SANSHÔ, MỘT TRUYỆN BUÔN NGƯỜI 
(Sanshô Dayuu, 1915)

Nguyên tác: Mori Ôgai

Dịch: Nguyễn Nam Trân


Từ truyện Mori Ôgai (1915) đến phim Mizoguchi Kenji (1954)

Dẫn nhập:

Đây là một tác phẩm tiêu biểu của Mori Ôgai với bối cảnh lịch thời trung cổ Nhật Bản. Nhà văn đã lấy cảm hứng từ một câu truyện kể có tính răn đời (thuyết giáo về luật nhân quả) do những nhà "kể truyện dạo" (khẩu tụng nghệ nhân) kể lại, có chép trong tuyển tập về thể loại này nhan đề Sekkyôbushi Shôhon (Thuyết Kinh Tiết Chính Bản), in ra vào năm Kanbun (Khoan Văn) thứ 7 (1667). Tuy Sanshô được viết biểu âm một cách hoa mỹ bằng chữ Hán là Sơn Tiêu hay Sơn Trang nhưng để gọi Sanjo = Tán Sở, ám chỉ đám cùng dân làm phu phen tạp dịch và được phép khỏi đóng thuế. Về sau trong số người khốn khổ như bọn nô lệ đó đã xuất hiện những nghệ nhân kể truyện rong. Sanshô Dayuu là người kể truyện chính, một đầu lĩnh trong nghề. Tên Sanshô của nhân vật trong truyện – người cai quản trang viên trên núi (sơn trang) – lại mượn từ cái tên của nghệ nhân kể truyện rong ấy. Do đó, nó đã gieo hoang mang vào đầu óc của độc giả, gây bối rối cho bao người dịch. Các bản tiếng Anh thường dịch thành "Sanshô, the Intendant" hay "The Intendant Sanshô". Do đó tựa đề bằng tiếng Việt của chúng tôi cũng chỉ có thể dịch thoát như trên. Điều này đến từ lối hành văn đa nghĩa mà người Nhật có lẽ yêu chuộng hơn bất cứ dân tộc nào hết.

Cần nói thêm là truyện này đã được đạo diễn Mizoguchi Kenji (1898-1956) phóng tác và đưa lên màn bạc năm 1954, đoạt ngay Giải Gấu Bạc ở Đại hội điện ảnh Venise. Thời trẻ khi còn ở Sài Gòn, vào đầu thập niên 1960, người dịch đã được xem bản phụ đề Việt ngữ của bộ phim ấy với nhan đề là "Cay Đắng Mùi Đời". Ngày nay, câu chuyện thương tâm này có thể xem được miễn phí trên mạng.

Riêng về Mizoguchi Kenji thì ông được biết là một trong ba đạo diễn cự phách của Nhật Bản bên cạnh Kurosawa Akira (1910-1998) và Ozu Yasujirô (1903-1963) nếu không nói là nhà đạo diễn tiên phong và xuất sắc nhất. Bộ phim Sanshô Dayuu đánh dấu giai đoạn cuối đời khi Mizoguchi chịu nhiều ảnh hưởng của triết lý Phật giáo trong sáng tác.


Trên con đường xứ Echigo

Trên con đường xứ Echigo qua khỏi vùng Kasuga về hướng Imazu [1], một toán bộ hành hiếm thấy đang bước đi. Bà mẹ là một phụ nữ mới ngoài 30 dắt theo hai đứa con nhỏ. Cô chị tuổi độ 14 còn cậu em 12. Cùng đi với họ có một nữ tỳ chừng 40. Thấy hai cô cậu chủ đã đuối sức, nữ tỳ mới bảo: "Sắp đến nhà trọ rồi đó!" để khuyến khích họ bước tiếp.Trong hai người thì cô chị tuy đã phải lê chân mới tiến được về phía trước, vì cố gắng để mẹ và em không biết mình đã mệt lả nên đôi khi làm ra vẻ nhanh nhẹn. Nhìn bề ngoài có thể tưởng họ là một nhóm khách hành hương đang đi lễ đền gần đâu đây nhưng khi để ý đến trang phục với đầy đủ nón lá, gậy đi đường như thế, bất cứ ai cũng phải ngạc nhiên và không khỏi chạnh lòng thương cảm.

Đoạn đường họ men theo hết cắt rồi lại nối bởi những ngôi nhà dân, cứ theo đó họ tiếp tục đi. Tuy lắm cát và sỏi nhưng nhờ ánh nắng của một ngày thu đẹp trời, con đường đã trở nên khô ráo, thêm có đất sét lẫn vào nên giờ đây cứng lại, không làm cho khách bộ hành phải khổ sở như khi cổ chân họ lún sâu trong cát ở những nơi gần biển. Lúc đó đoàn người đang đi qua một xóm nhỏ, nơi có những mái tranh chụm đầu vào nhau và vây quanh bằng một rừng sồi trong ánh nắng le lói của buổi hoàng hôn.

-Này, chòm lá đỏ kia có đẹp không nào?

Người mẹ đi đầu, đưa ngón tay chỉ trỏ và nói với các con.

Hai đứa bé nhìn theo hướng tay mẹ nhưng không nói một lời nào. Chỉ có người nữ tỳ cất tiếng: "Lá cây nhuộm đỏ như vậy thì nếu buổi sáng buổi chiều trời có trở lạnh, mình cũng không có gì phải ngạc nhiên!". Bỗng dưng cô chị nhìn cậu em rồi nói:

-Mong sao chóng đến nơi bố ở, có đúng không em?

-Chị ơi, chưa đâu. Dễ gì đến ngay được, hở chị!

Cậu em có vẻ hiểu biết tình hình nên trả lời như vậy.

Mẹ của hai cô cậu giảng giải:

-Đúng như con nói. Chúng mình còn phải vượt qua bao nhiêu ngọn núi như chặng đường vừa qua, phải lấy thuyền vượt qua sông qua biển mới đến được nơi bố ở. Cho nên mỗi ngày phải cố sức mà đi, nếu không thì...

Cô chị vẫn khăng khăng:

-Thế nhưng chúng con cứ mong cho chóng đến nơi cơ mà!

Và đoàn người lại tiếp tục dấn bước trong im lặng.

Chợt thấy từ phía trước có một người đàn bà quảy một cái thùng gỗ không đi tới. Có lẽ bà này làm nghề múc nước triều làm muối và vừa từ ngoài bãi biển trở về.

Thấy thế, nữ tỳ mới cất tiếng gọi:

-Bà ơi bà! Có biết chỗ nào quanh đây chịu cho trọ qua đêm không?

Người đàn bà làm muối dừng chân, đưa mắt nhìn bốn thầy trò, rồi mới trả lời:

-Tôi nghiệp chưa. Đến nơi đây mà lại gặp lúc trời sắp tối. Rất tiếc là ở vùng này, không một nhà nào chịu chứa người trọ qua đêm cả.

Nữ tỳ mới bảo:

-Thực không bà? Cớ sao người vùng này lại thiếu thân thiện như thế nhỉ?

Hai đứa trẻ thấy cuộc đối thoại có vẻ đang đến chỗ vướng mắc, mới đến đứng bên cạnh người đàn bà làm muối. Cùng với nữ tỳ, cả ba người làm thành một vòng tròn bao quanh bà ta.

Bà làm muối bèn bảo:

-Không phải như bà nghĩ đâu. Dân ở đây nhiều người sùng đạo và tốt bụng. Thế nhưng việc họ không cho khách trọ là đúng với chỉ thị của quan trấn thủ [2] và không ai dám trái. Đằng kia có niêm yết đấy.

Bà làm muối vừa nói vừa chỉ về hướng con đường trước mặt:

-Này, kia kìa, từ đây cũng nhìn thấy. Đã có bảng yết thị treo ở đầu cầu. Trong đó họ viết rất rõ ràng. Nói chung là mấy lúc sau này thường có bọn ác ôn bắt cóc người đem đi bán lảng vảng quanh vùng. Có những nhà bị buộc tội cho khách bộ hành ở trọ rồi cầm chân giữ rịt, không cho đi đâu nữa. Trong vùng phải có đến bảy gia đình dính dấp vào tội đó.

-Thế thì nguy quá! Chúng tôi có mấy cô cậu nhỏ nên hôm nay khó lòng đi xa hơn. Bà có cách nào để giúp cho không?

-Ừ nhỉ! Nếu đi theo con đường tôi thường qua lại để ra đến ngoài ruộng muối thì khi các người đến nơi, chắc trời đã tối mất. Chỉ còn cách tìm một chỗ đâu đây để ngủ bờ ngủ bụi. Theo chỗ tôi nghĩ, nhà mình tá túc dưới chân cầu đằng kia là tốt nhất. Chỗ đó có một vách đá sát bờ sông, lại thấy dựng nhiều súc gỗ lớn. Những súc gỗ này từ thượng nguồn đã theo nước lũ trôi về. Ban ngày, bọn con nít vẫn ra đó chơi đùa bên dưới nhưng sâu vào trong lại có một chỗ nắng nôi không dọi tới, tuy hơi tối nhưng nếu trú chân ở khoảng ấy chắc khỏi lo gió máy. Nó nằm trên con đường mỗi ngày tôi vẫn đi ngang để đến nhà người chủ ruộng muối trong khu rừng sồi gần ngay đây thôi. Đến tối, tôi sẽ mang một ít rơm rạ tới cho.

Người mẹ của hai đứa trẻ nãy giờ đứng một mình theo dõi câu chuyện nay tiến lại gần người đàn bà làm muối và bảo:

-Chúng tôi rất mừng vì gặp được người có lòng tốt như bà. Thôi để chúng tôi đến đó qua đêm. Bà hãy cho chúng tôi xin ít rơm rạ nhé! Tất cả chỉ dùng để trải ổ và đắp cho mấy đứa bé.

Người đàn bà làm muối nhận lời rồi đi vào trong khu rừng sồi về nhà còn đoàn bốn người chủ tớ thì vội vã tiến lên phía cây cầu.

* * *
Đoàn người đã đến bên thành một cây cầu bắc tạm qua một dòng sông nước xiết. Đúng như bà làm muối đã chỉ vẽ, nơi đây có một bảng yết thị cắm trên cọc cao. Đó là chỉ thị của quan trấn thủ và nội dung không khác gì lời của người đàn bà khi nãy.

Nếu vùng này có bọn mẹ mìn lảng vảng, đáng lý ra chính quyền phải tảo thanh mà bắt chúng mới phải. Không hiểu quan trấn thủ nghĩ thế nào lại đặt ra điều lệ - tiếng rằng khuyến cáo khách bộ hành không nên dừng chân – nhưng đã làm cho kẻ lỡ độ dường phải lâm vào cảnh khốn đốn. Giải pháp như vậy quả là không đến nơi đến chốn. Thế nhưng vào thời xưa, đối với mọi người thì luật lệ là luật lệ. Bà mẹ của bọn trẻ chỉ còn biết than vãn cho số phận hẩm hiu của mình khi đến một địa phương có cái luật quái gở như vậy.

Ở đầu cầu có lối đi dẫn xuống bờ sông cho người ta tắm giặt. Cả đoàn bèn theo con đường ấy mà xuống dưới bãi. Đúng như vậy, nơi đó có rất nhiều súc gỗ tựa vào vách đá. Họ bèn luồn vào bên dưới những súc gỗ ấy. Cậu con trai coi bộ thích thú, hăng hái chui vào trước tiên.

Khi đã vào sâu bên trong, họ thấy có một nơi tựa cái hang. Trên mặt đất là những phiến gỗ lớn được trải ra theo chiều ngang giống như mặt sàn.

Cậu con trai đi đằng trước, leo lên cái mặt sàn kết bằng gỗ ấy rồi đi vào một góc bên trong và gọi ra:

-Chị ơi. Nhanh nhanh vào mà xem!

Cô chị thận trọng bước đến cạnh đứa em trai.

Nữ tỳ vừa trút cái bọc hành lý nặng khỏi đôi vai vừa bảo với họ:

-Ôi dào! Hai cô cậu đợi tôi một chút nào.

Thế rồi bà lấy ra từ trong đó một số quần áo để thay, bảo họ trải xuống mặt sàn trong hốc làm chỗ ngồi cho mấy mẹ con.

Bà mẹ vừa đặt người xuống thì hai cô cậu đã bám lấy hai bên. Từ khi rời ngôi nhà của họ ở quận Shinobu trong xứ Iwashiro [3] cho đến lúc này, ba mẹ con nhiều khi đã phải ngủ lại ở các nơi mang tiếng là nhà cửa nhưng còn tệ hơn cả chỗ trú chân dưới bóng những súc gỗ này. Vì vậy, họ đã quen với sự thiếu tiện nghi và không cảm thấy khổ sở cho lắm.


Chỗ trú qua đêm dưới chân cầu

Người nữ tỳ không chỉ kéo ra từ cái túi vải một mớ quần áo thôi đâu. Còn có cả lương khô dành cho cuộc hành trình. Bà đặt tất cả trước mặt ba mẹ con và nói:

-Nơi đây không thể nhóm được lửa vì thấy lửa, kẻ gian có thể khám phá ra mình. Hay cô cho phép con đi đến nhà ông chủ ruộng muối kia xin nước nóng. Nhân đó con cũng sẽ nhờ họ kiếm cho một ít rơm rạ.

Nói xong, nữ tỳ lúi húi bước ra khỏi đó. Mấy đứa trẻ bắt đầu bày ít bánh cốm (okoshigome) [4] và trái cây khô ra ăn một cách ngon lành.

Khoảng một đổi sau thì có tiếng chân người đi vào chỗ họ trú dưới mấy súc gỗ. Bà mẹ cất tiếng hỏi "Vú Take đấy hở?" thế nhưng trong lòng có hơi nghi ngại bởi vì nếu nữ tỳ đi mãi vào tận khu rừng sồi thì sao lại về chóng thế. "Vú Take" là tên bà dùng để gọi người nữ tỳ.

Kẻ bước vào là một gã đàn ông chỉ độ bốn mươi. Gân cốt hắn ta cứng cáp, bắp thịt nổi lên cuồn cuộn như có thể đếm được từng cái một. Thân hình săn chắc, khuôn mặt rắn rỏi (như mặt một hình nhân tạc lên ngà) với một nụ cười đầy đặn, tay lại mang xâu chuỗi hạt. Cách đi đứng của hắn giống như người đã quen thuộc với nơi chốn, xem nó như nhà mình. Hắn tiến sát đến chỗ mấy mẹ con đang trú ẩn rồi đặt mông ngồi xuống một góc sàn củi bên cạnh họ.

Ba mẹ con chỉ biết sửng sốt nhìn. Tuy vậy, họ thấy hắn không có vẻ muốn hãm hại mình nên không khiếp sợ cho lắm.

Gã đàn ông nói như thế này:

-Tôi là người chủ thuyền tên là Yamaoka Dayuu [5]. Nhân vì độ rày quanh vùng có bọn mẹ mìn lai vãng nên quan địa phương đã ra lệnh cấm dân chúng cho khách đi đường ngủ trọ. Thế nhưng coi bộ quan trên không đủ sức bắt được bọn mẹ mìn mà chỉ làm khổ thân khách bộ hành. Vì thế tôi mới nẩy ra cái ý muốn làm phước. May mắn là tôi có một ngôi nhà khá xa đường cái nên có thể chứa chấp những người lỡ độ đường - bất luận là ai - một cách kín đáo. Chính vậy mà tôi thường hay đi lòng vòng trong rừng hoặc dưới chân cầu xem có ai phải ngủ bờ ngủ bụi hay không. Cho đến nay tôi đã giúp đỡ, đem về nhà rất nhiều người gặp phải hoàn cảnh đó. Tôi thấy mấy cháu đây đang ăn bánh kẹo nhưng mấy thức này dễ hư răng mà làm sao có thể no lòng. Nhà tôi thì không có gì thịnh soạn để tiếp đãi nhưng cỡ cháo khoai [6] thì cũng có đấy. Vậy bà đây và các cháu đừng có ngại ngùng gì mà không về đằng tôi.

Gã đàn ông không tỏ ra bức bách gì cả mà chỉ mời mọc nhẹ nhàng như một người đang thủ thỉ.

Bà mẹ mấy đứa trẻ chăm chỉ nghe anh ta nói và không khỏi cảm động khi thấy có kẻ dám bất chấp luật lệ nhà nước để giúp người. Lúc đó bà mới bảo:

-Tôi không biết nói gì để cảm tạ tấm lòng quí hóa của ông. Thế nhưng việc không chấp hành lệnh quan trên cấm cho khách lạ ngủ trọ như thế sẽ gây ra sự rắc rối cho gia chủ và đó là điều làm tôi không yên tâm. Dù sao, nếu ông giúp cho mấy đứa bé có bát cháo nóng và mái nhà ấm áp để nghỉ ngơi thì ơn ấy dù đến kiếp sau tôi vẫn xin ghi nhớ!

Gã đàn ông tự xưng là Yamaoka Dayuu gật gù:

-Chao ôi! Bà đây đúng là người hiểu biết. Nếu thế thì tôi xin dẫn đường cho nhà mình đi ngay.

Nói xong, hắn dợm đứng dậy.

Người mẹ lại nói với giọng buồn thảm:

-Xin ông hãy chờ cho một chút. Thấy ông muốn ra tay cứu giúp ba mẹ con, chúng tôi rất đội ơn nhưng không biết nói ra điều sau đây thì có làm phật ý ông không. Số là tôi còn có thêm một người đi cùng nữa.

Yamaoka Dayuu vểnh tai nghe rồi hỏi lại:

- Bà có người tùy tùng à? Thế người ấy là đàn ông hay đàn bà vậy?

- Đó là người đầy tớ gái tôi mang theo để chăm sóc các cháu. Hiện nó đang đi xin nước nóng ở một chỗ từ phía đường cái đi ngược lên chừng ba hay bốn chô [7] thôi. Chắc sắp về đến nơi!

Yamaoka vẫn giữ vẻ bình thản:

-Tớ gái à? Thế thì bọn mình chờ thôi.

Nhưng không hiểu vì sao, đằng sau khuôn mặt khó bề dò xét của hắn đã thấy ánh lên một tia mừng rỡ.

* * *

Chốn này có tên là bãi biển Naoe no Ura. Mặt trời lúc đó hãy còn nấp sau rặng núi Yoneyama. Trên mặt biển chỉ có một giải sương lam bàng bạc giăng mắc.

Đám hành khách đã được đưa lên thuyền. Người lái thuyền đang tháo giây neo. Người lái chính là Yamaoka Dayuu, còn đám hành khách không ai khác là bốn thầy trò lỡ độ đường đêm qua đã ngủ trọ nhà ông ta.

Bà mẹ và hai đứa trẻ sau khi gặp chủ thuyền Yamaoka ở dưới chân cái cầu đặt tạm đã chờ cho đến khi người tớ gái là bà Vú Take vác cái bình không đi xin nước nóng trở về rồi tất cả đi theo ông lái đến nhà ngủ trọ. Dù đi theo mọi người mà sự lo âu vẫn hiện ra trên nét mặt của Vú Take. Yamaoka đưa cả bốn vào trong một căn nhà lá nằm giữa rừng tùng ở phía nam con đường cái và mời họ cháo khoai. Thế xong hắn ta hỏi thăm để xem họ định đi về hướng nào. Sau khi cho hai đứa trẻ đi ngủ, dưới ánh đèn leo lét, người mẹ mới trình bày đại khái cho chủ nhà tình cảnh của mấy mẹ con.

Bà cho biết quê quán của mình là vùng Iwashiro. Bởi vì người chồng đi xuống vùng Tsukushi [8] mãi chưa thấy về nên bà phải dắt hai đứa con đi tìm. Bà cho biết Vú Take là người tớ gái đã đến chăm sóc con bà từ hồi cô chị vừa mới ra đời. Nhân vì không biết trông cậy vào ai nên trong chuyến đi xa khó khăn khôn lường này, bà phải đem vú ấy theo cho có bạn.

Tuy đến được nơi đây nhưng còn đường về Tsukushi hãy còn xa tít, có thể nói như cả bọn chỉ vừa mới bước chân ra khỏi nhà. Từ đây không hiểu mình sẽ phải lấy đường bộ hay đường thủy nữa. Nghĩ rằng chủ thuyền là người đã đi đấy đi đó và biết nhiều về những vùng đất lạ, có thể chỉ bảo cho mình nên bà mẹ của hai đứa trẻ mới đem điều đó hỏi thăm ông ta.

Yamaoka Dayuu có thái độ của kẻ được hỏi về một chuyện mà mình đã nằm lòng, không chút chần chờ khi trả lời rằng bà nên chọn đường thủy. Hắn bảo nếu đi đường bộ thì khi mới vào xứ Etchuu bên cạnh đã phải gặp ngay nhiều chỗ hiểm trở "cha con mạnh ai nấy đi" [9], dưới chân mấy ghềnh đá như dựng dứng, có những ngọn sóng thô bạo không ngừng bủa vào bờ. Khách đi đường phải tạm trụ trong hốc núi chờ cho đến khi sóng kéo ra xa mới tìm cách chạy cho nhanh qua những đoạn đường cực hẹp nằm dưới chân ghềnh. Lúc đó không cha mẹ nào dám ngoảnh lại đằng sau để trông chừng con mình mà con cái cũng không thể giúp cho cha mẹ. Những chỗ bên bờ biển gọi là "nan sở" đó vốn có địa hình như thế. Còn như khi đi đường núi, khách lại có cơ gặp những đoạn đường nguy hiểm mà chỉ cần đạp phải một tảng đá mà gốc đã lung lay là có thể rơi xuống vực sâu muôn trượng. Trên đường về các tỉnh miền Tây (Saikoku) [10] những đoạn đường khó khăn như thế nhiều vô kể.

Ngược lại, nếu dùng thuyền thì sẽ an toàn. Gặp được người chèo thuyền có tay nghề vững vàng, khách chỉ cần ngồi yên một chỗ là có thể xê dịch được hàng trăm, hàng ngàn dặm. Còn như chủ thuyền là hắn thì tuy không thể đi đến tận các tỉnh miền Tây nhưng vốn quen biết với các tay lái ở các vùng khác. Cứ lên thuyền hắn mà đi, đến chỗ nào đó sẽ được chuyển qua thuyền bạn đi tiếp thì nhất định sẽ xuống được các tỉnh miền Tây. Sáng mai này mình lên đường ngay thôi, gã Yamaoka nói với giọng tưng tửng như xem mọi chuyện đã quyết định xong.

Trời vừa tang tảng sáng, Yamaoka Dayuu đã dựng bốn người dậy và hối thúc họ ra khỏi nhà. Khi ấy, bà mẹ mấy đứa trẻ mới mở tay nãi ra lấy tiền để trả phí nhà trọ. Yamaoka bèn chận lại, cho biết hắn không lấy tiền phòng nhưng bảo nguyên cái tay nãi quan trọng kia thì hãy đưa hắn giữ hộ cho khỏi mất và còn căn dặn rằng bất cứ những món đồ quí giá, khi đến nhà trọ nên gửi chủ nhà trọ, còn khi đi thuyền đò thì phải gửi cho chủ thuyền để họ giữ giùm.

Thấy anh ta là người đầu tiên đã có lòng tốt cho mình ngủ nhờ, bà mẹ mấy đứa trẻ cảm thấy mình bị mắc trong thế kẹt của một kẻ chịu ơn. Có điều là tuy anh ta đã bất chấp luật lệ nhà nước để cưu mang mẹ con bà nhưng bà không tin tưởng đến độ nghe anh ta nói sao cứ phải theo vậy. Tuy nhiên, Yamaoka đã lợi dụng thế kẹt ấy, hắn dùng lời lẽ để khéo léo để ép uổng khiến cho bà mẹ khó lòng chống đỡ. Việc thiếu tinh thần đề kháng của bà có lẽ phát xuất từ một nỗi sợ hãi nào đó. Cá nhân bà không nghĩ rằng mình sợ gì người lái thuyền này nhưng trong lòng, bà cũng chẳng lấy điều đó làm chắc.

Trước tình huống như vậy, bà mẹ không biết làm gì khác hơn là đành bước chân xuống thuyền. Bọn trẻ con ngắm nhìn mặt biển lặng sóng đang trải dài như tấm thảm xanh lơ, bước xuống thuyền mà lòng nôn nao trước một cảnh vật lạ mắt. Duy khuôn mặt của bà vú Take thì kể từ đêm hôm qua ở dưới chân cầu cho đến giờ đây khi đặt chân lên mạn thuyền, vẫn không hề thay đổi nghĩa là luôn luôn biểu lộ một tâm trạng lo âu.

Yamaoka Dayuu tháo dây neo, nhấn mạnh tay sào đưa thuyền rời bến. Chiếc thuyền chòng chành một chút rồi dần dần trôi xa bờ.

***

Yamaoka đưa thuyền men theo bờ đi về hướng Nam. Hắn nhắm biên giới của vùng Etchuu mà chèo tới. Chẳng mấy lúc sương mù tan đi và ánh mặt trời chiếu rờ rỡ trên mặt sóng.

Dưới bóng những ghềnh đá hoang vu không thấy một túp nhà dân, có một nơi sóng đang liếm như muốn rửa sạch bãi cát và đánh tấp vào đấy những mảng rong biển màu xanh (miru) hay nâu (arame) [11]. Hai chiếc thuyền đã nằm đó đợi sẵn. Khi thấy Yamaoka, mấy tay lái bèn cất tiếng gọi hắn.

-Sao mầy? Có không đấy?

Yamaoka đưa bàn tay phải lên và gập ngón tay cái vào. Thế rồi, hắn lái thuyền về hướng đó. Gập ngón tay cái là dấu hiệu cho biết có bốn người.

Trong bọn chèo thuyền đằng trước mặt có một gã tên Miyazaki no Saburô vì hắn người vùng Miyazaki trong xứ Etchuu. Hắn mở nắm tay trái để ra dấu. Tay phải là dấu hiệu về hàng hóa, còn tay trái là dấu hiệu về giá tiền. Hắn muốn định giá 5 quan tiền cho món hàng.

Bây giờ đến lượt một tên lái khác lên tiếng: " Cố thêm một chút nữa đây này!" Hắn đột nhiên duỗi mạnh khuỷu tay trái rồi xòe rộng lòng bàn tay, sau đó chỉa ngón tay trỏ lên. Gã đàn ông này tên Jirô người đảo Sado [12]. Hắn muốn trả những 6 quan.

Miyazaki la toáng lên:

-Đồ chọc gậy bánh xe!

-Mày mới là dân ăn hớt.

Sado cũng chuẩn bị tư thế đối phó. Hai chiếc thuyền chao nghiêng, lườn đập vào mặt nước.

Yamaoka Dayuu lạnh lùng nhìn cuộc tranh chấp như muốn so sánh hơn thiệt:

-Thôi bay, đừng giở võ ra. Tao không bắt đứa nào trong bọn bay phải ra về tay không đâu! Để chẳng có vị khách nào phải gặp cảnh khốn đốn, tao đề nghị gửi mỗi đứa hai người. Chuyện tiền nong thì sẽ tính sau và chia theo giá cả.

Nói xong, Yamaoka quay lại nhìn bốn người khách trong khoang và bảo:

-Này, từng hai người một qua hai chiếc thuyền bên kia đi. Cả hai đều là thuyền chở khách xuống miền Tây đấy! Nếu tất cả cùng lên chung một chiếc, e nặng quá, thuyền bơi không xuể đâu.

Yamaoka nắm tay chuyển họ sang thuyền khác. Hai đứa trẻ lên thuyền của Miyazaki còn bà mẹ và Vú Take thì lên thuyền của Sado. Trong lúc kéo tay Yamaoka để chuyển giao người như thế thì cả Miyazaki lẫn Sado đều đã dúi vào tay hắn mấy xâu tiền.

Giữa khi Vú Take giật giật tay áo chủ để hỏi: "Còn cái tay nãi nhà mình gửi cho họ thì sao hở cô?" thì Yamaoka đã nhanh nhẹn đẩy mái chèo đưa con thuyền trống không ra xa.

-Tôi xin kiếu từ quí vị ở đây. Phận sự chuyển giao của tôi như thế là đã xong xuôi rồi đấy nhé. Chúc tất cả lên đường mạnh giỏi.

Tiếng mái chèo khua nhanh vọng tới bên họ và chẳng mấy chốc, không còn thấy bóng con thuyền của Yamaoka đâu nữa.

Bà mẹ mới nói với Sado:

-Nhớ chèo theo cùng một đường và đưa chúng tôi đến cùng một bến cho nhé!

Sado và Miyazaki đưa mắt nhìn nhau làm hiệu rồi cả hai cất tiếng cười vang. Xong, Sado mới bảo:

-Thuyền đưa người là thuyền "hoằng thệ" còn chỗ đến đều là "bỉ ngạn". Ông hòa thượng trên Liên Hoa Phong Tự từng dạy tôi như thế đấy. [13]

Sau đó, hai phu trạo không nói gì thêm nữa và đẩy thuyền ra. Sado no Jirô thì chèo lên phía Bắc, còn Miyazaki no Saburô chèo về hướng Nam. "Ôi chao, ôi chao!" Bốn mẹ con chủ tớ la lên bai bải nhưng tiếng kêu của họ càng lúc càng tách xa thôi.

Bà mẹ tiếc thương như một kẻ mất hồn, choài tay khỏi mạn thuyền và đưa lên:

-Thôi biết làm sao đây. Mẹ con mình đành phải chia ly. Anju ơi, nhớ gìn giữ cẩn thận bức tượng Phật Địa Tạng để ngài phù hộ cho nhé. Còn Zushiô, con phải luôn luôn mang theo trên mình thanh đoản đao, kỷ vật của cha con. Và hai con bao giờ cũng phải ở cạnh nhau, các con nhé!

Anju là cô chị, còn Zushiô là tên của cậu em.

Hai đứa trẻ chỉ biết gào lên: "Mẹ ơi! Mẹ ơi" mà thôi.


Cảnh biệt ly xé lòng trên bến nước

Hai chiếc thuyền từ từ tách ra hai ngả. Đằng sau lưng người mẹ, chỉ còn hình ảnh hai đứa trẻ mồm há hốc như đôi chim non chờ mẹ mớm mồi chứ không ai nghe thêm được một tiếng nào nữa.

Vú Take gọi Sado no Jirô:

-Này bác lái, bác lái ơi!

Thấy hắn ta vẫn không thèm ngó ngàng, người nữ tỳ mới nắm lấy bàn chân chắc nịch như một thân tùng đỏ của hắn:

-Này bác lái! Thế này là thế nào? Mấy bác bắt chúng tôi phải xa nhau và đưa cô cậu nhà tôi đi đâu vậy? Cô chủ của tôi cũng thế. Từ rày biết phải nương cậy vào ai để sống đây? Xin bác hãy chèo rượt theo chiếc thuyền ấy cho tôi. Bác để phúc đức lại cho con cháu chứ!.

-Câm mồm đi mụ!

Sado lấy chân đá ngược một cái làm Vú Take ngã sóng soài giữa khoang, mái tóc rối tung ngáng vào mạn thuyền.

Vú Take lồm chồm ngồi dậy:

-Thôi, đến nước này thì...Cô ơi, tha lỗi cho con.

Không ngờ vừa nói dứt lời, vú đã nhảy ùm xuống biển.

-Ối chà!

Gã lái thuyền hét lên và đưa cánh tay ra hòng chụp lại nhưng không còn kịp nữa.

Bà mẹ tháo đôi hài, đến trước mặt Sado, nói với hắn:

-Vật này không đáng giá bao nhiêu nhưng là món lễ vật để cảm ơn ông đã giúp đỡ chúng tôi. Còn giờ thì tôi cũng xin kiếu ông luôn.

Nói xong bà đưa tay đặt lên mạn thuyền.

-Giỡn mặt sao chớ!

Sado nắm lấy tóc và giật bà ngã oạch.

-Ai cho phép mày chết. Dại gì tao để mất đi một mặt hàng có giá.

Sado no Jirô lấy sợi dây dùng để kéo lưới quấn chặt mấy vòng quanh thân hình bà mẹ. Bà bị trói ngã lăn ra một đống. Con thuyền cứ thế mà chèo mãi, chèo mãi về hướng Bắc.

* * *
-Mẹ ơi, mẹ ơi!

Hai chị em cứ nức nở như thế. Con thuyền của Miyazaki no Saburô chở họ vẫn men theo bờ để đi về phía Nam.

Miyazaki mắng mấy đứa trẻ:

-Thôi đừng gọi mẹ chúng mày nữa. Tôm cá dưới nước nó nghe chứ mụ ấy còn nghe gì đâu. Bọn đàn bà có lẽ giờ đây đã được chở ra Awa no shima, nơi còn xa hơn cả đảo Sado.

Cô chị Anju và cậu em Zushiô ôm nhau mà khóc. Kể từ ngày rời quê hương và trong suốt cuộc hành trình, lúc nào mẹ chúng cũng ở bên cạnh. Chúng cứ ngỡ sẽ tiếp tục được như thế nhưng nào ngờ giờ đây phải chịu cảnh chia ly. Hai đứa không biết phải làm sao. Chỉ còn cách vùi nén nỗi buồn thương xuống tận đáy lòng nhưng chúng chưa hình dung ra cuộc chia ly này sẽ thay đổi thân phận của hai chị em đến mức độ nào.

Giữa trưa, Miyazaki đem bánh bột nếp (mochi) ra ăn. Hắn cũng phát cho Anju và Zushiô mỗi đứa một chiếc. Hai đứa trẻ cầm miếng bánh trên tay nhưng không lòng dạ nào nuốt nổi. Hai cặp mắt lại nhìn nhau và khóc. Đến đêm, nằm dưới tấm chiếu lác, Miyazaki phát cho, chúng vẫn khóc thút thít cho đến lúc lăn ra ngủ mê man.

Cứ như thế, hai đứa đã trải qua mấy ngày trời trên thuyền.Lý do là Miyazaki phải đi lòng vòng. Hắn ghé nhiều bến ở các vùng Etchuu, Noto, Echizen và Wakasa để rao bán bọn trẻ.

Tuy vậy, nhân vì chúng hãy còn quá trẻ và hình thù trông ốm yếu, không ai chịu bỏ tiền mua. Cho dù đôi khi cũng có người đến hỏi nhưng vì bất đồng về giá cả nên việc không thành. Miyazaki bắt đầu trở nên bực dọc, quay ra đánh đập bọn trẻ và quát tháo:" Chúng mầy lúc nào cũng chỉ biết khóc!".

Thuyền Miyazaki đi vòng vo mãi, một ngày cập bến Yura trong xứ Tango. Ở địa danh gọi là Ishiura, có một trang viên rất lớn. Ngoài cánh đồng, chủ nhân trồng lúa gạo và lúa mì, trên núi làm nơi đi săn, ngoài biển lại cho đánh cá. Đó còn là nơi nuôi tằm dệt vải, chế tạo các loại đồ gốm, đồ kim loại hay đồ gỗ ... không thiếu một thứ gì. Tay phú hào chủ nhân khu vực ấy tên là Sanshô Dayuu biết sử dụng những tay thợ khéo mọi ngành nghề và nếu là nhân lực thì bao nhiêu ông ta cũng thu mua tất. Cho đến thời điểm này, khi nào không có khách chịu mua, Miyazaki vẫn thường đem hàng họ của mình đến bán cho Sanshô Dayuu.

Người đại diện cho Sanshô ra ngoài bến để mua nô lệ (gọi là yakkogashira) đã bỏ ra ngay 7 quan tiền để mua chị em Anju và Zushiô về.

-Khỏe ghê! Tống khứ được hai con quỷ nhỏ, mình cảm thấy nhẹ cả người!

Vừa nói, Miyazaki no Saburô vừa cất món tiền vừa nhận được vào trong ngực áo. Thế rồi hắn đi thẳng đến một quán rượu nằm ngay trên cầu tàu.

* * *
Trong ngôi dinh thự rộng lớn với những hàng cột mỗi cái phải to hơn cả ôm, có một gian đại sảnh nằm sâu vào bên trong. Một lò sưởi lớn, vuông vức và đốt bằng than đã được nhóm lên. Phía bên kia lò có trải một chỗ nằm bằng ba tấm đệm chồng lên nhau. Trên đó lão Sanshô Dayuu – người quản lãnh trang viên này - đang chống tay tựa cằm. Hai cậu công tử Jirô (Thứ lang) và Saburô (Tam lang) đứng hầu hai bên tả hữu như hai con chó ngao (kỳ lân trên đền chùa). Nguyên lai Sanshô Dayuu có ba người con trai. Người anh cả tức Tarô, năm mới 16 tuổi, đã chứng kiến cảnh tượng cha mình tự tay đóng con dấu sắt nung đỏ (yakiin)vào mặt một nô lệ (yakko) toan đào tẩu nhưng bị bắt lại. Cậu ta lúc đó chỉ nhìn trân trân hành động của người cha, không thốt lên một lời, nhưng sau đó, cậu đã bỏ nhà ra đi và không còn ai biết tung tích nữa. Mười chín năm trời đã trôi qua kể từ ngày ấy.


Sanshô Dayuu, lão chủ nô

Viên chức phụ trách cai quản nô lệ dắt Anju và Zushiô tới trước mặt chủ. Thế rồi hắn ra lệnh cho hai đứa trẻ cúi chào.

Hình như hai đứa không hiểu lời người cai quản nói nên chỉ đưa mắt thao láo nhìn khuôn mặt của Sanshô. Năm nay Sanshô đã sáu mươi tuổi. Gương mặt lão ta đỏ như sơn son với một vầng trán rộng và cái cằm bạnh, râu tóc đều ánh lên như bạc. Hai đứa trẻ không tỏ ra sợ hãi cho lắm, chúng chỉ cảm thấy ngạc nhiên nên cứ nhìn chầm chập vào mặt chủ nhân.

Sanshô mới bảo:

-Con nít bọn bay mua được chỉ có chừng đó thôi à? Khác với những đứa mua về trước đây, cái ngữ này không biết sẽ dùng được vào việc gì đây!

Dứt lời, lão bèn ra lệnh đem hai đứa trẻ đến gần để xem xét. Thấy chúng quá xanh xao, gầy gò nên lão mới nói: "Đến ta mà cũng không biết sẽ dùng hai đứa này vào việc gì!"

Cậu ba Saburô đang đứng bên cạnh bèn góp lời. Tuy cậu ta là con trai út những tuổi đã ba mươi:

-Không đâu bố ạ. Nãy giờ con để ý thì thấy khi bảo chúng lạy chào, chúng vẫn chưa biết nghi lễ là gì. Khác với bọn con nít khác, chúng lại không biết xưng tên họ. Tuy có vẻ ốm yếu nhưng gan lì, chịu đựng giỏi lắm đấy. Về vụ cắt đặt công việc ban đầu thì mình có thể sai thằng con trai kiếm củi, bắt đứa con gái quẩy nước muối là đủ.

Người quản lý nô lệ lên tiếng:

-Đúng như lời cậu ba dạy, đối với con, bọn nó cũng không chịu xưng tên.

Lão Sanshô cười ngạo nghễ:

-Chúng có vẻ đần độn thật đấy. Thôi để ta đặt tên cho nhé. Này, gọi con chị là Shinobugusa, còn thằng em là Wasuregusa. Shinobugusa mỗi ngày ba bận phải ra ngoài biển quẩy nước mặn, còn thằng Wasuregusa thì mỗi ngày vào núi và phải đem về cho được ba gánh củi. Vì thân thể ốm yếu nên mỗi gánh có vơi đi nữa, ta cũng tha cho..

Cậu ba Saburô lại nói:

-Cụ nhân từ đến thế là hết mức rồi. Này, quản lý, mau đưa chúng ra và cấp cho dụng cụ làm việc đi thôi.

Người quản lý đưa hai đứa trẻ đến căn nhà dành cho bọn nô lệ vừa mới mua về. Anju được cấp cho thùng gỗ và gáo gỗ để múc nước, còn Zushiô thì được trao cho giỏ đựng củi và liềm. Đứa nào cũng được cấp cho một cái hộp để đựng cơm mang theo ăn trưa. Bọn nô lệ mới đến ở trong một ngôi nhà biệt lập với nơi cư trú của lũ nô tỳ khác.

Khi người quản lý nô lệ xong việc bước ra thì chung quanh đó, trời đã nhá nhem tối. Thế nhưng ngôi nhà của đám nô lệ không có lấy một ánh đèn.

* * *
Sáng hôm sau trời hết sức lạnh. Tấm chăn phát cho tối hôm qua lại quá bẩn, Zushiô phải đi kiếm mấy manh chiếu lác thường dùng để che mui thuyền rồi hai chị em phủ nó lên người mà ngủ.

Đúng như lời người quản lý căn dặn tối qua, Zushiô xách cái hộp xuống nhà bếp lãnh phần ăn sáng. Lúc ấy, trên mái nhà lợp tranh lấm đầy bùn đất, sương đang rơi. Bếp là một gian phòng rộng nền đất, trong đó, đông đảo đám nô tỳ đã chực sẵn. Nam và nữ nhận thức ăn ở hai chỗ khác nhau nhưng nhân vì Zushiô muốn lấy cả phần cho chị và cho mình nên lúc đầu cậu có bị họ mắng. Khi hứa là ngày hôm sau, chi cậu sẽ đến tự lấy phần ăn, cậu mới được cho phép lấy hai phần gồm có cháo đặc (katakayu) và nước nóng (oyu) đựng trong những vật dụng bằng gỗ.

Hai chị em vừa ăn sáng vừa bàn bạc với nhau. Chúng nghĩ rằng chuyện bất hạnh xảy ra như thế này là do số phận an bài nhưng thay vì chịu khuất phục, cả hai cần phải giữ được lòng can đảm. Thế rồi chị thì ra mé biển, em trai lên đường vào trong núi. Mỗi sáng hai đứa cùng đội sương đi qua khỏi ba lớp cửa gỗ của khu trang viên của Sanshô Dayuu, hết lớp thứ ba, thứ hai rồi đến thứ nhất, sau đó mới chia tay, kẻ rẽ bên trái, người rẽ bên mặt nhưng vẫn thường quay lại nhìn theo dõi bóng nhau.

Zushiô mỗi ngày leo lên lưng núi Yura-ga-take, cách bến Ishiura khoảng một thôi đường dốc về hướng Nam. Chỗ cậu chặt củi không xa chân núi là bao. Đi qua khỏi vùng có mấy tảng đá lỗ chỗ vệt tím là đến một vạt đất khá rộng và bằng phẳng. Nơi đó loại cây tạp nhạp mọc rất nhiều.

Zushiô đứng giữa rừng cây gỗ tạp đưa mắt nhìn quanh. Thế nhưng cậu chưa bắt tay vào việc vì vẫn không biết cách đốn củi như thế nào. Lúc ấy mặt trời buổi sáng đã làm tan loãng màn sương. Cậu ngồi trên đống lá rụng dày như lớp đệm và suy nghĩ bâng quơ. Thời gian cứ thế trôi qua, mãi một lúc sau cậu mới định thần lại được. Tuy vậy, vừa chặt được hai ba cành cây thì ngón tay cậu đã bị thương. Zushiô lại ngồi bệt xuống lớp lá rụng. Cậu nghĩ trong rừng mà lạnh lẽo thế này, huống chi chị mình ở trên bãi biển phải chịu thêm những ngọn gió triều thì còn lạnh biết bao nhiêu. Nghĩ đến đó, nước mắt cậu rơi lả chả.

Khi mặt trời đã lên khá cao và cũng đã chất đầy được một gánh củi, cậu mới đeo trên vai xuống núi mà về. Trên đường, cậu gặp một người đốn củi khác cất tiếng hỏi thăm:

-Em cũng là người giúp việc (yakko) chỗ cụ Sanshô đấy ư? Mỗi ngày phải vác bao nhiêu bó củi về trình hả?".

-Dạ, mỗi ngày phải đem về ba gánh nhưng cháu hãy còn chưa quen việc.

Zushiô cứ đúng như thế mà thành thực trả lời.

-Nếu mỗi ngày bắt phải ba gánh thì đến trưa xong được hai gánh là đã ổn. Đốn củi thì phải đốn như thế này này!

Ông tiều hạ gánh của mình xuống và trong một thoáng đã đốn giúp cậu ngay một gánh đầy.

Tinh thần Zushiô lúc ấy mới phấn chấn trở lại. Đến giữa trưa cậu đã xong gánh thứ hai. Từ buổi trưa trở đi, cậu thêm được gánh thứ ba.

Cô chị Anju của cậu phải men theo dòng sông đi về hướng Bắc mới ra được bãi biển. Sau khi xuống đến chỗ múc nước triều, cô vẫn đứng tần ngần vì không biết cách múc ra sao. Cô nghĩ trong bụng là phải cố gắng mà thôi nên mới lấy cái gáo gỗ ra và giữa khi chưa biết phải làm thế nào thì sóng biển đã xô tới cuốn nó đi.

Một cô gái đang múc bên cạnh đã nhanh tay chụp lại cái gáo và trả về cho cho. Cô ấy mới bảo Anju thế này:

-Múc nước triều không ai múc như em đâu. Để chị chỉ cho cách múc nhá. Nắm gáo bằng tay phải và thùng bằng tay trái. Múc xong một gáo thì phải đổ ngay vào thùng.

Cô gái múc nước bên cạnh có vẻ mến Anju vì sự ngây thơ của đứa trẻ. Hai người bèn lấy cơm trưa ra ăn, kể cho nhau nghe hoàn cảnh của mình và kết nghĩa chị em. Cô gái còn cho biết mình tên là Kohagi người vùng Ise, được người ta mua về từ bến Futami-ga- ura.

Mới ngày đầu tiên mà nhờ có đàn chị chỉ vẻ cách thức, Anju đã múc được ba thùng nước mặn đem về. Cậu em trai của cô cũng có người chỉ dẫn nên đã xong phận sự ba gánh củi. Cậu đem từng gánh một về nộp và đến chiều thì mọi việc đều xong.

* * *
Chị múc nước, em đốn củi, cuộc sống ngày ngày cứ thế trôi qua. Cô chị ra bãi biển thì nhớ em, cậu em lên núi thì nhớ chị, cùng đợi khi chiều xuống để trở về ngôi nhà nhỏ. Mỗi lần cầm lấy tay nhau và nhắc đến người cha đang ở dưới Tsukushi, người mẹ ngoài đảo Sado thì chúng chạnh lòng thương cảm, nước mắt lại chan hòa.

Được 10 hôm như vậy đã đến lúc đám nô lệ mới phải rời khỏi ngôi nhà họ đang sống chung và được chia làm hai toán nam (nô) và nữ (tỳ). Hai chị em thà chết chứ không chịu rời nhau. Người quản lý nô lệ bèn lên trình với chủ. Dayuu mới phán:

-Muốn đùa à? Phải tách nô ra nô, tỳ ra tỳ và bắt chúng nhóm nào ở theo nhóm nấy!

Khi người quản lý định đi ra để chấp hành lệnh chủ thì cậu hai Jirô đang đứng cạnh bên đã gọi giật hắn lại và thưa với cha mình:

-Bố dạy phải tách bọn trẻ ra là đúng nhưng tụi nó thà chết chứ không chịu xa nhau. Thái độ ấy là ngu ngốc nhưng chúng cũng dám làm liều lắm. Tuy công việc múc nước, gánh củi không đáng là bao nhưng mình cũng sẽ tổn thất nhân lực. Cho phép con tính xem có cách nào hay hơn không.

-Con nói cũng không sai. Ta ghét nhất là chuyện bị thiệt thòi. Thôi, ta để cho con tùy ý quyết định!

Nói xong Sanshô Dayuu quay đi không bàn đến chuyện đó nữa.

Jirô bèn cho dựng một cái lều con ở cánh cửa trong cùng cho hai chị em ở chung.

Một buổi chiều, như thói quen, hai chị em ngồi bên nhau bàn chuyện cha mẹ. Tình cờ Jirô đi ngang qua và nghe thấy. Jirô là người hay đi tuần phòng trang viên, hễ thấy nô tỳ nào mạnh mà hiếp yếu, cãi vã hay trộm cắp thì điều tra và xử phạt.

Jirô bước vào trong lều, nói với hai đứa trẻ:

-Tụi bay có thương cha nhớ mẹ thì cũng nên biết rằng Sado là một chỗ rất xa xôi mà Tsukushi lại còn xa hơn nhiều. Trẻ con như tụi bay không thể nào đi đến nơi đâu. Nếu muốn gặp lại cha mẹ thì phải chịu khó chờ cho đến khi khôn lớn.

Nói xong cậu ta bước ra khỏi đó.

Bẵng đi một dạo, vào một buổi chiều, hai đứa trẻ lại nói chuyện với nhau về cha mẹ chúng. Lần này thì cậu ba Saburô đi ngang nghe lóm được. Saburô thích đi bắt những con chim đang ngủ (netori) cho nên thường cầm theo cung đi lòng vòng xem xét các bụi cây trong trang viên.

Hai chị em khi bàn chuyện cha mẹ chúng thường đưa ra giải pháp này giải pháp nọ. Vì nôn nóng muốn gặp hai người nên chúng nghĩ ra đủ mọi phương cách, chung nói cả những điều viễn vông như người đang mơ. Hôm ấy, cô chị lên tiếng:

-Nếu chị em mình chưa đủ khôn lớn thì đúng là không thể làm một chuyến đi xa để gặp được ba mẹ. Ước mơ của chúng mình là chuyện khó lòng lắm đấy em. Tuy vậy, chị đã nghĩ nhiều rồi. Không có cách nào hơn là phải bỏ trốn nhưng nếu hai đứa đi chung thì sẽ không thoát được. Thôi em cứ mặc kệ chị mà trốn một mình đi. Thế rồi khi đến Tsukushi gặp được cha, hỏi ông mình phải làm sao. Sau đó sẽ ra đảo Sado mà đón mẹ về!

Những điều Saburô nghe lóm được, khổ thay, chính là những lời Anju đã căn dặn cậu em.

Saburô bèn mang cung tên đột ngột đi vào bên trong túp lều:

-Cha chả! Bọn mầy đang bàn tính chuyện thoát thân đấy phỏng? Ở đây, đứa nào âm mưu bỏ trốn là bị khắc ấn nung đỏ vào mặt, nghe chưa? Qui luật của trang viên này là thế đấy. Ấn sắt nung lên nóng lắm đấy nhé.

Mặt hai đứa trẻ xanh như chàm đổ. Anju bước ra trước mặt Saburô và nói:

-Cháu chỉ nói đùa với em cháu thôi. Ông nghĩ xem, nếu em cháu đi một mình, thử hỏi nó sẽ đi được bao lăm. Chỉ vì hai cháu mong gặp cha mẹ ở phương xa nên mới thốt ra những lời như vậy. Mấy hôm trước đây, chúng cháu đã muốn hóa thành chim để đến nơi cha mẹ cháu. Dại mồm dại miệng nên cứ thốt ra điều mình mơ ước thôi mà.

Zushiô thì nói:

-Đúng như chị cháu đã thưa với ông.Vì muốn bày tỏ lòng thương cha nhớ mẹ nên mỗi ngày cũng như hôm nay, chúng cháu toàn nói cho nhau nghe những chuyện viễn vông, không thể nào làm được.

Saburô nhìn vào mặt hai đứa trẻ như kiểm tra lời chúng nói và im lặng một hồi lâu:

- Hưừm! Bay muốn nói dối thì cứ việc nói dối. Tao đã nghe không sót những điều bọn mầy vừa họp bàn với nhau.

Nói xong, Saburô bước ra khỏi đó.

Buổi chiều hôm đó tuy cảm thấy lo lắng nhưng hai đứa trẻ vẫn lăn ra ngủ. Cũng không biết chúng đã ngủ được bao lâu khi có tiếng động đâu đây làm cho chúng mở mắt. Kể từ khi đến túp lều này, chúng đã được phép dùng đèn lửa. Ánh đèn li ti như vậy đủ cho chúng thấy Saburô đang đứng ngay trước đầu nằm. Saburô bất chợt đến gần rồi đưa tay ra nắm lấy tay của hai đứa và kéo chúng dậy, lôi ra khỏi cửa. Dưới ánh sáng màu xanh lạnh lẽo của vầng trăng, chúng thấy mình bị kéo ra một con đường rộng lợp ván dày gọi là "mã đạo" [14], leo lên ba bậc thang cấp, thông qua một hành lang dài và sau khi quanh đi quanh lại thì tới được gian đại sảnh của ngày hôm trước. Ở đó đã thấy rất nhiều người với vẻ mặt lầm lì đang tụ tập. Saburô bèn kéo hai đứa đến trước một lò than đang cháy đỏ. Kể từ khi bị lôi kéo xềnh xệch ra khỏi lều, chúng cứ van lơn luôn miệng: "Ông tha cho con! Ông tha cho con!" thế nhưng Saburô vẫn im thin thít và tiếp tục lôi kéo. Rốt cuộc chúng cũng đành riu ríu đi theo. Phía bên kia lò có trải một chỗ ngồi với ba tấm nệm chồng lên nhau và Sanshô Dayuu đang chễm chệ trên đó. Mặt lão ta đỏ rực như cháy lên vì phản chiếu ánh lửa phần phật của mấy bó đuốc cắm hai bên tả hữu chỗ ngồi. Saburô lấy từ trong lửa lò một que sắt cời than đã được nung đến đỏ au. Hắn cầm nó trên tay một đỗi, ngắm tới ngắm lui. Que sắt ban đầu cháy rực đến trong suốt dần dần đã chuyển qua màu đen.

Lúc ấy, Saburô kéo Anju lại gần và định dí que sắt ấy lên nhưng Zushiô đã bám lấy cùi chõ hắn. Saburô bèn đá cho cậu ngã rồi lấy đầu gối phải đè lên người và đưa que sắt nóng in một hình chữ thập đúng vào trán Anju. Tiếng rú thảm thiết của cô bé vang lên lanh lảnh trong cái im lặng của gian đại sảnh. Saburô bèn buông Anju qua một bên rồi vực Zushiô từ bên dưới đầu gối của mình lên và in ngay vào trán của cậu một chữ thập khác.Tiếng khóc thét của Zushiô lại vang lên hòa lẫn vào tiếng khóc giờ đã nhỏ đi và chỉ còn nghe ri rỉ của người chị. Saburô bèn vứt que sắt đi và cũng như lần trước khi hắn dắt hai chị em đến đây, đưa hai tay ra nắm lấy cánh tay chúng. Thế rồi, sau khi đảo mắt nhìn khắp những người đang có mặt, hắn bèn dẫn chúng dạo một vòng lớn trong gian đại sảnh. Hắn kéo hai đứa trẻ đến chỗ có bậc thang cấp và đẩy chúng ngã sóng soài trên mặt đất lạnh đông cứng. Hai đưa trẻ thiếu điều bất tỉnh vừa vì cái đau của vết thương trên mặt vừa vì nỗi sợ hãi trong lòng. Ráng nhịn cái đau, không biết bằng cách nào mà cuối cùng chúng đã về được túp lều nằm ở vòng rào thứ ba bên trong trang viên. Hai đứa ngã lăn lên chỗ nằm một đỗi, không cựa quậy, trông chẳng khác nào hai cái thây ma. Đột nhiên, Zushiô cất tiếng gọi: "Này chị ơi, mình nhanh nhanh cầu khấn Đức Phật Jizô (Địa Tạng) đi chị!". Anju bèn chỗi dậy và lấy cái túi đựng bùa hộ thân đeo trên người ra. Tay run run, cô mở giải giây của cái túi ấy, lấy bức tượng Phật Địa Tạng ra và đặt lên mặt gối còn hai chị em thì quì hai bên và cúi đầu làm lễ. Mới đây, trán của chúng rất là ê ẩm, cắn răng vẫn còn đau mà sao bây giờ cái đau đó đã tiêu tán đi đâu cả. Chúng đưa bàn tay lên thử vuốt vào vết thương ban nãy thì thấy ngay vết sẹo giờ cũng không còn. Chúng không khỏi ngạc nhiên nhưng vừa vặn lúc đó, cả hai cùng choàng tỉnh.

Hai đứa trẻ ngồi bật dậy và kể cho nhau nghe những chuyện vừa xảy ra trong mộng. Thì ra chúng đã thấy cùng một giấc mơ vào đúng một thời điểm. Cũng như điều cô đã làm trong giấc mơ, Anju bèn lấy bức tượng Địa Tạng ra đặt lên trên gối. Sau đó hai đứa trẻ cùng sụp xuống lễ Ngài. Dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn, chúng nhìn vào khuôn mặt của Đức Địa Tạng thì thấy là ở giữa đôi mày của Ngài có một vết thương hình chữ thập rất rõ ràng như thể có ai đó đã lấy con dao đẽo của nhà điêu khắc để đục lên đó.

Từ cái hôm bị Saburô nghe lén rồi đêm đó nằm thấy một giấc mộng hãi hùng, thái độ của Anju đã thay đổi hẵn. Cô như khép kín, gương mặt không còn biểu lộ một tình cảm nào cả. Đầu chân mày thường nhíu lại và đôi mắt đăm đăm nhìn dõi về xa. Thế rồi cô trở nên câm nín. Cho đến lúc đó, mỗi buổi chiều khi từ ngoài bãi biển trở về, cô thường đợi cậu em từ trên núi xuống để cùng về nhà và hàn huyên tâm sự với nhau, thế nhưng nay thì ngay vào những lúc đó, cô cũng đâm ra ít nói. Zushiô hết sức lo lắng, hỏi han. "Chị ơi, chị làm sao vậy?". Cô chỉ trả lời: "Có gì đâu em. Chị bình thường mà!" và cố gắng nở một nụ cười để che dấu nỗi khổ tâm.

Chuyện Anju tỏ ra khác trước chỉ thể hiện có chừng đó chứ từ lời ăn tiếng nói cho đến việc làm của cô thì vẫn như xưa và không có gì sai phạm. Thế nhưng đối với Zushiô thì khi cậu thấy người chị từng an ủi mình và mình từng an ủi lại nay có sự thay đổi như thế, lòng cậu rất cay đắng mà không biết tâm sự cùng ai. So với trước đây, cảnh ngộ của hai đứa trẻ còn thê thảm hơn một bậc.

Tuyết khi rơi khi tạnh, trời sắp bước vào tiết cuối năm. Bọn nô tỳ được phép không phải ra ngoài lao động mà chỉ làm việc trong nhà. Anju quay tơ còn Zushiô đập lúa. Đập lúa là công việc chả cần phải học cũng làm được nhưng quay tơ không phải chuyện dễ. Cho nên buổi tối thường có Ise no Kohagi tìm tới để giúp đỡ và chỉ bảo. Không những thái độ của Anju đối với em trai đổi khác mà ngay đôi với Kohagi, cô cũng trở nên ít nói, mà nếu có nói thì cũng không tỏ ra niềm nở. Tuy nhiên, Kohagi không vì thế mà mếch lòng, vẫn đối xử dịu dàng với cô như trước.

Bên cánh cổng gỗ trang viên, Sanshô Dayuu có cho trồng nhiều hàng tùng. Thế nhưng bây giờ, ngay đầu năm mà nơi đây không có vẻ gì là tươi sáng. Đám đàn bà con nít nhà chủ chỉ rúc vào bên trong, ít khi ra vào nên không khí thiếu cái vẻ nhộn nhịp. Duy có cảnh người trên kẻ dưới ai nấy đều nhậu nhẹt. Trong ngôi nhà của bọn nô lệ nam chỉ vọng ra toàn tiếng cãi vã. Thường thì hễ cãi nhau là bị trừng phạt nặng nhưng vào dịp rày dù chuyện đó có xảy ra, người quản lý nô tỳ cũng tỏ ra rộng lượng. Ngay cả khi có đổ máu, ông ta cũng làm bộ như không hay biết. Đến độ dù có ai bị giết có lẽ ông ta cũng thây kệ.

Còn trong túp lều buồn thảm của hai chị em bên cánh cổng gỗ thứ ba, đôi khi có bóng Kohagi đến chơi. Như thể  cô đã đem không khí náo nhiệt từ ngôi nhà của đám nô lệ phụ nữ tới nơi đây và sau những câu chuyện của cô, túp lều ảm đạm của hai chị em cũng có được chút không khí mùa xuân. Ngay cả Anju, dù dạo sau này tính tình có biến đổi, cũng để phảng phất trên môi một nụ cười hiếm có.

Đến ngày mồng ba thì công việc bắt đầu trở lại. Anju quay tơ và Zushiô đập lúa. Đến đêm khi Kohagi tìm tới, cô thấy Anju bây giờ đã thạo việc, hai tay thoăn thoắt, hầu như không còn cần sự trợ giúp nào nữa. Tuy bên ngoài tính tình cô có thay đổi nhưng đối với những công việc thầm lặng và theo một nhịp điệu đều đặn như thế này thì cô làm một cách rất thoải mái. Hơn nữa, khi chuyên chú với công việc, hình như cô quên đi được những điều lo nghĩ và nhờ đó, lòng cũng lắng dịu. Tuy bây giờ Zushiô không còn nói chuyện được với chị mình như ngày trước nữa nhưng nhìn cảnh tượng Kohagi kể chuyện cho Anju nghe trong lúc cô ấy quay tơ, cậu cảm thấy không có gì có thể làm mình vững tâm hơn.

Nước đã ấm lại, cỏ nẩy mầm xanh, mai là ngày bọn nô lệ bắt đầu phải ra bên ngoài lao động. Cậu hai Jirô đang đi tuần tra chung quanh trang viên và ghé đến túp lều cạnh cánh cổng gỗ thứ ba. "Sao, tụi nhóc, ngày mai có thể đi làm lại được chưa đó! Lắm đứa hình như đang ốm. Đó là mới nghe qua quản lý thôi nhưng ta phải đích thân xem xét thì mới tỏ tường. Vì thế, ta phải đến từng nhà một để kiểm điểm".

Đang đập lúa, Zushio dợm trả lời nhưng khi cậu chưa kịp lên tiếng thì đã thấy Anju, với một thái độ khác hẵn ngày thường, ngừng tay xe tơ và bất chợt tiến tới trước mặt Jirô. "Về việc đó, cháu có một điều xin ông giúp cho. Cháu mong ông cho phép hai chị em cháu cùng được làm việc chung một chỗ ạ. Cúi xin ông bố trí cách nào để cháu có thể lên trên núi làm việc với em cháu!"

Gương mặt của cô đang xanh xao bỗng ửng hồng lên và đôi mắt sáng long lanh.

Zushiô kinh ngạc. Cậu vừa nhìn thấy chị mình thay đổi thái độ một lần thứ hai. Hơn nữa chị ấy chẳng thèm bàn bạc trước với mình mà đột ngột mở miệng xin được cùng đi đốn củi thì thật là quái gở. Cậu chỉ biết mở mắt thật to theo dõi cảnh tượng đang xảy ra như muốn che chở cho chị mình.

Jirô chẳng nói chẳng rằng mà chỉ đăm đăm nhìn thái độ của cô gái. Anju lập lại lời xin: "Cháu chỉ mong mỗi một điều đó thôi. Ông cho phép cháu đi núi cùng với em cháu!"

Một đỗi sau Jirô mới mở miệng:

-Trong trang viên này, việc sai phái nô tỳ là một trọng trách, chỉ cha ta mới là người có quyền cắt đặt. Thế nhưng này Shinobugusa, nghe điều mi xin thì thấy mi rất thiết tha nên ta sẽ trình lên cụ và nói góp cho, chắc thế nào mi cũng được phép lên núi làm việc. Cứ yên trí. Hai đứa bay còn bé mà đã sống qua được mùa đông là tốt lắm đấy.

Nói xong, Jirô đi ra.

Zushiô buông cái vồ đập lúa và đến bên chị:

-Tại sao thế chị? Nếu chị được phép đi núi cùng với em phải nói là em rất mừng nhưng vì lý do gì chị bất chợt xin họ như vậy hở? Lại không bàn trước với em.

Zushiô thấy gương mặt chị ửng hồng như có gì vui sướng.

-Chị nghĩ sao thì nói vậy thôi. Trước khi ông ta đến đây, chị cũng chưa có ý xin xỏ gì. Bất chợt lúc đó trong đầu chị mới nảy ra cái ý ấy.

-Thế à? Quái nhỉ!

Zushiô ngắm khuôn mặt người chị mà tưởng chừng mình đang nhìn một vật gì lạ lẫm.

Người quản lý đem giỏ và liềm đến.

-Này Shinobugusa, ta nghe nói mi được phép ngừng việc đi quẩy nước biển và chuyển sang kiếm củi nên mới đem vật dụng làm việc tới cho mi đây. Bù lại, hãy đem thùng gỗ và gáo nước ra để ta thu về.

-Cháu làm phiền ông quá!

Anju nhẹ nhàng đứng lên lấy thùng và gáo ra trả. Người quản lý thu lấy đồ nhưng có vẻ chưa chịu về ngay. Gã đàn ông này là người nhất nhất tuân theo ý chủ, xem những gì gia đình Sanshô Dayuu thốt ra như là lời thần thánh thác vào họ. Hắn không hề lưỡng lự khi phải làm những chuyện tàn ác, bất nhân nếu là vì chủ. Thế nhưng bẩm sinh tính hắn đã thế rồi. Thấy người khác sầu khổ hay than khóc, hắn cũng chả động lòng. Nếu mọi chuyện xảy ra êm thắm, hắn không cần để mắt tới mà cũng trót lọt thì hắn cứ mặc cho nó xảy ra. Sở dĩ giờ đây hắn có một vẻ mặt ngao ngán là vì hắn đang bị bắt buộc không để cho người khác phải mếch lòng. Khi nói ra hay làm một điều gì, người đàn ông này thường để lộ cái tình cảm như vậy ra ngoài mặt.

Lúc ấy, hắn hướng về phía Anju và nói:

-Giờ thì ta có một nhiệm vụ như thế này. Thực ra việc cho phép lên núi lấy củi thì cậu Jirô không thể nào quyết định suông. Cậu đã phải thưa lên cụ ông. Lúc đó, cậu Saburô cũng đứng bên cạnh nên mới bảo: "Nếu thế thì phải bắt con Shinobugusa cắt tóc ngắn như con trai (kiểu ô- warawa) [15] mới được". Cụ ông bèn phá lên cười và chấp thuận đề nghị đó. Vì thế hôm nay ta phải đến đây xin món tóc của mi đem về trình.


Mái tóc cắt kiểu con trai của Kagawa Kyôko trong vai Anju

Zushio đang đứng bên cạnh nghe hắn nói thế mà thấy lồng ngực như có dao đâm. Mắt mờ những lệ, cậu nhìn người chị.

Điều đáng ngạc nhiên là lời nói của người quản lý không làm cho Anju mất đi nét hân hoan:

-Đúng rồi đó. Đi chặt củi thì cháu phải giống con trai chứ nhỉ! Liềm đây, xin ông cắt hộ cho.

Rồi cô đến trước mặt người quản lý nô lệ và vươn cần cổ. Mái tóc dài và óng ả của Anju đã ra đi sau một nhát liềm.

* * *

Ngày hôm sau, giỏ trên vai và liềm trong tay, hai đứa trẻ cùng nhau vào núi. Chúng dắt tay nhau đi ra khỏi cổng gỗ của trang viên. Kể từ ngày đến chỗ Sanshô Dayuu, đây là lần đầu tiên hai chị em mới có dịp cùng nhau sóng bước như thế này.

Zushiô không sao đoán được ý nghĩ của chị mình nên lòng cậu mang nặng một tình cảm vừa giống như buồn vừa giống cô đơn. Hôm qua, sau khi người quản lý về rồi, cậu đã đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau để dò ý chị thì hình như cô chị đang nuôi một ý tưởng thầm kín trong đầu nhưng khi cô chưa kịp nói ra thì trời đã rựng sáng.

Khi đến được chân núi, Zushiô cảm thấy không thể nhịn nổi nữa, mới bảo:

-Chị ơi. Chẳng mấy khi mới có dịp đi chung với chị, đáng lẽ em phải vui lắm đấy nhưng lạ thay, hôm nay em lại cảm thấy buồn không thể tả. Em nắm tay chị dắt đi như thế này, quay về phía chị nhưng không nỡ nào nhìn cái đầu chị húi kiểu đàn ông. Chắc chị có điều gì mưu tính trong đầu và muốn dấu diếm cả em, phải không? Sao chị lại xử tệ với em như vậy?

Buổi sáng hôm đó, niềm vui vẫn tràn trề trên vầng trán của Anju như một vầng hào quang. Đôi mắt to của cô sáng long lanh. Thế nhưng cô vẫn không trả lời câu hỏi của cậu em mà chỉ khẽ kéo bàn tay đứa em trai về phía mình và nắm lấy thật chặt.

Trên con đường lên núi có một cái đầm nước. Bên bờ đầm, giống như cảnh đã thấy hồi năm ngoái, có rất nhiều cây lau khô xác xơ, đâm ngang đâm dọc, thế nhưng giữa đám cỏ vàng úa mọc bên bờ đường đã thấy những mầm xanh đang nhú. Từ bờ đầm đi lên và quẹo về phía tay phải, có một giòng suốt trong vắt vọt ra từ giữa hai ghềnh đá. Qua khỏi chỗ đó là con dốc dẫn lên cao chạy dọc theo vách núi. Vừa lúc ấy, ánh nắng mai đang chiếu khắp nơi trên bìa đá. Anju khám phá ra giữa những nếp chồng xếp lên nhau trên ghềnh đá, ở một quãng bị thời tiết xói mòn, có một bụi lan tím (sumire) bám rễ và đang ra hoa. Cô mới lấy ngón tay chỉ cho Zushiô:

-Này em xem. Mùa xuân về rồi kìa!

Zushiô chỉ im lặng gật đầu. Cô chị vẫn giữ chặt cho mình điều bí mật còn cậu em đang chất nặng nỗi buồn trong lòng thì làm sao cậu có thể biểu lộ sự đồng tình với chị. Lời cô nói với em chẳng khác nào dòng nước chảy trên cát, vừa đến giữa đoạn đường đã thấm khô và không để lại dấu tích.

Khi đến bên lùm cây năm ngoái cậu từng đốn củi, Zushiô bèn dừng bước.:

-Chị ơi! Đây là chỗ em vẫn lấy củi đó.

-Ờ, mà khoan! Mình lên trên cao một tí nữa xem sao.

Anju tiến về phía trước và thoăn thoắt leo lên con dốc. Zushiô lấy làm quái lạ nhưng cũng lẽo đẽo sau lưng. Được một đỗi, hai chị em đã bỏ xa khu rừng gỗ tạp bên dưới và đến một nơi có thể gọi là một đỉnh cao bên rìa núi.

Anju đứng lại nơi đó. Mắt cô nhìn dõi về hướng Nam. Tầm mắt cô vượt khỏi bãi Ishiura để đến tận đầu nguồn Ôkumogawa, con sông đổ vào cảng Yura. Bên kia bờ sông và cách chừng một dặm (= 4 km) mắt cô dừng lại ở ngọn Nakayama. Trên đỉnh núi thấy có một ngọn tháp vươn lên giữa vùng cây lá dày đặc. Thế rồi cô gọi cậu em:

-Này Zushiô, có một chuyện chị suy nghĩ đã lâu. Lúc sau này chị không chịu trò chuyện với em như xưa, chắc điều đó đã làm em lấy làm kỳ lạ. Đúng không? Thôi, hôm nay không phải chặt củi làm chi nữa mà hãy lắng nghe lời chị nói đây. Chị Kohagi đã bị bán đi từ bến Ise nên đã chỉ vẽ cho chị về đoạn đường từ ngôi làng của chị ấy đến đây. Nếu em đi được đến núi Nakayama thì em đã tới gần sát kinh đô (ý nói kinh đô Heian ở Kyôto, LND). Việc xuống tận Tsukushi quá khó khăn mà chuyện quặt ngược lại để vượt biển ra Sado cũng không kém phần lao khổ. Thế nhưng kinh đô thôi thì nhất định em sẽ tới được. Kể từ ngày hai chị em mình theo mẹ rời Iwashiro cho đến này, chúng ta chỉ gặp toàn những phường gian ác. Tuy vậy, vận mệnh của con người phải có lúc thông suốt, thế nào mình cũng sẽ gặp được kẻ hiền lương. Vậy từ đây em phải quyết tâm, làm sao thoát ra khỏi chốn này và đến được kinh đô cho chị. May ra mà Thần Phật đưa đường em gặp được người tốt thì họ sẽ giúp em biết tin tức của cha chúng mình dưới Tsukushi bây giờ ra sao. Và lúc đó có lẽ em cũng có thể ra đảo Sado rước mẹ về. Để giỏ và liềm lại! Đi đường chỉ cần xách theo hộp đựng cơm là đủ.

Zushiô im lặng nghe chị giải bày nhưng nước mắt của cậu chảy dài xuống hai bên má:

-Thế thì còn chị. Chị tính ra sao hở chị?

-Em đừng lo chi chuyện của chị. Việc này tuy em làm một mình nhưng hãy xem như chị đang cùng làm với em. Khi nào em gặp mặt cha và đón được mẹ ngoài đảo về rồi thì hãy trở lại đây cứu chị ra nhé!

-Thế nhưng nếu bọn chúng không thấy em về sẽ làm khổ thân chị.

Trong đầu Zushiô lại hiện ra cảnh đóng dấu sắt nung đỏ quá khủng khiếp cậu từng thấy trong giấc mộng.

-Tất nhiên chúng sẽ hành hạ đủ điều nhưng chị sẽ nhẫn nhục chịu đựng tất cả. Chúng không giết nô tỳ mà chúng đã phải bỏ tiền ra mới mua về được đâu. Chị sẽ nhớ đến chỗ lùm cây mà em vừa chỉ để ra đó chặt cho thật nhiều vào. Cho dù không đủ sáu gánh nhưng cũng sẽ chặt đến bốn hay năm gánh. Thôi, mình cùng xuống chỗ đó và bỏ liềm với giỏ lại. Sau đó chị sẽ tiễn em đến dưới chân núi.

Nói xong, Anju đứng dậy và đi xuống trước.

Đầu óc rối lên, Zushiô không còn biết nghĩ gì, chân cứ bước theo chị mà đi. Chị cậu năm nay 15 tuổi, còn cậu 13 nhưng con gái thường sớm chín chắn, hơn nữa, dường như có thần linh phù hộ hay sao mà đầu óc lại sáng láng. Vì vậy khi cô nói điều chi, Zushiô không bao giờ dám cãi.

Khi đã xuống tới chỗ lùm cây, hai đứa trẻ bỏ giỏ và liềm cắt cỏ lại trên đống lá khô. Cô chị lấy lá bùa có tượng vị Phật bản mệnh của mình đặt vào tay em:

-Đây là lá bùa hộ mệnh quan trọng lắm đấy. Chị trao em giữ hộ cho đến ngày mình gặp lại nhau. Hãy xem Đức Phật Địa Tạng này chính là chị và giữ gìn nó cẩn thận tựa như thanh đoản đao hộ thân của em.

-Thế chị không mang bùa hộ mệnh nữa à?

-Phải. Em mới cần lá bùa ấy hơn chị vì em có thể gặp chuyện hiểm nghèo hơn nên chị gửi tạm nó cho em. Tối nay nếu chúng không thấy em quay về trại, nhất định sẽ cho người theo đuổi bắt. Dù em có chạy nhanh đến đâu vẫn chưa chắc là không bị bắt kịp. Vậy trước tiên hãy đi đến một chỗ tên là Wae ở thượng nguồn con sông hồi nãy từ trên cao mình đã thấy đó, cố đừng để cho những kẻ đuổi theo khám phá mà vượt qua bờ đối diện. Chỗ đó không còn cách Nakayama bao lăm nữa. Nếu đến được nơi đó, em sẽ nhìn thấy cái tháp cao của một ngôi chùa. Hãy vào đó mà xin trú ẩn. Đợi đến khi toán người đuổi bắt quay về thì trốn ra khỏi chùa.

-Nhưng vị sư trụ trì có chịu cho mình nấp ở chùa ấy hay không chứ?

-Duyên may phận rủi, em ạ! Nếu vận em thông suốt, thày ấy có thể cho em nấp ở đấy thôi.

-Đúng đấy! Lời chị nói hôm nay như đã được thốt ra từ miệng Thần Phật. Em đã suy nghĩ kỹ rồi và sẽ hành động y theo lời chị dặn.

-Ôi chao, em đã hiểu hết lời chị rồi nhỉ? Các thày là người nhân từ, thế nào cũng che chở cho em.

-Phải rồi đấy chị. Nãy giờ em cũng suy nghĩ như thế. Nếu thoát thân, em sẽ lên tới kinh đô và có thể tìm gặp cha và mẹ. Em lại có thể trở về đây mà cứu chị ra.

Đôi mắt của Zushiô lúc ấy cũng sáng lên như đôi mắt của chị cậu.

-Này, nhanh lên nào! Chị sẽ đưa em xuống tận chân núi.

Hai đứa trẻ gấp rút xuống núi. Bước chân của chúng giờ đây cũng nhẹ nhàng khác trước làm như sự ấm áp trong lòng người chị đã truyền sang cho cậu em.

Đi đến chỗ có giòng suối phun ra, người chị lấy cái bát gỗ đi kèm theo hộp cơm múc lên một bát nước trong:

-Đây là chén rượu mừng ngày em bước ra khỏi cửa đó!.

Cô uống một ngụm rồi trao cái bát cho đứa em.

Cậu em uống một hơi cạn sạch cái bát:

-Thế thì em cũng chúc chị ở lại mạnh giỏi. Nhất định em không để bọn truy lùng bắt được và sẽ đến Nakayama cho coi.

Còn mươi bước nữa là hết con dốc, Zushiô bèn chạy một mạch xuống dưới, men theo con đường bên bờ đầm mà ra đường lớn, nhanh chân nhắm hướng thượng nguồn sông Ôkumogawa trực chỉ.

Anju đứng lại bên bờ suối, nhìn dõi theo hình ảnh đứa em trai lúc ẩn lúc hiện sau hàng cây tùng như để tiễn đưa. Cô chờ cho đến khi cái bóng của nó khuất dần. Hôm đó tuy trời đã sắp trưa nhưng cô không buồn leo lại lên núi. May thay hôm nay ở phía núi này không một bóng người qua lại nên chẳng ai nhìn thấy cảnh cô đứng lại tần ngần một đỗi trên quãng dốc.

Sau đó gia đình Sanshô Dayuu đã phái người truy lùng hai chị em. Khi bọn gia nhân đến bên bờ đầm, chúng chỉ nhặt được một đôi dép rơm nhỏ của ai bỏ lại đó. Đó là đôi dép Anju vẫn mang.

* * *


Anju tự trầm để nhẹ gánh cho em trai một mình tìm mẹ
Trước cửa tam quan của ngôi quốc tự [16] ở Nakayama, ánh đuốc thông chiếu sáng rỡ trên một đám đông hỗn tạp. Đứng đầu đám gia nhân là cậu ba Saburô nhà Sanshô. Tay cậu lăm lăm một thanh kiếm dài to bản, cán bịt trắng.

Đến trước cửa đền, Saburô quát tháo:

-Bọn chúng ta là người nhà của gia trang Sanshô ở Ishiura. Hiện có một tên nô lệ dưới quyền ngài Sanshô Dayuu bỏ trốn vào trong núi này. Có kẻ đã xác nhận với chúng ta điều đó. Nhất định chỗ trốn của hắn là mấy ngôi chùa chứ không nơi nào khác. Vậy các ngươi hãy lôi cổ nó ra đây!

Bọn gia nhân nhao nhao hùa theo:

-Nào, lôi cổ nó ra đây! Lôi cổ nó ra đây!

Từ ngôi chính điện ra đến ngoài cổng, có một khoảng sân rộng lót sỏi. Trên mặt sỏi, với đuốc trong tay, bọn tay chân của Saburô đang nhốn nháo và xô đẩy nhau. Còn hai bên sân thì tất cả tăng tục sống trong chùa – hầu như không sót một ai – đều ra đó đứng dàn ra đó. Sở dĩ có chuyện như thế là vì khi có tiếng ồn ào ngoài sân, họ lấy làm quái, không biết đang có gì xảy ra ở khu chính điện hay nhà kho nên mới kéo ra xem.

Ban đầu, khi bọn người truy lùng đòi mở cổng cho họ vào bên trong, nhà chùa lo lắng nếu làm như vậy, có khả năng họ sẽ bị nhóm ấy hành hung nên nhiều vị tăng đã đề nghị đừng mở. Biết vậy mà nhà sư trụ trì là thày risshi (luật sư) Donmyô ((Đàm Mãnh) [17] vẫn cho mở cổng. Tuy nhiên, giờ đây dù trong một lúc lâu, Saburô quát tháo đòi họ đem giao cho hắn kẻ nô lệ bỏ trốn, cánh cửa chính điện vẫn đóng im lìm.

Saburô dậm châm dậm cẳng, lập đi lập lại hai ba lượt. Trong đám bộ hạ của hắn, có đứa lên tiếng gọi:

-Ới ông hòa thượng, thế này là thế nào!

Xen vào câu nói của hắn có mấy tiếng cười khúc khích.

Chừng một đỗi sau, cánh cửa chính điện lặng lẽ mở toang. Chính thầy risshi Đàm Mãnh đã tự tay mình mở. Thày chỉ quấn mỗi một cái pháp y [19] từ trên vai buông xuống và không cần đeo thêm một thứ trang sức nào tạo dáng uy nghi. Thầy đứng trên bậc thang lên chính điện dưới ánh sáng lù mù của ngọn thường đăng [18] đang chiếu lên người. Dáng thầy cao và vững chãi như vách đá, khuôn mặt rắn rỏi với hàng mi hãy còn đen, tất cả hiện ra dưới ánh lửa lập lòe. Thầy risshi này chỉ mới ngoài năm mươi tuổi.

Thày risshi thong thả cất lời. Bọn truy lùng đang ồn ào chỉ cần thấy bóng dáng của thầy là đã im bặt. Tận từng góc sân, tiếng của thầy vang lên nghe rõ mồn một:

-Có phải các ngươi đến đây để kiếm cho ra tên nô lệ bỏ trốn không? Ở chùa này không ai có thể cho người lạ ở lại mà không được phép của sư trụ trì là ta đây. Vì ta không biết tới chuyện đó nên chắc chắn là hắn không có mặt trong chùa này. Đã vậy mà giữa đêm hôm các ngươi còn kéo cả đàn cả bầy mang kiếm kích đến đây buộc chúng ta phải mở cửa tam quan. Phải chăng các ngươi muốn phá rối trị an nhà nước? Ta tưởng các ngươi đi bắt kẻ phản nghịch của triều đình nên mới cho mở cổng. Té ra là gì nào? Chẳng qua các ngươi chỉ muốn bắt một kẻ nô bộc trong nhà đem về tra hỏi. Chùa ta có sắc chiếu của hoàng gia, trên cửa tam quan đã có bảng yết thị. Tháp bảy tầng kia còn chứa kinh văn chép bằng thủ bút của Thiên Hoàng. Kẻ nào dám gây ra náo loạn sẽ bị lực lương an ninh của quan trấn thủ hỏi tội. Ngoài ra, nếu chùa Tôdaiji (Đông Đại Tự) – tổng bản sơn của chúng ta – mà đâm đơn kiện cáo, liệu các ngươi có biết mình phải chịu rắc rối với triều đình đến mức nào không? Hãy suy nghĩ cặn kẽ và biết điều mà rút đi cho nhanh.Ta nói những điều đó là vì muốn giúp các ngươi chứ không phải ghét bỏ gì.

Nói xong, thày risshi bèn từ từ đóng cánh cửa chính điện lại. Saburô nhìn trừng trừng cánh cửa và nghiến răng căm tức. Thế nhưng hắn không đủ cản đảm tiến lên đằng trước để đập phá nó. Bọn thủ hạ của hắn chỉ biết thì thào với nhau như những chòm lá đang lao xao trước gió.

Vừa lúc đó, có kẻ bỗng la lên thật to:

-Có phải đó là một thằng nhóc con trạc 12, 13 tuổi hay không? Nếu đúng là nó thì tôi biết.

Saburô giật mình đưa mắt tìm kẻ vừa mới phát ngôn. Đó là một người đàn ông vóc dáng từa tựa Sanshô Dayuu, cha mình. Người ấy là kẻ trông coi gác chuông nhà chùa. Ông ta lại tiếp tục nói:

-Cái thằng nhóc đó thì từ hồi trưa, khi đứng trên gác chuông tôi đã thấy bóng nó đi thật nhanh ở ngoài bờ tường đất và về hướng Nam. Chắc vì gầy gò nên trông nó nhẹ nhàng. Kiểu này giờ đây nó đã đi được khá xa.

-Đúng nó rồi. Trẻ con nửa ngày đi được bao lăm, có gì mà không đoán được! Đi kiếm tiếp thôi!

Ra lệnh xong, Saburô bèn rút quân đi.

Đám đuốc thông nối đuôi nhau ra khỏi cổng chùa, đoàn người truy lùng đi dọc theo bờ tường đất và về hướng Nam. Ông gác chuông lại đứng trên lầu chuông nhìn theo bóng họ và cười lớn. Tiếng cười ấy làm cho hai ba con quạ sau khi bị phá khuấy vì tiếng động ồn ào và đang định tìm giấc ngủ bình yên trong lùm cây bên cạnh bỗng giật mình sợ hãi, cùng vỗ cánh bay lên.

* * *
Ngày hôm sau, từ ngôi quốc tự trong vùng, có mấy toán người được chia ra đi thăm dò tin tức. Người đi về phía Ishiura về thuật lại việc Anju tự trầm, còn người đi về hướng Nam cho biết đám gia nhân truy lùng do Saburô chỉ huy sau khi đến tận Tanabe cũng đã rút lui.

Hai ba hôm sau đến phiên thày Đàm Mãnh ra khỏi chùa lên đường đi Tanabe. Thày mang theo một cái bình bát xin cơm bằng sắt to như cái chậu. Trong bàn tay lực lưỡng còn có thêm một cây tích trượng. Theo sau là Zushiô - đầu đã cạo trọc – mặc tam y (san.e) [20]. Suốt ngày họ lấy đường cái mà đi, đến đêm thì vào đủ các chùa dọc đường xin ngủ trọ. Đến được Shujakuno [21] ở Yamashiro, thầy risshi Đàm Mãnh mới nghỉ lại Gongendô [22] và chia tay Zushiô ở đây. Thày căn dặn Zushiô: "Nhớ giữ gìn cẩn thận vị Phật bản mệnh. Thế nào em cũng sẽ có cơ hội biết tin tức cha mẹ!"rồi mới quay gót trở lui.

Khi lên đến kinh đô, nhân vì Zushiô đã mang lớp áo nhà tu nên cậu có thể đến trọ tại Kiyomizudera (Thanh Thủy Tự) trên núi Higashiyama. Qua một đêm ngủ ở nhà nguyện (lung đường) của chùa, sáng hôm sau khi vừa tỉnh giấc thì cậu đã thấy một người già cả đội mão eboshi, mặc áo nôshi, vận quần kishinuki (mũ cao áo rộng, LND) ra vẻ nhà quyền quí đang đứng trước chỗ mình nằm.

-Cháu là con cái nhà ai vậy? Nếu có mang theo vật gì quí giá, hãy đưa ta xem! Vì muốn cầu Phật cho người con gái của ta chóng lành bệnh, ta đã đến nhà nguyện này để khấn vái từ tối hôm qua. Chợt ta được báo mộng rằng cậu bé đang nằm ngủ trên tấm phản bên trái có một bức tượng của vị Phật bản mệnh và bảo ta hãy mượn bức tượng ấy mà khấn khứa. Sáng ra ta mới trên tấm phản bên trái chỉ có mình cháu nằm. Vậy cháu hãy cho ta biết rõ gia thế của cháu và cho ta mượn tạm bức tượng Phật ấy nhé. Ta là người đang giữ chức Kanpaku (Quan Bạch) [23] tên gọi Morozane [24].

Zushiô mới thưa:

-Thưa ngài, cháu là Zushiô, con của chức Jô (phó quan địa phương) vùng Mutsu (thuộc Tôhoku) tên Masauji. Cách đây 12 năm, phụ thân cháu đến thăm chùa Anrakuji (An Lạc Tự) dưới Tsukushi rồi biệt tích, gia đình không còn nghe tin tức gì về ông nữa. Có lẽ bố cháu mất rồi cũng nên. Năm bố ra đi, cháu mới ra đời. Cháu lại có một người chị, lớn hơn 3 tuổi. Mẹ cháu mới dắt hai chị em cháu về ngụ tại quận Shinobu vùng Iwashiro [25]. Sau đó mẹ thấy cháu đã khá cứng cáp mới đưa hai chị em làm một chuyến đi xa để tìm cha chúng cháu. Nào ngờ khi đến được xứ Echigo, gia đình cháu đã lọt vào tay bọn buôn người gian ác. Mẹ cháu bị bán ra đảo Sado, còn hai chị em bị bán đi Yura [26] vùng Tango. Chị cháu đã qua đời ở Yura. Còn như vật báu hộ thân mà cháu mang trên người, ấy là pho tượng Đức Phật Địa Tạng này đây.

Nói xong Zushiô bèn lấy pho tượng nhỏ ra cho viên đại thần xem.

Morozane cầm pho tượng trong tay, ban đầu ấp nó vào trước trán như để thi lễ. Sau đó, ông lật đi lật lại mặt trước mặt sau, cẩn thận xem xét, xong mới nói:

-Đúng là vật xưa ta từng nghe nói. Đây là tượng kim thân của Đức Phóng Quang Vương Địa Tạng Bồ Tát đấy. Vật báu này đến từ nước Kudara (Bách Tế bên Triều Tiên) và được ngài Takami-ô (Cao Kiến Vương) [27] xem như bùa hộ mệnh. Với cách thức nó được truyền lại đời sau thì ta không còn có gì để đặt nghi vấn về gốc gác của cháu nữa. Hồi đầu niên hiệu Eihô (Vĩnh Bảo, 1081-84), lúc Thái thượng hoàng (Shirakawa) chưa ở ngôi, ta biết có một kẻ tên Taira no Masauji vì liên lụy đến việc làm trái phép của quan trấn thủ trong vùng nên đã bị đày xuống Tsukushi (đảo Kyuushuu). Thế thì cháu đúng là đích tử của người ấy! Nếu cháu có nguyện vọng hoàn tục thì mai sau ta sẽ tâu lên hoàng thượng bổ nhiệm cháu cai quản một địa phương [28]. Trong khi chờ đợi, hãy làm khách trong nhà của ta một ít lâu. Vậy hãy theo ta về dinh nào!

Người gọi là con gái của chức Kanpaku Morozane đã được Thái thượng hoàng (Shirakawa) nhận làm dưỡng nữ và nuôi nấng, chính ra bà là cháu gái của vợ quan đại thần này. Bà con gái này mắc bệnh đã lâu. Sau khi mượn được bức tượng Phật của Zushiô và cúng kiến, không hiểu sao bệnh kia bỗng biến đi đâu mất và bà hoàng kia hoàn toàn bình phục.

Morozane mới làm lễ hoàn tục cho Zushiô, tự mình đội mão cho cậu như đóng vai người cha đỡ đầu. Đồng thời ông cũng gửi công văn xá tội đến nơi Masauji đang đi đày và hỏi thăm về hiện tình của ông ta. Chẳng ngờ sứ giả trở về cho biết Masauji đã qua đời nơi đất khách. Zushiô sau lễ Genpuku (Lễ Thành Nhân của samurai) đã mang tên mới là Masamichi (Chính Đạo). Khi Masamichi nghe tin bố mất như thế, chàng chỉ viết vật vã than khóc.

Kỳ bổ nhiệm quan lại vào mùa thu năm ấy, Masamichi được phong làm trấn thủ đất Tango. Tuy nhiên đây là một chức quan cai trị tầm xa [29] đáng lý ra chàng không phải đến phó nhậm mà chỉ đặt một viên Jô (phụ tá) trong coi thay mình. Thế nhưng quan trấn thủ Masamichi đã thân chinh đến Tango để thi hành chính sách cấm việc buôn bán người suốt một vùng mình quản hạt.Theo lệnh đó thì Sanshô Dayuu phải giải phóng tất cả nô lệ và cấp lương bổng cho họ. Một thời gian đầu, gia đình Dayuu ngỡ rằng lệnh ấy có thể gây tổn thất lớn lao nhưng sau mới thấy rằng kể từ lúc đó, hoạt động nông nghiệp cũng như công nghệ trong trang viên đã phấn chấn hơn nhiều so với trước đây. Cả một gia tộc từ đó trở nên giàu có và vinh hiển.

Còn quan trấn thủ Masamichi thì thăng thưởng ân nhân Danmyô (Đàm Mãnh) từ chức Risshi (Luật sư) lên Sôzu (Tăng Đô) và cho phép Kohagi - người bạn đã tử tế với chị Anju của mình - trở về làng cũ. Chàng đến phúng điếu những nơi có di tích của người chị và cho xây một chùa sư nữ bên cạnh bờ đầm, chỗ cô ấy trầm mình.

Sau khi làm xong chừng đó công việc ở nơi phó nhậm, quan trấn thủ mới tâu lên triều đình xin tạm nghỉ việc một thời gian (gọi là ke.nyô = giả ninh) để vi hành ra ngoài đảo Sado.

Chàng đến thị trấn chính của đảo tên là Sawata và tạm trú ở đó, lại nhờ các viên chức sở tại đi điều tra khắp nơi nhưng không dễ gì tìm ra tung tích người mẹ.

Một hôm trong lúc chán nản vì đã nghĩ hết cách, Masamichi một mình rời nhà trọ, đi dạo trong thị trấn. Bỏ mấy xóm nhà dân, chàng vào một con đường nhỏ tiếp giáp với đám rẩy. Lúc đó trời tạnh ráo, mặt trời nắng đổ lửa. Trong lòng Masamichi thầm nghĩ: "Cớ sao mình tìm mãi vẫn không ra tung tích của mẹ nhỉ? Có phải tại mình giao phó việc điều tra cho đám nhân viên mà không tự cất công đi tìm mẹ nên Thần Phật đâm ra ghét bỏ?" Masamichi vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ như thế. Bất đồ khi chàng nhìn lại thì thấy hiện ra một ngôi nhà dân thật lớn. Phía nam ngôi nhà và giữa một hàng rào sơ sài, có một khu đất nện rộng như cái bãi. Người ta đã trải kín bằng chiếu lát lên đó và phơi đầy những gié kê vừa mới cắt. Chính giữa những manh chiếu ấy là một người đàn bà ăn mặc rách rưới – trên tay cầm một cái sào dài – để đuổi bầy chim sẻ đang sà xuống mổ những hạt kê. Lúc ấy, có tiếng người đàn bà ấy ê a như đang hát một bài hát nào đó.


Cuộc tái ngộ thương tâm    

Không hiểu vì cớ gì, hình ảnh người đàn bà ấy đã thu hút Masamichi khiến chàng dừng bước và cố nhìn cho kỹ. Mái tóc rối tung của bà ta bám đầy đất cát và khuôn mặt là của một người mù. Masamichi không khỏi tội nghiệp cho bà. Chàng dần dần quen với ca từ của bài hát bà ta đang ê a và bắt đầu phân biệt được câu chữ. Cũng chính lúc đó toàn thân chàng rúng động như người đang ở giữa cơn sốt rét và đôi mắt bắt đầu nhòa lệ. Bởi vì người đàn bà đó lập đi lập lại những câu hát ngắn như sau:

"Ơi hỡi Anju,
Con yêu của mẹ,
Ơi hỡi Zushiô,
Con yêu của mẹ.
Nếu chim muốn sống,
Dù không ai đuổi,
Khôn hồn bay nhanh!


Tanaka Kinuyo trong vai người mẹ bạc phước của hai đứa trẻ

Nghe tiếng hát, Masamichi thờ thẫn như kẻ mất hồn. Gan ruột bỏng cháy, chàng phải nghiến răng thật chặt mới không để thoát ra khỏi miệng một tiếng rú thống thiết của loài thú. Như vùng ra khỏi một cái giây đang buộc chặt lấy mình, chàng chạy vào bên trong khu hàng rào. Thế rồi, chân đạp tán loạn lên những gié kê đang phơi vương vãi, chàng tiến tới phủ phục trước mặt người đàn bà. Trong khi chàng đang gục đầu xuống trước bà, bức tượng Phật bản mệnh nắm trong bàn tay phải đã va ngay vào giữa trán.

Người đàn bà biết rằng đây không phải giống se sẻ nhưng là một con chim thật lớn đã làm văng tung tóe món đồ đang phơi để sà xuống trước mặt mình. Thế rồi bà mới ngừng hát và ngẩng đôi mắt nay không còn phân biệt được gì nữa để nhìn đăm đăm về trước mặt. Lúc đó đôi mắt đã se lại như đôi vỏ sò khô hạn bỗng dưng ngập tràn nước. Người đàn bà mở to đôi mắt giờ đây đang ràn rụa những lệ.

- Zushiô!

Tiếng kêu thoát ra từ miệng của bà. Hai người ôm nhau thật chặt.

Dịch xong ngày 4 tháng 11 năm 2019 (NNT)


Chú Thích:

[1] - Địa điểm ngày nay là thị trấn Naoezu thuộc tỉnh Niigata.

[2] - Kuni no kami: chức quan cai trị ở địa phương (kokushu, kokushi)

[3] - Iwashiro là một địa danh vùng Đông Bắc, ngày nay thuộc tỉnh Fukushima.

[4] - Okoshigome : xôi rang với mật giống như bánh cốm.

[5] - Dayuu là một chữ khá khó dịch, tương đương với "người đứng đầu" một ngành nghề. Trên sân khấu, đó là người chủ gánh hát, trong trang viên, đó là một người quản đốc, trong giới làng chơi, đó là một hoa khôi. Vì Yamaoka làm nghề thuyền đò (funanori) xin tạm dịch là "chủ thuyền"

[6] - Cháo khoai (Imogayu) trong xã hội cổ đại Nhật Bản không phải là món ăn của người nghèo để thay cơm như ở Việt Nam.

[7] - Một chô là 109m, vị chi khoảng 400m.

[8] - Tsukushi là tên cổ của Kyuushuu. Sở dĩ ở dây gọi như thế là bởi vì bối cảnh của câu chuyện là thời Trung Cổ.

[9] - Nguyên văn "Oya shirazu, ko shirazu" (Mặc cha cha đi, mặc con con đi) nghĩa là mỗi người tự lo thân nấy vì ai nấy đều phải tập trung tinh thần để khỏi vấp ngã).

[10] - Saikoku (Tây Quốc) tức phía Nam nước Nhật và là chữ để chỉ những vùng đất phía Tây Kyôto kể cả đảo Kyuushuu thực ra nằm ở phía Nam.

[11] - Miru (lục tảo) là một loại rong ngắn khoảng 20 cm, mọc bám trên đá và có màu xanh. Arame (hoang bố) là một loại rong dài cả thước, mọc ở những chỗ nước sâu và có màu nâu.

[12] - Một hòn đảo nằm trong khu vực tỉnh Niigata ngày nay, giữa biển Nhật Bản. Ngày xưa hoang vu, chỉ có bọn phu mỏ và đánh cá cũng như tù tội sinh sống.

[13] - Tỉ dụ nhà Phật: Để giúp tất cả chúng sinh vượt qua khổ hải, chư bồ tát đã thề rằng họ sẽ sắp sẵn một con thuyền qua bờ bên kia tức phương tiện giúp mọi người đạt đến cảnh địa giác ngộ. Còn Liên Hoa Phong Tự là tên ngôi chùa phái Chân Ngôn xây trên đảo Sado.

[14] - Con đường này được phủ một lớp ván cho người đi nhưng có thể tháo ra làm đường cho ngựa chạy.

[15] - Ô-warawa (tóc xỏa, không búi giống như mái tóc thiếu niên) vì việc đốn củi là công việc của một nô lệ nam.

[16] - Kokubuji hay Kokubunji (Quốc phân tự): Hệ thống những ngôi chùa chính thức do nhà nước lập ra ở các tỉnh để cầu an cho quốc gia và hoàng thất. Hệ thống nầy đã được làm ra theo sắc chiếu của Thiên hoàng Shômu – một người nổi tiếng sùng đạo - vào năm 741 và được coi là những ngôi chùa bất khả xâm phạm.

[17] - Risshi (Luật sư), chức thấp nhất trong hệ thống các tăng quan của nhà nước nhưng cũng thuộc hàng lãnh đạo, trông coi việc gìn giữ giới luật..

[18] - Ngọn đèn tuy yếu nhưng không bao giờ để cho tắt, đặt bên cạnh những nơi thờ Phật.

[19] - Cà sa gọi là hensan (thiên sam) chỉ che một bên vai như y phục của tăng khất thực.

[20] - Tam y (San.e) hay ba loại pháp y gồm có đại y, ngũ điều và thất điều cà sa. Điều là màu.

[21] Shujakuno: Cánh đồng từ cửa Chu Tước trong kinh thành Heian trải ra hướng Tây.

[22] - Ngôi đền ở con đường thứ 7 (Shichijô) trong kinh thành Heian.

[23] - Kanpaku là chức quan đầu triều chuyên việc chọn lọc tấu sớ để dang lên vua duyệt. Ngang hàng với Tể tướng.

[24] - Fujiwara no Morozane (Đằng Nguyên, Sư Thực, 1042-1101), quí tộc họ Fujiwara, một đại thần có thực lực, cực kỳ vinh hiển, từng giữ liên tục nhiều trách vụ quan trọng của nhà nước như Kanpaku (Quan Bạch), Daijô Daijin (Thái chính Đại Thần) trong triều Thiên hoàng Shirakawa và làm đến Sesshô (Nhiếp Chính ) dưới thời Thiên Hoàng Horikawa khi nhà vua còn thơ ấu. Ôgai đã dựa trên truyện ký "Ngài Umezu-in (Mai Tân Viện) cất nhắc Zushiô" để viết đoản thiên này. Chính ra, ngoài Morozane còn có một nhân vật lịch sử khác cùng họ Fujiwara cũng có tôn hiệu là Umezu-in, đó là Motozane (Cơ Thực). Tuy nhiên ông này chết vào năm 1166, lúc mới 24 tuổi, chưa đủ tuổi để có một cô con gái lớn hay cô cháu lớn nên không thể thể xem là nhân vật Kanpaku xuất hiện trong câu chuyện.

[25] - Iwashiro là một tiểu quốc vùng Mutsu, nay thuộc tỉnh Fukushima.

[26]- Tango là một vùng đất hướng bắc Kyôto, phía biển Nhật Bản. Yura là tên một bến cảng.

[27] - Takami-ô (Cao Kiến Vương) là một tước vương dòng dõi Thiên hoàng Kanmu (Hoàn Vũ). Đến đời con cháu Takami-ô, Thiên hoàng Uda (Vũ Đa) đã ban cho họ họ Taira (Bình) khi những người này trở thành thứ dân (như một dòng Tôn Thất bên ta).

[28] - Zuryô (Thụ lĩnh), thời trung cổ, là chức quan đầu tỉnh .

[29] - Chế độ gọi là Yôju (Dao thụ) hay cai quản từ xa. Người giữ chức (thụ lĩnh) vẫn sống ở kinh đô nhưng ủy nhiệm một người khác trực tiếp cai trị địa phương ấy thay mình và chỉ nhận cống vật.

Thư mục tham khảo:

  1. Mori Ôgai, Tuyển Tập Mori Ôgai, khổ bỏ túi, 1998, Nhà xuất bản Bunshun (Văn Nghệ Xuân Thu), Tôkyô in lần thứ nhất, nguyên tác Nhật ngữ với chú thích, từ trang 316 đến 353.
  2. -Hình ảnh minh họa và thông tin khác mượn từ mạng Internet.