Con cá bống
(Kawahaze, 1947) 
Nguyên tác : Hayashi Fumiko 
Dịch : Nguyễn Nam Trân 

Hayashi Fumiko (1903-1951)

Trời nặng mây làm bầu trời tối sầm, tiếng gió ù ù. Mặt nước gợn lăn tăn từng con sóng nhỏ. Những bụi lau thuở giờ chìm giữa đám sương mù bỗng thành khô trơ và bị gió đánh đến xơ xác. Trên con đê trời hãy còn sáng một chút chứ dưới dòng nước tím thẩm như vỏ cà, chỉ có những luồng gió lạnh thổi ngang qua. Chihoko nhen xong lò trong bếp mới nhớ tới việc đi đón Yohei hôm nay về trễ, tất tả chạy ra ngoài bờ sông để tìm. Nàng nghĩ mãi mà vẫn không ra cách giải quyết vấn đề. Nói là nói vậy chứ nếu mình ôm lấy đứa con rồi mẹ con cùng chết thì làng nước sẽ chê là ngu. Một thân chết đi là chuyện dễ dàng nhưng đối với đứa con mình đang bỏ mặc trong nhà hộ sinh và giờ đây vẫn chưa có tên lẫn họ thì quá tội nghiệp nên lòng nàng chẳng nỡ.

Gió thổi như điên dại làm nàng phát ngộp. Trên mặt nước đang dậy sóng, vài ngôi sao lớn hiện ra. Hai bên con đường đá lồi lõm đưa xuống bờ sông, bờ cỏ dại đã bị gió thổi ngã rạp. Khi xuống tới đầu kè, Chihoko thấy cây cầu ván thường ngày vẫn ươn ướt mà nay đã khô queo. Chung quanh nàng chỉ có mỗi tiếng gió.

Vầng sáng của bầu trời trên bờ đê hiện ra như một khung cửa sổ lắp kính, trên đó những vệt màu đỏ trải dài. Đi qua khỏi cây cầu ván nhỏ và thử nhìn qua làn nước tối đen, Chihoko thấy Yohei đang đứng giữa dòng sông. Ông để nước ngập lên tận ngực còn đầu thì hướng về phía bờ bên kia.

-" Ông nội " ơi ! (1)

Không biết có phải vì gió mà Yohei như không nghe tiếng nàng gọi. Đứng giữa dòng nước mạnh như xoáy, Yohei vẫn im lặng đứng đâu lưng lại. Chihoko mới chụm tay lên miệng bắc loa và gọi thêm một lần nữa thật to. Tiếng của nàng âm vang trên mặt nước. Mãi sau mới thấy Yohei chậm chạp quay đầu.

-Về mà ăn cơm !

-Ờ ờ.....

-Tại sao " ông nội " đi dầm nước thế. Cảm lạnh chết!

Người chao qua đảo lại hết bên phải rồi bên trái, Yohei làm động tác rẽ luồng nước ngược và đi về phía bờ. Những vệt sáng đỏ trải ra trên bầu trời nay đã chìm khuất làm cho Yohei hiện ra trước mặt nàng với khuôn mặt đen đủi của một con dã thú. Có mùi rong rêu tanh tanh dậy lên và đâu đây vẳng lại tiếng kêu của bầy chim kuina sống bên bờ nước. Chuyện Yohei hay đi dầm mình dưới sông dù sao cũng là một điều khiến cho Chihoko lo lắng.

-Cảm lạnh bây giờ ! " Ông nội " ơi. Đừng làm quàng đó nghe !

-Cái lưới nó bị nước kéo trôi. Phải đi kiếm cho ra.

-Hừm. Bây giờ trời còn lạnh mà. Cố gắng chi không biết !

-Ừ. Matsu dậy chưa đó ?

-Có. " Bà nội " dậy rồi.

-Hừm. Sao gió mạnh thế. Cứ như tối đến là trời trở gió.

Để nguyên cái thân hình chắc nịch hãy còn ướt nhễ nhại,Yohei bước đằng trước Chihoko. Quần của ông đẫm nước, dán sát vào khoảng hai bên đùi. Trên bờ rào cái cổng sau nhà, những cánh hoa kodemari (spiraea cantoniensis) trắng đang nở lấm tấm, bị gió thổi tung lên như bọt đồ giặt. Chihoko chạy nhanh về phía lò bếp (kamado) (2) nhìn xuống để trông chừng. Thấy lửa đã cháy đều, nàng vội châm thêm mấy nhánh lá thông và cành củi con. Ánh lửa nhảy múa giữa đám khói dày đặc. Những bộ phận bằng kim loại của chiếc xe đạp đặt trong bếp ánh lên màu lửa đỏ rực.

Chihoko đã vào nhà kho kiếm áo lót và kimono đem ra cho Yohei. Người đàn ông cởi hết mọi thứ áo xống đã ướt sũng ném xuống nền đất. Đứng trần truồng trước cửa lò, vóc dáng ông trông chẳng thua kém một gã trai trẻ. Chihoko nhìn thân hình của Yohei phản chiếu ánh lửa lò bếp và nàng cảm thấy hỗ thẹn hơn bất cứ ai.

-" Ông nội ", coi chừng bị cảm...

-Ừ. Tại để như vầy mới thấy dễ chịu.

Yohei cầm khăn khô lau từ từ từ trên ngực xuống phía rốn. Con mèo trắng mà Chihoko nuôi từ hồi nàng chưa về nhà chồng, đã chậm chạp đến ngồi bên cạnh bàn chân Yohei. Nồi canh đang nấu trên lò sôi trào. Yohei mặc áo lót và khoác hờ manh kimono lên vai rồi ra ngồi xếp bằng bên cạnh lò than giữa nhà (robata) (3) và hút thuốc lá. Tự dưng ông trở thành ít nói như đã biến thành một người khác từ sáng hôm nay khi Chihoko, đứa con dâu, từ nhà hộ sinh trở về.

Ryuukichi -chồng nàng - khi thì bảo hôm nay, khi thì bảo ngày mai anh ta sẽ về. Thế nhưng lần lửa làm sao để ngày qua tháng lại, rồi nửa năm đã trôi qua. Thiên hạ cho biết anh chàng Yasuzô xóm bên đã về đến nhà từ bốn hôm rồi. Chihoko nghĩ nếu được Yohei bằng lòng, nàng sẽ thú thật mọi sự với Ryuukichi và xin anh tha thứ. Ngoài ra nàng không thấy có giải pháp nào khác. Chính ra Yohei đã có lần đồng ý với quyết định của nàng. Thế nhưng khi Chihoko thấy quyết định đó làm ông quá đau khổ, nàng đâm ra đứng ngồi không yên và có cảm tưởng mình sắp đụng phải một vết thương đang sưng tấy. Với nàng, giờ đây ngày tháng cứ chậm chạp trôi qua kèm theo bao nhiêu nỗi đắng cay.


Lính giải ngũ 1945 hớn hở hồi hương

Khi Chihoko bưng mâm cơm vào cho bà mẹ chồng, Matsu đang ngủ mà đôi mắt cứ mở lờ đờ. Đặt mâm cơn cạnh đầu nằm, nàng khe khẽ gọi : " Má ơi, dậy xơi cơm ! " nhưng bà vẫn nằm nguyên đó, hơi thở đều đều. Cảnh tượng ấy, ngược lại, đã khiến Chihoko được thở phào. Nàng cứ để mâm cơm như thế và quay lại bên lò than giữa phòng bên, nói với Yohei :

-" Bà nội " đang ngủ...

-Vậy à ? Sao, trong người bả thế nào ?

-" Ông nội " nè. Đằng kia con có chút rượu.

Trên tấm ngói ở một góc lò, nàng đang hâm một bình gốm đựng sake. Yohei kiếm một cái cốc bẩn rồi rót thật đầy rượu đục vào đó mà uống. Chihoko dọn ra ít dưa hoa cải dầu làm món đưa cay và múc canh vào bát. Nàng đang tự hỏi không biết Yohei nghĩ gì khi ông ta đi dầm mình dưới nước. Biết đâu người bố chồng chẳng muốn tìm cái chết. Mỗi lần tưởng tượng như thế nước mắt cô chực trào ra. Bỗng có tiếng mưa đổ mạnh. Mưa to kiểu này khi mấy cánh hoa anh đào cuối mùa cũng phải rụng hết thôi. Chihoko sửa soạn cho con mèo một ít cơm canh trong cái tô thật lớn.

-Chuyện cái ông Itô gì đó chưa ngã ngũ sao ?

Yohei khẽ hỏi. Bất ngờ nghe hỏi, Chihoko ngạc nhiên ngó bố chồng. Yohei bấy giờ mới nhìn về phía Chihoko. Cô đang ngồi dưới ánh đèn dầu hơi tối. Thật ra thuở giờ, Chihoko vẫn nhỏ con và gầy guộc nhưng kể từ khi sinh nở, nàng còn có vẻ bé nhỏ hơn. Cái ông Itô đó vốn ở Chiba và là người đã định hỏi xin đứa bé, con của Chihoko, về nuôi. Tuy vậy, theo lời bà đỡ cho biết, ông ta đang đợi xem còn có đứa nào khác dung mạo khá hơn nó không, nên chi lời đề nghị trước kia của ông coi như không có. Chắc vì đứa bé của Chihoko sinh thiếu tháng cho nên không những nó ốm o mà mặt mày còn nhăn nhúm như khỉ, nước da lại xạm đen. Thấy nó khác hẳn những đứa bé bình thường. Lúc vừa sinh ra người ta đã thử xem phân (= kanikuso) (4) nhưng hình như màu phân đầu tiên ấy cũng xạm đen chẳng khác nước da của nó. Trẻ con vừa lọt lòng đã được người phúc đức xin đem về nuôi là trường hợp đáng mừng hơn cả. Còn như hoàn cảnh của nó thì sau khi sinh ra được non tháng rồi mới có hai người đến hỏi thăm. Lúc thấy mặt đứa bé giống như khỉ, cả hai đều rụt lại và muốn chờ đến khi có một đứa khác dung mạo đẹp đẽ hơn. Cùng với ngày tháng trôi qua, Chihoko càng thêm lo lắng. Cứ đà này, nếu không có ai rước đứa bé, nàng bắt buộc bàn bạc lại với Yohei. Chính ông cũng đang chờ cô giải quyết cho xong việc đứa bé nhưng mỗi khi nhìn gương mặt của Chihoko là ông hiểu ngay rằng điều ấy không dễ dàng gì.

-Ông Itô dạo sau này cũng đổi ý. Ông ấy thích con trai hơn.

Chihoko nói như vậy chứ không lẽ bảo là người ta không chọn con mình vì mặt mũi nó khó coi. Nàng cũng có đủ sữa cho nó bú nhưng nghe nói nếu đem con đi cho thì nên cho càng nhanh càng tốt, do đó nàng đã dứt sữa cho nó rất sớm. Có lẽ vì vậy mà da dẻ đứa bé nhăn nheo, bàn tay gầy gò của nó thì cứ nắm chặt đưa lên, trông thấy mà não lòng. Vì tay nó nắm chặt và ngón tay cái cứ gập vào cho nên khi đưa đi tắm, lần đầu tiên, người ta mới thấy trong nắm tay của nó toàn những thứ cáu bẩn.

--Phải bù tiền mới xong à ?

Nghe thế, bất giác Chihoko mũi lòng cất tiếng khóc. Nàng rút cái khăn giắt ngang thắt lưng lên chậm mắt.

*

Ryuuichi đi lính đến nay đã được 4 năm. Giữa anh ta và Chihoko có hai mặt con : Tarô và Kôkichi. Khi ra đi, anh để mẹ con Chihoko lại và gửi tất cả nơi vợ chồng Yohei, cha mẹ anh. Chihoko không quản nặng nhọc, giúp đỡ trăm thứ việc trong cái hộ nông dân này. Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó thì không có chi đáng nói. Đằng này vì Chihoko là một người đàn bà bản tính nhút nhát cho nên nàng đã không dám dám cự tuyệt khi bị dụ dỗ trong quan hệ xác thịt. ...Một khi tay đã nhúng chàm, nàng không có can đảm để chấm dứt mối liên hệ ấy. Hơn nữa, đối với một người đàn bà trẻ, chồng lại đi xa thì thời gian 4 năm quả là quá dài. Con dâu mà dan díu với bố thì khác gì một hành động thú vật. Đàn bà dù ngu ngốc đến đâu cũng phải hiểu chuyện đó. Thế mà... Chihoko, người từng tốt nghiệp trung học dạy nghề ở tỉnh nhà mà lại có hành động tội lỗi - và còn hơn thế nữa - sinh ra một bé gái, kết quả mối tình bất chính giữa mình và bố chồng. Định mệnh của nàng sao mà quá đỗi thương tâm.

Còn đang mang đứa bé trong bụng thì vừa vặn lúc đó, chiến tranh kết liễu. Mỗi lần nhìn những người lính giải ngũ trở về, cả Yohei lẫn Chihoko đều cảm thấy cắn rứt vì hành động tội lỗi của họ. Matsu, bà mẹ chồng, bị tai biến đến liệt nửa người, đã 5 năm rồi không rời giường một bước. Tuy không sợ ánh mắt chê bai của người trong nhà nhưng mỗi khi nghĩ đến lúc phải gặp mặt Ryuukichi, nàng thấy cay đắng trong lòng như có ai đem dao cứa. Mọi người đàn bà đều mong chóng đoàn tụ với chồng còn Chihoko chỉ muốn cái ngày vui vẻ đó đến với nàng càng trễ càng tốt. Nàng chỉ mong sau khi sinh nở xong, sẽ tìm cách tạ tội với chồng. Có điều khó giải quyết là Ryuukichi, người xa mặt, nàng lại cách lòng còn như đối với kẻ ngày đêm gần gũi như Yohei thì nàng lại phát sinh tình cảm và càng ngày càng thấy đậm đà. Chihoko rất khổ tâm vì tình cảm đó. Hình bóng của Ryuukichi càng ngày càng nhòa nhạt, giống như cái bong bóng đã bay mất lên thinh không. Yohei và Chihoko đều tuổi Dần. Họ giống như một cặp cọp đực cọp cái được giam trong cùng cái cũi. Gầm gừ nhau đấy nhưng đã có với nhau biết bao nhiêu kỷ niệm cuồng bạo và hoang dại. Yohei đã làm bốc cháy thân thể của Chihoko đến cùng cực chứ ông không giống như một gã trai trẻ chỉ biết thì thầm bên tai người yêu như để chia sẻ những điều bí mật. Họ chỉ là hai cái xác thịt thù địch cùng một tuổi Dần tình cờ gặp gỡ và mời mọc lẫn nhau.

Căn nhà hình chữ Điền 田có 4 gian vuông vắn. Một phần gian phía bắc là nhà bếp. Bên cạnh bếp là nhà kho. Nơi đây là chỗ cất đồ đạc của gia đình Chihoko. Phía đông có một gian buồng rộng 6 chiếu trước kia dùng làm phòng ngủ cho ba mẹ con nhưng vì cứ phải đặt giường xuống xếp giường đi, mất thời giờ, nên mẹ con nàng đã dọn qua bên phòng của vợ chồng Yohei, dùng nơi đó như chỗ ngủ cố định. Nơi đó chỉ có một cánh của sổ trổ ra phía cao trên vách. Kính cửa lại màu nâu và mờ, dơ bẩn đến độ không thể nhìn thấy bên ngoài. Khi đóng cánh cửa kéo (fusuma) lại, căn phòng trở thành tối tăm, ngay giữa ban ngày mà tưởng như trời đã chiều rồi. Trước khám thờ Phật đặt sâu vào trong ngăn chứa đồ (oshi.ire), Matsu - bà mẹ chồng - nằm bất động. Bên cạnh bà là giường của Yohei. Chính giữa là chỗ dành cho hai đứa con. Chỉ có bao nhiêu đó mà căn phòng hẹp đã chật cứng. Mùa hè cũng như mùa đông, đợi khi các con đã đi ngủ, Chihoko mới leo lên giường với chúng. Thằng Tarô lên bảy sáng dậy đôi khi cười và nói toáng lên : " Ông nội, tối hôm qua ông nội trèo qua bên giường con ! Sao ông ngủ không yên vậy ?" . Còn thằng Kôkichi mới lên bốn thì hỏi thăm : " Bộ ông nội nằm chiêm bao thấy cái gì dễ sợ lắm sao ? " . Nghe mấy đứa con nói mà Chihoko thẹn bắt đỏ mặt. Yohei chỉ biết ừ à rồi quay mặt nhìn về phía khác. Thì ra Yohei cũng khổ sở không kém. Mỗi buổi chiều, dù là khi túng tiền đi nữa, Yohei cũng phải nhấp một chút rượu. Thế nhưng khi rượu vào thì con người ta đổi khác. Đôi khi ông đâm ra cảm khái, có lúc lại buông tuồng. Những lần Yohei say khướt về đến nhà và đụng phải cơn giận phừng phừng của Chihoko, ông cứ dập đầu xuống đất xin lỗi. Đêm đến, sau những cơn say như thế, đầu óc của Yohei bấn loạn. Trong khi Matsu nằm bên cạnh, mắt mở trao tráo mà ông vẫn cứ khóc lóc, van lơn Chihoko. Đối với Yohei, Chihoko là một đứa con dâu hết sức dễ thương mà phải chịu số phận hẩm hiu. Nỗi buồn Ryuukichi đi xa, chỉ có ông ta mới thông cảm được với nàng. Thấy Chihoko đau khổ, ông không biết phải làm sao nên mới có những cử chỉ âu yếm như một người cha hòng an ủi được đứa con gái yêu của mình. Khi thì xoa lưng, khi thì hát ru em để làm dịu nỗi buồn của người đàn bà. Thế rồi sự nựng nịu ấy dần dần đi xa hơn và cuối cùng đã đưa ông đến chỗ không thể buông tha nàng. Điều đó đã đến từ tình cảm của ông chớ không thể nói chỉ là lỗi của hơi men....Tuy con dâu ông không phải là một người đàn bà đẹp nhưng nàng có một làn da mềm mại, đôi mắt sáng, lông mày thanh và khuôn mặt bầu bĩnh. Riêng đôi mắt nâu ấy là đẹp hơn cả. Tóc nàng lại xoăn và hung hung. Hồi Chihoko còn theo học trường nữ dạy nghề ở khu phố K., Yohei đôi khi có gặp nàng trên đường nhưng dưới mắt ông lúc đó, nàng chỉ là một người con gái bình thường như bao cô gái khác. Người mà ông chẳng bao giờ chú ý ấy tình cờ lại lấy thằng Ryuukichi và trở thành dâu con. Để cơ sự xảy ra như ngày nay, đôi khi Yohei chỉ biết đổ lỗi cho định mệnh trớ trêu đã dẫn lối đưa đường cho hai người. Uống nhiều đến say, sau khi ngả lưng ngủ một mạch và ngáy như sấm, đến nửa đêm Yohei bỗng thức dậy và đã hành động theo bản năng đòi hỏi. Trong bóng đêm, dù Matsu có tỉnh giấc đi nữa, Yohei cũng chẳng kiêng dè. Suy nghĩ và hành động của ông là hai điều hoàn toàn khác nhau.

Nhưng giờ đây, ông đang cảm thấy người mình nóng bừng như bị ai lột da. Mỗi ngày trôi qua kéo dài thêm chuỗi dài sám hối nhưng đến đêm về thì tình yêu của ông trước cảnh ngộ cô đơn và nỗi buồn của Chihoko vẫn lớn dần và lên đến cực điểm. Nếu lúc ban ngày, tính quyết đoán của ông mạnh mẽ thế nào thì ban đêm, ông lại buông thả để cho sức tưởng tượng của mình phá hết mọi đập chắn mà tự do như nước theo dòng. Khi đã coi đối phương như một động vật thì Yohei thấy người ấy chẳng còn gì đáng thương hay đang đau khổ nữa. Chỉ đến khi ý thức trở lại, ông mới thấy có một tình cảm khó chịu dậy lên nơi mình. Về giường nằm, ông trách mình đã xử sự không phải với con trai và thấy thù ghét người đàn bà có tên là Chihoko kia. Không riêng Chihoko, ông ghét tất cả mọi giống người. Tình cảm ghét bỏ đó đã làm cho ông ngày càng trở thành một lão già khó ưa. Kể từ khi Chihoko vào nằm ở một nhà hộ sinh trong khu Arakawa để sinh con, Yohei suốt ngày cứ mãi lo câu cá. Chỉ có lúc cầm cần câu thì lòng Yohei mới thanh thản. Một mình Yohei lo không xuể cho hai đứa trẻ nên Chihoko đã nhờ ông đến xóm Katsushika gửi mấy cậu con ở nhà mẹ mình. Độ rày, mẹ và chị nàng đang sản xuất rau để bán ở chợ đen. Bà chị Fusako tuy có chồng nhưng kể từ biến cố Nhật Trung, anh chồng đã lên đường tòng quân và chết ngoài mặt trận. Đó là một người đàn bà có ý chí và mạnh mẽ như đàn ông, sống không con cái, ngày ngày vác mớ rau lên các phố ở Tôkyô rao bán. Cho đến bây giờ Fusako đã để dành được một cái vốn nhỏ. Lúc không có rau, cô xuống Shizuoka mua cam hay lên Nagano (Shinshuu) mua táo tây. Dù bây giờ chiến tranh đã chấm dứt, công việc buôn bán của cô vẫn tiếp tục tuy cô không thồ được nhiều hàng như một anh đàn ông chuyên nghiệp. Việc mua táo thì cứ ba lần mới làm được một lần. Khi nào không may vì thiếu táo, cô mua tương miso hay vừng để bù vào, thành ra được lãi cũng khá bộn.


Quang cảnh một khu chợ đen (yami.ichi)

Đã lâu, Fusako không có dịp gặp Chihoko nên không nắm rõ sự tình gia đình Minagawa, bên chồng của em gái. Dù vậy, người mẹ của cả hai - bà Ume - đã tinh mắt đoán già đoán non mối liên hệ giữa Chihoko và Yohei. Biết Yohei là một người đàn ông nóng nảy, bà không muốn khơi câu chuyện của họ ra nhưng trong thâm tâm, rất lo lắng cho tương lai của con mình.

*

Chihoko sinh được đứa con gái.

Thân thích không một ai đến thăm, lại thêm cảnh đẻ khó nên nàng rất cay đắng. Chihoko càng cay đắng hơn khi nghĩ rằng so với hai lần sinh Tarô và Kôkichi trước đây, lần này nàng đã gặp thêm nhiều đau khổ.

Nhà Minagawa có hai chiếc xe đạp : một của Yohei, một của Ryuukichi. Yohei đã bán chiếc xe của mình để lấy tiền đưa cho Chihoko. Con nhà bần nông nên không có ruộng đất , tiền mặt trong tay cũng chẳng là bao. Thế nhưng đối với Yohei, nếu đem một phần tiền tiết kiệm của mình cho Chihoko vào nhà hộ sinh thì ông sẽ không mặt mũi nào nhìn lại con trai nên ông định bụng là, nêu ai có hỏi, ông sẽ phao lên rằng chiếc xe đạp của mình đã bị mất cắp.

Nghe tin mình có đứa con gái nhưng Yohei chẳng vui vẻ gì. Dưới Ryuukichi, ông cũng từng có một đứa con gái là Shimoe nhưng cô ta đã chết vì chứng viêm phổi hồi mới 11 tuổi. Nếu như còn sống thì giờ này đã được 23.

Có rượu vào, Yohei thấy người mình lâng lâng. Hơi men làm nỗi lo lắng vì con trai sắp về cũng nhẹ bớt đi, ông còn thấy như sẽ có thêm một nguồn an ủi. Ông trông mong mau được gặp con. Theo tin ra-đi-ô thì nó đang ở trên tàu Liberty. Hình ảnh Ryuukichi mặc quân phục hiện ra trong đầu Yohei. Cuộc sống thác loạn của ông với đứa con dâu bây giờ đang ở thời điểm tiến dần đến chỗ bình lặng trở lại...Tuy nhiên ông không cho rằng đây là một câu chuyện có thể giải quyết bằng cách ém nhẹm. Khi nghĩ đến đó, Yohei cảm thấy cô đơn như một người đang chìm xuống đáy nước. Có lẽ nhờ men rượu mà ông không cảm thấy u uất như hồi chiều. Khi ấy, chỉ còn một chút nữa thôi, nếu không nghe tiếng Chihoko gọi thì giữa những cơn gió, có lẽ Yohei đã trầm mình xuống đáy nước và không biết trôi theo tấm lưới tận đến đâu rồi.

Khi đã ngâm mình trong dòng nước, ông dần dần không còn cảm thấy cái lạnh. Tuy trên mặt sông, nước có dậy sóng nhưng dưới đáy hết sức ấm nên ông cảm thấy nước chỉ hâm hẩm.Tai Yohei nghe đâu từ phía xa có tiếng của những con chim kuina (thủy điểu) buồn buồn vọng lại. Trong dòng nước ấm, Yohei đi dần về phía sâu, mắt dõi nhin trời cao. Màu xanh như dầu hỏa của dòng nước tự do trôi đang thẩm dần với ánh hoàng hôn. Bọt nước bắn lên sao mà lạnh. Thế rồi, khi phản chiếu với ánh sáng trên mặt sông, đám bọt ấy như muốn nhắc cho người ta hay là mùa thu thực sự đã về.

-Đưa họ bao nhiêu tiền thì vừa ?

Đôi mắt trũng sâu của Yohei lóe sáng lên. Trước câu hỏi đó, Chihoko không làm sao trả lời vì độ rày vật giá lên cao, nàng không nắm được giá trị hiện tại của đồng bạc. Đối với người muốn nhận những đứa trẻ bất hạnh về nuôi, nếu họ là những người chỉ nhắm vào tiền thì thân nhân phải trả cho họ cỡ một vạn Yen, đó là trường hợp một đứa trẻ cứng cáp, còn nói chung thì trong các trường hợp khác, họ đều phải đưa ra khoảng một hay hai nghìn.

-Thế đã đăng báo chưa ?

-Có ạ, đã đăng lên được một lần rồi nhưng chẳng đến đâu. Cái quảng cáo đó chữ bé li ti phải soi kính hiển vi mới thấy. Báo mới ra mà cũng tốn mất 80 Yen.

Chihoko thầm nghĩ chắc mình phải thử nhờ ông Itô thêm một lần nữa. Lòng nóng như đốt nhưng vì lý do đó mà nàng phải ráng nhịn thêm một hôm. Nàng thấy càng tội nghiệp đứa bé, còn hơn cả hai đứa anh trai của nó. Nếu như không ai nhận cho thì chắc nó sẽ phải chết mà thôi. Nàng muốn tự mình lo và cái quyết tâm không muốn đánh mất đứa con càng ngày càng mạnh mẽ nơi nàng. Sáng nay vừa mới ở nhà hộ sinh về, thế mà từ nãy giờ, nàng chỉ nghĩ đến đứa bé, không làm ăn gì được. Chihoko còn có một ý khác là trình bày tự sự cho chị mình để xin cô ấy nhận nó làm con.

-Thôi, " ông nội " đừng lo. Thế nào con cũng có cách giải quyết.

Bàn tay đang cầm cái cốc của Yohei nửa chừng chợt dừng lại, Ông nhìn đăm đăm vào không trung. Hai trái tai của ông đã chảy xuống như một dấu hiệu của tuổi già nhưng vầng trán hẹp kia hãy còn bóng láng trẻ trung .Dưới đôi mày rậm đã ngã bạc, đôi mắt ông hơi trũng ngầu lên những tia máu đỏ.

-Rồi cũng phải xong. Nhưng chắc cần chuẩn bị ít tiền nhỉ ?

-Vâng. Con có ý này. Ý riêng của con thôi. Con định nói chuyện với chị Fusako. " Ông nội " thấy sao? Trước khi anh Ryuukichi về, con sẽ ra đi, kiếm việc làm, con sen hầu bàn gì cũng được.

-Hừm. Thế chớ Tarô với Kôkichi để cho ai ?

Nghe Yohei nhắc tới tên hai đứa con trai, Chihoko không làm sao đáp trả. Chẳng lẽ bảo chồng mình đi rước thêm một người vợ mới về nhà. Tận sâu trong đáy lòng, Chihoko tự đặt cho mình câu hỏi như thế. Một phần nàng muốn chuyện tanh tưởi này khỏi phải xé ra to, một phần cái ý tưởng phải nói với Ryuukichi là cứ việc chọn một người vợ mới cho xứng ý lại làm nàng cảm thấy như trong đầu có lửa cháy rần rần.

Nhất định Ryuukichi sẽ không thể nào chấp nhận việc nàng làm. Anh ta có đấm đá, đánh đập... nàng sẽ cam chịu tất cả. Nàng nghĩ rằng mình là một con người thiếu cá tính, nếu có phải chịu mọi hình thức đối đãi tàn nhẫn thì cũng đáng đời. Nhưng cũng chính vì vậy mà nàng không thể có ác cảm với Yohei. Nàng giống như một con cá bống nằm trên thớt, dù đã bị chặt đầu, thân thể vẫn còn giẫy giụa. Cảm giác rất động vật này Chihoko thấy được rõ ràng. Nó đang cựa quậy bên trong xương sống của nàng như con giun đất.

Gió lạnh yếu đi, có tiếng mưa rơi trên mái tôn. Có ngọn gió đêm ấm áp của một ngày cuối xuân không biết từ đâu lại thổi về. Ngồi bên cạnh Yohei đang tiếp tục nhâm nhi rượu đục, Chihoko bắt đầu ăn cơm một cách lặng lẽ. Trong bát của nàng chỉ toàn là loại cơm nấu bằng lúa mạch đen.

Có tiếng gió thổi từ phía bờ sông. Yohei cầm cái cốc đã cạn đặt xuống mâm, bâng quơ nhìn con mèo đang liếm bát.

-" Ông nội " ơi, ăn cơm xong con phải trở lại đằng nhà hộ sinh.

-Ờ ...!

-Đừng suy nghĩ xa xôi gì cho mệt trí nghe. " Ông nội " làm như vậy, con không yên tâm đâu...

Mắt Yohei hấp háy. Mấy con thiêu thân chân dài đang lượn lòng vòng về hướng ngọn đèn điện yếu ớt.

Yohei 57 tuổi, còn Chihoko 33, thế nhưng họ hầu như là hai đứa trẻ vô tâm, giữa họ là một định mệnh chung và đang cùng nhau chia sẻ. ...Hai người chỉ lo sợ mỗi một mình Ryuukichi. Bởi vì tình cảm của họ đối với anh vốn trong sáng, gần như một tình cảm tôn thờ.

Có dấu hiệu là Matsu đã thức giấc. Chihoko đặt đũa xuống và đi vào phòng trong. Vì đèn điện quá mờ và phải ăn cơm với bàn tay run rẩy, bà vừa ăn vừa để những hạt cơm vương vải.

-Má dậy rồi mà con không biết.

Nàng khéo léo dọn dẹp lại và đút cơm cho mẹ chồng như mớm cho một đứa bé. Ryuukichi nhỏ hơn nàng một tuổi nên hay bị người chế là lấy phải một bà chị. Thế nhưng có lẽ vì nhỏ con, tuy lớn tuổi nhưng nàng nom trẻ hơn chồng. Sau khi học xong trường dạy nghề, nàng đã làm nghề bán vé xe ở ga Shibamata cho hãng xe điện Keisei dù chỉ được mỗi 2 năm. Cho đến lúc lập gia đình với Ryuukichi vào năm 25 tuổi, nàng chẳng béo ra chút nào, cho dù thêm tuổi tác mà vẫn giữ được cái dáng trời cho.

Liên hệ vợ chồng giữa Ryuukichi và Chihoko vốn tốt đẹp. Tuy Ryuukichi lái xe cho hãng tàu điện Keisei nhưng anh cũng chỉ theo được có hai, ba năm. Suốt thời gian sau, anh lui về phụ việc Yohei, vừa làm nông vừa môi giới buôn bán đất. Anh phá ngang hồi đang học trung học. Tuy tính tình hơi ba gai nhưng được cái chân chất, dễ làm cho người ta thương. Nếu chỉ nhìn tướng mạo thì tưởng anh phải già hơn vợ những hai, ba tuổi. Dáng người cao, mảnh khảnh, nhìn bề ngoài có vẻ yếu ớt nhưng bên trong anh rất có bản lĩnh. Người trong bộ binh còn kêu gọi Ryuukichi đăng lính vì thấy tính anh hợp với đời sống quân ngũ.

Sáng hôm sau, Chihoko vừa mở mắt đã thấy Yohei thức dậy rồi. Tròi hôm ấy nắng đẹp, có vương nhẹ vài vạt sương lam. Đám cỏ xanh trên bờ đê nhờ có trận mưa tối qua, trông tươi tắn mát mắt. Có tiếng chim sẻ lau (yoshikiri) ríu rít. Liếp cửa che mưa phía lò than được mở toang mặc cho những làn gió tự do ra vào nên thật thoáng khí và dễ chịu.

Yohei ngồi xếp bằng cạnh lò than và đang đếm tiền. Xưa nay Chihoko chưa hề chứng kiến cảnh này nên cô hơi ngạc nhiên, nhưng chỉ lẳng lặng đi xuống bếp.

-Ra bảo này !

Yohei lên tiếng gọi. Chihoko ngoảnh đầu lại thì thấy Yohei vẫn ngồi đó, lặng lẽ đếm tiếp mấy tờ giấy bạc.

-Hôm nay, thử đem bao nhiêu đây, nói khó với người ta xem...

Có lẽ đây là món tiền ông đã gom được nhờ bán khoai, bán cá nước ngọt và làm trung gian buôn bán trứng. Trong cái giỏ đựng cơm hộp cho con nít đi trường mẫu giáo, hãy còn còn thấy có năm sáu tờ giấy trăm Yen loại mới ra (5).

-Một nghìn Yen đấy, không biết đủ chưa. Bàn với cô đỡ thử xem. Mình nhà nghèo chỉ đưa được chừng này, nhờ họ giúp cho một tiếng.

-Được rồi, con đi ngay. Sẽ bàn với người ta.

Chihoko để nguyên đầu tóc rối, mắt như chực khóc, đưa giải giây thắt lưng lên quệt nước mũi. Nước mắt có tuôn ra cũng phải đành thôi. Theo lời đồn đại, Ryuuichi từ bên Trung Quốc sắp sửa về đến nơi. Trước khi quay lại nhà hộ sinh, Chihoko muốn trình bày mọi sự và bàn bạc với Fusako, bà chị mình, một lần xem đã. Chọn giải pháp đó còn hơn là bỏ rơi đứa bé chỉ vì không ai chịu nhận nuôi nó. Là con người nên mới khó, không dễ như trường hợp chó mèo. Nó chỉ có cái tội là mặt mày xấu xí nhưng đối với Chihoko thì từ khi đứa bé sinh ra đến nay được non tháng, mẹ con đã quen hơi bén tiếng. Với tấm lòng người mẹ, nàng không thể nghĩ đến việc tướng mạo của con đẹp hay xấu. Nàng chỉ biết buồn tủi và mong sao đem nó đến cho Yohei thấy mặt một lần. Trước khi đem con cho ai nuôi, nàng muốn Yohei gặp và bế nó trong tay, dẫu chỉ một lần thôi.

Chihoko lại xuống bếp, châm lửa vào lò bếp. Nàng đang nấu món suiton (hoành thánh chay). Lúc nàng đi ra bằng cửa sau thì thấy bên ngoài những chùm hoa kodemari trắng nhỏ đang bị gió thổi bay tán loạn như ai rắc gạo và những bụi tsutsuji (đỗ quyên) đỏ thắm đang nở hoa. Sương như dậy lên phía bờ sông nhưng mặt nước vẫn nhuộm màu xanh sáng và ấm áp. Một bọn trẻ con đang đi xuống chân đê, nói cười huyên náo. Chihoko nghĩ đến hai anh em thằng Tarô mà thấy xót xa. Mình không thể bỏ nhà ra đi và cũng không thể tìm đến cái chết vì lũ con nhỏ hãy còn đó. Chihoko cảm thấy đầu óc quay cuồng như một người mắc bệnh thiếu máu.

Gói ghém ít thức ăn vào trong tay nãi furoshiki, Chihoko cầm theo món tiền một nghìn Yen và trở lại nhà hộ sinh nhưng lúc đó, đứa bé gái lại đi tướt nặng. Theo lời cô đỡ nói lại thì ông Itô nhờ người khác đã tìm được hai đứa bé kháu khỉnh rồi. Chihoko quá đỗi thất vọng. Cô nhờ nhà hộ sinh giữ giùm số tiền một nghìn Yen rồi ba ngày sau, cô về nhà để bàn lại với Yohei. Nghe thủng câu chuyện, chuyện, ông bố chồng tỏ ra khó ở nên suốt ngày cứ trầm ngâm không mở miệng.

-Nếu số mệnh của nó như thế thì biết làm sao. Con định nhờ nhà hộ sinh giữ nó thêm ít lâu cho đến khi có người chịu nhận nuôi. Nếu được, " ông nội " nên đến đấy một lần mà nói chuyện với người ta. Con đôn đáo đi đi lại lại như vậy mà chỉ ra về tay không. Khổ thân con quá !

-Tối hôm qua, con Fusako nó tới, hỏi chừng nào mình lên rước tụi thằng Tarô về !

-Ấy chết ! Vậy à ? ...Để tụi nó đằng đó cũng trên hai tháng rồi nhỉ ? Trông chừng bọn con trai mệt khờ đi chớ !

Yohei cho biết mình vừa mua ít măng về, sẽ thồ sau xe chung với mớ rau quả và đang sửa soạn đem lên Tokyo bán ở khu vực chợ đen. Bất chợt, ông thốt lên :

-Này, Ryuukichi sắp về tới nơi đó !

Chihoko lặng người, nàng tròn mắt :

-Ảnh có thơ về à ?

-Ờ, nó đánh điện tín từ Sasebo (6).

Yohei nghĩ mình còn phải sống trong sự chờ đợi như thế này thêm một ngày nữa thôi. Còn Chihoko thì dáng điệu giống như một người đã mất hết sinh khí. Nàng ra ngoài ngồi xuống bên hàng hiên. Đằng trước của ra vào, trên một bãi đất trống lắm người qua lại, có một đống đá chất cao như núi.Theo tấm biển bằng gỗ còn mới cắm ở đó thì đó là chỗ để đá dùng làm vật liệu xây cất của làng Yagi quận Katsushika tỉnh Chiba. Chihoko ngồi đó, mắt đọc đi đọc lại không biết bao lần tấm biển đó. Những dòng chữ trên biển viết bằng mực đen, nét nhỏ nét to, lăng quăng như một đám côn trùng. Có tiếng chim sẻ lau êm ả vọng tới.

-" Ông nội " ơi, chừng nào anh Ryuu ảnh về ?

-Khoảng ngày mai thì phải...

Có một người đàn ông nước da ngăm đen và ra dáng con buôn, đến hỏi có trứng để bán không ? Yohei thấy là người quen, mới vào bên trong lấy ra một rổ trứng. Ông bày ra dưới nắng khoảng 30 quả trứng rồi bỏ vào trong rổ của người kia. Anh ta lấy tờ giấy một trăm Yen để trả, từ chối không nhận tiền thối rồi bỏ đi. Nhìn theo lưng người lái buôn, không hiểu vì cớ chi mà Chiyoko rùng mình. Cô tưởng tượng hình dáng Thần Chết cũng giống thế này là cùng. Một phần lỗ tai ông ta đã bị thu nhỏ lại như nhụy hoa. Người ấy không có lỗ tai.

-Ôi chao, cái ông này sao mà dễ sợ!

Khi Yohei ra khỏi nhà rồi, Chihoko mới vòng ra cửa sau vào căn phòng tít bên trong. Matsu với dáng khó khăn, như đang bò để đặt lại cái bô vào chỗ.

-Má đi tiểu hở ?

Hình như thấy việc mình cần đã làm xong, Matsu lắc đầu ra dấu từ chối. Tuy gầy còm chỉ trơ da với xương nhưng bên trong người bà, coi bộ vẫn tràn trề sức sống.

-" Bà nội " này, anh Ryuukichi sắp về đấy !

Chihoko thì thầm vào tai Matsu. Tuy nét mặt bên ngoài không chút thay đổi, nhưng đôi mắt của Matsu cứ trừng trừng nhìn vào mắt con dâu. Bị bà nhìn như thế, Chihoko không khỏi cảm thấy khó chịu. Một khi Ryuukichi về tới, nàng bắt buộc phải từ bỏ cuộc sống êm ả trong ngôi nhà nhỏ bên sông này nên lòng cảm thấy buồn. Không chịu nỗi ý tưởng đó, Chihoko bỏ ra đằng sau nhà. Ánh sáng mặt trời một ngày cuối xuân nửa nắng nửa mây nhẹ nhàng phản chiếu trên mặt nước. Chihoko bèn đi xuống mé sông. Trong lòng nàng là một tình cảm bất lực của kẻ đã bị dồn đến chân tường. " Chết phứt cho rồi! ". Chihoko lẩm bẩm một mình. Người không dám chết mà sao trong đầu lại phát ra tiếng nói đó. Thể xác thì vẫn có sự tự tin nên không chịu chết, chỉ có tinh thần yếu đuối mới cất tiếng đòi " Chết phứt ! " như đứa con nuông đang vòi cha mẹ nó.

Chung quanh nàng mọi vật bắt đầu sáng sủa ra. Trên cánh đồng, lúa mạch nơi nơi vươn mình xanh tốt.

Chihoko đứng lên trên chiếc cầu ván ướt rêu, mắt nhìn mặt nước sông, nơi có những mảng rơm rác đang trôi theo dòng. Nàng nhìn đi nhìn lại mà không biết chán. Nàng không hiểu con sông Edogawa này đã tích tụ nước từ những đâu để có thể chảy mãi và chảy tràn trề như thế này.

Dòng nước màu xanh nhạt của con sông và những con sóng nhỏ lăn tăn của nó không ngừng vỗ vào bờ làm đất ở đó nhão đi thành bùn. Trên mặt sông rộng, có những cánh chim đuôi xanh bay qua lượn lại và đôi khi chúi đầu phớt nhẹ trên mặt nước. Phía sau, trên đường đê, có bóng một chiếc xe đạp của ai đó đi qua. Tự dưng, hình ảnh của người đàn ông cụt tai hồi nãy hiện ra trong đầu Chihoko.

Dù sao, Chihoko vẫn khổ tâm vì mình không chết được. Khi khám phá là thực tình mình không muốn chết, nàng cảm thấy buồn. Nàng nắm giải lưng quần lên che mắt. Nàng định làm một hành động gì cho thật nhanh hòng trút hết nỗi khổ tâm này.

Ngày mai đây, Ryuukichi sẽ về. Không phải là nàng không vui vì cái tin đó. Lâu lắm nàng mới lại có dịp nhìn khuôn mặt với hàng răng trắng bóng của chồng. Bây giờ nghĩ lại, nàng không hiểu vì sao mối liên hệ của mình với Yohei đã trở thành như thế....Nó đã đến chỗ đó một cách tự nhiên và còn dẫn tới việc có một đứa con vừa mới đẻ đã chịu cảnh bất hạnh.

Có lẽ vì đã đứng chần chờ một đỗi lâu trên cầu, người Chihoko như tê cứng. Nàng đột nhiên chạy như bay xuống phía bờ đất bùn. Chui vào bên trong một lùm cỏ, nàng cúi rạp, gập người như đang chào, trút ra hết những giọt nước chứa đầy trong bọng đái và cảm thấy người mình thật khoan khoái.

Tháng 1/ 1947
Hayashi Fumiko

Dịch xong ở Tokyo ngày 23 tháng 4 năm 2018
Nguyễn Nam Trân


Chú thích :

(1) - " Ông nội " gọi cha chồng từ vị thế của con mình.

(2) - Lò bếp : lò trong bếp (kamado) bằng đất, gạch, ngói hay thép dùng vào việc nấu ăn.

(3) - Lò than : lò đặt trong phòng khách (robata), thường để đun nước uống hay sưởi ấm.

(4) - Kanikuso : phong tục thử " phân đầu tiên " của trẻ sơ sinh để đoán biết tình hình sức khỏe.

(5) - Yen loại mới : Sau chiến tranh, vào năm 1946, để giải quyết nạn lạm phát, chính phủ Nhật đã phát hành giấy bạc mới gọi là Shin.en.

(6) - Sasebo : tên một hải cảng phía bắc Nagasaki. Có căn cứ của hải quân và là một đường biển gần với đại lục.

Thư Mục Tham Khảo :

Hayashi Fumiko, Kawahaze, 1947, mạng Aozora Bunko, trích từ Tuyển tập Hayashi Fumiko trong Toàn tập văn học Nhật Bản, nhà xuất bản Chikuma, Tokyo (1992). Đã đăng lần đầu trên Tạp chí Ningen (tháng 1/1947).