Yamamoto
Shuugorô
Truyện ngắn
"Khi thầy đi vắng" hay là "Đợi đến khi Kura no Suke về nhà"
(Kura no Suke rusu) đăng lần đầu tiên trên tạp chí Kingu (King,
số tháng 11 năm 1940 và được nhà xuất bản Mitsumura Zusho
chọn để đưa vào giáo khoa thư môn quốc văn bậc trung học
từ năm 1987.
Tác giả Yamamoto
Shuugorô, tên thật là Shimizu Satomu (1903-67), quê ở tỉnh Yamanashi.
Xuất thân nghèo khó, không được học cao, phải chạy việc
vặt cho một tiệm cầm đồ, sau mới trở thành ký giả rồi
bước vào văn đàn. Ông là một cây bút cự phách của văn
học đại chúng. Tác phẩm của ông trình bày được nỗi
bi hoan của kiếp người và những nét đẹp của một Nhật
Bản cổ xưa. Đáng kể nhất có Bên cạnh chùa Suma (Sumadera
fukin)), Y sĩ râu đỏ (Akahige), Truyện ký về phụ nữ Nhật
Bản (Nihon fudôki), Còn lại duy tùng bách (Nomi no ki ga nokkotta)...Yamamoto
từ chối mọi giải thưởng văn học vì cho rằng mình chỉ
chịu trách nhiệm trước độc giả.
Một
Okada Tora no Suke
chợt khựng lại khi anh đến chỗ con đường chia thành hai
ngả, lặng lẽ ép mu bàn tay quệt lên vầng trán trắng đang
ướt đẫm mồ hôi để lau, vừa nhấc cái nón lá trên đầu
và tần ngần đưa mắt nhìn cảnh vật hai bên đường...Đó
là một vùng đất bằng phẳng nằm giữa hai ngọn đồi thoải
thoải. Dù đã vào cuối tháng 8 nhưng buổi chiều hôm đó,
trời hãy còn nóng như thiêu như đốt. Ánh nắng chiếu lấp
lóa trên lớp cỏ dại cao đến đầu người và kéo về phía
những khu rừng chồi và rừng thưa nằm rải rác xa gần, chói
chang đến nhức mắt. Lác đác có vài chỗ đã được khai
khẩn nhưng phần còn lại hầu như là đất hoang để cho cây
cỏ mặc tình xâm lấn. Đặc biệt là con sông Meguro, một
dòng nước chảy ở giữa dải đất bằng này, năm nào năm
nấy lũ lụt tràn bờ cho nên hai bên kè sông bày ra nhiều
tầng cát sỏi rộng màu đỏ cạch.
-Chậc, biết tìm
cách nào cho ra nhỉ?
Lòng lo lắng, Tora
no Suke tự nhủ. Bất đồ anh nheo mắt nhìn về hướng đối
diện. Trên mặt đường khô se và đầy bụi, anh nhận thấy
có một bóng người đang tiến về phía mình. Người ấy đội
một cái nón mê đan bằng tre, lưng mang một cái gùi cũng bằng
tre. Anh còn tưởng là một nông dân sống đâu đây ở vùng
bên cạnh thì thấy người đến gần bên chỉ là một thiếu
nữ tuổi trạc 17 hay 18. Tora no Suke đợi cho cô ta thật gần
mới lên tiếng hỏi:
-Cảm phiền cho
tôi hỏi thăm một câu nhé!
-...Thưa vâng!
Cô gái trả lời
và cởi chiếc nón.
-Tôi nghe nói thầy
Bessho Kura no Suke sinh sống chung quanh vùng này? Nếu cô biết
nhà tiên sinh, xin vui lòng chỉ giúp!
-Vâng, em biết chứ!
Cô gái trả lời
anh bằng một giọng rành mạch:
-Nếu ông muốn
hỏi nhà của tiên sinh thì xin thưa là nó nằm trong khu rừng
đằng trước mặt Chỗ ấy bây giờ người ta đang vỡ đất.
Nó nằm bên tay phải dưới bóng khu rừng.
-Xin lỗi đã làm
phiền và buộc cô phải dừng bước.
Tora no Suke bèn cúi
đầu thi lễ rồi chia tay cô gái.
Anh vốn là con trai
của một thân sĩ ở quận Gamao xứ Ômi, thuở bé đã giỏi
kiếm thuật, lại được sự dạy dỗ của thầy Saitô Itsuki,
một nhà binh pháp nổi tiếng suốt vùng Kinai [28].
Từ đầu mùa hè năm vừa rồi, anh đã được thày truyền
cho nhiều chiêu thức của môn phái, lại dặn dò là hãy tìm
đến Edo để học thêm bí quyết của thầy Bessho Kura no Suke
và nhân đó, viết cho anh một bức thư giới thiệu....Bessho
Kura no Suke là một cao thủ kiếm phái Tenshin chính truyền,
trước kia đã từng được Shôgun Idemitsu khẩn khoản mời
vào dạy kiếm trong thành Edo nhưng lúc đó, nhà Chúa đã có
sẵn dưới trướng các gia sư xuất thân từ hai kiếm phái
Yagyuu và Ono nên ông không nhận lời với lý do mình sẽ trở
thành kẻ vô dụng. Khí phách con người cũng như kiếm pháp
đặc dị của mình đã khiến ông trở thành một kẻ oai danh
trong làng kiếm đương thời. Tora no Suke dĩ nhiên từng nghe
đến tên tuổi ông nên đã hăm hở lên Edo nhưng lúc đó,
Kura no Suke sau khi từ giã đạo trường (dôjô) đã về sống
ẩn dật trong thôn Meguro. Chưa kịp nghỉ ngơi, Tora no Suke đã
vội vã khoác hành trang để tìm đến đây nhưng thôn làng
này cực kỳ hẻo lánh, ngoài cả dự tưởng của anh. Thành
ra anh mới tự nhủ là không biết nhà thầy ấy ở đâu và
phải kiếm bằng cách nào. .
Theo lời chỉ dẫn
của cô gái, anh bước thêm 4, 5 chô nữa [29]
thì chợt thấy ở phía tay phải có một khoảnh đất khá
rộng đang được khai khẩn, có nơi đất cát đã được đào
xới lên. Một nông phu già đang vung tay cuốc không ngừng nghỉ.
Để cho chắc ăn, Tora no Suke bèn lên tiếng gọi lão nông đó
nhờ chỉ đường thêm.
-À! Té ra mục đích
của ông là như vậy?
Lão nông bèn dừng
tay cuốc và quay đầu lại:
-Đúng là đi về
phía này nhưng ông phải men theo khu rừng và xuống một cái
dốc nơi có chỗ đất trũng. Tuy nhiên hiện giờ tiên sinh
đang đi vắng, không có nhà đâu.
-Đi vắng? Nghĩa
là thế nào ạ?
-Thầy ấy dọn
đến đây hồi tháng hai, sau khi sống một thời gian độ 50
hôm, lại đi lăng quăng hết chỗ này đến chỗ nọ nhưng
không ai biết là đi đâu mà đến hôm nay vẫn chưa thấy về.
-Nhưng thầy ấy
phải có học trò hay người nhà ở lại trông nhà cho chứ?
-Tuy không thể gọi
là học trò nhưng hình như có khoảng 5 anh đến xin tu nghiệp.
Họ đều ở tạm nơi đó đợi đến ngày thầy về. Có lúc
đông tới 14, 15 người, nhưng hình như hiện nay chỉ có 5
anh là còn tá túc.
-Thế lão trượng
cũng là người sống trong vùng?
-Vâng! Nơi có cánh
rừng cây hạt dẻ đằng kia là nhà tôi đó.
Tora no Suke cảm
ơn lão nông rồi đi vào một con đường mòn....Mình đã được
chỉ dẫn đến đúng nơi đúng chỗ mà khổ cái, người muốn
gặp lại vắng nhà. Nhưng nếu những kẻ tìm đến đây tu
nghiệp có thể ở lại chờ thầy Kura no Suke về, chắc mình
cũng có thể xin ở lại đợi như họ chứ nhỉ? Nghĩ như
thế rồi Tora no Suke bèn men theo con đường hẹp nơi cỏ dại
ra hoa um tùm và tiến tới. Khi chui vào khu rừng tuyết tùng
rồi đi thêm chừng trăm bước nữa, anh thấy bên tay trái
có một cánh cổng gỗ cũ kỹ nom thật thanh nhã u nhàn, trên
đó có gắn cái biển nhỏ đề mấy chữ "Bessho Kura no Suke".
Vào bên trong và đi xuống một con dốc thoai thoải bao kín
bởi những bụi trúc lùn là đến một khu đất trũng, anh
thấy có một mái nhà có vẻ nghèo khổ của nông gia. Tới
nơi anh mới nhận ra là giữa vạt đất rộng dùng như sân
trước của ngôi nhà, đang có 4, 5 gã trai tráng vừa đấu
kiếm vừa quát tháo dữ dội. Khi thấy Tora no Suke lặng lẽ
cởi nón lá ra và tiến lại gần bên, họ đồng loạt dừng
tay và quay đầu lại.
Hai
-Anh có việc gì
cần à?
Một gã lực lưỡng
nước da ngăm ngăm với đôi vai rắn chắc như đá tảng tiến
về phía Tora no Suke. Ở cuối mi mắt trái của gã có một
cái nốt ruồi đen to gần bằng đầu ngón tay. Khi Tora no Suke
lễ phép trình bày lý do cuộc viếng thăm, đại hán kia chẳng
thèm nghe cho hết câu đã xua tay nhặng xị:
-Không được! không
được!
Anh ta nói một cách
khoái trá:
-Đến đây làm
gì cho mất công. Thầy đi vắng rồi! Thôi mai mốt, lần khác
nha!
-Tôi cũng biết
là thầy đang đi vắng chứ!
Tuy không hài lòng
trước sự chào đón bất lịch sự như thế, Tora no Suke vẫn
giữ bình tĩnh nói tiếp:
-Nếu ông anh đây
cũng đang đợi thầy thì có thể nào cho phép tôi xin một
chỗ trú chân trong nhà để cùng chờ thầy về hay không vậy?
-Đúng là bọn tớ
đang đợi thầy về đó. Thế nhưng ngôi nhà này không phải
là một túp lều che mưa đụt nắng mà bất cứ ai muốn nhảy
bừa vào cũng được đâu.
Kiểu trả lời
của anh ta như của kẻ đang sẵn sàng gây hấn.
-Vậy thưa anh, thế
thì tôi phải có điều kiện gì cơ ạ?
-Này nhé! Cách thức
dạy học của thầy Bessho không giống như ba cái đạo trường
(dôjô) cậu thấy nhan nhản ngoài phố đâu. Nếu muốn xin
thầy chỉ giáo, ít nhất phải có một trình độ kiếm thuật
trội hơn người. Do đó, nếu cậu muốn đứng đây chờ cho
dến khi thầy về thì phải so tài và đánh thắng chúng tớ
ngay bây giờ. Từ đó, nếu được nhìn nhận là đủ trình
độ thì chúng tớ sẽ cho phép cậu nhập bọn.
-Có phải đó là
qui tắc thầy đã lập ra không?
-Không, làm gì có!
Bất chợt anh nghe
có tiếng người trả lời như vậy rồi từ phía bên kia,
một ông già đi tới. Hình như đó là lão bộc của cái nhà
này, một người thân thể nhỏ bé và đã ngoài 60, râu tóc
đều bạc trắng như tuyết. "Thầy có dặn tôi là trong lúc
thầy đi vắng, bất kỳ ai muốn đến đợi thầy đều sẽ
được mời vào trọ trong nhà này cả.".
-Sao ngươi om sòm
thế! Có câm mồm đi không?
Đại hán bên mắt
có nốt ruồi đen chận lời ông già một cách thô bạo:
-Cho dù thầy có
nói thế chăng nữa, một khi Kamiya Kojuurô này đã tự xem mình
như người giữ nhà cho thầy rồi thì sẽ không để cho những
kẻ thiếu tư cách có quyền vác xác tới đây. Một là bây
giờ chịu tỷ thí với chúng ta, hoặc hôm khác lại tới.
Mọi việc cứ để cho ông đây quyết định!
Có kẻ bỗng hùa
theo, buông lời thóa mạ anh:
-Mặt mày trắng
trẻo như thế kia thì đánh đấm nỗi gì!
-Muốn đến đây
xin xách dép ăn tiền à? Thôi thì quẳng hai ba xu để hắn
cút đi cho rảnh!
Bọn đứng phía
kia lại chòng ghẹo thêm vào. Tora no Suke ngao ngán nhưng thay
vì nổi giận anh chỉ thấy họ buồn cười. Anh nghĩ họ không
phải là bọn đáng cho mình trả lời:
-Thế thì hôm nào
xin các anh cho phép tôi trở lại vậy!
Anh chỉ nói có
bao nhiêu đó rồi quay gót.
Đằng sau lưng anh,
tiếng chửi bới vẫn vang lên không một chút dè dặt và như
đuổi theo anh. Khi anh theo còn đường mòn để quay lại khu
rừng chồi thì thấy lão nông hồi nãy vẫn đang vung tay cuốc.
Tora no Suke cúi đầu chào rồi định bỏ đi luôn nhưng ông
lão đã dừng tay và hỏi như thấy thái độ anh có gì lạ:
-Sao thế ông? ...Không
phải là ông đợi cho đến khi thầy ấy về à?
-Có chứ ạ. Tôi
vẫn định như thế.
-Thế thì ông đã
bị mấy đứa hung hãn chúng nói gì rồi sao?
Ông lão hỏi mà
làm như đã đoán biết mọi sự tình (an no jô):
-Bọn "cướp núi"
(yamadachi) đó thật trị hết nỗi (te ni oenu). Không cãi cọ
với chúng mà quay về là cách xử sự đúng nhất đấy ông
ạ.
-Thế lão trượng
cũng không lạ gì họ?
-Một phần thì
ông lão bộc Yasuke canh nhà cho thầy ấy có đến kể tôi nghe.
Với lại tôi cũng thường qua lại trong xóm nên khá quen mặt
chúng. Bọn vô lại ấy càng ngày càng tăng thì càng gây rắc
rối.
-Thưa lão trượng...
Tora no Suke định
đi thẳng nhưng chợt quay đầu lại và lên tiếng. Anh nói
tiếp:
-...thực ra thì
tôi muốn đợi đến khi thầy ấy về nên nếu lão trượng
biết chung quanh đây có nhà nào cho ở trọ, xin cụ vui lòng
chỉ giúp. Dĩ nhiên tôi sẽ thanh toán các thứ chi phí và cứ
dành cho tôi xó góc nào trong nhà cũng được.
-Như ông đã thấy,
chung quanh đây hầu như không có một bóng nhà dân...
Lão nông nheo mắt
nhìn ra bốn phía và nói tiếp:
-Nếu như ông chịu
khó một chút thì nhà tôi đây tuy thiếu tiện nghi nhưng vẫn
có thể mời ông đến tạm trú ít bữa. Chỉ có mỗi mình
tôi với đứa cháu nội, chắc không thể chăm sóc ông được
như ý. Với điều kiện sinh hoạt như vậy, không biết ông
có nhận lời hay chăng?
-Chết nỗi! Tôi
nào dám mong mỏi gì hơn thế đâu ạ. Tôi sẽ không để lão
trượng phải bận tâm. Xin giúp tôi với.
Do đó, ngôi nhà
của lão nông không dè đã trở thành nơi trú ngụ của Tora
no suke.
Như đã nói tới
lúc trước, đi hết một vùng đất hoang và tiến về phía
Bắc khoảng chừng 2 tan (vài mươi thước), tới bên trong một
khu rừng cây hạt dẻ là đến nhà lão nông. Nơi đó cũng
không xa gì ngôi nhà của Kura no Suke nên khi thầy ấy có đi
đâu về thì anh sẽ nhận ra ngay. Hơn nữa, lão nông và ông
lão bộc trông chừng nhà Kura no Suke khi thầy ấy đi vắng
hình như vẫn thường giao du qua lại nên có lẽ anh sẽ được
cập nhật thông tin về chuyến đi của thầy ta. Vì vậy, đợi
ở đây hay đợi ở căn nhà trống (rusutaku) của thầy nơi
mọi người đang đợi thầy về nào có khác chi đâu. Nghĩ
thế, Tora no Suke cảm thấy trút đi được nỗi lo và nhắm
ngôi nhà của lão nông mà bước tới. Khi anh vừa qua khỏi
con đường nằm giữa khu rừng cây hạt dẻ dẫn tới sân
trước của ngôi nhà thì thấy nơi giặt giũ quần áo nằm
ở bên tay phải có một người con gái đứng dậy và tiến
ra. Khi hai người nhìn được mặt nhau, họ đều tỏ ra bỡ
ngỡ. Cô chính là thiếu nữ mới đây Tora no Suke vừa hỏi
đường đến nhà Kura no Suke. Tora no Suke chợt hiểu ra thiếu
nữ là cô cháu nội mà lão nông vừa nói tới nên bèn mỉm
cười với cô và cúi chào.
-Mình có duyên với
nhau ghê, cô nhỉ?. Kể từ hôm nay, tôi xin phép cô được
tạm trú trong ngôi nhà này. Thưa cô, tên tôi là Okada Tora no
Suke.
Người con gái hơi
hồng đôi má nhưng đã đáp trả anh bằng một giọng rõ ràng:
-Em hân hạnh được
tiếp rước ông. Tên em là Nami.
Ba
-Ông khách ơi, cơm
sáng đã sửa soạn xong rồi.
Sau khi được nghe
gọi một lúc, Tora no Suke mới mở mắt ra ...Hình như anh dậy
hơi trưa.Ánh nắng chói chang phản chiếu vào bên trong gian
phòng làm anh lóa mắt. Khi vươn vai, anh thấy cái tê rần đọng
trên châu thân của một người ngủ say quá lâu như vừa biến
mất. Anh bèn khoan khoái ngồi dậy rồi đi ra bên ngoài rửa
mặt.
-Ông đang ngủ ngon
quá mà em lại đánh thức. Em thật có lỗi.
-Tôi ngủ ngon thật.
Chắc là mấy hôm phải đi đường xa, bao nhiêu cái mệt mỏi
nó dồn lại. Ô kìa, cây hạt dẻ này sai quả ghê!
-Đó là loại hạt
dẻ chín nhanh (waseguri) đấy ông. Chẳng bao nữa nó sẽ chín
nứt cả vỏ cho xem.
Cô gái múc nước
từ ngoài sông đưa về đặt trong một cái chậu mặt hơi
bằng (chôzudarai), ân cần chuẩn bị cho Tora no Suke rửa mặt,
vừa kể cho anh nghe rằng vùng bên cạnh là nơi sản xuất
một thứ hạt dẻ nổi tiếng....Có lẽ cô gái tuổi chỉ
mới 17, 18, da thịt săn chắc, tuy người hơi nhỏ con một
chút nhưng đôi ngươi biểu lộ vô vàn tình cảm, chúng đen
tuyền và ánh lên như hai quả nho chín. Mỗi khi cười, cô
lại để lộ hai lúm đồng tiền trên đôi má bầu bĩnh, làm
cho cặp mắt mở to thêm. Theo lời kể nghe được vào tối
hôm qua thì tên của lão nông là Kan.emon, từ xưa theo nghiệp
nông ở quận Toshima nhưng năm rồi vừa lui về hưu trí và
sống trong vùng này cùng với cô cháu gái. Tuy ông đã sống
đời ẩn dật nhưng vì quen lao động nên không thể ăn không
ngồi rồi. Ông mới trồng cây ăn quả và từ từ khai khẩn
thêm đất hoang. Có lúc ông còn đùa rằng trước khi chết
ông còn phải ráng làm cho xong một mẫu nữa (itchôbu).
-Có mỗi hai ông
cháu hẩm hút bên nhau, cô không thấy buồn sao?
-Dạ buồn chứ
ông! Cho nên có ông Odaka đến đây trọ, em mừng lắm đó.
Nami gật đầu và
bày tỏ tình thật như thế.
-Cho đến ngày thầy
Bessho về, dù là 3 tháng hay nửa năm, tôi vẫn xin phép được
làm phiền ông cụ và cô.
-Thế thì vui quá
nhỉ?
Cô gái mở to đôi
mắt và nói tiếp: "....Nếu mấy ông rônin (võ sĩ vô chủ)
khó thương đang đợi thầy ấy lại mò đến đây mà trong
nhà chỉ có hai ông cháu, làm sao em không khỏi lo lắng, Tuy
nhiên từ giờ đã có ông Okada, em thấy yên tâm.
-Như vậy cô xem
tôi là lính canh cửa cho cô à?
-Đâu có! Đâu có!
Em nào dám có ý đó. Em chỉ muốn nói là em vững lòng hơn
thôi mà.
-Thế nhưng hai thứ
đó có khác gì nhau đâu, hở cô.
Vừa cười vừa
trao đổi mấy câu như vậy, cả hai bèn bước vào nhà.
Sau khi ăn xong bữa
cơm sáng với canh rau mùa hè và cơm độn hạt kê, cô gái
bèn sửa soạn để ra làm việc ngoài vùng đất hoang. Một
mình Tora no Suke ngồi lại trong nhà nhưng vì không có việc
gì làm nên anh bèn bước ra trước hiên và đưa mắt nhìn
bâng quơ về phía cánh đồng. Rốt cuộc anh lại đứng lên
và bắt đầu thử đi một vòng chung quanh ngôi nhà.
Hết căn nhà nhỏ
chất đầy củi dùng để nấu cơm, anh đi qua cái kho chứa
thóc và căn nhà đựng mấy thứ dụng cụ lặt vặt và sau
đó bước ra ngoài khoanh vườn rau. Phía sau vườn rau có trồng
mấy cây lê, cây thị và giàn nho vốn thấy có bàn tay người
thường xuyên chăm bón. Mấy cây mơ, cây đào và cây hạnh
đều xanh tốt, cành lá vươn ra khắp nơi. Nhìn trên mặt đất
thì thấy cỏ dại đã được người coi vườn cất công nhổ
sạch... Thật không thể nghĩ là những kẻ coi sóc khu vườn
này chỉ có mỗi hai ông cháu. Đặc biệt là cách xếp đặt
vị trí của nhà chính, nhà kho cũng như khu vườn đều rất
đẹp mắt, đưa đến một cám giác bình yên, thoải mái khó
lòng diễn tả...Món nào ra món ấy, chỗ nào ra chỗ đó..
Cách trồng cây ăn quả thành từng cụm, cách xẻ luống trong
vườn rau...đều không có gì quá đáng. Nó làm khách cảm
thấy lòng mình được thư giản đồng thời đã biểu hiện
được tính nhất quán trong lối suy nghĩ của chủ nhân....Nhà
nông xem thế mà đáng nễ thật! Thật vậy, quang cảnh đó
đã gieo vào đầu Tora no Suke một cảm giác "đáng nễ".
Sau đó, vừa đi
vừa suy nghĩ, anh đã qua khỏi nơi đó và tiến về một túp
nhà nhỏ nơi chủ nhân cất đủ thứ dụng cụ làm việc.
Anh mới lấy từ đó cái cuốc và nón mê đan bằng tre đã
cũ kỹ rồi vén ống quần lên và buộc giây quanh tay áo cho
gọn gàng, xong mới đội chiếc nón và bước về phía cánh
đồng hoang...Đã thấy ông lão Kan.emon đang canh tác trên miếng
đất mà anh đã thấy bữa hôm qua. Cô cháu Nami thì nhặt những
chùm cỏ hoang từ vạt đất ông vừa xới lên để đem đi
vứt. Dưới những tia nắng của một mặt trời hãy còn chói
chang, hai ông cháu đều đổ mồ hôi như tắm.
-Ô kìa, ông ăn
mặc như thế để làm chi vậy?
Lão nông nhìn trang
phục khác ngày thường của Tora no Suke và đặt câu hỏi.
-Thưa tôi muốn
ra đây để phụ cụ một tay đấy ạ!
-Nếu ông có lòng
tốt như vậy thì quí hóa quá.
Ông lão bèn mỉm
cười nhưng lại nói tiếp:
-...Tuy vậy, công
việc đồng áng của bọn nhà nông chúng tôi không đơn giản
như ông tưởng đâu. Nếu chỉ muốn làm cho vui thôi thì nên
ngừng ngay từ bây giờ.
-Không, tôi không
muốn làm cho vui đâu cụ ạ! Ngồi không thân thể mụ ra nên
tôi đang muốn làm việc gì phải cần đến sức lực cho đổ
mồ hôi. Tôi sẽ cố để không làm gì phiền đến cụ đâu.
Cụ cho phép tôi tiếp tay một chút nhé!
-Nếu thế thì ông
cứ coi theo đây mà làm. Nhưng có được ba hôm không đấy?
-Coi kìa, ông nội
sao kỳ quá!
Cô gái đưa mắt
nhìn ông mình như ngăn không muốn cho ông nói tiếp. ...Giữa
khi đó thì Tora no Suke đã vận sức vào tay, vung lưỡi cuốc
bổ xuống làm rạp đám cỏ dại trên mảnh đất hoang.
Bốn
Lão nông có lần
nói không biết anh có chịu nỗi ba hôm không?
Thì đến ngày thứ
ba, toàn thân Tora no Suke đã ê ẩm, xương cốt anh đau rần,
tưởng như không còn nhúc nhích nỗi. Đó là thân thể của
một người đã từng tập luyện vũ nghệ từ bé đấy chứ!
Mới nhìn, anh nghĩ đào đất rồi xới nó lên đâu có nặng
nhọc gì cho cam. Thế nhưng, khi bắt tay vào việc, anh kinh ngạc
khi thấy điều lão nông nói là chính xác. Vả lại, hầu như
lưỡi cuốc không chịu nghe lời mình. Mặt đất nơi rễ cỏ
cắm sâu đã đánh bật trở lại một cách thản nhiên cái
lưỡi cuốc mà Tora no Suke đã dồn hết sức bình sinh vào
đó, như thể nó không muốn tiếp thu sức vóc trai tráng của
anh. Còn như ông lão Kan.emon thì tuy thân thể già nua nhưng
tay cuốc vẫn hết sức nhẹ nhàng.
Buổi sáng ngày
thứ ba, lão nông vừa cười vừa bảo anh:
-Người ông đau
lắm, phải không? Ông có giấu giếm tôi cũng thấy mà....Lao
động như chúng tôi là việc hơi khó cho ông đấy. Thôi đừng
kiên trì chi nữa, làm đến đây đã đủ rồi.
-Cụ cho phép tôi
cố gắng thêm tí nữa đi.
Thế rồi Tora lại
bậm môi, cắn răng, lên đường ra đồng.
Hôm đó, anh thật
khổ. Anh bao lần hối hận đã không nghe lời khuyên ngăn của
ông lão mà vác cuốc ra đây. Thế nhưng anh vẫn cố gắng,
lần này không phải vì tự ái cá nhân nhưng là cuộc chiến
đấu thực sự của anh đối với đất đai. Một là anh thất
bại, hai là anh khống chế được nó. Anh quyết tâm mình sẽ
không rời lưỡi cuốc tận đến khi ngã xuống....Lúc ấy,
trời đã quá ngọ.
-Này ông Okada, hãy
xem kìa!
Lão nông dừng tay
cuốc và bảo anh:
-Bọn "cướp núi"
đang nghịch nước đấy.
-Thế cơ à?
Tuy không là một
cảnh tượng đúng như vậy nhưng Tora no Suke cũng ngước mắt
lên xem thử.
Bên bãi sông Meguro,
cách nơi đó chừng hai trăm thước (nichô), những gã rônin
(võ sĩ vô chủ) tạm trú tại ngôi nhà của Besshô lúc ông
đi vắng, đang trần truồng khoe tấm thân lực lưỡng của
chúng, khi thì vui đùa giữa dòng nước, khi thì lăn kềnh trên
sỏi cát hay chơi trò đấu vật (Sumô) với nhau. Chúng chẳng
thèm để ý đến ai, cứ to mồm gọi nhau ơi ới.
Ông lão lẩm bẩm
như đang nói đủ mình nghe:
-Đáng tiếc cho
mấy tay này thật...Trai tráng mình mẩy lực lưỡng như thế
mà chỉ lo múa mấy thanh kiếm gỗ chẳng được việc gì hoặc
ra sông nghịch nước rồi ăn no ngủ khỏe. Chẳng biết mấy
thanh niên đó suy nghĩ thế nào về cuộc thế xoay vần trước
mắt nhỉ?
-Như vậy, thưa
cụ, luyện tập vũ nghệ không phải là chuyện đáng đeo đuổi
hay sao ạ?
-Nếu ông nói thế
thì già này sẽ không biết cách trả lời. Có lẽ vì tôi
là con nhà nông nên đã xem lối suy nghĩ như thế là lẽ đương
nhiên.
Thế rồi lại bắt
đầu với công việc, lão nông vừa làm vừa nói:
-Thiên hạ của
ngài Tokugawa giờ đây đã vững vàng như bàn thạch. Trừ những
vũ sĩ có chủ và đang tùng sự, đã đến lúc các rônin vô
chủ phải biết vứt bỏ đao kiếm. Trong xã hội ngày nay,
một anh nhà nông còn đáng quí hơn là tay kiếm sĩ tài giỏi
sức địch trăm người.
-Như thế thì việc
học binh pháp đã hết thời rồi sao hở cụ?
-Ông hiểu lời
tôi nói theo cách đó sao?
Tora no Suke nhìn
lão nông. Thế nhưng vẫn với những động tác nhịp nhàng,
ông vẫn tiếp tục đưa lưỡi cuốc xuống vỡ đất như đang
làm một chuyện gì thích thú. Hình dáng ấy cho thấy ông lão
đang gắn con người mình một cách bền chặt với đất đai.
Đó là một sự thực mà trong đầu óc của một người trẻ
như Tora no Suke, anh chưa từng có một lần muốn tìm hiểu
nhưng nay anh bỗng cảm thấy nó đã phát ra như những tia sáng
của chân lý từ thân thể ông lão.
-Ô kìa!
Nami nãy giờ đang
bận vứt bỏ đám cỏ dại bất chợt ngẩng đầu và lên
tiếng:
-Bọn họ sắp đi
tới chỗ chúng mình đây nè!
Quay đầu lại nhìn
thì bọn rônin mới tắm xong, vừa cười nói và to tiếng chửi
rủa lung tung, đang xáp lại gần.
-Ông nội ơi, chắc
họ sẽ giở trò phá phách thô bạo như mọi lần, ông nhỉ?
-Mình đừng đụng
đến họ là xong. Cứ để mặc kệ thì rắn hổ mang cũng
không cắn người.Coi như chúng nó không có!
-Ê chào...
Rốt cuộc thì cả
lũ đã đến nơi, cao giọng chào hỏi, không cần biết trước
mặt mình là ai:
-Coi bộ nhà nông
chịu làm việc kiếm ăn quá ta?
-Chờ chút! Chờ
chút! Hình như có cái mặt quen quen. Ông già kia, có phải tên
này là con trai của lão không đấy?
-Hay là chồng của
cô con gái?
-Ê, tên đàn ông
đằng kia!
Đại hán hôm trước
tự xưng tên là Kamiya Shôjurô, tức kẻ đã tiến ra và xách
mé trả lời Tora no Suke, vừa hất cái cằm bạnh của hắn
ra đằng trước, vừa quát tháo:
-Mắt mi có mù không
mà đứng trước một samurai như ta lại không biết phép tắc
tối thiểu là phải cởi nón đang đội (kaburimono)? Giở nón
ra chào các ông mi đi?
-Cái thằng này
không biết cởi nón? Đúng là dân nhà quê. Mi có cởi nón
hay không?
Cô con gái nhìn
Tora no Suke ra chiều ái ngại nhưng anh chỉ lặng lẽ dừng
tay cuốc và cởi chiếc nón mê. Shôjuurô cũng không dè người
đứng trước mặt lại là anh nên nói:
-Mi đấy à? Cái
thằng bữa trước!
-Thưa đúng. Hôm
trước, tôi có xin lỗi đã vô phép.
Tora no Suke mỉm
cười và nói tiếp:
-Bị anh từ chối
không cho vào nhà đợi thầy, tôi không biết cách nào nên
phải làm phiền đến trọ nhà ông cụ đây. Tôi thấy quí
anh bơi lội cừ quá!
Bọn rônin không
biết nói gì nữa, bèn im hơi. ...Thế rồi khi một đứa trong
bọn định nói điều gì đấy thì Tora no Suke đã đội nón
lên như cũ, lặng lẽ cầm lấy cuốc và bắt đầu vỡ đất
trở lại.
Năm
Trong tia nắng và
trong hơi gió, âm sắc của mùa thu càng ngày càng hiện rõ.
Yasuke, người lão bộc giữ ngôi nhà trống (rusutaku) của thầy
Besshô lại sang đây trò chuyện nhưng ông cho biết Kura no suke
vẫn biệt vô âm tín. Khả năng thầy ấy giờ đây đang loanh
quanh đâu đó trên mấy tỉnh miền Bắc có thể chỉ là một
thông tin đến từ trí tưởng tượng của ông lão Yasuke.Tuy
nhiên đối với Tora no Suke, anh vừa nhận ra rằng tình cảm
trong đáy lòng mình không biết tự bao giờ lần hồi đã có
gì đổi khác. Tuy mục đích đến gặp Kura no Suke để học
hỏi những điều bí ẩn và uyên áo trong kiếm thuật thì
vẫn y nguyên, thế nhưng trước cả điều đó và còn sâu
hơn một bậc, anh nghĩ có lẽ lão nông Kan.emon này mới là
người có thể dạy cho mình được nhiều điều. Điều gì
thì anh chưa thể bày tỏ một cách cụ thể nhưng trong thái
độ trầm tĩnh, cung cách đời thường và những đề tài
nói chuyện không có gì cao siêu của lão nông, Tora no Suke thấy
như có một liên hệ sâu sắc với lẽ đạo mà anh đang đi
tìm. Lúc còn ở quê nhà, ân sư Saitôsai vẫn thường nhắn
nhủ anh bằng câu thế này: "Phàm kẻ đi học đạo đều có
thể tìm thấy người thầy của mình ở bất cứ nơi nào
trong thiên địa. Dù cành cây hay ngọn cỏ, không có một sự
tồn tại nào là không có ích cho ta. Ta nghe rằng người xưa
có khi ngộ đạo nhờ nhìn thấy vầng trăng in bóng trên mặt
nước. Nếu khi đi tìm lẽ đạo, chúng ta không có được
tấm lòng khiêm cung và chính trực thì dù tu luyện cả trăm
năm vẫn không thể thành tựu." Tora no Suke không bao giờ quên
lời nói ấy. Sự chân thực mà thầy mình nhắc đến ngày
xưa, giờ đây anh lại nhận ra nơi lão nông này. Anh cảm thấy
là trước khi nhận được sự dạy dỗ của Kura no Suke, việc
anh gặp được lão nông quả là một điều hạnh phúc cho
mình.
Đêm ấy trăng mới
13. Nghĩ rằng trăng bên bờ sông phải là rất đẹp nên đây
là lần đầu tiên Tora no Suke – với sự chấp thuận của
lão nông - đã cùng Nami bước ra khỏi nhà. Trên cánh đồng
lau mà những búp hoa lau đã nở bung ra trọn vẹn, sương đêm
rơi xuống thành những hạt lấp lánh giống như ngọc xâu
thành chuỗi. Có tiếng côn trùng kêu ran suốt hai bên con đường
mòn.
-Quê của ông Okada
cách đây có xa không?
-Quê tôi là Ômi.
Một thôn làng tên là Gamao trong xứ Ômi.
Nói xong câu đó,
bất chợt Tora no Suke chợt nhận ra rằng tuy đã sống với
nhau trên ba tuần dưới một mái nhà rồi, anh vẫn chưa cho
nàng biết về quê hương xứ sở của mình và lấy làm ngạc
nhiên về điều đó.Đến đâu cũng vậy, hoặc trước tiên
bị người ta hỏi hoặc từ phía mình phải tự nói ra, thế
nhưng ở nhà lão nông Kan.emon, đặc biệt là việc đó chưa
hề thấy. Tora no Suke thầm nhủ: "Biết đâu đó chẳng là
nguyên tắc sống của ông già! Việc ông ta không để ý đến
những chuyện như thế chứng tỏ ông là người có tấm lòng
quảng đại".
-Thân mẫu của
ông Okada vẫn còn khỏe chứ ạ?
Rồi như muốn gỡ
ra những mối liên hệ gia đình của anh vốn như một cuộn
chỉ rối, cô gái bắt đầu đặt hết câu hỏi này tới câu
hỏi nọ. Bao nhiêu điều cô muốn hỏi từ trước đến nay
như đã đến cùng một lượt trên môi.
Hai người bèn đi
ra ngoài bãi. Tora no Suke ngồi xuống cạnh Nami trên mặt sỏi
mát lạnh của bờ sông, kể cho nàng nghe về người cha đã
quá cố, về người mẹ tuy hãy còn mạnh khỏe nhưng cứ phải
phiền muộn âu lo lắng vì con, về người anh hết sức hiếu
đễ, luôn luôn nghĩ đến đứa em trai. Cô hỏi tới đâu là
anh trả lời tới đấy.....Không biết có phải vì cái mời
mọc của bóng đêm hay là cái ỡm ờ của ánh trăng khuya hoặc
chỉ vì đây là lần đầu tiên trong đời anh được ngồi
nói chuyện riêng tư với một thiếu nữ mà Tora no Suke cảm
thấy một cảm xúc ấm áp đang dậy lên từ đáy lòng mình.
Tuy hãy còn trẻ nhưng đến cái tuổi 25 như bây giờ, anh chỉ
chú tâm rèn luyện võ thuật và không biết gì khác cho nên
chưa từng bị dao động vì sự hiện diện của bất cứ người
khác giống nào. Thế mà hôm nay anh cảm thấy có một dòng
máu tươi mới đang trào dậy trong tim, nhất là điều đó
đã xảy ra trong một sát-na cực kỳ ngắn ngủi. Giữa lúc
anh còn chưa ý thức rõ ràng về cái xúc cảm tươi mới đã
đến với mình lần đầu tiên trong đời ấy thì đầu óc
anh lại thấy hiện ra vô số hình ảnh của lão nông Kan.emon.
Ông ta đã không chút ngại ngùng khi chấp thuận cho anh được
đưa cô cháu gái ra ngoài chơi thì không biết ông có nghĩ
gì không? Không được! Tora no Suke cảm thấy như vừa bị
dội nước lạnh. Anh bóp chặt bàn tay và đứng lên.
Cảm tưởng như
bị dội nước anh đang cảm thấy có thể đến từ một lý
do hết sức đặc biệt khác cũng không chừng. Đó là vừa
khi Tora no Suke vừa nhấc người đứng dậy thì cùng một lúc,
thoạt nhiên, có 4, 5 cái bóng đen hiện ra và xáp đến trước
mặt anh và cô gái. Không cần phải kiểm tra cho cho mệt, đó
là Kamiya Shôjurô và đồng bọn tức nhóm 5 rônin. Tora no Suke
bèn đẩy cô gái ra sau lưng để che chở cho cô.
Năm rônin quây thành
nửa vòng tròn trước mặt hai người.
-Hừm...!
Kamiya Shôjuurô nhe
hai hàng răng trắng nói:
-Đưa nhau ra chốn
bờ bụi như thế này thì ngoài việc tỏ ra hèn nhát không
dám đọ sức với bọn ta, rõ ràng mi còn là một đứa giỏi
nghề lừa đảo đàn bà con gái, không còn chút tiết tháo
nào của người vũ sĩ.
-Thằng này đâu
có phải samurai. Người ngợm, mặt mày trắng xanh kia kìa!
Ngữ này chỉ là thứ chỉ biết đi loanh quanh để dụ dỗ
hay bắt cóc con gái nhà lương thiện.
Một kẻ bèn nhổ
phẹt một bãi nước bọt xuống mặt đất:
-Ít nhất nó phải
là một thứ vô lại chỉ biết sống lang bang.
-Ê, sao không sủa
lên đi mầy? Trả lời chúng tao chớ!
Tora no Suke một
mực giữ im lặng. Tuy là giữ im lặng nhưng anh không còn ghìm
nỗi cơn giận đang sục sôi. Tình cảm tự trách mình đã
mãnh liệt đến trong anh trước khi bọn này xuất hiện như
đang muốn tìm một cánh cửa để thoát ra ngoài. Nhìn thấy
bên phía tay mặt của mình có một kẻ đang nắm một cành
liễu khá to như vũ khí nên vừa khi nghe bọn kia đòi "Trả
lời chúng tao chớ!" thì anh đã đoạt lấy cây gậy bằng
liễu ấy từ tay của đối tượng mình đã nhắm sẵn và
đập ngay một phát trúng giữa mặt hắn. Không chỉ có kẻ
ăn đòn - một chuyện dĩ nhiên - mà cả 5 tên rônin đều la
hoảng và nới rộng vòng bán nguyệt chúng đang bao vây hai
người.
-Thôi thôi!. Không
có gì mi phải hung hăng như thế.
Thấy cả bọn 5
tên đã đồng loạt thụt lùi, Tora no Suke mỉm cười và dừng
tay:
-Ở đây chật hẹp
không đủ chỗ để giao đấu cho ra trò. Vả lại làm cho một
cô gái yếu ớt kinh sợ thì không nên. Để tôi đưa cô ta
về nhà rồi sẽ chọn một chỗ nào phù hợp hơn để đánh
nhau cho thỏa thích.
-Ai cho phép mi làm
chuyện đó. Định bỏ trốn hay sao?
Trên mặt của kẻ
vừa thốt ra câu đó đã hai lần vang lên tiếng đập của
cây gậy bằng liễu. Khác với lần trước, coi bộ kỳ này
miếng đòn có vẻ khốc liệt. Kẻ bị đánh người quằn
quại, thốt ra một tiếng kêu ằng ặc như bị siết cổ,
phải nghiêng người về một bên rồi đổ ập xuống đất.
Nhìn cảnh đó, 4 rônin còn lại đồng loạt tách ra hai bên
và tuốt kiếm. Tora no Suke bèn nắm cây gậy theo thế thanh
nhãn (seigan) [30]
và kêu lên:
-Này cô Nami! Xin
cô quay về nhà cho! Nếu cô còn ở lại, tôi sẽ khó xoay xở.
Cô không cần phải lo lắng cho tôi. Mau về trước đi cô.
-Ông Okada...
Cô gái có vẻ muốn
nói lên điều gì đó nhưng coi bộ cô đã hiểu được ý
của Tora no Suke nên đã nhanh nhẹn chạy băng qua cánh đồng
cỏ và mất dạng.
Sáu
Bọn rônin không
kịp động đậy. Chúng nhìn cô gái vùng chạy và bây giờ
mới nhận ra là phải tấn công ngay lúc cô còn ở đó. Vì
vậy, một trên trong bọn dợm đuổi theo cô. Thế nhưng thế
tấn thanh nhãn với cây gậy bằng cành liễu nằm trên tay
Tora no Suke đã làm tê liệt toàn thân đến độ chúng không
sao cử động được. Tora no Suke cười nhẹ và bảo:
-Ông anh kia! Có
phải tên anh là Kamiya Shôjuurô không nào?
Anh lặng lẽ ném
về người đối diện một cái nhìn rồi tiếp lời:
-Tôi sẽ thử xem
anh có đủ tư cách để trở thành học trò của thầy Besshô
hay không? Trong tay tôi chỉ có mỗi cành liễu này, nếu có
đánh ai cũng không thể gây thương tích trí mạng nên anh hãy
an tâm đến đây mà chém tôi đi.
Vùng sỏi đá trên
bờ sông ở dưới chân Shôjuurô đã phát ra những tiếng rào
rạo nhưng cả năm lưỡi kiếm trần ánh lên dưới trăng của
5 rônin vẫn chưa động đậy.
-Shôjurô! Chẳng
lẽ anh hèn đến thế sao?
Nghe Tora no Suke gọi
tên mình, từ miệng Kamiya Shôjuurô phát ra một tiếng thét
giận dữ và những tiếng kêu để lên gân (yagoe). Cùng với
tiếng sỏi đá bị bàn chân xéo lên, chúng đã phá tan cái
tịch mịch của màn đêm. Mấy lưỡi kiếm sáng lóa vung lên
làm thành những cái bóng trắng bạc dọc theo bờ sông đầy
sát khí và mũi kiếm của họ như đang phóng lên trời những
tia điện quang.
Tuy nhiên, chuyện
thắng phụ đã xảy ra trong chớp mắt. Ba rônin bị trúng đòn
ngay giữa mặt, mắt hoa lên và nằm gục trên bãi sông. Chỉ
còn Kamiya Shôjuurô và một tên đồng bọn, cả hai vắt giò
lên cổ và bỏ chạy như bay như biến. Tora no Suke sau khi nhìn
theo bóng chúng đã quay lại bên cạnh một tên bị trúng đòn
đang nằm rên ư ử. Anh tới gần và ném cây gậy bằng cành
liễu kia lên người hắn, vừa cười vừa nói:
-Này! Tôi trả cho
anh đó. Tôi rất mừng vì anh đã cho tôi mượn một vũ khí
không giết được người nên chẳng có ai bị thương tật.
Anh hãy về và đừng quên nói giùm với Shôjuurô là chuyện
đọ sức của hắn và tôi vẫn chưa ngả ngủ, thế nào tôi
cũng còn tìm đến thăm hắn một bận nữa.
Địch thủ nín
hơi, nằm không động đậy. Còn Tora no Suke thì làm như không
có chuyện chi, bước lên khỏi bãi sông. Vừa lúc ấy thì
từ bên trong khu rừng tùng có tiếng nói của Nami gọi "Ông
Okada!" và bóng nàng chạy ra đón anh. Tora no Suke bèn dừng bước
và nhìn chăm chú vào mắt Nami. Anh thấy từ tia nhìn của cô
có một cái gì mãnh liệt mà cô đang chực bày tỏ với anh.
-Đừng cho ông nội
biết nghe!
-...Vâng ạ.
-Thôi, mình về
đi nhé! Trời trở lạnh rồi đó.
Nami lặng lẽ gục
đầu rồi ngả người mình về phía thân hình của Tora no
Suke. Anh mới nhận thấy là trên mái tóc đen tuyền của nàng
có lấm tấm những hạt sương đêm lấp lánh.
Ảnh minh họa
Tảng sáng hôm sau,
giọng sang sảng của ai đang nói chuyện đã làm Tora no Suke
tỉnh giấc. Thì ra đó là tiếng của ông lão bộc Yasuke, người
giữ nhà cho Besshô tiên sinh trong khi thầy ấy đi vắng. Biết
thế anh vội vàng chỗi dậy, thay áo xống và bước ra. Anh
nghĩ không chừng hôm nay ông đến đây vì có tin tức về
thầy Kura no Suke. Sau khi rửa mặt qua loa và quay trở lại,
anh chỉ thấy mỗi lão nông Kan.emon đang ngồi nhấp trà một
mình bên hiên nhà.
-Chào cụ. Thưa
cụ, có phải là ông Yasuke vừa ghé qua đây không ạ?
-Ông ấy vừa về
xong.
Lão nông cười
hinh hích trong cổ họng như đang có gì thích thú:
-....Tôi nghe ông
ta kể một chuyện buồn cười lắm. Số là mấy tên rônin
đang tạm trú ở ngôi nhà trống để chờ thầy về, tối
hôm qua đã cuỗm hết tiền bạc ở đó và tẩu thoát rồi.
-Thưa gì ạ, cuỗm
tiền cơ à?
Tora no Suke đặt
câu hỏi. Đôi mày anh nhíu lại.
-Trong lúc thầy
đi vắng, người muốn đến đó tu nghiệp có khi gặp cảnh
khó khăn về tiền bạc cho nên thầy Besshô đã đặt một
hộp tiền Thông Bảo [31]
(Tsuuhôsen) ngộ nhỡ ai cần đều có thể tự do đến lấy
để chi dụng. Cho đến nay chẳng có người nào đụng tới
một chinh, nhưng bọn "cướp núi" kia đã khoắng hết rồi
trốn đi mất.
-Thật là tồi tệ
hết nước!
-Ôi chao, mấy chuyện
như vậy lúc này thường xảy ra lắm.
Lão nông đặt bát
trà xuống, đôi mắt mơ màng dõi nhìn về phía khu rừng cây
hạt dẻ và nói:
-Trong số những
vị con nhà võ tìm đến với Besshô tiên sinh, tôi không biết
mấy ai thực tâm muốn tinh tiến trong việc trau giồi vũ nghệ?.
Phần lớn hình như chỉ mong nhận truyền thư (densho) [32]
từ thầy để ra đời để mưu cầu sự vinh hiển chốn quan
trường hay kiếm kế sinh nhai nơi các võ đường. Những người
như thế thật ra không hiếm.
-Có phải đó là
lời của chính thầy ấy không ạ?
-Nhà nông cũng có
con mắt nhận xét của nhà nông chứ ông!
Lão nông lặng lẽ
đưa một bàn tay lên xoa nắn bắp đùi và nói tiếp:
-...Này ông Okada!
Chẳng hạn trường hợp của ông. Tôi xin phép hỏi thực ông
một câu: Vì cớ gì ông lại đến vùng này để tìm thầy
Besshô cho được vậy?
-Dĩ nhiên là để
thầy ấy dạy cho tôi ý nghĩa uyên áo của lẽ đạo và cũng
để được thầy truyền cho những bí quyết của kiếm thuật.
-Thế thì quả là
khó hiểu...
Lão nông đưa mắt
nhìn lên mây trời và nói:
-Nói về việc nhà
nông của chúng tôi thì dù sao cũng là một cái nghề truyền
cho nhau từ hàng trăm năm nay. Dưới con mắt của người đứng
ngoài lề thì nó được xem như đã thành hình, ra đâu vào
đấy cả. Thế nhưng công việc nhà nông này hãy còn có một
vấn đề cốt lõi, ông ạ. Từ việc vỡ đất cho đến việc
ươm giống, nuôi cây, đều có những bí quyết thế này thế
nọ nhưng không thể đem dạy cho ai. Bởi vì cùng một lối
cày bừa, cùng một lối gieo hạt, cùng lao động trầy da tróc
vẩy như nhau, nhưng kết quả mùa màng giữa người hiểu và
người không hiểu cái cốt lõi của nghề nông thì hoàn toàn
khác.....Tại sao như vậy? ...Chuyện đó không thể nói ra bằng
lời, không thể dạy và cũng không thể học được đâu ông
ạ! Tất cả mọi người đều phải đổ mồ hôi sôi nước
mắt để hiểu được nó bằng kinh nghiệm bản thân chứ
không có cách nào khác.
Ngừng một giây,
lão nông lại nói tiếp:
-Như ông Okada là
một người trẻ trung, sức vóc trội hơn tôi gấp mấy lần,
nhưng khi cầm cuốc lên để xới đất thành luồng, thì –
xin được vô phép mà nói – ông chỉ làm chưa bằng phân
nửa cái bộ xương già này. Xin ông ra ngoài đó mà xem! Chỗ
ông vừa vỡ đất xong, hai bên mé ruộng cỏ dại đã bắt
đầu mọc ra trở lại. Cho dù ông đã dồn hết tâm hồn và
thể xác vào trong nhát cuốc nhưng cái sức lực ấy đã không
cắt tuyệt được rễ cỏ.Tại sao có chuyện như vậy và
cái khác nhau nằm ở chỗ nào, nói ra bằng lời thì có vẻ
dễ dàng nhưng người nhà nông chỉ hiểu nó bằng chính mồ
hôi nước mắt của họ.
- ........................
-Hôm trước ông
Okada có trách tôi về một câu nói và hỏi rằng chẳng lẽ
binh pháp là vật vô dụng hay sao....
Lão nông ngừng
lại một chốc rồi tiếp lời:
-....Đúng như lời
ông nói. Nếu có một anh nông dân muốn nhờ người khác dạy
cho mình cái thuật canh tác thì anh ta không phải là một nhà
nông đích thực. Ai muốn đạt được cốt lõi của bất cứ
một đạo lý nào mà cứ mong rằng người khác sẽ chỉ dạy
cho mình thì tôi nghĩ là anh ta sẽ không bao giờ hiểu được
lẽ đạo. Nhìn việc bọn rônin đoạt thùng tiền rồi đào
tẩu ắt biết. Đó là một ví dụ không có gì rõ rệt hơn.
Tora no Suke cảm
thấy có gì nóng như lửa chạy suốt sống lưng. Không phải
ngôn từ hay hình dáng nhưng là giọng nói ôn tồn của lão
nông đã thấm sâu vào lòng người nghe, làm cho anh có cảm
giác như mình vừa choàng tỉnh sau một cơn mơ.
-Phải rồi, ông
ấy thôi. Người này chính là Besshô Kura no Suke chứ ai vào
đây!
Khi chợt nghĩ ra
điều đó, Tora no Suke bèn phóng ra ngoài sân, đưa hai bàn tay
đặt trên mặt đất:
-Thưa tiên sinh...!
Lão nông không nói
gì, chỉ đưa mắt nhìn xuống .
Tất cả giây thần
kinh trong người Tora no Suke như ngưng tụ về một điểm, thế
rồi anh ngẩng đầu nhìn lên. Trong một đỗi khá lâu, lão
nông chỉ lặng im và nhìn thẳng vào mắt Tora no Suke. Mãi về
sau từ trên môi ông mới thoáng thấy một nụ cười.
-Kura no Suke đang
vắng nhà kia mà!
Vẫn quì, Tora no
Suke lết hai đầu gối tới gần ông hơn:
-Thưa tiên sinh...
-Không đâu. Có
lẽ thầy ấy không bao giờ quay lại đây một lần thứ hai.
Thế là anh vẫn muốn nán lại đây để đợi ông ấy ư,
Tora no Suke? [33]
-Con có thể trở
thành nông dân không ạ?
Lòng mừng khấp
khởi, Tora no Suke nói mà người cứ run lên. Lão nông cũng
đưa đôi mắt chan chưa tình thương mến, nhìn xuống anh một
cách ấm áp. Bằng một giọng từ tốn, ông khẽ bảo:
-Đạo chỉ có một
thôi...Dù là thanh kiếm hay lưỡi cuốc, người cầm tuy có
khác nhưng Đạo chỉ là một. Từ rày về sau, ta không có
gì để dạy anh nữa. Nghề nông cực lắm đó nghe!
-Vâng, tiên sinh...
Rưng rưng giọt
lệ, Tora no Suke ngước mặt nhìn ông lão và không hề chớp
mắt. Anh đã có được một người thầy, một người thầy
chân chính và đáng ngưỡng mộ. Như thế, con đường anh đi
đã được vạch rõ. Cho đến hôm nay, mỗi phút mỗi giây,
cuộc đời anh như bị khép kín trong cái vỏ bọc có tên là
"binh pháp" nhưng hôm nay, anh cảm thấy mình đã thoát ra khỏi
nó một cách nhẹ nhàng (katsuzen). Đạo chỉ có một nhưng
vốn luân chuyển khắp bốn phương tám hướng cho đến vô
cùng. Nó đã dàn trải rộng rãi trước đôi mắt cũng như
trong tâm khảm của anh. Anh đã có xác tín mình chính là một
góc, một bộ phận của cái Đạo to lớn đó.
-Ông nội ơi! Ông
Okada ơi! [34]
Nami từ bên trong
vừa mới bước ra và gọi hai người như vậy.
-...Cơm nước đã
sẵn sàng rồi đó nhen!
Dịch
ngày 3/7//2022
|