhất thống
chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chùa Phổ
Quang toạ lạc ven sườn đồi thuộc ấp Trường Giang, xã
Phú Xuân, huyện Hương Thuỷ. Nay, đó là phường Phước Vĩnh,
TP. Huế. Từ chợ Bến Ngự, qua chiếc cầu cùng tên bắc ngang
sông Lợi Nông, đi thêm quãng ngắn trên đường Phan Bội Châu
(trước năm 1976 là đường Nguyễn Hoàng) đoạn rẽ trái vào
xóm uốn lượn ven đường sắt cỡ 50m liền thấy tam quan
chùa Phổ Quang. Cũng có thể đến chùa Phổ Quang từ trước
nhà lưu niệm và mộ danh nhân Phan Bội Châu trên đường cùng
tên, qua cổng chùa Linh Quang, thả dốc Bến Ngự, đến giáp
tuyến đường ray xe lửa thì rẽ phải.
Ngôi già lam này được thành lập
bao giờ? Bia đá Phổ Quang tự bi minh do Cúc Khuê Lâm
Mậu Thiếu Anh soạn vào niên hiệu Bảo Đại thứ V tức Canh
Ngọ 1930, được Lê Nguyễn Lưu cùng Võ Văn Oanh phát hiện
năm 1989 trong lớp đất vườn chùa. Văn bia đó mở đầu:
"Phổ Quang tự kiến trúc bất tường hà đại" (Chẳng rõ
chùa Phổ Quang xây dựng từ thời nào).
Năm Đinh Hợi 1827, niên hiệu Minh
Mạng thứ VIII, chùa Phổ Quang được hoà thượng Tánh Viên
trùng hưng. Chùa long thịnh với nội ngoại thất khang trang
được phục hồi lẫn tân tạo nhờ sự ủng hộ nhiệt tình
của các nữ lưu quý tộc trong cung đình triều Nguyễn như
thái trưởng công chúa Nghĩa Hoà tức Nguyễn Phúc Ngọc Nguyệt
(con của vua Gia Long, chồng là phó vệ uý Nguyễn Đức Hổ)
có pháp danh Hải Thanh, và mẹ ruột là cung tần Tống Thị
Thuận có pháp danh Tánh Hoà, cùng nhiều quan lại như đề
đốc Tôn Thất Đính (phụ thân của đại thần Tôn Thất
Thuyết) có pháp danh Thanh Liên.
Mùa xuân Ất Mùi 1895, niên hiệu
Thành Thái thứ VII, sư trụ trì Chánh Động xin cúng dường
chùa Phổ Quang cho hoà thượng Cương Kỉ ở chùa Từ Hiếu.
Sự kiện này tạo bước phát triển tốt đẹp đối với
thiền đường nơi dốc Bến Ngự: sư Cương Kỉ cho phép đệ
tử là tỉ khâu ni / tì kheo ni Thích Nữ Diên Trường (thế
danh Hồ Thị Nhàn, con của Hồ Đắc Tuấn và Công Nữ Thức
Huấn, chồng Nguyễn Đôn Lý mất sớm) dốc sức trùng tu chùa
Phổ Quang. Nghe sư nữ Diên Trường tâu trình, thái hoàng thái
hậu Trang Í Thuận Hiếu (tức hoàng hậu Lệ Thiên Anh là nguyên
phi của vua Tự Đức) ban cấp 2 mẫu ruộng ở làng Thần Phù
cho chùa Phổ Quang làm tự điền. Lúc ấy, chùa do sư Tịnh
Minh trụ trì. Tu sĩ này đã chú tạo đại hồng chung, sắm
thêm tự khí và pháp khí, lại xây cổng tam quan hiện vẫn
bảo lưu.
Nghe lời bàn bạc của Võ Liêm Sơn,
Lê Ấm, Trần Đình Nam, v.v., tỉ khâu Thích Tịnh Minh đã mạnh
dạn quyết định: đồng í để nhà cách mạng Phan Bội Châu
(1867-1940) tạm trú trong chùa Phổ Quang. Thời khoảng nọ, cụ
Phan vừa bị thực dân Pháp bắt tại Trung Hoa, đưa về Hà
Nội xử chung thân khổ sai, đoạn tha bổng nhưng buộc "an
trí" tại Huế. Chí sĩ Sào Nam tá túc nơi chùa Phổ Quang già
nửa năm, từ tháng 6/1926 đến tháng 1/1927, lập tức thu hút
đông người thường xuyên lui tới - từ các thành viên trong
chính quyền "bảo hộ" của Pháp, tất nhiên có bè lũ mật
thám, đến đông đảo đồng bào Việt Nam yêu nước. Tại
nhà khách của chùa Phổ Quang, ngay từ tháng 6/1926, với sự
cố vấn của Phan Bội Châu, một đoàn thể mang tên Nữ Công
Học Hội xuất hiện do Đạm Phương nữ sử (tức Công Nữ
Đồng Canh, vợ của Nguyễn Khoa Tùng, mẹ đẻ Hải Triều
Nguyễn Khoa Văn) làm hội trưởng, Nguyễn Thị Khuê (vợ của
nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải) làm hội phó, Trần Thị Như
Mân (vợ của học giả Vệ Thạch Đào Duy Anh) làm tổng thư
kí.
Năm Canh Ngọ 1930, Nguyễn Thị Kim
Đính (con gái của bà Hồ Thị Nhàn tức tỉ khâu ni Thích
Nữ Diên Trường, chồng là bác sĩ Trương Xướng) xin đại
trùng tu chùa Phổ Quang. Nhiều Phật tử phát bồ đề tâm,
hiến vật lực, mà một trường hợp đáng kể là vợ viên
quan năm / trung tá Pháp mang họ tên Lê Thị Vượng có pháp
danh Tâm Ngộ cúng dường 2.000 đồng bạc Đông Dương - giá
trị hơn 1kg vàng ròng.
Năm Ất Dậu 1945, chùa Phổ Quang
được thượng toạ Thích Mật Thể trụ trì. Thời gian này,
sư Mật Thể dành tâm sức biên soạn sách Việt Nam Phật
giáo sử lược đồng thời đón tiếp một số trí thức
văn nghệ sĩ vãng cảnh chùa và đàm đạo: học giả Thúc
Ngọc Trần Văn Giáp, nhà báo Phạm Quỳnh, nhà văn Khái Hưng,
v.v..
Năm Mậu Tí 1948, thượng toạ Thích
Tâm Quang trụ trì chùa Phổ Quang. Do nhiều hạng mục của
ngôi già lam bị xuống cấp nặng nề, nên sư Tâm Quang tiếp
tục đại trùng tu vào năm Canh Dần 1950.
Trụ trì chùa Phổ Quang giai đoạn
1954-1984 là hoà thượng Thích Chánh Pháp, và từ năm 1984 là
hoà thượng Thích Huệ Ấn. Năm 2001, sư Huệ Ấn xây mới
chánh điện cùng hậu tổ, đồng thời chú thêm tượng, đúc
thêm đại hồng chung.
Sực nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
(1939-2001) sinh thời từng nói với tôi:
- Gia đình mình theo đạo Phật.
Bản thân mình là Phật tử, quy i ở chùa Phổ Quang với pháp
danh Nguyên Thọ.
Tôi bèn hỏi sư Huệ Ấn:
- Hoà thượng vui lòng cho biết mối
quan hệ của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với chùa Phổ
Quang.
Sư Huệ Ấn đáp:
- Ông bà Trịnh Xuân Thanh và Lê
Thị Quỳnh cùng 8 con, mà Trịnh Công Sơn là trưởng nam, đều
quy i Tam bảo ở chùa này, được hoà thượng Thích Chánh Pháp
ban pháp danh bắt đầu bằng chữ Nguyên. Sổ quy i ghi rõ: ông
Thanh pháp danh Nguyên Bình, bà Quỳnh - Nguyên Hoa, Trịnh Công
Sơn - Nguyên Thọ, Trịnh Thị Vĩnh Trinh - Nguyên Đàm, v.v..
Vừa nói, sư Huệ Ấn vừa đưa
tôi rời chánh điện vào hậu tổ. Nơi đó, hàng loạt di ảnh
Phật tử quá cố được trưng bày trang trọng trên bàn thờ
linh, nổi bật nhất là hình chụp chân dung tác giả các bài
hát Tự tình khúc, Nguyệt ca, Biết đâu nguồn cội, Một
cõi đi về, Sóng về đâu, Này em có nhớ, Để gió cuốn đi,
Đoá hoa vô thường, v.v.. Điều đặc biệt là không chỉ
có ảnh trên bàn thờ, bộ ba Trịnh Xuân Thanh, Lê Thị Quỳnh,
Trịnh Công Sơn còn được ưu tiên treo thêm ảnh lên vách
tường.
- Trong các ca khúc của Trịnh Công
Sơn, bài nào được tu sĩ thích nhất?
Giữa sân chùa Phổ Quang, dưới
cội ngọc lan, nghe tôi nêu thắc mắc thế, đại đức Thích
Tín Thọ nhoẻn cười rồi khẽ hát:
Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn
dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong
chơi… ♥
Tam quan chùa Phổ
Quang, Bến Ngự, Huế.
Ảnh: Phanxipăng
Phanxipăng với
công trình vừa tân tạo năm 2001 ở chùa Phổ Quang.
Ảnh: Trần Ngọc
Mẫn
Hòa thượng Thích
Huệ Ấn trụ trì, bên bia đá Phổ Quang tự bi minh.
Ảnh: Phanxipăng
Vách tường hậu
tổ chùa Phổ Quang có treo 3 tấm ảnh
Trịnh Xuân Thanh,
Lê Thị Quỳnh, Trịnh Công Sơn.
Ảnh: Phanxipăng
|