Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

VỌNG PHU THẠCH 
của Vương Kiến

Thu Tứ

Nguyên văn
Dịch nghĩa
Dịch ra thơ cổ phong
- Trần Trọng Kim
- Nguyễn Bích Ngô
Dịch ra thơ lục bát
- Thu Tứ
*
Trần Trọng Kim cho biết bên Tàu có hai hòn "Đá Ngóng Chồng"; trong bài thơ Vương Kiến là hòn ở Bắc Sơn gần thành Vũ Xương trên bờ sông Dương Tử.

Chỉ hai thôi sao? Nước ta nhỏ hơn nước Tàu nhiều mà có ít nhất năm. Ngoài "Nàng Tô Thị" nổi tiếng ở Đồng Đăng (Lạng Sơn), còn có những nàng trên đỉnh núi Bà (Bình Định), đỉnh núi M'drak (Đắk Lắk), đỉnh núi Nhồi (Thanh Hóa) và bên bờ khe Giai (Nghệ An). "Nàng Khe Giai" cũng đã vào ca dao:

Ngước mắt nhìn sang
Ðá vọng phu ôm con trán ướt
Mắt đăm đăm nhìn nước sông Giai...(1)

Ngoài ra, ở Việt Nam còn có một "Hòn Vọng Phu" không đứng trên đỉnh núi hay bờ sông nào, mà sừng sững trong nhạc Lê Thương:

Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về (...)
Người mong chồng còn đứng muôn năm...

Nguyên văn

Vọng phu thạch

Vọng phu xứ
Giang du du
Hóa vi thạch
Bất hồi đầu
Sơn đầu nhật nhật phong hòa vũ
Hành nhân qui lai thạch ưng ngữ.

Dịch nghĩa

Đá ngóng chồng

Đây là chỗ đứng ngóng chồng
Kìa sông mênh mang
Ai hóa đá
Không ngoái đầu
Đỉnh núi ngày ngày gió quyện mưa
Người đi về đến, đá mới mở miệng.

Dịch ra thơ cổ phong như nguyên tác

Trần Trọng Kim:

Chỗ vọng phu,
Sông chảy mau.
Hóa ra đá,
Không ngoảnh đầu.
Ngày ngày đỉnh núi mưa cùng khói,
Người đi có về, đá mới nói.

Nguyễn Bích Ngô:

Chỗ mong chồng,
Ở bên sông.
Hóa ra đá,
Không ngoảnh trông.
Ðỉnh núi gió mưa ngày tắm gội,
Chồng đá có về đá mới nói.

Dịch ra thơ lục bát

Thu Tứ:

Bản 1:

Mênh mang sông nước đầu non,
Ðợi chồng người đứng hóa hòn đá trơ.
Trải bao năm tháng gió mưa,
Thân mòn, dạ đá vẫn mơ "lại" người!(2)

Bản 2:

Mênh mang sông nước người xa,
Trơ trơ đầu núi ai ra đón chồng.
Gió mưa mưa gió mặc lòng,
Ai chưa về đến ai còn đứng đây...
________

(1) Nguồn: trang vi.wikipedia.org.
(2) Như bánh chưng lại gạo!