Hồi ký của
Sư Bà Thích Nữ Diệu Không
(từ 1911 đến 1985)

( Nguồn : Phiên bản điện tử do Hồ Đắc Duy  gửi tặng )

Sư bà
DIỆU KHÔNG

Bà tên là Hồ Thị Hạnh sinh ngày 24 tháng 12 năm 1905 (Bính-Ngọ).Chánh quán làng An Tuyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, hiệu là Nhất Điểm Thanh 

Thân phụ là Khánh Mỹ Quận Công  Hồ Đắc Trung, Thượng thư bộ Học, Đông Các Đại Học Sĩ, thầy dạy vua Duy Tân, bạn của hai ông Thái Phiên, Trần Cao Vân và là người duyệt lại bộ "Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu" một quyển sử quan trọng của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, thân mẫu là bà Châu Thị Ngọc Lương, người làng An Lai huyện Hương Trà Thừa Thiên 

Lúc nhỏ được cha cho học chữ Hán với các anh chị em trong nhà. Lớn lên học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Vốn tư chất thông minh, tính tình lại hiếu hòa và thích hoạt động từ thiện xã hội

Mùa Xuân năm Nhâm Thân (1932), bà xuấ gia cầu đạo với tổ Giác Tiên ở tổ đình Trúc Lâm, được Hòa thượng truyền thập giới làm Sa di ni với pháp tự Diệu Không, pháp danh: Trừng Hảo, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42

Bà là vị ni sư độc nhất được tham dự vào lớp học ở Chùa Trúc Lâm do ngài Phước Huệ dạy bảo trong lớp chỉ có toàn tăng ni là thầy Mật Khế, Đôn Hậu, Vĩnh Thừa, Mật Hiển, Mật Nguyện và Bác sĩ Lê Đình Thám..

Tinh thần Sư bà luôn minh mẫn cho đến giây phút cuối, mỗi khi ai có việc quan trọng đến thỉnh ý, Sư bà đều dạy những lời khuyên hết sức sáng suốt. Mặc dù già bệnh, tuổi đời đã trên 80 mà tinh thần vẫn minh mẫn. Công việc hành hoạt của sư bà vẫn chạy đều vừa dịch sách vừa chỉ bảo cho các môn đệ.

Sư bà tạ thế vào lúc 2 giờ ngày 22 tháng 8 năm Đinh Sửu tức 23 tháng 9 năm 1997, hưởng thọ 93 tuổi đời với 53 năm hạ lạp

Sư bà đã để lại những áng thơ hay Đạo cũng như Đời, những đóng góp dịch thuật gồm: Sư bà còn dịch thuật trước tác và cộng tác với nhiều tạp chí Phật giáo như Viên Âm, Giác Ngộ, Từ Quang, Liên Hoa… Các bộ kinh luận quan trọng do Sư bà dịch gồm có Thành duy thức luận, Du-già Sư địa luận, Lăng-già Tâm ấn, Di-lặc hạ sinh kinh, Đại trí độ luận, Trung quán luận lược giải (của Long Thụ Bồ Tát), Hiện thật luận (của Thái Hư đại sư) v.v… Ngoài ra, Sư bà còn sáng tác rất nhiều tập thơ văn khuyến tu và giáo dục phụ nữ, như câu chuyện đạo lý, v.v…

Sư bà Diệu Không là chị ruột của cha tôi, trước khi qua đời bà đã để lại một số tài liệu, trong tài liệu dó có tập Hồi Kỳ này , tôi nghĩ đây là một tài liệu có liên quan đến lịch sử

Hồ Đắc Duy
SG 2/10/2015
Duyên Khởi

Một số nhà văn học yêu cầu tôi viết lại tập hồi ký để họ sưu tầm tài liệu các văn nhơn thời ấy. Tôi tùy hỷ công đức ấy, ghi chép những gì còn nhớ lại và nếu tập này giúp ích các quý vị trong sự sưu tầm, thì cũng gọi là đóng góp cho họ một phần nhỏ vậy.

Còn nếu trong ký sự có chỗ nào sai cũng mong quý vị còn lại trong thời ấy bổ sung cho được hoàn

Xin có lời cảm tạ trước

Hồng ân tự
Ngày đầu hạ Bính dần
1986
Thích nữ Diệu Không
 

Thời thơ ấu
(từ 1911 đến 1920- 25)

Năm tôi lên 8 tuổi, được sống dưới mái nhà của dinh Tổng đốc Quảng Nam rất êm đềm (1). Từ năm 1905 đến 1911, tính tuổi tây là 7 tuổi, mà tuổi nam là 8 (vì kể cả từ khi nằm trong bụng mẹ) thì một biến cố làm tôi nhớ mãi tới nay:

Một hôm, tôi thấy một số người mặt mũi khôi ngô, tay bị còng lại, đem vào dinh rồi lại đưa sang nhà lao giam họ ở đó. Tôi hỏi thầy Đội:

- Họ làm sao mà bị còng tay? Thầy Đội để tay lên miệng rồi nói nhỏ:

- Họ làm giặc, bị bắt đem về giam ở nhà lao, họ bị xử án tử hình cả đấy.

Khi vào ăn cơm, tôi hỏi Cụ tôi tử hình là thế nào? Ông cụ bảo là bị "chết chém"

Nói xong, ông Cụ thở dài, buông đũa đi nằm, khác với mọi lần ông Cụ rất vui tính.

Mãi đến 10 giờ, bà Cụ tôi bảo, con đem chén sữa này vào ép Thầy uống nghe. Vâng lời mẹ, tôi qua phòng Cha, thấy im lặng như tờ. Tôi chờ ông Cụ tôi trở mình, mới mời được, nhưng cụ chỉ hớp vài ngụm rồi bảo để yên cho Cụ nằm. Cả ngày hôm ấy, không khí trong nhà thật là buồn. Bà Cụ tôi không dám nói to, gọi to tiếng.

Đến bữa cơm, bà Cụ vào mời ông Cụ cùng ăn, vì ngày thường chỉ có tôi là gái út mới được hầu cơm ông Cụ, còn bà Cụ thì ăn với các con.

Bà Cụ tôi hỏi: Mấy hôm nữa thì "xử" họ? Ông Cụ đáp 3 ngày nữa rồi lau nước mắt và nói:

"Nếu tôi có mệnh hệ nào, bà hãy đem con về Huế mà nhờ bà ngoại"

Bà Cụ tôi cương quyết nói!

Ông lo gì, tôi biết làm ruộng, tôi sẽ dạy các con làm ruộng để sống, nhưng tìm cách nào để cứu họ khỏi chết mới là phước đức để lại cho con cái, chứ chết theo họ thì có ích gì?

Ông Cụ làm thinh đi nằm. Và sau bữa cơm chiều, tôi thấy ông Cụ vội vã mặc áo đen cũ và ra đi cùng một người nữa đến 9 giờ đêm mới về nhà ngủ.

Sáng hôm sau, ông cho gọi Mẹ tôi sang và nói: "Có lẽ yên được, bây giờ tôi phải đi gấp xuống Tòa sứ. Đến giờ ăn cơm trưa, có bà Cụ tôi ngồi chờ, và thấy hôm nay, ông Cụ mới ăn một bữa cơm ngon lành, vui vẻ.

Ông bảo: "Chiều nay họ sẽ xuống Tòa, và mai mốt họ sẽ về nhà họ, may quá, Tỉnh này không có đầu nào bị rơi trong số 42 người cũng còn tiếp tục vì các vụ dân xin thuế...hiện nay Tỉnh nào cũng có. Mẹ tôi hỏi: "Họ chịu đầu hàng hay sao". Ông Cụ đáp: "Sau khi vào lao tâm sự với 2 ông Trần Cao Vân và Thái Phiên, tôi đã nói rõ tình hình không lợi, và nếu các anh chết hết thì ai là người dạy dân để có trình độ cao hơn? Xin các anh hãy nhẫn nhục, 10 năm chờ đợi đã và họ đã nghe ra và chịu xuống Tòa đầu hàng. Chiều nay tôi phải xuống để bảo đảm họ và nếu có xảy chuyện gì, tôi xin thay đầu của họ

Bà cụ tôi cười rồi bảo: "ông thật là táo bạo. cũng từ hôm ấy, cảnh êm đềm trở lại với gia đình chúng tôi. Mỗi ngày anh em chúng tôi lại tiếp tục được học Quốc văn với 1 cô giáo, học Hán văn với 1 thầy giáo. Anh chị em chúng tôi còn học Pháp văn với 1 người Pháp mỗi tuần 2 lần nữa.

Năm 1913, có tin Cụ tôi được đổi về làm Thượng thư bộ Học, thay cho cụ Cao Xuân Dục sẽ về hưu. Lại có tin ông công sứ Charles cũng được thăng chức về làm Khâm sứ ở Huế. Vậy là cả gia đình tôi đáp xe lửa ra Huế. Cha tôi thì về Huế trước để xép đặt chỗ ăn ở. Về đến bộ Học với chiếc xe ngựa đã đứng đón, họ xếp đồ đoàn vào sau nhà hậu của công đường, vì 2 chái hai bên gia đình cụ Cao Xuân còn ở lại chờ ngày làm lễ bàn giao sau đó.

Hai bà trẻ của cụ Cao ra đón tiếp mẹ tôi và cà nhà vào, bữa cơm trưa được 2 bà đón tiếp. Ăn xong, tôi được Cha tôi gọi lên cho đứng hầu quạt, vì 2 cụ không muốn có người lớn đứng hầu. Vâng lời cha, tôi đã đọc những bài thơ Đường như bài “Nguyệt lạc ô đề” và mấy bài khác, tôi được thưởng kẹo bánh và tôi được quạt hầu nghe các cụ nói chuyện.

Cụ Cao nói: “Tôi nghe ông đã khéo léo khuyên được số các nhà yêu nước khỏi bị chết, trong hoàn cảnh qua, tôi rất mừng. Đề nghị ông về bộ Học mục đích để ông giữ gìn Quốc sử quán mà tôi đã dày công sáng lập. Sau khi người Pháp đã thu hết toàn bộ sách vở, tài liệu...quí giá về Pháp, tôi phải vận động nhờ các ông Thân Trọng Huề, Hoàng Trọng Phu v.v...chụp bóng lại và trên cơ sở đó tôi đã cho viết lại từng bộ sách và hiện để tại Quốc tử giám để con cháu dân ta sau này biết rõ lịch sử nước nhà Việt Nam.

Tôi lại cũng mong Ông nối ý chí mở việc học hành cho con em ở quốc nội cũng như được du học . Cụ tôi đáp:

Xin Thầy đừng lo, tôi đã thảo thư xin lập 1 hội “An Nam du học”, cứ mỗi năm sẽ cấp học bổng cho học sinh giỏi được sang Pháp các nước du học, cũng xin Thầy vào chức danh dự hội và cấp cho vài học bổng.

Cụ Cao đáp: ở Nghệ An tôi có một học điền để giúp học sinh ưu tú bản tỉnh, nay có vào hội cũng không khó.

Nhưng ông nên khéo léo, kẻo mắt bọn mật thám Pháp rất tinh vi, họ mưu mô lắm đó. Cụ tôi đáp: “Xin Thầy hãy an tâm, mẹ tôi chết cũng vì tay người Pháp, con cháu ta sau này sẽ còn nhớ mà lo liệu việc ấy"

Nói đến đó, 2 Cụ thấy tôi đứng đã quá lâu, nên cho nghỉ hầu quạt và cho người vào bưng mâm xuống nhà.

Và cũng từ đó, tôi mới biết bà nội tôi bị Pháp giết và càng hiểu vì sao cứ đến ngày 23 tháng 5 âm lịch là ngày kỵ của bà nội, thấy ông cụ tôi khóc mãi.

Năm 10 tuổi, tôi được học trường gần cửa Thượng tứ, sau 2 năm chuyển qua trường nữ học Đồng Khánh gần trường Quốc học.

Rồi một biến cố lại đến với gia đình tôi Chị gái tôi sắp sửa phải vào Nội và tôi phải nghỉ học (1917) ở nhà để lo nội trợ.

Nguyên 2 cụ tôi sinh được 9 người con, 3 gái và 6 trai. Hai bà vợ hầu có 2 gái, 1 gái đã mất, còn 1 gái gả làm dâu cụ Lê Trinh, 1 gái nữa gả cho cha Bửu Hội tức là cụ Ưng Úy

Trong nhà như vậy chỉ còn 1 chị gái tôi 16 tuổi và tôi 12 tuổi. Cũng vào thời gian đó vua Duy Tân cũng đã 17. Còn các anh trai tôi sau khi đậu tiểu tập, được gởi ra học trường tú tài Albert Sarraut. Cứ mỗi mùa hè, được nghĩ hè, các anh tôi thường cùng đi với tôi để hầu vua Duy Tân đi nghỉ mát ở Cửa Tùng. Chị tôi và tôi cũng được đi theo. Ban đầu chúng tôi không dám đi theo Ngài nhưng sau đó, cứ mỗi sáng đã lại thấy Ngài gọi cùng đi. Chúng tôi nhận thấy những khi Ngài ngự du xuân, ngồi trên kiệu vàng thì rất uy nghi, nghiêm chỉnh, mà sao khi ra chơi, Ngài lại tất bình dân, vui đùa hồn nhiên, vô sự. Ăn sáng xong, Ngài về nhà nghe thầy Phụ đạo giảng dạy tiếng Pháp. Buổi chiều, Ngài lại học chữ Nho với cụ Lê Nhữ Lâm và 5 giờ chiều, lại ra biển. Chị tôi và tôi ở nhà với Cụ tôi. Buổi tối, Ngài cho mời Cụ tôi sang đánh cờ và giải quyết công việc ở triều đình Huế.

Hôm Ngài trở về Huế, lần nào cuộc chia tay cũng thật bịn rịn. Các anh tôi đến chào Ngài thật sớm, và đưa ra tận xe, còn 2 chị em tôi đứng ở xa, chỉ vái chào Ngài. Ngài đưa tay chào lại, còn ngoái đầu ngó lại. Tình vua tôi, Thầy Trò thân mật lạ lùng.

Vài tháng sau, có chiếu của 2 ngài Hoàng Thái hậu ra đòi chị tôi vào hầu và cho đôi vòng làm kỷ niệm. Kế đó có người trong Đại nội ra dạy Chị tôi các nghi lễ nhà vua và bảo sẽ xem ngày lành tháng tốt để làm lễ đưa rước chị tôi vào Đại nội.

Bỗng cuối năm ấy lại một biến cố xảy ra bất ngờ. Ngài (vua Duy Tân) cho đòi cụ tôi vào và nói: “Thầy đã rõ lòng ưu ái của tôi đối với gia đình, vậy mà nay tôi xin rút lui việc hôn nhân mà các Hoàng Thái hậu đã định. Tôi chỉ xin Thầy tìm cho một người cháu gái khác để đưa vào trong ngày cưới đã định. Tôi chắc Thầy sẽ rõ lòng tôi hơn ai hết..."

Ông Cụ tôi về nhà, thuật lại mẹ tôi hay và hỏi, "Bà hãy xem có cháu nào không? Mẹ tôi suy nghĩ một lúc rồi đề nghị: Có con gái cụ Mai Khắc Đôn, là cháu gọi cụ tôi là ông cậu (vì Cụ là cậu của Mẹ cô)

Công việc bàn bạc xong, một tháng sau đúng ngày cưới, Hoàng tộc đưa bà ấy vào Nội, mà không phải chị tôi. Hai Cụ tôi bàng hoàng vô cùng và nhất là chị tôi buồn phiền vô hạn.

Mấy tháng sau, khi vua Duy Tân bị bắt ở gần chùa Thiền Tôn và đem về giam Ngài ở lầu Tòa khâm Huế. Cụ tôi cũng bị mời ở lại dưới lầu ấy.

Bà cụ tôi chuẩn bị đưa các con về làng An Lại để có gạo ăn. Tôi xin Mẹ tôi được ở lại bộ Học để hàng ngày đi bới cơm, vị Cụ tôi không quen ăn cơm tây, nên họ cho được bới xách.

Một tháng đã trôi qua, tôi hỏi Cụ tôi: “Thầy có được gặp Ngài không? Cụ tôi đáp: “Họ đương thẩm vấn, riêng từng người nên không được gặp ai hết"

Về sau, Cụ tôi cho biết rằng: "chính Ngài đã cứu vớt gia đình ta, nên đã từ hôn với chị tôi mà không cho Thầy tôi biét lý do nào cả, thật quá quý". Hôm mẹ tôi ở làng lên thăm, tôi kể lại, mẹ tôi và chị tôi đều khóc sướt mướt.

Mấy hôm sau, Thầy tôi cũng được trở về Bộ. Mẹ tôi hỏi Cụ: “Ai rũ Ngài đi?”. cụ tôi đáp: “Lại 2 ông Trần Cao Vân và Thái Phiên" mà hồi trước ta đã xin cho khỏi bị chết ở Quảng Nam. Cũng vì vậy mà họ giam tôi để xét hỏi, may mà việc này tôi tuyệt nhiên không biết. Còn Ngài thì khai vì thương nhà mình đông con, sợ bị liên lụy nên tự từ hôn chứ không cho biết vì sao cả!"

Hai ông Trần và Thái thì nói "vì khi ở trong lao ở Quảng Nam có hứa với cụ Hồ Đắc sau mười năm sau mới hoạt động. Nay tuy mới 6 năm, nhưng gặp cơi hội tốt: Pháp đã thua Đức, giao hàng vạn cây súng vào tay người Việt sắp đi đánh thuê, nếu Ngài Vua cho một lời chiếu để quân lính quay súng lại, thì nhất định người Pháp phải rời khỏi Việt Nam. Vì vậy mà chúng tôi (2 ông Trần và Thái) đã bí mật xin gặp Ngài ở hồ Tịnh Tâm và định ngày khởi nghĩa. Không ngờ có người phản bội chỉ điểm, nên Ngài bị bắt. Vậy chúng tôi xin hoàn toàn chịu tội".

Cũng nhờ những lời khai trên mà tôi (Cụ tôi) được vô tội nhưng với điều kiện tìm cho được 1 ông vua khác, đừng có đầu óc cách mạng thì mới tha tội cho tôi.

Sau những lời nói ấy, mẹ tôi suy nghĩ hồi lâu mới nói: "Vậy cái ông Hoàng mà tôi thường gặp ở chùa Tây Thiên, là rể của cụ Trương Như Cương đó, con người thích đeo vòng, đeo nhẫn như đàn bà đó, ông nghĩ sao?

Ông Cụ tôi mừng quá nói, “Ừ, phải khi vua Đồng Khánh mất, ông ta còn nhỏ quá, cho nên họ không tôn lên thay, mà tôn vua Thành Thái, Duy Tân là con cháu Ngài Dục Đức".

Sáng hôm sau, Cụ tôi sang tòa Khâm đề nghị ông Hoàng Cả thì người Pháp họ đồng ý ngay. Họ lại còn giao cho cụ tôi phải thảo tờ trình về cái án của vua Duy Tân.

Ông Cụ tôi về nhà, lở khóc, lở cười, chiều hôm ấy Cụ chỉ nằm khóc bỏ cả cơm nước. mẹ tôi phải an ủi, động viên mãi, ông Cụ mới ngồi dậy và suốt đêm hôm đó, cụ ngồi mãi viết hoài...đại để bản án hay ở chỗ là khen Vua có lòng ái quốc, chỉ vì tuổi còn nhỏ, nên đã làm sai đường lối mà nước Pháp muốn mở mang cho Việt Nam, cho nên xin người Pháp hãy nghĩ tình mà tha thứ. Bản án có lý, có tình rất thống thiết nên được duyệt y(2).

Ngày Cụ tôi đi chào Ngài lần cuối, Vua tôi nhìn nhau thật lâu, rồi nghẹn ngào cụ tôi nói: "Xin Ngài giữ gìn sức khỏe".

Ngài cười và gởi lời chào tạm biệt các bạn trẻ nữa. Cụ tôi về nhà nằm khóc 2,3 hôm liền. Chị tôi cũng khóc mãi, không kém ông Cụ.

Tôi bảo chị khóc vậy có ích gì? Hãy can đảm, tự hào về 2 nhà ái quốc sẽ bị xử tử ngày mai đó. Ông Cụ tôi càng buồn mà sinh ốm.

Qua cơn sóng gió. Triều đình đã tôn ông Hoàng Cả lên làm vua, hiệu là Khải Định và lựa chọn bách quan vào các chức vụ mới.

Một hôm, Cụ tôi đi hầu về trưa hơn mọi ngày. Bà Cụ tôi hỏi, Cụ bảo là Ngài Khải định đã cho mời riêng tôi vào lầu Kiến Trung và hỏi rằng: "Tôi có thể tin Thầy là ông gia hụt của Duy Tân không? Cụ tôi tâu lại: "Nếu Ngài không tin xin cho tôi về". Ngài nói thêm: "Ông Khâm sứ nói: Tôi cần có một người vợ nói tiếng Pháp giỏi để làm các việc cơ mật, mà người con gái đó lại là con Thầy, nên tôi muốn biết ý kiến Thầy. Trước đây tôi đã có bà vợ con Cụ Trương Như Cương rồi nhưng bà ấy đã xin về 3 năm nay rồi. Tôi sẽ cưới con Thầy làm Hoàng Phi vợ chính. Thật ra, tôi cũng đã có 1 người hầu và 1 con mới 4 tuổi, nó sẽ là con Bà Hoàng Phi.

Về nhà, cụ tôi thuật lại mà thở dài và nói: "Xem chừng con nhỏ nó còn nhớ vua Duy Tân lắm. Mẹ tôi cũng thở dài rồi đem chuyện thuật lại cho chị tôi rõ. Vừa khóc, chị tôi vừa thưa: "Con xin nguyện ở trọn đời, không nhận lời ai nữa hết" và vào phòng riêng khóc nức nở. Anh cả tôi hôm ấy cũng về, gọi chị tôi, nhưng chị tôi cũng không dậy, và đòi tự vẫn.

Ông cụ tôi lo lắng, bảo tôi vào dỗ chị và nếu chị con vẫn không nghe lời, thì Thầy cũng xin trở về cày ruộng để khỏi bị tình nghi.

Đêm đó tôi đem cháo vào dỗ chị ăn và ngủ cùng chị. Khuya hôm đó, tôi nói: Thầy và anh Khải đều là văn nhân, nay về làm ruộng sao được, huống nữa còn 4 anh em đang học ở Hà Nội, vậy ai là người nuôi các anh nên tương lai? Nếu chị mà không biết hy sinh, thì Chị còn thua nàng Kiều đã bán mình chuộc cha. Còn Ngài (Duy Tân) đã vị quốc gia, vậy sao chị không vì gia đình như Ngài đã hy sinh vì nước?

Lắng nghe tôi nói, chị nằm im lặng không trả lời. Sáng hôm sau, đôi mắt còn sưng húp, nét mặt buồn phiền sang phòng Cụ tôi và thưa: "con xin nghe lời Thầy và anh. Cụ tôi mừng quá, ứa nước mắt nói: "Thầy biết con vì hiếu quên tình, như vậy là cả nhà anh em đều có phước nhờ con đó”.

Sáng hôm sau, Cụ tôi vào Nội trở lời và định ngày cho chị tôi vào cung để hầu thăm 2 Thái hậu.

Trong thời gian đó, phong trào Duy Tân tuy bên ngoài có vẻ đã im lặng, nhưng thực ra vẫn âm ỷ cháy bỏng trong nam nữ thanh niên nam nữ học sinh ở Huế. Lại thêm lúc này "Huyết thư của cụ Phan Sào Nam gửi về, tiếp đó cụ Phan bị bắt đem về nước và giam lỏng ở Huế. Lại còn phong trào Phan Chu Trinh năm 1922 đưa 7 điều lên án vua Khải Định ở Pháp làm rúng động lòng dân.

Năm 1926, đám tang cụ Phan Chu Trinh. Sau lễ truy điệu, học sinh 2 trường Quốc học, Đồng Khánh, Trường Bách công bãi khóa. Họ kéo xuống Tòa Khâm biểu tình. Nhiều nam nữ học sinh bị bắt giam ở hai nơi, nữ ở nhà cụ Ưng Úy, nam ở sân vận động, trong đó có chị Trần Như Mân và số nữ sinh, nam sinh...

Hồi đó, tôi ham đọc sách về cách mạng các nước. Gandhi ở Ấn Độ, và cách mạng Pháp, Nga v.v... vì muốn nghiên cứu kỹ trước khi hành động vào đời. Tôi vẫn giữ chức thủ quỹ tài chánh do 2 ông Hải Triều và Bà Trần Như Mân giao phó để che mắt bọn mật thám.

Muốn giữ vững nhiệm vụ, tôi đề nghị Cụ Đạm Phương lập Hội Nữ Công để mỗi tháng đi thu tiền hội viên cả 2 phần ủng hộ Cách mạng và của Hội.

Các anh chị mỗi lần cần tiền để mua giấy in ấn tài liệu hoặc công việc khác, tôi đều ứng trước, có khi phải bù đắp.

Được sự ủng hộ của cha, tuy có những lần tên mật thám gọi tra hỏi, tôi đều được cụ tôi bảo lãnh nên vô sự.

Có lần bị soát gắt gao, anh em đem tài liệu mật giao tôi đưa cất giấu ngay trong bộ Học, đều được song suốt.

Ngày lập hội Nữ công xong, tôi có bài thơ tặng chị em, được Cụ Đạm Phương cho thêu treo ở phòng giữa.

Tặng hội Nữ Công
Nữ công sáng lập tại Thừa Thiên
Kinh tế nâng cao bước nữ quyền
Gánh vác giang sơn thân gái Việt
Duy trì nòi giống đất Rồng Tiên
Công dung tinh tấn không lười biếng
Ngôn hạnh đoan trang ấy chính chuyên
Tất cả chị em nên gắng bước
Noi gương Trưng Triệu mãi lưu truyền

Năm 1928, vì hội Nữ Công thiếu tiền trả về đất đai, tôi đã lập một cuộc đấu xảo mỹ nghệ phụ nữ, và 10 đêm giúp vui lấy tiền vào cửa để thánh toán món nợ cho Hội. Bà con gái cụ Đạm Phương là bà Bửu Du giử quỷ đó. Hội cũng đã trích ra để làm giải thưởng khen các sản phẩm và tài khéo tay của chị em.

Sau cuộc đấu xảo đó, tôi đã mở một cửa hàng hiệu "Nam hóa", chuyên bán toàn đồ nội hóa, đồng thời cổ động chị em chuyên dùng hàng nội. Hiệu còn nhận hàng của các nước ngoài đặt hàng của nghệ nhân VN (chạm trổ, vàng bạc, hàng tơ lụa, hàng thêu, đồ mỹ nghệ...)

Một hôm, tôi bị sở mật thám gọi và cho tôi là gây phong trào bài ngoại như Gandhi ở Ấn Độ. Tôi đáp: “Kiếm công ăn việc làm cho phụ nữ nghèo là có tội hay sao? Xin ông cho tôi bằng cớ phản động và tôi xin chịu tội". Bọn chúng thả tôi về nhưng làm rắc rối cho Cụ tôi.

Một hôm Cụ tôi gọi tôi và bảo: "Con nên tổ chức sao cho khéo mới dể hoạt động". Tôi liền thảo một bức thư mời các Bà Chúa, các phu nhân của các vị Thượng thơ, các bà quan lớn và các bà Đầm vợ của những ông Tây quyền cao chức trọng lập thành 1 hội cứu tế tên hội "Lạc Thiệu". Có dịp cụ tôi đi Hà Nội, tôi xin đi theo ra gặp Bà Toàn quyền, đưa đơn mời Bà làm danh dự hội viên, Bà ấy vui vẻ nhận lời. Vậy là tôi được phép đi các tỉnh gặp mời các bà ? bà quan lớn của Nam triều, và phong trào ngày càng lớn mạnh.

Hồi ấy hội Nữ công hoạt động mạnh, đã từng lấy quỹ hội làm lời, phần gấp anh chị em hoạt động cách mạng, phần giúp phong trào Cường Để ở Nhật, giúp anh em học ở Trung Hoa (du học) một phần bỏ vào quỹ An Nam Du học hội, giúp Cụ Phan Sào Nam (Phan Bội Châu) ở Bến Ngự do ông Trần Đình Nam và ông Thân Trọng Phước ủng hộ. Một việc làm mà tôi không thể quên, lúc Bà cụ Phan vào Huế thăm chồng. Chị em hội Nữ Công chúng tôi do Cụ Đạm Phương dẫn đầu lên thăm và đem quà tặng Bà.

Sau 1 tháng ở lại cùng Cụ ông, Bà đòi về quê. Biết hoàn cảnh của gia đình Cụ, Bà đạm Phương và tôi đem biếu Cụ 500đ và Hội tặng 500đ (3), và xin Cụ ở lại vài tháng, Cụ nói là sắp đến ngày mùa, tôi cần về lo việc đồng ruộng và cúng kỵ giỗ, ai nỡ ngồi ănám của chồng mà quốc dân ủng hộ. Nhưng vì nể chị em, Bà chịu ở thêm 1 tháng nữa.

Tháng sau, tôi lên tiễn Cụ Bà ra ga. Cụ ông đưa cụ Bà ra cửa với đôi khóe mắt lưng tròng. Ở ga về, bà Đạm Phương cùng tôi ghé lại Bến Ngự, thấy ông Cụ ngồi trầm ngâm với chén trà. Ông Cụ mời tôi ngồi và nói: "Không có bà ấy thì không có tôi ngày nay, rồi cụ thuật lại câu chuyện."

Khi anh em chúng tôi bị bắt, tôi phải tạm trốn về nhà. Bà ấy nói: "Đã cưỡi cọp, phải đi xa, nếu ông còn bịn rịn e sẽ liên lụy cả". Tôi nói: "Con là con chung, cha mẹ tôi gài cả rồi, bà nghĩ sao?" Bà ấy liền nói: "Ông không tin ở tôi sao? Tôi là nội tướng, ông là ngoại tướng phải lo xa lánh mới để bề hoạt động”. Tôi bèn vái bà ấy 3 vái, gửi lại cha mẹ và 2 con rồi khuya ấy tôi ra đi và từ ấy đến nay tôi mới gặp lại Bà ấy!

Vì vậy mà tôi nói sự nghiệp cách mạng của tôi là do tay bà giúp đỡ!

Chúng tôi chào cụ ra về. Có người hỏi sao thời ấy mà lời thơ, câu đối của cụ Phan đều tỏ ý tôn trọng, đề cao nữ quyền. Tôi đáp rằng: vì Cụ đã nhận thấy phụ nữ Việt Nam ta là vậy, trong đó có vợ Cụ. Tuy hồi ấy chị em được ít học hành, nhưng yêu nước, kiên cường, đảm đang, hy sinh... Cũng nghĩ vậy nên tôi có làm bài thơ tặng cụ Bà mà tôi còn nhớ mãi.

Tặng cụ Bà Phan Sào Nam.
Một đấng anh thư thật đáng yêu
Ba mươi năm trước chuyện còn nhiều
Quyết tình dứt áo về quê quán
Vững dạ khuyên chồng giữ chí kiên
Vì nước hy sinh chia cuộc sống
Thương đời nên phải quyết tâm liều
Đôi ta chung sống trong tin tưởng
Gởi mối tình thâm đến mỗi chiều.

Năm 1930, được tin ở Nghệ An bị vỡ ổ, nhiều nhà chí sỹ bị xử án tử hình, phơi thây, bêu đầu...Anh chị em ở Huế gặp nhau, nước mắt lưng tròng mà không dám khóc. Tôi về nhà anh Hải Triều ở Đạp Đá. Bà Đạm Phương hỏi: Bây giờ ai hy sinh ra Nghệ An gặp các gia đình ấy và tìm cách giúp đỡ các gia đình đó, các cháu mồ côi? Tôi nói: “chỉ có người trong hội Lạc Thiện đi mới không bị ngờ vực. Cụ Bà Đạm Phương nói: “Phải rồi, chỉ có Chị, hãy gắng ra thăm hỏi, ? họ.

Tôi về nhà sắp đặt, nhóm hội lại xin số tiền giúp đỡ, rồi cũng một bà nữa đi ra Vinh lấy cớ là làm việc từ thiện. Tôi gặp gỡ các bà đầm vợ mấy ông quan người Pháp và nói: "Họ có tội thì xử tội họ, nhưng phải chôn cất kẻo mất vệ sinh, và hội chúng tôi sẽ xin mua hòm được mấy chục cái và chôn cất họ. Nhân dịp ấy mới gặp vợ con họ lên chôn chồng, nên hội chúng tôi cũng giúp đỡ các gia đình đó được ít nhiều trong lúc gặp tai họa.

Lúc ngồi trên xe trở về Huế, tôi cảm xúc có làm bài thơ mấy câu, nay mới dám chép:

Thấy cảnh tang thương
Thấy cảnh này ai chẳng đoạn trường
Đau lòng khó tỏ mối tình thương
Lam giang sóng cuộn trăm dòng lệ
Hồng lĩnh tro vùi những nắm sương
Khắc khoải luống thương người chí sỹ
Ngậm ngùi thêm tủi khách tha phương
Ấy ai tri kỷ cùng non nước!!
Gỡ bớt cho nhau mối đoạn trường.

Bài này cụ Đạm Phương khen là hay mà không dám cho ai nghe . Chỉ có bà Đốc Tạ là mẹ của Tạ Quang Bửu đọc thôi. Viết đến đây lại nhớ bà Cụ Đốc Tạ khi đi qua thôn nọ thấy họ lấy nền chùa làm nhà Thờ, bà có gửi tôi 2 câu thơ:

Ngọn Thủy triều toan xoay cỗ đô
Bóng Tà dương đã ruỗi cô thôn.
Tôi đáp lại 2 câu khi lên chùa:
Mặc cho sóng ngập khắp trời
Con thuyền vững lái, tá thời vượt qua.

*
* *

Tập II
Từ năm 1925 - 1955
Lấy chồng và xuất gia đầu Phật
- Một biến cố của đời tôi

Nguyên năm ngoái(4) mẹ tôi đau nặng, có gọi cha tôi đến và dặn rằng: "Nếu tôi có mệnh hệ nào, thì đừng cho con Tám (tức tôi) để tang vì nó đã cãi lời tôi dạy, là đứa con bất hiếu"

Tôi sợ Bà Cụ chết, nên mới thưa: "Xin Mạ yên tâm, chuyến này con xin nghe lời Mạ dạy". Mẹ tôi lo cho con mà phát ốm, thật tình mẹ thương con không bờ bến. Nghe lời tôi thưa và xin hứa, sức khỏe đã ngày một trở lại như thường.

Cũng trong năm ấy, Cụ ông tôi có dịp đi dự lễ Trà Tỳ vua Cao miên (nay là Campuchia) vừa mất, tôi cũng được phép đi theo hầu ông Cụ. Mẹ tôi sửa soạn cho tôi đủ thứ: giày nhung thêu toàn hạt trai, giày nhung có con bướm bằng vàng kết vào, có nhân hột xoàn, mỗi bước đi con bướm rung rinh rất đẹp, rất sang. Vì bên Cao Miên họ giàu có lắm, nên mình phải giữ thể diện của nước Việt Nam mình. Tôi lại còn phải mặc lễ phục: áo gấm, chít khăn theo kiểu thứ bậc của một bà Quận chúa.

Mẹ tôi đưa 2 cha con tôi ra xe còn dặn nhỏ cha tôi "chuyến này phải ép nó giữ lời hứa". Cha tôi gật đầu rồi sau đó nói lại với tôi: “Mẹ con hy vọng con sẽ lập gia đình sau chuyến được đi hầu cha ở nước ngoài về"

Tôi cũng biết, tự thấy lòng mình sao dửng dưng trước bao nhiêu người ngang trang, ngang lứa, học cao, địa vị cao, con nhà "môn đăng hộ đối”, đang muốn được dạm hỏi mình.

Riêng tôi, tình thương rào ? mà sao chỉ thương người khổ đau? Như năm 1926 kia, tôi đã bồng về nhà một đám con côi vì mẹ chúng nó đã chết vì uất hận.

Lại nói đến đoàn đại biểu Việt Nam đi dự lễ Trà Tỳ ở Cao Miên gồm có Cụ tôi, tôi, một ông thư ký ở viện Cơ mật và 1 bác sỹ. Đoàn đi xe hơi nhà vào Sàigòn, và lên Cao Miên. Họ đón tiếp đoàn Việt Nam ở một ngôi nhà rộng rãi, sang trọng. Trên lầu 2 phòng để Cụ tôi và tôi ở. Dưới cũng 2 phòng sang trọng để 2 ông ở.

Ngoài những bửa tiệc khoãn đãi, tôi thường làm cơm ta để ông cụ hợp khẩu vị, xơi được cơm. Đặc biệt của lễ Trà Tỳ là đốt hương thơm nhiều, liên tục.

Sáng hôm ngày lễ, trời vừa hửng sáng, người đã lũ lượt kéo đến trước lễ đài. Đài rất cao làm bằng 1 cây gỗ quý. Mỗi vị khách quý đều len bỏ vào 1 hoa gỗ rất thơm, khói nghi ngút, trang nghiêm. Dự lễ chính có 720 Thầy tu, tượng trưng nhà vua được 72 tuổi. Khi vị Hòa thượng già cuối cùng lên châm lửa, tiếng tụng niệm nghe như khúc nhạc thiên nhiên, ai nấy đều cầu nguyện cho nhà vua sớm tiêu diêu về cõi Cực lạc.

Xong lễ Trà Tỳ, xác vua để ở 1 cái tháp đồng. Tro ấy sẽ để lại 1 bình thờ ở đại nội tại chùa vàng, gia đình nhà vua sẽ làm lễ bố thí cho người nghèo đang tụ tập quanh đài. Tự tay vua con và gia đình đem bố thí.

Xong lễ cúng dường, bố thí ấy, chúng tôi được mời về Đại nội ăn cơm trưa. Tôi được sắp xếp ngồi đối diện với ông Hoàng tử Cao miên, nói tiếng Pháp và cả tiếng Anh khá giỏi.

Trước khi ăn cơm, tôi thấy ông ta chấp tay vái, tôi hỏi thì ông nói đó là cúng Phật trước khi ăn. Tôi hỏi: ông tu từ hồi nào? Ông ta nói: Từ khi 6 tuổi đến 12 tuổi, ông ở 1 chùa trong Đại nội, học đạo làm người. Nếu không học, dù là một ông Hoàng cũng không ai gả vợ cho. Chúng tôi đều cười, nói lãng đi.

Khi về nhà, ông Cụ tôi cho biết ông hoàng ấy muốn qua Việt Nam gặp con trở lại. Tôi thưa: "Thầy nên từ chối ngay đi, gia đình đã làm khổ chị con, thôi đừng làm khổ con nữa. Vả lại nếu con đi xa, Thầy và Mẹ con sẽ sống với ai? Còn chị con nữa đang bất mãn, lấy ai để tâm sự? Cụ tôi thở dài, im lặng, không nói gì nữa.

Ở Cao Miên, một cử chỉ đẹp làm tôi không quên. Ngôi nhà tôi ở, có anh lao công. Khi sắp về lại VN, tôi có tặng anh ta 100đ. Tôi nói anh giữ làm kỷ niệm, anh tỏ vẻ không bằng lòng. Không nói gì, anh mời tôi ra xe hơi cùng đi đến 1 cửa hiệu bán đồ bạc chạm trổ rất đẹp. Anh ta mua 1 quả bồng bằng bạc giá 95, rồi lên xe bảo đi nữa. Đến 1 ngôi chùa anh vào trước, lấy khay để quả bồng, trước mặt vị sư Tăng đã già 80 tuổi rồi bảo tôi vào lạy. Sau, anh cũng vào lạy rồi ra xe cùng về và anh ta bảo: “đó là kỷ niệm đẹp đời đời đó”

Tôi tự nghĩ, một người nghèo mà tâm hồn sang và đẹp quá, trái lại người giàu mà hèn, rồi cứ hèn mãi!

Về đến Sài gòn, ai mời đi đâu, Cụ tôi đều bảo tôi đi thay. Nào là tiệc Tây, tiệc Nam, nghe nhạc, chơi nhạc, nhảy đầm thời ấy rất thịnh hành.

Tôi cùng bạn của các anh tôi ở Pháp về nước(5) đi chơi thả cửa, đủ các nơi suốt 2 tuần lễ.

Hôm ra về, vé xe lửa đã có sẵn. Vì vậy xe ôtô nhà chỉ chở đồ ra Nha Trang và tin cho chú ruột của tôi hiện làm Tuần vũ tỉnh ấy. Mỗi cabin có 4 giường sang trọng dành cho phái đoàn. Tôi nằm ở trên, ông Cụ tôi nằm dưới với ông Thư ký. Ông Cụ hỏi tôi: "Con đi chơi cùng các anh bạn, vậy có anh nào vừa ý không?". Tôi đáp: "Con thấy họ theo Tây quá và thấy họ thật là con nít" rồi đi nằm. Cụ tôi bảo nhỏ với ông thư ký: "tính nó kỳ quá vậy, tuổi còn nhỏ đã hơn gì ai mà bảo người ta là đồ con nít?" và nghe ông ta đáp lại: "Thưa Cụ, cô ấy kiêu kỳ quá!" Tôi liền nói lại: "Ông thư ký nói ai kiêu kỳ, tôi chỉ nói sự thật, thanh niên mà chỉ biết ăn chơi là con nít, chẳng phải sao?". Ông làm thinh và xin lỗi đã nói lén tôi.

Về Nha Trang ở lại 2 ngày. Trên đường về chúng tôi ghé Tuy Hòa ăn cơm trưa. Bị mời, Cụ tôi và ông Bác sĩ đi, 2 chúng tôi ở nhà ăn cơm, ngồi chơi, nói chuyện.

Ông nói: "Cô kiêu kỳ ở chỗ khinh người trẻ trong khi người ta lớn tuổi hơn Cô”. Tôi đáp: “tuổi tác không làm người già trẻ, mà là tánh con người khác nhau? họ ham chơi, trong lúc người dân mình quá nghèo khổ? Họ ích kỷ như vậy là họ còn con nít. Người lớn là người biết lo gia đình và xã hội. Vì vậy mà tôi nói con nít ở đức tánh con người”. Vừa nói đến đó, thì xe Cụ tôi đã về và chúng tôi cũng lên xe ra Huế.

Về đến nhà, bà cụ tôi hớn hở ra đón cha con chúng tôi. Vào phòng nghe ông cụ nói sao đó mà thấy mẹ tôi xịu mặt và cũng không hỏi han tôi gì cả. Tôi đoán biết câu chuyện, cũng buồn. Một hôm tôi hỏi: “Mẹ muốn con đi lấy chồng, sau này dù con gặp gian khổ, mẹ có chịu không?". Bà đáp: "Dù ai, tao cũng gả, có như vậy tao mới thấy an lòng và mới trọn bổn phận của người mẹ!"

Suy tính mãi, nếu không chịu thì mẹ tôi sẽ rất khổ tâm, mà nếu theo ý mẹ thì biết trước rằng tôi sẽ rất khổ và ước gì lúc ấy có một chùa Sư nữ để mình được vào chùa tu.

Một hôm, tôi xin phép cha cho tôi được gặp ông bạn thư ký, người mà cha tôi có thiện cảm, đã thông cảm hoàn cảnh của ông nên đã đi hỏi vợ cho mà không ai dám nhận lời vì ông mang bệnh, lại có 6 con còn nhỏ, gặp rất nhiều khó khăn. Cụ tôi hỏi: "Vậy con ưng ông ấy hay sao?". Tôi thưa: "Nói ưng thì không đúng mà con muốn nuôi các con ông ấy, và con luôn được ở gần Thầy, Mẹ và chị con".

Cụ tôi cho mời ông lên, tôi tỏ ý. Ông nói: "Cưới cô, thì tôi không dám, vì tôi có bệnh, còn các con tôi, Cô muốn nuôi, tôi xin cảm tạ Cô. Tôi sẽ đưa lên để Cô nuôi dạy thay Mẹ chúng". Cụ tôi bằng lòng cho tôi làm mẹ nuôi chúng nó.

Một năm qua, tôi thương các con côi như con mình, mấy đứa nhỏ rất dễ dạy. Cuối năm ấy, nghe tin gia đình bên họ Cao vào Huế có các Cụ anh chị của ông ấy lên gặp Cụ tôi và trình bày sao đó. Cụ tôi cho gọi tôi lên và dạy rằng: "Con đã thương chúng nó thì phải thương đến cùng. Nay các Cụ bên họ Cao vào xin lễ cưới con để dù 1 ngày con làm mẹ chính thức của chúng nó. Con nên suy nghĩ, hy sinh, cụ cố họ Cao là thầy học của Thầy đó, không nên để họ phải băn khoăn, mang tiếng là nhờ vả nhà ta nuôi con cháu họ". Tôi suy nghĩ 3 ngày rồi xin nhận lời. Nguyên nhân khi nghe vậy, tôi bèn xuống nhà, gọi chúng nó cho chúng biết là chúng sắp phải rời tôi để về ở với các O, các Bác...Chúng nó khóc quá và nói "không đi đâu hết, chúng con ở với Cô trọn mãi, nhất là Cao Xuân Lữ, là anh lớn nhất được 10 tuổi, rủ các em ra lạy Cô và khóc sướt mướt.

Tôi cũng khóc và nói: "Cậu các con sắp có vợ rồi, các con phải về nhà, không ở đây với Cô được nữa. chúng nó khóc ré lên. Cụ tôi nghe, cho gọi chúng, dỗ dành chúng (3 trai, 2gái, út được 3 tuổi, lớn là 10 tuổi). Ông ngoại sẽ cho Cô về làm Mẹ các con, thôi đừng khóc nữa. Chúng nó liền vỗ tay, reo cười, làm tôi cũng trào nước mắt.

Riêng tôi, tôi cũng thấy trước được rằng, Cha chúng nó cũng sẽ không sống lâu được. Chúng nó sẽ khổ gấp bội nếu tôi không nuôi dạy thay cha mẹ nó, thì ai là người thương chúng nó? Chú, bác, cô, gì của chúng cũng đông nhưng ai nấy đều có con cái, gia đình họ.

Nghĩ vậy, tôi cũng đồng ý cho họ Cao đi hỏi và cưới với điều kiện tôi sẽ ở nhà tôi với các con vì còn bổn phận đối với Thầy, Mẹ và Chị tôi nữa. Mẹ tôi rất buồn, nhưng đã hứa rồi, nên đành vậy. Các anh chị tôi đều rất bất bình, song không ai dám cãi lời ông Cụ. Cũng vì vậy mà đám cưới tôi thành một đám tang. Ngày chú rể lên lạy 2 Cụ, cả nhà hai họ đều khóc. Khi các con ra lạy ông bà ngoại và cha mẹ họ hàng đều khóc như là đám ma. Do đó, tôi làm mấy câu thơ kỷ niệm!

Đám cưới
Đám cưới hay là một đám tang?
Cả nhà, lớn, nhỏ, thảy đều than
Chồng chung, bệnh hoạn tình phai lạt
Vợ kế, kề vai gánh đoạn tràng
Kẻ nói là ngu, người nói dại
Người cho là dở, kẻ cho gan!
Biết chăng chỉ có người trong cuộc
Gạy mái thuyền từ phải quyết sang.

Qua 11 tháng sau, tôi vừa nằm chỗ được 3 tuần, có tin lên báo tôi biết là cậu chúng nó đã yếu lắm rồi.

Tôi về nhà, đem ông lên nhà thương thì đã muộn quá. Chính người bệnh cũng không muốn sống vì sợ bệnh lây sang vợ con. Đưa về nhà, ông vui vẻ bảo với các anh chị ông: "Bao giờ bà ấy trả các con, thì các Anh, các Chị hãy nhận nuôi chúng nó. Mà tôi chắc chắn là Mợ nó không trả chúng nó đâu, bà ấy muốn nuôi con mồ côi nên mới về nhà ta vậy đó!"

Tôi xin miếng đất ở lưng núi Ngụ Bình để chôn cất. Khi lễ tang đã xong, các bà đầm bạn bè trong hội Lạc Thiện đi đưa đám hỏi tôi: “Bây giờ bà tính sao đây?. Tôi đáp: “Việc mà phụ nữ châu Âu cho là nan giải,là khó, thì phụ nữ Á Đông chúng tôi đều nghĩ đến đạo lý, đến tình nghĩa cho nên cũng sẽ vững vàng trong chịu đựng vì vậy việc nuôi dạy chúng nó từ nay mồ côi cả cha lẫn mẹ là đạo nghĩa". Các bà ấy tiếp lời: "Chúng tôi nói khó là ở chỗ bà còn trẻ quá, mới có 25 tuổi, lại đẹp vậy nữa mà sẽ phải hy sinh trọn đời hay sao? Tôi chỉ im lặng, cho các con ra vái tạ ơn và nói sang chuyện khác.

Chôn cất xong, tôi xây mộ cho ông. Khi ngồi coi thợ xây, các con đều quây quần xung quanh tôi. Bỗng, một con chim én lượn vòng tìm tổ, tôi bỗng nảy mấy vần thơ kỷ niệm việc xây mộ như sau và cũng nhờ bài thơ này truyền tụng mà tôi được các Thiền sư lưu ý rồi tìm gặp tôi, dẫn dắt tôi vào con đường đạo, đến nay đã quá nửa đời người mà vẫn còn nhớ mãi.

Đắp mộ
Đắp điếm cho nhau thí gọi là
Hẵn người thanh khí thấu cho ta
Bơ vơ trên núi chim tìm tổ
Quanh quẩn bên mình trẻ gọi cha
Cây cỏ như cười người bạc mệnh
Nan sông nào phụ khách tài hoa
Ví cho thử nắm quyền ông "Tạo"
Thì bể trầm luân lấp phẳng qua.

Thế là cuộc đời đã trôi qua 20 năm trời, tôi bước vào đạo Phật với một tấm lòng không thay đổi, không e ngại. Nhờ học Phật mà thấy rõ cuộc đời giả tạm và tôi đã chọn đúng đường đi, lối sóng vô ngã là lối sống thanh cao. Con người Việt nam mình hơn loài vật ở chỗ biết chọn lối sống vô ngã, vị tha, một tình thương không ích kỷ mà ông cha ta xưa nay đã trải qua 20 thế kỷ đã chọn làm kim chỉ nam cho cuộc sống dân tộc Việt Nam. Do đó tính bất khuất của dân ta mỗi ngày thêm nuôi lớn cũng nhờ ý chí ấy.

*
* *

Một nhân duyên mới

Khi tang lễ xong, tôi xin đem thờ Cậu các cháu tại chùa Tường Vân nam do chị gái lớn tôi lúc ấy về Huế vì anh rể tôi đổi về làm Phủ doãn Huế, khuyên nên xin ký tự tại chùa.

Sắp đến 49 ngày, Hòa Thượng Tường Vân cho gọi tôi và dạy rằng: "Bà nên lên xin Hòa Thượng Trúc Lâm để thờ ông Tham trên ấy luôn, vì trên ấy có bàn thờ họ Hồ Đắc xưa lắm rồi".

Tôi vâng lời, lên bạch xin Hòa thượng và xin được phép thờ họ Cao Xuân ở Chùa. Sau đó tôi mới rõ rằng các Ngài đã bàn cùng nhau trước và quyết tâm "độ” cho tôi được học Phật vì biết tôi có sẵn mầm giống, sợ rằng để tôi đi lạc về thế pháp thì uổng. Chùa Trúc Lâm là chùa của Cô ruột tôi thành lập sau khi Cô vào thọ giới tại đàn chùa Phước Lâm tỉnh Quảng Nam vào năm 1911, gọi tên Đàn Vĩnh gia.

Tôi nhớ lại năm ấy, Cô tôi vào Quảng Nam ở lại 1 tháng với gia đình ông Cụ tôi, ngày nào cũng khóc và xin cho được khai Đàn. Cụ tôi nói: sợ đông đảo người tới dự sẽ gây tai biến tại bản tỉnh thì nguy. Cô tôi phải nhờ Mẹ tôi xin mãi, buộc lòng ông Cụ tôi phải bố trí cho khai Đàn và may không xảy biến cố nào.

Năm ấy Cô tôi và các bà Sa di ni như Cô Tôn ở chùa Thiên Hưng là bạn với Mẹ tôi cùng nhiều bà ở trên Tỉnh đều có mặt. Mẹ tôi làm cơm chay cúng dường các Bà, tôi cũng được ăn hầu và rất thích đi chùa theo các Bà.

Khi thọ giới xong, các Bà đều ra Huế, tôi rất muốn đi theo Cô, song không được phép của Cụ tôi, đành thôi.

Đến nay, tôi lên lại chùa Trúc Lâm mà Cô tôi không còn nữa để gần gũi. Cô đã cúng chùa cho Hòa Thượng Giác tiên làm trụ trì khai sơn và sau này Hòa Thượng là bổn sư thập giới của tôi.

Lại nói khi Thầy đã cúng lễ 49 ngày cho Cậu các cháu xong, Hòa Thượng gọi tôi cho uống nước và hỏi: "Bây giờ Bà làm gì?" Tôi bạch là vẫn tiếp tục công việc từ thiện, hộ nữ công v.v..." Ngài dạy: "Làm việc ngành ngọn mà quên cội gốc, ví như cây lá sum suê mà gốc cây mục nát, trước sau gì cũng sẽ thất bại".

Tôi hỏi: "Vậy cội gốc là gì?" Ngài đáp: Là cái tâm người không lo trau dồi mà chỉ lo các việc làm, khác gì ngành lá sum suê mà gốc mục nát sẽ đổ tất cả".

Ngồi suy nghĩ một hồi, tôi xin phép về, Ngài còn dạy thêm: "Bà hãy về suy nghĩ kỹ kẻo sau ăn năn”. Tôi vâng dạ ra về, suy nghĩ mãi mà sau 1 tháng mới lên hầu Thầy. Ngài hỏi: "Bà suy nghĩ chín chưa? rồi nói tiếp: Vua Minh Trị vì biết dạy dân về đạo đức nên dân mạnh và nước giàu. Đời Lý, Trần, nước ta cũng nhờ Đạo đức mà 200 năm người Tàu không dám xâm lược. Vua Trần Nhân Tôn một nhà Cách mạng mà cũng là Đại Thiền Sư, tôi đã re núi Yên tử, đã được đọc lịch sử ấy;

Tình hình nước ta bị đô hộ, họ muốn dân ta quên gốc và biến dân ta thành nô lệ. Những người ái quốc nổi lên chống trả đều bị giết . Nếu Bà có tâm, nên lặng lẽ học Phật, tu tâm và dạy người. Có như vậy, và nhiều người như vậy mới mong thế hệ sau lo cho nền độc lập nước nhà"

Nghe một hồi, tôi như người mê chợt tỉnh, không ngờ trong chốn thiền môn mà có những tâm hồn cao đẹp, nhìn xa, thấy rộng. Tôi nghĩ, ở chùa chỉ gõ mõ, tụng kinh ai ngờ có người hiểu xa, sâu sắc vậy.

Tôi hỏi: "Thầy dạy con phải làm gì?". Ngài dạy: "Trước phải lo cho hiểu đạo, rồi phải tu mới làm nên sự nghiệp".

Tôi về từ biệt các anh chị em và cụ Đạm Phương, Cụ hỏi vì sao?. Tôi nói: từ nay, tôi chỉ muốn được học kinh Phật và tôi chỉ còn giữ chức thư ký cho hội Lạc Thiện. Đến 10 năm sau, lập xong các chi hội Phật học tôi mới nghỉ. Tôi về đem thằng con nhỏ(6) giao cho Bà chị ruột, khi ấy con bà là Bửu Hội đã đi Pháp học nên bà đã vui nhận. Cháu gái đầu đã về ở cùng 2 Bác ruột. Còn 5 cháu nhỏ, tôi gởi nội trú ở 2 trường nam, nữ Quốc học và Đồng Khánh, chỉ ngày chủ nhật nghỉ học mới về.

Giai đoạn ấy, gặp lúc bà chị ruột tôi ở trong nội đã hết tang vua, nên đã xin ra Chùa ở Châu Ê, hiệu là Khải ân tự. Tôi được lên ở với Bà, ngày ngày về chùa Trúc Lâm theo lớp học tại đó, chiều lại lên chùa với Bà. Như vậy được 3 năm yên tĩnh. Sau đây có mấy bài kỷ niệm ngày lên chùa.

Giao cao
Xin chị vì em nuôi lấy con
Để em lên núi mới vuông tròn
Tình nhà, tình đạo, tình dân tộc
Hiến trọn đời tình cho nước non.
Lên chùa
Phong cảnh Châu ê khéo lạ lùng
Nhìn trời, nhìn núi lại nhìn sông
Lên đây dưa muối phai mùi tục
Mõ sớm, chuông khuya sưởi ấm lòng

Năm 1932, tôi thảo thơ xin lập hội Phật học. Ông Cụ tôi và cụ Thân thần đều hết sức ủng hộ, nhưng cụ Nguyễn Hữu Bài lúc ấy làm đầu triều vẫn không cho phép.

Một hôm, Thầy tôi sau khi khai trường học ở Trúc Lâm, có mời Hòa Thượng Tập Tháp ở Bình Định ra dạy Ngài bạch rõ cùng Hòa Thượng Thập Tháp về việc trở ngại thành lập hội. Hòa thượng có ý kiến giúp đỡ của Thánh Cung Hoàng Thái Hậu. Thầy Trúc Lâm bảo tôi nghỉ học vào Nội hầu và đọc bản điều lệ lập hội cho Ngài Thái hậu nghe.

Trong bản điều lệ xin phép, đoạn đầu có nói từ vua Gia Long rồi kế đến Minh Mạng, Thiệu trị đều lập Chùa ủng hộ Phật Giáo. Nhân đó tôi đã trình bày việc cản trở Phật giáo, người Pháp muốn đem đạo chúa hóa đổ dần dần người dân sẽ quên người sáng lập mà chỉ biết đến "mẫu quốc Pháp".

Ngài Thánh Cung giận quá hỏi chuyện. Tôi tâu là sẵn có bản điều lệ mà cụ Nguyễn Hữu Bài đã xếp lại cả năm nay. Vậy xin Ngài gửi thẳng cho vua Bảo Đại ký gởi về cho mới duy trì đạo Phật trong dân chúng được.

Ngài suy nghĩ, và ngày mai cho ra mời Ngài Tịnh Khiết ở chùa Tường Vân. Tôi đã thưa trước nên Hòa thượng cũng nói như vậy. Ngài đồng ý viết thư kèm theo bản điều lệ gởi cho vua Bảo Đại. Một tháng sau tôi vào, thì Ngài nói: "Ông Bài đã vào cư nự nói là Ngài nghe con nít!" Tôi đã la cho và nói: "Sao ông binh vực đạo của người Pháp mà lại bỏ đạo của Việt Nam từ ngàn đời? Vậy là Ông không nghĩ các vua Chúa nhà Nguyễn ra sức lập chùa, mà Ông muốn phá sao? Ông lui và vì giận ông ta nói: "Các chùa nên thận trọng đó"

Tôi đem tin vui về, các ông Lê Đình Thám và tất cả Hội viên đều rất mừng lo sửa soạn lập hội ở Huế và các chi nhánh các tỉnh miền Trung.

Hòa thượng Giác Tiên lại dạy: "Lúc này Bà phải hoạt động cho Đạo để báo ơn Tổ. Ông Lê Đ.Thám vì bận công tác bên ngành y phải lo ở Huế. Bà rảnh rang hơn phải đi các Tỉnh mà phát triển thành lập hội. Các giảng sư sẽ vào giảng mỗi khi các nơi lập hội xong".

Vâng lời Thầy, tôi về chuẩn bị điều lệ Hội. Đi đến tỉnh nào, tôi đều lấy tư cách là hội viên Lạc Thiện đến thăm các bà Sứ, các Cụ, các quan, các bà quan. Tiền của Hội thì mua toàn quần áo đem đi cho người nghèo, trẻ nhỏ. Trước cho các con chiên ở các nhà thờ, sau nhà các bà quan đem ủng hộ cho dân Phật giáo. Tôi đưa các điều lệ cho Thầy trụ trì và xin mời các nhà trí thức Phật tử đến ăn bữa cơm chay, nói chuyện.

Chỉ 2 năm sau, từ Thanh Hóa đến Phan Thiết, khắp cả Trung phần đều thành lập các Tỉnh hội và chi hội, có đủ các giảng sư đi giảng kinh. Phong trào Phật giáo cũng lôi cuốn người yêu nước. Báo Từ Bi âm ở trong Nam, báo Đuốc Tuệ ở ngoài Bắc, báo Viên âm ở Huế, tiếp sau đó là báo "Tiếng chuông sớm", báo Từ Quang, báo "Liên Hoa" ra sau khi tờ Viên âm đình bản vị cụ Lê Đình Thám đi ra Bắc 1945.

Ở các miền, phong trào Phật giáo đều sôi nổi nhất là ở các trường Phật học, ở Huế có 1 trường Đại học ở Tây Thiên, 1 trường Tiểu học ban đầu ở Trúc Lâm sau dời ra chùa Bảo quốc, 1 trường sư nữ ban đầu lập ở chùa Từ Đàm, sau nơi đó lấy làm Hội quán nên trường của các sư nữ dời vào chùa Diệu Đức.

Phong trào Phật giáo làm bình phong cho phong trào cách mạng. Các bác Hội viên, các thanh niên như Võ Đình Cường, Đinh Văn Nam, Đinh Văn Vinh, nữ có các chị Hoàng Kim Cúc, Bích Thủy, Bích Chi đều đi học Phật và xây dựng các gia đinh Phật tử. Toàn quốc có 3.000 đơn vị. Các nhà lãnh đạo Phật giáo vẫn biết có số cán bộ cách mạng gia nhập để hoạt động nhưng cũng lơ cho họ làm phận sự yêu nước.

Đề mục các bài giảng chỉ giới hạn 3 mục tiêu: Mến Đạo, Giúp người, lòng liêm sỉ. Trong mục liêm sỉ, cố gieo tinh thần bất khuất mà bọn mật thám cùng khó kiểm duyệt rõ ràng. Các vị giảng sư cũng nhiệt tình nữa.

Năm 1942, phong trào đã chín muồi, nên các nhà cách mạng đi đâu, về đâu đều yên ổn, được sự bảo đảm của nhân dân yêu nước.

Ngày Bảo Đại thoái vị cũng có sự tham gia của Phật giáo ở nội cung mà cụ Phan Khắc Hòa đâu có biết. Cũng nhờ vậy mà Bảo Đại khi thối lui cách ôn hòa nên cũng khỏi đổ máu dân chúng, nhưng cũng làm cho bà Nam Phương hoàng hậu gần bổ nga, vì kế hoạch của người Nhật do không thành công.

Khi người Pháp đưa Nam Phương về làm hoàng hậu đều có mục đích chính trị, nhưng liền bị sự phản ứng ở nội cung, đứng đầu là đức Thánh cung nên cũng xảy sự bất hòa giữa mẹ con, bà cháu. Các Hòa Thượng bảo tôi vào nội khuyên ngài Từ cung nên học Phật, nên chìu con để Bảo Đại khỏi bỏ đạo Phật. Vì vậy khi Từ cung đã đốc lòng theo Phật thì rất sợ sự sát sinh nên mới không có việc đổ máu kể trên, mặc dù bà Nam Phương thúc vua theo Nhật chống lại Việt minh.

Khi Pháp trở lại cai trị, Phật giáo bị điêu đứng muôn phần. Một cuộc lùng bắt tình nghi ? đã theo Việt minh. Hòa thượng Đôn Hậu bị cầm tù và sắp bị tử hình. Hòa thượng Mật Hiển phải giữ quyển kinh Kim Cang, không rời chùa, sau đó ra đồn xin giấy mời các Hòa Thượng về Huế, và tin thầy Mật Thể đã đi khỏi.

Khi cho người giả bán bánh kẹo đi tìm ở các đồn Tây, mới được giấy thầy báo tin cho biết ngày mai HT Đôn Hậu sẽ bị xử tử. Tôi đưa thầy Mật Hiển xem, chỉ khóc. Tôi xin đi cứu. Thầy hỏi: “Bà đi với ai? Tôi đáp: “Nếu tôi có chết sẽ có Cô Ba Nghêu đem xác tôi về, chứ không thể ngồi yên vậy được”.

Tôi và cô Ba xuống sở mật thám Pháp. Cô Ba ở ngoài, còn tôi có 2 người lính bồng súng đi kèm vào phòng trong. Mật thám Pháp hỏi: Bà đi đâu? Tôi nói: Đến để đưa 1 tin quan trọng, rồi trình bày tình hình Ngài Đôn Hậu. Ông mật thám ấy lấy ngay 1 cái ảnh có thầy Mật Thể và thầy Đôn Hậu, nó chửi Phật giáo một hồi. Tôi lúc ấy giận quá, mắng lại nó là người thô lỗ đối với phụ nữ. Thấy tôi trả lời bằng tiếng Pháp giỏi, nó bèn quay sang hỏi lại lịch tôi. Khi đã biết tôi là ai rồi, nó đấu dịu mời tôi ngồi xuống và hỏi: Vậy giờ đây bà muốn gì? Tôi nói: "Các ông đã lầm, ông này là thầy của thầy Mật Thể. Ông mà làm sai, lổi lầm trong việc này thì Phật tử họ sẽ thù ông vạn đợi. Nó lại hỏi: “Vậy ông Đôn Hậu hiện nay bị giam ở đâu? Tôi cho biết chỗ giam Thầy và yêu cầu họ để cho ông được về lao Thừa phủ để xét lại kẻo sẽ giết oan một ông Thầy tu chức lớn ấy. Tôi ngồi đó và được nghe ở đầu dây máy nói là họ sẽ cho Thầy về chùa Tây Thiên lấy áo quần vào hồi 9 giờ sáng hôm sau và sẽ đem giam tại lao Thừa phủ.

Mừng quá, tôi cám ơn lão rồi đi ra. Về đến chỗ cô Ba vừa đúng 12 giờ trưa, gặp thầy Mật Hiển. Chúng tôi cùng ăn bữa cơm rau thật ngon lành, vì cả ngày hôm qua nhịn, mà quên cả đói.

Sáng hôm sau, chúng tôi qua Tây thiên thấy 2 người lính đưa thầy Đôn Hậu về mà chúng tôi nhìn không ra mặt của Thầy nữa. Mặt mày tím bầm, nói không ra tiếng, và rất yếu. Lấy áo quần xong, được ăn bữa cơm ở chùa rồi họ lại đem về giam ở lao Thừa phủ.

Tôi hỏi thăm và được biết quan Phủ doãn sở tại là ông Nguyễn Khoa Toàn. Mừng quá, tôi viết mấy chữ bỏ vào hộp Kalmine gián lại rồi nói của bà vợ ông ở Vỹ Dạ gửi lên cho ông. Trong thơ, chủ yếu tôi chỉ xin cho Thầy Đôn Hậu được qua nhà thương, được chữa bệnh và để xét lại.

3 ngày sau, Thầy được đưa qua bệnh viện. Tôi lại viết thơ nhờ ông Tráng đinh đem về cho bà Từ cung, cố gắng nhờ bà Nam Phương bảo đảm cho là vị vô tội, bị bắt oan. Một tháng sau, trị lành các bịnh, mới trở về chùa Linh mụ.

Lại nói từ khi Pháp quay lại, Phật giáo bị nhiều cảnh quá khổ đau. Một hôm có người Pháp dẫn lính vào chùa Hồng Ân bảo tôi là phải tin cho chúng nó biết ngay khi có Việt minh về. Nếu không báo ngay thì chúng kết tội đồng lõa với giặc. Tôi nghĩ mãi về việc này. Chốn này anh em hay về để tiếp tế, giao liên, thật khó nghĩ. Một hôm có quân lính của chúng đi tập. Tôi vội cho báo chúng hay. Chúng quân vào hỏi, tôi chỉ họ đương ở ngã vào chùa Thuyền Tôn. Vào đến nơi, thì ra toàn là lính của Pháp đang tập bắn. chúng lại kéo ra Hồng ân, chửi bới om sòm, tôi nhẹ nhàng xin lỗi vì không rõ ràng là ai, chỉ biết họ tập bắn thì báo.

Cũng từ đó về sau, bọn Pháp không sai khiến và vào quấy nhiểu nữa nhưng mật thám người Việt của bọn tay sai lại để ý, gọi tôi về sở mật thám hỏi han lôi thôi lắm. May có Ngài Từ cung đở cho, mà cho chúng đến hỏi tôi ở An định cung. Ông Võ Như Nguyện nói: "Sư Bà tiếp tế cho bọn cộng sản phải không? Tôi trả lời: "Cộng sản là ai, họ có dấu hiệu gì? Nhà chùa chúng tôi chỉ có giúp đỡ những ai nghèo khổ, đói, đau mà biết ai là cộng sản". Tôi quay về phía bà Từ cung và thưa: "Người Phật tử thấy người Việt Nam, đói, rét, đau khổ có nên giúp đỡ không? Ngài nói: "Nên chứ, chỉ trừ cộng sản” Tôi lại thưa, khi đói khổ, họ đến xin đâu có nói họ là ai, chỉ biết họ đến xin thì mình giúp. Nói qua lại một hồi, Bà Từ cung bảo: "Thôi, ông Nguyện cho bà lên, để mai còn đi nghe kinh".

Lúc bấy giờ, đa số các chùa ở núi như: Thiền tôn, Trúc lâm,Trà am, Hồng ân, Diệu viên, Khải ân, Từ Hiếu, đều bị chung số phận như nhau, nghĩa là bị tình nghi tiếp tế cho Việt cộng cả. Mà cũng không oan, vì mỗi khi thấy họ về thiếu thốn, nhất là họ cho biết quân đói đã mấy ngày mà không cơm thì ai mà không xót ruột, đau lòng!

Thật trong giai đoạn đó, vùng tạm bị chiếm phải chịu nhiều nỗi đắng cay kể sao xiết, vậy mà còn bị người vu cáo, Việt cọng thì cho là theo Mỹ, theo Pháp, Việt Nam thì cho là theo Việt cộng, người dân bị lưỡng đầu thọ khổ.

Các chùa là nơi ẩn trú của các nhà cách mạng: từ vụ án Đoàn Trưng, Đoàn Trực đã bị Pháp bắt bớ, nhất là ở Huế nơi phát xuất các vụ biểu tình nên hồi đó có câu ca dao:

Sông Hương nước lặng như tờ
Đến ngày nước đổ, ai ngờ tràn lan
Người Huế là người lặng yên
Vậy mà làm dậy 2 miền Bắc Nam.

Tập III

Từ năm 1955 đến 1975.
Cuộc đấu tranh để duy trì và phát triển
Phật giáo ở miền Nam

Trong lúc liên lạc, tôi được bài thơ của cụ Đạm Phương gởi tặng chùa Diệu đức lạc thành năm 1936 đến năm 1947 tôi mới nhận được.

Tặng Bà Diệu Không thọ giới

Khoác áo nhu hòa thiệt khỏe không
Hiếu tình 2 chữ trả đều xong
Thờ thân, nuôi trẻ hai triêng nặng
Mến đạo, thương đời, một điểm trong(7)
Công quả đã tròn nền Diệu đức
Phẩm tài chị kém bạn Phương Dung(8)
Nên cao đuốc tuệ cho bồ liễu
Như mảnh trăng tròn giữa biển đông.

Đạm Phương nữ sĩ
Chùa Hồng ân 1950

Sau khi đã làm xong nhà hậu tại chùa Diệu Đức, tôi bị tình nghi là có liên lạc với cách mạng vì thư từ ngoài Bắc gửi về quá nhiều. Nguyên do khi 2 vợ chồng cụ Ưng Úy được đưa ra Bắc thì bạn bè, chị em ngoài ấy viết thư rất nhiều mời tôi ra hiệp tác. Tôi bị kêu lên kêu xuống hoài để hỏi. Trong chùa quá sợ, tôi phải xin lên ở đỡ tại chùa Trúc lâm và để làm ngôi chùa Hồng Ân. Họ hỏi: Vì sao mà bà nhận được nhiều thư từ ngoài ấy mãi hoài như vậy? Tôi đáp: "Vì gia đình anh chị em đều ở ngoài ấy, bạn bè của tôi cũng ở ngoài ấy nên vậy đó. Nhưng chủ yếu các vị có bắt được thư trả lời của tôi không? Nếu có bắt được thư từ trao đổi thì mới làm dễ, còn nếu họ kêu gọi mà tôi không đi là quý, sao các ông còn làm rắc rối tôi? Nếu quý vị mà bức tôi, có lẽ tôi theo họ cho rồi!" Cũng từ đó về sau, tôi mới được yên ổn chút ít: Cũng do vậy mà tôi không dám trả lời công khai mà chỉ có 1 bài thơ gửi báo "Giải phóng" dưới nhan đề là người vô danh miền Nam

Xin chép bài thơ trên:

Gửi chị em phụ nữ
Cũng muốn cùng nhau vẹn chữ đòng
Nhưng vì ý chí cách Tây-Đông
Bước đường hoạt động đành hai ngã
Khung khổ Từ bi đóng bịt bùng
Lấp bể, khuyên ai tròn nguyện ước
Vá trời, lắm kẻ đứng ngồi trông
Noi gương Trưng Triệu mà đi tới
Sau trước sao cho rạng má hồng.
Vô danh thị


Tiếp đó, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về. Lúc ban đầu còn nhẹ, sau quá tệ đối với Phật giáo, tiếp đó đến cuộc đổ máu tại đài phát thanh. Anh chị em sinh viên biểu tình bị bắt bớ, giam tù. Cuộc vận động "5 nguyện vọng Phật giáo" bùng nổ.

Một hôm, tôi được mời về Từ Đàm họp. Thượng tọa Trí Quang nói: Miền Nam im lìm vậy, làm sao có đông Tăng Ni hưởng hứng? T.T Thiện Minh: “Phải có người hy sinh mới xong”. Tôi hỏi: “Hy sinh đây là chết phải không? T.T Trí Quang đáp là “phải”, “Vậy tôi xin đứng đầu đội cảm tử cho”. Hòa Thượng Thiền Tôn hỏi: H.T Mật Hiển đại diện cho Trúc Lâm có cho phép không? H.T Mật Hiển: "Vị Pháp(9) hy sinh ai lại dám cản" Thế là một bức thư viết cho miền Nam và 1 tờ phát nguyện được ký tên vào.

Chiều hôm đó, bà Diệu Huệ tức là bà Ưng Úy cũng xin hy sinh đi với tôi vào Nam do T.T Thiện Minh dẫn đầu vào Nam vận động Phật giáo

Ba chúng tôi lên máy bay. Đi đưa có 2 T.T Mật Hiển, Mật Nguyện không khóc mà rơi lụy. Vào sài Gòn, chúng tôi đến Ấn Quang chào các Ngài xong về ở tại Từ Nghiêm. Chiều lại chùa Ấn Quang cho họp toàn ni bộ đến đó hội họp. Sau sự trình bày, T.T Thiện Minh đọc các tờ phát nguyện, các Tăng Ni đều khóc. Hòa Thượng Thiện Hoa nói: "Chúng tôi xin tán thán lòng vị pháp vong thân của 2 Bà, là một dương sáng cho Phật giáo, nhưng phải để bàn bạc lại đã".

Chúng tôi về Từ Nghiêm nghỉ 2 ngày. Qua ngày sau có cuộc tuyệt thực ở 2 chùa Ấn Quang và Xá Lợi. Trong 24 tiếng. Cuộc tuyệt thực này có 300 ny sư và 250 Tăng hưởng ứng 1 ngày 1 đêm tụng kinh liên tiếp không ngủ. Riêng tôi chuyện tụng bộ Thủy sám để chờ đợi cái chết sắp tới.

Không ngờ khi chư Tăng về đến Ấn Quang, thì hòa thượng Thiện Hoa cho gọi tôi và dạy rằng: "Bà không được chết, đã có ngài Quảng Đức đảm nhiệm”. Tôi bạch: “hiện Ngài ở đâu? Khi lên phòng trên, tôi thấy Ngài đắp y đang đi xuống. Tôi theo hầu phía sau và xin cho con được như nguyện. Ngài dạy: “Chư Tăng đã định rồi, không cải lại được. Tôi thưa lần nữa, Ngài quở và dạy: "Ny phải y Tăng, sao con lại cãi lời? Và dạy tiếp: "để Thầy thực hiện trước, khỏi nhục thể cho Tăng già, chư Tăng đã định con phải sống để phụng sự Đạo. Con nên rõ 5 phút tự thiêu tuy khó mà dể, còn duy trì Phật giáo tương lai ngàn năm mới là khó làm. Con nên ráng sống cho Đạo, còn Thầy năm nay đã 72 tuổi rồi, hy sinh là phải hơn"

Nói xong, thấy tôi khóc, Thầy bảo vào lạy Phật và cho con xuống để Thầy còn tụng kinh. Tôi lạy Phật xong, cúi lạy Thầy 3 lạy và đi về.

Tôi không quên các lời dạy ấy, mỗi khi bối rối, mệt mỏi, tôi lại nhớ lời Ngài dặn và bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến.

Lại nói đến sau cuộc tuyệt thực trên, một hôm có 1 Thầy đến bảo có 4 xe để đoán 200 vị đi đám chay. Riêng tôi, Thầy cho biết là xe đến trước Quốc hội, xe sẽ ngừng lại và sẽ có các vị Tăng điều khiển. Đến trước Quốc hội rồi, quý Thầy ở đây đã bố trí cho ngồi xuống ở bãi cơ, một số khác đem "5 nguyện vọng" vào trong nhà Quốc hội, mãi đến chiều mới có xe đón về, mở màn tranh đấu ở miền Nam Việt Nam. Sau các cuộc tranh đấu vận động thành lập 2 ủy ban:

1 ban Phật giáo, 1 ban chính phủ, nghiên cứu mấy tháng trời mà không giải quyết, và cuối cùng có cuộc tự thiêu của Thầy Quảng Đức làm chấn động cả thế giới. Khi ra Hà Nội 1978, tôi có đi thăm tượng Ngài, do Hồ Chủ Tịch cho dựng lên để kye niệm Ngài.

Cuộc vận động nêu rõ tình thần bất khuất dưới sự áp bức của ngoại quốc và ngoại giáo, tiếp theo có nhiều Tăng, Ny đã hy sinh có đến 15 người và nhiều số người cảm tử ghi tên nữa.

Việc này đã có "Phật giáo lịch sử tranh đấu" chép rõ, tôi chỉ ghi việc tôi đã tham gia.

Sai khi Liên hiệp quốc qua điều tra, họ đã phỏng vấn tôi 2 phen ở Từ Đàm và 1 lần ở Xá Lợi tự ở Sài Gòn.

Tại chùa Từ Đàm họ hỏi: Theo sự điều tra của chúng tôi thấy theo hồ sơ của ông Ngô Đình Diệm cho biết là trước khi ông làm Tổng Thống Phật giáo chỉ có 3 phần, nay tăng 8 lần, sao nói ông Diệm đàn áp Phật giáo?

Tôi đáp: “Vâng, có như vậy. Người Việt Nam đa số là Phật tử, tuy không thờ Phật tại nhà, nhưng khi có tang lễ, ngày kỵ giỗ, họ mới thỉnh Phật và mời Thầy về tụng kinh. Từ khi ông Ngô Đình Nhu lập ấp chiến lược ra lệnh cho dân "ai mà không có tôn giáo là theo cộng sản". Người dân sợ quá, họ lên các chùa xin tượng Phật về thờ. Chúng tôi đã cho ai hàng triệu triệu bức ảnh Phật mà vẫn không đủ cung cấp tín đồ Phật giáo để thờ.

Vậy vì vô tình, 2 anh em cụ Ngô đã cổ động toàn dân thờ Phật, vì họ rất sợ chính phủ ghép họ là Việt Cộng, hoặc bị bắt ép họ phải theo đạo Thiên chúa hoặc Tin lành v.v...Cũng lý do đó mà phong trào lập chùa, ăn chay, niệm Phật ngày càng gia tăng vì họ thấy đạo Phật là đạo của ông bà, cha mẹ họ đã từ hàng ngàn năm qua”. Phái đoàn L.H.Q cho là phải, đó là do sự phản ứng, là luật tự nhiên để giữ Đạo của họ.

Một lần ở chùa Xá Lợi họ hỏi tôi: các nhà lãnh đạo Phật giáo có phải là người công sản không?

Tôi đáp: “Theo giáo lý Phật giáo thì không theo Duy Vật cũng không theo Duy Tâm mà cũng không bỏ nó, khi tâm thắng vật là khi tinh thần lên cao, khi vật thắng tâm là khi bị xác thịt lôi kéo. Cũng như Ngài Quảng Đức ngồi yên lặng trong lửa là tâm thắng vật vậy".

Họ lại hỏi: hai thầy Trí Quang và Thiện Minh có phải là người nằm vùng của cộng sản không?

Tôi đáp: “hai Thầy này tôi biết họ từ lúc 9, 10 tuổi đã vào ở chùa và học đạo Phật cho tới nay nên theo tôi họ không thể là cộng sản được, còn lý thuyết cộng sản đâu có gì cao xa hơn Phật giáo mà họ theo?"

Một lần nữa khi họp báo ở chùa Xá Lợi có bà Mẹ của Bửu Hội ở đó. Vì Bà không nói được tiếng Pháp nên tôi đã trả lời thay.

Họ hỏi: ông Bửu Hội nói Phật giáo bắt buộc người tự thiêu để tranh đấu có phải vậy không?

Tôi đáp: - Chúng tôi tự nguyện có giấy hẳn hoi, chứ không ai bắt buộc

Hỏi: Vì sao các bà lại tự nguyện để tranh đấu?

Vì sống dưới chế độ bất công, thiên vị, nên chúng tôi muốn cúng dường thân này để kêu gọi lẽ phải của loài người trở lại với lương tri, đừng dùng thế lực mạnh mà đàn áp kẻ yếu.

Hỏi: Nếu ông Bửu Hội đứng về phe ông Diệm, các Bà nghĩ sao?

Đáp: Thì chúng tôi sẽ từ nó, không nhận nó là con, là cháu trong gia đình chúng tôi nữa vì gia đình chúng tôi đều là phật tử cả.

Liên hiệp quốc sau đó nhiều phen muốn gặp mà Qúi Ngài đều từ chối vì bận công việc.

Tôi còn nhớ một việc khi ông Diệm đã đổ rồi. Tôi nghe radio nói LHQ đã giúp dân Việt Nam hàng 10 tỷ bạc, trong lúc ấy người dân quá cực khổ. Lúc ấy Phật giáo không thể ngồi yên, xin viện trợ các nước. Họ hỏi: Vậy LHQ đã giúp cho vậy ai nhận? Tôi đương danh xã hội Phật giáo toàn quốc Việt Nam trả lời một bức thư là Phật giáo không nhận.

Bức thư ấy làm cho người Mỹ giận quá, nên họ yêu cầu gặp tôi. Được tin Sàigòn gọi tôi vào, họ đưa tôi lên 1 nhà cao 6 tầng và bảo tôi đợi 10 phút. Khi ấy có ông Trần Quang Thuận đi theo tôi.

Ông đại diện hỏi: Vì sao Bà nói là LHQ không giúp trong khi chúng tôi gửi hàng tỷ bạc qua quỹ nhà Băng (banque) Thiên Chúa giáo vì Phật Giáo không có nhà băng.

Tôi hỏi lại: Ông đại diện có công nhận 80% dân chúng là Phật tử, mà Thiên chúa giáo chỉ có 10%?

Đáp: Chúng tôi công nhận như vậy song hỏi thì họ nói Phật giáo không có người lo xã hội.

Tôi hỏi lại: Một đạo giáo có 80% dân mà không lo cứu tế họ thì họ có sống được đến nay không?

Họ hỏi: Cứu bằng cách nào?

Đáp: Bằng cách khuyên họ nên giúp đỡ nhau như: 1 chùa là một cơ quan cứu tế, khi có hoạn nạn vị Trụ trì kêu gọi các Phật tử góp tay giúp nhau trong cơn hoạn nạn. Mỗi tỉnh và cả nước đều như vậy cả.

Họ lại hỏi: Vậy mỗi tỉnh có ban xã hội không? Tôi đáp là "có".

Một cuộc họp Phật giáo toàn quốc về cứu tế xã hội. Họ cho mời riêng tôi đến và đề nghị sẽ giao việc cứu giúp dân Phật giáo mỗi năm 2 tỷ đôla.

Tôi góp ý nếu có ý cứu giúp dân Việt Nam Phật giáo thì nên giao cho chính phủ chứ đừng giao cho bên Thiên Chúa giáo nữa.

Pháp trước kia cũng như Mỹ ngày nay không mua được Phật giáo nên sau đó họ làm khó dễ chúng tôi nhiều hơn.

Mặc dù vậy mà các nước tự do khác cũng có giúp như nhóm ? Mỹ, các nước anh, Thụy Sĩ, thỉnh thoảng vẫn cho người qua gặp chúng tôi giúp đỡ và đã lập được nhiều ký nhi viện do các ni cô phụ trách và hơn 200 trường Bồ đề từ Tiểu, Trung học, 1 trường Đại học Vạn hạnh, 1 trường thanh niên phụng sự xã hội ở Sài Gòn.

Sau vụ Diệm-Nhu bị giết năm 1963, Phật giáo có cơ phụ hưng sau đó lại bị nạn Thiệu - Kỳ v.v... đàn áp 1966 lại có việc tự thiêu và thượng tọa Trí Quang tuyệt thực 100 ngày để phản đối. Nhân nhớ lại bài thơ "khóc Ngài Quảng Đức" xin ghi lại:

Thầy ơi! Con biết tính sao đây?
Lễ , lòng đau trước thánh thây
Lửa dây lưng trời, thân chẳng động
Dầu loang khắp đất, ý không lay
Tiêu diêu cõi Tịnh, Thầy theo Phật
Lận đận, trần lao con nhớ Thầy
Phật tử Việt Nam còn nhớ mãi
Nét son lịch sử vẫn không phai

*
* *

Nhớ lại cuộc đấu tranh mà rùng mình, nào là lưỡi lê, dùi cui đập lên đầu người. Các Tăng, Ny bị ngã gục, nhịn đói, tù tội vẫn hy sinh không nao núng tiến bước đi lên.

Tôi vẫn còn nhớ khi các cấp lãnh đạo ở chùa Từ Đàm Huế bị bắt, các vị ở chùa Xá Lợi Sài gòn bị đem giam, T.T Trí Quang được đại sứ Mỹ cho tá túc. Tinh thần Phật Tử sa sút. Chi còn mình tôi bị sót ở ngoài vì hôm ấy tôi bị đau không ra Từ Đàm được. Mấy ngày sau đó, tụi lính luôn đi lùng, tôi ngồi trì chú Đại bi ở trước bàn Phật của chùa Hồng Ân. Một số trong bọn chúng biết mặt tôi, thấy tôi ngồi nhắm mắt nói với nhau: "chính bà ấy đó!", nhưng có người khác lại nói: "anh ngu lắm, bà ấy đâu dám ngồi đó, phải đi tìm khắp các hang, các hố, chắc bà ta trốn đó"

Lúc bấy giờ, tôi chỉ có cách nhờ Phật che chở bằng lối trì chú Mật tôn, mà thật đã 5 ngày như vậy nó vẫn chưa bắt được tôi. Sau bọn chúng dọa các Cô trong chùa bảo tìm cho ra bà ấy, nếu không thì giam các Cô hết.

Tôi phải nói với chúng hãy về chùa Diệu Đức vào ngày mai lúc 9 giờ sáng sẽ gặp.

Hôm sau, khi 1 chiếc xe Jeep và 2 tên lính tới chùa, tôi bảo: "anh hãy đọc bản án bắt tôi vì tội gì, tôi mới đi, nếu không 2 anh đem súng đến dẫn tôi đi với 1 người nữa” Chúng nó về trình lại. Ông Ngô Đình Cẩn nói: "Bà ấy lôi thôi lắm, chắc lại muốn lấy bằng cớ gởi qua Liên hiệp quốc chứ gì! Và cho người ra hẹn tôi vào chùa Thiền Tôn gặp, ông sẽ ghé đó nói chuyện. Nhân có Hòa Thượng Thiền Tôn tôi nói: "Hành động của 2 ông bà Ngô Đình Nhu làm cho dân bất phục quá lắm rồi!" Ông Cẩn hứa xin thả hết Tăng, Ny còn cấp lãnh đạo đã đem vào Sàigòn hết rồi, trừ thầy Đôn Hậu còn nằm tại nhà thương.

Tôi phải cho các Cô cải trang đem thư đi các tỉnh cố giữ tình thần đấu tranh bền bỉ cho đến ngày Phật giáo thuần túy ra Huế, đem theo 2 T.T Mật Hiển và Mật Nguyên thì tình hình ở Huế mới bớt căng thẳng. Còn ở Sài gòn các Tăng, Ny vẫn bị giam: Hòa Thượng Tịnh Khiét và bà Diệu Huệ đưa về Ấn Quang vẫn bị giam lỏng kéo dài ngày cho đến ngày các tướng tá phản bội lại ông Diệm khi họ nghe bức thư của bà Diệu Huệ từ bỏ Bửu Hội. Cuộc đảo chánh đã chín muồi, nổ ra ngày 1-11-1963 và chấm dứt các cuộc tù đày, bắt bớ. Tất cả các Tăng Ny Phật giáo đều được thả ra, ai về chùa nấy.

Đầu năm 1964, Phật giáo nhóm lại thành 11 tập đoàn lập thành Phật giáo thống nhất, trụ sở chính tại chùa Ấn Quang.

Để duy trì sự học tập, Tăng Ny Phật tử lập 1 trường Đại học “Vạn Hạnh" và 1 trường "Thanh niên phụng sự xã hội", những người không đậu Tú tài được vào học.

Vạn Hạnh mở một khoa Phật học và 2 khoa Văn học và Sư phạm. Người nào đã được 4 khoa, sẽ được cấp học bổng đi nước ngoài học với bằng cử nhân sư phạm. Ngoại ngữ là khoa bắt buộc ở trường. Thuần túy Hán Văn và Pali văieät nam cũng được dạy đủ dùng để đọc sách.

Cho đến năm 1975, sinh viên Vạn hạnh đã lên đến 10.000. Cuộc đảo chánh ở Sài gòn cũng có sinh viên tham gia, thu súng của cảnh sát và thay vào đó là lá cờ giải phóng hoặc là Phật kỹ. đứng giữ trật tự thành phố. Với gần 10.000 lá cờ giải phóng may sẵn, nam nữ sinh viên đã cùng dân chúng cầm cờ Phật giáo đứng từ bên kia cầu xa lộ vào.

Một niềm vui chưa từng thấy khi nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Anh em giải phóng cũng như dân chúng reo cười khắp đường phố Sài gòn. Già trẻ, lớn bé đua nhau đi đón bộ đội. Chúng tôi tổ chức khao quân. “Vạn Hạnh" tổ chức thành 4 đoàn gồm các mẹ, chị em phụ nữ, thanh niên, các phụ lão mua 1/2 triệu đồng mua bánh kẹo, đồ trái chở trên 4 xe camion. Đi đầu có các biểu ngữ hoan nghênh quân giải phóng. Đi đến gần dinh Độc lập có người ra đón, khách chủ hàn huyên, khóc cười lẫn lộn, và xúc động tưởng niệm kẻ mất, người còn. Ba mươi năm đấu tranh ngừng, mới có ngày nay, là ngày độc lập thật sự của đất nước, nhân dân ta.

Cuối cùng, sau khi người Mỹ ra đi, đem theo tất cả tập đoàn của họ. Còn người yêu nước vẫn yên ổn chờ đợi chính quyền mới.

Nhớ lại năm 1969 lúc biến cố ở Huế sôi động, tôi đang ở Sàigòn để đi thăm các Phật tử bị giam cầm trong dịp Tết có đến 2.000 người.

Sài gòn lúc ấy còn rải rác thấy quân giải phóng, đến ngày mồng 5 ta thì biến mất, và xuất hiện quân của Thiệu - Kỳ đóng khắp Sài gòn. Nghe biến cố ở Huế, tôi đi tàu bay về Đà Nẵng, nhưng vẫn không ra Huế được. Đến 10 ngày sau có người vào cho biết Hòa Thượng Đôn Hậu đã ra đi và quân giải phóng đã lui. Chúng tôi thuê một chiếc sà lúp chở đồ cứu tế ra tại chùa Diệu Đế, thấy cầu Trường Tiền sụp đổ 1 vài rồi, phải đi đò qua sông để đi thăm các chùa ở núi.

Đến chùa Bảo Quốc, thấy cháy tan cả, lần lượt đi các chùa, chỗ nào cũng bị hư nát, chư Tăng, Ni đi trốn hết. Thật buồn khi trở về chùa Trúc Lâm, Hồng ân thấy cảnh thật điêu tàn, hố bom đạn loang lổ, lòng không khỏi xót xa!

Tình hình ở Sài gòn năm 1975 đã diễn ra hoàn toàn khác.

Tập IV
Từ năm 1975- 1985
Giải phóng quân vào Sàigòn

Trong khi dân chúng vui mừng đón tiếp thì ở Dinh Độc lập một biến sự xảy ra:

Nguyên ông Dương Văn Minh đề nghị để một nhà nhỏ ở vườn Tao đàn làm chỗ Hội nghị của 3 thành phần:

- Giải phóng miền Nam

- Giải phóng miền Bắc

- Chính quyền miền Nam

Để bàn buộc Mỹ quốc phải bồi thường chiến tranh theo hiệp nghị Geneve đã hứa đề nghị trong cuộc họp 1972.

Việc này không được chính quyền Hà Nội chấp nhận vì nghi cho ông Dương Văn Minh đại diện cho Phật giáo còn ưng bấm lấy chính quyền miền Nam. Tôi về thăm Hòa Thượng Trí Thủ mới biết thật là sự hiểu lầm cho Phật giáo thật tai hại, vì nếu Phật giáo có ý đồ tham gia chính trị thì khi chính quyền ông Diệm sụp đổ, ai không cho Phật giáo làm? Vậy mà Phật giáo vẫn rút lui vào hậu trường. Phật giáo chỉ muốn duy trì đạo đức mà không muốn tham gia chính trị. Nói xong: Hòa Thượng thở dài, tôi chào để xin về Huế trong lúc Vạn Hạnh làm thủ tục để giao trường Đại học và chỉ chở kinh sách Phật giáo lên. Võ Di Nguy là cơ quan mà Vạn hạnh định làm khóa Phật học do Hòa Thượng Minh Châu ở đó.

Sự lầm ấy đã đưa tai hại đến cho Phật giáo. 5 năm bị đàn ép nhất là ở thôn quê đến nổi có cuộc cả chùa áo vàng tự thiêu làm ? ra cả đến nước ngoài. Họ cho Phật giáo bị Cọng sản đàn ép.

Trong khi đó cấp lãnh đạo Phật giáo vẫn bình tĩnh xem sự hiểu lầm đó sẽ đi đến đâu. Cho đến 1980 mới kêu gọi Phật giáo đoàn kết và thảo Hiến chương xong. Và đến 1981 mới có cuộc nhóm họp tại Hà Nội. Có đến 187 đại biểu Phật giáo các ngành được sự đón tiếp nồng hậu của các cấp chánh quyền. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nêu lên công lao đóng góp của Phật giáo cho nền độc lập hiện thời, điều này đã nói rõ trong các bài diễn văn của chính quyền.

Hôm đó, tôi được cử phát biểu ý kiến trên đài phát thanh. Họ đưa tôi lên một căn phòng và bảo tôi nói vào trong máy thu phát.

Câu 1:

- Người phát thanh: “Vừa rồi đài phát thanh nước ngoài nói chính quyền bắt buộc các đại biểu ra Hà Nội làm việc cho chính quyền, có đúng vậy không?

- Tôi đáp: đời chính phủ Ngô Đình Diệm mà còn không bắt được chúng tôi theo họ từ khi họ đem súng đến dẫn vào nhà tù. Nay là chính quyền của dân sao có chuyện bắt buộc?

- Hỏi: Vậy sao các đại biểu ra đây họp?

- Đáp: vì đã 5 năm nay, Phật tử ở thôn quê quá khốn khổ khi hành đạo. Vì vậy cấp lãnh đạo buộc lòng phải thảo Hiến chương Phật giáo và xin ra yết kiến Thủ tướng về tự do tín ngưỡng trong dân chúng. Vì vậy, mới có cuộc họp này.

- Hỏi: Ra đây, chính quyền đối với quý vị thế nào?

- Đáp: Nếu không tốt, làm sao chúng tôi ra được đến ngoài này, được bố trí việc ăn ở cho số đông người, lại có xe đưa rước.

Câu 2:

- Phát ngôn viên hỏi: Phật giáo và mác xít có điểm nào giống nhau không?

- Đáp: Mác-xít nói “mình vì mọi người, mọi người vì mình", còn Phật giáo nói: "Phải vô ngã, lợi tha là điểm tương đồng trên lý thuyết, song người Phật tử còn phải giữ giới...

- Hỏi: Quý vị có hy vọng sẽ được duyệt y bản. Hiến chương Phật giáo không?

- Đáp: Vì là một nước xã hội chủ nghĩa, nên người dân có quyền đòi hỏi quyền lợi chính đáng ghi ở Hiến pháp Việt Nam.

Câu 3:

- Phát ngôn viên: Bà có muốn nhắn gì với Tăng, Ny Phật tử hải ngoại không?

- Đáp: Qua làn sóng điện Việt Nam tôi xin gửi đến quý vị Tăng, Ny và Phật tử ở khắp 5 châu lời thăm hỏi đầy tình cảm của người đồng dao. Xin quý vị dù đi đâu, ở đâu quý vị cũng nên nhớ Phật giáo có từ 2.000 năm trên đất nước ta, nên trong giòng máu người Việt Nam đều có giống của Phật, của ông bà nhiều đời để lại. Chúng ta có những vị như Trần Nhân Tôn đời Trần, đời Lý, Lê...?. Gần đây có như ngài Quảng Đức đã làm rạng danh cho Phật giáo cũng như đất nước. Nhật bản có bài báo đã tôn Phật giáo Việt Nam là anh cả trong miền Đông nam á. Vậy mong quý vị luôn nhớ làm rạng danh cho Phật giáo nước nhà.

Câu 4:

- Phát ngôn viên: Bà có muốn nói gì với đồng bào hải ngoại không phải Phật tử không?

- Đáp: có

Tôi xin gửi đến đồng bào các giới khắp trên địa cầu, lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Dù xa quê hương, quý vị luôn nhớ mình là người Việt Nam luôn nhớ nguồn gốc mà dạy dổ con cháu lấy hiếu để làm trọng, yêu nước, yêu đồng bào, biết đến tổ quốc quê hương và không quên nếp sống Việt Nam.

Câu 5:

- Phát ngôn viên: Bà có muốn nói gì nữa không?

- Đáp: Tôi xin kết thúc lời nhắn giử ở đây và rất mong đợi hòa bình thực sự sẽ đến với nhân loại, đừng vì thù hận mà giết nhau bằng nguyên tử. vậy trước hết, xin phải coi hòa bình ở nội tâm của mỗi người.

Cuộc trao đổi đã dứt, nghe dưới hội trường cất tiếng niệm Phật. Tôi ra về ở lại chùa Sư nữ Quang Hoa. Hôm sau tôi bị ốm, nên không theo phái đoàn lên dinh Thủ tướng để đưa kiến nghị được.

Có người di về cho biết cuộc tiếp xúc của Thủ tướng, hội đồng bộ trưởng và Đoàn rất lý thú đại để:

+ Thủ tướng:

- Quý vị: nhóm họp đã xong?

Hòa thượng Trí Thủ:

- Dạ, chưa xong.

- Sao mà chưa xong?

- Vì Hòa Thượng Pháp chủ chúng tôi đòi xin 3 câu trả lời mới dám nhận.

- 3 câu gì?

1. Có cho lập trường học Phật không?

2. có được dạy giáo lý cho Phật tử không?

3. Có được tự bố trí Trụ trì để giữ gìn công tự không? Hay nhà nước tự bổ người coi ngó?

Nếu được Thủ tướng hứa cho, thì Ngài Pháp chủ chúng tôi mới dám nhận.

Thủ tướng nhìn quanh hội trường gồm 186 đại biểu và gần 200 Phật tử đang ngóng chờ câu trả lời rồi nói:

“Thể theo truyền thống Phật giáo từ xưa đến nay, chưa từng phản bội tổ quốc, tôi xin hứa sẽ y 3 việc trên để hoàn thành cuộc họp. Thủ tướng vừa dứt lời thì tiếng vỗ tay của cả 2 bên vang dội giữa hội trường không ngớt. Mọi người vui vẻ, đoàn chúng tôi ra về, hoan hỷ.

Sau đó, Thượng tọa Thích Minh Châu và H.T Thiện Siêu thảo đơn và điều lệ, lập trường ngay ở chùa Quán sứ, thông báo cho các tỉnh miền Bắc mỗi tỉnh cử 2 Tăng hoặc Ny về học trong ? năm. Chỉ 10 ngày sau đã làm lễ khai giảng T.T Chánh Trực và tôi còn ở lại dự lễ khai giảng đó.

Đoàn ra về với niềm hy vọng trường học Phật ở T.P Hồ Chí Minh và ở (trung phần) Huế cũng sẽ tiếp tục được mở. Vậy mà mãi 2 năm sau tức 1983 mới được giấy phép ở thành phố Hồ Chí Minh còn Huế vẫn chưa được chính thức.

Riêng tôi, rất hy vọng Huế cũng được như Nam và Bắc có được 1 trường cao cấp vì với số Tăng Ni ? trên có người hiện nay chưa được vào lớp vì điều kiện kinh tế, nên việc học còn khó hơn ở Nam.

Ở Bắc, trường học tuy đã tốt nhưng số học chính thức còn ít, phần dự thính đông hơn. Ở trong Nam đã có 62 chính thức và số dự bị cũng có điều kiện tiếp tục học.

Ngoài việc lập trường học, hội còn ra được tờ báo hàng tuần có tên "Giác ngộ" và tờ báo 3 tháng 1 kỳ vào các dịp ngày lễ lớn như ngày Phật đãn, Phật thành Đạo...

Về kinh sách Phật giáo: Thượng tọa Thích Minh Châu dịch văieät nam Pali được 4 bộ A- Hàm. Về luật, H.T Thích Đôn Hậu mới được phép in. Tôi cũng xin in bộ Thành Duy Thức - Huyền Trang do Ngài Khuy Cơ giải rõ gồn 60 quyển và bộ Đại Trí Độ Luận gồm 100 quyển của Ngài Long Thọ do Ngài Cưu-ma-la-thập giảng giải rất rõ.

Nếu các bộ sách này được in ra sẽ thỏa mãn cho toàn tín đồ học Phật. Duy Thức là Pháp tướng. Đại Trí Độ Luận là Pháp tánh rất đầy đủ ở 2 bộ sách này...

Kết luận

Tôi hy vọng sau này sẽ cógười phiên dịch ra tiếng Việt cùng tất cả các kinh Phật để làm kim chỉ nam cho Phật tử Việt Nam. Một tạng kinh về tiếng Việt sẽ là 1 kho tàng vô giá cho quốc gia Việt Nam ta, mà cũng là kho tàng vô giá cho các học thuyết mà Phật học đã chứa đựng.

Chỉ tiếc người học Phật Việt Nam chưa đủ tài năng khai thác và rất ít người lưu ý phiên dịch kho tàng ấy.

Tôi xem qua mới được mấy ngàn quyển mà nhiều chỗ còn thấy còn phải nghiên cứu kỹ để thấu hiểu hết ý nghĩa sâu xa.

Nhưng nay tuổi tròn 80 rồi, mắt đã mờ và đọc nhiều thì quá mệt mỏi, đành phải nghỉ, tự thấy mình còn quá ngu dốt đi với kinh Phật là kho tàng vô giá mà người trí thức con Phật quá nghèo nàn khác nào trong kinh Pháp hoa có đoạn "cha giàu, con vẫn nghèo, cho rằng công việc dọn phân suốt đời là đủ, cha cho xe "bạch ngưu" mà không nhận.

Tự thấy mình đã 60 năm học Phật vẫn chưa đủ trí tuệ để nghiên cứu kho tàng vô giá kia vì trong đó chứa đựng tất cả các học thuyết Đông, Tây, Kim, Cổ, mà sức mình còn quá thấp

Tôi chỉ mong các bậc cao minh gắng học hỏi, đem tài năng để giới thiệu cho đời biết Phật mà học hỏi tìm hiểu rõ ràng hơn. Nhưng học mà không tu, vẫn không sao hiểu ví như nhà Bác học lý thuyết giỏi mà thiếu kinh nghiệm thực tế trong các viện nghiên cứu, thiếu dụng cụ thực nghiệm thì vẫn khó thuyết minh, cũng không ứng dụng được cho đời được kết quả thực tế.

Khoa tâm học là một khoa vô cùng phức tạp, mà lại là cái chìa khóa mở các cửa, các môn học khác nên không thể quên cái gốc mà đi tìm ngành ngọn khác.

Ví như người mất trí mà đi tìm hạnh phúc ở ngoại cảnh, càng tìm càng xa, nhưng nếu được người dạy cho tỉnh trí rồi thì hạnh phúc ở ngay trước mắt.

Trường hợp này, tôi đã đi qua. Tôi cũng đã đóng cửa đọc sách 10 năm, theo chủ nghĩa này, chủ nghĩa khác, nhưng rồi nhờ vị Thuyền sư chỉ rõ cho cái tâm là gốc, và tìm được gốc rồi, thì ngành ngọn đều rõ.

Phần này, không những chỉ áp dụng cho riêng tôi mà còn phổ biến cho bao người xung quanh, cho chị em phụ nữ, những quả phụ đều cũng trở nên có tâm hồn cứng rắn, dũng cảm, gánh vác gia đình và công tác xã hội, xứng đáng là những bà nội tướng giỏi mọi mặt.

Đó là những bà mẹ, bà chị quý hóa, đáng kính trọng, đáng làm gương cho phụ nữ Việt Nam và phụ nữ toàn thế giới vậy. Có bài thơ:

Treo gương Đức dục chị em ơi!
Giá trị quần thoa chỉ thế thôi
Đất Á, nguyền xoay nhơn nghĩa lại
Trời Nam, quyết phá quỷ, ma lụi
Đem gương Trí tuệ của xiềng xích
Lấy súng Từ bi, bắn hỏa lôi
Nhẫn lực, thắng hơn tất cả lực
Chị em gắng bước chớ nên lùi

***

./.
TB  ( của Hồ Đắc Duy ): Trong những năm đã 80 tuổi trở lên sức khoẻ có phần giảm sút nhiều, Sư Bà vẫn còn cố gắng dịch xong bộ Đại Trí Độ Luận gồm 10 tập, mỗi tập 10 quyển. Đến hôm nay tập thứ 9 đã xong (tháng 4-1992), còn tập 10 nữa là hoàn tất sẽ chỉ trong tháng 5-6--92). Sư Bà rất vui và thoả nguyện, còn chút sức lực nào, còn phục vụ đến cùng cho Phật giáo./.
 

Chú thích ( của Hồ Đắc Duy )

(1) Lúc này cụ Hồ Đắc Trung làm Tổng đốc tỉnh Quảng Nam
(2) Tham khảo tài liệu của Nguyễn Đắc Xuân viết về 2 ông Trần Cao Vân và Thái Phiên bí mật gợi ý với cụ Hồ Đắc Trung làm an về vua Duy Tân.
(3) Tiền Đông Dương lúc bấy giờ
(4) khoảng năm 1924
(5) Tức các ông Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di...tốt nghiệp cao học ở Pháp về
(6) Tức Cao Xuân Chuân sau theo Bửu Hội định cư ở Pháp
(7) công việc, tình cảm, công tác tốt đẹp...
(8) so sánh người bạn gái cách mạng ở Trung quốc
(9) vì Phật pháp


"