Bối cảnh lịch sử cuối thế kỷ XVIII 
và thái độ chính trị 
của Nguyễn Văn Thư
Đỗ Kim Trường (1)
Trong cuộc chiến tranh chống Tây Sơn, ở Nam bộ, chúa Nguyễn Ánh không chỉ được sự ủng hộ của con cháu những lưu dân người Việt vào đây khai phá từ thế kỷ XVII, sự hậu thuẫn của các địa chủ hương hào qua việc xuất lương thực, tiền của nuôi quân, mà còn có sự trợ giúp của các nhân vật nổi tiếng về tài năng quân sự như Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Tuyên, Trần Văn Năng, ... Tuy nhiên, còn một số được Quốc sử quán vinh danh là công thần trong buổi đầu dựng nghiệp của chúa Nguyễn, nhưng xuất phát từ bối cảnh lịch sử (khu vực và vùng đất Nam bộ) như thế nào? Thái độ chính trị ra sao? Sử liệu chưa được tường minh. Thư ngọc hầu Nguyễn Văn Thư là một trường hợp như thế.

1. Vài nét về tiểu sử Nguyễn Văn Thư

Hiện tài liệu chi chép về tiểu sử của Nguyễn Văn Thư không nhiều. Trong đó, nguồn sử liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn là hai bộ Đại Nam liệt truyệnĐại Nam nhất thống chí có đề cập đến thân thế và sự nghiệp của ông. Theo Liệt truyện ghi: "Nguyễn Văn Thủ (2) Người huyện Kiến Phong, trấn Định Tường. Năm Đinh Mùi ra đầu quân, chiêu mộ nghĩa dũng, theo Tiền quân Tôn Thất Hội đi đánh giặc; năm Kỷ Dậu cho chức Tổng nhung cai cơ giữ đạo Kiên Đồn, rồi thăng Chánh trưởng chi chi Tiền hậu quân, đem quân đóng ở Sao Châu phòng giữ thủ Ba Thắc.

Năm Canh Tuất, thăng Phó tướng hậu quân, rồi chuyển làm Phó tướng tiền quân khâm sai tổng nhung cai cơ, coi thu thuế nhà nước ở hai phủ Trà Vinh, Ba Thắc, bị tội phải giáng Cai đội.

Mùa hạ năm Giáp Dần đánh giặc ở cửa biển Thi Nại, bị đạn bắn chết, được thờ ở đền Tinh trung trấn Khánh Hòa, sau được truy phục Phó tướng, gia tặng Chưởng doanh được thờ ở đền Hiển trung và miếu Trung hưng công thần."[1, 381]

So với Liệt truyện, về tiểu sử của ông Đại Nam nhất thống chí ghi chép vắn tắt hơn: "Nguyễn Văn Thư: Người huyện Kiến Phong, khảng khái có khí tiết. Ban đầu, chiêu mộ dũng sĩ theo Tôn Thất Hội đi đánh giặc, làm đến Phó tướng Hậu quân, Khâm sai Chưởng cơ. Khi đi đánh ở Thi Nại, bị quân địch bắn chết, được tặng chức Chưởng cơ, thờ vào miếu Công thần Trung hưng." [3, 1721]

Hai nguồn sử liệu trên cơ bản đều thống nhất về các sự kiện, tuy nhiên không rõ năm sinh của ông. Theo đó, Nguyễn Văn Thư là người huyện Kiến Phong, trấn Định Tường (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Gia tộc của ông, Đồng Tháp nhân vật chí cho biết như sau: "Thân sinh là ông Nguyễn Văn Núi và bà Lê Thị Nhạc gốc ở Bình Định, vào miền Nam khai thác lâm thủy sản và khai hoang trồng lúa, gia cảnh ngày một khá giả. Gia đình ông vốn có truyền thống giỏi nghề võ, bản thân ông từng đánh cọp nổi tiếng khắp vùng. Ông bà có năm người con trai: Nguyễn Văn Sùng, Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Diện và Nguyễn Văn Thập.

Ông Thư lập gia đình, vợ là người ở thôn Mỹ Xương (nay là xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), là người con duy nhất trong gia đình, nên ông ở lại bên vợ."[5, 428]

Ở đây có hai chi tiết chưa rõ: từ Bình Định ông Núi và bà Nhạc vào miền Nam năm nào? Khi vào, lúc đầu định cư ở đâu?

Chi tiết thứ nhất chưa có tài liệu xác minh. Vấn đề thứ hai, có ý kiến như sau: "Ban đầu vào ở một nơi bên bờ sông Tiền (nay là xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới) để khai hoang trồng lúa và săn bắn. Sau khi người con đầu bị cọp vồ mất xác, cha mẹ ông mới dời nhà sang bên kia sông tức cù lao Giêng để sinh sống." (3) Theo ý kiến này, ban đầu từ Bình Định vào, gia đình ông cư trú tại làng Mỹ Luông (thuộc huyện Chợ Mới, An Giang nay), sau mới dời sang Cù lao Giêng (nay thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới).Ở đây có sự khác biệt về nơi sinh của Nguyễn Văn Thư so với Liệt truyệnNhất thống chí.

Về việc thành thân của ông, cũng theo ý kiến trên: "Vì làm lụng vất vả mà vẫn thiếu trước hụt sau, ông Thư đã cùng mẹ chèo xuồng xuống Cái Nhum, miệt Hổ Cứ (nay là xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), nơi có một số đông người đồng hương từ miền Trung vào định cư, để trao đổi lương thực và mua những thổ sản như cau, dừa về bán để có thêm tiền độ nhật. Mua bán được vài chuyến, ông Thư phải lòng và cưới một cô thôn nữ ở đây. Do vợ là người con duy nhất trong gia đình, nên ông Thư ở lại bên vợ cho tiện..."(4)Đối chiếu với nội dung Đồng Tháp nhân vật chí, tuy có khác nhau về gia cảnh trước khi cưới vợ nhưng các chi tiết sau (vợ người thôn Mỹ Xương, ở lại bên vợ) cả hai tài liệu đều thống nhất.

Năm Đinh Mùi (1787), sau khi từ Xiêm về, chúa Nguyễn Ánh cho người đi chiêu mộ quân binh đánh lại Tây Sơn. Vùng đất Nam bộ do các chúa Nguyễn tổ chức khai mở, con cháu các thế hệ lưu dân người Việt nơi đây hàm ơn nên nhiều nơi kéo đến xin gia nhập. Thậm chí, Quốc sử còn cho biết, một số tướng của Nguyễn Huệ như Chưởng cơ Nguyễn Văn Trương, Thái bảo Phạm Văn Tham, Điều bát Nguyễn Kế Nhuận, ... cũng đến đầu phục.[xem: 2, 228 - 229] Cùng với đó, theo Thực lục, khi chúa Nguyễn trú ở Hổ Châu, thu họp tướng sĩ hơn 300 người, chiến thuyền hơn 20 chiếc, khi tiến đóng ở Mỹ Lung, sai Tôn Thất Huy, Lê Văn Quân đắp đồn phòng thủ và cử Tôn Thất Hội mang quân đi đánh Ba Giồng, [xem: 2, 230 - 231] Lúc bấy giờ, Nguyễn Văn Thư cùng hai em là Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Diện xin đầu quân và được biên chế dưới quyền Hậu quân dinh khâm sai đốc chiến chưởng cơ Tôn Thất Hội. Cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu từ đây.(5)

Năm Kỷ Dậu (1789), ba anh em ông theo tướng Tôn Thất Hội đánh chiếm Hổ Cứ, gần Tòng Sơn (nay là Mỹ An Hưng, huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng Tháp).(6)Đến tháng 6 cùng năm, để tăng cường phòng thủ ở dinh Vĩnh Trấn, đồng thời lập trạm thu thuế Hoa kiều, chúa Nguyễn "đặt đạo Kiên Đồn (ở cửa sông Tà Ôn dinh Vĩnh Trấn), sai Tham mưu Nguyễn Ngọc Chương và Cai cơ Nguyễn Văn Thư coi giữ và kiêm thu thuế của người Đường [Hoa kiều] (mỗi người mỗi năm nộp 1 đồng bạc phiên.)"[2, 249] Tiếp đến tháng 10, chúa Nguyễn duyệt binh tại Đồng tập trận và ban khen tướng sĩ, Nguyễn Văn Thư được thăng Chánh trưởng chi tiền chi Hậu quân. Theo tổ chức của chúa Nguyễn lúc bấy giờ, quân đội chia làm năm dinh: Trung, Tả, Hữu, Hậu quân và Tiên phong. Mỗi dinh gồm 5 chi, mỗi chi 5 hiệu, mỗi hiệu 3 đội, mỗi đội 4 thập. Cấp chi, đặt chánh, phó trưởng chi. Hiệu đặt chánh, phó trưởng hiệu. Đội đứng đầu là Cai đội. Thập được chỉ huy bởi đội trưởng. Về địa bàn đóng quân, Trung quân thuộc biên chế dinh Phiên Trấn. Tả quân thuộc tổng Kiến Đăng, dinh Trấn Định và tổng Bình Yên, dinh Vĩnh Trấn. Hữu quân thuộc tổng Kiến Hưng, dinh Trấn Định. Hậu quân thuộc hai tổng Bình Dương và Tân An, dinh Vĩnh Trấn. Dinh Tiên phong thuộc tổng Kiến Hòa, dinh Trấn Định. Duy dinh Tiền quân do đang thời kỳ chiến tranh nên chưa phân bổ địa bàn được.[2, 259 - 260] Như vậy, lúc này Nguyễn Văn Thư là tướng đứng đầu chi thuộc dinh Hậu quân và địa bàn đóng quân thuộc hai tổng Bình Dương và Tân An, dinh Vĩnh Trấn. Đến tháng 6 năm Canh Tuất (1790), ông được thăng Phó tướng Hậu quân.[xem: 2, 260]

Năm Tân Hợi (1791), tháng 4, nhân hoàng tử thứ tư được hạ sinh (tức vua Minh Mạng sau này), chúa Nguyễn tổ chức lại việc bố phòng và điều chuyển quan tướng. Theo đó, Phó tướng Hậu quân Nguyễn Văn Thư làm Phó tướng Tiền quân. [xem: 2, 286]

Tháng 6 cùng năm, chúa Nguyễn cấm người Việt ở hai phủ Ba Xắc và Trà Vinh tranh chiếm ruộng đất của dân Phiên [người Miên]. Chúa ban sắc rằng: "những nơi nào từ trước đã cày cấy thành điền thì vẫn cho ở lại mà trông coi sản nghiệp, còn dư thì để hết cho dân Phiên, từ nay về sau không được trưng chiếm nữa. [...], làm trái thì phải tội."[2, 257] Vì lẽ đó, tháng 5 năm Nhâm Tý (1792), do thuộc cấp nhũng nhiễu dân Miên, ông bị truy cứu trách nhiệm và hạ cấp. Việc này Thực lục chép: "Giáng chức Khâm sai tổng nhung cai cơ phó tướng Tiền quân là Nguyễn Văn Thư làm Khâm sai cai đội. Thư dung túng cho thuộc hạ quấy nhiễu dân Phiên, việc phát giác nên bị giáng chức. Lấy phó trưởng chi Trung chi Tiền quân là Phạm Tiến Tuấn thay quản hai phủ Ba Xắc và Trà Vinh."[2, 286]

Đến năm Giáp Dần (1794), sau khi chiếm lại Gia Định, chúa Nguyễn Ánh đêm quân đánh Bình Định. Diễn biến trận thủy chiến ở cửa biển Thị Nại được Thực lục tường thuật như sau: "Thuyền vua [chỉ chúa Nguyễn Phước Ánh] tiến đến cửa biển Thị Nại. Sai Tôn Thất Hội lãnh quân các vệ đánh các bảo Tiêu Cơ, Mai Nương, đều lấy được. Giặc tan chạy. Ta bắt được hơn 40 cỗ đại bác và khí giới không xiết kể. Phó tướng Tiền quân Nguyễn Văn Thư bị trúng đạn chết (Sau tặng Chương dinh). ..." [2, 309]

Năm 1802, sau khi kết thúc thắng lợi trong cuộc chiến với Tây Sơn, hoàn thành thống nhất đất nước, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế và thưởng công tướng sĩ cùng truy tặng công lao những quan binh đã mất. Trong đó, "Nguyễn Văn Thư được ban Đặc Tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng Trụ quốc, Khâm sai Chưởng dinh Thư ngọc hầu."[5, 429] Năm Canh Ngọ (1810), vua Gia Long định thứ vị những công thần, gồm ba hạng: Công thần khai quốc: 4 người. Công thần trung tiết: 114 người. Công thần trung hưng: 258 người. Nguyễn Văn Thư được xếp vào bậc Công thần trung hưng và được tòng tự tại dãy bên tây ngôi thờ phụ. Thực lục ghi: "Công thần trung hưng [...]. Ngôi phụ thờ [...]. Dãy bên tây thờ: Tiền quân phó tướng tặng Chưởng cơ Nguyễn Văn Thư." [2, 778]

2. Bối cảnh lịch sử cuối thế kỷ XVIII

2.1. Bối cảnh lịch sử khu vực

Hậu bán thế kỷ XVIII là giai đoạn đầy biến động của lịch sử khu vực và sự biến động đó xoay quanh trục quan hệ giữa Chân Lạp - Xiêm La - Đàng Trong (7).

Ở Chân Lạp, thời gian này luôn xảy ra tranh chấp giữa các phe phái trong nội bộ vương triều mà nguyên nhân chính là giành quyền sở hữu chiếc ngai vàng. Từ đó, phân chia thành nhiều phe phái, mà mạnh nhất là phái thân Xiêm và phái thân Việt. Một sự kiện được ghi chép ở Thực luc về vấn đề này:

"Đinh sửu, năm thứ 19 [1757] ...

Nặc Nguyên nước Chân Lạp chết. Người chú họ là Nặc Nhuận tạm coi việc nước. Biên thần tâu xin nhân đó lập Nhuận để tỏ ân nghĩa, cho vững biên cương. Chúa bắt phải hiến hai phủ Trà Vinh, Ba Thắc, rồi sau mới y cho. Khi ấy xảy việc con rể Nặc Nhuận là Nặc Hinh giết Nặc Nhuận để cướp ngôi, con Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên. Thống suất Trương Phúc Du thừa thế tiến đánh. Nặc Hinh chạy đến Tầm Phong Xuy, bị quan phiên Ốc Nha Uông giết chết. Bấy giờ Mạc Thiên Tứ cũng tâu giúp cho Nặc Tôn. Chúa bèn sắc phong cho Nặc Tôn làm vua nước Chân Lạp, sai Thiên Tứ cùng với tướng sĩ năm dinh hộ tống về nước." [2, 166] Khảo đoạn dẫn trên cho thấy, Hinh muốn dựa vào thế lực Xiêm La để đoạt ngôi vua Chân Lạp. Nặc Tôn cầu viện chúa Nguyễn để khôi phục vương quyền. Qua đó đã xác tín vấn đề Chân Lạp.

Thế kỷ XVIII, với chủ trương "Đông tiến", triều đình Xiêm thường nhiều lần cho quân khống chế Chân Lạp và xâm lấn vùng đất Nam bộ của Đại Việt. Mục đích của vương triều Ayutthaya vừa nhằm áp đặt sự thống trị lên Chân Lạp, vừa kiểm soát mậu dịch trên Biển Đông để vươn lên khu vực Đông Bắc Á, đồng thời muốn loại ảnh hưởng của Đàng Trong (hiểu là chúa Nguyễn) đối với Cao Miên. Một nghiên cứu đã luận chứng cho vấn đề này: "Xiêm vốn làm chủ vùng biển phía tây Chân Lạp (bờ Đông vịnh Xiêm La), dùng đường biển để khống chế Chân Lạp và phát triển ngoại thương với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ ... nên quyết tâm của Xiêm trong việc bảo toàn vị trí độc tôn của mình đối với Chân Lạp rất cao.

Mặt khác, tham vọng của Xiêm không chỉ dừng lại ở đó. Không những chỉ Chân Lạp mà Đàng Trong cũng đã trở thành điểm ngắm của Xiêm La trong giai đoạn này, nhằm phục vụ cho mục đích bành trướng và mở rộng thương mại, làm chủ luồng mậu dịch thương mại khu vực Biển Đông. Đàng Trong nằm trên trục chính của tuyến đường thương mại đường biển Đông Nam Á nên thuyền buôn của Xiêm thường ghé vào một số thương cảng để hoạt động buôn bán và tránh bão, thăm dò tình hình rồi từ đó tiến lên thị trường phía bắc giàu có (Nhật Bản, Trung Quốc)." [6, 61 - 62]

Trong khi Chân Lạp đang suy yếu vì tranh chấp nội bộ, Xiêm La mang nhiều tham vọng thì vùng đất Nam bộ lúc bấy giờ đang diễn ra cuộc chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh dưới nhiều cách gọi khác nhau của một số nhà nghiên cứu.(8) Có ý kiến cho rằng, cuộc chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh ở giai đoạn đầu (1777 - 1787) mang tính chất khởi nghĩa nông dân chống phong kiến, chống tình trạng cát cứ. Giai đoạn sau (1787 - 1789) là cuộc chiến tranh giữa hai thế lực phong kiến Tây Sơn và Nguyễn Ánh. [xem: 8: 27 - 32] Cũng thời gian này, nội bộ Tây Sơn bộc lộ những mâu thuẫn và là mầm mống dẫn đến sụp đổ. Nguyễn Ánh nhanh chóng nắm lấy cơ hội khôi phục thế lực, như ý kiến nhận định: "Tây Sơn đã lập nghiệp bằng chiếm đoạt mà không giữ toàn vẹn, phần thưởng thì chia ra, kẻ nào có khả năng nhất, chiếm được phần lớn nhất. Thế mà như ta đã biết, toàn bộ Đại Việt giữa hậu bán thế kỷ XVIII có trình độ nhân văn hóa theo lề lối người Việt phai lợt dần từ Bắc đến Nam. Là kẻ có mộng tưởng lớn, tài ba, Nguyễn Huệ tất được đun đẩy tới chỗ chiếm lấy Phú Xuân để vươn ra Bắc. Nguyễn Nhạc bằng lòng với khoảng đất anh em ông chiếm giữ lúc ban đầu. Còn Gia Định với ao đầm kinh rạch, mỗi bước đi là có cá sấu, có cây đổ chặn đường, đầy vẻ huyền bí nhất thì chia cho chú Bảy yếu ớt cho trọn tình anh em. Như đã nói, Nguyễn Ánh thừa hưởng được mọi thất lợi do sự rạn nứt đó của Tây Sơn."[7, 321]

Từ bối cảnh khu vực như trên đã dẫn đến những vấn đề: Thế lực nào nắm vai trò chủ đạo trong khu vực? Qua đó tác động đến tình hình vùng đất Nam bộ ra sao? Thái độ chính trị của Nguyễn Văn Thư đối với thời cuộc như thế nào?

Trước hết trong bộ ba ở khu vực (Đàng Trong, Xiêm và Chân Lạp), do nội bộ liên tiếp diễn ra các cuộc tranh giành ngôi báu nên Chân Lạp không giữ được thế tự chủ, bị chi phối giữa hai thế lực Đàng Trong (chỉ chúa Nguyễn) và Xiêm. Vì vậy, bàn cờ chính trị lúc bấy giờ chỉ thực sự là cuộc so tài giữa triều đình Ayutthaya và chính quyền chúa Nguyễn.

Xiêm La từ sau năm 1785, tham vọng "Đông tiến" cũng đã lụi tàn, bởi hai lý do. Thứ nhất, sau khi bị Quang Trung đánh bại trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút, tàn quân Xiêm rút chạy về nước không còn manh giáp, đến nổi Quốc sử triều Nguyễn mặc dù không muốn tán dương công lao của "giặc ngụy" cũng phải ghi: "Người Xiêm từ sau cuộc bại trận năm Giáp Thìn, miệng tuy nói khoác mà lòng thì sợ Tây Sơn như cọp". Không chỉ sợ Tây Sơn mà ý đồ dòm ngó vùng đất Nam bộ của Xiêm triều cũng không có điều kiện thực hiện, bởi lý do thứ hai, chính sự tại triều đình Xiêm La đang rối ren vì đảo chính quân sự, như một nghiên cứu cho biết: "... hậu bán thế kỷ XVIII [...] một người Hoa gốc Quảng Đông tên là Trịnh Chiêu vì có công đánh đuổi quân Miến Điện nên lên làm vua (tức vua Taksin). Ông ta sai sứ sang Bắc Kinh cầu phong nhưng sứ giả chưa kịp về đến nhà thì Trịnh Chiêu đã bị một tướng lãnh là Maha Kasatsuk lật đổ rồi lên ngôi tức vua Chakri hay Rama I. Chakri cũng sợ nhà Thanh truy cứu việc giết vua Taksin nên đổi tên Hán là Trịnh Hoa, mạo xưng là con của Trịnh Chiêu để nối ngôi và được phong làm Xiêm La quốc vương." [11, 38]

Nam bộ thời kỳ này như đã nêu trên, về danh nghĩa do Nguyễn Lữ cai quản, nhưng "Đông Định Vương chỉ là người có đức độ, không có tài trị nước yên dân"[12, 163] nên không nắm thực quyền. Trong khi đó, Nguyễn Ánh từ Gia Định từng bước khôi phục lại thế lực, tiến ra chiếm lại Bình Định, Phú Xuân và Thăng Long. Vì vậy, nơi đây là địa bàn thực lực của chính quyền chúa Nguyễn Ánh.

Tóm lại, từ bối cảnh khu vực, từ mối quan hệ tay ba Đàng Trong, Chân Lạp và Xiêm La, trong đó sự không tự chủ của Chân Lạp, sự thất bại trong chính sách "Đông tiến" của Xiêm La đã đưa thế lực của chúa Nguyễn lên vai trò chủ đạo. Lấy Chân Lạp làm hệ quy chiếu và luận chứng cho vấn đề, có một nhận định xác đáng: "Một thực tế lịch sử diễn ra là nếu như trước thế kỷ XVII, Xiêm La là yếu tố bên ngoài chủ đạo tác động đến chính trường Chân Lạp thì đến thế kỷ XVII - XVIII, Đàng Trong đã từng bước dần thay thế vị trí đó của Xiêm La. Vị trí độc tôn của Xiêm La đối với Chân Lạp đã dần dần mất đi. Đầu thế kỷ XVIII, hầu hết các triều vua Chân Lạp đều có mối quan hệ mật thiết với Đàng Trong. Đàng Trong trở thành lực lượng chính chi phối đến triều chính Chân Lạp bởi phần lớn những lần lên ngôi của các vua Chân Lạp đều cần đến sự giúp sức của Đàng Trong."[6, 61] Bối cảnh khu vực như trên đã tác động quan trọng đến tình hình Đàng Trong, mà ở đây chỉ vùng đất Nam bộ.

2.2 Bối cảnh lịch sử vùng đất Nam bộ

Bản đồ Đại Việt cuối thế kỷ XVIII như một bức tranh nhiều màu, mỗi màu biểu thị một quyền lực thống trị. Theo GS. Lê Thành Khôi, khoảng năm 1790, từ Bắc Hà đến Đèo Hải Vân là vùng đất của Nguyễn Huệ. Từ Đèo Hải Vân đến Bình Thuận thuộc Nguyễn Nhạc. Phần còn lại của Đại Việt, tương ứng với Nam bộ hiện nay là nơi đứng chân của Nguyễn Ánh. Cũng cần nói thêm, vùng đất Nam bộ thời kỳ này còn một nhân vật không chính danh đó là Đông Định vương Nguyễn Lữ. (Xem bản đồ)


(Nguồn: Việt Nam - Quốc hiệu và Cương vực qua các thời đại)

Quan sát bản đồ Đại Việt năm 1790 của GS. Lê Thành Khôi cho thấy anh em Tây Sơn đã chiếm ¾ lãnh thổ Đại Việt. ¼ còn lại là vùng đất Nam bộ thuộc Nguyễn Ánh (và cả Nguyễn Lữ). Tìm hiểu bối cảnh lịch sử vùng đất Nam bộ lúc bấy giờ thể hiện thông qua các chính sách của hai chính quyền cùng song song tồn tại: Tây Sơn và chúa Nguyễn.

Trước hết, từ sau khi Tây Sơn thắng Duệ Tôn và xưng đế (năm 1778) [9, 87 - 108], chính quyền Tây Sơn chưa để lại ấn tượng tốt đẹp gì về chính sách kinh tế - xã hội đối với dân Nam bộ (ngoại trừ chiến thắng 5 vạn quân Xiêm trên sông Rạch Gầm-Xoài Mút, năm 1785). Trong các chuyên khảo về triều đại Tây Sơn,(9) chính sách đối với vùng đất Nam bộ gần như mờ nhạt. Một nghiên cứu về vua Quang Trung và vấn đề nội trị [12, 145 - 154] cho biết gồm: Hành chính, quân sự, kinh tế tài chính, văn hóa, tôn giáo, chọn nhân tài và dẹp phiến loạn. Tuy nhiên, các chính sách trên chỉ thực hiện từ khu vực Thuận Hóa trở ra Bắc. Phần đất Nam bộ không được đề cập đến. Tại sao? Lý giải cho vấn đề này, có ý kiến cho rằng: "Làm chủ Đại Việt từ biên giới Trung Quốc đến đèo Hải Vân, vua Quang Trung tức khắc bắt tay vào khôi phục đất nước. Nhưng Quang Trung lại chỉ có một thời gian rất ngắn: năm năm trị vì. Ngài cho thành lập một kinh đô mới tại Nghệ An, trung tâm của vương quốc, nhưng bản thân ngài lại không có thời gian để ngự trị tại đây." [14, 386] Qua đoạn dẫn trên cho thấy, ‘lãnh thổ’ của Quang Trung "từ biên giới Trung Quốc đến đèo Hải Vân" (như bản đồ trên), thời gian trị vì rất ngắn "năm năm", phải chăng vì vậy mà các chính sách của Quang Trung chưa được thực thi trên vùng đất này? Cùng vấn đề trên có một ý kiến khác: "Chủ tâm của Tây Sơn đối với Gia Định là tiêu diệt thế lực quân sự Nguyễn Ánh, để thu gom vật lực, tài lực để phục vụ mục tiêu lớn hơn là tiêu diệt chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, hơn là chiếm cứ quản lý đất đai. Nên trong suốt thời gian làm chủ Gia Định, Tây Sơn chưa có một công trình nào về kinh tế - xã hội đáng kể, khả dĩ thay đổi cấu trúc xã hội cũ, triệt tiêu các tiềm năng xã hội có thể giúp lực lượng Nguyễn Ánh hồi phục. Sau mỗi lần chiến thắng, đại quân Tây Sơn rút đi, chỉ để lại một bộ phận quân sự nhỏ ở lại lo việc phòng thủ, hơn là tổ chức một hệ thống hành chính quản lý mới, cải tạo xã hội, thu hút nhân tâm. Do đó, chúng ta không lạ gì khi thấy cái cảnh lập đi lập lại là đại quân Tây Sơn rút đi không bao lâu là lực lượng Nguyễn Ánh hoạt động trở lại"[8, 28] Ở đây cho thấy, sự thiếu chặt chẽ của Tây Sơn đối với Gia Định (chỉ vùng đất Nam bộ) vì "mục tiêu lớn hơn là tiêu diệt chúa Trịnh ở Đàng Ngoài" và "trong suốt thời gian làm chủ Gia Định, Tây Sơn chưa có một công trình nào về kinh tế - xã hội đáng kể, khả dĩ thay đổi cấu trúc xã hội cũ" .

Như vậy, ở Nam bộ về phía Tây Sơn, do phân chia giữa ba anh em nên nơi đây thuộc sự quản lý của Nguyễn Lữ. Lữ lại là người thiếu thực tài. Quang Trung không trực tiếp cai quản vùng đất Nam bộ, trong thời gian trị vị quá ngắn ngủi (5 năm), người anh hùng áo vải lại dành nhiều công sức cho công cuộc tiêu diệt chúa Trịnh và ổn định Bắc Hà. Đó cũng là lý do giải thích tại sao các chính sách của Tây Sơn gần như chưa được thực thi tại đây. Tất cả các vấn đề trên đã phản ánh một trong hai lực lượng (Tây Sơn và chúa Nguyễn) ở Nam bộ vào hậu bán thế kỷ XVIII.

Nếu Tây Sơn gần như chưa có động thái tích cực về các mặt đến vùng đất Nam bộ thì Nguyễn Ánh bằng những phẩm chất riêng của mình, thông qua các hoạt động mà mục đích chính trị cao nhất là đánh bại Tây Sơn, đã từng bước khôi phục lại thế lực, tiến tới giành lại quyền thống trị đất nước.

Về phẩm chất riêng, Thực lục chép: "Mùa thu năm Ất dậu [1765], Hưng tổ băng, khi ấy vua mới lên 4 tuổi, rồng ẩn ở nhà riêng. Lớn lên thông minh tính sẵn, vua Duệ Tông rất yêu quý trọng, cho ở trong cung, [...] Mùa xuân năm Ất mùi vào Gia Định, được trao chức Chưởng sử, coi quân Tả dực. Mỗi khi có việc quân, Duệ Tông cùng với vua bàn tính, nhiều điều rất đúng, các tướng đều khâm phục."[2, 204] Sẽ có ý kiến cho rằng các bộ sử triều Nguyễn chưa khách quan khi ghi chép về vua chúa quốc triều, ở đây loại bỏ các tán tụng của sử quan còn các chi tiết cần chú ý thể hiện phẩm chất của Nguyễn Ánh: "thông minh tính sẵn", "cùng với vua bàn tính, nhiều điều rất đúng, các tướng đều khâm phục". "Thông minh tính sẵn", liệu việc như thần ở Nguyễn Ánh được sử liệu ghi chép khá nhiều. Đơn cử năm 1787, chúa Nguyễn Ánh đóng quân ở Mỹ Lung và sai các tướng Tôn Thất Huy, Lê Văn Quân, Tôn Thất Hội đắp đồn phòng thủ. Tướng Tây Sơn Phạm Văn Tham được lệnh đem quân đánh. Quan quân chúa Nguyễn cố thủ, Tây Sơn đánh không được, lui về Ba Lai. Vừa lúc đó, "thái úy giặc là Nguyễn Văn Hưng từ Quy Nhơn đem thuyền vận tải 30 chiếc đến, họp với quân Tham góp sức chống đánh. Các tướng đều lấy làm lo. Vua nói: "Bộ khúc của Hưng dẫu nhiều, nhưng chỉ lo việc vận tải không dự việc chiến đấu, há lại chịu vì Tham mà gắng sức ư? Nay hãy ra lệnh cho các đạo cứ đóng quân cố giữ. Hưng bất quá vài tháng chở đầy thuyền thì về. Hưng đã về thì Tham cô thế, phá sẽ rất dễ". Không bao lâu Hưng quả đem quân đi. Tham lui về sông Mỹ Tho, đánh bị thua luôn, lại quay về giữ Sài Gòn. Các tướng đều phục vua tính toán thần diệu."[2, 230]

"Thông minh tính sẵn", còn được thể hiện qua quyết tâm cao độ của công cuộc "Gia Long phục quốc". Một nhận định xác đáng về vấn đề này như sau: "Chỉ tính đến thời điểm khôi phục được Gia Định (đầu năm 1789), trong khoảng 14 năm tranh đấu với Tây Sơn, bao nhiêu lần Nguyễn Ánh bị đánh bật ra khỏi Nam Bộ, binh tướng tan tác, phải trốn chui trốn nhủi, nhịn đói chịu khát, bản thân cũng nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, phải lưu vong sang Xiêm ăn nhờ ở đậu gánh chịu nhiều nỗi nhục nhã ...

Nhưng Nguyễn Ánh vẫn không vơi quyết tâm đánh trả Tây Sơn thu phục đất Gia Định, mảnh đất mà tổ tiên Nguyễn Ánh dày công gầy dựng. Nguyễn Ánh đã vượt qua biết bao nhiêu gian khó, bao nhiêu trở ngại để đạt được mục tiêu đã đề ra. Để ra ngoài thiên kiến chánh trị, động cơ phục thù của Nguyễn Ánh, thì lòng kiên trì, quyết tâm cao độ đó thật đáng lưu ý."[8, 32]

Phạm trù "thông minh" còn được biết đến qua việc chúa Nguyễn Ánh triệt để khai thác ưu thế của vùng đất Nam bộ. Ưu thế đó gồm thu phục nhân tâm và địa lợi. Trong thâm tâm người dân Gia Định luôn nhớ ơn các chúa Nguyễn. Theo họ, cuộc sống sung túc mà họ đang hưởng là nhờ công lao mở đất, nên đương nhiên có bổn phận ủng hộ, giúp đỡ Nguyễn Ánh khôi phục cơ đồ. Nguyễn Ánh triệt để khai thác yếu tố này để xây dựng lực lượng. Nhiều lần bị Tây Sơn đánh gần như tan rã hoàn toàn, nhưng chỉ một thời gian ngắn lực lượng chúa Nguyễn lại hồi phục nhanh chóng. Đồng thời đến lúc bấy giờ, sau hơn một thế kỷ khai hoang của các lưu dân người Việt, vùng đất Nam bộ với phù sa màu mỡ, sản vật tự nhiên phong phú, là nơi cung cấp tài lực cho Nguyễn Ánh. Làm chủ Gia Định, chúa Nguyễn sẽ tự chủ được nguồn lương thực dồi dào,[xem: 8, 33 - 34] một trong hai yếu tố tạo nên sức mạnh, như kinh nghiệm dân gian đã đúc kết "mạnh vì gạo, ..."

Để thu phục nhân tâm, ngoài triết lý dân gian "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" sẵn có của người dân Nam bộ, chúa Nguyễn còn rất quan tâm đến chính sách chiêu hiền đãi sĩ. Điều này chính thầy dạy của anh em Tây Sơn cũng nhận thấy và từng lưu ý với Nguyễn Nhạc: "Gia Định ở xa Phú Xuân, nhân dân chưa bị khổ sở về nạn Trương Phúc Loan, nên không căm thù nhà Nguyễn như người miền Trung. Quân ta vào đánh quân nhà Nguyễn, nhân dân miền Nam coi là cuộc tranh giành quyền vị với nhau, chớ không phải để giải phóng họ. Bởi vậy hễ bên nào mạnh, được thì họ theo, theo trong nhất thời. Rồi ai được ai thua, họ bàng quan tọa thị. Do đó quân ta cứ lấy được Gia Định rồi lại mất...Muốn giữ đất được lâu bền, thì phải làm thế nào chiếm cho được lòng dân, nhất là lòng của kẻ sĩ." [12, 90]

Chính sách đãi ngộ hiền tài của chúa Nguyễn Ánh đã mang lại kết quả rất nhiều danh tướng theo về đầu quân: Nguyễn Huỳnh Đức, Võ Tánh, Ngô Tùng Chu, Chu Văn Tiếp,... Tất cả đều lập nhiều chiến công to lớn nên sau khi hy sinh, được vua Gia Long truy tặng Công thần trung hưng và cho tùng tự tại Công thần trung hưng miếu.[2, 775]

Để khai thác vùng đất Nam bộ một cách có hiệu quả, từ buổi đầu mở đất chúa Nguyễn khuyến khích khai hoang, cho dân tự vỡ đất lập điền và tự khai thuế. Quá trình này đã diễn ra trong hai trăm năm, như trong một nghiên cứu cho biết: "Buổi đầu, suốt thời gian hai thế kỷ (1600 - 1800), xứ Gia Định còn thưa dân nhiều đất nên nhà nước khuyến khích việc khai hoang: ai ở đâu, muốn vỡ đất chỗ nào, chiếm hữu nhiều hay ít, tự ý muốn đóng thuế bao nhiêu thì khai báo bấy nhiêu, nhà nước không hạn chế, không đo đạt hay khám xét."[15, 81] Vì vậy, người dân được no đủ, nhiều tiểu nông trở thành địa chủ, phú hào. Để rồi khi chúa Nguyễn trong thời gian bôn tẩu cần sự trợ giúp, họ không do dự tiếp ứng và tự xem như một đạo lý ở đời. Trường hợp ông Nguyễn Văn Mậu (tức Bỏ Hậu), người làng Tân Long (nay là xã Long Hưng B, Lấp Vò, Đồng Tháp), bậc hào phú, chức Tri thâu kiêm chức Trùm cả mở lẫm lúa cung cấp cho quan binh chúa Nguyễn Ánh suốt 3 tháng ròng là một minh chứng.

Cùng với chính sách cho dân tự khẩn hoang, năm 1790, sau khi lấy lại Gia Định, chúa Nguyễn Ánh còn bắt đầu tổ chức "đồn điền". Quốc sử chép: "Vua dụ cho các quan văn gia rằng: "Đạo trị nước, trước hết phải cho đủ ăn. Nếu thóc nhiều của thừa thì việc gì chẳng nên? Bốn dinh Gia Định đất đai rất rộng. Trước kia việc quân chưa xong, đói kém xảy ra luôn, đến nỗi ruộng vườn bỏ hoang, dân chưa ra sức việc nông, của nước lương quân còn chưa đầy đủ. Đồn điền là phép hay đời xưa, nay muốn cử hành mà chưa nắm được chỗ cốt yếu. Các khanh vốn có mưu xa kinh quốc, ở vị mình tất phải tính việc mình, đều nên điều trần quy thức, viết thành tập riêng tiến trình, trẫm sẽ chọn những điều hay mà đem thi hành." Rồi ra lệnh cho các đội túc trực và các vệ thuyền dinh Trung quân ra vỡ ruộng ở Vàm Cỏ, đặt tên là trại Đồn Điền, cấp cho trâu bò điền khí và thóc ngô đậu giống. Đến ngày thu hoạch đem hết về kho (tức kho Chừ Tích, sau đổi làm kho Đồn Điền). Lấy cai cơ hiệu Tiền dực là Nguyễn Bình trông coi việc ấy."[2, 265]

Qua đoạn dẫn trên cho thấy, về lực lượng lập đồn điền trước hết là quân binh. Sau đó, còn có dân thường, ngoại kiều (Hoa, Khmer) và cả tù phạm. Chính quyền chúa Nguyễn còn chia cấp ruộng đất hoang cho dân nghèo, ra sắc lệnh bỏ ruộng hoang bị tội, định mức thu thuế, ... (10)

Những chính sách kinh tế - xã hội gồm: thu phục nhân tâm, chiêu hiền đãi sĩ, tổ chức khai thác vùng đất Nam bộ như trên đã nêu, là cơ sở giúp chúa Nguyễn Ánh xác lập lại vị thế đối trọng với Tây Sơn và giành lại quyền thống trị nơi đây. Sau đó, tiến hành các trận đánh theo mùa, lần lượt chiếm lại Phú Xuân, Thăng Long và hoàn thành thống nhất đất nước. Vì vậy nơi đây có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với chúa Nguyễn, đúng như ý kiến sau: "Đối với Nguyễn Ánh, nó [tức đồng bằng sông Cửu Long - ĐKT] trở thành một chân trời khác, một căn cứ đầy tiềm lực để ồn tiến hành một cuộc trở lại vị trí của ông. Chính những tiềm lực của đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là thóc gạo tại đây, đã giúp Nguyễn Ánh có thể đánh bại Tây Sơn ba mươi năm sau, thiết lập triều Nguyễn và một quốc gia thống nhất mới. Đàng Trong, ra đời trong nội chiến, biến mất trong nội chiến, nhưng Đàng Trong lại đã định hình lại Việt nam trong mọi quy mô có thể."[17, 250]

Tóm lại, với những yếu tố chủ quan lẫn khách quan đã giúp chúa Nguyễn Ánh giành được thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến tranh với Tây Sơn. Tổng hợp về nguyên nhân, có nhận định đã nêu: "Nguyễn Ánh chiến thắng nhờ chính con người của ông, và do những sai lầm của kẻ địch, do cái chết đến quá sớm của Quang Trung.

Trong suốt mười tám năm, kể từ khi chạy trốn khỏi kinh đô với cha tới Gia Định, Nguyễn Ánh đã chiến đấu không ngơi nghĩ, nếm đủ mọi thử thách nhưng không ngã gục, chứng tỏ một lòng can đảm và một sức kiên trì phi thường.

Nhưng ông lại cũng là một nhà cai trị. Trong khi Tây Sơn không thấy được tầm quan trọng chiến lược của Gia Định, Nguyễn Ánh, một khi lấy lại được vùng đất này, đã biết biến nó thành bàn đạp vững chắc cho cuộc chiến giành lại vương quốc. Tính hữu hiệu của tổ chức hành chính và kinh tế của vùng đất này được bộc lộ trong các cuộc chiến theo mùa. Sản lượng thóc gạo phong phú, chất trong kho lẫm được cất lên dọc con đường từ Gia Định lên phía bắc, và tiến theo đà quân tiến, khiến quân đội luôn được tiếp tế lương thực đầy đủ, mà không phải nhờ vả địa phương, do đó, không làm mất cảm tình của người dân ..." [14, 399]

Bối cảnh lịch sử khu vực và vùng đất Nam bộ cuối thế kỷ XVIII như thế đã tác động đến xu hướng chính trị của Nguyễn Văn Thư.

3. Thái độ chính trị của Nguyễn Văn Thư

Bối cảnh lịch sử vùng đất Nam bộ như đã trình bày ở phần trên, trong đó nổi rõ những mặt tích cực và hạn chế của hai chính quyền Nguyễn Ánh và Tây Sơn; lòng dân đối với công lao tổ chức khai hoang mở đất của các chúa Nguyễn; những phẩm chất riêng của Nguyễn Ánh là những nhân tố tác động không nhỏ đến tư tưởng của một số nhân vật đương thời, trong đó có Nguyễn Văn Thư. Tuy nhiên, thái độ chính trị của ông như thế nào? Để lý giải cần xét đến các yếu tố gồm: nguồn gốc gia đình, gia phong, thầy học, bản tính cá nhân, ...

Như trên đã nêu, gia tộc Nguyễn Văn Thư không phải là người địa phương, vốn gốc ở Bình Định. Trong lịch sử, nơi đây đã từng là đất của tộc Bách Việt, thuộc họ Việt Thường. Vùng đất này được lịch sử nhắc đến dưới nhiều tên gọi Lâm Ấp, Chiêm Thành, Champa, ... Đến năm 1797, chúa Nguyễn Ánh đánh chiếm được Thành Hoàng đế của Nguyễn Nhạc và đổi thành Bình Định. Tên gọi Bình Định bắt đầu từ đây. [3, 552]

Tiền bán thế kỷ XVIII, Bình Định nhiều lần là chiến trường giữa quân chúa Nguyễn và quân Trịnh. Tiếp đến khi Phong trào Tây Sơn bùng nổ (năm 1771), nơi đây là xuất phát điểm để anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh vào Nam lật đổ chính quyền chúa Nguyễn, xóa bỏ tình trạng chia cắt và đặt cơ sở thống nhất đất nước. Trong suốt mấy mươi năm chiến tranh, nhiều gia đình đã rời bỏ quê hương vào vùng đất phương Nam lánh nạn và tìm sinh kế. Trong số đó có người bị bắt buộc (tù binh, phạm nhân), có người tự nguyện (dân thường, phú hào ...) theo chính sách khẩn hoang của chúa Nguyễn. Ông Nguyễn Văn Núi và bà Lê Thị Nhạc có lẽ cũng vào Nam trong hoàn cảnh như vậy. Và như thế, khi định cư trên vùng đất mới do các chúa Nguyễn tạo lập, theo logic triết lý dân gian như trên đã nêu, thân sinh của Nguyễn Văn Thư đã chịu ơn chúa Nguyễn.

Sinh ra trong gia đình với tâm thế "thụ ơn tất báo" cho nên Nguyễn Văn Thư cũng như các người em đều xem việc đáp đền ơn chúa Nguyễn là việc hiển nhiên.

Ngoài giáo huấn của huyên đường, anh em Nguyễn Văn Thư còn được vị thầy Huế truyền dạy võ thuật. Người thầy này vào vùng đất Nam bộ có thể cũng xuất phát từ các nguyên nhân như trên, do đó ngoài những chiêu thức võ thuật, không thể không có bài học ân nghĩa trong đời đã được truyền thụ cho học trò. Không riêng người thầy Huế này, khảo trong lịch sử, các thầy đồ Nho ngày xưa không chỉ có chữ thánh hiền mà còn ít nhiều dạy "dăm ba" miếng võ cho môn sinh để phòng thân. Ở họ, trong văn có võ, trong võ có văn. Đoạn dẫn sau đây của Quách Tấn - Quách Giao khi nói về thầy dạy của anh em Tây Sơn, tức cụ giáo Hiến là minh chứng: "Ông Trương Văn Hiến dạy cả văn lẫn võ. Người đến xin học văn thì bắt buộc phải học thêm võ. Những người đến xin học võ thì bắt buộc phải học thêm văn. Bởi có văn không võ thì thường nhu nhược. Có võ không văn thì thường hay cường bạo. Văn võ phải nương nhau thì đạo làm người mới giữ được vững." [12, 21] Vì vậy, mặc dù chưa có tư liệu thành văn ghi chép về vấn đề này nhưng qua các trường hợp tương tự, theo logic lịch sử cho phép suy luận, ít nhiều anh em Nguyễn Văn Thư chịu ảnh hưởng của thầy học đối với thời cuộc khi thể hiện thái độ chính trị.

Con người là một thực thể không chỉ mang cá tính riêng mà còn chịu sự chi phối của gia đình và xã hội. Gia đình Nguyễn Văn Thư như trên đã trình bày tất yếu hình thành ở ông tính cách như sách Liệt truyện chép: "Nguyễn Văn Thư: Người huyện Kiến Phong, khảng khái có khí tiết ..." (đã dẫn). Trong đó, khảng khái (慷慨)có nghĩa là mạnh mẽ, hiên ngang, hào hiệp, rộng rãi, phóng khoáng, ... khí tiết, (氣節) tức lòng dạ ngay thẳng, trong sạch. (11) Như vậy, người "khảng khái có khí tiết" là người mạnh mẽ, hiên ngang, hào hiệp, rộng rãi, phóng khoáng và có lòng dạ thẳng ngay trong sạch. Chính đức tính này ở Nguyễn Văn Thư cùng với bối cảnh lịch sử - xã hội trên vùng đất Nam bộ lúc bấy giờ đã quyết định thái độ chính trị của ông trước thời cuộc: theo phò chúa Nguyễn Ánh.

4. Lời kết

Khi nghiên cứu nhân vật lịch sử, GS. Phan Huy Lê đã từng nhấn mạnh: "Đánh giá về một nhân vật lịch sử, một con người, nói chung đã là một vấn đề phức tạp và tinh tế, đòi hỏi các nhà khoa học phải đặt nhân vật đó vào bối cảnh lịch sử cụ thể với tất cả mối quan hệ phức tạp của hoàn cảnh gia đình, văn hóa, xã hội, điều kiện hoạt động và nhất là yêu cầu phát triển của đất nước trong xu thế chung của thời đại và cả khu vực, để phân tích và nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và thỏa đáng về mặt công lao, cống hiến, mặt tích cực cũng như mặt hạn chế và tiêu cực." [18, 289 - 290]

Trên tinh thần đó, qua những đóng góp của Thư ngọc hầu Nguyễn Văn Thư cho thấy ông là một nhân vật lịch sử lớn thời chúa Nguyễn mà lâu nay hậu thế có phần lãng quên. Từ các luận chứng đã nêu trong bối cảnh lịch sử đương thời đã chỉ ra rằng việc theo phò chúa Nguyễn Ánh là điều không thể khác được ở ông. Và kể từ quyết định đó, Nguyễn Văn Thư đã lập được nhiều chiến công, xả thân giúp chúa phục nghiệp. Việc truy phong Công thần trung hưng của vua Gia Long thiết nghĩ rất xứng đáng với sự đóng góp của ông so với các nhân vật cùng thời.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục làm sáng tỏ:

1. Gia đình ông Núi bà Nhạc vào Nam thời gian nào? Khi từ Bình Định vào, thực tế gia đình Nguyễn Văn Thư là "gia cảnh ngày một khá giả" (Đồng Tháp nhân vật chí) hay "Vì làm lụng vất vả mà vẫn thiếu trước hụt sau" (Wikipedia)?

2. Về nơi sinh của ông, theo Nhất thống chíLiệt truyện ghi: "người huyện Kiến Phong, trấn Định Tường". Và tài liệu khác, ở "huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang nay" (Wikipedia)(12)theo chúng tôi cần tiếp tục nghiên cứu để tường minh. Bởi vì, thời Nguyễn huyện Kiến Phong và Mỹ Luông, Cù lao Giêng là hai đơn vị hành chính khác nhau. Nguyễn Văn Thư không thể cùng lúc sinh ở hai nơi. Ở đây chỉ xin góp một ý nhỏ về cách ghi trong Đại Nam nhất thống chíĐại Nam liệt truyện. Cả hai tài liệu đều thống nhất ông là "người huyện Kiến Phong". Huyện Kiến Phong theo Nhất thống chí chép: "Nguyên trước là hai tổng Kiến Hòa và Kiến Đăng. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), đặt phân huyện Kiến Đăng. Năm thứ 19 (1838), bỏ phân huyện, đặt huyện Kiến Phong thuộc phủ [Kiến Tường - ĐKT] kiêm lí, gồm bốn tổng, 36 thôn." [4, 1703 - 1704] Theo đó, đến năm 1838 mới xuất hiện huyện Kiến Phong, thuộc phủ Kiến Tường, tỉnh Định Tường (chúng tôi nhấn mạnh).

Như lịch sử cho biết, năm 1831 - 1832, vua Minh Mạng chia cả nước thành 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên. Trong đó, năm đầu chia các trấn phía Bắc thành 18 tỉnh (13 tỉnh thuộc Bắc kỳ và 5 tỉnh thuộc Trung kỳ). Năm sau, các trấn phía Nam được chia thành 12 tỉnh. Định Tường là một trong Nam kỳ lục tỉnh. (xem ảnh)


Đất Nam Kỳ vào đầu thời nhà Nguyễn, cho đến trước năm 1841
(nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_K%E1%BB%B3_L%E1%BB%A5c_t%E1%BB%89nh)

Như vậy, cách ghi của Liệt truyện "Người huyện Kiến Phong, trấn Định Tường" (đã dẫn ở trên) là chưa chính xác. Vì khi lập huyện Kiến Phong (năm 1838) thì không còn trấn Định Tường. (Chúng tôi nhấn mạnh). Cũng xin nói thêm, không thống nhất cách ghi của Liệt truyện không đồng nghĩa với việc phủ định Nguyễn Văn Thư là "người huyện Kiến Phong".

3. Về cúng giỗ và sắc thờ có sự "trái khoáy" (ngược với lẽ thường; theo cách không bình thường).[19, 986] Bởi lẽ, như có tài liệu cho biết, hàng năm vào các ngày 25, 26 và 27 tháng 6 âm lịch, có đến hàng ngàn người tụ hội về Phủ thờ Nguyễn tộc [ở xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang] tham gia lễ giỗ ông với đầy đủ nghi lễ cổ truyền, sau đó là các màn trình diễn, vui chơi giải trí như hát bội, rước sắc từ Cao Lãnh về. (13)Tại sao phủ thờ và cúng giỗ ở Chợ Mới còn sắc thờ tại Cao Lãnh?

Một công thần trung hưng với nhiều phẩm chất tốt đẹp: mạnh mẽ, hiên ngang, lòng ngay dạ thẳng, trong sạch (tức khảng khái, khí tiết:慷慨, 氣節), thờ chúa hết lòng, một trung thần nghĩa dũng (ít nhất là với chúa Nguyễn) ở vùng đất Nam bộ, nhưng chỉ được gia tộc phụng thờ tại địa phương cùng với bài vị ở Công thần trung hưng miếu Huế là chưa công bằng với ông. Hậu thế cần tôn vinh đúng công lao của Thư ngọc hầu bằng các việc trùng tu tôn tạo phủ thờ; đặt tên ông cho đơn vị hành chính, đường phố, trường học; lập bia ghi tiểu sử và công trạng nơi ông sinh ra và nhất là cần lý giải những vấn đề còn tồn nghi dưới ánh sáng khoa học. Có như thế Lịch sử mới thật sự là lăng kính trung thực, phản ánh chân xác các sự kiện, nhân vật và tính hấp dẫn như nó vốn có. Bởi lẽ, "cái làm nên sự hấp dẫn của lịch sử chính là sự chân thực và lẽ công bằng." (14) Tìm hiểu Thư ngọc hầu Nguyễn Văn Thư cũng nằm trong quy luật nghiên cứu chung đó.

Tài liệu tham khảo

[1]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Tập 1-2, Nxb Thuận Hóa, 2013.

[2]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb Giáo dục, 2002.

[3]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Nxb Lao động và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2012.

[4]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Nxb Lao động và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2012.

[5]. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp, Đồng Tháp nhân vật chí, Nxb Trẻ, 2015.

[6]. TS. Đỗ Quỳnh Nga, Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời chúa Nguyễn, Nxb Chính trị quốc gia, 2013.

[7]. Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Nxb Tri thức & Cty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, 2012.

[8]. Nguyễn Hữu Hiếu, Diễn trình văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Thời đại, 2005.

[9]. Nguyễn Phương, Việt Nam thời bành trướng Tây Sơn, Nhà sách Khai trí, 1968.

[10]. Văn Tân, Cách mạng Tây Sơn, Nxb Khoa học xã hội, 2004.

[11]. Nguyễn Duy Chính, Việt - Thanh chiến dịch, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, 2016.

[12]. Quách Tấn - Quách Giao, Nhà Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung Bình Định, 2002.

[13]. Quang Trung - Nguyễn Huệ (Tập san Sử Địa), Nxb Hồng Bàng và Tạp chí Xưa & Nay, 2012.

[14]. Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nxb Thế giới và Cty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam, 2014.

[15]. Nguyễn Đình Đầu, Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh, Nxb Khoa học xã hội và Cty cổ phần Sách Alpha, 2016.

[16]. Nguyễn Thế Anh, Kinh tế và Xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nxb Văn học, 2008.

[17]. Li Tana, Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế- Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nxb Trẻ

[18]. Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, Nxb Hồng Đức và Tạp chí Xưa & Nay, 2013.

[19]. Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển học và Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1994.

[20]. Lê Nguyễn, Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc - Nhân vật và sự kiện lịch sử, Nxb Hồng Đức và DT Books, 2016.

Chú thích

(1) - Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp. Email: kimtruong.do@gmail.com. Sđt: 01254701099. Địa chỉ liên hệ: Đỗ Kim Trường, số nhà 39, đường Phan Chu Trinh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

(2) - Đúng ra là Nguyễn Văn Thư nhưng Liệt truyện chép là Nguyễn Văn Thủ (tr 381) và ở phần Sơ tập tổng mục, tại tập 17: Truyện các quan. Mục XIV ghi là Nguyễn Văn Thự (tr 168). Tuy nhiên sau khi tra cứu nội dung Liệt truyện thể hiện ở tr 381 và đối chiếu với Đại Nam thực lục, Tập 1 thì đều thống nhất với nhau. Vì vậy, có thể kết luận nhân vật Nguyễn Văn Thủ ghi trong Liệt truyện chính là Nguyễn Văn Thư.

Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Tập 1-2, Nxb Thuận Hóa, 2013, tr 168 và tr 381; Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb Giáo dục, 2002, các tr 252, 260, 274, 286, 309, 330 (chứ không phải tr 331 như phần Mục lục, tr 1045 đã chú.)

(3) - Theo Wikipedia. Xem: https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%B0_Ng%E1%BB%8Dc_H%E1%BA%A7u

(4) - Theo Wikipedia. Xem: Thư Ngọc Hầu, Tlđd.

(5) - Về thời gian Nguyễn Văn Thư đầu quân cho chúa Nguyễn Phước Ánh có ý kiến cho rằng năm Nhâm Dần (1782). Xem: Thư Ngọc Hầu, Tlđd.

(6) - Theo Wikipedia. Xem: Thư Ngọc Hầu, Tlđd.

(7) - Thuật ngữ “Đàng Trong” ở đây chúng tôi xin giới hạn chỉ vùng đất Gia Định xưa, nay là Nam bộ.

(8) - Chẳng hạn: Tạ Chí Đại Trường gọi là “nội chiến”. Xem: Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Nxb Tri thức & Cty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, 2012; Nguyễn Hữu Hiếu gọi là "nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh trên đất Nam Bộ". Xem: Nguyễn Hữu Hiếu, Diễn trình văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Thời đại, 2005. tr 27. Nguyễn Phương gọi thời kỳ này "thời bành trướng Tây Sơn". Xem: Nguyễn Phương, Việt Nam thời bành trướng Tây Sơn, Nhà sách Khai trí, 1968; Văn Tân gọi đây là cuộc “cách mạng”. Xem: Văn Tân, Cách mạng Tây Sơn, Nxb Khoa học xã hội, 2004.

(9) - Xem thêm: Quang Trung – Nguyễn Huệ (Tập san Sử Địa), Nxb Hồng Bàng và Tạp chí Xưa & Nay, 2012; Nguyễn Phương, Việt Nam thời bành trướng Tây Sơn, nhà sách Khai Trí, 1968; Văn Tân, Cách mạng Tây Sơn, Nxb Khoa học xã hội, 2004; Quách Tấn – Quách Giao, Nhà Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung Bình Định xuất bản, 2002.

(10) - Xem thêm: Nguyễn Đình Đầu, Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh, Nxb Khoa học xã hội và Cty cổ phần Sách Alpha, 2016, tr 106 – 112. Nguyễn Thế Anh cũng cho biết: "các vua chúa nhà Nguyễn đều hết sức chú trọng đến việc dùng binh lính và tù phạm để lập đồn điền, kể từ khi Nguyễn Ánh tái lập đồn điền vào năm 1790, hoặc chiêu mộ lưu dân trong nước khai khẩn dinh điền dưới sự trông nom của các quan.”. Xem: Nguyễn Thế Anh, Kinh tế và Xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nxb Văn học, 2008, tr 133.

(11) - Theo Hán Việt từ điển. Xem: http://hvdic.thivien.net/

(12) - Cũng vấn đề này, Đồng Tháp nhân vật chí có phụ chú như sau: "Nguồn tư liệu khác, có lẽ dựa vào nơi tọa lạc mồ mả của ông hiện nay, cho ông sinh ra tại Cù lao Giêng (nay thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang)." Xem: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp, Đồng Tháp nhân vật chí, Sđd, tr 428.

(13) - Theo Wikipedia. Xem: Thư Ngọc Hầu, Tlđd.

(14) - Dương Trung Quốc, Lời giới thiệu sách "Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc – Nhân vật và sự kiện lịch sử" . Xem: Lê Nguyễn, Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc – Nhân vật và sự kiện lịch sử, Nxb Hồng Đức và DT Books, 2016.