Ngày
nay hầu như nước nào cũng biết tổ chức lễ tuyên thệ.
Giơ tay, mở miệng thề. Tổng thống thề lèo lái con thuyền
quốc gia tới bến vinh quang. Bác sĩ thề cứu nhân độ
thế, coi tiền bạc là chuyện nhỏ. Đồng hội đồng thuyền
thề che chở đùm bọc nhau...
Thề trong nhà. Thề ngoài
trời. Thề trước bàn thờ. Thề trước đám đông...
Thề là cái gì
mà ghê gớm vậy ?
Thề là : Đoan
thệ, giao ước, nguyện chắc, hứa chắc (Tự vị Huỳnh
Tịnh Của, 1895).
Đời Lý (thế kỉ 11)
nhà vua bắt các quan
uống máu ăn thề. Lời thề giản
dị : Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh
giết chết. Nhà vua muốn con cái phải có hiếu với cha
mẹ và bề tôi phải trung thành với vua. Thiên tử trọng chữ
trung hơn chữ hiếu.
Nước nhà lâm nguy, toàn
dân không cần đợi vua cho phép, cùng nhau đứng lên thề.
Ra đi không
về.
Thề cứu lấy nước
nhà, thề hy sinh đến cùng...
- Nước non nặng một
lời
thề
Nước đi, đi mãi, không
về cùng non.
...
Ngàn năm giao ước kết
đôi,
Non non nước nước
chưa nguôi lời thề
(Tản Đà,
Thề non
nước)
Lời thề cứu nước không
cần thần minh chứng giám, chẳng sợ ma quỷ vật chết.
Thời bình, dân Việt
tiếp tục thề. Động một tí là thề. Thề không biết chán.
- Xưa kia nói
nói thề thề,
Bây giờ bẻ khóa trao
chìa cho ai ?
Giữ được lời thề hay
không lại là chuyện khác. Hạ hồi phân giải.
Cô Kiều có thể tự
hào là người được tham dự, chứng kiến nhiều kiểu thề
nhất. Thề viết lên giấy, thề dưới bóng trăng, thề trong
khói hương, thề bên chén rượu. Trước sau đếm được cả
chục lần khách mày râu thề thốt. Chính cô Kiều là người
đã để lại kiểu tóc thề (đã chấm ngang vai) cho các
cô ngày nay.
Điều thú vị là nước
ta " gì cũng có ", có cả cá biết thề.
- Mồng bốn cá
đi ăn thề,
Mồng tám cá về cá
vượt Vũ môn.
Lời thề của cá chắc
cũng là một loại...
Thề cá trê chui ống mà thôi.
Văn học của ta có rất
nhiều bài viết, câu ca ca tụng những cái hay cái đẹp của
đất nước, dân tộc. Đặc biệt là phong cách thanh lịch,
kín đáo, hào hoa của người Hà Nội, người Huế,
người Sài Gòn... Biên khảo tuy nhiều nhưng dường như vẫn
còn thiếu một mảng đề tài quan trọng là thói xấu hay chửi
(hay chưởi) của dân ta.
- Chưởi là nói
điều xúc phạm, dùng lời thô tục mà làm nhục nặng.
Chưởi cha mắng mẹ (Tự vị Huỳnh Tịnh Của).
Không thấy sử chép
vua nào bắt các quan họp nhau
chửi. Tạm suy ra là vua
quan ngày xưa không biết chửi. Hoặc biết chửi nhưng chửi
thua dân. Sử quan không đủ can đảm để chép cái yếu kém
của vua. Sợ mắc tội phạm thượng.
Khó mà biết được
dân ta bắt đầu chửi bới nhau từ bao giờ. Chỉ biết rằng
Tự
vị Alexandre de Rhodes (1651) có chưởi. Một bằng chứng
cho thấy tổ tiên chúng ta biết chửi nhau từ giữa thế kỉ
17, hoặc sớm hơn nữa.
Chửi có hai loại
là chửi thẳng và
chửi đổng.
Chửi thẳng
là
chửi người có mặt hay gọi tên người vắng mặt ra mà chửi.
Chửi
đổng là chửi vu vơ, ám chỉ một người nào.
Ngày xưa, nhà Lê quy
định rất nhiều hình phạt về tội đánh nhau, chửi nhau,
áp dụng cho từ hàng quan tam phẩm xuống đến dân thường.
Phạt nhẹ thì bị đánh bằng roi, cho nộp tiền. Phạt nặng
có thể bị tù đày, thậm chí bị xử tử (1).
- Bớ cái thằng gian
thần tặc tử (tên X) kia, ra đây cho ta hỏi tội !
Chửi thẳng thằng
X của triều đình như vậy chỉ có cải lương hay hát bội,
tuồng tàu mới dám làm. Ngoài đời thật mà ăn nói như vậy
e rằng thằng nói sẽ bị hỏi tội trước khi lời doạ đến
tai thằng X.
Dân gian thường
chửi
đổng để tránh tai vạ. Tiêu biểu cho chửi đổng
là lối "chửi mất gà" của mấy bà miền Bắc :
- Chém cha đứa bắt
gà nhà bà ! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn hãy còn, sáng hôm
nay, con bà gọi nó hãy còn, mà bây giờ mày đã bắt mất.
Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì mày buông
tha thả bỏ nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp
chiếm, thì bà đào thằng tam đại tứ đại nhà mày lên,
bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày
lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến
thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ, nó mổ chồng
mổ con, mổ cái nhà mày cho mà xem. Ớ cái thằng chết đâm,
cái con chết xỉa kia ! Mày mà giết gà nhà bà, thì một người
ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba,
mày xuống âm phủ, mày bị quỷ sứ thần linh rút ruột ra,
ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia ạ! (2).
Ai dám chê miệng lưỡi
thô kệch của nhà quê ? Tiến sĩ văn chương dùng chữ có
"đắt" bằng "văn chương truyền khẩu" của bọn mù chữ sống
sau luỹ tre xanh không ?
" Văn minh miệt vườn
" miền Nam cũng tỏ ra không thua kém miền Bắc.
- Con hai mầy ăn ở phi
thường, thiệt mầy đồ đĩ thõa, mèo đàng chó điếm, mầy
ăn đàng sóng mầy nói đàng gió, mầy hại cha con tao bận
này nghèo to (3).
Từ ngày đám bình dân
đem cả những tiếng chửi tục tằn ra làm lời thề thì nước
ta có thêm món chửi thề, tổng hợp của chửi và
thề.
Chửi thề
dễ
hiểu, dễ nhớ. Hầu như người Việt nào cũng thông thạo.
Nguyễn Văn Vĩnh từng
chê dân ta có thói quen Gì cũng cười (khoảng 1914). Cười
vô duyên. Công bình mà nói thì Nguyễn Văn Vĩnh hơi khó tính
! Nghe Nguyễn Trường Tộ điều trần Về việc cải cách
phong tục (1871) của nước ta, mới thấy rằng
Gì cũng
cười còn hơn Gì cũng chửi thề...
- Nước ta những nơi
thành phố chợ búa không luận đàn bà trẻ con ngu dốt không
biết gì đến người có học có biết chữ mà mở miệng
là nói tiếng mắng chửi và lời thô bỉ nói luôn đầu môi.
Tập thành thói quen, những tiếng "mắng cha chửi mẹ" cùng
tục tĩu, người nghe đến nhơ cả lỗ tai mà tự người nói
lại lấy làm khoái, cho đến dạy câu mắng, học bài chửi,
đọc ra có cung, có điệu. Nếu như người nào mắng chửi
cả ngày mà không trùng lặp, thì người ta xem như Tô Tần,
Trương Nghi trong khoa mắng chửi, chiếm giải quán quân vì
miệng chửi như nước chảy không khi nào cạn vậy !
Đến lúc diễn ra cái
bộ dạng mắng chửi, tiếng như mõ rao, chân như múa hát,
lên tay, xuống ngón, mặt như sơn đổ, tóc như tơ vò, nước
miếng như bọt giải, tay cầm đất lia, chân đi cà xiểng
không khác gì người điên... Những thói xấu đó thật là
ba phần giống người bảy phần giống ma quỷ. Trước đây
lúc người Tây mới đến Gia Định (Nam Kỳ) một lần thấy
hai người Nam đang mắng chửi nhau, lên tay xuống ngón, múa
men v.v... họ xúm lại xem cho người Nam làm trò. Sau họ biết
rõ hễ thấy đám mắng chửi nhau, thì dùng " ba toong " giải
tán ngay.
Lại còn một điều
xấu nữa, hễ có điều bất bình với ai thì phát thệ và
nguyền rủa chúc dữ rất nặng (...) (4).
Người xưa có biết
chửi
thề không ?
Từ điển Alexandre
de Rhodes có hầu hết các từ chửi thề tục tĩu
của ngày nay:
- Đéo : giao cấu.
Đéo
mẹ thằng cha.
- Địt : đánh
rắm
- Đụ : nghĩa giống
đéo.
- Đếch : cơ quan
sinh dục.
- Bòi (buồi),
cạc (cặc).
Có thể khẳng định
rằng trong cuộc sống hàng ngày, các cụ ngày xưa có chửi
thề. Tuy nhiên, thơ nôm của Nguyễn Trãi (1380-1442) và Nguyễn
Bỉnh Khiêm (1491-1585) không có chửi thề. Nhà nho còn
sợ phép vua. Phép vua chưa thua lệ làng !
Vào khoảng cuối thời
vua Lê chúa Trịnh (cuối thế kỉ 18) chửi thề mới
bắt đầu xuất hiện trong thơ văn nôm.
Nguyễn Du lúc còn trẻ,
" lang bang " đi chọc ghẹo gái, cũng đã từng văng tục :
- Phụt ngọn
đèn trước mặt, đếch sự đời! Chẳng phải đứa
tiểu tâm
Đùng tiếng lói sau
nhà,
đù mẹ kiếp! Bỗng có thằng đại phá.
(Văn tế Trường
Lưu nhị nữ).
Phạm Thái thương tiếc
nhà Lê, chán ghét xã hội thời Quang Trung :
- Chết về Tiên,
Bụt cho xong kiếp,
Đù oả
trần
gian ! Sống mãi chi ! (Tự thuật).
- Ông nghe thấy nói trái
tai :
" Đù oả
sấu
đá Đồng-nai ngầy ngà...(Sơ kính tân trang).
Nguyễn Công Trứ buông
lời Đùa sư, chửi rủa Thế tình bạc bẽo :
- Thuộc ba mươi
sáu đường kinh, chẳng thần thánh phật tiên song khác tục
Hay tám vạn tư mặc
kệ, không quân thần phụ tử,
đếch ra người.
- Đéo mẹ
nhân
tình đã biết rồi
Lạt như nước ốc
bạc như vôi.
(có bản chép : Đù
mẹ nhân tình đù mẹ đời) (5).
Cao Bá Quát bất mãn với
triều đình Tự Đức, quay sang chửi đời :
- Tưởng đến
khi vinh hiển đã an tường
Song nghĩ lại trần
ai không đếch chỗ. (Tài tử đa cùng phú)
Ông mộ quân nổi lên chống
lại triều đình. Nhưng cuối cùng thất bại, ông bị giết.
Hoàng Xuân kể nhiều
chi tiết về cái chết của Cao Bá Quát :
- Cao bị bắt giam tại
ngục Sơn Tây, rồi bị đóng cũi đưa về Hà Nội, và giải
vào Huế...
Tới kinh, Quát bị bỏ
ngục chờ ngày hành quyết.
Nằm trong ngục, Cao Bá
Quát không hề sợ sệt, tự nhạo cái mộng đế vương của
mình :
Một chiếc cùm
lim chân có đế
Ba vòng xích sắt
bước thì vương !
Sau được lệnh của triều
đình, người ta giải ông cùng hai con (Bá Phùng và Bá Thông)
về quê nhà để hành quyết.
Trước khi thọ hình,
ông cũng còn ứng khẩu ngâm hai câu chửi rủa :
Ba hồi trống
giục,
đù cha kiếp
Một nhát gươm đưa,
bỏ
mẹ đời ! (6).
Lãng Nhân cũng viết giống
Hoàng Xuân, trừ hai câu thơ sau chép hơi khác.
Ba hồi trống
giục
mồ cha kiếp
Một nhát gươm đưa
đ.
mẹ thời !
Lãng Nhân chú : Thời là
thời thế, mà cũng lại là tên vua Tự Đức ! Có bản chép
chữ thời
ra chữ đời có ý than tiếc cho đời
mình, e không phải khẩu khí họ Cao (7).
Cả hai giai thoại của
Hoàng Xuân và Lãng Nhân đều hay nhưng... không đúng.
Sử nhà Nguyễn chép
Cao Bá Quát bị " Phó lãnh binh ở Sơn Tây là Lê Thuận Đại
đem quân tới đánh, Bá Quát bị thua chết ở trận. (...) Việc
đến tai vua, sai đem thủ cấp Bá Quát truyền giao cho các tỉnh
Bắc Kỳ bêu lên và khuyên bảo dân chúng rồi xé xác vất
xuống sông.
Minh Mạng năm thứ 15
(1834) Bá Đạt cũng đỗ hương tiến trải làm tri huyện Nông
Cống. Vì cớ của Quát cũng mắc tội chết, dân ở huyện
lấy làm thương có lập đền thờ " (8).
Hoàng Đạo Thuý viết
: "Quát đi khởi nghĩa, cuối cùng với em là Đạt bị hành
hình một ngày" (9), cũng
không khớp với chính sử.
Không có chuyện Cao Bá
Quát bị giam trong ngục, bị giải vào Huế, bị chém ngoài
pháp trường.
Bốn câu " khẩu khí
" của giai thoại đã được người đời sau làm (cùm
là cangue, xích là chaîne của tiếng Pháp) , rồi
đem gán cho Cao Bá Quát (10).
Năm 1884, nước ta bị
thực dân Pháp cai trị. Hịch Cần vương ban ra. Nghĩa quân
nổi lên khắp nơi. Chống Pháp. Chửi Pháp.
- Nó bõ công
bòn mười cạnh đúc một chữ, đéo mẹ bò
Cầm như là kiếm ba
năm thiêu một giờ, mồ cha
cóc!
(Lê Trọng Đôn, Phú
Trung Lễ thất hoả)
Crivier bị nghĩa quân giết.
Bọn theo Pháp làm văn tế thương tiếc, phe chống Pháp làm
văn tế chửi rủa:
- Nó bắt được
ông
Nó chặt mất sỏ
Cái đầu ông đâu?
Cái đít ông đó.
Khốn khổ thân ông,
Đéo mẹ
cha nó...
(Văn tế Crivier)
Nguyễn Khuyến mỉa mai
nhà nho của buổi giao thời :
Hễ nhà chủ
chi đếch
nuôi hề
Rồi ông xem đồ
chúng bay! (Phú Đồ ngông)
- Xem hoa, ta chỉ xem bằng
mũi
Đếch thấy hơi
hương một tiếng khà (Tạ lại người cho hoa trà)
Ca dao đôi khi cũng chửi
đổng cho hả giận :
- Đù cha
con bướm trắng, đù mẹ con ong vàng
Khen ai uốn lưỡi cho
nàng nói chua.
Rồi đến thời kì Cách
Mạng. Dân ta vùng lên đánh đuổi Nhật :
Chém cha
lũ Nhật côn đồ
Bắt người cướp của,
tha hồ thẳng tay.
Chửi thề được
nhiều tác giả vô danh tham gia, đóng góp.
Truyện Phạm Công
Cúc Hoa có đoạn kể:
- Trạng nguyên Phạm
Công đánh đồng thiếp xuống âm phủ tìm Cúc Hoa. Dọc đường
Phạm Công gặp đám con hầu của Cúc Hoa đang tắm dưới sông.
Lũ con hầu thấy người lạ bèn cất tiếng chửi mắng, xua
đuổi. Phạm Công bực mình chửi lại :
Đù cha lũ
đi ăn mày
Cả tớ lẫn thầy ăn
đếch
cho
tao.
- Giới bình dân đã
tạo ra nhân vật Trạng Quỳnh để chửi vua chúa, quan lại
của triều đình phong kiến :
" Một hôm trạng Quỳnh
sai người đến nhiều cửa hàng thịt đặt mua. Ngày mai đến
lấy sẽ trả tiền. Lại dặn nhà hàng nhớ thái giùm thịt.
Hôm sau, chờ mãi không thấy ai đến lấy thịt, các nhà hàng
đến nhà Quỳnh hỏi thì Quỳnh nói :
- Không biết. Chắc có
đứa nào chơi xỏ bà con đấy. Cứ réo tên thằng bảo thái
mà chửi.
Bọn hàng thịt ức lắm,
vừa kéo nhau về vừa réo ầm ĩ :
- Tiên sư thằng
bảo thái ! Tiên sư thằng bảo thái !
Bảo Thái là niên
hiệu của vua ".
" Một lần Quỳnh bị
chúa bắt trói, ngồi bệt ngoài sân nắng. Còn chúa thì ngồi
chơi trong nhà. Bỗng Quỳnh cười như nắc nẻ. Chúa hỏi cười
cái gì ?
Quỳnh làm bộ không
dám nói sợ chúa phạt. Chúa tò mò muốn nghe, hứa không phạt.
Quỳnh mới thưa rằng buồn cười vì chuyện người đàn bà
chửa ngủ với chồng.
- Ngủ với chồng thì
sao ?
- Người đàn bà chửa
ngủ với chồng thì chẳng khác gì thằng ở ngoài đụ
mẹ thằng ở trong, thằng ở trong bú cặc thằng
ở ngoài !
Chúa bị chửi, giận
tái mặt ". (Truyện Trạng Quỳnh).
Cuối thế kỉ 19, đầu
thế kỉ 20, nước ta có sách, báo viết bằng chữ quốc ngữ.
Ít lâu sau có thêm thơ mới, tiểu thuyết.
Vũ Trọng Phụng đã
đưa nhiều " phương ngữ Bắc kì " vào Số đỏ (1936)
: cần đếch gì, mẹ kiếp, có xấu cái đếch ông đây
này.
Nguyên Hồng đưa rất
nhiều tiếng lóng của bọn ăn cắp vào Bỉ vỏ (1938),
nhưng không có một tiếng chửi thề.
Bọn ăn cắp này
không biết
chửi thề chăng? Mãi sau này Nguyên Hồng
mới văng tục (nhẹ thôi) trong Sóng gầm (1959) :
- Đui què mẻ sứt, ngu
si đần độn gì mà sợ ế? Ế cái ba vạn bà đây này!
- Kệ bố chúng
nó. Kệ tiên nhân chúng nó.
Ngày nay, chửi thề
không
còn xa lạ với mọi người.
Không phải chỉ có văn
thơ mới biết chửi thề. Tranh dân gian của ta cũng biết
chửi
thề ! Đùa hay thật vậy ?
Tranh Oger (1910) có tấm
vẽ một cửa hàng buôn bán tại Hà Nội.
Trên tường
Nhà hàng
đồng có cái của quý của quý bà kèm theo câu chửi
thề viết bằng chữ nôm "Đéo mẹ cha đứa nào ở
trong cái nhà này".
Trên đây là mấy chuyện
chửi
thề của ngày xưa.
Còn ngày nay ? Ngày nay,
bọn hậu sinh khả uý tiếp tục gìn giữ và phát huy
truyền thống chửi thề của cha ông... Du lịch đó đây,
được tai nghe mắt thấy lắm cái lạ...
Lạ nhất là một thứ
cấm độc đáo của thành phố Pleiku. Không phải cấm
đái, cấm vứt rác, cấm chạy nhanh vượt ẩu, cấm sờ (hộp
điện cao thế), cấm tụ tập
của mấy thành phố văn
minh.
Dưới chân tường một
biệt thự sang trọng lồ lộ tấm "tranh dân gian" Cấm đụ
bậy. Nét vẽ "hiện thực". Dễ hiểu. Biểu cảm hơn tranh
Nhà
hàng đồng. Cấm được cái mục này thì giỏi thật
!
Lần ấy vợ chồng chúng
tôi đi tham quan Hoa Lư, đền vua Đinh.
Xe vừa vào bãi đỗ
lập tức bị cả chục người bán bưu ảnh, bánh trái, nước
ngọt, nước khoáng, ào ào lớn tiếng mời mua. Du khách ngồi
xe lâu, bây giờ mới được vươn vai duỗi chân, chả ai để
ý đến đám hàng rong. Chú hướng dẫn du lịch mời mọi người
đi tham quan. Đám bán hàng đi kèm sát bên cạnh. Tiếng cười
đùa trộn với tiếng chào mời, nghe như đám cãi nhau. Mấy
người nước ngoài thích thú giơ máy chụp ảnh, quay phim.
Đoàn người nhích được
độ hai chục mét thì bỗng có người lên tiếng :
- Không ai mua gì đâu,
đừng đi theo nữa.
Lập tức được con
bé bán hàng đốp chát lại :
- Có ai thèm mời cô
đâu, mà cô phải chõ mõm vào.
Đoàn người tiếp tục
đi. Con bé tiếp tục dúi chai nước vào tay người đàn bà
nước ngoài.
- Đã bảo đừng đi
theo nữa. Người ta bực mình rồi đấy.
- Cậy giàu lên mặt
hả? Đừng đi theo cái
đéo gì. Đây đi bán hàng chứ
có phải đi đánh đĩ, theo trai đâu. Không mua đây cũng đếch
cần.
- Tao gọi công an cho
mày xem.
Nghe nói gọi công an,
con bé quay ngoắt, lủi mất. Mấy bà hàng rong xì xào:
- Con bé láu quá nhỉ.
- Hỗn láo, mất dạy
thì có. Mới nứt mắt ra thì biết gì mà đánh với
theo.
Cặp du khách người
nước ngoài chả hiểu gì, chỉ nhìn nhau cười...
Một lần khác, trên
chuyến xe khách Đà Lạt - Nha Trang.
Lơ xe thu tiền vé. Đến
lượt ông khách ngồi bên cạnh.
- Đi đâu, bố ?
- Cho xuống chỗ...
- Hai chục ngàn.
Ông khách đưa tiền.
- Còn thiếu 5 ngàn, bố
!
Lơ xe tiếp tục thu tiền
người khác. Lát sau quay lại ông khách.
- Còn thiếu 5 ngàn, bố
!
- Đi tới đó 15 ngàn
thôi.
- Đụ mẹ bố,
không chịu thì xuống, không lộn xộn.
- Thôi, anh cầm đỡ
cái mũ này.
- Lấy mũ của bố để
đi đái à ?
- Tôi hết tiền, xin
anh 5 ngàn !
- Đụ mẹ, nói
thẳng cho rồi. Xin thì cho.
Năm ngoái...
Chúng tôi đang trò chuyện
với mấy nhân viên khách sạn trong Ngõ Huyện (Hà Nội) thì
bỗng có tiếng xe máy nổ ầm ầm bên ngoài. Tất cả hốt
hoảng chạy ra xem có chuyện gì ? Dọc con ngõ hẹp, nhiều
người đang xôn xao chỉ trỏ, ra hiệu cho một chiếc xe máy
ngừng lại. Nhưng xe vẫn tiếp tục phóng len lỏi giữa đám
hàng rong. Khói trắng phun mịt mù. Lái xe là một thanh niên,
quần cụt, chân đất, đầu trần, có vẻ như đang chạy trốn.
Đến ngang chỗ chúng tôi đứng, bất ngờ nó quay sang văng
thẳng vào mặt tôi :
- Địt mẹ mày
!
Chiếc xe chồm lên. Khói
trắng mịt mù. Mọi người lo sợ xe bốc cháy...
- Lại tụi du côn ở
chỗ khác kéo nhau ra Hà Nội kiếm ăn, bác ạ!
Trong Sài Gòn, dưới
Bến Tre cũng có lần tôi được nghe câu nói tương tự như
vậy. Nhưng người trần mắt thịt đi du lịch làm sao phân
biệt được dân tứ chiếng với dân chính gốc ?
Nhớ lại một câu chuyện
vui của người Hà Nội :
" Hai nhà giáo trò chuyện,
bàn về vấn đề giáo dục tuổi trẻ.
Một ông than :
- Hôm nọ đi hóng mát
Bờ Hồ, tôi được nghe hai cô nói chuyện : "Đéo mẹ
cái thằng ấy, mới quen nhau mà nó cứ nhằng nhặc đòi
địt
tao!". Bậy bạ đến thế là cùng.
Ông kia chép miệng :
- Bọn trẻ bây giờ
mất dạy quá! Tôi rất lo ngại. Luôn miệng nhắc nhở con
bé nhà tôi phải ăn nói cho đàng hoàng, lễ phép. Nhưng, nhắc
mãi nó vẫn đéo nghe! Đéo dạy được!".
Làm sao phân biệt được
đùa với thật ?
Nguyễn
Dư
(Lyon,
11/2014)
(1)-
Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập
3, Sử Học, 1961, tr. 138-143.
(2)-
Nguyễn Công Hoan,
Bước đường cùng, 1938.
(3)-
Nguyễn Văn Tròn,
Bùi Kiệm dặm, trích theo
Nguyễn
Đình Chiểu trong cuộc đời, Ty Văn Hoá và Thông Tin Bến
Tre, 1982, tr. 143.
(4)-
Trương Bá Cần,
Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo,
nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr. 375.
(5)-
Lãng Nhân,
Chơi chữ, Zieleks, 1979, tr. 156.
(6)-
Hoàng Xuân,
Cao Bá Quát thi tập, Á Châu, 1959, tr. 7.
(7)-
Lãng Nhân,
Giai thoại làng Nho, Nam Chi tùng thư, 1966, tr.
316.
(8)-
Cao Xuân Dục,
Đại Nam chính biên liệt truyện, Văn Học,
2004, tr. 1053.
(9)-
Hoàng Đạo Thuý,
Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, Hội Văn
Nghệ Hà Nội, 1971, tr. 64.
(10)-
Nguyễn Dư, Cùm lim, xích sắt, Chim Việt cành Nam số
32, tháng 8/2008. |