Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

TRÚC LÝ QUÁN 
của Vương Duy

Thu Tứ

Nguyên văn
Dịch nghĩa
Dịch ra thơ Đường luật
- Tương Như
- Trần Trọng San
- Thu Tứ
Dịch ra thơ lục bát
- Trần Trọng Kim
- Khương Hữu Dụng
- Nguyễn Lãm Thắng
- Nguyễn Tâm Hàn
- Thu Tứ
*
Gần năm trăm năm trước đó, đã có bảy ông kéo vô ngồi.(1)

"Thất hiền" nghe nói "dô" nhiều, đàn hát dữ, nhưng không thấy để lại thơ thẩn gì về "hoạt động" trong "trúc lâm".

Vương Duy cũng vô rừng trúc, một mình, hình như không rượu, "độc tọa" rồi "độc diễn" tưng bừng, rồi làm luôn một bài "độc thi"...

Đêm "thâm lâm" xưa chỉ trăng sáng biết. Bây giờ "nhân nhân" đều biết.

Nguyên văn

Trúc lý quán

Ðộc tọa u hoàng lý
Ðàn cầm phục trường khiếu
Thâm lâm nhân bất tri
Minh nguyệt lai tương chiếu.

Dịch nghĩa

Nhà trong rừng tre (2)

Một mình ngồi trong rừng tre thanh vắng
Ðánh đàn rồi huýt gió
Rừng sâu không ai biết
Chỉ có trăng sáng đến soi nhau.

Dịch ra thơ Đường luật

Tương Như:

Một mình trong lùm tre
Dạo đàn lại huýt gió
Rừng thẳm chẳng ai hay
Rọi nhau có trăng tỏ.

Trần Trọng San:

Một mình trong khóm trúc
Gảy đàn rồi hát chơi
Rừng sâu không kẻ biết
Trăng sáng chiếu lên người.

Thu Tứ:

Trúc lâm độc nhất hiền!
Ngồi gẩy, huýt liên miên
Xó rừng chân nào tới
Trăng rọi tiểu thần tiên.

Dịch ra thơ lục bát

Trần Trọng Kim:

Một mình giữa đám rừng tre,
Ðánh đàn cao hứng hát nghe một bài.
Rừng sâu nào có ai hay,
Bóng trăng đâu đến chiếu ngay vào mình.

Khương Hữu Dụng:

Riêng ngồi trong lũy tre xanh
Tay đàn miệng huýt một mình mình vui
Rừng sâu ai biết là ai
Chỉ vầng trăng sáng đến soi bên mình.

Nguyễn Lãm Thắng:

Trong lùm trúc vắng một mình
Dạo đàn, huýt sáo gửi tình vào đêm
Rừng sâu ai biết mà tìm
Chỉ vầng trăng sáng êm đềm rọi nhau.

Nguyễn Tâm Hàn:

Một mình bên khóm trúc vàng
Bâng khuâng dạo phiếm tình tang giải sầu
Giữa rừng nào có ai đâu
Chỉ ta và Nguyệt tâm đầu canh khuya.

Thu Tứ:

Rừng tre thanh vắng ngồi chơi
Gẩy đàn tình tính chán rồi lại ca
Nơi đây ai biết đâu mà
Chỉ ông trăng sáng ngân nga với mình.
____

(1) Tức "Trúc lâm thất hiền" đầu đời Tấn.

(2) Có chữ "quán" nghĩa là nhà đạo sĩ ở; có chữ "quán" nghĩa là nhà ở nói chung. Căn cứ vào bản Hán văn trong Đường thi của Trần Trọng Kim thì đây là chữ quán thứ hai.