Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ
Truyện ngắn Xuân Tuynh

Con Đốm Hoa

Ông Lã là tổng giám đốc một tập đoàn dệt may liên hợp có tên "Sắc Màu", tập đoàn cổ phần một thành viên. Từ sau khi nền kinh tế thị trường mở ra, tập đoàn của ông làm ăn phát đạt. Hàng dệt may của tập đoàn "Sắc Màu" sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngoài thị trường trong nước, "Sắc Màu" còn xuất sang các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ... Doanh thu của tập đoàn hàng năm lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tên tuổi của ông, của tập đoàn nổi lên như cồn, báo chí thường xuyên đưa tin, viết bài ngợi ca.

Tập đoàn làm ăn phát đạt, đời sống của công nhân ổn định, tất nhiên lương của tổng giám đốc phải cao ngất ngưởng. Nghe nói lương của tổng giám đốc "Sắc Màu" mỗi tháng lên tới hai nghìn đô, tương đương với hơn hai trăm triệu đồng tiền Việt Nam.

Ông Lã, tên đầy đủ là Quách Lân Lã, mọi người thường gọi đùa là "Quách Lâu La". Quách Lâu La người cao to, lông mày rậm, đôi mắt sâu, có bộ ria mép nhìn hài hước. Chỉ sau vài năm giữ chức tổng giám đốc "Sắc Màu" ông đã sắm được nhà lầu, xe hơi loại xịn. Ông nổi tiếng vào loại ăn chơi có hạng. Các bữa nhậu của ông với bạn bè ở những nhà hàng cao cấp chi phí mỗi bữa lên đến đôi trăm triệu. Ngoài thú vui ăn nhậu, em út, ông Lã còn có thú vui săn bắn. Trung bình mỗi tháng vị tổng giám đốc này cũng có hai, ba cuộc đi săn. Có lần đi với bạn bè, có lần chỉ một mình, thuê một con ngựa tốt, phóng vào rừng săn bắn.

Một buổi chiều mùa thu, trời mát, nắng nhạt, ông Lã cưỡi ngựa ung dung vào rừng săn. Nhà ông ở chỉ cách rừng nguyên sinh chừng năm cây số. Vừa vào khỏi cửa rừng chừng hai trăm mét, ông thấy một chú chó đốm hoa, ốm yếu, lông lá xù xì nằm bên vệ đường, thoi thóp thở, nước dãi chảy ra, mắt lờ đờ. Ông dừng ngựa, xuống xem. Con chó thấy người đến gần liền ngẩng đầu lên kêu "ăng ẳng, ăng ẳng" mấy tiếng, hai chân trước khẽ cào cào xuống đất tỏ ý van lơn, cứu giúp. Ông ngắm nghía con chó một hồi lâu: "Tội nghiệp cho chú mày. Chắc là đói lắm hả? Mi ở đâu, chủ mi là ai mà mi phải ra đây nằm?". Ông lấy trong túi xách ra một ổ bánh mỳ, bẻ cho nó một nửa, còn một nửa bỏ lại vào túi. Đó là cổ phần ăn trưa của ông. Con chó liền đưa hai chân trước kẹp chặt nửa chiếc bánh to bằng quả cam sành, ngoạm ngấu nghiến, nó ăn như một con vật chưa bao giờ được ăn. Ăn xong mắt nó tỉnh táo, thè lưỡi liếm vào mũi giày của ông tỏ ý cảm ơn. Ông Lã vỗ vào đầu nó: "Ăn no rồi, nghỉ ngơi cho lại sức. Tao đi săn đã, kẻo trưa đến nơi rồi". - Ông nói với con chó rồi nhảy phốc lên lưng ngựa phóng đi. Tiếng ngựa hí vang rừng.

Bữa đó ông Lã hứng thú đi săn mãi tới năm giờ chiều mới về. Trên lưng ngựa đeo lủng lẳng mấy con chim sâu và một con hoẵng nhỏ. Ra tới gần cửa rừng, ông ngạc nhiên thấy con đốm hoa vẫn nằm đó. Dường như nó có ý chờ ông. Gặp lại ông nó mừng lắm, chạy ra quấn quýt dưới chân ngựa. Ông Lã xuống ngựa nói: "Sao, không có nơi chốn nào về hở?". - Ông nghĩ thầm trong bụng. Mình đem nó về nuôi cho vui. Đây là giống chó cảnh, chó quý đấy. Không chừng nó lại có ích cho mình. Ông cúi xuống, bế con chó lên: "Thôi về sống với tao", con chó vẫy vẫy đuôi. Ông đặt con chó lên lưng ngựa phóng về nhà.

Bà Lưu Mộng Dung, vợ ông một phụ nữ đang ở độ hồi xuân. Mặt mày lúc nào cũng phấn son rực rỡ. Ỷ vào chồng làm ra tiền, bà sống ăn chơi phè phỡn. Bà là người rất ghét súc vật. Thoạt nhìn thấy đức ông chồng mang một con chó ốm yếu về bà la toáng lên: "Ông mang đâu của nợ này về. Hôi hám bẩn nhà bẩn cửa. Ông có biết mỗi ngày tôi quét dọn, lau sàn nhà mấy lần không?". Cô con gái út mười tuổi của ông rất quý chó. Thấy ba mang con chó đốm hoa về nó mừng lắm, bế con chó ra vòi nước lấy xà phòng thơm tắm cho nó. Vừa kỳ cọ, tắm táp cho chó, mặt quay vào nó nói với ba: "Ba à, nhà bạn con cũng có con chó giống hệt như con chó này. Ba bạn con là nhà sinh vật, ông nói: "Giống chó này là chó Tây đó. Bên Tây người ta quý giống chó này lắm. Ba tặng cho con nhen?". - Ông Lã cười: "Cha cô. Ba giao nó cho con chăm sóc nó đấy".

Con chó hoa được cha con ông Lã chăm sóc kỹ càng. Nó lớn nhanh và đẹp, nhanh nhẹn, thông minh hơn chó ta rất nhiều. Nó thường ngủ vào ban ngày, đêm thức canh nhà cho chủ. Ban đêm chỉ cần một động tĩnh nhỏ là nó sủa ầm lên. Nhiều lần kẻ gian đêm mò vào nhà ông, vừa đụng vào chân tường phía ngoài vườn, con chó đã đánh hơi được, phục sẵn bên trong. Kẻ gian vừa nhảy vào, con chó nhanh như chớp xô ngửa kẻ gian ngã xuống đất, ngoám vào mặt, vào cổ. Kẻ gian vùng vẫy, kêu la ầm ĩ. Ông Lã ra tóm gọn. Kẻ gian nhiều lần dùng bả đánh con chó nhà ông Lã nhưng không thành. Con chó chỉ quen ăn thức ăn của ông chủ như thịt bò nướng, gan lợn xào, cơm gạo trắng hoặc cá nướng thơm phức. Nó không bao giờ ăn thức ăn lạ ngoài thực đơn ông chủ dành cho nó.

Con chó hoa gắn bó với ông Lã, sống trong nhà ông được hai năm, ông quý nó như quý con cái mình. Ông rất vui, sau một ngày làm việc ở tập đoàn về, đầu óc căng thẳng, nhìn thấy con hoa ra tận cổng mừng rỡ đón là ông vui, lòng thanh thản. Con chó hoa cũng nhận thấy nó không thể thiếu ông. Chỉ đôi ngày ông đi công tác xa nhà là nó buồn thiu, nằm co ro trong xó nhà, không thèm ăn uống gì. Khi ông vừa về là nó mừng quýnh, chạy nhảy khắp nơi giống như một đứa trẻ được bố mẹ mua cho đồ chơi. Nhiều người bạn đến nhà nhìn thấy con chó đẹp, ngỏ ý mua với giá cao nhưng ông không bán. Có nhà chuyên gia nuôi chó đến trả ông với mức giá cao ngất ngưởng, hai trăm triệu ông không bán. Ông nói: "Tôi chẳng thiếu gì tiền bạc. Tôi có thể cho đi hai, ba trăm triệu nhưng bảo tôi bỏ con chó hoa thì không. Nó được coi là báu vật của gia đình tôi!". Một ông bạn thân của ông Lã, đến nhà thấy ông Lã cưng chiều con chó, nhiều lần bạn đến không tiếp, chỉ mải mê chơi với chó. Ông bạn bực dọc nói: "Nó là con chó, lại là chó Tây. Nó bám lấy ông chỉ vì ông cưng nó, cho nó ăn ngon. Nếu rời ông ra nó sẽ chết. Chứ nó là chó, nó có tình cảm chó gì".

Bước sang đầu thế kỷ 21, nền kinh tế toàn thế giới rơi vào khủng hoảng. Hàng Việt xuất sang châu Á, châu Mỹ bị ngưng trệ; các nước Bắc Phi đột ngột cắt hẳn hợp đồng các mặt hàng dệt may với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Hàng xuất không được, hàng bán trong nước yếu kém. Kinh tế của "Sắc Màu" bị sa sút nghiêm trọng. Công nhân không có việc làm.

*

Đúng thời điểm này, ông Lã phát hiện ra mình mắc chứng bệnh viêm gan. Người sút cân, mắt, da vàng như người xát nghệ. Vào bệnh viện khám, bác sĩ chuyên khoa phát hiện gan của ông đã sa xuống độ ba. Nghĩa là đã bước sang giai đoạn nguy hiểm. Muốn cứu sống chỉ còn một cách hữu hiệu là thay gan. Bác sĩ Lê Công Thạnh, Chủ nhiệm khoa ung bướu của bệnh viện, một người bạn thân của ông Lã, người có vầng trán cao rộng, gặp riêng ông Lã nói nhỏ với bạn:

- Việc ghép gan, tiền bạc đối với bạn, mình biết bạn không thiếu. Nhưng cái chính là tìm đâu ra gan để ghép. Muốn có gan ghép cho bạn phải có người hiến gan. Chuyện hiến gan ở nước ta quả là một điều hi hữu. Nếu không nói là hiếm thấy. Cậu biết đấy, mình làm ở chuyên khoa này mấy chục năm nay mà mới chỉ ghép có hai ca. Cả hai ca đều do người thân trong gia đình hiến. Trường hợp của bạn nếu không có người hiến tặng thì phải chờ lâu đó. Chỗ bạn bè, quen thân nhau lâu năm, mình gắng hết sức điều trị cho bạn, sử dụng những loại thuốc tốt nhất, hữu hiệu nhất cho bạn dùng để kéo dài sự sống. Các cụ ta xưa thường nói: "Còn nước còn tát". Biết đâu được cậu lại khỏi bệnh. Cứ lạc quan để chiến thắng bệnh tật.

Biết chồng bị bệnh ung thư gan, bà Dung âm thầm vơ gom góp tất cả vàng bạc, của cải trong nhà đổi sang đô la gửi vào ngân hàng. Một buổi sáng, ông Lã vừa qua một đêm đau đớn, mới nằm chợp mắt được vài phút, bà Dung vào ngồi đầu giường đánh thức chồng dậy. Giọng ngọt ngào, nhỏ nhẹ, một giọng nói hiếm thấy ở một người phụ nữ xưa nay thường xuyên ăn nói cộc cằn với chồng con:

- Anh à, cái sổ đỏ quyền sở hữu nhà, đất của nhà mình anh để đâu. Cả cái sổ tiết kiệm của anh nữa. Đưa nó cho em cất giữ. Kẻo anh ốm nằm một chỗ, em và con gái vắng nhà, kẻ trộm lẻn vào nẫng hết thì... À, mà cả cái khoản tiền anh cho chú Ba, cô Tư mượn làm nhà mấy năm trước tổng cộng là bao nhiêu anh cho em biết để em nói với cô chú ấy hoàn lại để thuốc thang cho mình.

Ông Lã tuy đau bệnh nhưng chưa đến nỗi lú lẫn, ông vẫn còn sáng suốt để nhận ra mưu kế của vợ. Ông biết bà muốn quản toàn bộ tài sản của mình để đề phòng trước khi qua đời mình sẽ chia chác cho anh em trong gia đình. Bởi tình cảm của vợ chồng ông cả chục năm nay không còn mặn nồng. Hai người sống ly thân, bà có quan hệ bất chính với một gã người tình cũ. Họ lén lút hú hý với nhau. Ông Lã xua xua tay, nói thều thào:

- Chuyện đó bà khỏi lo. Tôi ốm nằm một chỗ nhưng còn con đốm hoa, nó bảo vệ tôi. Không kẻ nào to gan dám vào nhà làm hại tôi đâu.

- Chó, chó cái của nợ ấy sao nó không chết quách đi cho xong. - Bà giận dữ bỏ ra ngoài. Con đốm hoa từ ngoài sân chạy vào ngồi phía cuối giường ông chủ, mở tròn mắt dõi theo bà Dung.

Ngày hôm đó, bà Dung không ra khỏi nhà. Suốt ngày đi ra ngõ rồi lại vào nhà, đứng, ngồi không yên dường như bà đang toan tính một điều gì. Đêm khuya, đợi cho ông Lã ngủ thiếp đi, bà lẻn vào phòng riêng của ông lục lọi. Nghe tiếng động, con đốm hoa sủa inh ỏi, tiếng sủa của nó chát chúa làm ông Lã bừng tỉnh, la lên:

- Chuyện gì. Có chuyện gì vậy đốm hoa? - Con đốm hoa càng sủa lớn hơn. Nó nhảy phốc lên chiếc ghế để ở góc nhà, gần công tắc điện, ấn chân trước vào công tắc điện, đèn bật sáng. Bà Dung tức giận, vơ vội lấy cây gậy của ông Lã dựng ở cửa ra vào phòng ông nằm quật tới tấp vào người con đốm hoa. Vừa đánh vừa chửi:

- Bà cho mày chết này, đồ chó không biết phân biệt kẻ lạ, người quen. Bà cho mày chết này!

Con hoa bị tấn công tới tấp, kêu inh ỏi, chạy đến bên giường ông chủ, nhảy vội lên giường, ôm chặt lấy chân ông chủ. Ông Lã quàng tay ôm lấy con đốm hoa. Bà gầm lên, dang cây gậy quật thẳng vào con đốm hoa, chẳng may lại vào trúng mặt ông Lã. Bị cú đánh mạnh, ông Lã nằm vật ra giường, máu ở mang tai túa ra, chảy thành dòng trên má. Con đốm hoa, nhanh như cắt, co hai chân trước lao thẳng vào người bà Dung, làm bà té ngửa xuống nền nhà. Đứa con gái ngủ ở phòng riêng nghe tiếng chó sủa, tiếng la hét của mẹ choàng tỉnh giấc, lao ra thấy mẹ nằm bất động trên sàn nhà, ba ôm đầu máu chảy đầm đìa liền gọi xe cấp cứu đưa ba mẹ đi bệnh viện. Bà Dung sau ít phút sơ cứu người khỏe lại bệnh viện cho xuất viện ngay. Ông Lã người ốm yếu, bị thương nặng ở tai, mất máu nhiều, bệnh viện giữ lại điều trị.

Về nhà, ngay sáng hôm sau, bà kêu thợ khóa đến mở két sắt của ông Lã lấy hết tiền vàng và cả giấy tờ nhà đất, cà vẹt xe ô tô..., phôn cho người tình đến lên xe của ông Lã chạy trốn.

Sau nửa tháng nằm viện điều trị, ông Lã bớt bệnh, xuất viện về nhà nằm điều trị ngoại trú. Về nhà vợ bỏ đi với người tình, nhà chỉ còn hai ba con và con đốm hoa. Cô con gái hàng ngày đi chợ lo cơm cháo cho ba, con đốm hoa suốt ngày quanh quẩn bên ông, thỉnh thoảng lại đến bên cạnh ông, liếm láp vào bàn chân ông như vỗ về an ủi ông chủ. Nhờ có con đốm hoa ông cũng thấy vui vui khi còn một mình ở trong căn nhà trống vắng.

Bệnh gan của ông Lã suốt bốn tháng điều trị, bệnh không giảm mà lại đau nặng. Bụng phồng to như cái trống. Không ngồi được, suốt ngày chỉ nằm ngửa trên giường. Không ăn uống được. Bác sĩ Lê Công Thạnh điều hẳn một y tá tới chăm sóc bạn, điều trị đủ loại thuốc tốt mà bệnh tình không tiến triển. Ông Lã qua đời sau một đêm đau đớn quằn quại.

Đám tang ông Lã do anh em ruột thịt và bác sĩ Thạnh cùng bà con trong phố đứng ra lo liệu chu tất.

Suốt hai ngày, hai đêm quan tài ông Lã đặt chính giữa phòng khách, con đốm hoa nằm ẹp bên cạnh cỗ quan tài, không ăn, không uống, đôi mắt nó đỏ hoe, nước mắt rơi lã chã. Nhìn nó ai cũng thương. Lúc tiễn đưa ông Lã về nơi an nghỉ cuối cùng, con đốm hoa nhảy lên xe tang, nằm bên cạnh cỗ quan tài. An táng xong, mọi người lên xe ra về. Con đốm hoa ở lại, nằm trên mộ ông Lã. Nó nằm cạnh ngôi mộ của ông không rời.

Qua thất thứ hai, chú Ba, người em ruột của ông Lã ra thăm mộ anh, chú Ba giật mình nhìn thấy con đốm hoa đã chết. Không biết nó chết khi nào, thịt đã thối, kiến vàng, kiến đen đậu kín người nó. Nghe mấy người thường ngày làm việc trong nghĩa trang, chăm sóc mộ phần kể: "Sau buổi an táng ông Lã được ba ngày, vào đêm trời mưa gió, bọn tui thấy con chó đốm la khóc thảm thiết, tiếng nó kêu "ăng ẳng" suốt cả tiếng đồng hồ rồi im bặt. Sáng ra thấy nó đã chết".

Chú Ba liền mượn xẻng đào một cái hố sâu, an táng con đốm hoa bên cạnh mộ ông Lã. Vừa an táng xong trời bỗng tối sầm, gió gào thét, sấm chớp lóe sáng rồi mưa ào ào trút xuống. Trận mưa đầu mùa dai dẳng, buồn thương!

Nha Trang, ngày 4-12-2013
Xuân Tuynh

Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Xuân Tuynh
06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang 
DĐ: 0908.625.369-