SANEMORI
Thực Thịnh)

Nguyên tác: Zeami Motokiyo

Dịch: Nguyễn Nam Trân


Nỗi buồn của lão tướng

Lược truyện:

Nhà sư vân du tên gọi Du Hành thượng nhân (Yugyô shônin) [1] khi đi hành cước ở địa phương có lần đến vùng Shinohara trong xứ Kaga (nay là tỉnh Ishikawa, trông ra biển Nhật Bản) giảng kinh (pháp đàm). Một hôm thượng nhân nhận thấy trong đám tín hữu dự buổi thuyết pháp, có một lão già ngày nào cũng chăm chỉ đến nghe và luôn luôn kính cẩn chắp tay trước mặt mình. Có điều lạ là chỉ có thượng nhân nhìn thấy lão chứ những kẻ khác thì không vì lão vô hình. Do đó, khi thượng nhân trò chuyện với lão, người chung quanh lấy làm kỳ cục vì tưởng như sư phụ đang lẩm bẩm một mình (hitorigoto).Thượng nhân nhiều lần hỏi tên nhưng lão không chịu đáp. Đến khi thượng nhân thúc bách quá, lão bèn xin phép nhà sư cho mình gặp riêng để trình bày. Lúc đó, lão mới kể lại câu chuyện của một samurai trong binh đoàn Heike là Saitô no Sanemori người đất Nagai [2] đã bị kẻ địch sát hại trong trận Shinohara[3]rồi đem thủ cấp đẫm máu của ông ta ra ngoài ao rửa cho mọi người xem. Sau đó, ông lão thú nhận mình chính là vong hồn của viên tướng ấy rồi biến mất.

Du Hành thượng nhân mới hỏi thăm một người dân làng (satobito) tin tức về tướng Sanemori và trận đánh nói trên. Xong, ông đi đến kết luận rằng người mình vừa gặp đúng là vong linh của Sanemori. Ông lại nhờ người dân làng báo tin cho dân quanh vùng Shinohara là mình muốn tổ chức một buổi lễ cầu siêu cho Sanemori, lúc đó sẽ có cảnh tụng niệm Phật A Di Đà và múa hát (odori-nenbutsu, một đặc trưng của phái Thì Tông, Jishuu).

Đêm hôm đó, bên bờ ao nơi xưa kia xảy ra chuyện rửa thủ cấp, khi Du Hành thượng nhân đọc kinh và niệm Phật A Di Đà thì vong hồn của Sanemori hiện ra với râu tóc bạc trắng với giáp trụ trên nền áo hitatare (kimono buông thẳng) bằng gấm đỏ như hình ảnh trong cuộc tỉ thí giữa ông với tướng Tezuka no Tarô Mitsumori của binh đoàn Genji. Sau khi khẩn khoản thượng nhân cầu nguyện để hồi hướng cho mình, ông liền biến mất vào trong không gian.

Đặc trưng của vở tuồng:

Vở Sanemori này được xếp vào trong Tam Tu La (Sanshura) tức 3 vở A Tu La (Ashura) nghĩa là tuồng Nô có chủ đề chiến đấu với cảnh tượng chém giết như địa ngục cùng 2 vở Tomonaga (Triều Trường) và Yorimasa (Lại Chính) vốn mang tên hai vũ tướng với hai định mệnh bi đát khác. Nó cũng là một trong Tam Thịnh (San-Mori) tức 3 vở mà nhân vật chính có tên là Thịnh (Mori): Sanemori (Thực Thịnh),Thịnh Cửu (Morihisa) và Thông Thịnh (Michimori). Vở tuồng thuộc loại Shuramono (Nô chém giết) còn gọi là Rôbusha-mono (Nô lão tướng) này đòi hỏi rất nhiều công phu diễn xuất (vì diễn viên trong khi chưa già mà phải đóng vai người già, thêm vào đó, diễn viên độc diễn phải thủ nhiều vai khi kể truyện). Do đó một người chưa đủ khả năng chuyên nghiệp sẽ khó lòng được chọn để đóng vai Sanemori. Ngoài ra, ngày xưa, vở Sanemori này còn biết đến bằng một hai tên khác như Shinohara hay Shinohara Sanemori.

Tuồng Sanemori do Zeami chấp bút và dựa trên một tiết trong Truyện Heike. Tuy nhiên, người đời sau suy định rằng nguồn cảm hứng của Zeami (1363?-1443?) chính ra đã đến từ một câu chuyện có thực (từ một cuốn nhật ký) [4] chứ không phải được hư cấu bởi tác giả tiểu thuyết chiến ký mang tên Truyện Heike. Vào năm 1414 tức khoảng 230 năm sau cái chết của Sanemori, nhật ký ấy ghi rằng có một tin đồn không biết từ đâu đã loan truyền đến Kyôto liên quan đến việc hồn ma của tướng Sanemori hiện ra ở Shinohara (thuộc Kaga) làm cho Du Hành thượng nhân phải đọc Thập Niệm A Di Đà để cầu siêu cho ông. Như vậy, thông tin trong nhật ký mới là cơ sở thực sự của vở tuồng.

Hầu hết các tuồng Shuramono đều bắt đầu với cảnh Shite tức vai chánh (= Maejite) dưới dạng người sống bước lên sân khấu và hé lộ cho thiên hạ (thường là thầy tăng vân du) biết mình là một hồn ma. Trong khi đó, nơi vở tuồng này, một việc khác thường đã xảy ra. Nhân vật chủ chốt, Sanemori, lại vô hình vô ảnh. Do đó, lúc đầu, không ai nhận ra ông là một hồn ma. Nói cách khác, cấu trúc của vở Sanemori không giống như những vở Shuramono truyền thống. Một đặc điểm thứ hai là nó lại bắt đầu với Kuchiake (khai khẩu), một thủ pháp của Kyôgen. Ở đây, vai Ai-Kyôgen không đợi đến lúc nghỉ giữa hai màn (Nakairi) mà đã can thiệp ngay trong phần mở đầu tức là đảo lộn thứ tự của vở.

Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy Sanemori, một lão tướng, với quyết tâm sắt đá đến độ nhuộm tóc bạc cho đen để xung trận, đi tiên phong đối đầu với đám tướng trẻ bên địch, mà quá thảm thương khi diễn lớp chiến đấu cuối cùng. Sanemori chỉ cho khán giả thấy được hình ảnh của một lão tướng đã mất hết sinh lực và tàn tạ như thân cây khô héo. Có lẽ vì thế mà dịch giả Armen Godel (xem thư mục tham khảo) đã xếp Sanemori vào cùng một loại với Obasute (Núi vứt bà già) như hai vở tuồng nói về chủ đề sự suy sụp thảm hại của người già, một nam một nữ.

Trong màn thứ hai của vở này, Shite (= Nochijite) độc diễn, kể lại cuộc chiến đấu cuối cùng của mình và làm những động tác mạnh bạo cần đến khả năng của bắp thịt dù nhân vật chỉ là một lão già. Có thể xem phần kể lể (katari) về cuộc giao đấu giữa ông và Tezuka no Tarô Mitsumori cũng như cảnh người ta đem thủ cấp của ông ra ao để rửa là hai cảnh khó diễn nhất. Lúc ấy, ông còn phải đóng thêm cả vai của ba kẻ thù khác nhau là Tezuka (kẻ sát hại ông), Kiso Yoshinaka (xưa là người ông dưỡng dục, nay trở thành chủ tướng bên địch) và Higuchi Jirô (một đồng đội cũ đã nhận ra ông khi nhìn thấy thủ cấp). Cách ông lần lượt diễn 3 nhân vật này là một cảnh thú vị của vở tuồng.

Các thông tin khác liên quan đến vở tuồng:

Lưu phái: Ngũ lưu (cả năm trường phái chính đều diễn vở này).

Lớp: Lớp thứ 2 tức Nô Shura-mono (Nô chém giết).

Tác giả: Zeami Motokiyo.

Xuất điển: Phân đoạn gọi là Sanemori no saigo no koto (Về cái chết của Sanemori) trong chương 7 Truyện Heike.

Mùa: không định rõ.( Godel dẫn ra là tháng 8, giữa mùa thu)

Cảnh: Cánh đồng Shinohara trong xứ Kaga vào buổi chiều [1] và giữa ban đêm [2].

Phối vai:

Maejite; Lão già (hồn ma của Saitô no Bettô Sanemori).

Nochijite: Saitô no Bettô Sanemori (tên và chức vụ của ông).

Waki: Yuugyô Shônin (Du Hành thượng nhân) đời thứ 14.

Wakizure: Các nhà sư tùy tùng của thượng nhân (2, 3 người)

Ai-Kyôgen: một người dân làng ở Shinohara.

Mặt nạ:

Maejite: Sankôjô, Asakurajô, Waraijô vv...

Nochijite: Sankôjô, Asakura jô, Waraijô vv...

Sankôjô là tên mặt nạ người già do nghệ nhân biệt hiệu Sankôjô (Tam Quan Úy), một men.uchi tức chuyên gia về mặt nạ tạc ra đầu tiên. Nói chung là các mặt nạ người già nói trên được dùng cho cả 2 màn.

Trang phục (trình bày sơ lược):

Maejite: đội Jô-kami (tóc mượn dành cho người già), mặc áo mizugoromo tức kimono thông thường, dài đến đầu gối. Áo trên ngắn tay, không có hoa văn hay tô vẽ. Tay cầm chuỗi bồ đề.

Nochijite: đội Shirotare (tóc mượn bạc trắng), chít khăn bịt đầu, áo kimono kiểu happi (= pháp bị, áo ngắn nhà chùa), mặc quần váy hakama kiểu hangire dành cho các vai thần, quỉ, vũ tướng. Mang quạt và kiếm.

Waki: đội sumi-bôshi hay mão nhà sư có góc cạnh, mặc áo kimono vải dày, quần váy hakama rộng màu trắng. Cầm quạt và chuỗi bồ đề.

Wakizure: giống như Waki.

Ai: Áo khoác kataginu không ống tay, quần váy nửa vời han-hakama. Giắt theo đoản đao, tay cầm quạt.

Cảnh (màn): 2

Thời lượng: khoảng 1h45.

Để tiện theo dõi, xin chia vở tuồng thành 8 tiểu đoạn ABCDEFGH.

Ca từ có dấu hoa thị * ở hai bên chỉ thấy trong ca từ của một số lưu phái.


Sanemori độc diễn trên sân khấu

Văn bản tuồng với lời giải thích in nghiêng

Kyôgen Kuchiake:

Người dân làng ở Shinohara (vai Ai-Kyôgen) bước ra "khai khẩu", cho biết nhà sư Yugyô Shônin (Du Hành thượng nhân) sẽ có những buổi thuyết pháp rất linh ứng tại địa phương này.

A. Thượng nhân thuyết pháp:
Du Hành thượng nhân cùng các tăng nhân tháp tùng đi chầm chậm và giữ yên lặng khi bước vào sân khấu. Người dân làng ở Shinohara (vai Ai-Kyôgen) cũng vào và đến đứng cạnh cây cột, chỗ dành cho Shite.

Dân làng (Ai-Kyôgen) (kuchiake = khai khẩu): Tôi là một thường dân ở Shinohara trong xứ Kaga này. Hiện có vị Du Hành thượng nhân (đời thứ 14) tên là Tawami đang ghé qua đây và thuyết pháp mỗi ngày. Tuy vậy, lúc bắt đầu buổi chiều thì ngài lại cứ nói chuyện một mình làm cho người trong làng không hiểu tại sao. Nhân biết tôi là người hay đến gặp ngài họ bèn đem thắc mắc đó nhờ tôi giải đáp. Vậy xế trưa hôm nay tôi sẽ đến dò la xem sự thể đã chuyển biến ra thế nào. Mọi người hãy giúp tôi giải quyết vụ này nhé (lập lại 2 lần). (Vai Ai nói xong bèn vào ngồi sâu bên trong sân khấu)

Thượng nhân: Cõi Cực Lạc Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà nằm ở Tây Phương, muốn đến đó phải vượt qua thập vạn ức lãnh thổ, cuối một con đường xa tắp [5].

Thượng nhân / Các tăng nhân: Nhưng nếu các ngươi khai ngộ thì cõi Cực Lạc tức Phật quốc của Đức Phật A Di Đà Như Lai sẽ nằm ngay trong lòng ngươi.

Thượng nhân: Giàu, sang, nghèo, hèn, mặc lòng, nếu các ngươi họp nhau lại xưng danh hiệu ngài bằng cách niệm"Nam mô A Di Đà Phật"

Thượng nhân/ Các tăng nhân: Mỗi ngày mỗi đêm ở nơi đạo tràng này...

Thượng nhân: Đức Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn các ngươi về Tây Phương Tịnh Độ.

Các tăng nhân: Ngài sẽ không bỏ sót bất cứ ai. [6]

Thượng nhân: Cho nên dù mọi người có bỏ ra về và ngươi chỉ còn một mình, cứ nán lại mà tụng niệm danh hiệu ngài.[7]

*Các tăng nhân: Hãy tụng niệm tên ngài không ngừng nghỉ*.

Thượng nhân / Các tăng nhân: Tuy các ngươi không hiểu gì về Phật pháp nhưng Đức Phật A Di Đà đã có lời thệ nguyện là ngài sẽ không bỏ sót một ai (nhiếp thủ bất xả ngự thệ nguyện). Tất cả mọi người đều sẽ được ngài đến rước về miền Cực Lạc. Con thuyền cứu độ (pháp chu) sẽ trôi đi một cách nhẹ nhàng và những kẻ sẽ thành Phật như chúng ta đều được đưa đi trên con thuyền đó.

B. Lão già xuất hiện:

Lão già bước vào sân khấu, miệng than thở về cảnh già nua và xin Du Hành thượng nhân thuyết pháp cho nghe.

Lão già (Maejite, hồn ma của Sanemori): Ta nghe như có tiếng sênh (shô)[8] đưa âm nhạc thiêng liêng xuống tự trời cao, nhìn thấy ánh hoàng hôn chiếu đến từ cõi Tây phương nơi có chư Phật và Bồ Tát. Ôi, quí hóa thay! Hôm nay lại có chòm mây tím báo hiệu một người cao quí giống như Đức Phật A Di Đà đang đến đón ta trước khi nắng tắt [9]* Tiếng tụng niệm đã vọng đến tai ta. Phải chăng mọi người đã bắt đầu hành lễ cho buổi ban ngày [10]?* Đúng rồi, bên tai ta đang văng vẳng tiếng chuông và tiếng tụng niệm*. Đến nghe thuyết pháp vào giờ này thật đúng lúc. Dạo này, cùng với thời gian, tấm thân già của ta suy yếu, đứng ngồi đều khó khăn nên ngày ngày, ta không làm sao đến gần chỗ thuyết pháp.Thôi thì, hôm nay dù chỉ được nhìn từ xa, ta cũng ráng đến để nghe kinh. Nếu lòng thành thực tin vào Đức Phật A Di Đà và xướng lên danh hiệu ngài thì chắc chắn ngài sẽ đến tiếp dẫn ta về cõi Tây Phương Cực Lạc. Thế nhưng đôi mắt già nua nay đã bị mây mù che phủ, khó lòng nhìn thấy con đường về chốn đó. Dù đi nhanh không nổi nhưng nếu tiếp tục tiến lên phía trước, ta sẽ đến gần nơi thuyết pháp và cõi Cực Lạc sẽ không xa. Nam Mô A Di Đà Phật. (Maejite đến ngồi trước mặt Waki và chắp tay)

C. Đối thoại giữa thượng nhân và lão già:

Du Hành thượng nhân và lão già nói chuyện với nhau. Tuy rằng lúc đầu lão già có lưỡng lự khi bị hỏi thăm danh tánh nhưng cuối cùng lão đã tiết lộ rằng mình là hồn ma của Sanemori. Đứng trước thượng nhân, Sanemori tỏ ra sám hối về sự tham luyến của mình đối với cõi đời trần tục.

Thượng nhân: Chào lão trượng!

Lão già: Vâng, thầy đang ngỏ lời với tôi đấy ư?

Thượng nhân: Này lão trượng, nhân thấy mỗi ngày ông đều chăm chỉ đến đây tụng niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà nên ta biết ông có lòng tin sâu sắc. Chỉ có mỗi mình ta là thấy ông cho nên những người khác vẫn tự hỏi không biết ta đang nói chuyện với ai và nói những gì. Ông có thể cho ta hay quí danh không?

Lão già: Câu hỏi của thầy thật bất ngờ. Tôi chỉ là một người nhà nông cho nên không có tên tuổi gì đáng kể để thưa với thầy. Còn như thầy, Du Hành thượng nhân ạ, thầy đã bỏ Kyôto để đến chỗ quê mùa thì có khác chi Đức Phật A Di Đà đang tìm cách tiếp dẫn chúng tôi. Sau khi đã sống thọ đến tuổi này, tôi mới thấy mình là người may mắn vì đã được nghe tiếng tụng niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà. Tôi giống như con rùa mù vớ được tấm gỗ trôi giữa đại dương mênh mông hay giống như kẻ được ngắm hoa ưu đàm (Udumbara), loài hoa quí hiếm phải 3 nghìn năm mới nở một lần [11]. Lòng của tôi giờ đây không có niềm vui nào lớn hơn và những giọt lệ mừng sẽ không hề cạn. Sự hoan hỉ tôi đang cảm thấy không khác gì niềm vui của một người cuối cùng đã được thác sinh vào cõi Cực Lạc Tịnh Độ (An Lạc Quốc). Tôi không thích nói đến cái tên mà tôi có hồi còn sống trong sự ràng buộc của vòng sinh tử luân hồi, nơi tôi bị cuốn vào vực xoáy của những cố chấp không sao rứt ra. Do đó, xin thưa với thầy một lần nữa là vạn bất đắc dĩ tôi mới không chịu nêu danh tánh. (Nói xong, maejite (lão già) cúi cầu sát đất)

Thượng nhân: Dĩ nhiên những gì ông nói hoàn toàn đúng cả nhưng nếu ông cho ta biết mình là ai thì điều đó có thể giúp ông sám hối được những lỗi lầm và trở về đường ngay nẽo chính. Cho nên chớ ngần ngại gì mà không nói ta hay.

Lão già: *Nếu thế thì chắc tôi không còn dấu diếm thầy được nữa. Vâng, tôi sẽ cho thầy biết tôi là ai!*

Thượng nhân: Phải rồi! Hãy nói ta nghe!

Lão già: Xin thầy bảo người chung quanh chịu khó lánh mặt đi một chút.*Tôi sẽ tiến sát lại gần thầy để nói tên tôi*

Thượng nhân: Ngay từ lúc đầu, chỉ một mình ta thấy được ông. Nhưng thôi, ta sẽ bảo mọi người lánh mặt đúng như ông muốn. Hãy ghé sát bên ta và nói nhỏ tên mình.

(Maejite (lão già) đứng lên và đến ngồi giữa sân khấu)

Lão già: Đã lâu lắm rồi, có một người tên là Saitô no Bettô[12] Sanemori đất Nagai đã bị giết trong trận Shinohara. Chắc thày có nghe câu chuyện về người đó.

Thượng nhân: Ta biết ông Sanemori ấy là vị võ tướng trong quân đoàn Heike, một người chỉ huy nổi tiếng dũng cảm (cường cung tinh binh). Thành ra ta không muốn ông kể thêm chi những chuyện đánh nhau. Ta chỉ muốn biết tên ông mà thôi!

Lão già: Vâng, sau khi thủ cấp của Sanemori được đem tới nhận diện, người ta đã mang nó ra cái ao ngay trước mặt thầy đây để rửa sạch râu tóc. Điều đó đã giúp mọi người hiểu được tại sao ông ấy không rời được cái ao này. Dân làng sống trong vùng nhiều người quả quyết đã gặp được hồn ma của Sanemori.

Thượng nhân: *Ôi chao! Họ từng gặp hồn ma ấy cơ à? Bây giờ còn có thấy nữa không?

Lão già: "Khuất giữa lùm cây trong núi sâu, ngọn cây ấy không ai thấy được. Thế nhưng đến độ mùa hoa nở, người ta liền biết nó là cây anh đào" [13]. Giống như bài thơ trên nói về sự khám phá bất chợt một vật gì dấu kín, xin thầy hiểu cho rằng, lão già có khuôn mặt cằn cỗi như thân cây khô chính là Sanemori.

Thượng nhân: Lạ thay!. Ta cứ tưởng chuyện xưa lơ xưa lắc về Sanemori nào có gì dính líu đến ta nhưng bây giờ ta đã hiểu ra là mình có liên can đến nó.Thế ông là vong linh của tướng Sanemori ư?

Lão già: Đúng vậy, thầy ơi! Tôi là hồn ma của Sanemori. Tuy rằng hồn thì đã đi sang thế giới khác (minh đồ) nhưng phách [14] của tôi hiện vẫn lưu lại cõi đời!

Thượng nhân: Và lòng ông còn bám víu vào thế giới hiện tại (hiện thế)?

Lão già: Nên tôi đã nán lại đây từ hơn 200 năm! Nhưng dù sao...

Thượng nhân: ...ông đã không thể thành Phật...

Lão già: Như những con sóng lao xao trên mặt ao Shinohara, lòng tôi không phân biệt được ban đêm...

Thượng nhân: với ban ngày, cũng chỉ vì bóng tối của vô minh.

Lão già: Tôi không biết đâu là mộng.[15]..

Thượng nhân: và đâu là thực, bởi vì lòng ông...

Lão già: ...rất đỗi hoang mang. Từ trong nấm mộ giữa đám cỏ bên bờ ao Shinohara, một bóng già nua với mái tóc bạc đã bước ra...

Hợp xướng: Từ trong nấm mộ giữa đám cỏ bên bờ ao Shinohara, một bóng già nua với mái tóc bạc đã bước ra nhưng chỉ hiện ra trong thoáng chốc. "Cho nên đừng trách móc tôi chi" [16]. Xin chớ rêu rao tên Sanemori, người đã hiện ra trước mặt thầy như thế này.Tôi sẽ tủi hổ khi còn nghe tiếng đời đồn đại dù mình đã chết từ lâu.

Xong, lão già chợt biến mất vào trong không gian cạnh bờ ao Shinohara. (Trên thực tế, Maejite đứng lên và đi chầm chậm ra ngoài sân khấu)

(Đến đây là Nakairi, chỗ nghỉ giữa hai màn)

Dân làng (vai Ai Kyôgen) hỏi Du Hành thượng nhân tại sao ông nói chuyện với ai mà cứ lẩm ba lẩm bẩm. Thay vì trả lời, thượng nhân hỏi lại người ấy về Sanemori. Dân làng mới thuật lại cảnh chiến đấu dũng cảm của Sanemori trên chiến trường và khẩn khoản thượng nhân tổ chức một pháp sự để cầu siêu cho vong hồn lão tướng.Thượng nhân bèn nhờ dân làng bố cáo cho người trong vùng Shinohara để họ đến tham dự, cùng lúc thông tin là sẽ có cảnh vừa tụng niệm danh hiệu A Di Đà vừa nhảy múa (odori-nenbutsu).

(Vì có rất nhiều chỗ trùng hợp với nội dung bản tuồng nên xin lược bỏ đoạn Kyôgen, NNT)

D. Thượng nhân cầu siêu cho vong hồn Sanemori:

Bên bờ ao, Du Hành thượng nhân và các tăng nhân tùy tùng tụng kinh cầu siêu cho Sanemori bằng cách xướng danh Đức Phật A Di Đà suốt một đêm.

(Vai Waki (thượng nhân) đứng lên).

Thượng nhân:*Nào, chúng ta hãy niệm Đức Phật A Di Đà, đặc biệt để hồi hướng cho vong linh tướng Sanemori!"* (Hai tăng nhân(vai Wakizure) tiến gần Waki ở giữa sân khấu)

Thượng nhân / Các tăng nhân: Chúng ta đang tổ chức một buổi lễ cầu siêu bên ao Shinohara. Với lòng tin sâu sắc và lời ca trong thanh xướng danh hiệu Đức A Di Đà, chúng ta sẽ hành lễ suốt từ đầu hôm cho tới sáng dưới bầu trời không mây và có vầng trăng chiếu ánh sáng trong vắt như cõi lòng thanh tịnh của chúng ta. Hãy giúp cho vong hồn sớm về cõi Tây Phương Tịnh Độ bằng cách tiếp tục đánh chiêng (chinh = kane) lên cho đến hết đêm nay. (Waki và 2 wakizure, cả ba làm cử chỉ tụng niệm)

Thượng nhân: Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô A Di Đà Phật.

E. Sanemori lại xuất hiện nhưng trong trang phục võ tướng:

Sanemori (Nochijite) lại bước vào sân khấu nhưng lần này trong trang phục chiến đấu của một lão tướng. Ông tỏ lòng biết ơn thượng nhân vì giờ đây mình đã được vãng sanh cực lạc.

(Waki vào ngồi ở Wakiza còn Wakizure trở lại ngồi cạnh Jiutai (ban hợp xướng) còn Nochijite (Sanemori) thì dừng bước trên cầu)

Sanemori (vai Nochijite): Nay tôi đã vãng sinh về miền Cực Lạc. Tôi đã vượt qua biển khổ, xa cõi mê lầm của kiếp luân hồi. Nỗi vui mừng này biết mấy cho cân. Nay tôi đang ở trong thế giới cực lạc, nơi sinh mệnh là vĩnh cửu. Đức Phật A Di Đà là chỗ nương tựa chắc chắn của tôi. Những ai không ngớt lời ca tụng danh hiệu ngài...

Hợp xướng: ...sẽ được siêu sinh về miền Cực Lạc..

Sanemori: Khi tôi lên tiếng: Nam Mô...

Hợp xướng: ...là tôi muốn xin đến nương tựa và làm theo lời ngài dạy.

Sanemori: Khi tôi xướng danh A Di Đà...

Hợp xướng: ...cũng là lúc Đức Phật A Di Đà nghe được lời cầu xin và giúp tôi tu hành để thác sanh về cõi Tịnh Độ. Vì thế cho nên... (Nochijite (hồn ma Sanemori) bước ra mặt tiền sân khấu)

Sanemori: ...những ai niệm “Nam Mô A Di Đà Phật chắc chắn sẽ được thác sanh về cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà.

Hợp xướng: Thật có hạnh phúc nào bằng! (Nochijite (hồn ma Sanemori) quay mặt về phía Waki (thượng nhân) và chắp tay như khấn khứa)

F. Đối thoại giữa thượng nhân và Sanemori:

Sanemori tái ngộ Du Hành thượng nhân và giữa hai người lại có một cuộc đối thoại. Sanemori đánh giá những lời dạy của Đức Phật còn có giá trị hơn tất cả những giáp trụ xa hoa lộng lẫy đang mang trên người. Ông xin thượng nhân hãy chứng minh cho sự sám hối của mình trước giờ được thành Phật.

Thượng nhân: Lạ lùng thay! *Có bóng ai đang hiện ra trên mặt ao* khi sương chiều bắt đầu bao phủ. Dường như đây là hình dáng của lão già ta gặp hôm trước. Ông ta lại mặc khôi giáp mới kỳ lạ chứ!

Sanemori: *Cho dù thân tôi đã bị vùi chôn như một thanh gỗ mục không kẻ đoái hoài, xin cho phép tôi được giải bày về những thống khổ mình phải chịu trong địa ngục Tu La trước khi đạt đến Niết Bàn. Ôi, nỗi thống khổ ấy nói sao cho cạn!*

Thượng nhân: *Cho dù tôi nhìn thấy và nghe được tiếng ông, những người khác đều không nghe không thấy.*

Sanemori: *Ôi, chỉ có mỗi Du Hành thượng nhân...*

Thượng nhân: *...nhìn được bóng ông ta. Ông ấy giống như một đống tuyết đang tan khi mùa xuân tới.*

Sanemori: *Đó là trang lão tướng với mái tóc và chòm râu bạc*.

Thượng nhân: * ...nhưng vẫn mang dáng dấp hào hoa*.

Sanemori: *Đặc biệt là khôi giáp rỡ ràng*

Thượng nhân: *Dưới bóng trăng thanh*

Sanemori: *...ánh lên cùng ngọn lửa*

Hợp xướng: *Choàng lên tấm áo hitatare bằng gấm, ông còn mặc chiến bào màu xanh nõn [17] và mang bên hông một thanh kiếm đặt trong bao dát vàng. Nhưng đối với tấm thân ta hiện tại, thử hỏi chúng có còn là vật báu hay không? Thực vậy, cái mà giờ đây ta trân quí nhất là những tòa sen bên hồ trên đó những người đã vãng sinh về cõi Tây Phương Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà đang ngồi. Những lời dạy dỗ quí giá của Đức Phật, tuyệt đối không có gì để nghi ngờ, sẽ là chân lý vĩnh cửu. Nếu chúng ta tiếp tục xướng lên những lời châu ngọc đó, hỏi có lý gì không thành Phật được?*

Sanemori / Hợp xướng: *Một niệm A Di Đà, Sẽ tiêu đi vạn tội.*[18]

Thượng nhân: * Khi nhìn ông, ta thấy có cái gì đang ngăn trở, không cho phép ông thoát khỏi kiếp luân hồi. Ông phải vứt bỏ mọi cố chấp thì mới đến được bên tòa sen của Đức Phật A Di Đà, nơi mà mọi tội lỗi sẽ tiêu tan tức khắc*.

Hợp xướng: Để có những quả báo tốt lành, phải tích tụ được nhiều công đức nhưng tất cả phải hướng về Đức Phật và không được chần chờ nói lên ước vọng vãng sanh.

Sanemori: Giờ đã điểm. Đêm hôm nay, tôi vừa nhận được một lời dạy dỗ quí báu về Phật pháp.

Hợp xướng: Tôi xin kể lại đầu đuôi những chuyện xảy ra và sám hối về bao tội lỗi làm tôi hổ thẹn. Tôi là người hãy còn luyến tiếc quá khứ dù vào một thời xa xưa, tôi đã biến mất vào lòng huyệt mộ như giọt sương rơi trên cánh đồng Shinohara. Hãy nghe tôi kể!

G. Sanemori bắt đầu sám hối:

Sanemori bắt đầu bày tỏ sự ăn năn của ông trước mặt Du Hành thượng nhân. Trước tiên, ông kể lại rằng Tezuka no Tarô Mitsumori đã đem đến trình cho chủ tướng là Kiso Yoshinaka thủ cấp một samurai kỳ lạ, người vừa chết dưới bàn tay của mình. Sau đo, Higuchi Jirô[19] đến nơi và xác nhận được thủ cấp của Sanemori và đem ra ngoài ao để rửa. Ngoài ra, Sanemori cũng cho biết hôm ấy ông đã mặc một tấm kimono kiểu hitatare bằng gấm đỏ khi ra trận trên mảnh đất quê hương.

Sanemori: Lúc đó, quân Heike chúng tôi gặp thế bất lợi và vừa thua xong trận Shinohara. Tezuka no Tarô Mitsumori [20]phía Genji mới đến phúc trình cho chủ tướng của mình là Kiso Yoshinaka: "Tiểu tướng vừa giao chiến với một samurai quái dị và đã lấy được thủ cấp của hắn. Trước tiên, tôi nghĩ hắn là một tướng lãnh nhưng sao không thấy có bộ hạ đi theo. Do đó, tôi mới phỏng đoán hắn ta chỉ là một samurai bình thường. Thế nhưng lạ một cái là hắn lại mặc một tấm hitatare bằng gấm đỏ. Tôi đã mấy lần giục giã hắn xưng tên nhưng hắn không chịu tiết lộ danh tánh ngay cả lúc sắp chết. Có điều là khi hắn lên tiếng, tôi nhận ra âm sắc của người miền Đông". Sau khi nghe báo cáo, Kiso liền lên tiếng khen ngợi người samurai tử trận và bảo: "Có lẽ là Saitô no Bettô Sanemorim đất Nagai đấy! Hẵn râu tóc ông ta phải bạc trắng. * Hồi ta thoáng gặp ông ấy ở Kôzuke (Thượng châu, nay là tỉnh Gunma) thì nó đã bạc phần nào. Giờ đây chắc đã trắng như bông*. Vì vậy ta hơi ngò ngợ khi thấy râu tóc người samurai này đen quá. Higuchi Jirô chắc thẩm tra được người này có phải Sanemori hay không! " Nói xong, Kiso cho gọi Higuchi Jirô. Khi vừa đến nơi và đưa mắt nhìn thủ cấp, Higuchi đã không cầm được giọt lệ. "Tội nghiệp chưa! Người này đúng là Saitô no Bettô Sanemori đấy! Ông ta thường lo là nếu mình phải ra trận khi đã quá tuổi 60 sẽ khó lòng lên tuyến đầu để đối địch với các chiến sĩ trẻ. Nhưng ông cũng không muốn để họ chê mình già. Ông bảo mình sẽ nhuộm râu tóc bằng mực để có thể xung trận như một thanh niên. Như vậy thì chắc ông ấy đã nhuộm đen râu tóc đó. Chúng ta đem đi rửa thử xem." Chưa nói hết lời, Higuchi đã xách chiếc thủ cấp ra ngoài.

Hợp xướng: Trước mặt ngài Kiso và bên cạnh bờ ao này, có những cành liễu rủ bóng trên nước biếc như đang soi gương. (Nochijite dùng lá quạt làm cử chỉ rót thuốc nhuộm lên tóc). Giữa một ngày bình yên với nắng đẹp, trời xanh, chỉ có chút gió hiu hiu như muốn chải đầu tơ liễu, Higuchi đã chải tóc cho Sanemori. Lúc đó băng mới vừa tan và những ngọn sóng đã đẩy dạt rong rêu cũ[21] Higuchi đã rửa chòm râu của Sanemori giống như vậy. Thế rồi mực nhuộm đã làm sạch đi, để lộ hết râu tóc tự nhiên của ông. Lúc đó, người đứng chung quanh đều cảm thán: "Một chiến sĩ xứng đáng với thân danh tất phải hành động như lão già này!". Tất cả đều sụt sùi vì xúc động.

Hơn thế, Sanemori [22] không mang trên người chiếc áo hitatare bằng gấm đỏ chỉ vì sở thích riêng tư. Trước khi rời khỏi Kyôto, tôi (= Sanemori) đã đến gặp để thưa chủ tướng là ngài Taira no Munemori, con thứ của ngài Taira no Kiyomori (thủ lĩnh Heike) và thưa rằng: "Trong sự tích nói về Chu Mại Thần [23], có đoạn cho biết ông ta đã mặc áo gấm khi về quê hương. Tuy Sanemori tôi sinh ra trong vùng Echizen nhưng những năm gần đây lại nương náu ở trang Nagai xứ Musashi vì (gia đình) được ban cho một lãnh địa. Lần này khi (phụng mệnh chủ tướng) lên miền Bắc (ý nói Echizen) [24] chiến đấu, tôi biết chắc mình sẽ bỏ xác nơi đây. Việc được mặc một bộ áo bằng gấm đỏ, đối với tôi, nếu bảo là kỷ niệm tuyệt vời nhất của một người già khi về lại cố hương thì chắc cũng không ngoa. Vậy xin ngài cho phép tôi được mặc áo làm bằng gấm đỏ" [25]Thế rồi Sanemori đã được (chủ tướng) ban cho một chiếc áo hitatare màu đỏ bằng gấm..

Sanemori: Xưa có bài thơ: "Vẹt những lá phong đỏ / dọn con đường ta đi / ...

Hợp xướng: "...Làm người khác nghĩ rằng / Ta về trong áo gấm" [26]. Người làm bài thơ này chắc cũng từng có tâm sự như ta. Bao nhiêu thế kỷ về trước, ở Trung Quốc, Chu Mại Thần khi về cố hương đã vẫy tay áo thụng dệt bằng gấm từ Cối Kê (Kuaiji). Hôm nay Sanemori đã tìm được công danh nơi Bắc quốc (ý nói Shinohara, Echizen) và sẽ lưu lại tên tuổi đến nhiều đời sau như một trang vũ sĩ. Từ giờ này cho đến khi trời rạng sáng, hãy cho phép tôi kể lại những điều sám hối của mình.

H. Sanemori tiếp tục sám hối rồi biến mất:

Sanemori tiếp tục bày tỏ lòng sám hối và kể lại những giây phút cuối cùng của đời mình khi quyết chiến với Tezuka nhưng cho nhiều chi tiết hơn. Kể xong, ông bèn cầu xin Du Hành thượng nhân hồi hướng cho mình bằng cách tụng kinh xưng danh Đức Phật A Di Đà.

Hợp xướng: Đây đúng là một câu chuyện về sự sám hối. Hãy làm sao để nước trong lòng ngươi cũng lắng cho đến đáy [27]. Đừng để một vật gì bám víu vào đó nữa.

Sanemori: Những dục vọng tham luyến đã ràng buộc tôi với thống khổ của Địa ngục A-tu-la, trải biết bao lần mà không sao thoát được. Khi tôi muốn kiếm đại tướng chỉ huy bên địch là Kiso Yoshinaka để giao chiến thì (tên tiểu tướng) Tezuka đã tiến ra ngáng đường chận đứng được tôi. Cho đến bây giờ, lòng tôi vẫn tràn đầy hối tiếc.

Hợp xướng: Nhiều võ tướng đã tiến ra phía trước và lần lượt xưng danh. Kẻ đầu tiên xáp lại gần tôi là...

Sanemori: Tezuka no Tarô Mitsumori.

Hợp xướng: (Lúc đó) một thủ hạ (rôdô)[28] của Mitsumori muốn bảo vệ chủ mình.

Sanemori: Chen ra đứng giữa tôi với hắn.

Hợp xướng: Rồi chạy bám theo một bên hông để đấu với tôi.

Sanemori: "Khá khen cho mi! [29] Muốn đánh nhau với ta, người dũng sĩ số một Nhật Bản này chăng?" Khi ta nói xong...

Sanemori / Hợp xướng: Bèn ghìm đầu tên đó xuống phần trước yên ngựa, cắt đi và vứt ra xa. (Nochijite làm cử chỉ cắt đầu kẻ địch)

Hợp xướng: Sau đó, Tezuka no Tarô Mitsumori đã vòng qua bên trái địch thủ. Ông ta cho tay nắm lấy giải giây áo giáp của Sanemori, lật ngược lên và đâm vào đấy hai nhát kiếm. Thế nhưng Sanemori cũng chụp được Tezuka và cùng nhau rơi xuống, họ lăn đùng giữa hai thớt ngựa.

Sanemori: Buồn thay cho người tướng già.. (Nochijite quỵ đầu gối)

Hợp xướng: Như một thân cây khô bị gió lay đến gãy, Sanemori sức cùng lực tận, bị Tezuka đè lên người và ngay lúc đó, một thủ hạ của hắn chạy đến cắt đầu ông. Sanemori đã trở thành một nắm đất vô danh trên cánh đồng Shinohara, biến mất đi không để lại vết tích. Xin người hãy niệm Nam Mô A Di Đà Phật để ai điếu vong hồn của Sanemori. (Nochijite ngẩng đầu lên và làm cử chỉ khấn khứa)


Danh tướng Kiso Yoshinaka (1154-1184, ảnh minh họa)

(Kết thúc vở)

Phần Chú Thích:

[1] - Yugyô shônin là tên chỉ chung các tăng du hành của Thì tông, còn gọi là Du Hành Tông, một môn phái tách ra khỏi Tịnh Độ Tông và Tịnh Độ Chân Tông. Mọi giáo chủ của tông này đều mang tên Tawami (Tha A Di). Họ bắt đầu với khai tổ Ippen (Nhẩt Biến, 1239-1289), chuyên môn du hành để giảng đạo, niệm Phật và múa hát. Theo truyện ký của phái còn lưu lại thì nhân vật Du Hành thượng nhân thấy trong vở tuồng này là vị tổ đời thứ 14, người có liên quan đến giai thoại khai ngộ cho vong linh của Sanemori. Có lẽ Tha A Di là "tha lực của A Di Đà" (?)

[2] - Sanemori là võ tướng cuối đời Heian, gốc gác Heike nhưng đi phò Genji một thời, sau trở lại với Heike. Gia đình trước kia sống trong vùng Echizen (phía đông Fukui) nhưng đến đời ông nội thì dời về Nagai thuộc Musashino (Tokyo-Chiba ngày nay) vì có ấp phong ở đấy. Khi cùng chủ tướng phía Heike là Taira no Munemori đối địch với quân Genji do Kiso Yoshinaka chỉ huy, đã nhuộm tóc cho đen để bày tỏ tinh thần quyết chiến. Chết về tay Tezuka Mitsumori vào năm 1183, lúc đã 73, 74 tuổi.

[3] - Shino = một loại trúc. Hara = cánh đồng. Địa danh. Những cánh đồng thường là bãi chiến trường (chẳng hạn Sekigahara).

[4] - Nhật ký của nhà sư tọa chủ chùa Daigoji (Đề Hồ Tự) tên là Mansai (Mãn Tế), cố vần tâm phúc của ba đời Shôgun thời Muromachi, ghi chép việc mỗi ngày từ năm 1413 đến 1422. Tên đầy đủ của nó là Mansai Jugô Nikki (Mãn Tế Chuẩn Hậu Nhật Ký). Từ Jugô (chuẩn hậu) là một chức vị chưa rõ (nếu dành cho đàn ông).

[5] - Lời kinh A Di Đà: Túng thị Tây Phương quá thập vạn ức Phật thổ hữu thế giới danh viết Cực Lạc.

[6] - Xuất phát từ lời giảng của Đức Phật cho phu nhân Vi Đề Hy (Idaikei) thấy trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh (còn được gọi là Quán Kinh), một trong ba tạng kinh của phái Tịnh Độ: Tha lực bản nguyện chi hóa dụng, Cực Lạc bất viễn, cấu thập vạn ức sat na chi Tây, Di Đà tại dĩ tâm, hiện nhất tòa hoa đài chi hình (theo Đại Nguyên đàm nghĩa văn thư sao).

[7] - Ý một bài thơ của tăng Ippen (Nhất Biến), khai tổ của những tăng sĩ du hành Thì Tông:"Dẫu chỉ còn một mình sau khi những người khác đã bỏ đi, cứ đứng trong chỗ đọc kinh (Pháp trường) và niệm danh xưng cao quý của Đức Phật".

[8] - Sênh (Shô), nhạc khí để thổi dùng trong Nhã nhạc (Gagaku) cung đình Nhật Bản, vốn truyền vào từ Trung Quốc, cấu tạo bằng cách ghép 17 ống trúc, trong đó có 2 ống vô âm.Giống như cái Khèn cỡ nhỏ.

[9] - Cảnh "Thánh chúng lai nghênh" với Đức Phật A Di Đà và chư Bồ Tát hiện ra trên chòm mây tím giữa tiếng sênh phách nghe réo rắt. Ý thơ (Hán thi) của tăng Jakushô (Tịch Chiếu Đại Sư, ? - 1034) tức nhà thơ Ôe no Sadamoto của dòng họ Ôe danh giá, viết vào giờ ông lâm chung chép trong Tục bản triều vãng sinh truyện. Truyện Heike trong tiết gọi là Quán đỉnh (Tắm Phật) cũng như nhiều văn bản khac đều có miêu tả cảnh này.

[10] - Ban ngày (Nhật trung). Phái Thì tông tổ chức 6 lần tụng kinh trong một ngày, gọi là Lục thì lễ tán. Gồm có: Thần triêu, Nhật trung, Nhật một, Sơ dạ, Trung dạ, Hậu dạ)

[11] - Sự tích Con rùa mù, Hoa ưu đàm. Một thành ngữ cổ có liên quan đến Kinh Pháp Hoa, xem việc nhân duyên gặp gỡ Đức Phật là một cơ hội cực kỳ hiếm hoi. Lại có thành ngữ: Nhân thân nan thụ. Phật pháp nan ngộ.[12] - Bettô (Biệt đương) là chức quan quản lãnh một trang viên (đồn điền lớn và cũng là đơn vị kinh tế quan trọng thời trung cổ). Có thể dịch: Chức Bettô tên là Saitô Sanemori.

[13] - Thơ của Minamoto no Yorimasa (Nguyên, Lại Chính) trong Shika Waka shuu (Từ hoa Hòa ca tập), một tập thơ tuyển theo sắc chiếu.

[14] - Hồn và phần dương (linh hồn), phách là phần âm (thể xác) của một người sau khi chết đi. Hồn vía (ba hồn bảy vía).Thơ Tam thể thi: Hồ qui minh mạc, phách qui tuyền.

[15] - Ý bài thơ của một tác giả vô danh nhưng rất nổi tiếng trong Kokin-shuu (Cổ Kim Tập, bài 942). Đại ý: Cõi đời này là mộng hay là thực? Ta nào biết hiện thực hay mộng ảo vì nó vừa là thế mà lại không thế.

[16] - Ý đến từ một bài thơ của vương tử Ariwara no Narihira trong ruyện Ise (Ise Monogatar, bài số 114): "Xin tha thứ cho vóc dáng già nua của tôi. Ngay cả những con hạc trên đồng lúa còn khóc vì hôm nay là ngày cuối cùng tôi được đến thăm em trong chiếc áo khoác phường săn (kariginu) này".

[17] - Gọi là moegi-iro hay màu hành non, tượng trưng cho tuổi trẻ.

[18] - Nhất niệm Di Đà Phật. Diệt vô số lượng tội.Hiện thụ vô tỉ lạc. Hậu sinh thanh tĩnh thổ..

[19] - Higuchi Jirô, phó tướng của Kiso Yoshinaka. Một trong Tứ Thiên Vương (4 tướng mạnh dưới trướng Kiso).

[20] - Tezuka no Tarô Mitsumori: người họ Tezuka, tên Mitsumori, con trai cả trong nhà (Tarô), một bộ hạ bên cạnh Kiso..

[21] - Đến từ ý thơ của Miyako no Yoshika (Đô, Lương Hương, 834-879): trong Waka Rôeishuu (Hòa Hán lãng vịnh tập)..

[22] - Trong Nô, có khi người ta nói về mình bằng ngôi thứ ba.

[23] - Chu Mại Thần (Zu Maichen), VN thường đọc là Mãi, một vị quan đời Vũ Đế nhà Tiền Hán, xuất thân nghèo khổ, bán củi kiếm cơm, bị người chung quanh khinh rẽ nhưng rất chăm học và có tài năng. Sau được bổ nhiệm Thái thú Cối Kê, bình định được cuộc nổi dậy ở vùng Đông Việt. Nhiều năm sau đó đã mặc áo gấm về làng trong vinh quang. Lại có câu thơ cổ trong Hán Thư nói về Hạng Tịch: Phú quí bất qui cố hương. Như ý cẩm dạ hành (Giàu sang mà không về quê hương thì như người mặc áo ấm đi đêm)..

[24] - So với kinh đô Kyôto thì Shinohara và vùng Echizen phải nằm ở phía Bắc. Đất Echizen thuộc địa khu gọi là Hokuriku (Bắc Lục) bao gồm các tỉnh Fukui, Ishikawa, Toyama và Niigata bây giờ.

[25] - Áo gấm đỏ chỉ dành cho trang đại tướng. Lúc đó Sanemori đã quá già, không còn được phép chỉ huy nên không quyền mặc áo ấy và không có bộ hạ theo hầu.

[26] - Thơ vô danh thấy trong phần thơ Thu của thi tuyển Gosen Wakashuu (Hậu Tuyển Hòa Ca Tập, ra đời khoảng năm 951, soạn theo sắc chiếu của Thiên hoàng Murakami).

[27] - Để liên tưởng đến nước ở trong ao Shinohara.Lại có chữ Pháp thủy để ví dụ tính thanh tĩnh của đạo giống như nước, có thể rửa sạch cáu bẩn của tội lỗi (Pháp tỉ như thủy năng tẩy cấu uế) (theo Vô Lượng Nghĩa Kinh và Pháp Hoa Huyền Nghĩa)

[28] - Thủ hạ, nguyên văn là lang đảng hay lang đẳng (rôdô), tức là tôi tớ riêng từ lãnh địa theo phò một samurai và không có máu mủ với người này, để phân biệt với ie no ko (con cháu trong nhà). Đây là một hình thức tổ chức cơ sở của quân đội thời trung cổ Nhật Bản.

[29] - Appare! Một lời khen tặng đến từ chữ Aware và là tiếng quen dùng vào thời trung cổ.

Lạm bàn của người dịch:

Sanemori là một vở tuồng diễn vào lớp 2. Loại tuồng này nói về các chiến sĩ samurai. Đối tượng của nhân vật chính trong đó thường là một thầy tăng vân du. Lần này, thầy tăng ấy là một nhân vật có tầm cỡ, ngài Du Hành thượng nhân, người từng xuất hiện trong một vở Nô khác không kém phần quan trọng:Yugyôyanagi (Du hành liễu) của Kanze Nobumitsu.

Nhân vật Saitô no Bettô no Sanemori cũng đến từ một cái kho nhân vật đặc biết dành cho lớp diễn thứ hai, đó là Truyện Heike, nhưng ở đây, đặc điểm là chủ đề nói về bi kịch của tuổi già.

Theo bà Shirasu Masako (xem thư mục tham khảo) thì Sanemori vốn là dòng dõi quí tộc Fujiwara, xuất thân vùng Echizen (Fukui) nhưng đến đời ông nội thì vì có thực ấp ở Nagai trong xứ Musashino (Tôkyô-Chiba) mới đưa cả nhà đến đó. Trong lòng Sanemori, quê hương gốc rễ vẫn là Echizen miền Hokuriku.

Do đó, khi quân đoàn Heike gặp cảnh bất lợi trước sự tấn công vũ bão của tướng Genji là Kiso Yoshinaka, ông đã xin phép vị chỉ huy của mình là Taira no Munemori cho đánh một trận cuối cùng với tư cách tướng chỉ huy và xin được mặc khôi giáp với áo gấm đỏ. Vào thời xưa, khi ra trận mạc, người ta còn giữ được nhiều tục lệ anh hùng mã thượng như xưng tên mình cho địch thủ và đánh tay đôi. Tướng trẻ có thể chê tướng già là không xứng tay và từ chối đọ sức. Sanemori lúc đó vì đã trên 70, phải nhuộm râu và tóc cho đen để được các tướng trẻ chấp thuận giao đấu. Như vậy,, với râu và tóc nhuộm đen, trong khôi giáp với áo gấm đỏ, ông đã xung trận với ý định quyết đấu tay đôi với Kiso Yoshinaka, vị chỉ huy của địch quân.

Áo gấm đỏ được xem như áo gấm mặc về làng (ý cẩm qui cố hương) trong trận đánh quyết tử mà ông tham dự ở quê nhà Echizen. Cái áo gấm đó mang hình ảnh một Chu Mại Thần vinh qui bái tổ. Sanemori muốn là mình dù sống hay chết đều phải kết thúc cho đẹp. Còn như ước mơ quyết đấu với Kiso Yoshinaka nếu có là vì ngày xưa, lúc Yoshinaka chỉ là một cậu bé lên 2 và cả nhà gặp cảnh bị tru diệt, Sanemori đã nương tay phóng thích dù được lệnh trên phải giết cậu luôn để trừ hậu hoạn. Nếu không ngại người ngoài dòm ngó thì lúc đó, ông đã có thể nhận cậu làm con nuôi.

Giả sử Sanemori chết dưới tay Kiso Yoshinaka, ông sẽ xem như mình có vinh dự chết dưới tay một người mình đã "gầy dựng" cho và cũng là để đền ơn trả nghĩa chủ cũ Genji. Còn nếu ông giết được Yoshinaka thì điều đó lại chứng tỏ là ông đã tận trung với chủ mới Heike và chiến thắng trước một nhân vật quan trọng là Kiso, chủ tướng phe địch. Theo cách hiểu của người Nhật thì hành động quyết tử của Sanemori vừa tượng trưng cho một cuộc chiến đấu chống lại sự yếu kém của bản thân (tuổi già và sự suy sụp của cá nhân), vừa nói tâm sự muốn trả ơn (ongaeshi) để trọn tình trọn nghĩa với những ân nhân cũ.

Armen Godel (xem tư liệu tham chiếu) thì ngược lại. Ông không nghĩ như vậy. Dịch giả và nhà nghiên cứu Âu châu này xem hành động quyết tử của Sanemori là sự tự diệt, tự sát, là bước đường cùng của một người đã tráo trở nhiều phen. Đầu tiên, Sanemori xuất thân bộ hạ Heike, sau trở giáo theo Genji và cuối cùng, chết dưới danh nghĩa một chiến sĩ Heike. Godel còn xem hành vi nhuộm râu tóc cho đen của Sanemori là cố gắng để đánh lừa mọi người và chính mình một lần cuối.

Trong trận Shinohara (tháng 5/1183), Sanemori không xâm phạm được đến người đại tướng Kiso Yoshinaka vì chưa gì ông đã bị tiểu tướng Tezuka no Tarô Mitsimori xông ra ngáng đường. Viên dũng tướng Sanemori của ngày nào nay không còn đủ sức đương cự gã tướng trẻ sung sức và rốt cuộc đã bị Tezuka cắt lấy thủ cấp.

Trong phần Kyôgen (không được dịch ở đây nhưng có thể tìm trong bản dịch của Godel) thì qua lời của vai Ai (Dân làng), Sanemori còn tệ hơn thế nữa. Không những đã đổi chủ nhiều phen, ông còn đào tẩu trong trận đại bại ở chiến trường Kamohara vùng Suruga, khi quân đoàn của Heike mất tinh thần đã tháo chạy vì hoảng sợ trước tiếng động xôn xao của những chú vịt trời trên đầm (mà họ tưởng là quân Genji tập kích). Có lẽ vì những lý do đó mà Sanemori mới muốn đến Shinohara để chết.

Cũng theo Armen Godel, bi kịch của Sanemori là bi kịch của một người đã đánh mất cái tên, mất cả thân danh. Nhân vật ấy không biết mình thực sự là người của phe nào, Heike hay Genji? Ra trận ông không dám xưng tên vì sợ những viên tướng trẻ từ chối giao đấu với mình, một kẻ đã quá cái tuổi lên ngựa cầm kiếm. Khi chết rồi, ông cũng không dám xưng tên với Du Hành thượng nhân vì tủi hổ cho sự suy sụp về thể lực cũng như những mê lầm đã dẫn ông tới cảnh thống khổ trong địa ngục A Tu La. Ông như người đứng giữa ngã ba đường và không ngừng đặt câu hỏi cho mình: "Ta là ai?".

Dù sao, cách lý luận của Godel là đem điều trung nghĩa để qui kết hành động của các samurai vào một thời đại chưa có khái niệm luân lý nhà Nho nơi các chàng dũng sĩ hoang dã đất Kantô. Rốt cuộc chắc chỉ có Du Hành thượng nhân là kẻ duy nhất nhìn thấy rõ ràng nhân cách của Sanemori và tìm ra phương cách giải thoát cho linh hồn ông.

Như thế, Sanemori là một vở tuồng đáng cho chúng ta suy gẫm nhất là giữa một thời đại mà khoảng cách giữa các thế hệ (generation gap) trở thành một mối ưu tư lớn trong xã hội. Ngoài những phức tạp tâm lý vừa kể, một điểm nhỏ xin được nêu lên để kết thúc ở đây là vở tuồng này còn tập trung vào việc ca tụng giáo phái Thì Tông và sức mạnh của việc niệm Phật A Di Đà, khác với những gì đã xảy ra trong vở Dôjôji mà một trong những mục đích là đề cao sức mạnh thần thông của bùa chú Mật tông.

Tôkyô ngày 23 tháng 4 năm 2020
Thư mục tham khảo:
 
  1. Sanemori (Thực Thịnh), bản song ngữ Anh-Nhật 1.0 do The Noh.com phát hành ngày 18/9/2019. Bản kim văn và ngoại văn tham chiếu.
  2. Sanemori (Thực Thịnh) bản cổ văn có chú thích của Yôkyoku Hyakuban (Dao Khúc Bách Ban / 100 vở tuồng Nô). Nguyên tác Nhật ngữ.
  3. Armen Godel và Koichi Kano dịch Sanemori trong La lande des Mortifications. Vingt-cinq pièces do Nô (Cõi thống khổ. Hai mươi lăm vở tuồng Nô). Gallimard Paris xuất bản 1994. Bản ngoại văn tham chiếu.
  4. Sanemori (Thực Thịnh) trong Yôkyokushuu (Dao Khúc Tập) quyển trung, do Itô Masayoshi hiệu chú, Shinchô xuất bản, Tôkyô 1988. Nguyên tác Nhật ngữ.
  5. Shirasu Masako, Dao khúc đến từ Truyện Heike (Heike Monogatari no Yôkyoku), phần nói về Sanemori (Qui cố hương, từ trang 115). Kôdansha Bungei Bunko xuất bản, 1998. Ấn bản lần thứ 9 (2005).