Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]
HUY CẬN - Tuyển 2

Thu Tứ

Thơ sau Lửa thiêng (1940) và trước Cách mạng tháng Tám
- Suối
- Áo xuân
- Xuân hành
- Trời, biển, gió...
Thơ sau Cách mạng tháng Tám
- Đêm đầu hè
- Bếp đêm vũ trụ
- Ta nằm lưng núi
- Mưa luồn
- Tưởng nghe thầm
- Giá anh nuốt được
*
Ngẫu nhiên, Lửa thiêng (1940) vừa chào đời thì Huy Cận cũng vừa tham gia hoạt động cách mạng. Nhờ bắt đầu "sống đúng", từ đây những lúc cảm nghe vũ trụ nhà thơ mỗi ngày mỗi thấy bớt "lạnh", thêm "ấm"...

Tuyển 1 đã trích một số "vũ trụ ca" làm sau Cách mạng tháng Tám. Tuyển 2 trích thêm tám bài ca vũ trụ nữa, trong số đó có bốn bài Huy Cận sáng tác trong giai đoạn chuyển tiếp từ năm 1940 đến năm 1945.

Ngoài ra, có hai bài "tình ca" cùng một giọng tha thiết, bồng bột, như những vần trong Nhật Ký Yêu...

Dù ca trời ca biển ca sao ca mưa ca gió, hay ca em, tất cả đều làm ta thấy yêu sống, và yêu thơ.

(Đa số bài dẫn theo Thế giới thơ Huy Cận (1987) của Xuân Diệu. Nhiều khi không biết là trọn thi phẩm hay chỉ một phần. Cũng nhiều khi không thấy nhan đề, trong những trường hợp ấy chúng tôi tạm đặt nhan đề.)

Suối

Ờ nhỉ, nước chảy ra biển đâu chỉ nước mưa từ trên trời rơi xuống. Còn nước ngầm từ dưới đất trào lên nữa chứ.

Sóng vào ra, vào ra như tay biển vẫy rối rít! Thủy triều lên như mình biển cố nhích lại gần (tuy chưa được mấy đã phải lùi ra xa)! Cả vẫy lẫn nhích đều không bao giờ ngừng. Đâu đó trong đất liền, dưới mặt đất, "cơ thể nhỏ" của nước cảm nghe tiếng gọi của "cơ thể lớn", bèn dồn hết sức...

Đêm ngày biển gọi thiết tha
Triều lên sóng dậy vang xa tận nguồn
Trở trăn vật vã đòi cơn,
Đội tung cách trở, trào tuôn suối về!

Có một tâm hồn nghệ sĩ may mắn vừa phá được ngục cô đơn, bay vù nhập vào Cách mạng!(1)

--

Nằm trong lòng đất, suối nghe biển
Ân ái xôn xao triều hiển hiện
Biển gọi tha thiết: đất khóc òa
Suối xuống, triều lên: đời bao la... (1943)

Áo xuân

Khi ra khỏi nhà lòng thi sĩ còn chưa sao cả, do "gặp mùa xuân đến giữa đàng" với "lá biếc" với "gió (xuân)" xe duyên, mới bỗng trở nên chan hòa cùng "vĩnh viễn"...

Lòng "hớn hở" như trẻ, "ngào ngạt" như sen, tự dưng "thân" cũng bật lên tiếng "hát", "môi" cũng "nở hoa thiên thu"...

Trong trạng thái cảm thông tuyệt vời đó, âm thanh ("lời chim") có gieo được thành ánh sáng, dệt được thành lụa mây, cũng là tự nhiên...

Vui riêng nhỏ, có vui suốt đời cũng hết đời là hết. Vui chung lớn, thì "phút giây là mãi mãi".(2)

Gió êm lá biếc mối mai,
Lòng người nên một với hoài mãi xuân.
Thiên thu hoa nở một lần,
Nghìn năm còn mãi sáng lâng lâng này...

--

Sớm nay khoác áo màu vô định
Ra gặp mùa xuân đến giữa đàng
Lá biếc đưa thoi xuyên vĩnh viễn
Gió là sợi thắm của thời gian

Ta vận tấm xuân đi hớn hở
Tâm tư ngào ngạt hiến dâng đời
Thân cũng hát lừng cao nhịp lửa
Hoa thiên thu hẹn nở cùng môi...

Lời chim gieo sáng dệt vân sa
Trên bước đường xuân trở lại nhà
Mở sách chép rằng: - Vui một sáng
Nghìn năm còn mãi tấm lòng ta. (1942)

Xuân hành

Mới đọc nhan đề tưởng là bài hành về mùa xuân, đọc hết bài thơ thấy nếu nghĩ nội dung là cuộc đi của mùa xuân, hay xuân đi, thì cũng đúng.

"Đi" đây không phải đi mất rồi như trong "xuân đi xuân đến", mà là đang đi như trong "đoàn quân đi". Xuân hành, như quân hành!

Và cũng như quân Quang Trung đầu xuân Kỷ Dậu, mùa xuân của Huy Cận đi như "sông Nhị dòng hăng nước chảy ào", như "sóng rủ nhau đi bát ngát cười" vang cả biển!

Giữa cuộc trẩy đang hết sức tưng bừng, ai bước nhanh nhất? Chính "ta". "Ta đi mau quá tầm chân người", đi như bay, bay lên "gặp hồn ta trong vũ trụ"!

Xuân hành hay chính... Huy hành!

Xuân Diệu cho biết bài thơ này làm năm 1942.(3) Tức vào khoảng đó, "chàng Huy Cận" đã thôi luôn "sầu lắm"(4) mà đã có những hôm như "hôm nay lòng ta vui". Chắc chàng đang chập chững cố "sống đúng trong xã hội"...(5)

 

Chàng Huy hôm ấy máu xuân sôi
Sông Nhị dòng hăng cũng chịu thôi
Chảy sao cho kịp chân đua gió 

Mấy bước nữa thôi, đã đến... trời!

--

Lượng xuân trời đất vui chưa hết
Sông Nhị dòng hăng nước chảy ào
Máu đời lai láng hòn đất đỏ 

Mạch đời vời vợi lòng sông cao
Nghe đời bước mạnh vần thế núi
Nghe đời thở mạnh lòa trăng sao
Ta đi một mình trên đê nhỏ
Ta góp chân nhanh cùng bốn gió
Ta đi mau quá tầm chân người
Ta gặp hồn ta trong vũ trụ.

Máu xuân chốn chốn sôi mênh mông,
Hoa gọi trời xanh phất quạt hồng.
Ta đi về đâu ta chẳng biết,
Chỉ biết trời xanh là ta say,
Trời xanh hái cụm hoa tinh khiết,
Mỗi bước bừng khơi một suối ngày.
Bà quán bên đường nếp áo nâu,
Xôn xao xuân ý cũng về đâu?
Về đâu thiếu nữ còng vai mạnh
Quá khứ tương lai gánh trước sau?

Về đâu những bước thời gian đã
In dấu mong manh trên cánh đào?
Về đâu hạt bụi vàng thao thức
Theo bánh xe quay vòng khát khao?
Về đâu nhật nồng cùng nguyệt lạnh,
Hai bánh xe quay vòng số mệnh?
Ngồi xe nhật nguyệt cùng Thiên nhiên
Làm bạn đi đường về vô định,
Chỉ biết hôm nay lòng ta vui.
Mà tuổi đất trời còn độ thịnh.

Âm dương chưa hằng mệt,
Bên đường hoa nở tươi.
Mùa vàng đời chửa hết,
Biển vang triều chẳng liệt,
Sóng rủ nhau đi bát ngát cười...

Trời, biển, gió...

Trời to, lá bé. Biển to, buồm bé. Lớn làm bé râm ran, rạo rực...

Đang xanh vàng rực rỡ thế, bỗng nhiên chỉ còn có... thời gian đang thổi không ngừng trong một không gian mênh mông trống rỗng!

Loay hoay "dịch":

Lá biếc say trời xanh
Buồm con vàng biển nắng
Qua mênh mông trống vắng
Thổi trận gió hồng hoang.

Rồi lại "dịch":

Trời xanh lá ran lên
Biển nắng buồm rực lên
Qua trống trời hoang đất
Gió thời gian thổi rền.

--

Trời xanh ran lá biếc
Biển chóa ngập buồm vàng
Gió thổi miền bất diệt
Mây tạnh đất đồng hoang.

Đêm đầu hè

Trăng thơm, Hàn Mặc Tử từng ngửi được:

"... hương trăng đằm thắm cõi không gian",

nên sao có "ngát" cũng tự nhiên thôi, chỉ cần "hồn ta bay" là ta tha hồ ngửi. Mà trong "đêm đầu hè gió nhẹ lâng lâng", "chân đi như có móng triều nâng", hồn dễ bay lắm! Không cần bay cao, vì "trời dãn ra, sao ập xuống gần"!

Này "giữa làn hương khuya" của "gương sen trời" còn có "thoảng mùi hương năm ngoái" của đất nữa đấy. Không gian, thời gian, cái mũi siêu thính của một tâm hồn...

Gió lâng, thêm móng triều nâng
Chân đi trên đất hồn lưng chừng trời
Nhị sao ngan ngát thơm rơi
Đêm nay hay của đêm thời nào qua...

--

Đêm đầu hè gió nhẹ lâng lâng
Trời dãn ra, sao ập xuống gần
Đất thoảng mùi hương năm ngoái lại
Chân đi như có móng triều nâng...

... Đi trong đêm hè, đêm hè đi
Trời tựa gương sen ngát bốn bề
Lấp lánh sao vàng là nhị tủa
Hồn ta bay giữa làn hương khuya...

Bếp đêm vũ trụ

Trời, sao lại có người nhìn sao trời lạ thế!

Hồn Huy Cận chốc chốc bay lên "bếp đêm" thăm lửa sao, chốc chốc bay xuống biển đêm viếng lửa huỳnh... Lên lên, xuống xuống, chả mấy chốc "thoi" đã "dệt" nên tấm thơ!

Bếp đêm hừng cháy giữa trời
Còn đây lửa biển sóng dồi nhấp nhô
Hồn người bỗng "tự ngẩn ngơ"(6)
Lên lên xuống xuống dệt... thơ để đời!

--

Sao sáng lưng trời gió thổi nhen
Bếp đêm vũ trụ lửa soi bền
Ta đi bên sóng, làm thoi dệt
Giữa ánh sao và ánh biển ren.

Ta nằm lưng núi

Xác thịt có tai mắt để nghe ngắm tiếng hình, thì tinh thần cũng có tai mắt để nghe ngắm "không tiếng không hình"...

Đêm núi nằm nghe không tiếng
Và ngắm nghía cái không hình
Đá đang kiên trì hóa lá
Và thời gian nở lặng thinh.

--

... Từng hạt sương về ướt lá cây
Núi ngả màn sương buông tỏa trắng
Giấc êm đất đá lạ lùng thay.

Yên lặng vô cùng, tai hết nghe
Chỉ còn im ắng lắng sương khuya...

(...)

Nở hạt thời gian giữa lặng im
Nằm bên lưng núi giữa chừng đêm
Ta nghe vật chất nghìn kiên nhẫn
Từ đá làm nên ngọn lá mềm. 

Mưa luồn

Huy Cận hình như luôn sẵn sàng mở cả mắt và tai cho mưa từ ngoài trời bay "luồn" tận hồn...

Mưa vốn là hạt nước, vào sâu bên trong bỗng hóa thành hạt cảm xúc. Cảm rơi rơi..., lâu có sợi bay lọt ra ngoài, nhập vào mực bút, chảy xuống giấy!

Bay ngoài là hạt nước thôi,
"Luồn" trong, hóa hạt cảm rơi đầy hồn.
Mưa lòng mãi chẳng dứt cơn,
Lơ thơ vài sợi lọt, tuôn, nên vần!...

--

Nhìn hạt mưa rơi, nghe tiếng mưa
Nửa như hơi biển, nửa sương mờ
Tưởng mình là đất nằm khoan khoái
Nghe sợi mưa luồn như sợi tơ.

Tưởng nghe thầm

Tiếng ngoài nghe ngỡ tiếng trong,
Bởi em xa vẫn giữa lòng anh đây!
Giọng trầm khe khẽ đầu dây,
Bao giờ mày lại cọ mày, hỡi em!

--

Cứ chi chớp bể mưa nguồn!
Nắng vàng gió nhẹ, cũng buồn tương tư
Tiếng đầu dây – thực hay hư?
Nửa bên tai, lại nửa từ xa xăm
Giọng em khe khẽ trầm trầm
Anh nghe quen tưởng nghe thầm trong anh. 

Giá anh nuốt được

Người ta hay nói "thương để bụng", tức thương thầm, thương mà không nói.

Đây là thương muốn... bỏ vô bụng. Dĩ nhiên không được, nên mới... tức, mà nói thành thơ cho ai muốn nghe thì nghe!

Để ý "anh" muốn "nuốt thân ngà em yêu", tức cả xác nữa chứ không chịu chỉ hồn. Thì bạn tâm giao của anh khi yêu cũng không chịu ôm ấp chỉ "bâng quơ cái hồn" mà đòi phải trọn "thân em".(7)

Thương tới nỗi "tưởng nghe thầm"(8), tới nỗi muốn "nuốt", hẳn là thương cái người trong Nhật Ký Yêu (9).

--

Mới gần đã lại cách xa!
Giá anh nuốt được thân ngà em yêu!
Trong anh mỗi sáng mỗi chiều
Có em, anh được thương nhiều em thương. 
___________

(1) Xem bài "Huy Cận - Cảm xúc không gian" của TT.
(2) "Mãi mãi là trong những phút giây" (trong Mãi Mãi của Xuân Diệu).
(3) Trong Thế giới thơ Huy Cận (1987).
(4) Bài Mai Sau của HC: "Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm".
(5) Xem bài "Huy Cận – Cảm xúc không gian" đã dẫn.
(6) "Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ" (Đây Mùa Thu Tới, XD).
(7) Xem Thân Em của XD.
(8) Xem Tưởng Nghe Thầm của HC.
(9) Xem "Huy Cận – Nhật ký yêu" của TT.