Đăng:
Đồng
Tháp Xưa & Nay, Tập 86, tháng 1 - 2025
Năm
Kỷ Mão (1819), vua Gia Long sai Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại,
Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên chỉ huy binh dân các trấn Vĩnh
Thanh, Định Tường, đồn Uy Viễn, và Quốc vương Nặc Chăn
cử Chiêu chùy Đồng Phù điều khiển binh dân Chân Lạp đào
kinh từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Ngày 15 tháng Chạp khởi
công, trước khi vua Gia Long băng hà bốn ngày.
1.
Những lời dụ của vua Minh Mạng về kinh Vĩnh Tế
Sau khi lên nối
ngôi, vua Minh Mạng đã tiếp tục cuộc đào kinh Vĩnh Tế,
với sự quan tâm đặc biệt thông qua những lời dụ. Thực
lục chép, năm Canh Thìn (1820), vua mới lên ngôi, thấy việc
đào kinh, binh dân Chân Lạp phục dịch nhọc mệt khổ sở
nên dụ cho thành thần Gia Định thường xuyên hỏi han. Người
ốm thì cấp thuốc, người chết thì cấp tiền vải. Quan
phiên theo làm việc tại công trường đều thưởng cho gươm
đeo, súng tay và áo mặc. Đồng thời, Thánh tổ còn dụ cho
Nặc Chăn, cùng các quan phiên rằng: "Tiên đế lấy việc đào
sông làm lợi muôn đời cho các ngươi, vua tôi nhà ngươi nên
cùng lòng hợp sức, sửa sang công việc, trước để xứng
ý Tiên đế yên vỗ nước ngươi. Chớ tưởng rằng Triều
đình muôn dặm, xét soi không tới. Cũng không thể đổ cho
là phận sự của Đồng Phù (tên người quan Phiên) mà lòng
nghĩ sai đi, sức làm lười biếng. Sau khi thành sông rồi,
sẽ có trọng thưởng" [2].
Lời dụ nhắc đến Thế tổ Cao hoàng đế chủ trương lợi
ích khi đào kinh này, không chỉ cho Việt Nam mà còn đối với
Chân Lạp, qua phán truyền cho vua phiên: "Nước ngươi giáp
giới với Vĩnh Thanh. Nay đào sông này không những lợi cho
người Hán [tức người Việt, ĐKT] mà còn lợi cho nước
ngươi vô cùng. Vương nên họp nhân dân bảo cho biết ý nhọc
một lần mà nhàn mãi mãi, khiến dân vui làm việc, cho chóng
thành công. Quan Phiên trở xuống, ai không theo lệnh cho Đồng
Phù trị theo quân pháp" [3].
Sau 3 tháng khởi công, đến giữa tháng 3 năm Canh Thìn (1820),
đào xong 3.224 trượng, còn 9.992 trượng chưa đào, vua cho hoãn
lại và tạm thời khai dòng để thuyền nhỏ đi lại.
Năm Tân Tỵ (1821),
tháng giêng, vua lại cho hoãn việc đào kinh, và dụ Tổng trấn
Lê Văn Duyệt rằng: "Việc sông ấy năm ngoái có chỉ tạm
đình để năm nay lại đào tiếp. Duy nghĩ sông chưa đào xong,
đường nước cũng đã thông được thuyền bè, huống chi
dịch lệ mới yên, chính là lúc phải để cho dân nghỉ ngơi,
sao nên vội bắt dân vất vả? Khanh nên tuyên cáo ý ấy cho
dân đều biết" [4].
Đoạn dẫn có 2 nội dung cần lưu ý. Một, "dịch bệnh
mới yên" là sự kiện được Thực lục ghi: "Ở Hà
Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường bệnh dịch phát to. Dụ cho sở
tại làm lễ cầu đảo. Người bị bệnh không kể quan, quân
hay dân đều cho thuốc men. Người chết, quân lính thì theo
lệ cấp tiền tuất và cấp thêm một tấm vải; dân thì đàn
ông đàn bà, người già người trẻ, mỗi người cấp 3 quan
tiền. Người nào hài cốt bộc lộ thì nhà nước liệm táng
cho. Lại sai trung sứ tuyên dụ cho quan địa phương phải thân
đi cấp tiền tuất, hỏi thăm dịch khí nhẹ hay dữ, và số
quân dân bị ốm chết, cứ ngày một lần tâu" [5].
Tình hình đó, nên vua cho tạm hoãn công việc. Hai, "sao
nên vội bắt dân vất vả?". Sử liệu không chép do Tổng
trấn Gia Định thành tâu xin tiếp tục đào kinh, nhưng trong
ngữ cảnh lời dụ trên có thể cho phép dẫn đến giả định
đó. Nếu thế thì câu này có vẻ như lời trách của vua đối
với Lê Văn Duyệt trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát
ở miền Tây Nam Kỳ, nhất là tại công trường (tức trấn
Vĩnh Thanh).
Năm Nhâm Ngọ (1822),
tháng 9, Nặc Chăn xin tiếp tục cuộc đào kinh. Lê Văn Duyệt
tâu cho điều động 39.000 binh dân ở Gia Định thành và các
trấn Vĩnh Thanh, Định Tường, cùng binh lính đồn Uy Viễn,
với hơn 16.000 binh dân nước Chân Lạp, chia làm 3 phiên, dự
định sang mùa xuân năm sau (Quý Mùi, 1823) sẽ khởi công, đến
mùa hạ hoàn thành. Vua chuẩn y và dụ rằng: "Đường sông
Vĩnh Tế liền với một lộ tân cương, xe thuyền được lợi
rất nhiều. Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta mưu sâu tính
kỹ, để ý đến việc biên cương, buổi đầu đã một lần
đào, công việc chưa xong. Trẫm noi theo chí trước, dốc lo
làm sao một lần khó nhọc để thong thả lâu dài, khanh nên
tính toán thế nào, hẹn ngày tâu công, để xứng ý trẫm.
Vả chăng sông ấy không phải lợi cho Chân Lạp, vua Phiên
xin thế vị tất là do thực tình. Ngày nào dụ đến nơi,
họ tất sẽ có lời ngăn trở. Song việc làm quả quyết thì
nên, dùng dằng thì hỏng. Trẫm đã định trước, họ không
đáng kể" [6].
Lời vua có mấy nội dung cần chú ý:
Thứ nhất, "Đường
sông Vĩnh Tế liền với một lộ tân cương", chỉ con lộ
mới đắp có tên Tân Lộ Kiều Lương, về sau có dựng bia
Châu Đốc tân lộ kiều lương nối Châu Đốc với núi
Sam [7].
Thứ hai, một lần nữa nhắc lại quốc kế trù biên
của vua Gia Long, cùng với tư duy trước đó đã nêu "một
lần khó nhọc để thong thả lâu dài". Thứ ba, việc
đào kinh ngay từ đầu Đồng Phù đã tâu rõ là lợi ích mà
dân và vua Chân Lạp đều được nhờ. Đây là lời không
thực của Chiêu chùy, chẳng qua muốn vừa lòng, đẹp ý
dự định của vua Gia Long nên buộc phải tâu như thế! Sự
thật, như vua nói "Vả chăng sông ấy không phải lợi cho Chân
Lạp", theo nghĩa kinh Vĩnh Tế chỉ có lợi cho Việt Nam, còn
Chân Lạp không được hưởng giá trị gì khi công trình hoàn
thành. Câu "vua Phiên xin thế vị tất là do thực tình", ý
vua cho rằng, Nặc Chân xin đem binh dân nước ấy hợp sức
tiếp tục đào kinh là một sự nghi ngờ (vị tất) [8]
đối với triều đình ta, chắc gì thực lòng họ muốn thế!
Bởi lẽ, triều đình Oudong lúc bấy giờ đang bất ổn, ngoài
chính vương còn có nhị vương và các thân vương, luôn tranh
giành ngai vàng và bị Xiêm triều chi phối, khiến nội bộ
chia làm 2 phe thân Xiêm và thân Việt. Nặc Ông Chân lên ngôi
ở Bangkok, 10 năm sau khi tiên vương Ang Eng (tức Nặc Ông
Ấn/ Ông In) thăng hà [9].
Vừa về nước nhiếp chính, Ông Chân lại tranh chấp với
các hoàng đệ Ang Suguon, Ang Duong, Ang Em, những người đã
được vua Xiêm phong chức vụ gia trưởng các Hoàng tộc Cao
Miên. Ông Chân phải nhờ triều đình Huế cho quân sang hậu
thuẫn để giải quyết. Xiêm triều cũng phái 2 đạo quân
theo 2 ngã: Battambang; Kompong Svay và Stung Treng tiến đến kinh
đô Oudong. Sau hai trận giao tranh, Ông Chân thất trận chạy
xuống Sài Gòn. Đến năm 1813, vua Gia Long sai Lê Văn Duyệt
đưa Ông Chân về nước, trở lại ngai vàng, đồng thời cử
Nguyễn Văn Thoại giữ chức Bảo hộ Chân Lạp [10].
Chính sự ở Chân Lạp như trên cho nên việc tiếp kế hoạch
đào kinh Vĩnh Tế sẽ gặp chống đối ("ngăn trở") từ phe
thân Xiêm. Tuy nhiên, đây là dự án mang tầm quốc gia về
an ninh biên giới, đã được vua Gia Long "mưu sâu tính kỹ",
nên vua Minh Mạng quyết nghị "việc làm quả quyết thì nên,
dùng dằng thì hỏng. Trẫm đã định trước, họ không đáng
kể".
Về việc đào kinh
Vĩnh Tế, Sử Cao Miên cho biết: "Nhà Vua [Việt Nam, ĐKT]
bắt buộc nhiều ngàn dân Miên làm xâu đào một con kinh dài
53 cây số từ Hậu Giang [sông Hậu, ĐKT] đến vịnh Thái Lan,
tên là kinh Hà Tiên. Công tác này bắt đầu từ năm 1815 đến
1820 đã làm hao hớt một số người. Nước Việt Nam cắt
hẳn phần đất bờ phía Nam con kinh coi đó là ranh giới" [11].
|
|
Ảnh
Tân Lộ Kiều Lương
những
năm 50 của thế kỷ XX.
|
Mảnh
còn lại của
bia
Tân Lộ Kiều Lương.
|
(Nguồn: Ban quản lý khu
du lịch quốc gia núi Sam)
(https://phongtauhu.wordpress.com/2016/04/09/chau-doc-tan-lo-kieu-luong-ky-1828/)
Đoạn sử dẫn
có 4 chi tiết chưa chính xác. Một, vua Việt Nam không
"bắt buộc" dân Miên làm xâu đào kinh mà đây là sự hợp
tác của binh dân hai nước. Hai, kinh đào từ Hậu Giang
đến vịnh Thái Lan không phải dài 53 km mà là 91 km [12].
Ba, tên kinh không phải kinh Hà Tiên mà là kinh Vĩnh Tế.
Bốn, thời gian hoàn thành kinh đào này không phải từ
năm 1815 đến 1820 mà là từ 1819 đến 1824. Tuy nhiên, Sử
Cao Miên đã xác thực quyết sách đào kinh của vua Gia Long
ngay từ đầu, và quyết tâm của vua Minh Mạng khi tiếp tục
cho đến hoàn thành.
Năm Quý Mùi (1823),
tháng 2, vua cho đào tiếp kinh Vĩnh Tế. Khi đó, thổ phỉ ở
Hưng Hóa
(Tuyên Quang) nổi
dậy, bao vây bảo Bảo Thắng. Trấn thủ Hưng Hóa Nguyễn Đức
Niên tử trận. Tổng trấn Lê Văn Duyệt nghe tin dâng sớ xin
hoãn. Vua dụ rằng: "Xem tờ mật tâu của khanh biết kế hay
của khanh mưu toan việc nước, trù tính việc biên. Nay mai
tướng sĩ theo mệnh đã đánh vào ổ giặc, tướng giặc chẳng
lâu sẽ bị giết thôi, có thể không lo đến việc miền Bắc
nữa, khanh nên phát binh dân vét đào sông ấy để xong công
việc. Nếu để mất cơ hội ấy thì khó bảo đảm kỳ sau,
mà nước Chân Lạp có thể dòm ngó chính lệnh của ta. Phải
nghiêm theo đấy. Trẫm chuyên trông ngóng, tâu về mới ăn
ngon ngủ yên được" [13].
Theo lệnh, Lê Văn Duyệt phát hơn 35.000 binh dân ở Gia Định
thành và các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường, đồn Uy Viễn,
cùng với hơn 10.000 binh dân Chân Lạp thi công. Tuy nhiên, chưa
được bao lâu, do Tổng trấn bệnh nên vua sai Phó Tổng trấn
Trương Tấn Bửu phụ trách thay. Ở đây, một lần nữa có
thể thấy việc đào kinh thể hiện quyết tâm của Thánh tổ
bởi 2 lẽ.
Thứ nhất, nắm bắt kịp thời cơ hội trong
nước khi sắp dẹp yên thổ phỉ ở Hưng Hóa. Vì nếu "để
mất cơ hội ấy thì khó bảo đảm kỳ sau" sẽ đạt được
kế sách do Tiên đế đã đề ra. Thứ hai, ngăn ngừa
sự "dòm ngó" tình hình chính trị nước ta của Chân Lạp.
Một chỉ dụ nhưng hàm chứa đủ cả chính sách đối nội
và đối ngoại, nhất cử lưỡng toàn, trong bối cảnh lúc
bấy giờ. Đến tháng 4, kinh đã đào được 10.500 trượng,
chỉ còn hơn 1.700 trượng chưa đào. Do đến mùa hạ tiết
trời nóng bức dễ phát sinh dịch bệnh, vua cho đình việc
và ban thưởng những người có công. Riêng Lê Văn Duyệt được
đặc ân thưởng một đai ngọc, tặng phẩm mà chưa có tiền
lệ ân ban cho các hoàng tử tước công. Thật là vinh dự cho
Tổng trấn Gia Định thành!
Năm Giáp Thân (1824),
tháng 2, lấy 24.700 binh dân các trấn thuộc Gia Định thành
và Chân Lap đào tiếp kinh Vĩnh Tế. Vua dụ rằng: "Việc đào
sông Vĩnh Tế là vâng theo thánh toàn của Hoàng khảo Thế
tổ Cao hoàng đế ta mà làm, thực là quan yếu cho quốc kế
trù biên. Nhưng khai đào mới bắt đầu, công việc còn khó,
trẫm vâng theo chí trước, năm ngoái đã đào, còn lại hơn
1.700 trượng, ấy là thiếu cái công một sọt đất. Nay nước
nhà nhàn rỗi, chính nên kịp thời làm tiếp cho xong, để
làm kế nhọc một lần được rỗi mãi" [14].
Hai năm trước (1824 – 2024), lời dụ của Thánh tổ đã nêu
rõ: "vâng theo thánh toàn" là lời xưng tụng của vua đối
với Tiên đế Gia Long về mục đích đào kênh Vĩnh Tế. Nhằm
mang lại lợi ích cho giao thông, phát triển thương mại, quy
dân lập ấp và quan trọng hơn cả là "quốc kế trù biên"
(tạm hiểu kế sách quốc gia ngoài biên ải); "trẫm vâng theo
chí trước" tức tiếp tục chủ trương của vua Gia Long, bởi
lẽ hoạch định công trình đào kênh là ý tưởng của Thế
tổ, đáng tiếc ngài không kịp chứng kiến ngày hoàn thành,
và Thánh tổ đã thực thi di nguyện của vua cha nên viết câu
này trong chỉ dụ; "thiếu cái công một sọt đất" là cách
nói ẩn dụ, chỉ việc sắp hoàn thành, cần thêm một ít
nữa, cũng như ở Nam bộ thường nói "làm ráng" để
chỉ sự động viên, khuyến khích, tiếp thêm sức mạnh; "kế
nhọc một lần được rỗi mãi" là nhắc lại lời dụ của
Thế tổ khi chuẩn bị khởi đào kênh Vĩnh Tế với quan binh
dân chúng trấn Vĩnh Thanh: "Đào con sông này công việc rất
khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy,
đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc, mà thực
có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc" [15].
Đồng thời, thể hiện
sự quyết tâm của Thánh tổ đối
với công trình mang tầm quốc gia này, khi Phó Tổng trấn Trần
Văn Năng tâu xin cho quân dân 2 trấn Phiên An và Biên Hòa được
ở lại đào đá xây thành, vua bác bỏ: "Việc xây dựng năm
nay chưa tiện, sẽ đợi năm sau. Còn như sông này, liền với
tân cương, rất quan hệ đến việc biên phòng, so với việc
xây thành đằng nào cần hơn?" [16].
Ý trước, lời sau của 2 Hoàng đế đầu triều Nguyễn thể
hiện quyết tâm đào kinh, bảo vệ chủ quyền vùng biên địa.
Đến tháng 5, công việc hoàn thành. Vua dụ rằng: "Đào con
sông ấy để trọn công trước, thực là lợi ức muôn năm
vô cùng về sau". Bèn sai hữu ty dựng bia để ghi [17].
2.
Một số nhận xét thay lời kết
- Về ý nghĩa,
công cuộc đào kinh Vĩnh Tế hoàn thành sau 5 năm (1819 – 1824),
qua 3 đợt, cách nay đúng 200 năm (1824 – 2024). Đây là sự
kiện lịch sử trọng đại thời triều Nguyễn, do vua Gia Long
hoạch định [18]
và vua Minh Mạng kế thừa. Thể hiện tầm nhìn sáng suốt
của vua
Gia Long về xác
lập chủ quyền, đồng thời tạo điều kiện phát triển
xã hội, kinh tế, giao thông
và văn hóa của
cộng đồng các cư dân Việt, Khmer, Hoa, Chăm trên vùng đất
Tây Nam bộ.
- Về lực lượng,
sự kiện này được thực hiện chủ yếu là "binh dân", nghĩa
là binh lính giữ vai trò chính, cùng dân phu, với hơn 80.000
người. Ba địa phương tham gia xuyên suốt gồm trấn Vĩnh
Thanh, trấn Định Tường, đồn Uy Viễn (Trà Vinh) thuộc Gia
Định thành và binh dân Chân Lạp. Chỉ huy trực tiếp tại
công trường là Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại. Đôn đốc
và điều khiển (Đốc suất) gồm Nguyễn Văn Tuyên, Trần
Công Lại, Nguyễn Văn Tồn và Đồng Phù.
- Về tư tưởng
thực hiện, qua sử liệu ghi chép, có 3 lần vua nhắc đến
câu "nhọc một lần mà nhàn mãi mãi", "một lần khó nhọc
để thong thả lâu dài", "nhọc một lần được rỗi mãi".
Trong đó nổi bật là chiến lược "quốc kế trù biên" của
vua Gia Long và "cố phòng thủ" cùng "nhu viễn" của vua Minh
Mạng [19].
- Một số bổ
chính. Vua Gia Long khi hoạch định đào kinh đã dụ rõ lợi
ích cho cả 2 bên Việt Nam và Chân Lạp. Vua Minh Mạng thừa
nhận kinh Vĩnh Tế chỉ nhằm mục đích cho Việt Nam, thế
nên Nặc Chăn nghi ngờ (vị tất) những lời dụ của Thánh
tổ đối với phiên thuộc khi hợp sức đào kinh. Tổng trấn
Lê Văn Duyệt bị quở trách khi tâu xin tiếp tục công việc
ở thời điểm chưa phù hợp (dịch bệnh đang bùng phát).
Sử Cao Miên chép về kinh Vĩnh Tế có 4 nội dung chưa
chính xác, nhưng là một tài liệu tham cứu xác quyết chủ
trương đào kinh của vua Minh Mạng.
- Kinh Vĩnh Tế hoàn
thành đã mang lại nhiều giá trị lịch sử như đã nêu. Và
được tiếp tục phát huy qua đào các kinh mới: T4, T5 – Tuần
Thống (kênh Ông Kiệt) và T6 từ dòng "kinh mẹ", để khai hoang
phục hóa vùng Tứ giác Long Xuyên, biến vùng đất chua phèn
này thành ruộng mật bờ xôi. Qua sự kiện trên, quá khứ
và hiện tại được kế thừa, nối tiếp, mà xuất phát điểm
từ cuộc đào kinh Vĩnh Tế, "một lần khó nhọc để thong
thả lâu dài", như lời dụ của vua Minh Mạng cách nay tròn
200 năm./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Hương (1970),
Sử Cao Miên, Khai Trí xuất bản.
2. Hoàng Phê chủ
biên (1994), Từ điển tiếng Việt, Nxb Giáo dục &
Trung tâm Từ điển học.
3. Quốc sử quán
triều Nguyễn (2022), Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb Hà
Nội.
4. Quốc sử quán
triều Nguyễn (2022), Đại Nam thực lục, Tập 2, Nxb Hà
Nội.
5. UBND tỉnh An
Giang – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (2024), Kỷ yếu
HTKHQG "200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm
nhìn tương lại", TP. Châu Đốc, 14/11/2024.
6. Trần Hoàng Vũ
(2017), Thoại Ngọc Hầu qua những tài liệu mới, Nxb
Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
_______________
[1]
- Thành phố Hồng Ngự, Đồng Tháp.
[2]
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2022), Đại Nam thực lục,
Tập 2, Nxb Hà Nội, tr 54.
[3]
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2022), Đại Nam thực lục,
Tập 1, Nxb Hà Nội, tr 997.
[4]
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2022), Đại Nam thực lục,
Tập 2, Sđd, tr 114.
[5]
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2022), Đại Nam thực lục,
Tập 2, Sđd, tr 70.
[6]
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2022), Đại Nam thực lục,
Tập 2, Sđd, tr 239.
[7]
- Trần Hoàng Vũ cho biết: "Trong năm Minh Mạng thứ 9 (1828),
gần như cùng lúc, Thoại Ngọc Hầu đã liên tiếp lập hai
bia đá. Bia thứ nhất là bia Châu đốc tân lộ kiều
lương, dựng vào hạ tuần tháng tám (tháng trọng thu), nói
về lai lịch con đường Châu Đốc – núi Sam. Bia thư hai là
bia Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký, dựng sau
tiết thu phân, nói về lai lịch việc đặt tên núi Sam là
núi Vĩnh Tế". Cũng theo tác giả đã kiểm tra bia gốc thấy
ghi là "thu phân chi hậu", nghĩa là cuối thu chứ không phải
giữa thu. Trần Hoàng Vũ (2017), Thoại Ngọc Hầu qua những
tài liệu mới, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr 311 –
312 và chú thích 1, tr 312.
[8]
- Vị tất p. (cũ). Từ biểu thị ý nghi ngờ; chắc gì. Làm
như thế vị tất đã tốt hơn. Hoàng Phê chủ biên (1994),
Từ điển tiếng Việt, Nxb Giáo dục & Trung tâm Từ
điển học, tr 1075.
[9]
- Quốc vương Chân Lạp Ang Eng (sử Việt chép là Nặc Ông
Ấn/ Ông In) mất tháng 8 năm 1796. Ang Chan II (tức Nặc
Ông Chăn) làm "lễ đăng quang 10 năm sau khi tiên vương Ang
Eng thăng hà", tức năm 1806. Xem Lê Hương (1970), Sử Cao Miên,
Khai Trí xuất bản, tr 181.
[10]
- Lê Hương (1970), Sử Cao Miên, Sđd, tr 182 – 183.
[11]
- Lê Hương (1970), Sử Cao Miên, Sđd, tr 183 – 184.
[12]
- Xem: GS.TS Nguyễn Hồng Thao (2024) "Sông đào Vĩnh Tế và vấn
đề biên giới Tây Nam", trong: UBND tỉnh An Giang – Hội Khoa
học Lịch sử Việt Nam (2024),
Kỷ yếu HTKHQG "200 năm
kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lại",
TP. Châu Đốc, 14/11/2024, tr 36.
[13]
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2022), Đại Nam thực lục,
Tập 2, Sđd, tr 259 – 260.
[14]
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2022), Đại Nam thực lục,
Tập 2, Sđd, tr 331
[15]
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2022), Đại Nam thực lục,
Tập 1, Sđd, tr 997.
[16]
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2022), Đại Nam thực lục,
Tập 2, Sđd, tr 331.
[17]
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2022), Đại Nam thực lục,
Tập 2, Sđd, tr 351.
[18]
- Hoạch định. đg. Vạch rõ, định rõ. Hoàng Phê chủ biên
(1994), Từ điển tiếng Việt, Sđd, tr 432.
[19]
- Xem thêm: Quốc sử quán triều Nguyễn (1994),
Minh Mệnh
chính yếu, Tập III, Nxb Thuận Hóa, "Cố phòng thủ", tr
227 – 276, "Nhu viễn", tr 355 – 412.